Tây Du Ký - Chương 88: Ngọc Hoa cầu sải thánh Hòa Thượng dạy học trò
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
44


Tây Du Ký


Chương 88: Ngọc Hoa cầu sải thánh Hòa Thượng dạy học trò


Nói về bốn thầy trò từ biệt Quận Hầu rồi đi thẳng, Tam Tạng ngồi trên lưng ngựa ngó Hành Giả mà nói rằng:

– Ðồ đệ ôi! Cái công quả nầy hơn việc cứu con nít tại nước Tì Khưu, vì cứu dân cả quận:

Tôn Hành Giả thưa rằng:

– Ấy là tại người ta làm lành mà cảm động, chớ tôi có công chi!

Khi ấy thầy trò đi thẳng một đường, ngày tháng như thoi đưa thấm thoát, gần cuối mùa thu, bốn thầy trò đi bèn lâu, xa xa ngó thấy bóng thành trì khác.

Tam Tạng giơ roi chỉ ngựa mà nói rằng:

– Ngộ Không, ngươi xem chỗ ấy có thành trì phải, song không rõ là xứ gì?

Nói chưa dứt lời, xảy thấy trong bụi cây, có một ông già bước ta.

Tam Tạng vội vã nhảy xuống ngựa, bước tới bái chào.

Ông già ấy đáp lễ hỏi rằng:

– Trưởng lão ở đâu đến đây?

Tam Tạng chắp tay thưa rằng:

– Bần tăng ở Ðông độ, vưng chỉ Ðường thiên tử qua Lôi âm lạy Phật thỉnh kinh. Nay đến chốn nầy chẳng biết hiệu quý xứ là chi, xin ông làm ơn cắt nghĩa.

Ông ấy nghe nói khen rằng:

– Thầy thiệt là có đạo đức, xứ nầy là Thiên Trúc quốc hạ quận, gọi là châu Ngọc Hoa, ông chủ thành nầy là tôn thất của vua Thiên Trúc phong làm Ngọc Hoa Vương, rất hiền lành kính tăng trọng đạo, yêu nước thương dân, nếu lão thiền sư ra mắt, chắc là trọng đãi vô cùng.

Tam Tạng tạ ơn, còn ông già đi thẳng vào rừng.

Khi ấy Tam Tạng quay ngựa lại, thuật chuyện ấy cho các đồ đệ hay. Rồi đi thẳng tới thành, thấy có người buốn bán rất đông, dân cư giàu có, coi hình dung và lời nói cũng y một cách Trung nguyên, Tam Tạng dặn dò đồ đệ kiêng dè chẳng nên lổ mãng.

Bát Giới cúi đầu xuống, Sa Tăng che mặt quỷ thần, còn Tôn Hành Giả dắt thầy đi, thiên hạ hai bên đồng ra coi đông lắm, đồng nói rằng:

– Xứ ta có thầy chùa đánh cọp bắt rồng, chưa từng thấy Hòa Thượng thâu heo bắt khỉ.

Bát Giới nín không đặng, hất mỏ lên nói rằng:

– Các ngươi có thấy hòa thượng thâu Trư vương hay sao?

Ai nấy đồng ngã lăn bò càng bò niễn, đều tránh qua hai bên đường.

Bát Giới cúi mặt cười ngất đi khỏi cầu vào trong thành, thấy rần rộ đầy đường, dinh dãy nghiêm trang, thiệt đáng chỗ kinh đô thị tứ hơn hết.

Tam Tạng khen thầm rằng:

– Người ta nói nước Tây vức thuộc về nước Phiên mà chưa từng ngó thấy. Nay mình đến coi lại, không khác chi nước Ðại Ðường, thiệt là cõi vui vẻ lắm!

Thuở nay thiên hạ đồn rằng:

– Xứ nầy một hột gạo trắng có bốn chỉ bạc, một cân dầu mè có tám lai; thiệt là xứ đất tốt, nên trúng mùa màng mới đặng rẻ như vậy.

Ði bèn lâu mới tới đền vua Ngọc Hoa, trước thành vua: Bên tả, bên hữu có nhà công phũ xử đoán, lại có nhà đãi khách.

TamTạng nói:

– Ðây đã đến vương phủ, để ta vào chầu vua xin ghi điệp mà đi, còn các ngươi vào khách quán mà nghỉ. Ðợi ta ra mắt vua Ngọc Hoa nếu có truyền đãi tiệc chay, thì ta sẽ kêu các ngươi ngồi cả.

Sa Tăng gánh đồ hành lý vào khách quán.

Những người quán ấy thấy các sải xấu xa dữ tợn, nên không dám hỏi thăm, tránh chỗ cho ba ông ngồi nghỉ.

Còn Tam Tạng sửa sang áo mão, cầm điệp thông quan đi thẳng vào vương phủ, có quan dẫn lễ nghinh tiếp hỏi rằng:

– Trưởng lão ở đâu đến đây?

Tam Tạng thưa rằng:

– Bần tăng ở Ðông độ, vưng chỉ Ðường thiên tử qua Lôi âm lạy Phật thỉnh kinh.Nay đến quý quốc xin ghi điệp thông quan, nên vào chầu thiên tuế.

Quan dẫn lễ vào tâu lại.

Khi ấy Ngọc Hoa Vương mừng rỡ, truyền chỉ mời vào.

Tam Tạng đến trước đền làm lễ. Ngọc Hoa Vương thỉnh Tam Tạng lên đền cho ngồi rên ghế cẩn ngọc.

Tam Tạng dưng điệp thông quan.

Ngọc Hoa Vương xem điệp, thấy có các nước đóng ấn ký tên, nên vui lòng cũng ký tên đóng ấn, xong rồi đưa lại cho Tam Tạng, rồi hỏi rằng:

– Quốc Sư từ Ðại Ðường đến đây, trải qua các nước, cọng phỏng bao nhiêu dặm đường?

Tam Tạng tâu rằng:

– Bần tăng không nhớ bao nhiêu dặm, song năm trước nhờ ơn Quan Âm bồ tát, hiện hình trước đền vua tôi có cắt nghĩa rằng:

– Ðường đi Tây Phương mười muôn tám ngàn dặm, Bần tăng đi đã mười bốn mùa nắng mưa.

Ngọc Hoa Vương cười rằng:

– Mười bốn mùa nắng mưa, là mười bốn năm trọn; chắc là đi dọc đường có chuyện chi trể nải?

TamTạng tâu rằng:

– Chuyện ấy kể không xiết, gặp yêu tinh và họan nạn dư ngàn, chịu không biết bao nhiêu khổ sở đi mới đến đây.

Ngọc Hoa Vương khen ngợi, ngồi truyền quan Ðiển thiện dọn yến chay thiết đãi.

Tam Tạng chắp tay tâu rằng:

– Còn ba đứa tệ đồ chờ đợi ngoài quán, nên bần tăng không dám phó trai, sợ trể nải đường đi nước bước.

Ngọc Hoa Vương truyền chỉ, sai quan Ðương Ðiện đi thỉnh ba vị đồ đệ, đồng vào dự tiệc chay.

Khi ấy quan Ðương Ðiện Phụng chỉ ra quán thấy có sải xấu xa, hồ nghi là đó, liền hỏi người giữ quán rằng:

– Ngươi có biết đệ tử Ðường trưởng lão là ai chăng? Ðại vương mời vào dự tiệc với trưởng lão.

Bát Giới đương ngủ gục, nghe tiếng thỉnh phó trai, mừng quýnh nhảy dựng mà nói rằng:

– Chúng tôi ở đây.

Quan Ðương Ðiện ngó thấy run sợ song làm gan mời thỉnh.

Ba anh em đồng theo vào Vương phủ Quan Ðương Ðiện vào trước tâu rằng:

– Ba hòa thượng vào đó.

Ngọc Hoa Vương ngó thấy tướng dữ cũng ghê mình!

Tam Tạng chắp tay tâu rằng:

– Xin thiên tuế an tâm, tệ đồ tuy tướng hung hăng, mà lòng lương thiện.

Bát Giới liền bái mà nói rằng:

– Bần tăng ra mắt thiên tuế.

Ngọc Hoa Vương nghe tiếng giựt mình!

Tam Tạng tâu rằng:

– Mấy đứa học trò tôi thâu dọc đường, nên chúng nó quen theo thói rừng, không biết làm lễ, xin thên tuế thứ tội?

Ngọc Hoa Vương chưa từng thấy yêu nên khó chịu lắm.

Truyền quan Ðiển Thiện mời bốn thầy ra Bộc Sa đình ăn tiệc, TamTạng tạ ơn, rồi đi với các đệ tử, đồng đến Bộc Sa đình.

Khi ấy quan Ðiển Thiện truyền các người bộ hạ dọn bàn tiệc đãi đằng, bốn thầy trò ăn uống hĩ hả.

Còn Ngọc Hoa Vương bải chầu vào cung, có ba vị vương tử tiếp giá tâu rằng:

– Chẳng hay phụ vương nhơn vì chuyện chi mà biến sắc?

Ngọc Hoa Vương phán rằng:

– Khi nảy có Hòa Thượng ở nước Ðại Ðường đi thỉnh kinh, vào đền xin ghi điệp, trẫm thấy hòa thượng ấy hình dung nghiêm chỉnh, tướng mạo phong tân nên cầm lại đãi yến; Hòa Thượng ấy nói có ba người độ đệ đi theo, nên trẫm mời vào ăn tiệc. Chẳng ngờ chúng nó bước vào không làm lễ, bái một cái mà thôi, trẫm lấy làm không đẹp ý, đến khi ngó thấy đứa nào cũng như yêu tinh, trong lòng bắt kinh hãi, bởi cớ ấy nên thất sắc.

Nguyên ba vị Vương tử không phải như người thường, anh nào cũng võ nghệ cao cường tánh mạnh bạo lắm, nghe nói liền xăng tay áo mà nói rằng:

– Nói vậy nó là yêu tinh ở núi nào, giả làm hình người đó, để chúng tôi cầm binh khí đi ra coi thử.

Nói rồi người lớn cầm Thiết bảng, người thứ nhì cầm một Ðinh ba, người thứ ba cầm cây gậy hầm hầm chạy ra vương hét lớn rằng:

– Hòa Thượng nào đi thỉnh kinh ở đâu?

Khi ấy có ông quan Ðiển thiện quì xuống tâu rằng:

– Tiểu chúa ôi, chúng nó ăn tiệc chay ngoài Bộc Sa đình.

Các vương tử không biết phải quấy, chạy rầm tới nạt rằng:

– Các ngươi thiệt người ta hay là yêu quái nói cho mau kẻo ta ra tay mà chết?

Tam Tạng hết hồn buông chén cơm xuống, bái mà nói rằng:

– Bần tăng ở tại nước Ðại Ðường đi thỉnh kinh, chớ không phải yêu quái.

Các Vương tử nói:

– Ngươi còn giống hình người, còn ba người dữ tợn kia, chắc là yêu quái.

Bát Giới cứ ăn cơm không thèm nói tới.

Sa Tăng và Hành Giả nói rằng:

– Chúng ta thiệt là người, mặt tuy dữ mà lòng lành, mình tuy thô mà tánh tốt, chẳng hay ba vị là người nào, mà nói lớn lối như vậy?

Có các quan Ðiển Thiện thưa rằng:

– Ba ông nầy là con của chúa tôi.

Bát Giới buông chén cơm nói rằng:

– Các Ðiện hạ đều cầm binh khí làm chi, hay là muốn đánh với chúng ta chăng?

Khi ấy Nhị Vương tử liền múa đinh ba xốc lại, Bát Giới cười ha hả nói rằng:

– Cái đinh ba của ngươi, nó cũng bằng con cháu cái đinh ba của ta.

Nói rồi trật áo lưng, lấy đinh ba ra giá một cái hào quang sáng giới, múa ít cái coi là con mắt. Nhị Vương tử thất kinh tay chơn rủ riệt không dám múa men nữa.

Còn Tôn Hành Giả thấy Ðại vương tử cấm thiết bảng múa men.

Tôn Hành Giả lấy kim trong lỗ tai dồi lên hiện ra Thiết bảng bằng cái chén, dài một trượng hai, dộng dưới đất một cái lún hơn ba thước, dựng tại đó cười rằng:

– Thôi ta cho ngươi cây thiết bảng đó.

Ðại vương tử bỏ Thiết bảng của mình, nhổ thiết bảng ấy,nắm hai tay rán sức mà nhổ, chẳng hề nhút nhích chút nào!

Tam vương tử nổi nóng, cầm gậy xông tới, bị Sa Tăng xô ra, rồi rút Bữu trượng giá lên, hào quang chiếu sáng!

Các quan đãi ăn kinh hồn, đứng chết trân, nói không ra tiếng!

Ba vị vương tử đồng quỳ lạy thưa rằng:

– Thần sư ôi! Chúng tôi là người phàm tục không biết chi. Xin làm ơn đi vài đường cho chúng tôi học với?

Tôn Hành Giả lại nhổ thiết bảng lên nhẹ hỏng mà nói rằng:

– Chỗ nầy chật hẹp dở tay không đặng. Ðể ta nhảy lên thinh không đi ít đường thiết bảng cho ngươi coi.

Nói rồi hú một tiếng liền nhảy lên mây, múa một đường Tái hoa cữ đãnh, thiết bảng đỡ trên đầu như vải bông dở đầu kín mít, rồi đi một đường Huỳnh long chuyển thân như con rồng uốn khúc; hoặc đánh tả hoặc đánh hữu, khi đập dưới, khi đập trên, ban đầu người với thiết bảng như gấm thêu hoa, rút lại không thấy hình người, thấy một cấy thiết bảng múa trên trời vì múa mau quá!

Còn Bát Giới ở dưới khen hay, rồi nói rằng:

– Ðể lão Trư đi chơi với!

Nói rồi nhảy vọt lên mây, múa đinh ba đánh trước đánh sau, đập tà đập hữu, đỡ giáp vòng mình, đến nổi sanh giông sanh tố.

Khi ấy Sa Tăng thưa với Tam Tạng rằng:

– Xin cho Lão sa đi diễn võ một lát.

Nói rồi nhảy vọt lên mây múa bửu trương vo vo, hào quang sáng lòa, hơi lên ngui ngút, coi hình như phụng bay cọp nhảy, và đánh và đỡ, coi chẳng muốn thấy hình.

Ba anh em múa trên mây, ra oai diễn võ ba vị Vương tử hãi kinh đồng quì dưới đất. Các quan tại Bộc sa đình coi cũng mê con mắt, và Ngọc huê vương bá văn võ và cả thành đồng lạy và niệm phật vang tai.

Ba anh em ra oai diễn võ một hồi, rồi nhảy xuống cất hết binh khí, lạy thầy rồi về chổ mà ngồi.

Ba vị Vương tử vội vàng về cung tâu với Ngọc Hoa Vương rằng:

– Phụ vương ôi, may lắm, may lắm! Hồi nảy phụ vương có thấy ba vị diễn võ trên mây chăng?

Ngọc Hoa Vương phán rằng:

– Khi nãy ta tới Vương phi thấy hào quang trên mây chiếu xuống, ngỡ là thần tiên giáng hạ, nên thắp hương làm lễ mới rồi.

Ba vị Vương tử tâu rằng:

– Không phải thần tiên giáng hạ, ấy là ba người đệ tử xấu tướng của sải thỉnh kinh, một người cầm thiết bảng, một người cầm đinh ba, một người cầm bửu trượng, sánh với binh khí của chúng tôi, thì của chúng tôi không bằng một mảy, chúng tôi bảo ba ông ấy đi chơi một đường coi thử, họ chê dưới đất chật hẹp, múa men không tiện, nên nhảy lên diễn võ trên mây, mới chiếu hào quang sáng giới! Họ mới nhảy xuống ngồi tại Bộc Sa đình. Con lấy làm vui mừng lắm, ý muốn kính làm thầy mà học võ nghệ, đặng giữ gìn trong nước tì có ích lắm! Chẳng biết ý phụ vương như thể nào?

Ngọc Hoa Vương nghe nói lòng tin, cũng nhiệm theo lời ấy.

Khi ấy bốn cha con chẳng giàng xe, không che lọng, đi bộ tới Bộc Sa đình.

Lúc ấy bốn thầy trò đuơng sửa soạn hành lý, muốn vào vương phủ từ tạ mà đi.

Xảy thấy cha con Ngọc Hoa Vương đồng đén nhà mát, liền cúi đầu làm lễ, ba anh em Hành Giả đứng nép một bên, mà chuốm chiếm cười.

Bốn cha con lạy rồi, mời bốn thầy trò vào vương chủ mà ngồi.

Ngọc Hoa Vương đứng dậy bạch rằng:

– Sư phụ ôi! Trẫm muốn khẩn cầu một chuyện, không biết ba vị cao đồ chịu hay chăng?

Tam Tạng tâu rằng:

– Tùy ý thiến tuế sai bảo.

Ngọc Hoa Vương bạch rằng:

– Khi trẫm thấy các vị mới tới, ngỡ là sải phương sa, vì trẫm mắt thịt tai phàm, nên không lấy làm kính trọng cho lắm! Nay mới thấy ba vị cao đồ lên múa trên mây, mới hay là tiên phật xuống phàm. Nguyên trẫm có ba đứa con tánh ham võ nghệ, nay chúng nó có lòng thành, muốn làm đệ tử học chút võ nghệ giữ mình, cúi xin mở lòng trời đất mở lòng truyền nghề cho con trẫm, thì trẫm sẽ lấy bạc vàng trong nước mà làm lễ tạ ơn.

Tôn Hành Giả cười hả ha nói rằng:

– Ðiện hạ không biệt chuyện! Lẽ nào sải thỉnh kinh mà dạy học trò!

Ngọc Hoa Vương cứ năn nỉ mãi.

Tôn Hành Giả nói:

– Lịnh lang đã có lòng muốn học hành thì tình mà ở cũng đủ, phải nói sự tiền bạc làm chi. Tôi là người tu hành, chẳng tham lợi mà dạy, miễn là noi theo ý hiền lành mà thôi.

Ngọc Hoa Vương nghe nói mừng rỡ bạch rằng:

– Trẫm kính vâng lời thầy dạy.

Nói rồi truyền dọn yến chay tại Vương phủ đờn ca xướng hát tưng bừng; đãi bốn thầy trò cách trọng thể.

Mãn tiệc thì trời đã tối, Ngọc Hoa Vương truyền quan dọn bốn phòng tử tế, tại Bộc Sa đình, niệm gối mùng mền xinh tốt, mời thầy vào đó nghỉ ngơi.

Rạng ngày bốn cha con Ngọc Hoa Vương đồng đến ra mắt; hôm qua còn theo lễ điện hạ, bữa nay ra lễ thầy trò: Ba vị Vương tử đồng lạy ba thầy rồi hỏi rằng:

– Chẳng hay binh khí của sư phụ để đâu, xin cho môn nhơn xem thử?

Bát Giới, Sa Tăng cười chuốm chiếm rồi lấy đinh ba và bửu trượng ra dựng tại trước mặt.

Khi ấy Nhị vương tử và Tam vương tử mừng rỡ, kẻ xách đinh ba, người lấy bửu trượng, khác nào chuồn chuồn đeo cột đá, không nhúc nhích chút nào, rán đỏ mặt đỏ mày lúc lắc hoài không đặng.

Còn Ðại vương tử ngó thấy, liền kêu hai em dứt rằng:

– Chẳng nên rán làm chi cho mệt sức, binh khí của sư phụ là đồ thần, không biết nặng bao nhiêu mà nói!

Bát Giới cười rằng:

– Cái đinh ba của tôi không nặng chi cho lắm, tính và cán thì đủ số: Một tạng năm ngàn bốn mươi tám cân.

Tam vương tử thưa rằng:

– Chẳng hay cây Bửu trượng của thầy nặng bao nhiêu?

Sa Tăng cười rằng:

– Cũng vậy, nặng một tạng năm ngàn bốn mươi tám cân mà thôi.

Ðại vương tử xin đưa Thiết bảng xem thử, Tôn Hành Giả móc cây kim trong lỗ tai ra, đưa lên hứng gió liền dài và lớn bằng cái bát, dựng cao một trượng hai, trơ trơ như cột đồng, ai nấy ngó thấy đều lấy làm lạ!

Ba vị Vương tử đồng quỳ lạy thưa rằng:

– Sa sư, Trư sư đều cất binh khí sau lưng, sao Tôn Sư lại cất trong lỗ tai, mà móc ra thấy gió lại lớn cao quá lẽ?

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Bởi các ngươi không biết, chớ thiết bảng nầy không phải vật phàm trần.Nguyên trước vua Ðại võ dùng cột sắc mà dằn đáy biển, ta có phần mới đặng nó mà dùng, hai đầu có bịt vàng muốn biến hóa thế nào cũng đặng, nên gọi là Như ý Kim cô bảng, nặng một muôn ba ngàn năm trăm cân, chẳng phải sắt tầm thường, nên biến hóa vô cùng.

Các Vương tử nghe nói, đồng kính tin cúi lạy.

Lạy rồi xin thầy truyền nghề, Tôn Hành Giả hỏi:

– Các ngươi muốn học món binh khí nào?

Ba vị Vương tử thưa rằng:

– Cầm thiết bảng thì học thiết bảng, cầm đinh ba thì học đinh ba, cầm gậy thì học gậy.

Tôn Hành Giả cười rằng:

– Dạy như vậy cũng dễ, ngặt chúng bây không đủ sức mạnh nên dùng không nổi binh khí của ta, e học mà không rành nghề, cũng như vẻ chẳng nên hùm, coi giống hình chó. Các ngươi có lòng thành, phải thắp hương mà lạy trời đất, trước ta truyền sức mạnh cho ngươi, rồi sau mới dạy võ nghệ.

Ba vị Vương tử nghe trong lòng mừng rỡ, liền đi khiêng bàn hương án rửa tay thắp hương lạy trời xong xả, xin thầy truyền phép cho mình.

Tôn Hành Giả bước xuống làm lễ Tam Tạng mà thưa rằng:

– Xin thầy tha tội đệ tử, nay ba người con của hiền vương đã lạy chúng tôi mà học võ nghệ, chúng nó đã làm đệ tử tôi, là học trò cháu của thầy; vậy tôi phải bẩm với thầy, rồi mới dạy chúng nó.

Khi ấy Bát Giới, Sa Tăng thấy Hành Giả làm lễ, cũng bắt chước lạy Tam Tạng mà thưa rằng:

– Xin thầy ngồi trên cao mà coi, để hai đứa tôi tập hai đứa đồ tôn thầy coi mà giải muộn, kẻo hỏng nảy việc đi Tây Phương.

Tam Tạng vui vẻ liền ừ.

Tôn Hành Giả bảo ba vị Vương tử ra sau Bộc Sa đình, rồi vẽ sao Bắc đẩu, Thiên can trong nhà vắng; bảo ba người quì mọp trong nhà ấy nắm mắt cho đều. Tôn Hành Giả liền niệm chú. Niệm rồi thổi một hơi vào trong bụng ba người, lại truyền thần chú, đều đặng sức mạnh muôn cân làm như đổi xác. Làm phép rồi ba vị Vương tử mới tỉnh lại, lồm cồm chờ dậy một lượt, chui mày dụi mắt, chuyển động tinh thần, thì biết sức rất nên mạnh bạo.

Khi ấy Ðại Vương tử cầm nổi thiết bảng kim cô, Nhị Vương tử cầm nổi đinh ba của Bát Giới, Tam Vương tử cầm nổi cây gậy Hàng yêu, Ngọc Hoa Vương mừng rỡ vô cùng, lại dọn tiệc chay thiết đãi.

Ăn tiệc xong rồi thầy nào dạy trò nấy, Ðại Vương tử học thiết bảng thì tập thiết bảng; Nhị Vương tử học đinh ba thì tập đinh ba; Tam Vương tử học gậy thì tập gậy. Tuy đả thông đường đất, và biết phép giải, song chưa đủ sức, nên tập một hồi thì thở ồ ồ, chịu lâu không đặng.

Bởi đồ binh khí ấy có phép thần thông biến hóa, còn ba người nầy là phạm phu, nên không dùng đặng như ba thầy cả.

Bửa sau ba vị Vương tử đến, lạy tạ ơn rằng:

– Cám ơn thầy thêm sức lực, tuy là cầm nổi binh khí của thầy, song day trở còn khó lòng lắm! Y¨ tôi muốn bảo thợ nó rèn theo dáng binh khí của thầy, song giảm bớt cân lượng, song chưa rõ sư phụ có cho chăng?

Bát Giới nói:

– Nói như vậy thì phải lắm! Khí giới của chúng ta, một là các ngươi dùng không nổi, hai là chúng tôi phải đem theo mà đánh yêu;thiệt là đáng làm khác lắm.

Ba vị Vương tử liền đòi thợ rèn, mua gan và sắt cả muôn cân, rồi cất trại dựa bên vương phủ, nổi lò bể rèn đúc trước một bửa, rèn gan sắt cho chín, bửa sau xin ba thầy đưa ba món binh khí, để cho thợ rèn lấy kiểu rèn theo dáng ấy; ngày đêm không nghỉ.

Nguyên ba món binh khí ấy là vật báu tùy thân không rời một khắc; nay bỏ liều mấy bửa trong trại, nên hào quang chiếu sáng trời đất!

Khi ấy có một con yêu, ở cách thành chừng bảy chục dặm, tại động Hồ khẩu, thuộc về núi Báo đầu. Nhằm lúc ban đêm con yêu thấy hào quang chiếu sáng, liền đằng vân đến xem, thấy hào quang ở trong vương phủ, liền xuống vương phủ mà coi, thấy ba binh khí chiếu hào quang; con yêu mừng rỡ khen rằng:

– Bửu bối tốt lắm! Không biết của ái đó? Ấy là phước phần của ta, không lấy thì uổng lắm.

Nói rồi nổi trận giông lấy hết ba món bay về động.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN