Tầng Đầu Địa Ngục - Chương 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Tầng Đầu Địa Ngục


Chương 11


Số bảy

Không ai nói cho những người lính chiến trên mặt trận biết rằng những vị tướng tư lệnh dự định những gì, đặt kế hoạch ra sao nhưng luôn luôn họ biết, họ biết rõ, biết đúng nữa là khác, đơn vị của họ ở trong mũi dùi tấn công chính hay là ở cạnh sườn. Cũng giống như thế, ba trăm tù nhân chuyên viên sống trong Viện Mavrino biết rằng Phòng số bảy là nơi quan trọng nhất của Viện.

Không một tù nhân nào trong Viện được quyền biết về những việc làm trong Phòng số bảy nhưng trên thực tế, tất cả mọi người đều biết. Công tác chính của Phòng số bảy là thí nghiệm và hoàn thành một máy điện thoại đặc biệt cho Lãnh tụ Tối cao dùng. Đái khái người ta hiểu là tiếng nói vào máy này sẽ bị chia cắt thành những âm thanh hỗn độn, những âm thanh này sẽ được kết tụ lại do một cái máy kách và trở lại thành tiếng nói như khi mới được phát ra. Để làm việc này người ta bắt chwocs những dàn máy radio đã được chế tạo của người Hoa Kỳ song người ta vẫn cứ cố tình coi đó là những gì do các kỹ sư điện tử Nga chế ra. Những đặc san và những quyển sách giải thích về vô tuyến truyền thanh, trong có những họa đồ, mẫu đồ được bán đầy những tiệm sách cũ ở New York được người ta ở đây đóng bìa da, đánh số, coi là tài liệu tối mật, được cất kỹ trong những tủ sắt kiên cố để ngăn không cho bọn… gián điệp Mỹ lấy trộm.

Trong những cơ sở cưỡng bách lao động như Viện Mavrino, thông lệ đã có và ai cũng biết là những khoa học gia, những chuyên viên nào thành công trong việc phát minh được một bộ máy hữu ích có thể nhận được tất cả: tự do, một sổ thông hành không ghi án tích – Gọi là Sổ thông hành sạch – một căn nhà ở Mạc Tư Khoa trong khi những người khác không nhận được gì hết, không cả một ngày giảm án, không có cả một ly vodka nhỏ uống mừng những người thành công.

Ở đây chỉ có hai hạng người: thành công và thất bại, ở đây không có hạng người đứng giữa.

Vì vậy, ở Viện Mavrino những người tù khôn ngoan đều tìm hết cách để được vào làm việc trong Phòng số bảy. Được vào làm việc trong phòng này họ có điều kiện để thành công.

Kỹ sư Markushev lọt được vào Phòng số bảy với tinh thần ấy, bộ mặt ma cô thô tục của y biểu lộ ý muốn được chết vì những ý tưởng của đại tá kỹ sư Yakonov. Nhiều kẻ khác là việc ở Phòng số bảy cũng có tâm trạng giống như Markushev.

Nhưng Yakonov cũng không phải là người ngu, y cũng chọn vào làm việc trong Phòng số bảy cả những người không muốn vào đấy làm việc. Đó là trường hợp của kỹ sư Amantai Butalov, một người dân Tatar miền Kazan mang đôi kiếng trắng lớn gọng bằng sừng trên mắt, một người đàn ông thẳng tính có giọng cười vang nhà làm cho người khác điếc tai. Butalov bị án tù mười năm vì tội để cho quân Đức bắt được trên mặt trận và chịu cộng tác với kẻ thù nhân dân là Musa Djalil. Người thứ hai không muốn nhưng vẫn bị Yakonov đưa vào Phòng số bảy là Andrei Andreyevich Potapov, một chuyên viên siêu cao điện áp từng dự phần xây cất nhiều nhà máy điện lớn. Potapov tới Viện Mavrino vì lỗi lầm của một viên thư ký ngu dốt giữ việc sắp xếp những phiếu di chuyển tù nhân. Xong vì là một công nhân yêu việc làm và là một kỹ sư có lương tâm nhà nghề, Potapov thích hợp rất nhanh với cuộc sống ở đây và anh trở thành một chuyên viên không thể thay thế được trong việc sử dụng những dụng cụ đo lường điện tử phức tạp, chính xác và tế nhị.

Một người nữa trong nhóm người không cần xin vào làm việc ở Phòng số bảy là kỹ sư Khorobrov, một chuyên viên radio có tài. Anh được cắt vào làm việc ở Phòng số bảy ngay từ đầu, khi nó chưa phát triển lớn như bây giờ. Và trong thời gian gần đây, anh đã chán nản và không gia nhập vào cuộc hoạt động tới tấp quanh anh nữa. Cũng trong thời gian gần đây, Mamurin tỏ ra khó chịu nhiều trước thái độ của Khorobrov.

Sau cùng, từ một trại tập trung cưỡng bách lao động tàn nhẫn nhất người ta đưa về một thiên tài điện tử u sầu tên là Bobynin. Kỹ sư Bobynin lập tức được cọi là chuyên viên số một và được đặt ở trên tất cả mọi người. Anh sắp chết ở trong trại thì được lấy ra, đem về và trong trường hợp thành công, anh là người đầu tiên có hy vọng được trả lại tự do. Vì vậy Bobynin thức làm việc đến quá nửa đêm, nhưng anh làm việc với một vẻ trịnh trọng kiêu mạn đến nỗi Mamurin phải sợ anh. Bobynin là người duy nhất làm việc ở đây mà Mamurin tránh không nói động đến.

Phòng số bảy cũng là một căn phòng dài rồng y hệt Phòng Âm thính ở từng dưới. Phòng này cũng trang bị những dụng cụ không khác gì nhiều những dụng cụ trong Phòng Âm thính.

Mỗi ngày Yakonov đến Phòng số bảy nhiều lần… Vì vậy sự có mặt của y ở đây không gây ra tình trạng căng thẳng khi có Xếp lớn đến thăm. Chỉ có Markushev và bọn hạ tiện cùng loại với y là tỏ ra làm việc cần mẫn hơn, chăm chú hơn khi có Yakonov tới. Riêng Potapov, anh đặt những dàn điện tử của anh lên một kệ sắt kê ở cuối phòng và kệ sắt này trở thành bức vách ngăn anh với mọi người trong phòng. Potapov ngồi ở đó như ngồi riêng hẳn một nơi cách biệt. Anh làm việc chậm rãi, cẩn thận và đúng lúc Yakonov bước vào, anh đang chế tạo một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng Plastic đỏ để biếu một người làm quà sinh nhật vào sáng hôm sau.

Mamurin đứng lên chào đón Yakonov như chào đón một người ngang hàng. Y không bận bộ đồng phục màu xanh đậm của tù nhân, bộ quần áo y bận là một bộ hàng len đắt tiền, nhưng bộ đồ sang trọng này cũng chẳng làm cho khuôn mặt gầy gò và dáng người xương xẩu của y sang hơn được chút nào.

Có một vẻ gì đó xuất hiện trên vầng trán bóng như trái banh và trên vành môi mỏng mím chặt của Mamurin cho Yakonov biết rằng y đang vui sướng:

“Anton Nikolaich…” Mamurin nói – “Chúng ta tiến bộ nhiều lắm rồi. Đây, ông nghe… Tôi đọc cho ông nghe…”

“Nghe” và “đọc” là hai việc thí nghiệm quan trọng được thực hiện mỗi ngày trong Phòng số bảy trong thời gian này. Không giải thích thêm nữa, Mamurin đi về cuối phòng và đứng quay lưng lại Yakonov. Y đưa ống nói lên và đọc vào đó một bài báo. Ở đầu dây đằng kia, Yakonov mắc ống nghe lên tai và chăm chú nghe. Giữa những tiếng nói the thé của Mamurin, y còn phải nghe không biết bao nhiêu tiếng động chói tai khác. Nhưng như một người mẹ âu yếm nhìn đứa con quái thai của mình, Yakonov vẫn không nhấc ống nghe ra khỏi tai, y thấy rằng những tiếng động phá hoại ấy có vẻ êm hơn, nhẹ hơn những tiếng y vừa nghe lúc trưa nay. Bài báo Mamurin đọc qua máy truyền thanh cho y nghe là một bài báo viết về sự hỗn hào của bọn lính Yugoslav gác biên giới và sự tàn ác của tên đồ tể Tito, kẻ đã biến quốc gia yêu hòa bình này thành một lò sát sinh vĩ đại 1. Yakonov có thể dễ dàng đoán ra được những gì y không nghe rõ, y đoán nhưng không nhớ y đoán, và việc này càng làm cho y tin chắc rằng việc truyền thanh đã tiến bộ nhiều.

Yakonov muốn trao đổi ý kiến và quan điểm về sự tiến bộ của dàn máy đang được thí nghiệm này với Bobynin. Người tù này ngồi gần y. Ngay cả lúc ngồi Bobynin cũng vẫn to lớn, đôi vai anh mở rộng và mái tóc anh cắt ngắn đúng kiểu tóc tù nhân mặc dù ở đây tù nhân muốn để tóc theo kiểu nào cũng được. Bobynin không cả ngoảnh mặt nhìn lại khi Yakonov vào phòng. Cúi trên một máy dao động đồ hình, Bobynin đang chăm chú đo đạc bằng một cây thức com phương án.

Tên Bobynin này chỉ là một tên tù không đáng kể, một thứ sâu bọ mang hình người, một tên thuộc giai cấp hạ tiện cuối cùng của xã hội. Trong khi ấy Yakonov là một viên chức chính quyền cao cấp. Vậy mà Yakonov không dám làm rộn Bobynin mặc dù y rất muốn.

Người ta có thể xây dựng những tòa nhà trăm tầng như tòa Empire State, người ta có thể làm cho quân đội Phổ có kỷ luật, suy tôn Lãnh Tụ lên cao hơn cả Thượng đế nhưng người ta vẫn không có thể áp chế được tinh thần của một số người.

Có những người lính trơn làm cho những sĩ quan chỉ huy họ phải sợ họ, có những người thợ làm cho bọn cai phải bối rối và có những người tù làm cho bọn cai ngục run rẩy.

Bobynin biết như thế và anh lợi dụng tình trạng này trong việc giao thiệp và đối phó với những kẻ có quyền.

Mỗi lần Yakonov nói chuyện với Bobynin là một lần y thấy y tìm cách lấy lòng Bobynin, tránh không làm cho Bobynin khó chịu hoặc nổi giận. Y rất bất mãn về việc này nhưng y cũng nhận thấy rằng không phải chỉ riêng mình y có thái độ đó với Bobynin, tất cả mọi người đều có thái độ như thế đối với người tù tên là Bobynin.

Nhấc ống nghe ra khỏi tai, Yakonov ngắt lời Mamurin:

“Khá lắm, Yakov Ivanich, tiến bộ khá lắm. Tôi muốn nhờ Rubin nghe coi sao. Tai hắn tốt.”

Một người nào đó từng được Rubin khen ngợi về một chuyện gì đó cól ần nói rằng Rubin có đôi “tai tốt”. Và lời nhận xét này được mọi người tin. Rubin là người tù trôi giạt tới Viện Mavrino cũng vì một sự lầm lẫn. Từ đó anh tự làm cho anh trở thành cần thiết bằng cách phiên dịch những tài liệu chuyên môn tiếng ngoại quốc ra tiếng Nga. Tai bên trái của anh nghe được nhưng cũng không tốt gì hơn tai những người khác, nhưng tai bên phải của anh đã bị điếc vì tiếng bom nổ tren mặt trận Tây Bắc. Sau khi được đề cao là có đôi “tai tốt”, Rubin dấu kỹ không để cho ai biết rằng tai bên phải của anh đã bị điếc. Uy tín “tai tốt” làm cho địa vị của Rubin càng thêm vững chắc trong Viện Mavrino, và anh làm cho địa vị này vững chắc thêm bằng một bài khảo cứu nhan đề Âm thanh nhân tạo và hiệu thính âm điện tử trong tiếng nói Nga Ta Lư.

Họ gọi điện thoại xuống Phòng Âm thính mời Rubin lên. Trong khi chờ đợi, họ lại học và lại nghe. Đây là lần thứ mười trong ngày họ đọc và nghe như thế. Markushev, với đôi lông mày nhìn lại và đôi mắt mệt mỏi vì chú ý, màng ống nói lên một lúc và trịnh trọng nói rằng có sự tiến bộ, rất nhiều tiến bộ. Dyrsin gượng cười như người xin lỗi và gật đầu. Bulatov nói lớn rằng họ sắp đi đến thành công lúc hai chuyên viên điện khi nghe chung một cặp ống nghe cùng nói bằng một giọng tin tưởng rằng âm thanh đã rõ hơn nhiều lắm.

Bobynin vẫn tiếp tục đo trên dao động đồ, anh vẫn không ngửng đầu lên nhìn.

Đôi kim đen trên mặt chiếc đồng hồ treo tường lớn đã chỉ 10 giờ 30. Chỉ còn nửa tiếng nữa mọi công việc trong Viện sẽ ngừng trừ Phòng số bảy, những tập đặc san được đánh số và coi như tài liệu tối mật sẽ được cất vào tủ sắt và bọn tù sẽ về phòng ngủ, những viên chức tự do sẽ vội vã đi đến trạm xe buýt. Họ sẽ phải chờ lâu mới có xe về vì ban đêm, xe buýt chạy ít.

Ilya Terentevich Khorobrov, ở cuối phòng và bên ngoài mắt nhìn của những ông xếp, nặng nề lê chân ven theo tường về phía Potapov. Khorobrov là người vùng hoang vu nhất của miền Vyatka, gần Kai, quê anh nằm cạnh một vùng đồng lầy ruộng bao la – diện tích của vùng đồng lầy này lớn hơn toàn thể diện tích lãnh thổ nước Pháp – trong đầm lầy này có những trại tập trung đáng sợ nhất của chế độ Nga Xô Viết. Khorobrov từng có dịp nhìn thấy, và biết nhiều hơn mọi người nhưng sự cần thiết phải luôn luôn giấu kín ý nghĩ và đè nén sự đòi hỏi công lý đã làm cho tinh thần và cả thể xác anh nữa, trở thành cong queo, gù xuống, lệch lạc, làm cho vẻ mặt anh trở thành khó coi và vành môi anh rúm lại trong một đường nét thật bẩn. Sau cùng, trong cuộc bầu cử thứ nhất được tổ chức sau chiến tranh, anh không còn chịu đựng được nữa và anh viết bậy những hàng chửi rủa của giới nông dân thô tục lên tấm phiếu bầu, những lời chửi rủa này được anh tặng cho vị Lãnh tụ Tối Cao, vị Thiên Tài của những Thiên Tài. Đó là thời những căn nhà đổ nát không được sửa chữa lại và ruộng nương không được cày vì thiếu người. Trong cả một tháng trường sau ngày bầu cử nhiều nhân viên mật vụ trẻ tuổi nghiên cứu nét chữ viết của tất cả những người đi bầu trong vùng và họ bắt được đúng kẻ viết bậy là Khorobrov. Anh đi tù với niềm ngây ngô là từ nay anh sẽ được dịp nói hả hê những điều anh muốn nói – ở tù rồi còn sự gì nữa – nhưng cuộc sống trong tù vẫn không cho anh tự do chửi rủa như anh tưởng. Cả đống chỉ điểm viên thi nhau báo cáo về Khorobrov và rất sớm, anh nhận thấy rằng anh nên ngậm miệng là hơn.

Trong Viện Mavrino, sự khôn ngoan tầm thường nhất cho Khorobrov biết rằng anh nên hòa mình vào số những người làm việc ở Phòng số bảy. Lọt vào đây dù anh không có hy vọng gì được trả lại tự do nếu người ta thành công, ít nhất anh cũng được hưởng một đời sống vật chất tương đối sống được. Nhưng sự bất công, vô lý của những trường hợp bị tù của những người khác mà anh đã ở thấy đây làm cho Khorobrov buồn nôn, anh đã đi tới giai đoạn một người không còn muốn sống nữa.

Đi tới chỗ Potapov ngồi, Khorobrov cúi lưng trên bàn và nói bằng một giọng bình thản:

“Andreich… Nghỉ thôi. Đêm nay là đêm thứ Bảy.”

Potapov vừa gắn cái chốt gài hai nắp hộp đngj thuốc điếu vào nhau, cái chốt này màu hồng. Anh nghiêng đầu ngắm vật thủ công do chính ta anh làm ra và hỏi:

“Thấy sao, Terentich? Hai màu này hợp nhau chứ?”

Không thấy Khorobrov trả lời, Potapov ngước mắt nhìn người bạn tù. Ánh mắt anh dưới làn kiếng trắng dày nhân từ như ánh mắt bà ngoại nhìn anh cháu.

“Vội gì, Terentich. Thời gian làm việc cho chúng ta. Anton sắp ra về và chúng ta sẽ biến vào không khí ngay lập tức…”

Anh nhấn mạnh ba tiếng “ngay lập tức” như đó là những tiếng quan trọng.

Rubin đã có mặt trong phòng. Bây giờ là mười một giờ đêm, ngày làm việc đã chấm dứt, Rubin đang muốn về giường ngủ đọc Hemingway. Nhưng muốn tỏ ra chú ý đến việc làm của Phòng số bảy, anh hoặc Markushev đọc đi đọc lại những câu mà anh cho là có nhiều âm thanh cần kiểm soát nhất. Anh ra hiệu bằng tay cho Markushev đọc to hơn, đọc nhỏ hơn, như đó là những việc rất quan trọng. Sau cùng, anh gỡ ống nghe ra khỏi tai và tuyên bố rằng theo anh sự tiến bộ tuy có rõ rệt đấy nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm lắm.

Mọi người ồn ào lên tiếng tán thành và bày tỏ sự vui mừng khi có tiến bộ. Đến lúc này, Bobynin mưới ngửng mặt lên khỏi bàn dao động đồ và nói bằng giọng nói trầm tĩnh, ngạo mạn đặc biệt của anh:

“Ngốc. Tiến lên được một bước. Các anh làm việc mò mẫm như thế làm sao có thể thành công được. Phải có phương pháp, phải biết trước mình sẽ làm gì, mình đi tới đâu.”

Dưới cặp mắt nhìn nghiêm khắc không chút rung động của Bobynin, tất cả mọi người trong phòng đều im lặng.

Sau bức vách sắt làm bằng kệ sắt xếp đầy máy, Potapov dán khóa gài vào nắp hộp đựng thuốc điếu. Potapov từng sống ba năm trong trại tù binh Đức và anh chỉ sống sót được ở đó nhờ tài chế tạo những chiếc bật lửa, hộp đựng thuốc điếu và tẩu gắn thuốc điếu tuyệt đẹp bằng những vật dụng vứt đi. Anh chế tạo chúng mà không cần có dụng cụ gì cả, chỉ hoàn toàn bằng những ngón tay thần diệu của anh.

Không có một ai trong phòng tỏ vẻ muốn về nghỉ mặc dù ngày mai sắp đến là một ngày chủ nhật.

Đúng lúc ấy Khorobrov đứng thẳng người lên. Anh đặt tập tài liệu được phát cho anh nghiên cứu lên mặt bàn của Potapov để chờ cất vào tủ sắt, rồi anh đi về phía cửa phòng. Anh lặng lẽ đi ngang đám người xúm xít quanh cái máy được gọi là “Máy cắt âm thanh”.

Mamurin, mặt xanh mướt trợn mắt nhìn theo Khorobrov:

“Ylia Trentich… Tại sao anh không chịu nghe? Mà anh đi đâu vậy?”

Không vội vã Khorobrov từ từ quay lại, với nụ cười méo mó trên vành môi rúm, anh trả lời rõ ràng từng tiếng:

“Tôi không muốn nói lớn nhưng nếu ông nhất định đòi biết, tôi xin nói: ra khỏi đây tôi đi tới phòng vệ sinh. Nói rõ hơn: tôi đi tiểu tiện và đại tiện. Sau đó, nếu không có việc gì bất ngờ xảy ra, tôi đi về phòng giam và nằm xuống ngủ.”

Trong bầu không khí im lặng nặng nề đè xuống gian phòng sau câu nói đó, người ta nghe tiếng cười giòn của Bobynin, người không cười mỉm bao giờ, vang lên.

Việc làm của Khorobrov được coi như một hành động nổi loạn.

Mamurin bước tới để đánh Kinh, y rít lên:

“Anh nói gì? Về ngủ? Tất cả mọi người đều làm việc trong khi anh về ngủ?”

Khorobrov đặt tay lên nắm đấm cửa, anh trả lời như người đang ở vào tình trạng gần mất tự chủ:

“Phải, đúng thế – tôi về ngủ. Hôm nay tôi đã làm việc đủ 12 tiếng đồng hồ do Hiến pháp qui định rồi. Tôi làm việc đã đủ.”

Anh có vẻ sắp nói thêm một câu gì nữa, và câu này sẽ là một câu không còn gì có thể cứu vãn được, cánh cửa phòng bỗng mở ra và người sĩ quan trực bước vào báo:

“Thưa đại tá… có điện thoại trên Tổng bộ gọi đại tá.”

Yakonov vội đứng lên và đi ra khỏi phòng trước cả Khorobrov.

Một lát sau, Potapov tắt đèn trên bàn, anh đặt tập tài liệu được trao cho anh cùng tập tài liệu của Kinh lên mặt bàn của Butatov và khập khiễng đi về phía cửa. Anh đi khập khiễng vì chân trái anh bị thương vì một tai nạn xe máy dầu xảy ra trước chiến tranh.

Phụ tá Tổng trưởng Bộ An ninh Sevastyanov gọi điện thoại tới ra lệnh cho Yakonov phải có mặt ở Bộ vào lúc 12 giờ đêm nay.

Yakonov trở về văn phòng của y. Y cho Nerzhin về và mời Verenyov cùng về thủ đô trong xe hơi của y. Y bận áo ngoài, mang bao tay và trở lại bàn viết. Dưới hàng chữ “Nerzhin sẽ phải đi”, y viết thêm:

“Cả Khorobrov nữa.”

— —— —— —— ——-

1 Yugoslav là Nam Tư và là người lãnh đạo Nam Tư, Tito, bị Stalin ghét nhất

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN