Chó Ngao Độ Hồn - Chương 11: Chú chó tai họa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
121


Chó Ngao Độ Hồn


Chương 11: Chú chó tai họa


Đó là một con chó săn rất đẹp, màu sắc pha trộn giữa đen và trắng, cơ thể cân đối, đôi chân thon dài, chạy nhanh như gió. Tên của nó cũng rất kêu: Hoa Ưng, có nghĩa là tinh nhanh, dũng mãnh như chim ưng.

Chủ nhân đầu tiên của Hoa Ưng là một ông thợ săn già ở làng Man Quảng Lộng tên là Ngải Hương Tể, nhưng từ khi nuôi Hoa Ưng, trong nhà Ngải Hương Tể liên tiếp xảy ra tai họa này đến tai họa khác. Đầu tiên là đứa con trai lớn của ông ta lên núi chặt cây, bị cây đổ gãy chân. Không lâu sau, con trai nhỏ lấy đá ghè thuốc súng, thuốc súng nổ làm hỏng một mắt của cậu bé. Sau đó, Ngải Hương Tể mang theo Hoa Ưng lên núi săn, nhìn thấy một con gấu chó đi ra từ bụi cây cách đó năm mét, ông ta giương súng lên nhằm trúng chỗ gốc tai hiểm nhất của nó mà bắn một phát, “tạch”, hóa ra súng tịt. Con gấu nghe thấy tiếng động liền xông tới, Ngải Hương Tể vứt bỏ súng săn vội vàng leo lên cây, nhưng một chân sau đi giày bị con gấu cắn mất.

Liên tiếp xảy ra chuyện, cả nhà Ngải Hương Tể vô cùng hoang mang, bèn mời một vị thầy cúng trong núi đến giải hạn.

Vị thầy này vừa bước vào sân, đã chỉ ngay con Hoa Ưng đang nằm gần cột nhà, bảo: “Trên người con chó này có âm khí rất nặng, sẽ gây ra tai họa cho gia chủ. Mắt nó còn liên tục chảy lệ đen kìa.”

Ngải Hương Tể liền dắt Hoa Ưng đến, vạch lớp lông trắng trên mặt nó ra, quả nhiên phát hiện trong lớp lông dày màu trắng có lẫn vài sợi lông đen ngắn, rải rác từ mí mắt cho tới tận mõm.

Con trai nhỏ của Ngải Hương Tể rút cây gậy định phang chết con chó, liền bị ông thầy ngăn lại. Ông thầy trịnh trọng nói: “Con chó này không giết được, ai giết nó, âm khí trên người nó giống như một cái cây mọc đến nhà đó, gốc rễ tai họa sẽ bám chặt nhà đó. Chỉ có thể bán hoặc đuổi nó đi thôi.”

Thế là Ngải Hương Tể liền rao giá, ai trả mười đồng sẽ được dắt con Hoa Ưng đi. Mười đồng chỉ có thể mua một con gà, một con gà mà đổi lấy một con chó chẳng khác nào cho không. Thế nhưng, dân trong làng đã nghe được tin về con chó không tốt lành này, nên dù có rẻ hơn cũng không có ai hỏi mua.

Tôi là thanh niên hiểu biết, không tin chuyện ma quỷ. Tôi nghĩ, Hoa Ưng vốn là một con chó hoa có màu lông trộn giữa đen và trắng, trên khuôn mặt màu trắng có vài sợi lông đen là chuyện bình thường, cái gọi là lệ đen chỉ là lời mê tín. Lúc đó, tôi lại rất thích đi săn, rất muốn nuôi một con chó săn, nhưng chó săn thường rất đắt, tôi vất vả làm ruộng một năm cũng không mua nổi một con chó săn loại trung bình, chính vì vậy mong muốn nuôi một con chó săn vẫn chưa thành hiện thực. Bây giờ lại có con chó rẻ như thế, đúng là không thể bỏ qua. Tôi móc ra mười đồng rồi dắt con chó về.

Tôi dùng kim trúc đan một cái lồng chó ở dưới hiên nhà, bên trong lót một lớp rơm mềm, đồng thời dùng hai đốt trúc làm thành một cái máng ăn, một cái máng uống, treo ở cửa, gọi là bố trí cho Hoa Ưng một cái “nhà”.

Hoa Ưng rất vừa ý với ngôi nhà mới này, chốc chốc lại lăn vào đống rơm, lúc sau lại chui ra vẫy cái đuôi trước mặt tôi, toàn thân đung đưa như một đóa hoa cúc sắp nở.

Tôi và nó như thể có duyên từ kiếp trước, chỉ sau vài ngày, chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau. Mỗi buổi sáng, khi mặt trời ló ra từ ngọn núi xanh trước nhà, nó lại dùng chân gõ vào cửa nhà tôi, gọi tôi dậy đúng giờ. Ban ngày, cho dù tôi đi đốn củi trên núi hay xuống đồng làm ruộng, nó đều bám theo tôi như hình với bóng. Có lúc, nó cũng tìm mấy con chó khác trong làng cùng chơi, nhưng chỉ cần tôi gọi tên, nó sẽ lập tức bỏ lại bạn bè và chạy như bay về bên tôi. Có một lần, tôi bị cảm sốt, nằm trên giường không muốn ăn gì, nó lôi ra trong đống rác một khúc xương, tưởng đây là thức ăn ngon nhất, và mang đến giường cho tôi, tiếc là tôi không thể nhận lòng tốt của nó được.

Vụ mùa đã xong, trên đồng, những ruộng lúa vàng ươm giờ đã biến thành những bãi đất trơ trụi. Giai đoạn nông nhàn là mùa đi săn tốt, tôi cùng Hoa Ưng lên núi bắt thỏ. Không biết làm thế nào, lúc nhảy qua một con suối chỉ rộng chừng nửa mét, cẳng chân tôi lại khựng xuống, ngã ra, đau đến mức không lết nổi chân nữa. Vất vả lắm tôi mới về làng, đắp lá thuốc nửa tháng trời mới đỡ.

Tôi lại mang Hoa Ưng đến rừng già đặt bẫy thú, muốn kiếm vài con lợn béo nịch, mang ra chợ bán lấy ít tiền tiêu vặt. Tôi vừa chôn bẫy sắt trên con đường mòn đầy vết chân thú, thì thanh chốt của cái bẫy tự nhiên tuột ra, tôi tránh không kịp, bập một tiếng, cái kẹp sắt đã sập xuống, kẹp đúng tay tôi. Tay tôi lập tức sưng lên như một cái bánh bao tụ máu, suốt một tháng không cầm nổi đũa.

Liên tiếp hai lần gặp sự không may, tôi không khỏi bất an trong lòng, nhớ lại những lời thầy cúng đã nói về lệ đen. Tôi thầm nghĩ, có khi nào trên người Hoa Ưng thực sự mang âm khí khiến tôi xui xẻo? Tôi là người theo chủ nghĩa duy vật, nhưng không phải là người duy vật một cách kiên định. Thế gian này thực sự có ma quỷ hay không? Tôi nghĩ, mình nên tìm biện pháp phòng thân nào đó, liền lấy kéo cắt hết mấy sợi lông đen trên mặt Hoa Ưng. Lông đen không còn nữa, nhưng chỗ bị cắt lại lộ ra lớp da thịt màu đỏ, cứ lốm đốm trên lớp lông trắng như tuyết của nó, lệ đen bây giờ lại biến thành lệ đỏ. Lệ đỏ, không phải là lệ máu sao? Đúng là chữa lợn lành thành lợn què, trong lòng tôi hoang mang vô cùng.

Lúc đó, lại xảy ra một chuyện khiến tôi hồn bay phách lạc. Đêm hôm đó, tôi đến điếm giáo dục thanh niên[1] làng bên tìm người nói chuyện phiếm, nửa đêm mới mang Hoa Ưng về nhà. Vừa mới đi được nửa đoạn đường bộ, đột nhiên Hoa Ưng gầm lên, chạy theo con đường mòn đi vào núi. Tôi tưởng nó phát hiện ra con mồi đáng giá, liền hứng khởi chạy theo sau.

Trăng hãy còn chưa lên, trên trời lác đác sao mờ nên cảnh vật rất khó nhìn. Tôi chân thấp chân cao chạy theo chóng cả mặt. Hoa Ưng đột nhiên dừng lại sủa, chạy lại chỗ tôi, trong mồm còn ngoạm một vật gì đó trăng trắng, tròn tròn. Tôi cúi xuống lấy vật đó từ trong mồm nó ra, đưa lên ngang mũi nhìn, suýt nữa thì hãi hùng đến thót tim – trên tay tôi là một cái đầu lâu, bên trong đỉnh đầu trống hoác còn le lói ánh lửa lưu huỳnh màu xanh, từ hốc mồm, hốc mũi và hốc mắt phun ra. Tôi mở to mắt nhìn xung quanh, bên này một ụ đất, bên kia một tấm bia đá, hóa ra tôi đang lạc vào một bãi tha ma! Tôi lấy sức hét toáng lên, vứt cái đầu lâu lại rồi quay người chạy đi…

Lúc đó, tôi bắt đầu tin trên người Hoa Ưng có âm khí thật. Tôi nghĩ, mình tuy chỉ là một nông dân sống ở tầng lớp thấp nhất trong xã hội, nhưng cái mạng mình cũng phải đáng giá hơn chó chứ. Giữ cái mạng mình hay giữ con chó này? Đương nhiên là giữ lấy mạng mình rồi.

Tôi muốn bán quách Hoa Ưng với giá giảm chỉ còn năm đồng, nhưng chẳng ai dám mua. Giết không giết được, bán cũng chẳng bán xong, đành phải vứt đi vậy.

Tục ngữ nói, “chó đuổi không đi, sói dạy không được”. Muốn vứt bỏ một con chó săn trung thành không phải chuyện dễ dàng. Ban đầu, tôi phá bỏ cái chuồng chó, đuổi con Hoa Ưng ra khỏi nhà, nhưng nó vẫn chui qua hàng rào vào trong, nằm ở nơi đặt cái chuồng cũ, sủa gọi tôi inh ỏi, như thể đang trách tôi: “Sao ông chủ lại phá cái chuồng của tôi?”

Đúng là bó tay, mày là do tao dùng tiền mua về, tao có quyền giữ hay đuổi mày đi chứ! Đuổi mày ra khỏi nhà không được, đành phải thả mày vào rừng làm chó hoang vậy. Tôi dùng một tấm vải bịt chặt mắt con Hoa Ưng, mượn một chiếc xe đạp, đạp một mạch mười mấy cây số, trèo lên hai ngọn núi, lấy dây buộc nó vào một gốc cây nhỏ trong rừng, rồi không đợi nó cắn đứt dây buộc cổ, tôi liền tức tốc đạp xe về nhà.

Nhưng chập tối hôm thứ ba, tôi đang rửa mặt ở giếng nước thì đột nhiên nghe thấy tiếng chó sủa rất quen từ trong làng vọng đến. Tiếp đến, Hoa Ưng lăn đến trước mặt tôi như một quả bóng, trong mắt nó ánh lên một niềm vui như thể bạn cũ lâu ngày không gặp. Nó xúc động đến mức tiếng sủa cũng nghẹn ngào, ùa vào lòng tôi, thè cái lưỡi dài định liếm khắp mặt tôi. Tôi nổi giận đùng đùng, rút một chân đá vào bụng nó. Cú đá này rất mạnh, thấy bụp một tiếng, nó lại như quả bóng bị sút trúng, kêu ăng ẳng và lăn đi long lóc. Vùng vẫy lúc lâu, nó mới gượng dậy được, người quặt quẹo bên nọ bên kia, không thể nào đứng thẳng được, đau đớn nằm co quắp ở chỗ cũ. Rõ ràng, cú đá của tôi đã làm nó gãy xương sườn.

Tôi cảm thấy hơi xót xa, nhưng nghĩ lại, nếu không có ác thì làm sao đuổi nó đi được. Tôi rắp tâm, hùng hổ xông tới, nhấc chân lên giả bộ như sắp đá nó một cái nữa, nó liền cuộn đuôi lại, kêu ăng ẳng và chạy vào rừng trúc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ bụng, nó bị tôi đánh đập đến tàn tật như oan gia, có lẽ sẽ biến yêu thành hận, từ sau không đến làm phiền tôi nữa.

Nhưng tôi đã nhầm, Hoa Ưng không hề vì bị tôi đá gãy cả xương sườn mà nỡ rời xa tôi. Chỉ cần tôi ra ngoài là lại nhìn thấy nó như một hồn ma xuất hiện trong tầm mắt. Nó không dám sà vào lòng tôi, cũng không dám đến trước mặt tôi, mà chỉ ở chỗ xa cách tôi chừng ba bốn mươi mét, cong cong người, lấm lét nhìn theo. Chỉ cần tôi ngẩng nhìn nó, nó sẽ vẫy đuôi tít mù, sủa oang oang một cách tức tưởi, ánh mắt tràn đầy nỗi tủi hờn, khiến tôi loạn trí, có cảm giác sợ hãi và nổi nóng như bị quỷ ám. Đến một tình cảm thương xót cuối cùng dành cho nó, tôi cũng không còn. Không thể chịu đựng hơn nữa, tôi bắt đầu lóe lên ý nghĩ cần phải đặt dấu chấm hết cho chuyện này.

Hôm đó, tôi lấy lá chuối tây gói một ít thịt bò nướng sả, đến vách núi cao hàng trăm mét ở sau làng. Vách núi rất cheo leo, đến khỉ cũng không thể leo được, trên bức vách còn mọc đầy cây tử kinh tua tủa gai. Khỏi phải nói, con Hoa Ưng vẫn còn lẽo đẽo theo sau tôi.

Tôi cất giọng hiền dịu gọi nó: “Hoa Ưng, lại đây! Hoa Ưng, lại đây!” Nó không hề nghi ngờ, từ bụi cây đằng sau chui ra, sủa oang oang, chạy đến trước mặt tôi. Cái đuôi của nó ngoáy tít mù, đôi mắt long lanh như chảy lệ, xúc động đến mức toàn thân đều run lên. Đồ ngốc, tưởng là tao muốn lại thân tình với mày sao.

Tôi nhìn thấy trên lông nó dính đầy nhựa cây phấn hoa, lốm đốm vằn vện, trông như một con chó ghẻ; da bụng lép kẹp, có lẽ mấy ngày nay nó chưa được ăn miếng nào. Như thế lại tạo điều kiện tốt cho kế hoạch của tôi. Tôi lôi ra một miếng thịt, mùi thơm tỏa ra phưng phức, con Hoa Ưng vui mừng đến mức chân nhảy loạn xạ nhìn về phía bàn tay tôi cầm thịt. Tôi né người, từ từ dịch người về phía vách núi.

Không biết vì thái độ của tôi đột nhiên trở nên thân thiết làm nó vui mừng đến mức quên hết mọi thứ, hay vì mùi thức ăn thơm quá làm nó quên mất việc quan sát địa hình, nó đang ở chỗ cách vách núi chừng một thước nhưng vẫn còn vô tư nhảy nhót. Tôi lấy người che tầm mắt nó, xòe tay ra, dí cho nó ngửi miếng thịt hai lần, rồi đột nhiên ném miếng thịt về phía ngoài vách núi, đồng thời bước sang một bước, để lộ một khoảng không gian trống trải. Con Hoa Ưng co người nhảy lên, đớp lấy miếng thịt trong không trung. Nó ngoạm trúng miếng thịt, nhưng cơ thể đã hoàn toàn ở ngoài vách núi. Lúc đó, nó mới ý thức được mình đang ở vào tình huống nguy hiểm, liền quay người lại, muốn đáp vào trong vách núi. Nhưng đã muộn, giống như một viên đá xuống nước, nó rơi từ trên vách xuống.

Ông trời có thể làm chứng, không phải là tôi đẩy nó xuống. Tôi tự nói với bản thân, là do nó không cẩn thận ngã xuống, không phải tôi mưu sát, chỉ là sự cố ngoài ý muốn! Như thế tôi sẽ không phải chịu trách nhiệm, không cần phải áy náy, đương nhiên cũng không cần phải lo lắng sau khi nó chết thì âm khí trên người nó sẽ bám vào người tôi như một cái cây, mọc rễ trong nhà tôi.

Tôi đợi nghe tiếng của nó rơi xuống vách, nhưng âm thanh mà tôi nghe thấy chỉ là tiếng kêu của nó. Tôi bò lên vách núi, cẩn thận ngó đầu xuống. Trời ạ, con Hoa Ưng không hề rơi xuống vực sâu mấy trăm mét, nó chỉ rơi xuống có một mét thì mắc vào một khóm cây tử kinh. Người nó nằm giữa khóm tử kinh đầy gai nhọn, bốn chân cố bám lấy vách đá một cách khó khăn, miệng ngoạm lấy một cành tử kinh. Nhìn thấy đầu tôi ló ra từ trên vách núi, cổ họng nó phát ra tiếng kêu u u, đôi mắt ánh lên vẻ tội nghiệp. Ngay lúc đó, nó vẫn không quên vẫy đuôi chào tôi. Tôi biết, nó đang cầu cứu tôi. Chỉ cần tôi giơ ra một cánh tay là có thể cứu nó ra khỏi nguy hiểm. Nhưng tôi không làm thế, tôi quan sát một hồi, khóm tử kinh mềm yếu, không thể chịu đựng sức nặng của nó. Nó vừa cắn cành tử kinh vừa với lấy vách đá, chắc chắn cũng không thể kiên trì bao lâu, sớm muộn cũng bị rơi xuống. Tôi yên tâm đứng lên, phủi đất cát trên người rồi đi về làng.

Tôi không ngờ được rằng khả năng sinh tồn của loài chó lại mãnh liệt như vậy. Buổi chiều hôm đó, tôi đi đánh cá trên sông về, vừa mới bước vào cổng làng đã nhìn thấy Hoa Ưng. Toàn thân nó bị gai cây tử kinh đâm be bét, gần như bộ lông trắng đã bị nhuộm thành màu đỏ, miệng há ra, bên trong có một cục máu. Tôi không biết làm thế nào mà nó thoát chết trở về được, có lẽ là miệng nó ngoạm chặt cành tử kinh, chịu đựng nỗi đau đớn vì bị gai đâm rách họng, từ từ leo lên trên vách núi. Cũng có thể nó từ khóm tử kinh trên này trên này trườn xuống khóm tử kinh dưới kia, từng bước một, cuối cùng đã qua thoát khỏi vách núi sâu hàng trăm mét.

Tôi không có hứng thú tìm hiểu quá trình thoát thân của nó, chỉ lo nó vẫn còn quấy rầy tôi. Nhưng lần này nó đã học được bài học, nhìn thấy tôi không còn vẫy đuôi nữa, cũng không còn sủa gọi tôi. Nó quay đầu đi về phía dòng sông, trốn đi biệt tích. Từ đó trở đi, nó không còn bám theo tôi như hồn ma nữa, cũng không còn chạy đến dưới hiên nhà tôi nữa. Có lúc tình cờ gặp nhau ở gần ruộng, nó cũng chỉ dùng ánh mắt khó hiểu nhìn tôi, rồi lại bỏ đi.

Ơn trời ơn đất, cuối cùng tôi cũng thoát khỏi sự quấy rầy của nó.

Nửa tháng sau, một buổi trưa, tôi ra bơi ở con sông cát chảy, bốn bề không có bóng người, rất vắng lặng. Tôi bơi vào một vùng lau sậy, bỗng nhiên nghe thấy có tiếng xì xì từ trong đám lau. Một con cá sấu Ấn Độ dài khoảng hơn hai mét đang há miệng, bơi về phía tôi, tôi vội vàng quay đầu bơi về bờ.

Cá sấu Ấn Độ tuy cơ thể to lớn nhưng lại rất linh hoạt khi ở dưới nước. Cái đuôi vừa dài vừa dẹt của nó giống như một bánh lái lớn, chỉ cần quạt nhẹ là đã vút đi như mũi tên, chỉ cách tôi khoảng mười mét. Lúc này tôi vẫn đang ở giữa dòng.

Tôi lo quá, vừa lấy hết sức quạt tay bơi, vừa hô hoán cầu cứu. Nguy hiểm là ở chỗ, chỗ này cách làng hơn một cây số, tôi có gào to hơn thì cũng chẳng có ai nghe thấy. Tôi nghĩ, mình sắp bị con cá sấu đáng ghét kia ngoạm đứt một chân, lôi xuống đáy sông dìm chết chết trong bùn rồi bị nuốt chửng vào trong bụng con cá sấu, ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của tôi.

Tôi cứ tuyệt vọng vừa bơi vừa gọi. Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng chó sủa quen thuộc, ngẩng đầu lên nhìn, con Hoa Ưng đang thở hồng hộc ở trên bờ. “Hoa Ưng, mau đến cứu tao!” Tôi vội vàng khua tay về phía nó gọi thật to. Nó không hề do dự lao xuống nước, bơi về phía tôi.

Do đã bị gãy xương sườn nên tư thế bơi của nó rất kỳ quặc, cong gập cả người, như thể múa ba lê trong nước. Nhưng nó vẫn có sức bơi, bốn chân thi nhau đạp nước, một loáng đã bơi đến chỗ tôi. Nó tỏ ra như thể trước nay tôi và nó chưa từng xảy ra chuyện gì không hay, như thể hai chúng tôi chưa từng có khoảng cách. Nó đến bên tôi, cái đuôi đen dựng lên trên mặt nước, quẫy người về phía tôi rồi sủa oang oang hai tiếng nhẹ nhàng, như thể muốn nói: “Ông chủ, đừng sợ, tôi đến rồi đây!” Sau đó, nó quay người, bơi về phía con cá sấu Ấn Độ sủa thật to, ý bảo: “Đồ đáng ghét kia, có tao ở đây, mày không được làm hại tới sợi lông nào của ông chủ tao!”

Hoa Ưng đã vì tôi chặn đứng con cá sấu Ấn Độ, vì tôi chặn đứng tử thần hung ác.

Tôi leo lên bờ mới dám quay lại nhìn, nhưng đã không còn nhìn thấy gì nữa. Đám lau sậy um tùm che khuất tầm nhìn của tôi, chỉ nghe thấy sâu trong đám lau truyền tới tiếng chó sủa và tiếng đớp cắn, rồi tiếng đuôi cá sấu quạt nước và tiếng sóng vỗ…

Trở về nhà, tôi lập tức bắt tay vào làm cái chuồng dưới hiên. Tôi nghĩ, mình phải dùng lá thuốc để đắp vào chỗ xương sườn của Hoa Ưng mà mình đã đá gẫy, lấy xà phòng tắm sạch những vết nhựa cây trên người nó, nấu một nồi thịt bò để tẩm bổ cho cơ thể gầy ốm của nó. Từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ rời xa nó nữa. Tôi làm cái chuồng thật rộng, rộng đến mức tôi cũng có thể chui vào ngủ. Tôi cảm thấy mình nên đổi ngược vị trí cho Hoa Ưng. Tôi chỉ đáng làm một con chó, còn nó, hoàn toàn có tư cách làm một con người.

Tôi ngồi trước cái chuồng chó mới làm, chờ Hoa Ưng của tôi trở về…

[1] Điếm giáo dục thanh niên: một hình thức tổ chức vào thập niên 60-70 tại Trung Quốc, dành cho những thanh niên trí thức tham gia lao động tại nông thôn trong cuộc Đại cách mạng văn hóa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN