Trân Châu Cảng - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Trân Châu Cảng


Chương 8


Đại úy Jessi Thurman là sĩ quan của tình báo hải quân Mỹ. Mái tóc dầy của ông thật rậm và lượn sóng che đi cái đầu to quá cỡ. Nón của ông đội to cỡ 78, khi đồng nghiệp của ông ở Lầu Năm Góc biết được ông đội cỡ nón khổng lồ như thế thì họ chép miệng: Trông mặt mà bắt hình dong thật cấm có sai bao giờ. Họ chỉ nói được có thế mỗi khi buộc phải công nhận rằng ông luôn luôn thông minh hơn họ.

Lúc nào người ta cũng phải tìm ra một cái cớ gì đó. Bởi vì nếu không, họ cảm thấy rất khổ sở trước một sự thật rằng ông luôn đưa ra những giải pháp cho các tình thế khó khăn nhanh nhẹn hơn họ. Ông cũng sáng tạo ra cách mới để giải quyết những vấn đề cũ. Trong khi những người khác còn đang bàn tới bàn lui, vặn vẹo nhau về vấn đề logic cũng như những khả năng có thể xảy ra thì ông đã tìm được cách giải quyết từ lúc nào. Thurman không có học vị cao như hầu hết đồng nghiệp của mình, ông cũng không phải là dân thành thị. Mẹ của Thurman là người làm nghề gõ đầu trẻ ở một vùng nông thôn xa xôi miền trung tây nước Mỹ. Tám năm đầu thời học sinh của ông, một tay bà chịu trách nhiệm dạy dỗ ông. Ông rất thích đọc, thích đến nhà thờ, và lúc này ông đã có một bà vợ rất xinh đẹp và dịu dàng. Một phụ nữ đầu tiên trong đời ông gặp là cưới liền, và họ đã có hai đứa con còn nhỏ. Hầu hết người ta đều quý mến ông. Cho tới khi họ bị ông qua mặt, không muốn chấp nhận những giải pháp quá sáng suốt, quá bất ngờ do ông đưa ra và những lúc ấy ông mất hết cả kiên nhẫn. Ông trở nên nóng nảy và hay châm chọc chua cay. Những người có tính tình như thế ít khi thăng tiến nhanh trong quân đội.

Tài làm chính trị của đại úy Thurman cũng rất nổi bật. Ông không còn cha. Thân sinh ông qua đời khi ông mới đỏ hỏn. Một trong những người chú của ông đã có lần nói với ông rằng, một người muốn leo cao lên các bậc thang trong xã hội phải ghi nhớ điều này: Khi thành công, không nên nhìn xuống mà ngạo mạn, mà phải nhìn lên để làm cho mình ngày càng hoàn thiện hơn. Và Thurman hiểu lời khuyên ấy. Những vị tư lệnh khác, quyền cao chức trọng hơn ông trong Lầu Năm Góc nhanh chóng nhận ra, nếu họ càng tỏ ra sâu sắc và trân trọng thì họ càng có dịp thường xuyên trò chuyện với viên chỉ huy có bản tính trầm lặng, người thường hí hoáy làm việc trong văn phòng nơi góc hành lang bên cạnh phòng tác chiến.

Nhưng chưa bao giờ đồng nghiệp của ông đưa ông đến Nhà Trắng. Chưa bao giờ ông đến đó cho tới tận ngày hôm nay.

Thurman ngồi tít trong đầu bàn phía bên kia. Mặt bàn bóng lộn như gương soi rõ những sao những vạch trên bộ đồng phục của các vị tướng ngồi quanh bàn. Những thành viên trong nội các của tổng thống có quân phục riêng của họ. Áo trắng hồ bột phẳng phiu, nơ đen cài cổ, khuy áo ở manchette tay bóng lộn. Thurman thấy mình như người thừa ở đây, tuy nhiên ông thấy không có gì là khó chịu. Ông biết những người đưa ông đến đây là muốn ông đừng nói gì cả. Ông cũng hiểu ông được mời đến đây bởi vì những cấp trên trong binh chủng hải quân nhận ra những cuộc họp trong Nhà Trắng như thế này rất khó chịu đối với họ. Và nếu không có vây cánh ngồi ở xung quanh thì họ cảm thấy như mình đang bị đặt trong vòng nguy hiểm.

Chỉ huy trưởng Thurman không có nhiều thời giờ để suy nghĩ về bầu không khí quanh bàn họp. Khi vị cố vấn đầu tiên an toạ thì những then cửa ở hai cánh cửa vị tướng đối diện với căn phòng lạch cạch mở. Cửa mở rộng, một người da đen cao, vai rộng bước vào. Đó là George, người hầu chuyên đi theo tổng thống Franklin Delano Roosevelt như hình với bóng.

Tổng thống ngồi trên xe lăn, đầu ông ngẩng cao, hàm đưa ra phía trước, vai ông rộng như người đầy tớ da đen của ông vậy. Nó rộng hơn cả cái ghế tựa bằng mây trên xe lăn. Chiếc áo sơmi trắng ông mặc trên người được hồ bột trắng bóng, đeo cà vạt bằng lụa. Mái tóc bóng loáng được chải hất ra phía đằng sau. Hai bàn tay thả lỏng trên thành ghế của chiếc xe lăn trông rất mạnh mẽ. Thurman đã nghe rất nhiều những giai thoại về kỹ năng tập thể thao của Roosevelt trước khi ông bị mắc bệnh bại liệt. Người ta nói sau một ngày dài bơi lội và chạy chơi đùa cùng các con thì 24 tiếng đồng hồ sau đó, bệnh bại liệt đã chiếm lấy người ông từ thắt lưng trở xuống. Bây giờ người ta đang xì xào ở Washington rất nhiều rằng Roosevelt vẫn còn tiếp tục luyện tập nửa người phía trên để giúp cho vẻ ngoài của mình trông luôn cường tráng. Nhìn những cơ bắp cuồn cuộn ở hai vai và cánh tay được bộ đồ được may đo vừa khít người, Thurman biết lời đồn là thật. Ông cũng nhìn thấy cả đôi bàn chân của tổng thống teo tóp dưới lớp vải của chiếc quần soọc nhuyễn. Nó được cột chặt với những vòng sắt gần gần chiếc giầy của ông. Người hầu của tổng thống nắm lấy tay cầm ở đằng sau xe, đẩu Roosevelt vào trong phòng.

Mọi người đều tôn kính đứng lên chào.

Nhưng khi xe lăn của ông được đẩy ra phía đầu bàn, George quay lưng ra khỏi phòng, đóng cửa lại lặng lẽ cũng hệt như khi anh ta đến. Xong xuôi, tổng thống nói:

– Mời ngồi! – Họ chưa kịp ngồi xuống, Roosevelt đã nói tiếp:

– Tôi e rằng lúc này tâm trạng của tôi không được vui vẻ gì cho lắm. Churchill và Stalin hỏi tôi những câu hỏi mà tôi sắp sửa hỏi các ông đây. Cho tới chừng nào thì nước Mỹ hết muốn nhắm mắt làm ngơ trước một thế giới đầy binh biến?

Tướng George C. Marshall là một cố vấn quân sự đáng tin cậy nhất của tổng thống. Người ta chuyền tai nhau những chuyện nói rằng: tổng thống Roosevelt nổi tiếng là người bắt cấp dưới phải phục tùng những mệnh lệnh của mình ngay lập tức. Tổng thống đã để ý đến Marshall lần đầu tiên, mang ông vào Nhà Trắng để ông cung cấp cho tổng thống những tin tức mà tổng thống đòi hỏi phải đáp ứng ngay vào một buổi họp, không giống như những người hiện đang ngồi đây, Roosevelt đưa ra một kế hoạch và tất cả mọi người ngồi tại bàn đều tán thành. Ngoại trừ Marshall, ông ta đằng hắng và đứng lên nói giọng chắc nịch:

– Thưa tổng thống, tôi tin rằng ý tưởng của ông sai lầm kinh khủng.

Cũng theo như người ta kể, Roosevelt lúc đó đã nhìn thẳng vào mặt Marshall trong một sự im lặng rợn người trong khi những người khác ngồi bên bàn mặt tái mét xanh như tàu lá. Không biết chuyện này đến đâu, nhưng có một điều là Thurman biết chắc là một khi Roosevelt tìm một người mới ngồi vào chiếc ghế tổng tư lệnh bộ tổng tham mưu thì ông ta đã bỏ qua hàng loạt các tướng tá có bề dày thành tích mà chọn ra Marshall giữ chức vụ quan trọng này.

Bây giờ tướng Marshall đã nói xong, ông kết thúc:

– Chúng ta tiếp tục cung cấp ngày nhiều hơn thực phẩm và dầu lửa cho họ, thưa ngài tổng thống.

Roosevelt ngắt lời:

– Tất cả những thứ họ thực sự cần là máy bay, phi cơ, đạn dược và bom, và cả những người lính thiện chiến nữa.

– Nhưng dân Mỹ nghĩ Hitler và bọn côn đồ phát xít của hắn không phải mối quan tâm của chúng ta. Vấn đề là dân châu Âu phải giải quyết lấy.

Roosevelt lắc đầu. Nhìn môi tổng thống, Thurman biết ngay ông đang tỏ vẻ coi thường. Và ông cũng biết một khi tổng thống đã cắt lời tướng Marshall rồi thì ai có muốn nói thêm điều gì cũng chỉ là vô ích mà thôi. Có đôi lúc ông chủ của Nhà Trắng chỉ muốn nghe tiếng nói nội tâm. Thurman hiểu điều đó, bởi vì chính ông cũng đã trải qua những giờ phút như thế trong đời. Roosevelt nói:

– Tiếp tục đợt viện trợ mới đi thôi. Gửi đến Anh và Nga thêm nhiều tàu chiến và vũ khí dùng trong máy bay chiến đấu nữa đi!

Một viên tổng tư lệnh hỏi:

– Như vậy là tiếp tục lấy vũ khí, khí tài của chúng ta ở những hạm đội Thái Bình Dương để tiếp ứng cho họ hay sao?

Roosevelt quay mặt nhìn qua cửa sổ. Cặp mắt kính của ông phản chiếu ánh chiều xám xịt của buổi hoàng hôn mùa đông, ông tự nhủ: thế thôi chứ biết làm gì hơn nữa bây giờ. Trong khi dân Mỹ sản xuất tủ lạnh thì kẻ thù của họ ra sức sản xuất bom đạn với công suất chóng mặt.

Khi chỉ huy trưởng Thurman rời khỏi Nhà Trắng lặng lẽ một mình, các đồng nghiệp khác lờ ông như ông không từng có mặt ở đó. Thurman nghĩ những lời đồn vềRoosevelt hình như là thật.

Ông cũng tự nhắc nhở mình rằng một sĩ quan tình báo mà lại đi tin lời đồn thì người đó không còn là một nhân viên tình báo nữa.

Ở nửa bên kia của quả địa cầu, cách Washington DC hàng ngàn dặm, cũng gần như ngay lúc đó, tư lệnh Yusoroku Yamamoto bước vào một căn phòng không có cửa sổ ở thành phố Tokyo, hội đồng tác chiến của Nhật lúc ấy đã có mặt đầy đủ. Họ cũng ngồi quanh một cái bàn, nhưng cái bàn này chỉ cao chưa quá nửa mét. Còn họ thì ngồi trên những cái gối đặt dưới nền nhà, Yamamoto gỡ mũ ra và cúi đầu chào khi ông ta bước vào. Đầu ông cúi thấp đủ để tỏ lòng kính trọng, nhưng không quá thấp để có thể chứng tỏ rằng ông đang sợ hãi những chiến binh rất hung hãn, những người đã từng chinh chiến nhiều năm để đến bây giờ được phục vụ dưới trướng của Nhật hoàng. Yamamoto ngồi xuống chờ cho trà được bưng lên như một dấu hiệu chấp nhận sự có mặt của người mới đến, sau đó ông mới hít một hơi thật sâu, thật chậm dãi, bầu không khí trong lành làm căng hai lá phổi. Ông có thể ngửi thấy mùi mồ hôi, những người này ngồi xuống quanh bàn đang trợn trừng mắt lên nhìn ông và đều tỏ ra tức giận, nôn nóng. Họ cố tỏ ra cho người khác thấy quyền lực của mình, bởi vì họ sợ thiếu quyền lực thì họ chẳng còn gì nữa. Yamamoto hiểu những con người này rất nguy hiểm.

Ông cũng biết họ cần ông, sợ ông nữa, bởi vì ông biết rất nhiều. Yamamoto đã từng du học ở Mỹ tại trường đại học danh tiếng Harvard. Ông biết từng nỗi thăng trầm của nền quân đội nước này như thể một quân nhân xuất sắc nhất của Mỹ vậy. Không ai ưa gì người Nhật. Những kế hoạch thôn tính các nước khác đều diễn ra hoàn hảo. Một cách tàn nhẫn, nước Nhật đã xâm chiếm hầu hết các nước châu Á, chiếm nhiều hòn đảo của Nga, đe doạ Trung Quốc lục địa và đã ăn tươi nuốt sống toàn lãnh thổ Đông Dương. Những thành công của họ càng làm cho họ tin tưởng rằng người Nhật là dân thượng đẳng ở châu Á. Yamamoto biết ý tưởng này khiến nhiều tướng Nhật ngây ngất, ông đã cố gắng nhắc nhở họ rằng không có một quốc gia nào, đặc biệt là một quốc gia thiếu những nguyên liệu thô chủ yếu như Nhật Bản lại có thể tồn tại được lâu dài mà thiếu những chiến lược ngoại giao đúng đắn. Nhưng những vị chỉ huy chiến binh có mặt ngày hôm nay cho rằng điều đình là cần thiết, nhưng trong nghệ thuật chinh chiến thì hoà hoãn và điều đình là những tối kiến nhất, rất nhiều thành viên trong hội đồng tác chiến này có ý kiến cho rằng những lời chỉ bảo phải cẩn thận của Yamamoto chẳng qua chỉ là kết quả của một đầu óc hèn nhát và một vài người bạn hiếm hoi của Yamamoto trong cái hội đồng tác chiến ấy đã từng cảnh báo ông phải cẩn thận trước nguy cơ sẽ bị ám sát bất cứ lúc nào.

Mặc dù được du học ở Mỹ nhiều năm nhưng Yamamoto không thiếu tinh thần dân tộc như bất cứ người Nhật nào. Ông không phải là người sợ chết, nhưng ông cũng là một người có đầu óc thực tế, ông biết những ước vọng, suy đoán, mơ mộng chỉ phù hợp với những khi dạo chơi trong vườn nhà. Ngoài những lúc đó ra phải biết đối mặt với sự thật, về mặt này ông rất giống một thủ lãnh quân sự người Mỹ, người mà ông hết sức thán phục đó là Robert E.Lee. Ông này luôn có một mơ ước cháy bỏng là làm sao tránh được chiến tranh. Chỉ chủ chiến trong những trường hợp không thể đừng và nếu đã bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải tham chiến thì phải chiến đấu hết sức khôn ngoan và chiến đấu tới cùng.

Yamamoto đi thẳng vào đề:

– Chiến tranh là không tránh khỏi, và ẩn sau ý nghĩ của từ này là chết chóc. Chúng ta đưa quân đội đến Trung Quốc thì người Mỹ sẽ cắt đi nguồn dầu lửa, chặn đứng huyết quản của chúng ta. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác, chỉ còn cách đánh mà thôi.

Yamamoto cho thính giả của mình có thời gian tiêu hoá lượng thông tin ông vừa đưa ra. Ông xác nhận kế hoạch hiếu chiến là tất cả những gì những người đang ngồi bên bàn kia cần. Nhưng rất tiếc, nó lại không được chấp thuận. Yamamoto nói tiếp:

– Và nếu chúng ta buộc phải chiến đấu với người Mỹ thì chỉ có một con đường duy nhất là tấn công hàng loạt và bất ngờ trước khi họ kịp chuẩn bị trở tay. Phải giáng cho họ một đòn mà khiến cho họ phải què quặt đến hàng ngàn năm sau. Trong thời gian chờ nước Mỹ phục hồi, thì cũng là lúc chúng ta thôn tính khắp vùng Thái Bình Dương, và thế là người Mỹ sẽ bắt buộc phải nhượng bộ chúng ta để có hoà bình.

Trong hội đồng tác chiến, Misikura là thành viên duy nhất và cũng là bạn thân của Yamamoto, đã cảnh báo sự nguy cơ có thể Yamamoto có thể sẽ bị giết. Ông nói:

– Ngài cho rằng chúng ta có khả năng giáng một đòn mạnh đến thế sao?

– Chính người Mỹ đã cho chúng ta sức mạnh ấy, chúng ta sẽ hủy diệt họ chỉ bằng một trận tấn công duy nhất tại Trân Châu cảng. Hãy nhìn đây! Để tôi trình bày với ông kế hoạch này.

Ông ta gạt ấm trà và ly tách sang một bên để lộ tấm bản đồ của Thái Bình Dương được phủ một lớp sơn mài bóng loáng trên mặt bàn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN