Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ TuổI - Chương 6: Bức thư thứ sáu
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
162


Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ TuổI


Chương 6: Bức thư thứ sáu


Rome, ngày 23 tháng chạp, năm 1903

Ông Kappus thân ái,

Không lẽ nào tôi lại không gửi đến ông lời chào mừng nhân dịp lễ giáng sinh sắp tới, khi mà giữa cuộc lễ vui ông lại còn cưu mang nỗi cô đơn của ông nặng nề hơn bao giờ cả. Nếu lúc ấy ông cảm thấy rằng nỗi cô đơn của ông quá lớn lao thì ông hãy vui hưởng nỗi cô đơn mênh mông ấy. Ông hãy tự nhủ: nỗi cô đơn sẽ là gì, khi đó không phải là nỗi cô đơn lớn lao nhỉ? Nỗi cô đơn chỉ là một, là độc nhất: tận nơi bản thể thì nỗi cô đơn đều lớn lao và nặng chĩu. Hầu hết mọi người đều trải qua những giờ giấc mà họ sẵn sàng đổi chác để lấy cho được một cuộc giao du nào dù tầm thường nông cạn đi chăng nữa cũng được, đổi lấy bất cứ hình thức giả vờ nào có vẻ tương thuận hời hợt nhất với bất cứ kẻ nào chợt đến, dù là kẻ không xứng đáng với mình nhất… Song có lẽ những giờ phút cô tịch kia chính là những giờ phút mà nỗi cô đơn của ông được tăng trưởng cao lớn và sự lớn mạnh kia thì thực là đau đớn như tuổi lớn của trẻ con và trầm buồn như trời sắp lập xuân. Xin ông đừng chộn rộn. Chỉ có một điều là cần thiết: đó là nỗi cô đơn.

Nỗi cô đơn cao lớn bên trong tâm hồn. Ông hãy đi sâu vào tâm hồn ông và đừng gặp mặt bất cứ ai suốt những giờ đằng đẵng lê thê, đó là điều mình phải đạt tới. Mình phải cô đơn như trẻ con trơ trọi một mình lúc người lớn đi qua đi lại trong nhà, lao đao lận đận bận bịu líu díu với những sự việc dường như to lớn đối với trẻ con và dường như quan trọng chỉ vì những người lớn chộn rộn và trẻ con thì không hiểu nổi những sự việc bề bộn kia của những người lớn tuổi.

Một ngày nào đó khi mình chợt thấy rằng những lo âu chộn rộn của người lớn quả thực là xót xa cơ cực, những công ăn việc làm của họ thì nguội lạnh và không can hệ gì với đời sống, lúc ấy là lúc mình khó lòng không nhìn họ như trẻ con nhìn họ, nghĩa là một cái gì xa lạ hẳn người đời, một cái nhìn từ tận lòng thế giới riêng biệt của mình, tận nỗi cô đơn bao la, một nỗi cô đơn đồng thời cũng là sự lao tác, thuận vị và thiên chức? Tại sao mình lại chịu đổi cái vô tri khôn ngoan của trẻ con để lấy sự cạnh tranh và rẻ rúng thị phi bởi vì sự vô tri kia chính là thuận chịu cô đơn và cạnh tranh sự rẻ rúng thị phi kia chỉ là những cách lối tham dự vào chính những sự việc mà người ta không muốn biết tới?

Ông thân ái, xin ông hãy áp dụng những tư duy của ông vào thế giới nội tâm mà ông cưu mang trong hồn, hảy gọi dậy những tư duy này như sở vọng của mình. Nhưng dù đó là hoài niệm về chính tuổi nhỏ của ông hoặc về nhu cầu say đắm của việc thể hiện thành đạt đời mình thì ông hãy tập trung tinh thần vào tất cả những gì bừng dậy trong hồn ông, hãy để tất cả những cái ấy vượt lướt qua trước tất cả những gì ông quan sát ở thế giới bên ngoài. Những biến cố nội tâm của ông rất xứng đáng thụ hưởng tất cả lòng thương yêu của ông. Ông phải làm việc phụng sự cho chúng, đừng đánh mất quá nhiều thời giờ, đừng làm mất quá nhiều sinh lực để soi rọi những mối tương giao của ông với những kẻ khác. Hơn nữa ai lại bảo ông rằng ông phải cần như thế chứ? – Tôi thừa hiểu, nghề nghiệp của ông hiện nay quả là vất vả gian nan và va chạm phiền lụy ông nhiều, tôi đã đoán trước những lời kêu than của ông; tất nhiên ông sẽ kêu than. Giờ thì ông đã kêu than rồi, tôi không làm thế nào trấn an ông được. Những gì tôi có thể làm được là chỉ khuyên ông nên tự vấn: không phải tất cả nghề nghiệp đều như vậy sao, nghĩa là đầy mọi yêu sách, chống trở đối nghịch lại với nhân thể, dường như thấm nhiễm đầy lòng oán ghét của những kẻ đuối lý gắt gỏng trước bổn phận trơ trọi.

Sinh phận mà hiện nay ông phải chịu quen thuộc không hẳn là nặng đầy những công thức ước lệ, những thành kiến lỗi lầm hơn là bất cứ một sinh phận nào khác. Nếu có những người nào đó dường như có vẻ bảo toàn được sự tự do thì không ai có đủ những khai vực kích thước cần phải có cho những sự việc vĩ đại làm thành đời sống trung thực nhất. Song con người sống với nỗi cô đơn chính là một sinh thể nhu thuận theo những lề luật sâu thẳm nhất của đời sống. và mội khi con người cô đơn này bước ra trong buổi rạng đông đang bừng dậy hoặc mỗi khi hắn ngước nhìn vào đêm tối đang rơi xuống, giờ phút tràn đầy những nứt nụ đơm trái này, nếu hắn cảm được những gì đang thành tựu trong đó thì lúc ấy hắn lột bỏ tất cả mọi sinh phận điều kiện, giống như một người đang sắp chết, mặc dù chính lúc ấy là lúc hắn đang bước vào đời sông chân thực nhất. Về những nỗi khó khăn gian nan của binh nghiệp, hỡi ông Kappus thân ái, ông cũng sẽ gặp những khổ nạn ấy trong tất cả nghề nghiệp nào khác. Dù ông đã tìm mọi cách để tạo ra giữa ông và xã hội những mối tương giao uyển chuyển và thoải mái, xa cách hẳn tất cả nghề nghiệp thì ngay cả lúc ấy ông cũng cảm thấy không tránh khỏi cảm giác đàn áp đè nặng trong tâm tư mình; ở đâu rồi cũng như thế, nhưng đó không phải là một lý do để bồn chồn áy náy và buồn rầu sầu thảm. nếu không không tìm được sự giao cảm dung nhập giữa ông và những người đời, vậy ông hãy cố gắng sống gần gũi với những sự vật: những sự vật không bao giờ từ bỏ ông đâu. Những đêm tối khơi vơi vẫn còn đó kìa, những cơn gió lay động lá cành vẫn còn đó kìa, những cơn gió chạy ri1y băng qua trên những cọi miền hun nút. Trong thế giới của những sự vật và trong thế giới của những thú vật, tất cả đều tràn đầy những biến cố cơ sự ,mà ông có thể tham dự dung nhập. Những trẻ con luôn luôn giống như tuổi thơ dại ngày trước của ông: nghĩa là vừa buồn vừa vui; và nếu ông nghĩ tới tuổi thơ của ông, ông sẽ được sống lại với những trẻ con, sống giữa những đứa bé bí mật. những con người lớn tuổi chẳng là gì cả, phẩm cách của họ không cung ứng với cái gì cả.

Nếu ông cảm thấy xao xuyến bồn chồn day dứt mỗi khi khơi dậy tuổi thơ dại của ông, khôi dậy tất cả những gì chất phác và bí ẩn trong tuổi thơ, vì ông không thể tin tưởng gì nữa nơi Linh thể ngày xưa thường hiện hữu nơi từng bước chân của trẻ dại, lúc ấy, hỡi ông Kappus thân ái, ông hãy tự hỏi rằng có thực sự ông đã đánh mất Linh thể? Đúng hơn: phải chăng ông chưa bao giờ thụ nhận được Linh thể? Thực ra khi nào thì ông mới thụ nhận? Ông có tin rằng trẻ thơ có thể ôm giữ Linh thể trong tay nó, Linh thể mà con người trưởng thành cưu mang với đầy khốn khổ cơ cực; Linh thể mà trọng lực đè bẹp kẻ già nua tuổi tác? Ông có cho rằng kẻ nào đã thụ nhận được Linh thể rồi có thể đánh mất Linh thể như người ta đánh mất một hòn sỏi? Ông không nghĩ rằng kẻ nào đó đã thu nhận Linh thể chỉ là dễ bị Linh thể đánh mất? – Nhưng nếu ông nhận rằng Linh thể đã không hiện hữu trước ông, nếu ông linh cảm rằng Christ đã bị lừa bởi tình thương của ngài, cũng như Mahomet đã bị lừa bởi tính kiêu ngạo, nếu ông cảm thấy kinh hãi ngay trong giây phút chúng ta nói về Linh thể, cảm thấy Linh thể không hiện hữu, thế thì làm thế nào ông cảm thấy thiếu vắng Linh thể như thiếu vắng quá khư; vì Linh thể chưa từng hiện hữu, và tại sao ông lại tìm kiếm Linh thể như là ông đã đánh mất Linh thể?

Tại sao không nghĩ rằng Linh thể là kẻ sẽ hiện đến, kẻ phải hiện đến từ trường cửu, rằng Linh thể là tương lai, trái chín muồi của một cây mà chúng ta là những chiếc lá? Cái gì đã ngăn ông lại vậy, không cho ông phóng hiện trước sự hiện đến của Linh thể trong dòng lưu chuyển và sống đời sống ông như sống giữa những ngày đau đớn và đẹp đẽ của một mối hoài thai cao thượng? Ông không thấy rằng tất cả những gì hiện đến đều luôn luôn là một sự bắt đầu? Ôi biết bao là diễm sắc trong tất cả những gì mới bắt đầu. Vì chính Linh thể là điều kiện hoàn thiện, thế thì chẳng phải Linh thể cần được hiệnđến trước những thành tựu mong manh nhất, để mà Linh thể có thể rút lấy cốt chất tràn trề sung mãn của mình? Không phải Linh thể cần đến sau tất cả mọi sự để dung nhiếp tất cả mọi sự? Sự tìm kiếm của chúng ta còn có được ý nghĩa gì nữa nếu người mà chúng ta tìm kiếm đã thuộc về dĩ vãng rồi? Giống y như những con ong, chúng ta xây dựng Linh thể với những gì dịu mềm nhất trong mỗi một sự vật. Bất cứ điều gì nhỏ nhiệm nhất, phơn phớt nhất, khi xuất phát từ tình yêu, đều trở thành chất liệu cho chúng ta để thảo phác Linh thể. Chúng ta bắt đầu phác thảo Linh thể trong công việc, trong sự an nghỉ theo sao đó, trong sự im lặng, trong đà vui đột phát ngắn ngủi bên trong. Chúng ta bắt đầu phác thảo Linh thể trong tất cả những việc làm đơn độc của chúng ta, không có sự trợ giúp nào, không có sự tham gia của những kẻ khác. Chúng ta sẽ không biết được Linh thể trong cuộc sống của chúng ta, như những tổ tiên của chúng ta cũng đã không biết được Linh thể trong cuộc sống của họ. Tuy thế những sinh thể của dĩ vãng vẫn sống trong chúng ta, trong tận đáy lòng của những khuynh hướng chúng ta, trong nhịp đập của giòng máu chúng ta: những sinh thể ấy là cử chỉ thoát từ sự sâu thẳm của thời gian. Vậy thì cái gì có thể tước đoạt mất niềm hy vọng của chúng ta rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ được sống nơi Linh thể, vượt ra ngoài tất cả mọi giới hạn ngăn cách?

Hãy làm lẽ Giáng sinh, ông Kappus thân ái, trong niềm cảm hoài thánh thiện. Để mà khởi sự nơi lòng ông, phải chăng Linh thể cũng sẽ cần tới nỗi xao xuyến ưu tư của ông trước đời sống? Những ngày gian nan trở ngại gần đây có lẽ là lúc mà tất cả mọi sự trong người ông đang tác động phụng hướng cho Linh thể. Khi còn thơ ấu, ông đã phụng hướng cho Linh thể và chỉ ngắn hơi. Ông hãy kiên nhẫn và đầy thiện chí lân mẫn. Ít nhất điều ông có thể làm được là đừng chống chế cầm cự với Linh thể, cũng như Mặt Đất không cầm cự với Mùa Xuân, lúc mùa xuân hiện đến.

Hãy yêu đời và đầy tin tưởng.

Thân ái,

RAINER MARIA RILKE

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN