Tarzan 2: Trở Lại Rừng Già - Chương 12: Những con tàu lạc hướng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
112


Tarzan 2: Trở Lại Rừng Già


Chương 12: Những con tàu lạc hướng


Bây giờ chúng ta hãy lùi lại một khoảng thời gian để chứng kiến câu chuyện tại một ga xép ở vùng bắc Uýtcơnxin!

Những đám khói của vụ cháy rừng tỏa khắp một vùng. Khói làm chảy nước mắt đám hành khách đang chờ tàu đi về phương nam. Giáo sư Potơ với hai bàn tay nắm chặt dấu dưới tà áo khoác cứ đi đi lại lại trong phòng chờ. Mọi cử chỉ của giáo sư không lọt qua đôi măt canh chừng của viên trợ lý của ông: người bạn trung thành Philanđơ. Mới có vài phút mà giáo sư Potơ đã hai lần băng ngang đường rầy tiến về khoảng đất ẩm ướt gần đó. Cả hai lần viên ký ga đều phải chạy đến lôi giáo sư ra khỏi vũng bùn.

Gian Potơrôva nói chuyện huyên thuyên. Cô tỏ ra không quan tâm gì tới Clâytơn. Sau lưng Gian vẫn là cô gái lỡ thì Exmêranda. Cô gái da đen cảm thấy hạnh phúc vì đang được trở về Marilân yêu dấu của mình.

Cuối cùng thì mọi sự chờ đợi đều phải kết thúc. Từ trong làn khói đã lóe lên chút ánh sáng nhàn nhạt phát ra từ đầu xe lửa. Cánh đàn ông vội vàng xông vào đống hành lý. Mọi người lục tục lên toa. Bỗng Clây tơn kêu lên:

– Lạy Chúa! Tôi quên mất cái áo khoác trong phòng chờ rồi – Clâytơn chạy dọc đường tàu, quay lại.

– Vĩnh biệt Gian! – Tácdăng nói trong khi vẫn đứng gần cô gái – Cầu Chúa phù hộ cho em!

– Vĩnh biệt! – Cô gái đáp nho nhỏ – Hãy quên em đi… Nhưng mà không, không được! Tốt nhất là đừng quên! Em không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ rằng em hoàn toàn biến mất khỏi trí nhớ của anh.

– Điều đó cũng tốt thôi – Tácdăng nói – Ước gì tôi quên được em. Quên em thì khó hơn là suốt đời nhớ em. Nhưng em sẽ là người hạnh phúc! Hãy nói lại với mọi người rằng tôi quyết định đi New York. Tôi không đủ sức tạm biệt ngài Clâytơn. Tôi sợ rằng tôi vẫn là một con thú dữ khi phải đứng với người đàn ông đã xen vào người mà tôi yêu mến.

Lúc này, trong phòng đợi tàu, Clâytơn đã tìm thấy áo khoác. Chợt anh nhìn thấy bức điện nằm trên sàn nhà. Anh cầm lên vì nghĩ rằng có thể một người nào đó đã đánh mất một bức điện quan trọng. Anh đọc lướt qua bức điện. Trong phút chốc anh quên tất cả: quên áo khoác vừa tìm thấy, quên tiếng còi tàu giục giã và quên những gì đang diễn ra xung quanh. Mẩu giấy màu vàng như nóng lên trong tay anh. Anh đọc lại một lần nữa, thật chậm rãi để ý thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của nó. Còn gì khác nữa đâu! Thế là trong giây lát, một quý tộc Anh, một người thừa kế giàu có và đáng kính biến thành một người thường dân không tước hiệu, không tài sản. Bức điện của Ácnốt gửi cho Tácdăng vẫn đập vào mắt Clâytơn từng chữ:

“Những vết vân tay chứng tỏ rằng bạn là huân tước Grâyxtâu.

Xin chúc mừng

Ácnốt”

Clâytơn đứng sững người như vừa bị một vết thương quá nặng. Vừa lúc đó anh nghe thấy tiếng mấy người gọi anh. Như vừa tỉnh sau một cơn ác mộng, anh vội vàng chộp lấy chiếc áo khoác màu xanh của mình. Tất cả mọi người đã lên tàu và giục anh nhanh chân.

Một lát sau, tất cả đã ngồi vào ghế của mình. Chỉ riêng Tácdăng là không có mặt.

– Tácdăng của chúng ta đâu? – Clâytơn hỏi Potơrôva – Bạn ấy ngồi trong toa khác à?

– Anh ấy đã quyết định đi ô tô riêng trở về New York. Anh ấy muốn nhìn nước Mỹ qua cửa ôtô hơn là qua cửa tàu hỏa. Sau đó anh ấy sẽ quay lại Pháp như anh đã biết đấy.

Clâytơn không đáp. Anh đang cố tìm cách để thông báo cho Potơrôva biết nỗi bất hạnh đã đổ xuống đầu anh. Và đó cũng là nỗi bất hạnh của chính cô. Anh cố phán đoán xem cái tin quan trọng từ bức điện sẽ tác động tới cô thế nào. Liệu rồi cô có còn muốn lấy anh nữa hay không? Cô sẽ trở thành một bà Clâytơn bình thường ư? Bỗng chốc cô trở thành nạn nhân… Clâytơn tự đặt ra hàng loạt câu hỏi. Liệu Tácdăng có đòi quyền lợi chính đáng của mình hay không? Phải chăng Tácdăng đã đọc bức điện trước khi phủ nhận cha mẹ của mình? Anh ta đã thừa nhận trước mặt mọi người rằng mẹ mình là con vượn cái Kala. Phải chăng điều đó xuất phát từ tình yêu của Tácdăng đối với Potơrôva? Nếu như có chuyện Tácdăng là con của vượn, Clâytơn có quyền hành động để thay đổi mọi ý muốn của Tácdăng. Anh không chịu trở thành nạn nhân của người đàn ông kỳ quặc từ rừng già chui ra đây. Còn nếu như Tácdăng thực sự mang giòng máu của ông bác mình và là người toàn quyền kế thừa tước hiệu lẫn tài sản của người cha thì việc Tácdăng từ chối chỉ có nghĩa là Tácdăng muốn Gian Potơrôva không bị thiếu thốn. Nếu trường hợp thứ hai là đúng, lẽ nào anh lại làm ngược lại lợi ích của Gian? Clâytơn suy nghĩ rất lung. Anh nghi ngờ rồi lại hoang mang không biết lựa lời thế nào để công bố sự thật. Anh nghĩ tới số phận của Tácdăng, nghĩ tới hạnh phúc của Gian rồi lại lo cho tương lai của chính mình.

Trên suốt chặng hành trình, anh bối rối nên không hé răng nói một lời. Anh bị dày vò bởi ý nghĩ: Có thể Tácdăng chỉ tạm thời nhượng bộ vì lòng cao thượng và tính độ lượng, sau đó chàng ta mới bắt đầu tiến hành những thủ tục pháp luật để giành lại địa vị của mình.

Vài ngày sau, mọi người đã tới Bantimo, Clâytơn bàn với Gian Potơrôva chuyện hôn lễ.

– Anh nghĩ gì mà sớm thế? – Potơrôva ngạc nhiên hỏi.

– Tôi định tổ chức lễ cưới trong vài ngày tới. Đằng nào thì tôi cũng phải quay về nước Anh. Tôi muốn em cùng trở về.

– Em không thể chuẩn bị kịp – Gian trả lời – Em cần ít nhất là một tháng.

Gian Potơrôva nói và mừng thầm. Cô tin rằng nếu cô đòi một tháng chuẩn bị, Clâytơn không chờ được, sẽ phải về Anh trước. Nhưng câu trả lời của Clâytơn làm cô cụt hứng:

– Thế thì cũng tốt thôi, Gian ạ! – Clâytơn khẽ thở dài – Tôi không vội lắm. Ít nhất tôi cũng hoãn chuyến trở về được một tháng. Xong xuôi mọi việc, tôi sẽ cùng em về.

Một tháng trôi qua, Gian Potơrôva lại tìm ra những lý do khác. Clâytơn đã mất hết kiên nhẫn. Anh buộc phải trở về nước Anh một mình. Về nhà, anh có nhận được vài lá thư của Potơrôva. Nhưng những lá thư không nuôi dưỡng được hy vọng trong anh. Anh buộc phải tìm tới sự giúp đỡ của giáo sư Potơ. Tất nhiên ông già này rất mong con gái lấy chồng. Ông rất mến Clâytơn. Hơn nữa, vì xuất thân từ một gia đình Igiăng giòng dõi, ông đánh giá rất cao tước hiệu quý tộc thượng lưu của Clâytơn. Nhưng ông cũng biết rằng đối với con gái mình, tước hiệu và tài sản không có ý nghĩa nhiều lắm.

Clâytơn viết thư mời giáo sư Potơ sang Anh và tin rằng ông sẽ nhận lời mời. Tất nhiên Clâytơn mời cả gia đình, trong đó có cả Philanđơ và cô hầu Exmeranda. Clâytơn tin rằng khi Potơrôva tới nước Anh, mối dây ràng buộc cô với quê hương sẽ bị dứt đứt. Cô sẽ phải chọn quê hương mới – quê chồng.

Nhưng thật buồn cho Clâytơn. Ngay cả khi sang Anh, sống trong lâu đài của Clâytơn, Gian Potơrôva vẫn không mềm lòng đi chút nào. Cô bày ra hết lý do nọ tới lý do kia để hoãn ngày cưới. Cuối cùng, bạn của Clâytơn là huân tước Teningtơn đến mời tất cả mọi người đi du lịch bằng thuyền buồm vòng quanh châu Phi, Potơrôva nhận lời ngay. Cô thở phào nhẹ nhõm và tuyên bố chỉ lấy chồng khi nào quay lại châu Âu.

Chuyến du lịch kéo dài ít nhất là một năm. Clâytơn cứ rủa thầm ông bạn vô tâm của mình. Huân tước Teningtơn dự định bơi thuyền xuyên qua Địa Trung Hải và Hồng Hải để tới Ấn Độ Dương. Từ đó thuyền sẽ bơi dọc bờ biển vùng đông châu Phi. Khi gặp các bến cảng, thuyền sẽ dừng lại nghỉ để mọi người tham quan các xứ sở Phi châu.

° ° °

Từ hải cảng nhỏ, vào một ngày nọ, có hai con tàu nhổ neo đi eo biển Gi bơranta. Con tàu thứ nhất chỉ là một chiếc thuyền buồm gắn máy, sơn màu trắng, trông rất thanh lịch, hướng mũi về phía đông. Trên khoang thuyền có một cô gái ngồi một mình buồn bã. Tay cô mân mê sợi dây chuyền có tấm gia huy nạm kim cương. Đôi mắt cô thẫn thờ dường như không nhìn thấy gì cả. Cô ngồi trên thuyền nhưng trái tim cô đang hướng về một nơi nào đó giữa rừng nhiệt đới châu Phi. Cô bâng khuâng nhớ tới người con trai can đảm ngày nào đã tặng cô sợi dây chuyền có gắn chiếc gia huy này. Không biết chàng đã trở về đến rừng xanh hay vẫn còn lang thang, vất vưởng nơi nào?

Con tàu thứ hai là tàu chở khách, hướng mũi về phương tây. Trên boong tàu có một thanh niên đang ngồi trò chuyện với một cô gái. Hai người ngắm nhìn con tàu trắng duyên dáng lướt nhẹ nhàng trên những làn sóng căng phồng. Con tàu bơi ngang qua mặt họ, nhưng họ vẫn không biết tàu đó là của ai. Khi con tàu đi qua, hai người lại tiếp tục câu chuyện.

– Đúng thế, – chàng trai cao lớn đáp – Tôi yêu châu Mỹ và tất nhiên, yêu người châu Mỹ. Bởi vì mỗi vùng đất đều do bàn tay con người ở đó khai khẩn, chăm sóc. Ở Mỹ tôi đã gặp nhiều người rất dễ mến. Tôi nhớ mãi một gia đình ở vùng quê cô. Đó là gia đình giáo sư Potơ.

– Gian Potơrôva? – Cô gái kêu lên, hồi hộp – Anh muốn nói rằng anh biết Gian Potơrôva? Đó là người bạn gái thân thiết nhất của tôi, bạn với nhau đã bao nhiêu năm rồi!

– Thật thế sao? – Tácdăng hỏi lại và mỉm cười – Cô khó thuyết phục được tôi đấy.

– Ồ! Tôi phải cải chính lại chút ít – Cô gái trả lời – Đúng ra là chúng tôi quen nhau được hai năm rồi. Nhưng quả thực, chúng tôi như hai chị em gái. Tôi đã mất cô ấy và tôi rất buồn khi nghĩ tới điều đó.

– Cô đánh mất Gian? – Tácdăng kêu lên – Thế là thế nào? À, tôi hiểu rồi, cô muốn nói rằng Gian lấy chồng và sẽ sống ở Anh. Vì vậy hai cô ít khi có dịp gặp nhau?

– Vâng, đúng thế – Cô gái trả lời – Nhưng còn một điều đáng buồn hơn cả là Gian lấy một người mà thực lòng cô ấy không yêu. Thật là kinh khủng! Lấy chồng mà chỉ lấy vì ân nghĩa và bổn phận. Tôi nghĩ, đó là một tội lỗi. Chính tôi đã nói thẳng điều đó với Gian. Trong chuyện hôn nhân của mình, Gian đã thổ lộ hết nỗi niềm với tôi. Mặc dù tôi là người duy nhất trong số bạn bè sẽ được mời đi dự cưới, nhưng tôi đã không nhận lời. Tôi không muốn làm người chứng kiến nỗi bất hạnh của Gian. Cô ấy tin rằng mình đang hành động một cách danh dự. Cô ấy nói rằng hoặc là lấy huân tước Grâyxtâu hoặc là chết.

– Cô ấy thật đáng thương! – Tácdăng nói.

– Còn tôi thì rất thương cái người đàn ông mà Gian yêu – Cô gái trả lời rất tự nhiên – Bởi vì người ấy cũng yêu Gian. Tôi chưa bao giờ gặp, nhưng theo lời Gian kể thì đó phải là một chàng trai kỳ diệu. Anh cứ tưởng tượng mà xem! Anh ta được sinh ra trong một vùng rừng già Châu Phi, rồi được vượn nuôi dưỡng. Anh ta chưa bao giờ trông thấy một người da trắng, cho tới tận ngày giáo sư Potơ và nhóm người của ông bị xua đuổi từ con thuyền của mình xuống một ngôi nhà gỗ trong rừng già hoang vắng. Anh ta đã bảo vệ nhóm người của giáo sư Potơ thoát khỏi nanh vuốt ác thú và làm những việc rất cao thượng. Sau đó anh ta yêu Gian. Một mối tình câm lặng! Khi anh ta ngỏ lời thì Gian vô cùng bối rối vì đã nhận lời lấy huân tước Grâyxtâu mất rồi.

– Câu chuyện thật rắc rối! – Tácdăng lắp bắp. Chàng muốn nói sang chuyện khác. Chàng đã khơi chuyện để được nghe về Gian, không ngờ chính chàng lại trở thành nhân vật chính của câu chuyện. Rất may là chàng đã thoát khỏi tâm trạng bối rối khi mẹ của Hadel đi tới. Câu chuyện tiếp theo giữa ba người lập tức bắt sang đề tài khác.

° ° °

Mấy ngày sau đó không có chuyện gì đặc biệt. Trời sáng sủa, biển bình yên. Không gặp cản trở gì, con tàu tiến thẳng về nam. Thỉnh thoảng Tácdăng mới ngồi với hai mẹ con Hadel Stroong. Hai người đàn bà này thường dành phần lớn thời gian để đọc sách, tỉ tê tâm sự hoặc mang máy ảnh đi chụp tứ phía.

Một hôm Stroong kêu lên rối rít:

– Nhanh lên! Ngài Tơran! Ông phải làm quen với anh Canđuen. Chúng ta là những người đồng hành. Chúng ta phải kết bạn với nhau.

Cả hai người đàn ông trẻ tuổi không thể trái lệnh người đẹp. Nhưng khi Tácdăng bắt tay và nhìn vào mắt Tơran, chàng có cảm giác đã gặp đôi mắt này ở một nơi nào đó rồi.

– Tôi tin rằng đã có hân hạnh gặp ngài một lần rồi – Tácdăng nói – Có điều là tôi không nhớ ra trong hoàn cảnh nào thôi.

Tơran có vẻ bối rối.

– Tôi thì tôi không có cảm giác ấy, thưa ngài! – Tơran đáp lời – Bởi vì cứ gặp một người nước ngoài bình thường nào thì người ta vẫn hay có cảm tưởng là đã gặp rồi.

– Ngài Tơran còn thổ lộ cho tôi biết cả những điều bí mật của chuyên vượt biển này – Stroong giải thích.

Trong câu chuyện, Tácdăng không tỏ ra mặn mà. Chàng cố lục lọi trí nhớ để xem đã gặp anh ta ở đâu. Chàng chỉ biết rằng mình đã thấy Tơran trong một hoàn cảnh nào đó khá đặc biệt. Cuối cùng thì mọi điều đã sáng tỏ: Khi cô gái yêu cầu chuyển cho cô chiếc ghế vào bóng mát, Tơran để lộ ra cổ tay trái của gã gần như không cử động được. Điều đó đã quá đủ đối với Tácdăng.

Tơran lịch sự từ biệt Stroong và Tácdăng, chuẩn bị bước đi.

– Hãy chờ tôi một chút! – Tácdăng nói – Nếu như bà và cô cho phép, tôi sẽ tiễn ngài đây một đoạn. Tôi sẽ trở lại ngay thôi, Stroong ạ!

Tơran giật mình, nhưng không thể nghĩ ngay ra cách từ chối. Khi hai người bước khuất khỏi tầm mắt cô gái, Tácdăng dừng lại, gõ gõ ngón tay vào vai Tơran.

– Ông chơi trò gì ở đây thế, Rôcốp? – Tácdăng hỏi.

– Tôi đã rời khỏi nước Pháp như đã hứa với ngài – Rôcốp trả lời buồn bã.

– Điều đó tôi rất biết – Tácdăng tiếp tục – Nhưng tôi hiểu ông quá rõ, nên không thể tin rằng ông xuất hiện trên con tàu này cùng tôi chỉ là một sự ngẫu nhiên. Mà nếu như chỉ là sự ngẫu nhiên thì tôi vẫn nghi ngờ: Vì sao ông lại phải thay hình đổi dạng?

– Thôi, được rồi – Rôcốp lắc đầu và khẽ nhún vai – Ông muốn nghĩ thế nào, tùy ông. Con tàu thủy mà ông và tôi đang đi đây mang cờ nước Anh nên ông và tôi đều bình đẳng về mặt pháp luật. Còn như ông lại bước lên con tàu này dưới một cái tên giả thì tôi thậm chí lại có quyền hơn ông.

– Chúng ta sẽ không cãi nhau về chuyện đó, Rôcốp! Tôi chỉ muốn lưu ý là hãy tránh xa cô Stroong, đừng làm phiền cô ấy. Đấy là một người đàn bà tử tế và đáng trọng.

Rôcốp tức tối chửi đổng.

– Nếu ông không nghe lời tôi. Tôi sẽ vứt ông khỏi boong tàu đấy – Tácdăng nói thêm rồi quay gót bước đi, để lại sau lưng tên tội phạm đang run lên vì tức tối.

Mấy ngày sau Tácdăng và Rôcốp không chạm mặt nhau. Nhưng Rôcốp không chịu bó tay. Trong buồng ngủ, Rôcốp bàn bạc kế hoạch trả thù Tácdăng.

– Tao muốn quẳng nó xuống biển ngay trong đêm nay, nếu như trong người nó không còn hai tờ tài liệu. Không thể vứt hai tờ giấy ấy xuống biển cùng với hắn được. Nếu như mày không phải là một thằng ngốc, Alécxây, mày hãy đột nhập vào buồng hắn mà lấy lại.

– Ông phải làm việc đó chứ, Nicôlai thân mến! – Páplôvích trả lời với nụ cười tủm tỉm – Tại sao ông không tự nghĩ ra cách đột nhập vào buồng ngủ của ngài Canđuen?

Hai kẻ tội phạm đã gặp may. Sau khi theo dõi Tácdăng được một lúc, Páplôvích biết rằng Tácdăng ra khỏi phòng nhưng không khóa cửa. Rôcốp đứng canh chừng Tácdăng trở lại. Còn Páplôvích lẻn vào phòng lục lọi hành lý của chàng trai. Tìm kiếm một lúc không thấy, Páplôvích đã nản lòng, định bỏ ra thì trông thấy chiếc áo khoác của chủ nhân treo ngay góc cửa ra vào. Hắn thò tay vào túi moi ra được một chiếc phong bì. Hắn nhìn thoáng qua rồi nở nụ cười hài lòng. Trước khi rời khỏi phòng, hắn sắp xếp đồ đạc hành lý để không lộ dấu vết lục lọi. Gã đầy tớ chuyên ngạch trộm cướp này quả thực là một thợ cả khéo tay và có trí nhớ tốt. Tácdăng có về buồng cũng không thể nghi ngờ có bàn tay lạ đã lục lọi đồ đạc ở đây.

Vừa nhận từ tay Páplôvích hai tờ tài liệu, Rôcốp đã gọi người bồi bàn lấy cho một chai sâm banh.

– Chúng ta phải ăn mừng, Alécxây ạ! – Rôcốp nói.

– Chúng ta gặp may – Páplôvích nói – Chắc chắn rằng nó luôn mang tài liệu trong người chứ không bỏ trong vali. Chỉ vì vô tình thôi, nó thay áo khoác nên mới sao nhãng đó thôi. Nếu nó biết bị mất thì sao nhỉ? Tôi sợ rằng nó sẽ nghi ngay là ông. Nó biết ông có mặt trên tàu này.

– Chẳng sao cả. Qua đêm nay thì nó còn biết nghi ngờ ai nữa? – Rôcốp trả lời với nụ cười bí hiểm.

Buổi tối hôm ấy, sau khi Stroong trở vào buồng ngủ của mình, Tácdăng vẫn ở trên boong, dựa lưng vào lan can, ngắm biển. Trong chuyến đi này, hầu như đêm nào Tácdăng cũng thích ngắm biển ban đêm. Nhưng hôm ấy, Tácdăng đứng lâu hơn mọi lần tới một tiếng đồng hồ. Chàng không biết rằng có hai cặp mắt đang theo dõi chàng từng bước. Và thật ra chàng đã bị theo dõi từ ngày chàng tới Angiêri.

Hành khách cuối cùng đã rời khỏi boong tàu về ngủ. Đêm đã khuya. Trời không tối, nhưng mảnh trăng nhạt nhòa khiến cho mọi vật trên tàu hiện ra lờ mờ. Từ bóng tối của cabin có hai bóng người lặng lẽ nhô ra. Cả hai đều bò nhích lên phía lan can. Tiếng sóng vỗ mạn tàu, tiếng gầm của động cơ, tiếng xích sắt va đập trên tàu – tất cả những âm thanh đó làm át hết mọi tiếng động nhỏ xung quanh.

Hai bóng đen đã tiến lại gẫn chỗ Tácdăng đang đứng. Một tên vung tay lên rồi lại thả tay xuống, có vẻ như một hiệu lệnh đếm “một hai… ba”. Sau đó cả hai tên nhảy xổ vào chân người ngắm biển. Mỗi đứa túm lấy một chân Tácdăng. Chàng trai chưa kịp quay lại đã bị hất qua thanh sắt ngang của đoạn lan can thấp nhất. Trong phút chốc chàng bị rơi thẳng xuống những con sóng chập chùng của Đại Tây Dương.

Hadel Stroong lúc đó đang ngồi bên cửa sổ buồng mình. Chợt cô trông thấy phía xa có cái gì đen đen rơi khỏi boong tàu. Điều đó diễn ra quá nhanh, tới mức cô cũng không dám chắc có thật mình nhìn thấy hay không. Cô cảm thấy vật rơi giống một thân người, nhưng cũng giống như một chiếc áo khoác cũ hoặc một vật gì đó. Cô nín thở lắng nghe xem có tiếng kêu cứu hay không. Nhưng trên khoang tàu cũng như trên mặt biển vẫn yên ắng, không có một âm thanh nào khác lạ. Cuối cùng cô cho rằng đó chỉ là một thứ đồ cũ mà người ta không muốn dùng nên vứt xuống biển. Nghĩ thế rồi, cô yên tâm ngả mình vào đệm ấm.

Dưới mạn con tàu, biển Đại Tây Dương vẫn ì ầm bài ca muôn thuở.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN