Lằn Ranh Sinh Tử - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
164


Lằn Ranh Sinh Tử


Chương 4


Tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ bị đưa vào trường học ở Angelus cách xa ba mươi dặm đường, và tôi thậm chí cũng không tin là cha mẹ tôi đã đăng ký cho tôi vào đấy. Khi ấy họ nói rằng làm như vậy là để giúp cho tôi được ổn định việc học hành trong một ngôi trường mà từ đó, tôi có thể đi thẳng đến năm cuối cấp, nhưng tôi lờ mờ hiểu rằng đây là một cách để hạn chế ảnh hưởng của Loonie. Họ chờ cho đến khi qua năm mới rồi mới loan tin này ra, khiến tôi bàng hoàng không kịp phản đối. Tôi chỉ mừng là mình đã không bị gởi vào ký túc xá, dù tôi biết chắc là họ không thể chịu đựng nổi một sự xa cách như thế. Thế nhưng, sự quyến luyến này đã khiến cho tôi phải đi xe buýt nhiều năm, và hồi ức chủ yếu của tôi về trường cao đẳng là việc đi xe buýt – mùi nhựa vinyl, mùi diesel và mùi kem đánh răng, những trạm trú mưa bằng tôn múi bên vệ đường, những đứa trẻ nhà quê tắm mưa, mùi mốc của len ướt và những cái đầu dính dầu mỡ, tiếng lạch tạch rung giật của ô cửa thoát hiểm bằng kính không vỡ, những vụ xích mích ngấm ngầm, và tiếng rào rạo bên dưới toa xe chở lợn, bài tập về nhà với nét chữ quều quào được làm lúc ngồi trên xe, và cảnh chạng vạng mùa đông não lòng chào đón bạn trong khi xe buýt lăn bánh qua cầu để về Sawyer. Xe buýt đã khiến tôi cảm giác như mình bị bỏ lửng lơ. Trước khi quen biết với Loonie, tôi đã là đứa cô độc, và khi kiếm được một đứa bạn thì lại hoá thành một học sinh ngoại trú. Tôi chẳng bao giờ mong mình có thể trở thành cư dân của một thành phố lớn như Angelus – tôi hoàn toàn là một khách lạ ở đây – nhưng bây giờ thì tôi cũng không còn thích hợp với thị trấn Sawyer quê hương của mình nữa. Ai cũng biết những đứa trẻ địa phương đủ điều kiện đều vào trường Nông nghiệp, còn những đứa đón xe buýt đi Angelus như chúng tôi đây thì chẳng biết thuộc loại gì. Chúng tôi chẳng thấy chắc chắn gì về tình trạng mới của mình, cũng như chẳng bao giờ trò chuyện với nhau từ học kỳ này qua học kỳ khác.

Angelus, với bến cảng, những cửa hàng và nhà ga đầu mối, là một trung tâm của khu vực. Cửa tiệm bách hoá, các nhà kho và những tàu bè khiến cho nó trở nên quan trọng, nhưng tôi chẳng thấy ấn tượng gì. Tuy nhiên, với thời gian trôi qua, một nỗi khinh miệt đối với Sawyer len vào trong tôi khi tôi nhìn thấy thị trấn này thật sự nhỏ bé, tĩnh lặng và ít quan trọng làm sao. Cũng giống như cha mẹ tôi, thị trấn này buồn tẻ và cố định đến nỗi nó trở thành một nỗi khó chịu. Trong những ngày nghỉ học, vào những năm trước khi ngành chăn nuôi bò sữa bị sa sút và trở thành nơi sản xuất rượu vang hoặc nơi dừng chân của những người trẻ tuổi nhiều tham vọng, thì người dân thành phố chạy về đây trong những chiếc xe Triumph và Mere để ngắm nhìn những ngôi nhà gỗ bé nhỏ, những hàng hiên cửa hàng và phần cấu trúc tầng trên hỗn độn của nhà máy cưa. Họ đổ về đây sau những cuốc xe lãng mạn ngang qua những cánh rừng karri và những khán đài di tích để đổ thêm nhiên liệu và vui vẻ trong quán nhậu, trong tiệm bánh. Hễ mỗi lần nghe cái tiếng kỳ lạ thì tôi lại thấy vừa xấu hổ vừa tức tối.

Trong thời gian đi học, tôi chỉ được gặp Loonie vào những dịp cuối tuần. Những ngày đẹp trời chúng tôi đạp xe ra biển để lướt sóng, nhưng cuốc đi càng ngày càng trở nên xa cách và nhọc nhằn, cho nên cuối cùng rồi chúng tôi thôi việc vác tấm ván trên lưng và nhận lời mời gởi lại ở một ngôi nhà gần biển. Từ đó chúng tôi quen biết ông Sando, và cuộc đời chúng tôi đã có một ngã rẽ.

Thực ra tôi đã không còn gặp người đàn ông to lớn, khó hiểu này nhiều trong mùa hè đầu tiên tôi vào trường trung học. Mỗi khi có làn sóng lớn tây nam nổi lên là chúng tôi ngóng trông ông ta. Đây là những ngày mà dân thành phố Angelus ra ngoài trong những chiếc xe lớn xe nhỏ của họệ Họ là những dân buôn bán hoặc ăn chơi, luôn để mắt đến bản đồ thời tiết, và phát bệnh mỗi khi có một làn sóng, nhưng phần nhiều chúng tôi chỉ được nhìn thấy người đàn ông với chiếc Volkswagen thùng phẳng ấy trong vịnh xa tít, chỉ còn là một bóng người cưỡi trên tấm ván lướt sóng.

Lần đầu tiên chúng tôi đi nhờ xe đến nhà ông, nơi này còn trống vắng. Không có chó từ trong bóng tối ào ra và chẳng thấy ai xuất hiện khi chúng tôi từ dưới chân bậc cấp gọi lên. Chúng tôi đứng trên khoảng đất trống phủ đầy lá cây và chỉ nhìn vào trong ngôi nhà kỳ lạ. Trong khuôn viên có một vườn rau rộng, xung quanh có hàng rào, vài gian nhà phụ với vẻ dị kỳ, và mặc dù ngôi nhà được làm bằng cây gỗ tại chỗ nhưng nó chẳng giống với một ngôi nhà nào tôi từng thấy. Nó đứng chót vót trên mấy cây trụ gỗ, xung quanh có những hàng hiên rộng với những cái vồng, những đồ trang trí chuyển động, những xâu vỏ ốc đong đưa trong làn gió nhẹ. Không có một mảnh gỗ nào được sơn phết, tất cả đều mang một bề ngoài riêng biệt của chúng với màu xam xám và vàng nâu vì dãi dầu mưa nắng, về sau tôi nghĩ rằng ngôi nhà này là một cái chòi đi săn cất cao, một cái chòi mà mỗi cây cột là một súc gỗ cổ thụ phải ba người ôm mới hết.

– Chúa ôi – Loonie nói.

– Mình nên đi thôi, tôi lẩm bẩm, nhưng Loonie đã leo lên nửa chừng các bậc thang phía trước.

– Ghê quá – Nó nói từ trên cao – Pikelet, hãy xem này.

Tôi lưỡng lự cho đến khi nó nhổ một bãi nước bọt qua hàng tay vịn. Tôi bèn leo lên, trong lòng nghi ngại. Từ nơi hàng hiên, tôi có thể nhìn thấy biển và những ghềnh đá phía đông chạy về Angelus. Vào sâu phía trong hơn, cửa sông giống như một khúc ruột rộng, lấp lánh, tiếp nhận nước sông rồi cuồn cuộn chảy ngược vào trong rừng cây xanh sẫm lờ mờ bên kia thành phố. Tôi chẳng bao giờ nghĩ về dòng sông như một khúc ruột, trước đó tôi cũng chưa từng nhìn quang cảnh từ góc nhìn này và chưa hề thấy là nó có những đường nét gồ ghề và sinh động như thế nào. Ngôi nhà nằm ở phía sau một rừng chồi karri, đứng ở đường cái dưới đó độ hai trăm mét nhìn lên không thấy. Ngôi nhà này có một bãi cỏ hỗn độn phía đông, một bãi nhốt ngựa dốc đứng trông như chỉ dành cho thỏ và kanguru. Phần đất còn lại là những chòm bạc hà, tràm bông vàng trải dài lên tận bìa rừng.

Phía sau những khung cửa kính dài từ trên xuống dưới, bên trong ngôi nhà được bài trí gần như một căn phòng rộng thênh thang với những tấm thảm sàn nhà, một lò sưởi bằng đá và một cái bàn lớn như chiếc thuyền cứu sinh. Tầng trên, tận nơi đầu hồi phía xa, là một gác lửng rộng và thoáng dùng làm phòng ngủ. Không nơi nào có rèm hay màn, chỉ có những tấm xa-rông từ trên xà dầm buông xuống như những lá cờ. Cả đến Loonie cũng không có can đảm thử xem cửa có khoá không, nhưng trông có vẻ như nơi này đã để trống nhiều tuần. Chúng tôi lại nhìn lần nữa vào nơi hồ chứa nước, vào cái nhà kho vách ván, rồi nhìn mấy chiếc xe đạp và mấy tấm ván của chúng tôi dựng trong ánh sáng lỗ chỗ bên dưới một cây marri đơn độc. Chúng tôi muốn tìm một nơi cất mấy tấm ván của mình.

Bên dưới ngôi nhà là một tầng hầm bằng gỗ có mái di động chứa đầy những ván lướt sóng, ván trượt nước và xuồng caiac. Nền nhà dưới chân đầy những lá cây và đâu đâu cũng xông nực mùi hang hầm. Xa hơn chút nữa là chiếc ghế tập tạ, vài chiếc ghế đẩu và một cái bàn làm việc vặt chất đầy những công cụ, giấy, và một máy cát-xét.

Chúng tôi há hốc miệng đứng nhìn mấy cái kệ ván lướt. Ớ đây có đủ loại đủ cỡ, một số có bánh lái hình lưỡi hái, một số khác có sống song hành. Một tấm ván, dài hơn ba thước rưỡi, được làm bằng gỗ cứng. Bên cạnh đó, dựa vào tường và cũng được làm bằng thứ gỗ ấy, là một ống didj có hình vặn cong giống như một khúc rễ cây rỗng.

– Đừng động vào thứ gì hết – Tôi nói – Hy vọng lát nữa sẽ có người ra. Chúng ta chỉ nên đem ván của mình nhét vào đâu đó rồi chuồn thôi.

– Pikelet, đừng quá lo lắng. Ông ấy đã đồng ý cho chúng ta gởi mà.

– Cho chúng ta để ván ở đây – Tôi nói – Chứ không phải cứ lẩn quẩn mãi.

Loonie cười nhạo cái tính hay lo của tôi, nhưng rồi nó phụ với tôi đẩy mấy tấm ván của chúng tôi vào dưới cái bàn làm việc vặt, vài phút sau, chúng tôi lại lao ra con đường mòn trở về, nửa lo ngại, nửa trông mong gặp chiếc Volkswagen chạy tới. Nhưng chẳng có ai cả. Chúng tôi đạp xe trở về Sawyer trong niềm phấn khởi, có vẻ như qua việc gởi mấy tấm ván của mình vào một ngôi nhà như thế, chúng tôi đã thấy mình lên giá thêm chút nữa trong đời.

Vừa thổi cái ống didj cũ của mình, tôi vừa nghĩ tới cái ống mà tôi lần đầu tiên được thấy lẫn lộn trong đám ván bên dưới ngôi nhà lớn kỳ dị kia. Tôi đã không biết đó là cái gì. Giờ đây gió đang chạy qua người tôi từng luồng, như một ký ức, một hơi thở không ngừng nghỉ, một hơi thở dài và nóng. Thật ngộ nghĩnh, nhưng bạn chẳng bao giờ thực sự suy nghĩ nhiều về sự thở cho đến khi nó trở thành thứ mà bạn cứ luôn nghĩ đến. Tôi nhớ lại cái nhìn kinh hoảng trên gương mặt những đứa con tôi sau khi chúng được sinh ra, được hút ra và buộc phải hít không khí lần đầu tiên. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần làm cái việc này, khi phải lách xe vào một bên trên con đường mờ tối, ứng phó trên đường xe vào nhà của một ai đó. Luôn luôn vẫn là cái nhìn bối rối, cú sốc trước sự hít thở, có vẻ như đứa bé bị ném vào trong một lò lửa. Nhưng chỉ trong chốc lát, toàn bộ qui trình này được chuẩn hoá, tự động hoá. Trong suốt cuộc đời, có thể bạn chẳng mấy khi nghĩ đến nó một lần nào khác cho đến khi phải trải qua cơn suyễn đầu tiên, hoặc tình cờ thấy một người khác cố lấy hơi vào một cách khó khăn. Hoặc bạn cũng giống tôi, cứ hay suy nghĩ về hơi thở khiến cho mọi người đâm ra hoài nghi về bạn.

Tôi cứ hay nghĩ về cái bí ẩn của sự thở chừng nào tôi còn nhớ tới được, bởi vì tôi đã khá lớn để thấy rằng cha tôi thường trở về nhà với mùi dầu mỡ, mùi mồ hôi và mùi nhựa cây vào cuối một ngày làm việc ở nhà máy. Tối nào cũng vậy, sau khi rửa mặt, rửa tay, ông thường ngồi lại bên bàn ăn và nhìn đây đó bằng đôi mắt đỏ kè vì mạt cưa, trong khi mẹ tôi trút trong lò ra những thứ bà đã nướng, đã rán hoặc đã hâm nóng trong khi chờ đợi ông. Phần nhiều chúng tôi đều ăn mà không nói năng gìể Sau đó tôi vào phòng của mình để làm bài tập và khi trở ra để xem ti vi chốc lát thì cha tôi vẫn còn ở đấy, thiếp ngủ trên chiếc ghế dựa, với chiếc máy rađiô vặn nhỏ tiếng. Mẹ tôi và tôi dọn rửa bát đĩa rồi bà dìu ông vào giường, còn tôi thì ngồi lại khoảng một giờ đồng hồ trước cái ti vi.

Trước khi đi ngủ một lúc lâu, tôi đã nghe tiếng ngáy của cha, nhưng đến sau đó, trong cái tĩnh lặng của ban đêm, khi ông đã thực sự ngủ say, tôi mới không hiểu được làm sao mẹ tôi có thể chịu đựng nổi, làm sao bà có thể ngủ được, vì có những đêm tôi không thể chợp mắt và hết sức khổ sở trong khi ông đang kéo cưa ở đàng kia ngôi nhà. Tiếng ồn này không phải là điều tệ hại nhất mà cái khiến tôi khó chịu nhất là sự ngưng lại. Khi ông nằm yên thì tôi nằm chờ, và buộc phải lắng nghe tiếng thở của mình, tiếng thở đều đều và không nằm trong ý thức. Từ đó đã hơn một lần, tôi tự hỏi phải chăng những trò nghịch ngợm mạo hiểm mà Loonie, tôi, Sando và Eva bày ra trong những năm thời niên thiếu của tôi có khác gì một sự nổi loạn chống lại cái đơn điệu của sự hít thở mà thôi. Một người lớn tuổi khi nhìn trở lại dễ thấy một điều là sự trẻ trung, khỏe mạnh và vững vàng đã bị lãng phí biết bao ở một con người trẻ tuổi cứ đòi chống lại những điều như thế, và thấy kinh hoàng vì những rủi ro mà họ sẽ chịu, nhưng khi còn trẻ thì bạn hẳn cảm thấy rằng cuộc đời đang khiến cho mình trở thành bất lực bởi nó cứ kéo bạn trở về với nó, với sự hít thở đều đều trong sự tuân phục mãi mãi một nhịp điệu sinh học tầm thường, và ý chí điều khiển của con người là sự khẳng định quyền lực trên chính cơ thể mình, cũng ngang với sự khẳng định cái quyền lực ấy trên những người khác.

Loonie và tôi đã hành động do sự thôi thúc này mà không suy nghĩ gì cho những trò đùa ngu ngốc. Chúng tôi nín thở và đếm. Chúng tôi tự đếm thời gian nín thở của mình ở dưới sông, dưới biển, trong nhà kho của cha tôi, hoặc trong ánh sáng lờ mờ của mùa thu trên sàn rừng. Phải có sự tập trung tư tưởng và ý chí mãnh liệt mới có thể chối bỏ cái lô-gic của cơ thể mình, để đưa mình đến bến bờ ánh sáng lung linh. Nhìn trở lại, thật kỳ dị khi nhận ra rằng mình đã làm công việc ấy một cách thật siêng năng. Chúng tôi rất giỏi về chuyện này và trong đầu nghĩ rằng đây là cái mình khác với mọi người.

Lặn sâu và nín thở thật lâu có vẻ là một thách thức hấp dẫn hơn các môn chơi ở nhà trường. Loonie từng kể rằng, một đứa trẻ có thể hít sâu rồi nín thở lâu khoảng một phút cho đến khi choáng váng và mắt nẩy đom đóm thì được một đứa bạn đột ngột siết mạnh từ phía sau lưng khiến cho tất cả không khí trào ra khỏi phổi. Nhiều khi đứa bé hoa mắt rồi ngã trên đất. Một số nôn ra, cũng có đứa bị co giật, dù Loonie nghi chúng giả bộ. Loonie và tôi đã làm thử vài lần. Khi nó bị ngất vì gắng sức thì tôi phát hoảngế Nó phát ra một tiếng rên kỳ lạ và trên mặt nó hiện ra một cái nhìn ngơ ngác. Sau đó nó bảo tôi cũng làm như thế, và mắt tôi đã bị thu hẹp thị lực một cách lạ lùng, toàn bộ ý thức không còn nữa và tôi ngất đi hẳn. Sau đó tôi nôn ra một ít và cười, bỗng cảm thấy mình khờ dại quá, và không sẵn sàng để lặp lại thí nghiệm này nữa. Chẳng có gì hấp dẫn lắm – chỉ là sự kỳ lạ rẻ tiền vào thời chúng tôi chưa biết gì về ma tuý – nhưng chỉ ít lâu sau đó tôi mới hiểu được khía cạnh sinh lý của nó.

Phải mất vài năm tôi mới nhận thức được rằng khi cha tôi ngưng nghỉ giữa cơn ngáy vào những đêm chúng tôi còn ở Sawyer và tôi nằm suốt nhiều giây, đan xen giữa cảm giác nhẹ nhõm và sự đề phòng, thì không phải ông chỉ có ngưng ngáy mà thôi. Ông đã ngưng thở thực sự. Vào cuối mỗi đợt im lặng như thế, cha tôi thốt ra một tiếng rên ư ử, như người vừa mới thấy ma – có lẽ là cái bóng ma của chính ông – và đây là tiếng mà thân xác lôi ông trở lại từ cõi lửng lơ của sự ngưng thở, đưa ông về với sự sống. Mẹ tôi hẳn đã phải nghe những sự ngưng thở khủng khiếp như thế hết đêm này qua đêm khác suốt nhiều chục năm. Làm sao bà chịu đựng nổi cảnh này, trong khi nằm cô độc bên cạnh ông, chờ nghe sự sống trở lại của ông?

Lần sau chúng tôi đến ngôi nhà gỗ thì chiếc xe Volkswagen đang đậu dưới bóng cây marri, và con chó kelpie màu đỏ xông ra từ dưới bậc thang. Tôi đang xua đuổi con chó thì một người đàn bà xuất hiện nơi hàng hiên phía trên.

– Hai cậu đi nhầm đường rồi phải không?

– Chúng tôi chỉ đến lấy mấy tấm ván thôi, Loonie nói.

– Duke! – Bà gọi con chó. Vô đi, đồ chết tiệt.

Con chó liếm thêm một cái nữa rồi bỏ đi, và người phụ nữ kia, trông vào khoảng hai mươi mấy tuổi, liếc nhìn chúng tôi một cách ngờ vực. Bà có những lọn tóc bện màu trắng rã rượi và giọng nói người Mỹ.

– Mấy tấm ván ở bên dưới nhà – Tôi nói.

– Như thế nào, hả?

– Màu đỏ và màu xanh lá cây. Một tấm Jacko và một tấm Hawke.

– Ông ấy cho chúng tôi gởi – Loonie nói.

Bà ta thở dài, nhìn chúng tôi thêm một lúc nữa rồi bước xuống cầu thang với hai chân trần, tay bám lấy tay vịn cầu thang như tuồng sắp ngã. Bà mặc chiếc quần jean và áo thun ngắn tay mang dòng chữ Freestylin: Watch me fly.

– Các cậu chỉ tôi xem đi – Bà nói với giọng hoài nghi, mệt nhọcắ

Chúng tôi đi theo bà vào tầng dưới giống như căn hầm rồi chỉ vào mấy tấm ván khiêm tốn của mình bên dưới chiếc ghế dài, và trong khi lôi chúng ra thì những chỗ lồi lõm và trầy giập màu nâu của chúng càng lộ rõ hơn. Chúng là những thứ tầm tầm rẻ tiền nhưng rõ ràng là của chúng tôi.

– Ông ta không có ở đây – Người đàn bà nói.

– Vậy sao? Loonie nói với giọng khôn ngoan mà nó dùng để chiều theo người lớn mỗi khi thấy khó chịu. Kìa, chúng tôi nhìn thấy chiếc Volkswagen và nghĩ là ông ta đang ở gần đây chứ.

– Không. Ông ấy đi rồi.

– Đi Angelus hả? Tôi hỏi với tấm ván kẹp trong tay, chuẩn bị quay ra cửa.

– Đi qua đảo.

– Đảo nào vậy? – Loonie nói.

– Indonesia.

Người đàn bà nói từ này như thể một tiếng gồm những vần phụ. Indonesia. Hai đứa tôi chẳng ai biết chắc là Indonesia ở đâu nữa.

– Thôi, cám ơn bà – Tôi nói.

– Vâng – Bà ta nói với giọng hờ hững.

– Lần sau chúng tôi gởi nữa có được không ạ? – Loonie hỏi. – Nói thế chứ chúng tôi không dám đòi hỏi. Ông ấy đã bảo chúng tôi gửi.

Người đàn bà nở một nụ cười yếu ớt và khập khiễng bước ra ngoài. Hai bàn chân bà màu nâu và phần lai quần Levi’s sờn cũ thòng xuống đằng sau gót chân. Bà ta không trả lời, chỉ vẫy chào chúng tôi và cố gắng leo lên cầu thang trở lại. Chúng tôi nhanh chân chuồn đi cho rồi.

Sóng biển ở Mũi đất ngày hôm đó lớn hơn là hai đứa chúng tôi tưởng. Cơn sóng nhồi đều đặn dâng cao dường như muốn đấu với đám mây đen sì từ phương nam tràn tới. Càng lúc sóng càng lớn hơn và ảm đạm hơn. Chúng tôi ngồi xếp thứ tự với một số ít người dân Angelus, thỉnh thoảng họ nhường cho chúng tôi một đợt sóng nhỏ, nhưng đến chiều thì chúng tôi chèo nhiều hơn là lướt, và nhóm người này di chuyển dần dần ra biển để đón lấy những đợt sóng lớn. Mặc dù con sóng nhồi đang lớn dần lên nhưng những người lớn cứ không ngừng lả lướt và trò chuyện, còn Loonie và tôi thì nín thinh. Làn da dường như đang co rúm lại trên người tôi. Trước đám người này,

tôi như có một tâm trạng mới, tôi cố đọc ra một điều gì đó trong từng cái liếc nhìn, nhướng mắt của họ, mỗi khi có người nào chèo ra ngoài biển, tôi liền đi theo để được an toàn, và không phải chỉ có mình tôi, tất cả chúng tôi cùng đi với nhau. Có vẻ như chúng tôi là một đàn thú lạ, hay một luồng cá di chuyển trong sự hợp xướng không lời. Thường có những lúc nảy sinh một xu thế mới trong cách chèo của chúng tôi. Chúng tôi đâm đầu xuống và ra sức chèo mạnh, cho dù hơn một nửa chúng tôi đã chưa kịp thấy các dãy sóng đang bắt đầu oằn vào trong vịnh. Cuối cùng chúng tôi thấy đợt sóng tràn vào phía trong, trông như toàn bộ cột nước có thể ào qua Mũi đất để tiến về đám khói mờ mờ của những vách đá phía đông đàng xa, nhưng rồi gờ đất cạn dưới nước đã xẻ toạc các đợt sóng này ra thành từng mảnh, khiến chúng lật qua lật lại như những tấm cửa được bắt bản lề trên đất, cho đến khi chúng quay vào bờ về phía chúng tôi.

Đây không còn là Mũi đất Sawyer nữa. Mà là bên ngoài – Bên ngoài Mũi đất Sawyer, theo như cách gọi của những người lớn – và cả một năm rồi nó đã không vỡ ra như thế.

Tôi quá sợ hãi. Tôi không có ý định lướt trên những ngọn sóng này – chúng thật quá tầm của tôi – nhưng tôi cũng không muốn bị chúng vùi giập, cho nên tôi chèo vội chèo vàng để lướt lên trên trước khi chúng ập vào. Tôi cảm thấy Loonie bên cạnh cũng làm gần như thế, dù có bình thản hơn một chútẾ Đúng lúc ấy, tôi quay lại và nhìn thấy đỉnh nhọn của Mũi đất đang ở đằng sau tôi, đúng như tôi đoán. Bây giờ thì chúng tôi đã đi qua khỏi Mũi đất, ra bên ngoài vịnh. Chỉ cách có năm trăm mét, nhưng chúng tôi thực sự cảm thấy như mình đang ở ngoài biển.

Những người lướt ván nhiều kinh nghiệm hơn đang đón sóng ở xung quanh chúng tôi. Họ hò reo ầm ĩ lướt qua cho đến khi trong một đợt vắng lặng kỳ bí sau một đợt dài những làn sóng đi qua, tôi nhận thấy rằng chỉ còn có ba người chúng tôi bị bỏ lại đây – Loonie, tôi, và một người từ Angelus có tên là Slipper. Slipper có màu da nâu đỏ của người Phi châu và cặp mắt đỏ ngầu của người nghiện hút. Ông ta bị mất hai chiếc răng cửa, mặc một bộ đồ lặn bằng da hải ly cũ kỹ trông như lông chó. Ông ta ngồi bên cạnh chúng tôi và nở một nụ cười có vẻ đặc biệt vui mừng. Còn tôi thì phải nói là chăng có gì lạc quan cả.

– Đón con sóng tiếp theo nhé, nhóc con – Ông ta nói.

– Ô, không – Tôi lẩm bẩm.

– Đâu có thể đi bộ từ đây về nhà được – Ông ta nói với cái liếc nhìn láu lỉnh. Còn anh bạn da trắng kia thì sao? Đi chứ?

– Ừ – Loonie nhận lời – Tôi đi đây!

Vùng nước xoáy từ trong vịnh đổ ra biển đã trở thành một con sông thực sự, trồi lên khỏi các hòn đá của mũi đất để phóng một luồng cát và cỏ vào lưng chúng tôi. Chúng tôi bị dòng nước đẩy đi tới càng lúc càng xa dần. Mặt biển trở nên hỗn loạn và nhảy chồm lên. Giờ đây chúng tôi đang ở trên vùng đất lạ. Bờ biển phía tây là một mớ hỗn độn những vách đá và đá cuội làm thành một dãy âm u, không có chỗ nào để đổ bộ lên được. Tôi tính chèo ngược lại về phía đông, băng ngang xoáy nước rồi đi vào trong vịnh, nhằm tới cái quán rượu nơi cửa sông, nhưng như thế thì tôi sẽ ở ngay trên đường đi của những đợt sóng đang tới và sẽ bị chôn trong làn nước trắng. Tôi biết một khi bị mất tấm ván thì tôi sẽ bị cuốn theo dòng nước nên không hề muốn như thế. Rõ ràng là tôi đang kiệt sức. Tôi quá sợ hãi cho nên thành thật nghĩ rằng mình có thể vãi ra trong quần bất cứ lúc nào.

Slipper kêu gọi xông lên khi có một đợt sóng khác bắt đầu ập vào chỗ chúng tôi. Nó ở ngoài biển, ở xa nơi của chúng tôi rất nhiều nhưng trông như sẵn sàng đập vào. Với một vùng nước sâu như vậy, nghĩ tới đã thấy kinh hồn.

– Các cậu đừng đâm vào tôi đấy nhé! – Slipper ngoái cổ lại la lớn – Không đón bây giờ đi, hả các cậu da trắng?

– Bỏ đi – Loonie nói kèm theo nụ cười chán nản.

– Nên nhớ là tôi đang cho cậu một con sóng đấy nhé. Tôi thường không trao quà cho những chú nhóc, nhưng giờ đây tôi đang sẵn sàng, đừng bỏ qua cơ hội đó nhé!

Con sóng đầu tiên của đợt này khập khiễng và méo mó nhưng Loonie đã quay lại và chực đi ra. Hai lòng bàn chân của nó trông vàng rùm và bé nhỏ, hai khuỷu tay nó khuỳnh ra trong lúc chèo đi. Tôi ngồi yên, ngóc đầu lên một lúc trong khi tất cả khối nước kia chảy qua bên dưới chúng tôi. Và rồi Loonie đã đi ra.

Slipper gọi lớn. Nhưng ngay sau đó một đỉnh sóng cuồn cuộn khác đang lao về phía chúng tôi.

– Cậu bé này, không can đảm thì không có vinh quang đâu.

– Tôi không nghĩ thế – Tôi nói.

– Đây là cách duy nhất để về nhà mà.

Tôi chẳng nói gì.

– Đồ hèn nhát, vô dụng thật.

Nhưng tôi vẫn không nhúc nhích. Tôi chỉ chịu đựng con sóng ấy rồi bật ngã ra sau thật mạnh. Slipper lội đến sát một bên và hét vào tai tôi.

– Tôi bắt đợt sóng sắp tới đây, để cậu ở đây một mình đấy nhé. Nghe không?

Vào lúc ấy thì tôi đâm ra bối rối và lo âu. Con sóng của Loonie đã tràn qua cửa sông rồi mà chẳng thấy tăm tích gì của nó cả.

Con sóng thứ ba bắt đầu chầm chậm rẽ về bên trái, hướng tới chỗ tôi. Nó trông lớn như một ngôi nhà và bắt đầu phát ra những âm thanh nghe đến phát sợ. Với Slipper ở ngay bên cạnh, tôi xoay hướng tấm ván lướt Hawke mập lùn của mình và chèo đi. Phải nói thêm là tôi chèo một cách yếu ớt, và chỉ một thoáng con sóng đã ập vào tôi, khối nước của nó vượt qua tôi quá nhanh khiến tôi cảm thấy như thể mình đang đi giật lùi. Khắp nơi đều là hơi nước sủi bọt. Tôi bị treo lơ lửng trên đỉnh của đám bọt biển sục sôi, giữa tiếng ầm ầm và sự hoang mang, sau đó rơi xuống giữa một đám bọt nước hỗn độn mịt mù. Tôi chỉ đặt chân xuống theo bản năng, nhưng lại phải đối diện với một con sóng lớn gầm gừ trong khi ở dưới chân mình chỉ là một tấm ván nhỏ lập cập. Khó ngờ được cái tốc độ ngọn sóng trồng đứng hẳn lên khi gặp phải vùng nước cạn. Tôi chỉ còn biết ngồi xổm xuống và giữ hướng cho mình, nhưng với sự gia tăng tốc độ ấy, vẫn còn có một cái gì đó nặng nề trong chuyển động của khối nước. Tôi đã thấy trên ti vi những con voi chạy bên những chiếc xe jeep đi săn. Chúng lao tới với một tốc độ không thể tin được trong khi trông có vẻ như là chúng đang di chuyển chầm chậm, và đây đúng là cái cảnh tượng ấy: tiếng động rộn rịp, sức mạnh ghê gớm được dẫn truyền qua các bàn chân, khớp gối.

Giữa một thời điểm trọng đại, trong khi thình lình tôi phải đứng trên cực đỉnh của tình hình thì bỗng nhiên, mọi việc lại có vẻ hết sức dễ dàng. Chỉ trong vài giây, tôi đã đi từ chỗ thoát thân khỏi một tai hoạ đến chỗ tin rằng mình là một vị anh hùng mười ba tuổi.

Tôi đã không hề thấy cái phiến nước lớn nhấc bổng mình lên từ nơi đầu gối. Loonie nói rằng nó đi luồn phía dưới giống như kiểu trượt đất và phủi tôi đi. Tôi thậm chí chẳng có thì giờ để hít vào một hơi nữa. Tôi đột ngột bị rơi vào trong bóng tối, bị dúi xuyên qua đáy vịnh nhiều cát, còn giữ ít hơi trong phổi trong khi cát sạn thổi ngang qua tóc, và chân tay tôi có cảm giác như thể bị giật mạnh ra. Khi tôi trồi lên mặt nước trở lại thì tấm ván của tôi đã trôi ra xa, và tôi chưa kịp bơi theo thì một đám bọt biển rì rào khác đã ập tới phía tôi khiến tôi phải lặn xuống và phóng đi tới nữa. Phải mất một lúc lâu tôi mới hiện ra giữa đám bọt bóng trong vùng nước cạn, xoang mũi nóng bỏng, ống quần cụt bó chặt trên đùi, và khi ấy thì Loonie đã ở trên bờ, toe toét cười như một thằng điên, với tấm ván của tôi được cắm giông đuôi trên nền cát khô cạnh nó.

Slipper cũng đã cưỡi sóng vào bờ trong ngày hôm ấy. Ông ta băng ngang qua vịnh bằng những đường phóng hiên ngang, xuất hiện phía trước cửa sông rồi ung dung đi bộ vào bờ. Nhưng khi đến chỗ chúng tôi, ông liếc mắt nhìn trêu chọc, ném tấm ván của mình lên chiếc xe tải đáy bằng và ra hiệu cho chúng tôi cũng làm như thế. Tôi và Loonie chẳng hề do dự. Chúng tôi leo lên bên cạnh những người dân Angelus, sưởi ấm trong sự đón nhận miễn cưỡng của họ, và khi chúng tôi vừa ra đường cái thì một cơn sóng dữ đã phủ kín cái vịnh đằng sau chúng tôi, phóng bọt lên những đụn cát, và tung lớp váng màu nâu lên cao, ngang qua chòm cây trên mũi đất. Thế nhưng con sóng có vẻ còn đang hình thành.

Chiếc xe chạy đến khúc quẹo sình lầy nơi chúng tôi để mấy chiếc xe đạp, nhưng nó không dừng lại. Chúng tôi quẹo về hướng tây, đi vào một quãng đường có dấu mòn bánh xe chạy ngang qua gờ Mũi đất và băng qua một vùng đất hoang – những lùm bụi gai góc và hoang dã, lác đác những hòn đá cuội hoa cương và vạt đất bạc màu. Những tấm ván và dụng cụ xê dịch lui tới trên sàn xe cho đến khi chúng tôi chạy thêm được chừng một dặm lên một ngọn đồi đất basalt bên trên các vách đá bờ biển.

Ai nấy đều đứng dậy và chồm người lên nóc ca-bin, nhìn về phía biển. Tôi không biết là tất cả chúng tôi đang nhìn cái gì. Rồi sau đó tôi thấy lấp lánh ở đằng xa là vỉa đá ngầm màu trắng.

– Khi cái vịnh này đóng lại thì nó sẽ cong ra tại đó – Slipper nói.

Cách đó một dặm có một vệt màu trắng hiện ra trên mặt biển đen. Một lát sau, chúng tôi đã nghe được âm thanh của nó. Nó giống như tiếng sấm nổ, ta có thể cảm nhận sườn xe rung lên.

– Nó lớn cỡ nào? – Tôi hỏi.

Mọi người cười ở.

– Này, Mũi đất ngày nay lớn cỡ nào? Tôi cố hỏi.

– Quá lớn đối với ông bạn đấy – Slipper nói.

– Có thể là tám bộ – Một người nào đó nói – Mười bộ bây giờ đấy.

– Vậy nó là cái gì? – Tôi khăng khăng hỏi – Ngoài kia ấy. Lớn cỡ nào?

Slipper nhún vai: – Không thể nói được. Hai mươi chăng?

– To hơn chứ – Một người nhỏ con, rắn chắc nói.

– Có ai lướt sóng ở đấy không?

– Chẳng ai nói gì.

– Thôi bỏ đi. Sau cùng Slipper nói – Ngoài ấy ghê gớm lắm.

Mặt biển giờ đây đen sì và bầu trời còn đen hơn nữa. Hơi nước giăng toả bên trên các vách đá. Thình lình đổ mưa lớn. Chúng tôi quay ngược trở về Mũi đất trong cơn mưa như trút nước. Tôi nhìn Loonie và thấy dù mưa có lớn bao nhiêu cũng chẳng ngăn cản được nó. Nó toét miệng cười. Nó vẫn cưỡi trên ngọn sóng mà đi vào bờế Thật là vinh quang. Con người bất khuất.

Từ trên hàng hiên rộng, người đàn bà Mỹ nhìn xuống hai đứa chúng tôi. Chúng tôi ướt sũng và run rẩy trên vũng đất bùn trong sân nhà bà.

– Tôi nghĩ các cậu vào đây thì hơn – Bà ta nói.

Chúng tôi cất xong mấy tấm ván vào tầng dưới nhà rồi leo cầu thang lên nhà thì thấy bà đã lấy cho chúng tôi mấy cái khăn lông cũ và khi chúng tôi đã lau ráo ít nhiều, bà dẫn chúng tôi đi qua các khung cửa kiểu Pháp.

Trong nhà có mùi trầm hương. Một đám lửa lách tách trong lò sưởi và có tiếng nhạc đang mở.

– Cà phê nhé?

Chúng tôi gật đầu, và bà ta bảo chúng tôi lại đứng bên ngọn lửa.

– Dưới ấy sóng lớn lắm hả – Bà ta nói với vẻ dửng dưng.

– Mười bộ – Loonie nói.

– Ồ! Quá lớn với các cậu.

– Chúng tôi trị được mà.

– À, chắc chắn là các cậu làm được.

– Có người làm chứng đấy.

Bà ta cười nửa miệng và rót cà phê từ bình thuỷ tinh ra mấy cái cốc của chúng tôi. Qua khung cửa sổ có thể nhìn thấy mưa bão đang đổ xuống bờ biển. Làng Sawyer và khu rừng mờ mịt đằng sau đám mưa.

– Bà từ nước Mỹ đến đây? – Tôi hỏi.

– California – Bà ta đáp. Trước đó thì ở Utah, tôi đoán vậy.

– Ca-la-fo-ny-a – Loonie nhại lại một cách trâng tráo

– Yu-ta. Vậy thì sao bà lại đến đây?

– Ừ, tôi cũng tự hỏi như thế đấy. Thôi uống đi rồi tôi chở các cậu về dưới phố.

– Chúng tôi đi được mà, Loonie nói.

– Biết rồi. Nhưng đằng nào tôi cũng đi xuống phố. Các cậu ở Sawyer, phải không?

Cả hai chúng tôi không ai nói gì về điều này, và tôi nghĩ là chúng tôi trông có vẻ rất dân dã với những chiếc sơ mi bằng nỉ mỏng và những chiếc quần Blundstone. Tôi thấy Loonie ra hiệu và ra sức nốc cho xong cốc cà phêế Bao nhiêu đường cũng không lấp nổi vị đắng của nó. Dân nhà quê chúng tôi chỉ biết uống chè mà thôi: đây là cốc cà phê đầu tiên tôi uống.

Chúng tôi ngồi xe xuống phố mà không ai nói năng gì. Chiếc xe Volkswagen rung lên trong từng cơn gió mạnh; những chiếc cần gạt nước của nó không còn hiệu quả trong cơn mưa lớn. Thật kỳ cục khi phải ngồi ép sát trong cái cabin chật chội này với một người phụ nữ.

Đến cuối đoạn đường của mình, hai đứa tôi cùng leo xuống nhưng Loonie còn chồm người vào qua cái cửa mở.

– Hôm nay cao đến mười bộ – Nó nói – Chúng tôi đã cưỡi được đấy. Nhờ bà nói hộ với ông ấy nhé!

– Được – Bà ta đáp – Khi nào ông ấy về.

– Bà tên là gì? – Nó hỏi với vẻ thân thiện lúng túng.

– Eva.

– Vậy cám ơn bà Eva về cuốc xe này.

Bà bật nắp cái thùng xe cũ kỹ và lôi hai cái xe đạp của chúng tôi ra trong khi nó cứ đứng nhe răng cười.

– Đóng cửa lại đi, cậu bé.

Nhưng Loonie cứ đứng trơ ra đó dưới mưa trong khi chiếc xe khục khặc rồi nổ máy. Nó nở nụ cười khiêu khích. Chiếc xe lao tới. Cánh cửa đóng lại với một tiếng rầm. Chúng tôi nhìn theo bà ta lái xe đi dưới trời mưa như trút nước.

– Bà ấy thích tao đấy – Loonie nói.

– Ừ, phải.

– Này, chắc mẹ mày đã làm bánh nướng rồi đấy.

– Chúng tôi ra sức đạp xe về nhà.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN