Mật Mã Maya - Chương 36
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
204


Mật Mã Maya


Chương 36


– Hóa ra cậu thu mình chờ đợi à? – tôi nghĩ trong đầu với Chacal. – Cậu chờ đến lúc người ta không để mắt đến là nhảy tưng lên và giết cả hai chúng ta à? Thật không ra đâu vào đâu cả.

Chacal không trả lời. Nhưng tôi chắc chắn anh ta đang ở đó. Tôi có thể cảm thấy anh ta đang sưng sỉa ngồi thu lu trong một nếp gấp nào đó trên vỏ não, thu mình lại, bó gối lại, cuộn tròn lại…

– Tôi biết cậu nghe thấy tôi mà, – tôi nghĩ. Cậu đã thưởng thức cảnh tôi sợ phát cuồng lên khi bị tóm trong cuộc săn. Thật vui vẻ, nhỉ? Cảm nhận sự sợ hãi của tôi. Cậu thật đáng khinh. Nhưng nếu muốn tự sát, sao cậu không chiếm lấy quyền kiểm soát bộ óc này trong cuộc săn?

Lặng thinh.

– Cậu đã có thể đập đầu chúng ta vào đá. Nhưng cậu không làm vậy. Cậu muốn bị bắt, phải không? Phải thế không? Cậu muốn tự sát, nhưng không muốn bị một thằng Mèo Rừng nào đó sỉ nhục. Phải không?

Nín thinh.

Hừm. Được thôi, nếu mày muốn hờn thì mặc xác mày.

Lần này thì tôi đang ở đâu đây?

Ờ… trước hết, lần này tôi thực sự bị đánh bả. Hình như là một loại thuốc mê đơn thuần, chiết xuất từ cây bìm bìm hoặc một vài giống cây nào đó cùng họ. Vì vậy tôi không biết gì nhiều lắm để nhớ lại. Tôi biết mình đã bị khiêng đi hồi lâu, đầu tiên là ở tư thế nằm ngang, sau đó là đựng đứng. Còn bây giờ, tôi được đặt nằm trên manh chiếu trong một cái túp sậy, ngửi mùi thì biết là mới cất, hay nói theo cách của người Maya chúng tôi là “mới bó”. Tôi vẫn còn miếng giẻ trong miệng và thứ gì đó dinh dính trên mắt. Hai tay tôi bị trói đằng trước bụng – so với bị trói quặt ra đằng sau thì đây coi như là một sự hưởng thụ – và hai bàn chân hình như cũng bị trói lại với nhau, mặc dù dưới đó tê và nhói đến mức khó có thể nói chắc được. Bộ gạc hươu cùng các bộ phận khác của bộ trang phục hóa trang, theo như tôi thấy, đã biến mất. Có tiếng ào ào đâu đó, chắc là gió thổi qua cành cây trụi lá, và cảm giác có nước chảy. Cả chim nữa, vì tôi khá chắc chắn là trời vừa mới rạng thôi.

Phải chắc chắn là mình đang kiểm soát cơ thể này, – tôi nghĩ. Tôi ngó ngoáy cựa mình một tẹo. Rồi, tôi nghĩ tôi đang kiểm soát tốt, ít ra là lúc này. Khi ý thức của Chacal chỉ huy thì cảm giác…

Hừm… cảm giác thế nào nhỉ? Câu hỏi khó đấy. Về mặt bằng chung, tôi đoán rằng nó giống như… tôi cũng không biết nữa. Nó giống như vị muối. Nó giống như tiếng đàn vi-ô-la. Nó giống như một cầu não bốn chiều.

Có gì đó khác thường.

Bước chân của những người khiêng chúng tôi chậm lại và không còn đều đặn nữa, như thể họ sắp đến đích. Không khí rất khác thường.

– Ta biết nơi này, – Chacal bất thình lình lên tiếng. – Trong anh ta có một cảm giác mà tôi chưa từng cảm thấy, không phải giận dữ, không phải hoảng hốt, mà là sự bất an mỗi lúc một tăng thêm. – Giàn cây của bọn ta, nơi có thứ đất sét của thị tộc ta.

Chúng tôi đang ở gần Bolocac, ngôi làng của Chacal. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một hẻm núi rậm rạp cây cối, tiếng ào ào lúc trước tôi nghe thấy chuyển thành tiếng rãnh nước chảy róc rách, và xa hơn nữa là tiếng ồn đều đều của một con thác.

– Này… cậu có vẻ hơi lo lắng, – tôi bảo với Chacal.

Anh ta không thèm trả lời, nói thẳng ra là vậy.

– Cậu biết đấy, – tôi nghĩ, – tôi chắc chúng ta có thể tìm ra cách chia nhau thời gian chiếm giữ cơ thể này. Cậu xem thế này được không, cậu giữ nó khi chúng ta ăn hoặc ngủ với đàn bà, thời gian còn lại tôi sẽ…

Không khí. Tôi nhận ra mình không thở nữa. Tôi hít một hơi. Không được. Ối giời ơi. Tôi tìm lại được liên lạc với cơ thể mình và hít vào. Lấp đầy vào đi. Nào…

Được rồi. Tôi khịt thông mũi. Không khí ùa ào mang theo mùi đất sét ngọt dịu và nhiều mùi khác từ xa thoảng đến: mùi ngô bị hun nóng, mùi gì đó giống chất crê-ô-zốt và mùi thum thủm của mỡ cháy ôi thiu. Có mùi bạch đậu khấu ở đâu đó, hay đúng hơn là mùi gần như mùi bạch đậu khấu. Hoa phong lan chăng?

– Đó là ta ngửi thấy, – Chacal nghĩ, – là ta.

Ặc. Tôi lại ngạt thở. Nào. Hãy giành lấy quyền kiểm soát. Hãy giành lấy hệ thần kinh. Tôi cảm tưởng như chúng tôi là hai đứa trẻ mẫu giáo to con bằng nhau ngồi trên bập bênh, đứa nào cũng muốn ghì bên mình xuống đất. Chỉ cần một cái ngã nhẹ ra sau hay chuyển trọng tâm một chút thôi cũng đủ làm thay đổi tình thế, quyết định ai ở lại dưới đất và ai bị nhấc bổng lên cao. Cả hai đều vô cùng nhạy cảm trước sức nặng và vị trí của đối thủ, đến mức như hai đứa trẻ sinh đôi dính liền nhau.

Grrrr. Hít vào đi. Nào.

Dù thiên hạ có nói gì đi chăng nữa thì sự thực vẫn là anh không thể tự tử bằng cách nuốt lưỡi mình. Cùng lắm anh chỉ có thể cắn vào đầu lưỡi hoặc môi để máu phun ra và hy vọng trong lúc xỉu đi, anh sẽ mất đủ máu để chết. Nhưng ngay cả cách ấy cũng không đảm bảo. Thực tế, tại Iraq năm 2004, một viên trung úy hải quân đã thử chết theo cách này, ngay sau Salat-al-Isha (Giờ cầu kinh đêm của người Hồi giáo, kết thúc khi trời rạng sáng), nhưng đến sáng hôm sau, quân phiến loạn vẫn tìm thấy và cứu sống được anh ta. Dù sao, cho đến lúc này, miếng giẻ trong miệng tôi/chúng tôi đã ngăn không cho Chacal làm việc đó. Nhưng đã có – hoặc sẽ có – những vụ nạn nhân bị bắt cóc bị nhét giẻ và chết ngạt vì mớ giẻ đó, và đó là điều anh ta đang cố làm.

Tôi nuốt một hớp không khí. Tao sẽ không để mày làm chúng ta chết ngạt đâu. Tôi tìm được liên lạc với hai lá phổi và lên gân, xiết chặt chân tay như nghiến răng. Tao cũng mạnh mẽ như mày và tao đang làm chủ…

Sang phía đông, hơi thở của chúng ta bị chặn lại,

Sang phía nam, nó ngừng lại,

Hơi thở của chúng ta đã chết,

Nó ngừng, nó chết, nó ngừng…

Hơi thở của ta, – tôi nghĩ. Nhưng chẳng có hơi thở nào hết. Tôi gồng mình và lăn lộn nhưng chẳng có gì vào hết. Anh ta đang điều khiển hai lá phổi. Ối, quỷ thần ơi, tôi chỉ đang khò khè, khục khặc, hai tai tôi ù lên như cái đĩa hát bị nấc ở đúng đoạn chuyển bài của một đĩa nhạc rock. Tim thì như đang chạy lên thang gác. Mười ba nhịp cầu thang. Lưỡi tôi phồng lên thành một tảng tướng, to phải bằng quả bóng tennis. Tôi tái xanh đi…

Nó ngừng rồi, nó dừng lại rồi…

Thở ra đi. Thở ra. Ôi trời ơi. Không hay rồi. Những người suýt chết đuối kể rằng sẽ đến lúc anh buộc phải thở cho dù biết rằng nước sẽ tràn vào và giết chết anh. Nhưng Chacal lại có thứ sức mạnh tinh thần này, anh ta sẽ làm được điều này, sẽ dìm chết cả hai chúng tôi trong thán khí, và trong một giây, tôi cảm giác như đang chìm xuống đáy biển đang cuộn xoáy với san hô màu đỏ ngọc và những con sên biển Phyllidia varicosa xanh biếc. Cứ để nó đến đi. Cứ để mình chìm xuống tiếp đi…

Ọc. Khặc. Dội thẳng vào.

H…i…í…t. Vào thẳng đến dạ dày.

Oa. Aha! Không khí. Phản ứng vô thức.

Những ngón tay đeo găng cậy hàm tôi mở ra, thọc vào miệng tôi, rút miếng giẻ ra, khác nào tháo cái nút chặn cống. Không khí ào vào và ngực tôi căng phồng lên. Thật ngọt ngào. Oái. Hàm sái cả đi. Có sao? Đội ơn giời. Tao cứ tưởng chúng mày bỏ bê công việc rồi chứ. Lũ đần độn. May vừa đúng lúc. Có người tọng một thanh gì đó vào miệng tôi, chống cho nó mở ra, được được… không, không, không, k…h…ô…ô…n…g…

– Im đi, – tôi nghĩ, – họ muốn tao sống. Mày hiểu không?

Chết đi, ta cùng chết đi,

Có vậy thôi, chúng ta chết, chúng ta chết…

Họ đang dựng tôi lên và ai đó ấn mạnh vào bụng tôi như lối thủ thuật Heimlich (Thủ thuật sơ cứu cho những người bị hóc vật gì đó trong họng), nhưng tôi vẫn ngạt tái người đi. Chacal không thể giết chết tôi chỉ bằng ý chí, phải vậy không? Điều đó đơn giản là không thể được. Họ đang cố giữ cho tôi sống, cho tôi sống, cho tôi sống…

Huỵch. Một quả thụi. Tôi thở được liền. H…í…t… h…à. Mấy bàn tay đeo găng lại dựng tôi ngồi dậy. Tôi đang thở, bằng bộ phận nào đó. Tốt quá. Can thiệp thật đúng lúc.

Hoảng sợ, ngươi hoảng sợ,

Ngươi ô uế, dơ bẩn,

Ngươi hoảng sợ, hoảng sợ.

– Ừ đấy, thì sao nào, – tôi đáp trả. Nhưng, thật ngớ ngẩn… tôi cũng cảm thấy… Ờ… thấy xấu hổ. Dĩ nhiên là tôi sợ, và dĩ nhiên Chacal biết tôi sợ, và anh ta biết là tôi biết anh ta biết. Bực một nỗi là chẳng có mấy sự riêng tư trong cái mối quan hệ phải gió này. Nghĩ đi nghĩ lại, quả thực cảm xúc mạnh mẽ và dai dẳng nhất trong tôi từ trước tới giờ luôn là sự xấu hổ.

– Cậu quá lạnh nhạt để biết thế nào là sợ, – tôi bảo anh ta. – Cậu cũng như tất cả mọi người thôi. Cậu tin vào mọi thứ người ta nói với cậu lúc cậu còn…

– Ngươi không phải đến từ b’ak’tun mười ba, – Chacal đáp, – ngươi chỉ bịa ra thôi. Ngươi bịa ra toàn bộ câu chuyện về cuộc đời mình. Nghĩ mà xem, những bức tranh phóng đi trong không khí, xuồng bơi trên mặt trăng, chiếc hộp chỉ to bằng cái lưỡi ngươi mà biết nhiều hơn cả ngươi, trò dối trá thật nực cười.

– Ừ, những chuyện đó nghe có vẻ hơi hoang đường, – tôi nghĩ, – nhưng không, tôi không bịa. Tôi không thể bịa ra những chuyện ấy được. Không ai có thể bịa ra cấu trúc dạng xoắn của ADN, hay Trung Quốc, hay Anna Nicole Smith (diễn viên người Mỹ) được. Chúng đều có thật.

– B’aax? Vậy sao? Bên nào hợp lý hơn: những thứ đó có thật hay ngươi là con ác quỷ lừa bịp?

– Cậu chẳng có tí hiếu kỳ nào cả, – tôi nghĩ, – nếu cậu quan tâm đến bản thân nhiều hơn một chút thì chắc cậu đã tò mò về nơi mà từ đó tôi đến. Cậu buồn chán như tỉnh lẻ vậy.

Tôi vừa nghĩ với Chacal câu ấy vừa thấy mình vô duyên, không khác gì ngồi trong phòng thẩm vấn với một tay sheriff (cảnh sát trưởng) người Texas mà giải thích về sự khác nhau giữa Baroque (Phong cách nghệ thuật khởi nguồn từ Rome đầu thế kỷ 17) và Rococo (Phong cách nghệ thuật thịnh hành ở Pháp thế kỷ 18). Hơn nữa, tôi thấy bực mình. Một trong những điều làm tôi thất vọng là Chacal chẳng hề ấn tượng gì trước những điều mà ký ức của tôi đem lại. Tôi những tưởng ngay giây đầu tiên gặp tôi – nếu có thể nói thế – anh ta sẽ tròn mắt ngạc nhiên mà xuýt xoa như kiểu: “Ôi, thần Jed, ôi”. Nhưng anh ta hoàn toàn chẳng có một chút ấn tượng. Hoàn toàn khinh rẻ, ý tôi là, tôi cũng luôn bực bội, khinh ghét và có những cảm giác đại loại như vậy, nhưng ở Chacal là sự khinh miệt thực sự, không gì lay chuyển nổi và không lẫn bất cứ cảm giác nào khác. Sự khinh miệt giai cấp, chủng tộc và tất cả những sự khác biệt khác. Nếu ngươi không phải một Đại Bàng hay một Mèo Rừng thì ngươi thậm chí thích hợp để ăn, ý tôi là để ăn thịt.

Đúng là một thằng khốn nạn, – tôi tự nhủ. Hiểu nhưng không có nghĩa là có thể tha thứ. Mình những muốn giết chết hắn. Nhưng làm thế sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nếu tôi có nện vào đầu mình thì đó cũng là điều Chacal muốn. Phải vậy không?

Mặc khác, anh ta cũng có lý của mình… cứ theo cái cách mà tôi đang giẫy giụa ở đây thì thế kỷ 21 đúng là hơi khó tin. Hãy công bằng. Hừ, ngay cả khi tôi có phịa ra một ít…

Ấy. Khoan. Dừng lại đã. Mày lảm nhảm như một thằng điên ấy.

Lúc này, những bàn tay đeo găng đã nhúng vào dầu cọ và họ đang xoa, đang cạo người chúng tôi…

– Ah cantzuc che – Chacal đang gào lên trong đầu (Ngươi có bệnh trong mắt – nghĩa là ngươi điên rồi) – Ah cantzuc che!!!

– Tôi hiểu cậu đang lúng túng, – tôi nghĩ, – thế giới quan bỗng đảo lộn, việc đó không phải ngày nào cũng xảy ra. Những ngày khác, chắc thế. Nhưng…

– B’ukumil bin cu…

– Chết tiệt, – tôi nghĩ, – cậu là thằng chẳng ai cần đến hết. Sọ Đá Quý 2 không quan tâm đến cậu. Ông ta muốn giữ tôi ở lại.

– Không phải.

– Đúng thế đấy, cậu biết thế mà.

– Ông ta giữ ngươi ở lại chỉ để hành hạ ngươi thôi.

– Không, ông ta giữ tôi lại vì tôi có thể có ích. Cậu là kẻ ngoài cuộc rồi, đồ thất bại.

– Ah cantzuc che, ah cantzuc che…

Oái. Mẹ kiếp. Họ đang khâu ngực tôi. Mặc dù nói là “khâu” thì to tát quá, vì cứ như họ đang dùng kim đan và dây loa vậy. Sau một triệu mũi khâu, họ lại xoa dầu, lật lên lật xuống người tôi hệt như đang thay tã cho trẻ con. Chúng tôi thấy họ quấn cho mình một chiếc khố thêu quanh hông và xâu những sợi chỉ màu sắc rực rỡ qua hai cái dái tai sưng phồng. Họ chải và tết lại mớ tóc cụt lủn của chúng tôi. Chắc họ đang nối dài nó ra. Tôi thấy mình chẳng khác gì con chó Nhật trong cuộc thi hoa khôi chó. Họ đeo những chiếc vòng bằng đá xếp vảy quanh hai cổ tay, dùng dây da buộc một miếng đá trang sức hình lưỡi rìu của người chơi bóng hông quanh lòng bàn tay phải. Chúng tôi được phục sức bộ trang phục đội đầu khá nặng và đeo một sợi xích bằng đá quanh hông, chắc nó được dùng trong dịp lễ hội bóng thôi chứ thế này thì quá nặng để đeo khi chơi thật. Cuối cùng, họ thoa lên người chúng tôi một thứ bột mà ngửi mùi, Chacal biết đó là tro xương trộn chu sa. Đương nhiên có cả mùi vani thoang thoảng nữa. Tôi quả quyết rằng chúng tôi đủ thơm tho và ngon mắt để làm thức ăn, thậm chí cho một vị thần. Thế nhưng, chúng tôi được đưa đến đây không phải để dùng vào việc đó.

Mấy gã hầu trang phục xốc chúng tôi đứng dậy, giúp Chacal lấy thăng bằng – anh ta đã lấy lại kiểm soát cơ thể, nhưng ngay lúc này chưa gây chuyện gì. Họ dẫn chúng tôi đi qua một cánh cửa thấp, bước chín bước ra ngoài ánh sáng. Họ đặt chúng tôi xuống một chiếc chiếu cứng, mặt trơn. Tên cầm đầu – tôi nhận ra hắn không dùng găng tay – lột những dải băng dinh dính hay cái của nợ gì đó ra khỏi mắt tôi và chùi hết những vết dính còn bám lại. Mắt tôi mở được ra.

Chúng tôi đang ở sâu trong một hẻm núi cây cối rậm rạp, mặt quay về hướng đông, cách bờ một con lạch nhỏ chừng hai mươi bước chân. Chúng tôi không nhìn thấy nhưng nghe thấy tiếng thác nước đổ xuống qua nhiều tầng từ đỉnh một vách đá cao chừng một trăm feet – “tuy bây giờ đã là cuối mùa khô” – tôi, hoặc Chacal, nghĩ.

Quanh chiếc chiếu, một vạt cỏ vuông vắn rộng chừng mười lăm sải tay đã được đốt quang và rắc đầy cánh hoa mộc lan dại như muốn giả làm tuyết. Những chiếc giỏ nông nhiều kích cỡ khác nhau được đặt rải rác, chiếc nào chiếc nấy đựng đầy hạt san hô, “lưỡi rìu tiền” bằng đá xanh, xì gà, hạt vani, hạt ca cao và những cuộn vải bông chưa nhuộm; quả là một kho của ra trò đối với một anh chàng như Chacal, người rốt cuộc cũng chỉ là một tay nhà quê kiết xác mới kiếm được chút thành đạt. Năm người đàn ông ngồi ở cạnh phía đông vạt cỏ, Sọ Đá Quý 2 ngồi chính giữa, trên chiếc chiếu dày bện hình da rắn dành cho dịp lễ, đeo mặt nạ và trang phục đội đầu hình con yêu quái đại bang harpy. Ông ta giữ một con diều hâu đuôi đỏ trên cổ tay trái, nó không bị bịt mắt như những con chim được thuần dưỡng ở cựu thế giới (Tức là châu Âu, châu Á và châu Phi) mà bị xích chân vào một chiếc vòng tay bằng gỗ dày. Chỉ có thể thoáng nhìn thấy tí da dưới những chuỗi ngọc bích quấn kín mít, và giữa ngực ông ta đeo một mảnh gương lớn hình bầu dục, tựa như gương Claude (Loại gương hơi lồi, bề mặt nhuộm đen), gắn trên một khối quặng sắt.

Ái chà, nhìn đẹp ra trò.

Hai đại diện của Hội Bóng Hông nhà Đại Bàng ngồi bên phải ông ta. Người thứ nhất là Hun Xoe với khuôn mặt đẹp giai và tươi tỉnh. Nó từng là người chơi chính ở vị trí cuối sân, tức hậu vệ, của Chacal. Rồi đến một k’iik lớn tuổi hơn rất nhiều, nom giống phiên bản thu nhỏ và lôi thôi của Người Đá trong phim Bộ tứ siêu nhân. Một luồng thiện cảm từ Chacal chạy sang tôi, bất chấp, hoặc có thể chính vì, ông ta đã nhiều lần đánh bại Chacal, chỉ cách cái chết có vài inch. Tên và danh hiệu của ông ta thình lình hiện lên trong óc tôi: Sấm Rền 3, người quản lý vòng hông của đội bóng nhà Đại Bàng. Chức danh ấy có nghĩa ông ta là huấn luyện viên. Đó là người chú thứ hai của Chacal và là em họ nuôi của Sọ Đá Quý 2. Ông ta có biệt hiệu là Tinh hoàn 3, đơn giản vì ông ta có nhiều chất đàn ông hơn bất cứ ai. Trước khi trở thành thầy dạy kiêm cha nuôi thứ nhất của Chacal, ông ta từng là một hậu vệ huyền thoại, chưa từng bị đánh bại nhưng đã bị thương nặng trong trận đấu cuối cùng, cách đây mười chín mùa chiến tranh. Trong trận đấu đó, ông ta bị tơi tả chưa từng thấy, nên bây giờ cánh tay trái của ông ta vẫn tê liệt thành một cái vuốt không cử động được nữa. Nhưng nhìn ông ta vẫn như thể nếu anh lại quá gần, ông ta có thể bóp nát cổ anh bằng bàn tay lành lặn và dùng lợi cắn đứt đầu anh. Hai người dân địa phương ngồi bên tay trái Sọ Đá Quý 2.

Đầu tiên là một ông già nhà quê trong chiếc mũ ống chóp cao màu xanh nước biển, vị chức sắc đương nhiệm của ngôi làng nhỏ này. Ông ta là một “người ở nhà tròn” – tức là người thuộc tầng lớp phải ở trong những túp lều tròn thay vì những ngôi nhà xây vuông vắn của tầng lớp quý tộc – và ông ta thuộc tầng lớp kém xa trong nhóm người này, nhưng vẫn có vẻ được kính trọng. Chacal dĩ nhiên biết ông ta, nhưng cả tôi (tức là tôi, Jed ấy) cũng cảm thấy khắc khoải nhớ nhà – cảm giác khắc khoải nhất kể từ lúc đến đây – khi nhìn ông ta bởi ông ta gần như giống hệt Diego Xola, một bô lão ở Tozal, ngôi làng nơi tôi lớn lên. Các bô lão qua bao đời vẫn chẳng thay đổi gì mấy. Bên cạnh ông ta-ngồi bệt dưới đất vì không xứng ngồi chiếu-là người sinh ra tôi, tức sinh ra Chacal. Nom ông ta thô kệch, một nông dân trồng ngô, còn trẻ tới mức không ngờ, với hàm răng lởm chởm và cái trán nhăn lại vì thường xuyên phải vác thúng nặng. Chiếc mũ rơm rộng vành của ông ta nhìn như mũ đội khi đi chơi ngoài bãi biển và mốt chẳng kém gì mũ của những năm 1960. Tên của ông ta là Wak Ch’o, tức là Chuột 6, một cái tên điển hình của nông dân ở nhà tròn. Tôi biết mẹ Chacal đã mất, nếu không bà đã được phép có mặt tại đây và đã khiến Chacal có đôi chút ấn tượng gì đó. Nhưng Chacal còn có anh em, và họ cũng không đến. Hừm. Chắc các bạn nghĩ việc gặp lại người cha sẽ khiến những cảm xúc như thương yêu, đau buồn, vân vân, trỗi dậy trong Chacal. Phải không? Không biết có hay không, nhưng tôi không hề cảm thấy. Tất cả những gì tôi cảm thấy qua Chacal ngay lúc này là sự xấu hổ. Hay nó đặc biệt hơn thế một chút, giống như… hừm… Ồ, tôi biết rồi. Nó giống sự hồi hộp của một diễn viên trước khi ra sân khấu.

Từ vị trí này, tôi chỉ thấy thêm hai người nữa. Sên Xanh 3 – tên gù với giọng nói cao the thé phát ra từ cổ họng – đứng một mình ở góc xa bên phải. Lão khoác một chiếc áo choàng lông màu xanh da trời, chụp một thứ trang phục đội đầu hình xoắn ốc khiến đầu to xù ra như một con cá đại dương thân có thể co dãn. Và bên kia suối, cách chừng năm mươi sải tay, một k’iik Đại Bàng cao lớn đang đứng dưới một bụi ổi gai.

Có ba tên hầu trang phục đứng sau chúng tôi (tôi đếm tất cả mọi người theo thói quen), và tôi nghĩ còn ai đó nữa đang ngồi gần bên tay phải chúng tôi, người mà tôi không được phép nhìn. Nếu còn các vệ sĩ hay phu khuân vác ở quanh đây thì họ đã ở ngoài tầm mắt của chúng tôi.

– Te’ex!

Sên Xanh 3 gào lên, gần như thẳng vào tai tôi bằng cái giọng cao chói vói của lão: “Ngươi!”

Chacal giật mình, chú tâm. Anh ta có cái cảm giác như tôi từng được thưởng thức một lần hồi mười lăm tuổi, khi một tay cớm bất thình lình hướng loa vào tôi, quát: “Này, THẰNG KIA! Đứng im! Thằng đội cái mũ rách ấy! Đứng im!”

Te’ex m’a’ ka’te!!

– Ngươi, tên nhãi có bộ da bẩn thỉu kia

Ai là mẹ ngươi? Ai là cha ngươi?

Ngươi không biết? Cái bào thai thối rữa không biết?

Sọ Đá Quý 2 chìa tay về phía chúng tôi và ngửa lòng bàn tay lên. Nó có nghĩa rằng nếu tôi, hay đúng hơn là Chacal – vì bây giờ anh ta đang điều khiển cơ thể này – có gì muốn nói thì nên nói ngay bây giờ.

Tôi hét to:

– Đây là khu vườn của ngươi,

Sân trước của ngươi,

Bếp lò của ngươi,

Cái võng của ngươi,

Đây!

Tất cả chúng ta đều không kính trọng ngươi, ruồng bỏ ngươi…

– Ờ… này, Chacal này? – tôi nghĩ, – tôi thấy sự lựa chọn khá rõ ràng. Nào, họ đã đóng gói hết đồ cho cậu rồi đấy. Nghe theo đi, anh bạn.

Anh ta không trả lời, nhưng dường như anh ta phập phồng xúc động, như cái lỗ hổng được bịt tạm trên chiếc máy bay đang giảm dần áp suất. Sên Xanh 3 rập rình tiến lại và quỳ xuống bên tay trái tôi, nom y như một đứa trẻ sơ sinh nặng cả trăm pound. Lão đưa một chiếc bình thuôn thuôn hình ống đựng thứ gì đó kề vào miệng chúng tôi, hoặc vì chúng tôi còn khát khô, hoặc vì Chacal không thể không tuân theo, chúng tôi uống cạn cái bình. ụa. Tôi đã được thưởng thức vài loại cốc-tai khó nuốt ở đây, nhưng cái này mới thực sự tởm lợm. Lúc đầu, nó chỉ nhàn nhạt thôi, như nước luộc thịt có vị sắt gỉ nhẹ, thêm một ít vẩn giống như lá lách bê xay nhỏ, nhưng khi nó trôi qua cổ họng, tôi lại thấy dư vị khe khé, ngầy ngậy. Nó gợi tôi nhớ đến thứ gì đó… ô, phải rồi, tôi nhớ ra rồi. Nó giống thứ nước mà hồi còn đi học, chúng tôi pha để lỡm thằng khác uống, gọi là nước “tua vít”, trộn rượu vốt-ca với dung dịch ma-giê hy-đrô-xít. Và lúc này tôi cảm tưởng như trong dạ dày có một miếng bọt biển khô đang thấm nước và phình to lên bằng quả bóng đá… không… quả bóng rổ… không, quả bóng bãi biển. Tôi nhớ chỗ cặn trong bình có màu xanh tím ngắt. Nước mạch nha lấy từ ngô chăng? Tiếp đó, Sên Xanh 3, một tay cầm một mẩu xương sống cá đuối, tay kia cầm hai chiếc chén nhỏ bằng đất sét, cúi về phía trước. Tôi cảm thấy những ngón tay mỏng mọng của lão véo vào dái tai tôi. Lão xiên mẩu xương vào dái tai tôi và rút ra đánh xoẹt một cái.

Hai tai chảy rất nhiều máu, chưa đầy một phút sau, hai chiếc chén đã đầy. Hai gã hầu trang phục quỳ xuống, mỗi tên cầm lấy một chiếc chén, dùng những miếng giẻ để tô, hay đúng hơn là bôi lem nhem người thằng bé thế mạng bằng máu của tôi. Khi nó đã được bôi đỏ khắp người và máu bắt đầu khô, chuyển sang màu nâu, họ quay sang tôi. Chacal kêu lên không thành tiếng trong đầu tôi: “không, không, không, không”. Mày xong rồi, – tôi nghĩ, – mày thành dĩ vãng rồi, bước đi thôi.

Trong lúc đó, hai gã hầu trang phục vẫn bận rộn với tôi. Họ đắp bột cầm máu lên dái tai tôi, lau chỗ máu dây trên ngực. Họ tháo phiến đá trang sức và sợi xích đá bóng hông, tháo những cái vòng tay mà họ vừa mới đeo vào, cởi bỏ bộ trang phục đội đầu, lột cái khố, tháo những chiếc nhẫn đeo ngón chân, tất tần tật. Khi tôi đã trần trụi, họ đeo tất cả những thứ ấy lên người thằng bé bất hạnh. Nó lảo đảo dưới ngần ấy sức nặng. Họ quay lại và dùng da cá mập tẩy những vết xăm hình xoắn ốc tượng trưng cho gia tộc trên má tôi. Họ giũa sạch những vết chai nổi cục của dân chơi bóng hông trên đầu gối và khuỷu tay tôi. Tôi xin đánh cuộc rằng nếu mắt tôi có màu sắc khác lạ hay có bất kỳ đặc điểm nào nổi bật chứng tỏ tôi là Chacal thì họ cũng sẽ móc nó ra. Đau quá. Bề ngoài tôi đã đổi khác.

Lúc này, Sên Xanh 3 đang nói chuyện với người thế mạng, giả giọng cha mẹ, ông bà, cụ kỵ và cả tổ tiên sáng lập ra họ nhà Chacal, tất cả những người mà anh ta mang họ, tất cả những người được cho là đang trú ngụ đâu đó trong khóm ổi gai hoặc trong dãy núi phía sau. Cứ mỗi lần đóng vai một người, lão ta lại kêu gọi Chacal về với họ.

– Đổi chác thế này có vẻ hợp lý đấy, – tôi nghĩ với Chacal, – nếu là tôi, tôi sẽ biến khỏi cái xác cũ này và chui vào thằng bé kia ngay.

Tôi liếc mắt theo dõi những tên hầu trang phục lột một mảng da khỏi ngực thằng bé thế mạng, giống hệt mảng da họ đã khâu lên ngực tôi. Sên Xanh 3 đưa họ vật gì đó, miệng vẫn không ngừng bài khấn. Đó là mảng da có xăm chữ mà họ đã lột khỏi ngực tôi trong buổi chơi trò săn hươu. Nó đã được thuộc nên dẻo và trong suốt. Tôi hơi bối rối vì tôi tưởng họ đã dùng mảng da ấy cho người thế mạng thứ nhất. Có lẽ họ đã làm giả được một cái để thay thế và đánh tráo. Hoặc có thể miếng da đó không còn được treo lên để trưng bày nữa. Họ đã mang nó về. Sao cũng được. Nói tóm lại, họ bắt đầu khâu nó lên ngực của thằng bé thế mạng, dùng một sợi chỉ bằng ruột súc vật nối vào đầu một chiếc gai dùng làm kim.

– K’aanic teech chaban, – Sên Xanh 3 nói. Đại khái là: “Đây là cơ hội cuối cùng của ngươi. Lão đặt một chiếc bát miệng loe rộng xuống chiếu, giữa hai đầu gối tôi và cầm lên một cái que chọc nôn – hay nói cho khoa học một tí là dụng cụ gây nôn – bằng ngọc bích chạm khắc tinh vi. Hay quá đấy, – tôi nghĩ. Xin mời ngài Chacal thật nôn ra nào. Lão kéo hàm dưới của tôi xuống – tôi hơi giật mình hoảng sợ vì nghĩ lão sẽ xé toác nó ra – và dùng tay kia của mình thọc cái que vào họng tôi.

Ặc…

Khoang họng mở, áp suất được giải phóng và tôi phun ra. Ba bãi nôn lỏng màu vàng chua lòm ọc ra qua cổ họng và trút xuống cái bát. Tôi tưởng mình bị lộn trái. Tôi đổ gục xuống chiếu. Mình toi rồi, – tôi nghĩ, – chúng giết cả mình nữa. Tôi liếc qua khóe mắt, thấy thằng bé thế mạng cầm cái bát và tu một hơi. Khi nó uống xong, họ đổ thêm một chén nước b’lache’ vào bát, khuấy đều và bắt nó uống tiếp. Bên kia suối, gã k’iik cao lớn đứng ở bìa rừng giơ một lưỡi rìu lớn đen sì bằng đá stê-a-tít, dọa chặt đổ gốc cây chứng sinh của Chacal.

– Tôi, Chacal dưới chân ngài, đang hạnh phúc trong dòng máu này, – thằng bé cất tiếng nghèn nghẹn ngay khi có thể nói được. Dĩ nhiên, nó đã được gà trước câu ấy, nhưng rõ ràng chính nó cũng rất tin tưởng. Đối với nó, đây là một vinh dự. Nói thế vẫn chưa thỏa đáng. Với nó, đây giống một lễ cưới hoàng gia và nó là công nương Diana Spencer.

Ừ, phải rồi, mày thật may mắn…

Khoan hẵng.

Chacal biến mất rồi.

Sự thực là thế. Tôi chỉ kịp nhận ra, anh ta đã biến mất.

Gã k’iik hạ lưỡi rìu xuống.

Tôi cảm thấy trống rỗng và trì độn, như thể, cùng với những thứ khác, tôi đã nôn ra vài mét ruột và hai phần ba số tế bào thần kinh trong não. Nhưng ít ra bây giờ nó cũng là cảm giác của chính tôi. Một tên hầu trang phục – bây giờ là một tên mới, không phải hạng tiện dân – thò tay vào một chiếc túi và bốc một nắm đầy lông trắng, tôi đoán là lông tơ đại bàng, rắc lên khắp cái xác ướt đẫm của tôi.

Năm vị khách danh dự, lần lượt từng người một tiến về phía Chacal mới, chào mừng anh ta rồi quay về chỗ. Sọ Đá Quý 2 là người cuối cùng. Ông ta chìa một bàn chân ra và Chacal mới chạm nhẹ vào phía dưới. Đó là một vinh dự đặc biệt. Sau khi quay về chiếu của mình, Sọ Đá Quý 2 cầm một chiếc vỏ ốc xà cừ chạm vân đỏ biểu tượng của thị tộc, đưa lên miệng thổi, dáng điệu hệt như Triton (vị thần sứ giả của đại dương trong thần thoại Hy Lạp). Âm thanh phát ra khe khẽ, ngập ngừng. Chúng tôi chờ đợi.

Có tiếng leng keng của những chiếc chuông đất nhỏ, tựa như lục lạc của thánh Lazarus (vị thánh bảo trợ cho những kẻ ăn mày. Họ thường dùng lục lạc để báo hiệu cho người đi đường về sự xuất hiện của mình, vì vậy “lục lạc của thánh Lazarus” là cách dùng để ám chỉ “lục lạc của ăn mày”), phía sau chúng tôi. Tôi không quay lại nhìn, nhưng gần như lập tức, một nacom Đại Bàng, tức là thầy tế chuyên lo việc dâng cúng của Sọ Đá Quý 2, xuất hiện, bước chân chậm rãi như thể hắn có toàn bộ thời gian trên đời. Da hắn bôi than đen nhẻm, hắn đội một vành khăn xếp đen, cắm mấy chiếc lông chim mèo (giống chim thuộc họ sẻ, gọi là chim mèo vì có tiếng kêu như mèo kêu) đen và chiếc mặt nạ hình mỏ chim khổng lồ cũng màu đen, tất cả khiến hắn nom như phiên bản độc ác của con vịt Daffy (nhân vật con vịt màu đen trong phim hoạt hình). Các tế bào thần kinh của Chacal không hề muốn nhìn thấy hay nghĩ đến hắn, nhưng tôi vẫn tìm được tên hắn: Kỳ Nhông 18. Hai thằng bé theo sau hắn – một cặp sinh đôi xấp xỉ tám hoặc chín tuổi, da cũng bôi than đen nhẻm như hắn.

– Bề trên, xin hãy cho con trở lại trong sạch, hãy ban cho con cái chết, – người thế mạng, hay tôi nên gọi là Chacal mới lầm rầm. Hai đứa trẻ phụ lễ đỡ thằng bé nằm duỗi dài xuống chiếu, giữ lấy hai tay, hai chân trong lúc tên thầy tế rạch một đường ngang bụng nó. Bàn tay cầm dao của hắn thọc qua vết cắt vào dưới khung xương, luồn lên trên, cắt đứt các cơ hoành và tách quả tim ra khỏi động mạch và tĩnh mạch chủ. Hắn loay hoay mất gần hai mươi giây, nhưng cuối cùng cũng kéo được quả tim ra – để con dao lại thay thế vị trí của nó – và đặt nó vào một đĩa cháo ngô. Đáng ra tôi không được nhìn, nhưng vì mọi người hình như đều quên bẵng mất tôi nên tôi cứ vừa nằm trên chiếu vừa hé một mắt quan sát. Hóa ra tim có thể tiếp tục đập thêm một lúc sau khi bị cắt rời khỏi cơ thể, và quả tim này thậm chí còn phun ra những bọt máu đỏ thêm những mười lăm nhịp nữa, sau đó thì chỉ phụt ra hơi, phát ra những tiếng phì phì và lặng dần. Tôi quan sát hai đứa trẻ phụ lễ khiêng Chacal mới đặt vào một cái sọt lớn, để nó nằm cuộn tròn trong tư thế của một con chó đang ngủ, buộc lại bằng bốn nút thòng lọng thắt rất phức tạp, tạo thành hình ký tự đọc là “bốn trăm lần của bốn trăm”, tượng trưng cho sự vĩnh hằng. Rõ ràng họ không muốn nó quay về. Trước khi hai đứa trẻ xong việc, Sên Xanh 3 đã đứng sẵn cạnh tôi, mắt nheo lại vì mặt trời chiếu vào, những vệt đất sét xanh lam tô trên người chảy ra vì nóng. Lão yêu cầu tôi hứa không cho ai biết cái tên bí mật mới của tôi, tức là tên của uay mới của tôi. Tôi hứa. Nếu có ai đó biết được tên thật bí mật của anh, hắn có thể dùng nó để nguyền rủa và anh sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng của bất cứ con quỷ nào mà hắn dùng để săn đuổi anh. Lão cuối xuống, thì thầm cái tên vào tai tôi – nó hãy còn đang chảy máu – và bảo tôi nhắc lại. Tôi ráng sức tuân theo nhưng thật khó mà nói được với cái miệng đầy không biết là máu hay bãi nôn, vì thế, tôi cố nuốt đi một phần và tên hầu trang phục mới lau nốt chỗ bị tràn ra cằm. Chắc Sên Xanh 3 nghĩ tôi đang cố trì hoãn nên lão bèn dùng khớp ngón tay cốc một phát vào cạnh đầu tôi và đẩy tên hầu lui lại. Tôi thì thầm cái tên. Lão bắt tôi nhắc lại hai lần nữa rồi đứng dậy, thông báo tên gọi công khai, tức tên thường gọi của tôi. Giống như hầu hết những cái tên liên quan đến súc vật khác, nó chẳng dính dáng gì đến uay của tôi:

– Thằn Lằn Chân Lùn 10, – lão ta tuyên bố. – Kết thúc.

Đồ ăn mày, – tôi nghĩ bụng. Tôi lúc nào cũng nhận được những cái tên củ chuối nhất. Mẹ nó chứ.

Sau lưng tôi, ai đó châm lửa đốt cái túp sậy. Tôi đoán là nó chỉ là thứ đồ dùng một lần. Tôi nhấc đầu lên và nhìn thấy hai thằng bé phụ lễ nhấc cái sọt lên vai và lên đường, theo sau là tốp phu vác trên vai tất cả những thứ lỉnh kỉnh khác. Cha của Chacal và vị bô lão cũng theo họ đi xuôi con đường về làng, tay rung lục lạc để đuổi tà ma. Tôi thấy lạc lõng. Sọ Đá Quý 2 cởi xích cho con diều hâu. Ban đầu, nó cứ đứng yên, vì vậy, ông ta xùy nó cho đến khi nó bực bội đập cánh bay lên, rúc vào đám cây.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN