Điệu Vũ Bên Lề - Chương 22
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
141


Điệu Vũ Bên Lề


Chương 22


Ngày 25 tháng Mười Hai, 1991

Bạn thân mến,

Tôi đang ngồi trong căn phòng ngủ cũ của ba ở Ohio. Cả nhà vẫn còn ngồi với nhau dưới lầu. Tôi thấy trong người không ổn chút nào. Không biết cụ thể là bị sao nữa, nhưng tôi bắt đầu thấy sợ. Ước gì tối nay nhà tôi đi về, nhưng năm nào nhà tôi cũng ngủ lại, lệ là thế rồi. Tôi không muốn kể cho mẹ hay, vì như vậy chỉ làm bà lo lắng. Tôi định kể cho Sam và Patrick nghe, nhưng hôm qua hai người không gọi. Sáng nay nhà tôi dậy mở quà xong là đi luôn. Có lẽ chiều nay hai người mới gọi. Mong là không, vì chiều nay tôi đâu có nhà. Mong là tôi kể bạn nghe những chuyện này được. Đơn giản là tôi không biết làm sao. Khi cảm giác này tràn đến, tôi luôn thấy buồn thê thảm, và ước ao Michael đang bên cạnh. Cả dì Helen nữa. Tôi nhớ dì Helen như vậy đó. Đọc sách lúc này cũng không ích gì. Tôi không biết nữa. Đơn giản là tôi nghĩ nhanh quá. Nhanh quá chừng. Như đêm nay.

Cả nhà xem Cuộc sống tuyệt vời, bộ phim thật đẹp đẽ. Và tất cả những gì tôi nghĩ được là tại sao họ không làm phim về chú Billy? George Bailey là một người quan trọng trong thị trấn. Nhờ có chú mà nhiều người thoát khỏi cảnh sống trong khu nhà ổ chuột. Chú cứu được cả thị trấn, rồi khi ba chú mất, chỉ còn chú tiếp tục gánh vác sứ mệnh ông để lại. Chú muốn sống đời phiêu lưu, nhưng rồi ở lại và từ bỏ những giấc mơ riêng để phục vụ cộng đồng. Rồi khi gánh nặng lớn quá khiến chú buồn, chú định tự sát. Chú muốn chết vì khoản tiền bảo hiểm nhân thọ sẽ đủ nuôi sống gia đình chú. Và rồi một thiên thần giáng thế, chỉ chú thấy cuộc đời sẽ ra sao nếu chú chưa từng hiện hữu trên đời. Cả thị trấn sẽ phải chống chịu ra sao. Và người vợ của chú sẽ rơi vào cảnh “gái ế” ra sao. Năm nay, đến chị tôi cũng không phàn nàn là phim sao mà lỗi thời này nọ. Mấy năm trước, chị luôn bình phẩm về chuyện cô Mary trong phim phải làm lụng kiếm sống, và không lấy chồng không có nghĩa cô vô dụng. Nhưng năm nay chị không nói vậy. Tôi không biết tại sao. Tôi nghĩ có lẽ là vì chị đã có anh chàng bí mật. Hay bởi chuyện xảy ra trong xe lúc cả nhà trên đường tới thăm bà tôi. Tôi muốn có bộ phim nói về chú Billy, đơn giản vì chú nhậu nhẹt quá nhiều, đâm phì nộn và làm mất tiền ngay từ đầu. Tôi muốn thiên thần giáng thế và chỉ mọi người thấy cuộc đời chú Billy có ý nghĩa nhường nào. Rồi sau đó, tôi sẽ thấy khá hơn.

Mọi chuyện bắt đầu hôm qua, khi tôi còn ở nhà. Tôi không thích sinh nhật. Không thích tí nào. Tôi đi mua quà cùng mẹ và chị, mẹ tôi bực bội vì chỗ đậu xe, còn chị nhấm nhẳng vì không thể lén mẹ mà mua quà cho anh chàng bí mật của chị. Thế nghĩa là chị sẽ phải tự quay lại mua sau. Và tôi thấy kỳ cục. Thật sự kỳ cục, bởi lúc đi lòng vòng trong cửa hàng, tôi không biết ba thích tôi tặng ông quà gì nữa. Tôi biết mua món gì để tặng Sam và Patrick, thế mà lại không biết nên mua, nên tặng hay nên làm thứ gì cho cha ruột của mình. Anh tôi thích áp-phích các cô xinh đẹp và bia lon. Chị tôi thích phiếu chăm sóc tóc. Mẹ tôi thích phim xưa và cây kiểng. Ba tôi chỉ thích chơi golf, và đó không phải là môn thể thao mùa đông, ngoại trừ ở Florida, mà nhà tôi không sống nơi ấy. Ba cũng không còn chơi bóng chày nữa. Thậm chí ông không thích ai nhắc tới bóng chày, trừ khi chính ông kể chuyện. Tôi đơn giản muốn biết nên mua quà gì để tặng ba, vì tôi thương ông. Và tôi không hiểu ông. Ông cũng không thích nói về những chuyện đó.

“Chà, hay là con hùn với chị mua cho ba cái áo khoác len đó đi?”

“Con không muốn vậy. Con muốn tự mua cho ba gì đó. Ba thích loại nhạc gì?”

Ba tôi không còn nghe nhạc mấy nữa, và những băng nhạc ông thích, ông đã có.

“Ba thích đọc loại sách gì?”

Ba tôi không còn đọc sách mấy nữa, bởi ông nghe băng sách nói trên đường đi làm, và thứ ấy ông lấy trong thư viện mà không tốn tiền.

Ba thích loại phim gì? Ba thích thứ gì?

Chị tôi quyết định tự mua cái áo khoác len. Rồi chị bắt đầu nổi cáu với tôi vì chị cần có thời gian để trở lại cửa hàng mua món quà nọ cho anh bạn trai bí mật của chị.

“Ôi trời ơi, mua quách cho ông già vài trái banh golf đi, Charlie.”

“Nhưng môn đó phải đến hè mới chơi được.”

“Mẹ ơi, bảo nó mua gì mau đi?”

“Charlie. Bình tĩnh con. Ổn mà.”

Tôi thấy buồn quá. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Mẹ đang cố thật dịu dàng bởi vì mỗi khi tôi bị như thế này, bà cố gắng rất nhiều để giữ mọi chuyện ổn thỏa.

“Con xin lỗi mẹ.”

“Không. Chẳng có gì đâu. Con muốn mua món quà hay cho ba là điều tốt mà.”

“Kìa mẹ!” Chị tôi nổi khùng.

Mẹ tôi còn chẳng thèm ngó chị.

“Charlie ơi, con cứ mua cho ba bất cứ gì con muốn. Mẹ biết ba sẽ thích mà. Nào, bình tĩnh lại con, ổn cả thôi.”

Mẹ tôi dẫn tôi lại bốn quầy hàng khác nhau. Tới mỗi quầy, chị tôi ngồi phịch xuống cái ghế gần nhất mà ta thán. Rốt cuộc cũng đến được một nơi vừa ý. Tiệm bán phim ảnh. Rồi tôi tìm được cuộn băng video tập cuối của phim M*A*S*H không có mấy đoạn quảng cáo xen ngang. Tôi cảm thấy khá hơn nhiều. Rồi tôi bắt đầu kể với mẹ ý định cả nhà cùng ngồi lại xem tập phim đó.

“Mẹ biết mà Charlie. Bữa đó mẹ cũng xem mà. Đi nào. Ai mà không biết.”

Mẹ bảo chị đừng có nhặng xị, rồi mẹ lắng nghe tôi kể câu chuyện mà mẹ đã biết rồi, ngoại trừ khúc ba tôi khóc vì đó là bí mật giữa hai cha con thôi. Mẹ tôi còn bảo tôi kể chuyện thật là hay. Tôi thương mẹ tôi. Và lần này, tôi nói với bà là tôi thương bà. Rồi bà bảo là bà cũng thương tôi. Thế là mọi thứ tạm ổn được một lát.

Nhà tôi ngồi bên bàn ăn, chờ ba tôi đi đón anh tôi ở phi trường về. Ông về trễ lắm, và mẹ tôi bắt đầu lo lắng vì ngoài trời tuyết đang rơi rất dày. Mẹ giữ chị ở nhà bởi bà cần chị phụ làm bữa tối. Bà muốn bữa ăn thật thịnh soạn để đãi anh tôi và đãi tôi, bởi vì hôm nay anh tôi về nhà, và sinh nhật tôi nữa. Nhưng chị tôi chỉ muốn mua quà cho anh bạn trai của chị. Chị cáu ghê lắm. Chị giống như mấy cô gái hay mè nheo trong phim thời thập niên 1980, và mẹ tôi cứ thêm từ “quý nương” sau mỗi câu nói với chị.

Rốt cuộc ba tôi gọi về, báo vì tuyết dày nên chuyến bay của anh tôi sẽ đáp rất trễ. Tôi chỉ nghe được cuộc đối thoại bên đầu dây của mẹ.

“Nhưng tối nay mừng sinh nhật thằng Charlie mà! Em không bắt anh phải làm cái gì hết. Nó lỡ chuyến à? Em chỉ hỏi là… Em chỉ muốn hỏi… Em không có đổ lỗi tại anh, không phải… Sao mà giữ cho đồ nóng được, món ăn sẽ khô queo cho xem… Gì chứ, món khoái khẩu của nó mà…Vậy thì em cho bọn nó ăn cái gì… Tất nhiên là bọn nó đói meo… Anh trễ cả tiếng đồng hồ rồi… Lẽ ra anh phải gọi sớm chứ…”

Tôi không biết mẹ tôi nói chuyện trên điện thoại bao lâu, bởi vì tôi không thể ở đó mà nghe tiếp nữa. Tôi lên phòng đọc sách. Dù sao thì tôi hết đói rồi. Tôi chỉ muốn được yên tĩnh. Một lát sau, mẹ tôi vào phòng. Bà bảo ba vừa gọi lại, và nửa tiếng nữa chắc hai cha con về tới. Mẹ hỏi tôi có gì không ổn không. Tôi biết mẹ không phải đang nói tới chị tôi hay chuyện mẹ với ba cãi nhau trên điện thoại, đơn giản bởi chuyện như thế thi thoảng vẫn xảy ra. Mẹ chỉ thấy hôm nay tôi rất buồn, và bà không nghĩ ra lý do là mấy đứa bạn của tôi đi xa bởi vì ngày hôm qua tôi trông vẫn ổn, sau khi đi trượt tuyết về.

“Có phải vì nhớ dì Helen không con?”

Chính câu hỏi ấy khiến tôi bắt đầu lâm nguy.

“Thôi nào, đừng làm vậy mà con. Charlie.”

Nhưng tôi làm điều đó. Giống như vẫn làm mỗi năm, vào ngày sinh nhật.

“Con xin lỗi.”

Mẹ tôi không cho tôi nói về nó. Bà biết rằng tôi đã ngừng nghe và bắt đầu thở dốc. Bà che miệng và chùi mắt cho tôi. Tôi dịu lại một chút, đủ để xuống lầu. Rồi tôi kiềm chế được thêm chút nữa, đủ để mừng anh tôi về nhà. Rồi nhà tôi dùng bữa tối, đồ ăn chưa bị khô quá. Rồi mọi người ra ngoài thắp đèn túi, cái lệ ở khu này, nhà nhà đều đặt túi giấy nâu đựng cát thành hàng dọc con đường. Rồi mọi người cắm một cây nến vào cát trong túi, và khi mọi người thắp nến lên, ánh nến biến con đường thành một “đường băng hạ cánh” dành cho ông già Noel. Năm nào tôi cũng thích thắp đèn túi, vì cảnh tượng rất đẹp, vì đó là truyền thống và cũng là cách tốt để không phải nghĩ đến ngày sinh nhật của tôi.

Mọi người trong nhà tặng tôi vài món quà sinh nhật thật dễ thương. Chị vẫn còn giận tôi nhưng vẫn tặng tôi một đĩa hát của ban nhạc The Smiths. Và anh tôi tặng tôi một tờ áp-phích có chữ ký của toàn đội cầu thủ. Ba tặng tôi vài đĩa nhạc mà chị tôi gợi ý cho ông mua. Và mẹ tặng tôi vài quyển sách mà mẹ thích hồi còn nhỏ. Một trong số đó là quyển Bắt trẻ đồng xanh.

Tôi bắt đầu đọc quyển mẹ cho từ chỗ tôi ngừng trong quyển của thầy Bill. Và điều đó khiến tôi thôi nghĩ tới ngày sinh nhật. Giờ trong đầu tôi chỉ tập trung chuyện sắp sửa thi lấy bằng lái xe. Cũng là một điều hay để nghĩ. Tôi nhớ lại lớp dạy lái xe học kỳ rồi.

Ông thầy Smith hơi thấp người và có mùi ngồ ngộ, ông không cho đứa nào trong bọn mở radio trong lúc lái tập. Lớp cũng có hai đứa học năm hai, một trai, một gái. Họ hay lén sờ soạng chân nhau ở ghế sau trong lượt tôi lái. Hẳn nhiên là trong lớp có tôi nữa. Ước gì tôi có nhiều chuyện về lớp dạy lái xe để kể. Hẳn rồi, có cả những bộ phim về các tai nạn chết người trên đường cao tốc. Và hẳn sẽ có mấy sĩ quan cảnh sát tới hỏi chuyện bọn tôi. Và cầm trong tay giấy phép tập lái cũng vui lắm, nhưng ba mẹ bảo không muốn tôi lái xe cho tới lúc thật sự bức bách, vì phí bảo hiểm đắt quá. Thế là tôi chẳng bao giờ được hỏi Sam cho tôi lái chiếc xe bán tải của cô ấy. Không cách gì.

Ngẫm nghĩ những chuyện thế này giúp tôi giữ bình tĩnh trong đêm sinh nhật

Sáng hôm sau, ngày Giáng sinh mở đầu khá tuyệt. Ba rất thích cuốn phim M*A*S*H, việc đó làm tôi hạnh phúc vô ngần, nhất là khi chính ông kể lại cái đêm nhà tôi tập phim đó. Ông chừa khúc khóc lóc ra, nhưng lại nháy mắt với tôi, nên tôi biết là ông vẫn nhớ. Rồi nửa tiếng đầu trong hành trình hai giờ lái xe đi Ohio cũng thật êm xuôi, dù tôi phải ngồi trên chỗ gồ giữa băng ghế sau, bởi vì ba tôi liên tục hỏi han về cuộc sống đại học làm anh tôi liên tục trả lời. Anh ấy đang hò hẹn với một cô trưởng nhóm cổ động, chị này hay thực hiện cú nhảy lộn người khi cổ vũ cho các trận thi đấu bóng bầu dục. Tên chị ấy là Kelly. Ba tôi rất quan tâm chuyện này. Chị tôi buông lời nhận xét là cái đám cổ động chỉ rặt ngu ngốc và coi bọn con trai như cỏ rác, anh tôi bảo chị im mồm. Chị Kelly học ngành triết. Tôi hỏi anh chị Kelly có đẹp kiểu lạ không.

“Không, cô nàng rất hấp dẫn.”

Rồi chị tôi bắt đầu thuyết rằng vẻ ngoài của phụ nữ không phải là thứ quan trọng nhất. Tôi đồng ý, nhưng rồi anh tôi bảo chị chỉ là “cái con les nanh nọc.” Mẹ tôi bảo anh tôi không được ăn nói như vậy trước mặt tôi, kể cũng lạ vì nhiều khả năng tôi là người duy nhất trong nhà có một đứa bạn thực sự là đồng tính nam. Có lẽ không phải duy nhất, nhưng tôi là người thực sự nói ra chuyện đó. Tôi không chắc nữa. Dù sao thì ba vẫn hỏi tiếp anh tôi và chị Kelly làm quen ra sao.

Anh tôi và chị Kelly quen nhau trong một quán ăn tên là Ye Olde College Inn hay từa tựa vậy ở đại học bang Pennsylvania. Quán đó có bánh tráng miệng nổi tiếng là “bánh nếp nướng”. Hôm ấy chị Kelly đang đi cùng vài chị em trong hội nữ sinh, khi rời quán, rồi chị đánh rơi quyển sách ngay trước mặt anh tôi, chân thì vẫn bước đi. Anh tôi bảo chắc chắn là chị Kelly cố tình làm thế, mặc dù chị chối phăng. Hoa lá như bừng nở khi anh bắt kịp bước chân chị trước tiệm trò chơi điện tử. Ít nhất thì anh tôi tả như vậy. Từ lúc ấy đến tàn chiều, hai người cùng chơi những trò video cũ mèm như Donkey Kong và cảm nhận sự hoài cổ, nói tóm lại theo tôi thấy là u buồn và ngọt ngào. Tôi hỏi anh tôi chị Kelly có uống ca cao không.

“Mày đang phê hả nhóc?”

Và một lần nữa mẹ tôi nhắc anh không được ăn nói như vậy trước mặt tôi, kể cũng lạ vì tôi là người duy nhất trong nhà từng biết phê là gì. Có lẽ anh tôi cũng từng. Không chắc nữa. Nhưng chắc chắn chị tôi chưa từng. Mà nghĩ lại, cũng có thể cả nhà tôi đều đã từng phê, chỉ là mọi người không kể ra với nhau những chuyện này.

Mười phút tiếp theo chị tôi đay nghiến cái hệ thống tên theo tiếng Hi Lạp của những hội nam sinh và hội nữ sinh. Chị kể liên hồi những trò nào là hiếp đáp lính mới, nào là từng có đứa bị hành chết thật. Rồi chị kể có một hội nữ sinh bắt tân sinh viên chỉ mặc đồ lót đứng phơi ra cho người ta dùng bút đánh dấu khoanh tròn những chỗ “phì”. Anh tôi nghe tới đó chịu hết nổi.

“Thối hoắc!”

Tôi không thể tin nổi là anh tôi chửi thề trên xe mà ba và mẹ tôi không nói gì. Tôi đoán là giờ anh vào đại học rồi nên không sao. Chị tôi đâu có đếm xỉa gì câu đó. Chị cứ tiếp tục.

“Thối hoắc cái gì, em nghe rõ ràng.”

“Ăn nói đàng hoàng nào, quý nương,” ba tôi nói từ ghế trước.

“Ủa vậy sao? Mà nghe ở đâu?” Anh tôi hỏi.

“Nghe trên đài phát thanh công cộng quốc gia chứ đâu,” chị tôi đáp.

“Ôi trời.” Anh tôi cười muốn vỡ bụng.

“Thật mà.”

Mẹ và ba tôi giống như đang xem một trận đấu tennis qua kính chắn gió trước, bởi hai người cứ lắc đầu liên tục. Hai người không nói gì, cũng không quay ra sau. Nhưng ba tôi bắt đầu vặn nhạc Giáng sinh lên mức điếc tai.

“Mày toàn nói nhảm. Mày mà biết cái quái gì. Còn chưa lên đại học mà. Kelly đâu có gặp mấy chuyện kiểu đó.”

“Ờ há. Chị ấy dám kể chắc.”

“Chứ sao. Hai đứa tao không giấu nhau gì cả.”

“Ôi đúng là một anh trai tân thời nhạy cảm.”

Tôi muốn hai người thôi cãi cọ, bởi tôi bắt đầu thấy bực, nên tôi hỏi một câu nữa.

“Anh với chị có trao đổi về sách vở và thời sự không?”

“Cảm ơn em hỏi nhé, Charlie. Có. Thực sự là có đấy. Quyển sách Kelly thích tình cờ lại có tựa đề là Walden, tác giả Henry David Thoreau. Mà Kelly cũng chỉ tình cờ đề cập rằng phong trào tiên nghiệm khá là gần gũi với nhân loại thời đại này.”

“Ôi ôi, chữ nghĩa hoành tráng quá.” Chị tôi đảo mắt chế nhạo, gì chứ trò này thì chị là nhất.

“Ờ xin lỗi nhé, ai nói chuyện với mày? Tao chỉ đang kể cho thằng em trai về bạn gái của tao. Kelly nói cô ấy mong một ứng cử viên dân chủ sáng giá sẽ đứng ra tranh cử với George Bush. Kelly nói là hi vọng chuyện đó xảy ra thì đạo luật bổ sung Nam Nữ Bình Quyền sẽ được thông qua. Phải đấy. Cái luật Nam Nữ Bình Quyền mà chúng mày vẫn quang quác đòi cho được. Ngay cả các cô cổ động còn biết nghĩ những chuyện như thế, mà vẫn biết cách sống vui vẻ.”

Chị tôi khoanh tay trước ngực, và bắt đầu huýt sáo. Nhưng anh tôi đang quá ngon trớn. Tôi để ý thấy cổ ba tôi đang chuyển sang màu đỏ đậm.

“Nhưng còn có một khác biệt giữa mày và cô ấy. Mày biết không, Kelly tin vào nữ quyền đến nỗi cô ấy không bao giờ để một thằng đực nào đánh đập. Tao thấy là mày không được như vậy đâu.”

Tôi thề có Chúa, mọi người đều chết điếng. Ba tôi đạp chân phanh gắt tới nỗi anh tôi suýt bay khỏi ghế. Khi mùi lốp khét bắt đầu phai, ba tôi hít sâu rồi quay lại. Đầu tiên, ông quay sang anh tôi. Ông không nói một từ nào hết. Ông chỉ nhìn chằm chằm.

©S’TEN’T

Anh nhìn ba y như con nai đã bị đám anh em họ của tôi tóm được. Sau hai giây thật dài, anh tôi quay sang chị tôi. Tôi nghĩ anh thấy rất tệ bởi đã lỡ lời.

“Anh xin lỗi, chịu chưa. Thật mà. Thôi mà. Nín đi.”

Chị tôi đang khóc tợn, thật dễ sợ. Rồi ba tôi quay sang chị tôi. Một lần nữa, ông không nói gì cả. Ông chỉ gõ gõ ngón tay để làm chị mất tập trung khóc lóc. Chị nhìn ông. Mới đầu chị không hiểu, vì ông nhìn chị không có vẻ gì là âu yếm cả. Nhưng rồi chị cụp mắt xuống, nhún vai và quay sang anh tôi.

“Em xin lỗi vì đã nói không tốt về chị Kelly. Nghe kể thì chị cũng tốt.”

Rồi ba tôi quay sang mẹ tôi. Rồi mẹ tôi quay sang mấy anh em.

“Ba các con và mẹ không muốn ai cãi cọ gì nữa hết. Nhất là ở trong nhà bên ba. Rõ chưa?”

Mẹ tôi và ba tôi thi thoảng cũng ăn ý đến mức đáng kinh ngạc. Anh và chị tôi đều gật đầu và cụp mắt xuống. Rồi ba tôi quay sang tôi.

“Này Charlie.”

“Vâng, thưa ba?”

Những lúc thế này, nói “thưa ba” rất là quan trọng. Và nếu người khác mà gọi ta bằng đầy-đủ-họ-và-tên thì ta nên coi chừng, tôi nói rồi nhé.

“Charlie à, ba muốn con lái xe chặng còn lại về nhà mẹ của ba.”

Mọi người trong xe biết rằng nhiều khả năng đây là quyết định tệ hại nhất trong cả cuộc đời ba. Nhưng không ai cãi gì. Ông xuống xe ngay giữa đường. Ông vào băng sau, ngồi giữa anh và chị tôi. Tôi bò lên ghế trước, làm xe tắt máy những hai lần, rồi cài đai an toàn vào. Tôi lái chặng đường còn lại. Kể từ hồi tôi còn chơi thể thao, tôi chưa bao giờ đổ mồ hôi dữ như lần này, dù trời bên ngoài lạnh toát.

Gia đình bên ba cũng giống như gia đình bên mẹ. Anh tôi từng nói các anh em họ cũng y hệt, chỉ có tên là khác. Khác biệt lớn nằm ở bà nội. Tôi thương bà nội của tôi. Ai cũng thương bà cả. Bà đang ở lối vào chờ nhà tôi như thường lệ. Bà luôn biết trước khi nào có người tới thăm.

“Charlie lái xe được rồi sao?”

“Hôm qua nó tròn mười sáu ạ.”

“À ra thế.”

Bà nội của tôi già lắm rồi, không nhớ được nhiều chuyện nữa, nhưng bà nướng bánh quy thì ngon số một. Hồi tôi còn nhỏ xíu, anh em tôi nhớ mẹ của mẹ tôi lúc nào cũng có kẹo, và mẹ của ba tôi lúc nào cũng có bánh quy. Mẹ tôi kể rằng hồi tôi còn nhỏ, tôi gọi hai người là “Bà kẹo kẹo” và “Bà bánh bánh”. Tôi cũng gọi vụn giòn pizza là “xương pizza”. Mà không biết sao tôi lại kể mấy chuyện linh tinh này với bạn nhỉ.

Nó giống như ký ức đầu tiên của tôi, hẳn đó là lần đầu tiên tôi ý thức được tôi đang sống. Mẹ tôi và dì Helen đưa tôi đi vườn thú. Lúc đó tôi chừng ba tuổi, không chắc nữa. Dù sao thì hôm đó ba người cùng đứng ngắm nhìn hai con bò cái. Một con bò mẹ cùng con bò con của nó. Chúng không có nhiều chỗ để đi qua lại mấy. Con bò con đứng ngay bên dưới mẹ nó, lũn cũn đi qua đi lại, rồi bò mẹ liếm “cục u” trên đầu bò con. Tôi nghĩ đó là cảnh buồn cười nhất mà tôi từng thấy trên đời, rồi tôi cười suốt ba tiếng đồng hồ. Mới đầu, mẹ tôi và dì Helen cũng cười, bởi họ vui vì thấy tôi cười. Phải nói thêm là tôi không nói được nhiều hồi nhỏ nên hễ lúc nào tôi có vẻ bình thường là hai người đều vui sướng. Nhưng sang giờ thứ ba, hai người cố làm tôi nín cười, nhưng chỉ tổ khiến tôi cười dữ hơn. Tôi nghĩ có lẽ không tới ba giờ liền đâu, nhưng thấy lâu lắm. Thi thoảng tôi vẫn nghĩ đến lần đó, thấy sự việc đó giống một khởi đầu khá là “hứa hẹn”.

Sau những cái ôm và bắt tay, mọi người vào nhà bà nội, toàn bộ bà-con-bên-ba đều có mặt ở đó. Ông cả Phil với hàm răng giả và cô Rebecca, em của ba tôi. Mẹ kể với anh em tôi rằng cô Rebecca vừa mới ly dị lần nữa, nên anh em tôi không nên nhắc chuyện không vui. Tôi chỉ có thể nghĩ tới những cái bánh quy, nhưng năm nay bà nội không nướng bánh vì bị nhức hông.

Thế là thay vì được ăn bánh, mọi người ngồi xuống và xem tivi, mấy người anh em họ tán chuyện bóng bầu dục với anh tôi. Ông Phil thì uống rượu. Rồi mọi người dùng bữa tối. Tôi phải ngồi bên bàn của trẻ con bởi gia đình bên ba có đông anh em họ.

Bọn trẻ nhỏ huyên thuyên đủ chuyện lạ lùng. Thật thế.

Sau bữa tối là lúc mọi người xem phim Cuộc sống tuyệt vời, rồi tôi bắt đầu thấy nỗi buồn càng trĩu nặng. Khi tôi bước lên cầu thang vào căn phòng cũ của ba tôi và ngắm những bức hình cũ kỹ, tôi ngẫm nghĩ khi xưa, đã có thời những vật này chưa phải là ký ức. Rằng ai đó đã thực sự chụp bức hình, và những người trong bức ảnh vừa dùng bữa trưa hay gì đó.

Người chồng đầu của bà nội tôi chết ở Hàn Quốc. Khi đó ba tôi và cô Rebecca của tôi hãy còn rất nhỏ. Rồi bà nội cùng hai con nhỏ chuyển về sống cùng người anh là ông cả Phil của tôi.

Rốt cuộc, sau vài năm, bà nội của tôi thấy quá chạnh lòng cảnh đơn độc nuôi hai con nhỏ, lại thêm mệt mỏi với nghề phục vụ bàn. Thế nên một ngày nọ, khi bà đang làm việc ở quán ăn, tức là chỗ làm của bà ấy, có người tài xế xe tải mời bà đi chơi. Cứ theo như bức ảnh cũ thì khi ấy bà rất rất rất đẹp. Hai người hò hẹn một thời gian. Rồi cuối cùng hai người cưới nhau. Hóa ra ông tài xế là một người hung bạo. Ông ta đánh ba tôi suốt. Ông cũng đánh cô Rebecca của tôi suốt. Và ông đánh luôn cả bà nội. Lúc nào cũng đánh. Mà bà nội tôi không làm gì được, tôi đoán vậy, bởi chuyện ấy tiếp diễn những bảy năm.

Sau cùng chuyện ấy chấm dứt khi ông cả Phil của tôi trông thấy vết bầm dập trên người cô Rebecca và moi được sự thật từ miệng bà nội. Ông gọi vài người bạn làm chung ở nhà máy. Rồi họ tìm ra người chồng kế của bà nội trong một quán rượu. Rồi họ nện ông ta một trận tơi bời. Ông cả Phil của tôi thích kể chuyện này khi bà nội không có mặt. Câu chuyện cứ mỗi lúc mỗi khác, nhưng điểm cốt yếu vẫn y nguyên. Bốn ngày sau trận đó, ông chồng kế chết trong bệnh viện.

Tôi vẫn không biết làm thế nào mà ông cả Phil của tôi thoát tù tội vì chuyện ông đã làm. Có lần tôi hỏi ba, và ông bảo những người sống quanh khu đó hiểu có chuyện xảy ra không liên quan gì tới cảnh sát. Ông nói nếu có người động tới chị em hay mẹ của ta, kẻ đó phải trả giá, và mọi người khác cũng vờ như không thấy.

Thật quá tệ là chuyện diễn ra những bảy năm trời, để rồi đến đời cô Rebecca của tôi cũng gặp phải mấy ông chồng loại đó. Không giúp cô Rebecca theo cách cũ được vì hàng xóm xung quanh đã thay đổi. Ông cả Phil của tôi đã quá già, ba tôi thì rời quê đi nơi khác sống. Cô buộc phải kiện ra tòa để đòi lệnh hạn chế tiếp xúc.

Tôi nghĩ về ba đứa em họ của tôi, con của cô Rebecca, không biết lớn lên chúng sẽ thành người thế nào. Một đứa con gái, hai đứa con trai. Tôi cũng buồn, bởi vì tôi nghĩ đứa con gái nhiều khả năng sẽ lâm vào cảnh đời tương tự như cô Rebecca, và một đứa con trai nhiều khả năng sẽ trở thành kẻ như ba nó. Đứa con trai kia rất có thể sẽ giống như ba tôi, bởi vì nó thực sự biết chơi thể thao, và ba nó không phải là ba của anh chị nó. Ba tôi nói chuyện với nó nhiều, và dạy nó cách ném cũng như đập bóng chày. Hồi còn nhỏ, tôi từng ghen tị vì điều này, nhưng giờ thì hết rồi. Bởi vì anh tôi nói đứa em họ đó là người duy nhất trong nhà nó có cơ đổi đời. Nó cần đến ba tôi. Có lẽ giờ tôi đã nghĩ thông được chuyện ấy.

Căn phòng cũ của ba tôi hầu như y nguyên như hồi ông ra đi, ngoại trừ đồ vật cứ phai tàn dần. Có một quả địa cầu trên bàn từng được xoay rất nhiều. Và những tấm áp-phích cũ có hình cầu thủ bóng chày. Và những bài báo cắt ra đưa tin ba tôi thắng một trận huy hoàng hồi ông học năm hai. Không biết tại sao, nhưng tôi thực sự hiểu được lý do ba tôi phải rời ngôi nhà này. Khi ông biết rằng bà nội sẽ không bao giờ gắn kết với người đàn ông nào nữa bởi bà đã cạn lòng tin, cũng thôi truy cầu bất kỳ thứ gì bởi bà không biết làm thế nào. Và khi ông thấy người em gái bắt đầu đưa về nhà những bản sao trẻ hơn của ông ba dượng ngày nào, đơn giản là ông không thể ở lại nữa.

Tôi nằm xuống chiếc giường cũ của ông, nhìn qua cửa sổ thấy một cái cây, có thể thấp hơn nhiều so với ngày xưa khi ba tôi nhìn nó. Tôi có thể cảm nhận được xúc cảm của ông trong cái đêm mà ông nhận ra nếu ông không ra đi, ông sẽ không bao giờ sống tiếp được cuộc đời của mình. Mà sẽ sống cuộc sống của họ. Ít nhất thì đó là cách ông đã nói. Có lẽ bởi thế bà con bên ba cứ mỗi năm lại cùng xem bộ phim ấy. Vậy là phải. Ba tôi chưa bao giờ khóc khúc cuối phim.

Không biết bà nội hay cô Rebecca của tôi sẽ có lúc nào thực lòng tha thứ cho ba tôi chuyện bỏ rơi họ. Chỉ có ông cả Phil của tôi hiểu chuyện đó. Thật lạ khi thấy ba tôi thay đổi đến nhường nào khi ở bên mẹ và em gái của ba. Lúc nào ông cũng thấy đau khổ, ông và cô tôi cùng nhau mà vẫn đơn độc. Một lần nọ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy ba tôi đưa tiền cho cô.

Không biết cô Rebecca của tôi nói gì trên xe dọc đường về nhà. Rồi những đứa con cô, chúng nghĩ gì. Chúng có nói về nhà tôi không. Chúng có nhìn vào nhà tôi mà tự hỏi ai là người có cơ hội thành công sau này. Tôi cược là có.

Thương mến,

Charlie

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN