Mật Mã Maya - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Mật Mã Maya


Chương 19


Campeche là một thành phố vàng vọt của bang Yucatán, Mexico, với cái vịnh nằm không đúng chỗ. Phố 55 là một con phố chật hẹp, nóng bức, đầy tiếng còi xe buýt và mùi rác rưởi. Thứ âm thanh mà họ gọi là nhạc rakjano – tôi thì đoán đó là một loại nhạc rốc với bốn trăm nhịp nện trong vòng một phút – vẳng ra từ một chỗ nom có vẻ như cửa hàng tạp phẩm. Tôi bước vào, mua bốn dây nước trái me, mỗi dây sáu hộp, năm túi malvavisco – tức là kẹo dẻo, – năm cây nến to và cả một tút thuốc lá ba số, tất cả đựng trong một chiếc túi giấy màu nâu như cách đây hàng chục năm. Tôi đi bộ sang bên kia đường, bước qua một cánh cửa nhỏ nằm ở góc phía nam nhà thờ Iglesia de San Francisco. Mặt tiền và phần lớn gian giữa giáo đường được xây từ năm 1694 nhưng mới được quét sơn lại, tối thiểu là lần thứ một trăm, vì vậy, trông nó như một cây bu-lô vừa thay lớp vỏ mới. Bên trong thì ám cái mùi hương lành lạnh và nhạt nhẽo thường thấy trong các nhà thờ. Trước khi kịp suy nghĩ, tôi đã nhúng tay vào bình nước và làm dấu thánh. Xin thề những gì con nói là sự thật, – tôi nghĩ trong đầu. cái thói quen phải giói từ hồi nhỏ đến giờ vẫn không bỏ được. Cha Manuda vẫn đang đứng cạnh bệ thờ để thử bộ loa đài mới – được mua bằng tiền của chúng tôi, tôi đoán vậy – nhưng chiếc âm-li lớn được đặt quá gần mi-crô nên khi ông ta thử đánh một nốt cao trên cây đàn, nó dội ầm ầm lên khắp các mặt tường đá được sơn hồng. Ông ta không nhìn tôi. Tôi đi qua hai bà xơ già đội khăn trùm và khoác áo chùng trắng rộng thùng thình, đó là hai trong số vài nữ tu còn sót lại của dòng thánh Clares Nghèo Khó, trước kia từng rất đông đảo. Theo những gì tôi được biết, trong mấy trăm năm trở lại đây, dòng tu này đã tự làm mình lụn bại vì từ chối thỏa hiệp vấn đề giảm bớt khổ hạnh. Chắc họ hơi quá kiên tín và các bà xơ đã dành hết thời gian để câm lặng, quỳ dưới sàn đá, ăn cháo lúa mạch suông và và thủ dâm với nhau. Ngoài tôi ra, khách viếng thăm chỉ còn hai bà già người Tzotzil quấn khăn len, mặc huipile(Bộ trang phục đặc trưng của người Maya Tzotzil) ba mảnh dệt màu đỏ và xanh lá cây. Chỉ là trang phục thường nhật. Bên ngoài vòm cửa, bốn con chim bồ câu xơ xác lượn quanh.

Tôi đi qua gian giữa lên cung thờ ngang trên tầng hai và dừng lại trước một bức tranh khắc gỗ còn khá mới họa hình thánh Teresa xứ ávila, nữ thần bảo hộ của cờ Hiến tế (tôi nghĩ là đã nói chuyện này rồi, nhỉ?). Bà cũng là vị thánh bảo trợ cho môn cờ vua và những người mắc chứng đau đầu, nhiệm vụ cuối cùng chắc khiến bà ấy bận rộn phải biết. Tôi cắm một cây nến lên giá, thắp lên bằng chiếc bất lửa của Không Đời Nào và đặt bốn cây còn lại bên cạnh. Tôi đi sang cung thờ ngan trên phải và bước vào một phòng nguyện nhỏ.

Căn phòng bị choán bởi một cỗ quan tài màu kem đã rạn nứt, nắp bịt kín nhưng hai bên có hai ô kính. “El mero ataud della santísima Abadesa Soledad”, một vì thầy tế đã viết dòng chữ đó, nó có nghĩa là “Quan tài của Nữ trưởng tu viện Soledad được Chúa che chở”. Bà ta là một vị thánh của địa phương không được nhắc đến trong kinh sách. Lúc này chỉ có hai chúng tôi ở đây. Tôi cúi mình xuống, và mặc dù tôi có vấn đề với các bà xơ từ hồi còn nằm ở bệnh viện từ thiện ở San Cristobal nhưng tôi vẫn phải cố gắng lắm mới ghìm được cảm giác thúc giục muốn quỳ xuống. Qua nhiều thế kỉ, tấm kính đã mở hết cả, nhưng tôi vẫn có thể trong thấy một cái đầu nhỏ trơ sọ như của đứa trẻ lên năm, được trùm khum khum dưới một tấm ren móc hình mạng nhện rất nghệ thuật, với lớp da vàng xỉn như miếng bột nhào dùng làm vỏ bánh hoa quả, trũng xuống quanh hàm răng xám xịt nhô lên. Ý nghĩ bỏ chạy ra ngoài xuất hiện nhiều lần trong đầu tôi, nhưng tôi đã dùng đến mánh “có cái đếch gì đâu” và cuối cùng cũng vượt qua được. Thực ra, tôi chỉ cần tự nhắc đi nhắc lại với mình một cách đầy tin tưởng rằng: “Có cái đếch gì đâu cơ chứ, đời chẳng qua là thứ bỏ đi”, thậm chí chẳng cần đến bài hít thở đặc biệt để trấn tĩnh.

Tôi ra khỏi đó, đi men theo lan can thánh đường sang phía bên kia, chỗ sau bệ thờ. Mình đúng là thằng khờ khạo, tôi nghĩ. Họ đâu có một thứ kỳ công đến thế. Nhưng kiểm tra cho chắc chắn cũng chẳng hại gì. Dù sao đây cũng chỉ là một cuộc diễn tập thôi, tôi nghĩ. Tình hình đã được kiểm soát. chẳng có gì to chuyện hết. Đừng sợ. Guarde sus pantalones(Giữ lấy, đừng để tụt quần – tiếng Tây Ban Nha)

Ổn rồi.

Cuối cung thờ ngang phía nam có một cánh cửa thép nho nhỏ, tôi mở cánh cửa đó ra và bước vào khu nhà ở cũ kỹ dành cho mục sư, tự nhiên cứ như đây là nhà tôi vậy. Phía cuối khu nhà có một khoảnh sân trong và cuối khoảnh sân đó là một cái chái trước kia từng là tu viện của các nữ tu Nghèo Khó. Tôi đi theo lộ trình đã diễn tập vài lần, leo mười tám bậc cầu thang nhỏ xíu zích zắc để lên tầng hai, chỉ là một căn sảnh dài, trần thấp với năm cánh cửa nhỏ ở mỗi bên.

Grgur đang ngồi thườn thượt trước cửa căn phòng số 4, xỉa ngón tay lên bàn phím một chiếc máy tính xách tay trông như của quân đội. Hắn diện một chiếc áo phông có cổ, quần dài màu xanh nước biển xám hiệu Ralph Lauren, cứ như giám độc phụ trách một tuyến đường biển không bằng. Tôi vẫy tay. Hắn gật đầu, mắt vẫn giương trừng trừng. Mừng làm sao khi có anh cùng tham gia, – tôi nghĩ bụng, – anh làm không khí ở đây sáng bừng hẳn lên đấy! Một đống máy móc các loại bày la liệt trong sảnh, trong đó có hai màn hình rộng ba mươi inch, hai cái hộp có vẻ như thùng loa cỡ lớn, một thanh thép dài bốn feetcó tay cầm và hai món đồ gì đó đặt trên giá ba chân, nom như chảo ra-đa di động thông thường, tức là những đĩa hình parabol nông làm từ plexiglas (Một loại thủy tinh hữu cơ trong suốt, nhẹ, bền thời tiết), đường kính khoảng ba mươi inch, với vài chiếc hộp lớn hình trụ bọc xốp đặt phía trước, chỗ đáng ra dành cho chiếc micrô. Tôi đi vòng qua Grgur để bước vào một căn phòng màu trắng bé tí tẹo. cửa sổ để mở cho lũ ruồi bay vào, nhưng nơi này vẫn giống một phòng tắm hơi mốc meo. Có một chiếc giường gấp, một cây thánh giá gắn tượng chúa Giê-su chịu khổ nạn treoo trên tường – còn mới nhưng rẻ tiền, – một máy đọc điện tâm đồ và một bộ thiết bị truyền máu. Rùng cả mình. Khiếp quá. Bốn bức tường trắng, giường gấp và ống truyền máu thình lình gợi lại cho tôi hình ảnh năm lên sáu, tại bệnh viện ở San Cristobal…

Thôi quên đi.

Căn phòng cũng chật kín người. Taro và cô trợ lý Ashley của ông ta, người mà họ gọi là Ashley 2, chứ không phải Ashley Thieu như tôi tưởng lúc đầu, để phân biệt với các Ashley khác, đang ngồi dưới sàn nhà, giữa đống máy tính con, Marena và bác sĩ Lisuarte thì đứng nói chuyện dưới khung tò vò cạnh cửa sổ. Hitch, người quay phim – chúng tôi gọi ông ta như vậy vì trước đây ông ta từng là một đạo diễn điện ảnh đầy tham vọng, nom hơi giống Alfred Hitchcock(Đạo diễn phim người Mỹ gốc Anh) nhưng trẻ con và đậm nét Tây Ban Nha hơn – đang gài chiếc mi-crô lên nóc khung cửa ra vào. Tôi mang đống đồ ăn vặt của mình đi mời khắp phòng, nhưng chẳng ai muốn ăn hết. Tôi móc ra hộp nước quả cuối cùng còn sót lại. Nó có bộ phận làm lạnh tự động và dòng chữ “Mát lạnh!” bên trên. Lúc trước tôi cứ sợ rằng nó sẽ nhạt nhẽo và có vị na ná như tất cả các loại đồ uống thời thượng ngày nay, nhưng… không! Nó vẫn giữ được dư vị đắng rất đặc trưng, sự kết hợp ngon tuyệt của các chất este và an-đê-hit, y như thời cách đây mấy chục năm, trước khi các nhà pha chế trở nên khéo tay quá mức cần thiết. Bây giờ làm sao mua được thứ này ở Mỹ nữa? Bác sĩ L. nói chúng tôi nên vào việc thôi, và bây giờ là thời điểm thích hợp không kém bất cứ thời điểm nào khác.

Tôi trả lời ô-kê.

Ối giời ơi. Ghê quá.

Thôi nào, bình tĩnh. Vì chúa, hãy tỏ ra là người chững chạc. Tôi cởi giày và ngồi khoanh chân lên giường. Có lẽ nó vẫn kê đúng hướng như cái đệm rơm ngày xưa và cây thánh giá thì ở đúng chỗ mà bà sơ Soledad đã nằm khi bà ta chết trong phòng này. Dĩ nhiên, làm thế này có phần hơi quá. Chúng tôi nhất thiết phải làm việc này ở đúng chỗ này. Vị trí trong không gian thực của căn phòng này vào thời ấy đến nay đã dịch chuyển hàng triệu dặm, vì vậy, về mặt lý thuyết, tôi có thể ngồi ở Stake, ở phòng thí nghiệm tại Orlando hay bất cứ đâu cũng chẳng có gì ảnh hưởng. nhưng người ta cứ có cảm giác rằng độ sai lệch sẽ giảm bớt phần nào nếu tôi được ngồi ở đúng vị trí mà tôi phải đến ở quá khứ, cũng với nhưng bức tường gạch bùn trát vữa ấy, cũng cái sân trong ấy và tiếng ồn của thành phố ấy. Chỉ có điều, thời ấy, quanh đây, dê và cừu hiển nhiên là đông hơn người. Tôi sẽ quay về đúng thời điểm này trong ngày, nhưng không cùng thời điểm này trong năm.

– Anh không phiền vì tôi có mặt ở đây chứ, phải không? – Marena hỏi.

Tôi trả lời rằng không sao, và thêm rằng ngày xưa tôi cũng rất thích xem mẹ tôi vặt lông gà.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ Marena để tai nghe tôi nói. Một tiếng rừ rừ đầy hăm dọa thình lình phát ra từ phía sau đầu tôi. Bác sĩ L. thậm chí không dùng đến kéo, bà ta chọc thẳng chiếc tông đơ vào mớ tóc rậm rì của tôi và làm nó như cái máy gặt lúa vậy, mà có khi nó được thiết kế dựa theo thứ ấy thật cũng nên.

– Chuyện với cha Tên-anh-là-gì đến đâu rồi?

– Lão ta đúng là một cái nhọt, – Marena đáp. – Chúng tôi đã đề nghị trả số tiền đủ để mua cả cái thành phố phải gió này, thế mà họ vẫn không muốn.

– À, họ ngại các vị có âm mưu trần tục gì đó với nơi này ấy mà.

– Thật thế, chúng tôi phải gọi cho sếp của lão ấy và nhận chu cấp thành lập cả một trường học đấy.

– Các vị nói chuyện với Chúa à?

– Không, không, với hồng y giáo chủ, cái lão mặt chim ấy, – cô ta nói. – Tôi cả rằng nếu là Chúa thì ông ấy chỉ lấy giá bằng một nửa thôi. Nó sẽ được đặt tên là “Trường Kỹ thuật hệ mười hai năm dành cho các nữ tu đồng trinh với giọt máu thiêng liêng được ban phước lành” hay cái của nợ gì đó.

– Thật phí tiền.

Bác sĩ Lisuarte đã cắt xong nửa đầu bên trái.

– Phải. Thế mà chúng tôi còn phải quẳng thêm vào hai hòm của để biếu xén nữa đấy.

Công cuộc xén tóc mất cả thảy hai phút. Tôi thấy oải cả người, không phải vì phải bắt đầu công việc với bộ dạng như Samson (Nhân vật trong cuốn kinh thánh cổ của người Do Thái, có sức mạnh thần kỳ nằm trong mái tóc) khi bị cắt trụi tóc hay vì tôi quá tin vào những điều mê tín của người da đỏ về mái tóc, dù là trong tiềm thức thôi, mà là vì chiếc mũ bằng vỏ trứng đà điểu của tôi lại đang treo ngoài kia.

– Xong, – Lisuarte nói. Tôi sờ tay lên trán và ngập ngừng xoa ngược lên khắp đầu. Tôi tưởng bàn tay tôi như tàu thăm dò mặt trăng Lunik 3. Khi lần đến phần xa nhất…

– Hê, anh để tóc thế này hợp đấy, – giọng của Michael Weiner. Tôi không nhìn thấy lão ta đi vào và đương nhiên lão không hề gõ cửa hay đánh tiếng gì hết. Tôi đáp cảm ơn. Lão vỗ vỗ vào lưng tôi. Phì, đồ con lừa. Sao ở đây lắm sự thân thiện thế không biết. Michael hỏi Taro xem mọi người chuẩn bị đến đâu rồi. Taro trả lời rằng họ đã sẵn sàng. Bác sĩ Lisuarte thì bảo chờ thêm năm phút nữa. Hình như đây là công việc quen thuộc hàng ngày đối với họ.

– Tốt rồi, nào… dượt lại một chút nhé? – Michael nói bằng cái giọng dẫn chương trình truyền hình của mình. – Bà xơ ngoan đạo đã nghoẻo vào giờ cầu kinh thứ ba, tức là khoảng chín giờ sáng, ngày 28 tháng 11 năm 1686.

Có phải làm truyền hình thì phải nhăn nhỏ và xấc xược thế không? – tôi nghĩ bụng. Đồ quái ác. Đồ ngu. Thằng cha này hoàn toàn trơ tráo và sẽ luôn như vậy.

– Bà ta đã không rời căn phòng này từ ít nhất một tháng trước, – Weiner nói tiếp, hay đúng hơn là luyên thuyên tiếp,- Nhưng đến ngày 24 bà ta vẫn còn tỉnh táo vì bà ta đã ký di chúc của mình vào ngày hôm đó. bản di chúc có khoảng ba điều khoản. Nó còn cho biết bà ta sẽ chịu lễ ban thánh thể lần cuối vào ngày 27. Ngoài ra, không còn thông tin gì nhiều để tìm hiểu. tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên quay lại thời điểm buổi sáng ngày hai mươi nhăm.

Ừ, phải, chúng ta đấy, – tôi nghĩ. Đồ hoang tưởng. Không phải ông đang lên truyền hình đâu.

– Chúng ta sẽ đến vào thời điểm giữa giờ cầu kinh buổi sáng và giờ cầu kinh buổi chiều. đó là lúc tất cả bọn họ đều phải ở một mình trong phòng riêng, vì thế, về mặt lý thuyết, sẽ không có ai trong phòng này.

– Hy vọng thế, – Marena nói.

– Tôi sẽ kiểm tra mạch máu trên sọ cho anh, – bác sĩ Lisuarte nói. Tôi đáp xin mời, miễn sao bà ta đừng chạm tay vào da đầu tôi. Nhưng bà ta vẫn làm thế. Thật quái gở cái cảm giác có ngón tay lần đầu trên da đầu mình, nơi chưa từng có bàn tay nào sờ vào, trừ bàn tay của mẹ tôi. Ý tôi là mẹ đẻ của tôi, khi tôi còn rất nhỏ. Trong đầu tôi thoáng hiện ra hình ảnh tôi ngồi trong lòng mẹ, bà xoa xoa vết xước trên trán tôi, rắc vào đó ít tro sạch để cầm máu. Lisuarte hỏi đã bắt đầu tiêm cho tôi và đếm ngược được chưa. Tôi trả lời được rồi. Nào, bắn vào đi. Bà ta bóc hai ống kim tiêm mới. Ra không phải là tiêm máy. Tôi nhắm tịt mắt lại. Như phần lớn những người mắc chứng máu khó đông, tôi rất sợ những đồ vật nhọn.

– Nào, – bà ta nói, – tôi bắt đầu với bốn mươi mi-li-gam Adderall (Một loại thuốc có tác dụng kích thích thần kinh) nhé?

– Vâng, – tôi đáp. Tôi không nói với bà ta rằng với tôi ngần ấy thuốc chỉ có tác dụng bằng một tách con chè xanh.

Bà ta lau khử trùng mặt trong đùi trái tôi và luồn mũi kim vào. Au! Tiếp đó tôi nhận thêm 3,8 cc ProHance. Đó là một dung dịch chứa chất chống thuận từ gọi là Gadoteridol. Nó sẽ khiến mọi hoạt động nhỏ nhất của não hiện rõ trên màn hình theo dõi, giống như những vết nứt nẻ trên môi cô ả Angelina Jolie vậy.

– Được rồi, anh ngả người ra đi, – bà ta nói. Tôi làm theo. Một đống gối xấu xí và rẻ tiền nhún lên nhún xuống dưới cái đầu nhẹ bẫng của tôi. Tôi đang mặc một chiếc quần thể thao COCACAF (Tên viết tắt của Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe) và một chiếc áo phông in hình trò chơi Neo-Teo, tất cả đều là đồ đi mượn, trong lòng cảm thấy vô cùng tự ái. Bà ta hỏi tôi đã sẵn sàng ngồi liền sáu tiếng chưa. Tôi đáp rồi. bà ta hỏi tôi có muốn đi vệ sinh không. Không, tôi đáp. Nếu cần thì tôi sẽ hỏi, tôi nghĩ thầm trong bụng, và tôi sẽ bảo bà cầm bô. Cái con mụ lắm chuyện.

– Được rồi, – bà ta nói, – tôi sẽ dán lên người anh vài điện cực nữa. – Có tiếng xì xì và cảm giác một chất lỏng lành lạnh được bội lên chỏm đầu tôi.

– Anh muốn cầm theo cái này không? – Marena hỏi. Ý cô ta nói mớ tóc của tôi. Cô ta đã ý tứ gom nó lại. Tôi trả lời rằng có, cảm ơn, tôi muốn dùng số tóc ấy để bện một con hình nhân xúi giục tự tử.

Lisuarte và A2 nhét đầu tôi vào một vật như cái mũ tẩm – nó được làm từ một loại vải sợi sản xuất từ các chai sô-đa cũ, mà theo tôi đoán là vô hình với các thiết bị điện tử – rồi mở một chiếc va li lớn hiệu Zero Halliburton. Marena giúp họ nhấc ra một thiết bị điện não đồ từ kí di động, đó là một cái vòng kim loại tráng men dày, kích thước bằng chiếc bánh xe Vespa, với hai sợi cáp lớn thòi ra. Chúng tôi gọi nó là “Toa-let” vì người ta phải chụp nó lên đầu và phun hết những gì có trong não vào nó. Nhưng nhìn không được giống cho lắm. Thực tế, trong căn phòng này chẳng có thứ gì giống lắm với cái gọi là công nghệ cao. Taro bảo tôi rằng các thiết bị nối vào người tôi là 90% những công nghệ mà họ đã sử dụng từ thập kỷ 70 và rằng họ chỉ việc kết hợp chúng với nhau. Họ đặt cái vòng to xù ấy xuống gối. tôi khẽ rướn đầu lên sát khe mở. Họ xoay nó xuống khít vào đầu tôi và dùng các mảnh bọt biển đính cái mũ vài vào các lỗ hổng, vì thế mép trong của cái vòng chạm sát vào lông mày tôi. Lisuarte hỏi thế này có quá thoải mái không? Tôi đáp rằng thế này vừa hay đủ thoải mái. Bà ta nối dây cáp vào và bấm nút khởi động. có tiếng o o khe khẽ phát ra từ thiết bị điện não đồ, chạy vòng quanh với tốc độ 380 dặm một giờ. Lần trước, khi đeo thử thứ này, tôi đã sợ rằng nó sẽ dò ra một mảnh thép trong xoang hay đâu đó trong người tôi và đẩy bật ra qua nhãn cầu, nhưng rõ ràng là trong người tôi không có mảnh vàng nào. A2 kéo lại một chiếc giá ba chân được chèn bao cát, với một màn hình máy tính lớn gắn trên đòn treo và đặt thêm một màn hình PLED ngay dưới cây thánh giá.

– Anh nhìn rõ màn hình máy tính không? – A2 hỏi.

– Gần hơn tí nữa đi, – tôi đáp. Cô ta dích nó về phía tôi và quay nó chúc xuống. – Tốt rồi. – Chất xám của tôi đang ở trên đó, dưới dạng những lớp trong suốt, giống như hình cái túi xách hiện lên trên máy quét của hải quan sân bay vậy.

– Taro? – Marena gọi, – ông bắt đầu chưa?

– Chúng tôi đang gửi đi tín hiệu đầu tiên rồi, – ông ta đáp.

– Anh cảm thấy thế nào? – Lisuarte hỏi. Vài tiếng trước, bà ta đã cho tôi một liều hỗn hợp Aripiprazole và Lamotrigine để giúp tôi suy nghĩ tỉnh táo hơn và không ám ảnh. Tôi không chắc nó có tác dụng hay không, nhưng tôi vẫn trả lời rằng rất tốt.

– Tốt rồi, chúng ta chuẩn bị quét hình, – Lisuarte thông báo.

Tôi giơ một ngón tay cái lên.

– Anh sẽ ổn thôi, – Marena nói, – Nhớ nhé, chỉ cần có động lực thôi.

– Ừ, – tôi đáp.

– Tôi đã lấy áo ngực của mình ra đặt cược cho anh đấy.

– Hay thật, – tôi đáp.

Hờ, – tôi nghĩ bụng, – câu ấy hơi khêu gợi đấy.

Từ mấy ngày nay, hình như Marena và tôi đã tiến khá gần đến ranh giới của sự thân mật. Hoặc ít nhất thì tôi cũng có cảm tưởng như thế. Nhưng té ra chúng tôi chỉ tiếng gần đến đường tiệm cận của nó thôi, và có thể sẽ chẳng bao giờ đến được đích. Và với riêng tôi, việc ranh giới đó không thể hay chưa thể vượt qua đang trở thành vấn đề ngày một quan trọng.

– Tôi sẽ bắt đầu TMS bên bán cầu não trái của anh, – Lisuarte nói. Ý bà ta là kích thích điện từ qua hộp sọ, phương pháp gây rối loạn hoạt động điện não tại một số vùng nhất định của não nhằm kích thích các vùng khác hoạt động mạnh hơn và lóe sáng thường xuyên hơn, nhờ vậy, cấu trúc hoạt động sẽ hiện rõ hơn.

– Nào, đến lúc dành cho sự riêng tư rồi, – Marena nói. – Cảm ơn các vị.

Taro và những người khác ra ngoài. Trong vài giờ tới, sẽ chỉ có Marena, Lisuarte và tôi trong căn phòng này. Song đương nhiên những người còn lại vẫn dọi theo chúng tôi qua băng ghi hình và có thể cho vài lời nhận xét khôn ngoan bố đời nữa.

– Rồi, – Marena nói. – Anh muốn bắt đầu chưa?

Tôi đáp rồi. Tôi đã đề nghị Marena đọc lời thoại thay cho Lisuarte. Nhóm CTP – viết tắt của từ Giao thức chuyển đổi ý thức – đã tổ chức bỏ phiếu về vấn đề này và quyết định rằng như vậy cũng không sao vì suy cho cùng, tất cả những việc ấy chủ yếu vì lợi ích của tôi. họ muốn thử thiết bị mới này trước khi bắt tay vào sự kiện chính. Nhưng vấn đề là nếu thiết bị này không hoạt động thì chuyện đó cũng chẳng nói lên được điều gì. Có thể chỉ là xơ Soledad quá ốm nên không đi lại được hay gì đó. Và dù nó có không hoạt động thì chúng tôi vẫn cứ phải tiếp tục dự án này. Tuy nhiên – theo các bác sĩ tâm thần bậc thầy làm việc cho Warren – nếu nó hoạt động tốt thì lợi ích cho ngành tâm thần học sẽ vô cùng lớn.

Tôi nằm hẳn xuống giường. Lisuarte phủ lên người tôi một tấm chăn mỏng. Tôi phỏng đoán rằng nó sẽ giúp tôi được thư giãn. Hừ. Thực tình tôi đã bắt đầu cảm thấy hơi bồng bềnh rồi. Tôi tập trung nhìn vào cây thánh giá, cố tạo cho mình trạng thái như người ở thời Trung cổ. Trên chiếc khố quấn quanh mình bức tượng chúa Giê-su bằng nhựa có một nếp gấp võng xuống khá to và nó đang động đậy. Hãy quằn quại vì con, hỡi Đức Chúa. Hãy nâng lồng ngực lên. Nâng bàn chân lên. Nâng cây thánh giá chết tiệt ấy lên đi, cái đồ thần thánh bẩn thỉu. Ngài đúng là một vị chúa tồi. Ối giời ơi! Giời ơi! Giời ơi! Mặt đất rung chuyển rồi! Cửa mả mở ra rồi! Các âm hồn trỗi dậy rồi! Ối giời ơi, tôi bị xé toác ra làm đôi! Từ đầu đến chân! Ố.. ối..giời…ơi…

– Được rồi, chúng ta bắt đầu nhé, – Marena nói. Cô ta đang nhai kẹo cao su ni-cô-tin, nhưng vẫn nói được rành mạch với cái đống ấy ở trong mồm, – Anh có thể cho chúng tôi biết anh đã làm gì ngày hôm qua không?

Tôi nói cho cô ta biết.

– Rồi. Samarkand là thủ đô của nước nào?

– Kazakhastan, – Trên màn hình, một tia nhằng nhịt màu xanh lá cây lóe lên giữa điểm của vỏ thùy giữa trán tôi.

– Bây giờ là mấy giờ?

– Một giờ mười tám phút.

– Hôm nay là ngày bao nhiêu?

– 15 tháng 3 năm 2012. Sậy 6, Trứng đen 6. Theo lịch của người Trung Quốc, hôm nay là ngày thứ hai mươi ba của…

– Tốt rồi, tin tức hôm nay có gì?

– E hèm, FBI đã bắt giữ người của tổ chức “Những người con của Kukulkan”(thần Rắn lông chim, một vị thần trong truyền thuyết của người Maya).

“Những người con của Kukulkan” là một tổ chức kiểu mới núp dưới bình phong của phong trào Zapatista ở thành phố Austin, một phiên bản theo kiểu Maya của tổ chức “Quốc gia Aztlán” (Một tổ chức dân tộc chủ nghĩa của người Mỹ gốc Mexicô. Azlán là đất nước trong truyền thuyết của tổ tiên người Azléc). Có lẽ tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm, trong một cuộc họp báo về “nỗi kinh hoàng ở Disney World”. Tuy nhiên, theo lời Không Đời Nào, một người gọi là Subcomandante Carlos, dạng như thủ lĩnh của tổ chức này, trước kia từng là thành viên của tổ chức Enero 31 đã nói với anh ta rằng “những người con của Kukulkan” chẳng dính dáng gì đến vụ ấy hết.

– Đúng rồi, – Marena nói, – còn gì nữa?

– Ờ, còn một đống “sâu phát sáng”, ý tôi là những người đã tiếp xúc với các hạt polonium, đã chạy khỏi các trại cách ly và đang tạm trú bên ngoài thủ đô Washington. Nhà Trắng thì tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn những người biểu tình và sẽ không để họ đặt chân lên Great Lawn (Một bãi cỏ rộng, nơi tổ chức những sự kiện lớn ngoài trời ở thành phố New York), ờ…còn gì nữa nhỉ.. họ nói rằng họ ước tính có khoảng năm trăm pound chất polonium 210 trong khu vực bị phong tỏa, vì vậy, không ai được phép vào đó trong một thời gian dài mà không có thiết bị bảo vệ. Chỉ có điều, phần lớn quần áo bảo hộ chống phóng xạ lại đang ở Pakistan, và tám mươi phần trăm trong số những bộ còn sót lại ở Mỹ thì lại có chứng nọ tật kia. Ờ…còn có một đoạn băng ghi hình các xác chết mới được tung ra và chính phủ đang cố đánh sập trang YouTube vì họ không muốn người dân xem cảnh ấy, còn Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ thì đâm đơn kiện để đòi công bố toàn bộ cuốn phim. Một vài đoạn thực sự… thực sự ghê sợ.”

Tôi đang nghĩ đến đoạn băng ghi hình ở MegaCon. Đó là cảnh quay sàn trưng bày chính trong một căn sảnh rộng mệnh mông. Ai đó đã dọn các lều rạp ra khỏi khu vực giữa sàn, và ở đó, hai trăm người tham dự hội đã cùng tắt thở, họ chồng chất lên nhau thành một đống lớn bởi những người hấp hối thường có xu hướng muốn được chạm vào ai đó. Như phần lớn những xác chết thông thường, khuôn mặt của tất cả các nạn nhân này đều méo mó, miệng há ra hoặc mặt nhăn nhúm lại, nhưng hơn thế, hình như họ còn bị phì ra hệt như nhau và phân nửa trong số đó vẫn còn mặc trang phục hóa trang thành cá kình người Bắc Cực, người ngoài hành tinh, vân vân, và chính điều đó tạo cho quang cảnh một cảm giác gì đó như ở thời Trung cổ, tựa như núi xác chết kẻ thù mà Timur Lenk (Vị hoàng đế đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung á, sáng lập nên đế quốc Timurid và triều đại Timurid) đã để lại trên các thảo nguyên, chỉ khác ở chỗ các xác chết bây giờ nằm dưới ánh đèn huỳnh quang màu xanh lục. Và khi ống kính tiến sát thêm, người ta có thể nhìn thấy nhiều người trong số họ đang cầm thứ gì đó trong tay, như đũa phép của Harry Potter, bùa hộ mạng của Sith và những thứ bùa chú rẻ tiền khác, và sau đó họ quay thật gần để người xem có thể thấy những cái xác đã trương phềnh lên đến mức nào, thấy lũ ruồi bâu như thế nào và thậm chí có thể ngửi được mùi thối rữa qua màn hình…

– Còn gì nữa? – Marena hỏi.

– Ồ…à… còn rất nhiều thân nhân của các nạn nhân, họ yêu cầu được đưa những cái xác ra ngoài, nhưng các cơ quan công quyền và công chúng lại kiên quyết phản đối, cho rằng nếu làm vậy, họ sẽ khiến chất polonium 209 bị phát tán ra xung quanh, và rằng họ nên đưa vào đó máy xúc tự động và có lẽ cả vài vị linh mục trong áo phòng hộ nữa, để chôn tất cả các xác chết ở một nơi nào đó bên trông khu vực phong tỏa.

Tôi ngừng lại, nhưng cô ta không hỏi tiếp. Tôi đoán là vì các vị ở Stake thấy ngần ấy khu vực trong não tôi sáng lên thế là đủ rồi và họ không muốn kích thích thêm những vị trí khác nữa.

– Và còn các nhân viên kiểm soát ở Cục bảo vệ Môi trường nũa, – tôi nói tiếp. – Họ tuyên bố rằng ngay cả việc đó cũng sẽ khiến quá nhiều bụi bị tung lên và việc tốt nhất nên làm là cứ để nguyên cả khu vực đó như thế, giữ nguyên các tòa nhà để làm đài tưởng niệm, rồi lại xuất hiện thêm một phe nữa mà tôi đoán rằng họ muốn chí ít cũng phải san phẳng các tòa nhà và chặt hạ tất cả cây cối vì nếu xảy ra cháy, polonium sẽ bị phát tán thêm, nhưng tôi nghĩ bây giờ họ đã thống nhất chuẩn bị đầy đủ máy bay bảo vệ rừng để dập tắt mọi đám cháy nếu có xảy ra. Còn với những cái xác, hiện cơ quan lập pháp của bạn Florida đã soạn một dự luật về cái mà họ gọi là “giải pháp Pompli”, tôi đoán như thế có nghĩa là họ sẽ cử đến một nhóm nhân viên cấp cứu y t trong trang phục bảo hộ đặc biệt, để bảo quản các xác chết theo quy trình “von Hagens”, và tôi đoán họ sẽ phun lên đó một lớn sơn vàng hoặc bảo quản bằng cách nào đó khác rồi cứ để nguyên tại chỗ, sau đó, đến khi nào không khí sạch các hạt phóng xạ, họ sẽ đưa các thân nhân đến tiến hành đám tang theo cách ngồi trên khí cầu nhìn xuống. Mặc dù tôi thấy như vậy có phần kỳ cục, nhưng…

– Được rồi, còn gì nữa?

– Ờ…Ayatollah Razib nói vụ tấn công này đã được tiên đoán trong kinh Koran. Ted Haggard nói nó là sự trừng phạt dành cho chúng ta vì đã cho phép hôn nhân đồng giới ở bang này. Con số thống kê chính thức số người thiệt mạng, vì tất cả các nguyên nhân: nhiễm độc, bạo loạn và cháy nổ, đã lên tới gần bốn mươi nhăm ngàn. khoảng một phần ba lãnh thổ đông nam nước Mỹ vẫn đang được đặt trong tình trạng thiết quân luật. cả một đống người đã bị cướp để lấy máu đêm qua tại Tampa. Tôi đoán khi tỉnh dậy, họ sẽ nhợt nhạt, khát khô họng, với…

– Ý tôi là còn tin gì khác nữa ngoài tin liên quan đến Disney World?

– À. Để xem nào…có một cuộc nội chiến ở Bangladesh. Có một tên khủng bố tên là Hasani bị bắt giữ tháng trước, hắn đang ốm sắp chết và dư luận đang đòi kết án hắn vì tội ngược đãi. Đúng không nhỉ? Và hôm nay, tổng thống đã ký phê chuẩn rút lui khỏi Công ước Geneva…à không… khỏi các nghị định thư, để nó có thể tiếp tục kéo dài. Đúng không? Và hợp đồng ngô giao tháng bảy đã tăng ba mươi phần trăm, vàng trên thị trường đang giao dịch ở mức giá một nghìn sáu trăm đô la một ounce. Và…

– Vậy là được rồi. Tốt lắm. Ý tôi là không hoàn hảo một trăm phần trăm, nhưng anh làm khá tốt.

– Cảm ơn.

– Vậy, – cô ta nhìn vào điện thoại, – căn bậc hai của mười chín là bao nhiêu?

– Bốn phẩy…ờ…chờ chút…ba năm chín.

– Tôi nghĩ anh thật hấp dẫn khi làm được như thế.

– Hở? ồ, cảm ơn.

Hừ, câu ấy nghĩa là sao, – tôi phân vân. Tán tỉnh à? Tôi những muốn soi đèn vào cái hố giun sau hoắm trong đầu cô ta. Hay đó chỉ là một phần kế hoạch của họ? Muốn làm tôi lúng túng? Bị kích thích? Có thể lắm. Phải coi chừng đám người này mới được. Chúng thâm hiểm lắm…

– Điểm cốt lõi của Kiri-Kin – thuyết siêu hình học đầu tiên là gì?

– Sao cơ?

– Thuyết siêu…

– Chờ chút, – tôi đáp, – tôi nhớ rồi, ờ…không có gì là không thật. Hay gì đó.

– Không có gì không thật tồn tại, – cô ta nói.

– Đúng rồi. Phải đấy.

– Bây giờ tôi đưa ra cho anh một loạt danh từ, – Marena nói, – chúng tôi muốn anh ghi nhớ và viết lại khi đến nơi.

– Tôi hiểu rồi.

– Giày…tẩy…cá vàng…sọ…bông bay…xe cút kít.

– Tôi nhớ rồi, – tôi đáp. Tôi cũng tự gửi cho mình một thông điệp trong đầu, một điều tôi vừa nghĩ ra, chưa hề nói với ai, thậm chí chưa hề nói ra thành tiếng: Mật mã ở thế giới bên kia của Houdini (Ảo thuật gia người Mỹ, nổi tiếng với thuật thoát thân): Rosabelle, tin tưởng.

– Tốt, – Marena nói. – Còn bây giờ, chúng tôi sẽ tắt hình dung về bản thân của anh và cho anh xem vài bức hình.

– Đây, đây là hình ảnh thứ nhất, – cô ta nói tiếp. Một bức ảnh của Ronald Reagan trong bộ phim Đường Stallion hiện lên trên màn hình với độ sáng và sắc nét rực rỡ.

– Nhìn ghê quá, – tôi nhận xét. Vùng amygdala (vùng não chỉ huy cảm giác giận dữ hoặc sợ hãi) trên não tôi chắc đang sáng lóe liên tục: NGUY HIỂM, NGUY HIỂM, NGUY HIỂM.

– Bây giờ, anh hãy trả lời khi tôi đặt câu hỏi. – Hình ảnh chuyển sang cảnh một đàn ngỗng con đi thành hàng theo chân mẹ. – Đôi tất, anh đang đi có màu gì?

Câu hỏi này làm tôi hơi lúng túng, nhưng tôi nghĩ tôi đã trả lời đúng, mặc dù không hiểu được tầm quan trọng của nó. Trên thực tế, não đồ của anh thường lóe sáng nhiều hơn, tức là có chuỗi nơ-ron sáng lên, khi anh không biết câu trả lời…

Ối giời ơi. Trên màn hình hiện lên cảnh một con chồn nâu lớn lẻn đến và xé xác bốn trong số sáu con ngỗng con. Ngỗng mẹ đập cánh lồng lộn quanh bãi tử địa và kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Khiếp quá.

– Rồi, – Marena nói. – Chúng ta quay lại vấn đề thông điệp đang nói dở lần trước nói.

Tôi trả lời đồng ý. Chúng tôi ôn lại đến lần thứ một trăm về việc phải viết những gì, viết lên đâu và để lại chỗ nào.

– Tốt rồi. Bây giờ hãy kể tôi nghe chuyện con chó Desert đi.

Gì cơ, tôi nghĩ thầm.

Mẹ kiếp. Sao cô ta biết được chuyện đó? Tôi chưa từng kể với ai cả. Có lẽ tôi đã nói mê trong lúc ngủ khi kiểm tra điện não đồ ở Stake. Chắc họ đã cho tôi uống loại thuốc an thần nào đó. Lũ con hoang.

– Jed?

– Xin lỗi, – tôi đáp. – Tôi chưa…à…chuyện đó không…ờ…

– Tôi biết, câu hỏi đó đột ngột, nhưng dù gì đi nữa, xin anh cứ trả lời.

Im lặng một chốc. Thôi được, tôi tự nhủ. Tôi bèn kể cho cô ta nghe các ông anh hờ của tôi đã bắt được con chó ấy như thế nào, rằng chân trước nó không có móng ra sao, rằng chúng chỉ là những bàn chân cụt lủn với những thớ sụn lòi ra ngoài, rằng cặp mắt nó lồi lên vì sợ hãi, rằng nó đã bớt sợ khi tôi ngồi bên chuồng nó một lúc, rằng tôi đã cố phá cái khóa móc nhưng không được, rồi lấy xà beng đập nó, nhưng cũng khôn được, sau đó tôi bèn thử bẻ các thanh dóng. Tôi định sẽ nắn nó lại như cũ để các anh tôi không biết là tôi nhúng tay vào. Nhưng lúc ấy tôi mới có tám tuổi và chưa biết cách làm những công việc thợ thuyền ấy đúng cách, vả lại, cái thùng đó là một loại đồ dùng công nghiệp bền và nặng, dùng để nhốt lợn hoặc những thứ tương tự. Con Desert hiểu tôi đang làm gì và nó dường như tin tưởng rằng tôi sẽ cứu được nó ra. Kể cho Marena nghe chuyện này với tôi lúc đầu cũng chẳng dễ dàng gì, vì tôi rất xem thường sự ủy mị, giọng tôi bắt đầu nghẹn lại và đều đều, nhưng hình nhưtrong cái mớ thuốc hổ lốn mà họ đưa vào người tôi có chất gì đó làm lưỡi thả lỏng ra, bằng chứng là tôi cứ tiếp tục kể. Tôi kể cho Marena rằng tôi đã mang đến một lon nước ngọt, đổ vào một chỗ lõm trên sàn chuồng bằng kẽm và con chó tì khuỷu chân xuống, chúi ngập đầu vào, liếm sạch, rồi ngước lên nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ biết ơn và hiền lành vốn dĩ của loài chó, thậm chí trong cặp mắt ấy còn có cả ánh mắt ươn ướt đầy hy vọng, rằng tôi đã cho nó một túi bánh quy mặn Rold Gold to bằng gói bim bim, trước đó tôi đã rũ hết muối đi, nó mới thích những miếng bánh đó làm sao, nó vẫy vẫy cái đuôi xơ xác và lắc lắc đôi tai vàng ệch. Tôi để cho nó nghĩ tôi sẽ làm một việc đúng đắn, rằng tôi đầy quyền năng và sẽ giải thoát được cho nó khi nào tôi muốn, rằng nó sẽ theo tôi và trở thành tai mắt của tôi, nó như muốn nói nó vẫn đi được tốt dù không còn móng, nó sẽ theo tôi và trở thành một người bạn tốt, mõm nó mới mềm mại làm sao khi nó liếm tay tôi, với cái đầu chó con thật ấm áp, cái mũi đáng ra phải ẩm ướt của nó khô và nóng hổi, nhưng không đến nỗi khô như lúc trước, lưỡi nó tợp hợp khắp bàn tay sưng phồng vì thử hết cách này đến cách khác của tôi. Tôi thử cắt tấm sàn bằng một mẩu kim loại nhưng không được. cuối cùng, tôi ngồi xuống, khóc òa lên. Tôi nhìn bàn tay rướm máu của mình và nhận thấy các đầu và khớp ngón tay đã bị cào xước nhiều chỗ. Tôi biết rằng nếu không về nhà và đắp vết thương lại, tôi sẽ mất rất nhiều máu. Tôi bèn gãi dưới cái tai mềm mềm của Desert và bảo nó rằng tôi phải đi, nhưng tôi sẽ quay trở lại, mày chờ ở đây, chó ngoan. Tôi đi bộ về, qua các khu đất trống, dưới ánh đèn đường sáng trắng, nản lòng hơn nhiều so với những gì mà từ nản lòng có thể diễn tả, như thể vừa cắn vào một tảng đá trong vũ trụ. Đó là một trong những giờ phút mà người ta nhận ra sự tồn tại khắc nghiệt đến chừng nào, tuy chỉ le lói như nhìn qua một mảnh vụn trong suốt, hay một vết trong tạo ra nhò chạm đầu ngón tay lên mặt kính đóng băng, và đó chỉ là sự thất vọng của những kẻ ngây thơ, khiến những hy vọng của họ tan biến nhanh như lao đầu xuống vực, và sự chịu đựng ấy sẽ phải chấm dứt, bằng cách nào đó. Về đến nhà, tôi vẫn còn nghe tiếng rền rĩ của Desert vẳng đến từ bên kia đường cao tốc, ít giống tiếng rên rỉ của chó mà giống tiếng thổn thức của đứa trẻ hai tuổi bị đau tai. Và…

– Được rồi. Tốt lắm. – Marena nói. Chắc Lisuarte vừa thông báo với cô ta qua điện đàm rằng họ cuối cùng cũng đã xem đủ các hoạt động của rìa não tôi. Rốt cục thì Jed Mixoc de Vô Cảm cũng đã bộc lộ ít cảm xúc thật. – Bây giờ chúng ta thử vài kích thích nhé, – ý cô ta là kích thích tế bào thần kinh.

Tôi trả lời được và nhắm mắt lại. Mười giây bình thường, không có gì xảy ra, tiếp đó là một tia sáng xanh lóe lên.

– Tôi nhìn thấy màu xanh lá cây, – tôi thông báo.

– Tốt, – cô ta đáp. Vài giây im lặng nữa, và sau đó là tiếng mưa rơi.

– Tôi nghe thấy tiếng mưa, – tôi thông báo tiếp. Tôi cũng ngửi thấy mùi tỏa ra từ những nén hương bằng gỗ đàn hương ai đó vừa thắp lên. Rồi tôi nhớ ra rằng đó có thể chỉ là một kích thích khác.

– Mùi hương.

– Đúng rồi.

Những âm thanh, hình ảnh và mùi hương nối tiếp nhau nổi lên rồi chìm đi. Tôi nghe thấy tiếng vĩ cầm giọng son thứ và một đoạn trong bản công-séc-tô số 2 soạn cho đàn Piano của Prokoviev. Tôi ngửi thấy mùi quế và mùi cao su cháy khét – ai đó đang chọc ngoáy lung tung vào thùy thái dương của tôi – và rồi, bất thình lình, đến một mùi gỗ ngòn ngọt như mùi của những cuốn sách cũ bị ẩm. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của Silvana. Tôi cảm thấy những vết nhoi nhói trên ngực và một cú thọc mạnh vào xương sườn. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của nhũng người mà tôi chắc chắn có quen biết nhưng không còn nhớ nữa. Tôi thấy khuôn mặt của mẹ tôi. Bà đang mỉm cười. Tôi nhìn thấy những vân gỗ tạo thành hình thù ghê sợ mà tôi tưởng tượng giống như con dê quỷ thắt nơ bướm trên cánh cửa phòng tôi ở nhà Odegârd. Tôi nhớ đến chiếc máy xúc đồ chơi màu da cam mà tôi đã bới lên được từ bãi rác và chơi với nó hàng ngày hàng giờ; nhớ tới con cá đầu tiên tôi nuôi, một con cá cầu vồng mà tôi đặt tên là Generoso, và một buổi sáng, tôi giật mình khi phát hiện ra nó trở nên hiếu chiến, xù hết vây ngạnh lên và cắn chết những con các cầu vồng khác, đầu tiên là những con đực, rồi đến những con cái, và cuối cùng chính nó cũng chết; nhớ tới những điều mà tôi đã không hề nghĩ tới nhiều năm nay, thậm chí không hề nghĩ tới suốt từ khi nó xảy ra cho đến ngày hôm nay. Lạ sao, tất cả những sự việc đó dường như đều đang chạy ngược chẳng theo một thứ tự gì hết, sau đó lại chạy xuôi lại giống như các phân mảnh chương trình trước tiên được sắp xếp rồi tua lại và chiếm những vị trí mới trong ổ cứng của tôi, sau đó phát lại từ đầu. Có những lúc, tôi choáng ngợp đến mức gần như nghĩ rằng tôi có thể đã là người kia, tức là phiên bản của chính tôi đang mắc kẹt ở cuối thế kỷ mười bảy, và ở đây, tôi đang cầu xin thánh thần, kể cả ma quỷ và những vị thần không tồn tại, sao cho người đó không phải là tôi, đừng để tôi là người phải đi, hãy cho tôi là người ở lại, bởi vì nếu tôi là người kia, tôi sẽ không thể trở về.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN