Tấm Cám, Đằng Sau Một Cổ Tích
Chương 3: Quán nước đầu làng
Sau sự kiện chiếc yếm đỏ, Tấm có giữ lại con cá bống còn sót
trong giỏ, bỏ vào giếng nuôi. Cám và bà Mão thì nhanh chóng quên chuyện
đó đi, chỉ có Tấm mỗi lần cho cá ăn, thường hay lẩm bẩm một mình:- Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta; Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
Câu nói cũng không có ý gì, chẳng qua nghe nó hơi vần điệu nên nàng thuận
miệng kêu ra như thế. Nàng nuôi con cá bống này không phải vì điều gì
sâu xa, chỉ là mỗi lần nàng nhìn thấy nó thì lập tức nhớ lại ngày hôm
đó, về lần đầu vừa phải lao động cực nhọc, vừa bị Cám lừa mất mặt. Cơn
giận trong lòng dù đã được chiếc yếm đỏ rơi bên giếng xoa dịu, cũng
không thể hoàn toàn quên đi.
Cám cùng Tấm mò cua bắt
tép được hơn một tuần thì nàng nhận ra việc này là hết sức tạm bợ, vừa
phí sức vừa không kiếm được là bao, “phi thương bất phú”, thế là nàng
quyết định trở lại công việc gia truyền: Bán nước. Cho tới khi gom đủ
vốn để quay trở lại buôn vải hay cái gì đó thì tạm thời nàng đặt ở cổng
chợ một bàn nước nhỏ, bán trà xanh, nước vối, trầu cau và ít đồ ăn vặt.
Tấm giúp nàng bán quán còn bà Mão lo quán xuyến việc nhà. Nhờ hai cô gái xinh đẹp bán hàng, quán nước của hai nàng rất đông khách. Cám bắt đầu
hướng dẫn Tấm cách mua hàng, pha nước, têm trầu.
– Đây là cái gì vậy chị? – Cám hơi nhăn mặt nhìn cái Tấm đang chìa cho nàng xem.
– Trầu têm cánh phượng… – Tấm lí nhí nói.
Cám nhìn chăm chú miếng trầu trên tay Tấm, bật cười:
– Chúc mừng chị đã sáng tạo ra phương pháp têm trầu kiểu mới chưa từng có.
– … – Biết Cám hơi có ý giễu cợt, khuôn mặt Tấm liền ửng lên.
– Chị nhìn này, – Nàng không nỡ nói nặng hơn với chị, đổi giọng. – Têm
trầu cánh phượng không khó lắm, chỉ cần chị chú ý một chút là được, nhìn em nhé.
Nói rồi nàng chỉ cho Tấm rất kỹ càng, sau
vài lần tập luyện thì tác phẩm của Tấm cũng có thể tạm chấp nhận, dù so
với của Cám thì còn cách xa nhiều lắm.
– Cám, chị về nhà nghỉ nhé, hôm nay nắng làm chị chóng mặt quá.
Cám hơi lưỡng lự, sau giờ trưa này quán sẽ rất đông khách, quả thực nàng
rất cần Tấm phụ giúp nhưng nhìn khuôn mặt mệt mỏi của chị thì nàng lại
mềm lòng.
– Được rồi, chị về đi, em trông hàng một mình cũng được.
Tấm không cần đợi nói tới lần thứ hai, nhanh chóng đội nón ra về, dáng vẻ
không có gì là uể oải như vừa nãy. Cám tất nhiên là biết chị mình không
yếu đuối tới mức không trông được hàng nhưng nàng không nói gì. Kể từ
sau bài học về chiếc yếm đỏ, Tấm bắt đầu biết quan sát, để ý, làm việc
chu toàn hơn, biết tính toán hơn. Cám bèn coi như việc cho Tấm nghỉ
chiều nay như một phần thưởng nhỏ cho nàng.
– Người thì đẹp mà sao trầu têm xấu thế này? – Một giọng nói mang âm điệu hách dịch khiến nàng giật mình.
Mải suy nghĩ, Cám không để ý một tốp đàn ông mới tới ngồi vào quán từ lúc
nào. Cả sáu người đều ăn vận khá đẹp, quần áo toàn là hàng tốt, nhưng
người đi giữa nổi bật hơn tất cả, khiến những người xung quanh như lu
mờ. Anh ta khoảng trên dưới hai mươi tuổi, vóc dáng cao ráo, ngũ quan
sắc sảo, đặc biệt là đôi mắt rất sáng, trong veo nhưng lại sâu thăm
thẳm. Người vừa lên tiếng chê bai là một trong những người đi bên cạnh
còn anh ta không nói gì, chỉ nhìn Cám, nét mặt cười mà như không cười.
Miếng trầu đó vốn là miếng trầu Tấm têm, bị nàng dồn vào một đĩa riêng,
chưa kịp sửa, thực ra bị chê cũng không oan nhưng nàng hơi khó chịu với
giọng điệu hách dịch kia. Cố nén xuống cảm giác bực bội, Cám nhoẻn cười
nhỏ nhẹ lên tiếng:
– Mời các anh ngồi nghỉ uống chén
nước. Mấy miếng trầu đó là chị tôi mới tập têm, tôi chưa kịp sửa. – Nàng nói rồi chìa ra đĩa trầu của nàng. – Mời các anh dùng trầu này.
– Ừ, cái này trông cũng được, bao tiền vậy?
Cám hơi nhíu mày, không phải vì miếng trầu têm cánh phượng nổi tiếng của
nàng bị nói là “cũng được” mà chủ yếu vì thái độ rất khó chịu của người
kia. Tuy vậy, nàng vẫn nhẹ nhàng:
– Thưa, ba xu một miếng, các anh đi sáu người, nếu mua sáu miếng thì tôi lấy hai đồng thôi.
Người này nghe thấy thì gật gù, định lấy tiền ra trả thì người đàn ông ra dáng cậu chủ kia chợt bật cười, nói với nàng:
– Không ngờ trên đất Đại Việt vẫn có kiểu buôn gian bán lận như vậy.
– Anh nhầm rồi, – Cám mỉm cười. – Tôi nào có lừa đảo gì, hoàn toàn là thuận mua vừa bán mà thôi.
– Ngươi ra góc kia tính kỹ lại cho ta xem, ba xu một miếng thì sáu miếng
chính xác là bao nhiêu tiền. – Anh ta nói rồi quay ra nàng. – Cô lợi
dụng sự ngu ngốc của người khác kiếm tiền không phải gian lận thì là gì?
– Tôi không có trách nhiệm với sự ngu ngốc của người khác, anh nói có
phải không? Nếu vì ngu ngốc mà phải chịu thiệt thòi thì nên tự trách
mình trước khi đổ lỗi cho người khác.
– Sắc sảo lắm.
Đúng là lỗi do gia nhân của ta không được thông minh. – Người kia nói
rồi bỗng mỉm cười. – Cô thông minh thế, hay là làm gia nhân cho ta đi?
– Vậy anh trả công tôi thế nào?
– Tương đương gia nhân thân tín nhất của ta, một quan một năm, thế nào?
– Anh tính sai rồi! – Nàng cười đáp lời. – Ngoài việc làm công cho anh,
tôi còn phải chịu mất tự do, xa gia đình, chưa kể phải bỏ mất khoản tiền tôi kiếm được nếu tự buôn bán. Anh trả cho tôi mười quan tiền một năm
thì tôi mới làm.
– Này… – Một trong những người còn
lại khẽ quát lên nhưng bị người đàn ông kia cản lại. Anh ta tiếp tục
cười nói. – Mười quan cũng không thành vấn đề, nhưng như vậy cô sẽ phải
làm thêm việc.
– Việc gì vậy?
– Việc mà chỉ phụ nữ mới có thể làm được… – Hắn nói lấp lửng nhưng mắt híp lại nhìn nàng như đang cười.
– Anh… – Cám hơi đỏ mặt nhưng nhanh chóng trấn tĩnh. – Tôi vốn không
thích nhận không tiền của người khác, lương tâm tôi không cho phép. Nhìn anh thì tôi nghĩ mười quan đó nên trả cho đàn ông chắc sẽ có ích hơn!
Người kia nhất thời cứng họng, mặt hơi tái đi còn đám gia nhân thì làm bộ
nhìn ngó trước sau coi như không nghe thấy gì. Cám biết mình hơi quá lời nhưng nói thì cũng đã nói rồi nên nàng đành lờ đi, rót mấy chén trà
xanh đưa ra, xem như an ủi.
– Ha ha.. – Cuối cùng người đó bật cười. – Ta chưa từng gặp ai như cô, nói chuyện với cô đúng là rất thú vị.
– Tôi chỉ là một con bé nhà quê loanh quanh bên lũy tre làng, bán nước qua ngày, đâu dám nhận lời khen của anh.
– Không cần phải khách sáo. Nhưng giờ ta phải đi rồi, hi vọng sau này sẽ
còn có dịp gặp lại. – Nói rồi hắn ra hiệu cho thuộc hạ ra trả tiền.
– Mười đồng tiền. – Nàng tỉnh bơ nói.
– Cái gì? Chỉ có mấy cốc nước với mấy miếng trầu, sao lại đắt thế?
– Cậu anh vừa nói rằng nói chuyện với tôi rất thú vị, do đó tiền trà nước là ba đồng, chỗ còn lại là tiền công tiếp chuyện của tôi.
– Được, ta đã nói thì không nuốt lời. – Người kia liền xen vào. – Có điều ta không có đủ tiền, cô cầm giúp ta cái này thay thế được không?
Hắn rút chiếc nhẫn ngọc xanh đang đeo ở ngón tay út ra đưa cho nàng. Cám nghi hoặc cầm lấy xem rất kỹ rồi gật đầu, đeo vào tay:
– Thôi được, hơi thiếu một chút nhưng nể mặt anh là khách mới tới làng lần đầu, tôi đồng ý.
– Này… – Không biết là lần thứ mấy đám gia nhân kia trừng mắt với nàng.
– Cám ơn sự hào hiệp của cô. – Ngược lại, hắn vẫn rất vui vẻ nhìn nàng. – Tôi có thể hỏi tên cô không?
– Tôi tên là… – Nàng hơi dừng một chút. – Bột Gạo.
– Tên cô thật kỳ lạ, còn ta tên Khánh. – Hắn nói rồi mỉm cười. – Đừng quên nhé.
Ngay sau đó đoàn người lên đường ngay, Cám cũng nhanh chóng thu dọn quán nước ra về.
Sáng sớm hôm sau, nàng theo xe người ta đi sớm, tìm tới nhà buôn đồ trang sức lớn nhất trong phủ.
– Ta muốn bán chiếc nhẫn này! – Nàng giơ chiếc nhẫn “gán nợ” kia ra.
Ông chủ tiệm nhìn thấy chiếc nhẫn có vẻ hơi giật mình, xem xét kỹ lưỡng thì mắt sáng lên, giọng không giấu được hào hứng:
– Một quan tiền.
Tim Cám nhảy lên một cái. Nàng vốn biết chiếc nhẫn kia là ngọc thật nhưng
cũng không nghĩ giá trị của nó cao như vậy. Quan sát ông chủ một hồi,
nàng lên tiếng một cách dứt khoát:
– Hai quan!
– Hai quan đắt quá.
– Tùy ông thôi, nếu ông không mua thì ta lại cầm về vậy.
– Không cần phải ép tôi như thế. – Ông chủ nheo mắt nhìn nàng. – Nhìn cô
thì không phải người giàu có gì, tôi đây rất thắc mắc vì sao cô có thể
có chiếc nhẫn đắt giá như vậy?
– Ta không giàu nhưng
huyện nhà ta rất nhiều công tử giàu có. Có người năn nỉ sống chết tặng
ta cái nhẫn này, không cho phép ta từ chối, ông bảo ta phải làm sao? Ta
lại không thích giữ vì mỗi lần nhìn thấy thì khó chịu nên mới bán.
– Cái này… – Ông chủ tiệm hơi ngập ngừng. – Một quan rưỡi.
– Hai quan là hai quan. – Cám lạnh lùng nói. – Ta biết có nhiều người sẽ
trả cao hơn, ông đừng tưởng ta không biết gì mà chèn ép nhé.
– Thôi được rồi. – Ông ta lấy hai quan tiền đưa cho Cám, đổi lấy chiếc nhẫn ngọc xanh trong vắt kia.
Cám vui vẻ ôm tay nải đựng hai quan tiền về nhà. Nhẫn vàng nhẫn ngọc gì
cũng thế, chỉ là thứ phù phiếm ngoài thân, thứ quan trọng là thức ăn, là quần áo, chỗ ở của ba mẹ con kìa
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!