Tầng Đầu Địa Ngục - Chương 25
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Tầng Đầu Địa Ngục


Chương 25


Lên cao tuyệt đỉnh

Giáo sư Toán học Chelnov, một ông già, là nhân vật quen thuộc của nhiều nhà tù đặc biệt như Viện Mavrino. Giáo sư Chelnov là người đã nhiều lần viết danh từ “tù nhân” để trả lời câu hỏi “quốc tịch” trong những bản khai lý lịch. Vào năm 1950, Giáo sư Chelnov hoàn thành năm tù thứ mười tám trong cuộc đời tù tội của ông, ông cũng là người từng đặt cây viết chì trong tay ông lên rất nhiều phát minh khoa học, từ việc phát minh ra máy hơi nước đến những động cơ phản lực, trong nhiều phát minh có nằm rải rác và thấp thoáng những mảnh linh hồn của ông.

Ở trong Viện Khoa học Mavrino, Giáo sư Chelnov là người tù duy nhất không bị bắt buộc phải bận bộ đồng phục giống kiểu quân phục của binh chủng Nhảy dù. (Vấn đề này đã được đưa lên tới tận Tổng trưởng Abakumov để xin giải quyết). Nguyên nhân chính làm cho Giáo sư Chelnov không bị bắt buộc phải ăn bận như mọi người khác ở đây là vì ông không phải là một tù nhân thường trực của Mavrino, ông chỉ là một tù nhân tạm, ông chỉ được đưa đến đây khi có việc cần đến ông, khi hết việc hoặc khi nơi khác cần đến ông hơn, ông sẽ được đưa đi nơi khác. Trong dĩ vãng, Giáo sư Chelnov từng là hội viên của Hội Khoa học gia Nhà nước và từng giữ chức Viện trưởng Viện Toán học. Hiện nay tuy bị tù, ông vẫn được đặt dưới quyền sử dụng của riêng Beria.

Nhưng Giáo sư Chelnov không lợi dụng đặc quyền của ông để lựa chọn y phục như những kẻ tầm thường sẽ làm khi được cái quyền ấy. Ông chỉ bận những bộ y phục rẻ tiền, màu áo với màu quần không hợp nhau, ông đi đôi giày nỉ dưới chân, đội một cái mũ len đan như mũ của những người trượt tuyết trên mái tóc bạc thưa, y phục của ông nổi bật lên với chiếc khăn lên choàng trên vai, chiếc khăn choàng vai này quá rộng, khăn phủ kín cả lưng ông như kiểu khăn choàng của những bà già nhà quê.

Nhưng trong cái mũ len ấy, dưới chiếc khăn choàng quê kệch ấy, Giáo sư Chelnov có một vẻ uy nghi riêng, sự hiện diện của ông bao giờ cũng làm cho người khác kính nể, không một ai dám cười ông vì chiếc khăn choàng đàn bà ấy. Khuôn mặt dài và thon của ông, những nét sắc của mắt mũi ông, thái độ đường bệ và ngôn ngữ nghiêm chỉnh của ông khi ông giao thiệp với những kẻ có quyền trong Viện, màu mắt xanh nhạt của ông – màu mắt mơ hồ mà người ta chỉ có thể nhìn thấy ở mắt những người suy nghĩ nhiều làm cho Giáo sư Chelnov giống một cách kỳ lạ với triết gia Descartes hoặc những nhà toán học thời Phục hưng ở Âu Châu 1.

Giáo sư Chelnov được đặc biệt gửi tới Viện Mavrino để giúp việc thực hiện giàn máy điện thoại bí mật cho Stalin. Nhưng ông không phải phụ trách riêng một việc gì cả, ông là một thứ cố vấn hướng dẫn tất cả những nhà khoa học khác. Tất cả mọi người trong Viện Mavrino đều có thể đem những thắc mắc về toán học của mình đến trình bày với Giáo sư Chelnov, ông sẽ giải thích, sẽ cho họ biết họ đúng hay sai, phát minh của họ sẽ có giá trị hay không.

Có thể nói là tất cả những nhà khoa học sống trong Viện Mavrino đều bận rộn với việc chế tạo giàn máy điện thọai bí mật, trừ một người. Người đó là Sologdin.

Kỹ sư Sologdin được tuyển từ một trại tập trung ở miền Bắc Inta đưa về Viện Mavrino. Nhưng vừa về tới Viện, Sologdin đã khai với tất cả mọi người rằng tinh thần của mình bị yếu đuối vì thời gian đau ốm, thiếu thốn vật chất dài ở trại tập trung, ký ức của mình bị quên lãng và khả năng của mình nhụt kém. Nói tóm lại, Sologdin yêu cầu được có một thời gian để phục hồi trước khi nhận công tác. Sologdin yên tâm đòi hỏi như vậy vì ở trại tập trung, anh cũng là một kỹ sư, được dùng vào xưởng máy, nếu có phải trở về trại, anh cũng không đến nỗi khổ sở, vất vả lắm.

Sologdin được ở lại Viện trong tình trạng chờ xem, thử thách. Tuy ngày ngày anh vẫn vào phòng nghiên cứu làm việc như mọi người nhưng anh không có trách vụ rõ rệt, việc anh làm không bị kiểm soát, thúc giục, anh ở ngoài dòng nước cuồn cuộn chảy về hướng giàn máy điện thoại bí mật cần hoàn thành gấp để dâng cho Lãnh tụ Tối cao. Và Sologdin đã thảnh thơi nhàn nhã và bí mật hoàn thành được một hệ thống phân thanh đặc biệt cần thiết cho việc chế tạo giàn máy điện thoại bí mật. Anh làm việc ban đêm cho đến nay, chưa ai trong Viện biết là anh đã thành công, anh đã nắm trong tay vật báu mà Yakanov đang mơ ước.

Trong thời gian nửa năm, Sologdin đã tìm được một giải pháp mà 10 kỹ sư chuyên môn khác được giao cho trách nhiệm tìm đã không ra. những kỹ sư kia không phải là bất tài hoặc tài năng kém Sologdin, họ tìm không ra chỉ vì họ bị kiểm soát vô lý và thúc giục không đúng cách. Hai ngày trước đây Sologdin đã trao phát minh của anh cho Giáo sư Chelnov để ông này kiểm soát giùm. Đây là một việc riêng giữa Sologdin và Chelnov và buổi sáng Chủ nhận này, Sologdin kính cẩn đi bên Chelnov lên cầu thang, anh thận trọng đỡ nhẹ cánh tay ông già đề phòng ông trượt chân hoặc bị đám tù nhân xô đẩy, anh đi theo ông già vào phòng nghiên cứu để nghe ông phán quyết về phát minh của anh.

Trên con đường đi qua những hành lang và, Giáo sư Chelnov không đả động gì đến vấn đề đang làm cho Sologdin bồi hồi, khích động, ông không nói là “được” hay “hỏng” để cho Sologdin an tâm. Ông cũng vui vẻ nói chuyện buổi sáng sớm hôm nay ông gặp Lev Rubin và Rubin đã đọc cho ông nghe bài thơ hắn mới sáng tác được về một đề tài trong Kinh Thánh. Ông công nhận vần điệu của bài thơ không đến nỗi dở lắm xong tinh thần của đề tài, theo ông, không được chỉnh mấy. Bài thơ diễn tả lại việc Moses đưa đám dân Do Thái đi qua sa mạc trong bốn mươi năm, chịu đói khát, khổ ải, thiếu thốn đủ thứ, vì vậy đám dân nổi điên vì tuyệt vọng và chống lại Moses, nhưng họ sai và Moses đúng, vì cuối cùng Moses vẫn dẫn họ được tới vùng đất hứa ở đó tất cả mọi người đều sung sướng. Rubin có vẻ đã đặt hết tâm hồn của hắn vào bài thơ này.

Nhưng Giáo sư Chelnov không đồng ý với Rubin về sự quả quyết là Moses đã hành động đúng. Ông nhắc cho Rubin nhớ về điều kiện địa dư của chuyến đi ấy. Từ sông Nil tới Jerusalem đoàn người Do Thái chỉ phải đi có 250 dặm đường, điều này có nghĩa là dù cho họ có nghỉ đi trong những ngày Sabbath, họ cũng chỉ phải đi nhiều lắm là ba tuần lễ. Vậy mà Mosses đã dẫn họ đi mất hết 40 năm. Đó là một sự quá đáng. Nếu Moses không lầm lẫn đưa họ đi quanh quẩn trong sa mạc thì đó là vì Moses cố ý không muốn cho họ đến ngay nơi họ muốn đến. Và thời gian quá đáng này là một nghi vấn về thiện chí của Moses 2.

Giáo sư Chelnov lấy chìa khóa mở cửa phòng làm việc của ông ở bàn giấy của người sĩ quan trực ngồi trước cửa văn phòng Yakanov. Trong số những tù nhân ở đây chỉ có ông và Mặt Nạ Sắt, tức Mamurin, được đặc quyền này. (Không một tù nhân nào được quyền có mặt nửa phút trong phòng nghiên cứu khi không có sự kiểm soát của một nhân viên tự do, người ta phải thận trọng như thế bởi vì tù nhân có thể lợi dụng phút không bị kiểm soát này để mở tủ sắt bằng chìa khóa giả, chụp hình những tài liệu mật bằng một cái nút quần, cho nổ một trái bom nguyên tử rồi bay thẳng lên mặt trăng).

Chelnov làm việc trong một căn phòng được gọi là “Bộ Óc”, nơi đồ đạc chỉ vỏn vẹn có một cái tủ áo bằng gỗ và hai cái ghế trơ trọi. Người ta phải xin lệnh của Tổng Bộ An ninh để có thể phát cho Giáo sư Chelnov một chìa khóa riêng để ra vô phòng này. Kể từ ngày đó căn phòng này là một vấn đề làm cho sĩ quan An ninh Shikin mất ăn, mất ngủ. Đêm khuya, khi bọn tù đều bị nhốt chặt trong phòng giam sau nhiều lớp cửa sắt, Shikin từng nhiều lần vào căn phòng này mò mẫm, lục lọi, y gõ lên vách, sờ soạng trên những khe ván sàn phòng nhìn vào gầm tủ, vặn từng chân ghế và âu lo lắc đầu với những ý nghĩ nhất định rằng việc thượng cấp cho tù nhân được tự do đến thế này chỉ có hại chứ không có lợi.

Nhưng Giáo sư Chelnov không phải chỉ lấy được chìa khóa là có thể vào được căn phòng nhỏ này. Ông còn phải đi qua một trạm kiểm soát trên hành lang. Đi qua trạm này là vào khu gọi là Tối Mật. Trạm kiểm soát gồm một cái chòi gỗ như chòi canh của lính gác cửa, trong đặt một cái bàn, trên bàn là một máy điện thoại và sau bàn có một nữ kiểm soát viên ngồi hỏi giấy phép. Giấy phép ra vô khu Tối Mật này do Tổng Bộ An ninh cấp phát, gồm ba loại: giấy phép thường trực, giấy phép tuần và giấy phép một kỳ. Việc phân loại giấy phép này là do sáng kiến đề nghị của Thiếu tá An ninh Shikin.

Mặc dù Giáo sư Chelnov biết rõ người kiểm soát ngồi đó là Marya Ivanovna và chị này xem giấy phép của ông mỗi buổi sáng, khi ông đi tới, chị này vẫn nghiêm trọng hỏi:

“Giấy phép?”

Chelnov xuất trình giấy phép thường trực in trên miếng giấy dày và Sologdin xuất trình giấy phép tuần in trên tờ giấy mỏng.

Hai người đi qua trạm kiểm soát, qua hai khung cửa nữa, và Chelnov mở khóa cửa văn phòng làm việc riêng của ông.

Phòng này ấm cúng, gọn ghẽ, sạch sẽ với một khung cửa sổ nhìn xuống sân tập thể dục của tù nhân, nhìn xa ra hàng cây sồi cổ thụ vòm lá đọng sương đêm kết lại thành băng trắng xóa.

Một bầu trời trắng xám phủ trên trái đất.

Ở bên trái hàng cây sồi, ngoài vùng cấm, có một căn nhà gỗ rất xưa, những vách gỗ của căn nhà này đã chuyển thành xám vì thời gian và giờ đây trắng như vôi. Căn nhà có hai từng lầu và mái nhà lợp tôn trông giống như một chiếc thuyền. Trước đây nhiều năm người chủ khu đất này từng sống trong căn nhà gỗ đó. Xa kia là những mái nhà thấp của làng Mavrino, rồi đến một cánh đồng, rồi xa nữa là đường xe hỏa chạy về Mạc Tư Khoa. Vào lúc này ở trên đường xe hỏa đó có một làn khói trắng từ một đầu tàu bốc lên – đứng trong khung cửa sổ này người ta không thể nhìn thấy con tàu và đường tàu.

Nhưng Sologdin không để ý gì đến cảnh vật dàn trải trước mắt anh. Mặc dù được mời, anh cũng vẫn không ngồi xuống ghế. Khoẻ khoắn với cảm giác biết chắc là hai chân mình còn trẻ, còn mạnh, anh đứng dựa vai lên thành cửa sổ và nhìn lên tập giấy của anh đặt trên mặt bàn của Chelnov.

Chelnov ngồi xuống cái ghế có thành dựa cao, sửa lại chiếc khăn choàng lên vai, mở quyển sổ ghi đến trang chết, cầm cây bút chì lên và nghiêm trọng nhìn Sologdin. Giọng nói thân mật, nhẹ nhàng vừa qua đã hoàn toàn biến mất.

Sologdin có cảm tưởng như anh nghe thấy tiếng gió lộng trong phòng, như có những chiếc cánh lớn của một loài chim khổng lồ nào đó đang bay quanh anh. Giáo sư Chelnov chỉ nói trong có hai phút, nhưng những gì ông nói ra quan trọng và chính xác đến nỗi Sologdin phải nín thở để nghe. Chelnov đã làm cho Sologdin nhiều hơn điều mà Sologdin yêu cầu ông làm giùm. Không những ông chỉ kiểm soát phát minh của Sologdin mà thôi, ông còn dùng toán học giải quyết cho Sologdin những rắc rối mà anh mắc phải mất cả tháng trời mò mẫm cũng chưa chắc đã giải quyết được.

Nói xong, như quan tòa tuyên án, Chelnov gập quyển sổ lại và ngồi im lặng.

Sologdin nhắm mắt như ánh sáng vừa lóa lên làm anh bị mù, anh cũng đứng ngây ra đó, không sao nói được nên lời.

Từ những tiếng nói đầu tiên của ông già, Sologdin đã cảm thấy một làn sóng nước nóng chảy mạnh trong cơ thể anh. Giờ đây anh phải đưa hết sức nặng của thân thể anh lên thành cửa sổ để khỏi bay lên trần nhà vì sung sướng. Sologdin thành thật nghĩ rằng anh có thể bay vọt lên trần nhà nếu anh muốn.

Những ý nghĩ quay cuồng như bão tố trong óc Sologdin. Điều đáng kể là anh không nghĩ đến những gì chờ đợi anh với thành công khoa học này, anh nhớ lại cá nhân anh trước ngày anh bị tù. Trước kia anh là một con người như thế nào? Chắc chắn là trước kia anh không phải là một kỹ sư. Trước kia anh chỉ là một gã trẻ tuổi thích ăn diện, lo ăn diện hơn là làm việc, cho đàn bà là quan trọng hơn tất cả trên đời. Chính là vì đàn bà mà một kẻ ghen tuông với anh cho anh đi tù.

Rồi anh sống ở những nhà tù Butyrskaya, Presnya, Sevurallag, Ivdellag, Kargopollag…

Ngay cả vào tù, anh cũng vẫn chưa hết rắc rối với đàn bà. Sologdin nhớ đến cái tên cai tù Kamyshan chuyên đánh tù nhân bằng gậy vào mồm cho gãy răng – hôm nào gã đi ngựa đến trại giam, gã đánh tù bằng roi ngựa – một nữ y tá phốp pháp thương hại Sologdin và không chịu Kamyshan. Vì chuyện này Sologdin lãnh thêm án mười năm tù vì báo cáo của tình địch Kamyshan. Anh gần chết vì chuyện này nhưng anh vẫn không oán hận gì người nữ y tá đó hết.

Đó là lần Sologdin bị khiêng từ tòa án xuống thẳng nhà thương. Anh hấp hối. Thân thể anh từ chối ăn uống. Anh nằm như xác chết cho đến ngày người ta khiêng anh xuống nhà xác, ở đây người ta dùng búa bổ vỡ sọ anh trước khi đem đi chôn, nhưng trên đường đi, không biết vì sao anh lại cựa quậy và ú ớ nói được lên tiếng.

Và bây giờ anh ở đây, bây giờ anh sắp được ra khỏi đây. Nhờ phát minh này, anh sắp được trở lại với cuộc sống tự do. Đó là một giấc mơ không thể có thật. Ông già thông thái này vừa nói những lời ca tụng ai đó chứ không phải là nói với anh.

Chelnov gập tờ giấy của Sologdin lại làm bốn, rồi làm tám cho đến khi nó có thể nằm gọn trong lòng bàn tay:

“Chú vẫn còn nhiều việc phải làm lắm” – ông nói – “Nhưng tôi có thể nói chắc rằng kiểu mẫu này là kiểu mẫu tiện lợi nhất, tối tân nhất. Nó sẽ đem tự do lại cho chú. Án tù của chú có thể được xóa bỏ”.

Vì một nguyên nhân nào đó mà người trẻ tuổi kia không thể hiểu, khi nói đến câu này, ông già mỉm cười. Nụ cười của ông cũng sắc và thông minh như nét mặt của ông.

Chelnov cười vì mình chứ không cười vì Sologdin. Tuy ông từng thực hiện được nhiều việc quan trọng hơn việc của Sologdin, ông vẫn không bị đe dọa bởi chuyện được trả tự do hay không, được thủ tiêu án tù hay không. Bởi vì ông không có án tù. Lâu rồi ông đã công khai nói lên ý nghĩa của ông về Lãnh tụ Anh minh, vị Cha Hiền của Dân tộc, ông coi hắn là một con rắn độc và vì vậy, ông bị bắt đưa đi tù, không ra tòa, không có án, không hy vọng.

Sologdin mở cặp mắt xanh sáng rực, đừng thẳng người lên và nói một câu cứng ngắc như một kịch sĩ tập sự nói trên sân khấu:

“Vladimir Erastovich… ông giúp tôi rất nhiều. Ông đem lại cho tôi niềm tin và hy vọng. Tôi không biết dùng lời nào để cám ơn ông. Tôi chỉ có thể là tôi chịu ơn ông rất nặng”.

Đưa tờ giấy gấp nhỏ trả lại cho Sologdin, như chợt nhớ ra, ông già nói:

“Tôi phải xin lỗi chú. Chú có yêu cầu tôi là đừng cho Yakanov nhìn thấy đồ hình kiểu mẫu này, nhưng hôm qua hắn đến phòng tôi và hắn tình cờ mở xem đúng tờ giấy này. Chú hiểu cho … tôi chỉ có thể không tự ý đưa cho hắn xem nhưng tôi không thể ngăn được hắn xem giấy tờ trên bàn tôi. Hắn nhìn và hắn hiểu ngay đây là kiểu mẫu gì. Hắn hỏi và tôi phải nói đến chú”.

Nụ cười biến mất trên môi Sologdin. Ông già thấy người trẻ tuổi cau mặt lại. Ông ngạc nhiên:

“Chuyện hắn biết có gì quan trọng đâu? Trước sau gì chú cũng phải cho hắn biết…”

Sologdin cũng không biết rõ tại sao anh khó chịu. Anh nhìn xuống để tránh tia mắt soi mói của ông già:

“Tôi không biết phải nói sao… nhưng tôi chắc ông hiểu. Đây là một phát minh không có lợi cho tất cả mọi người. Tôi do dự nghĩ đến người đó dùng phát minh của tôi. Tôi không sáng tạo ra vật này với mục đích cho y dùng. Tôi chỉ làm để thử sức tôi, để chứng minh với tôi rằng tôi có thể làm được. Tôi làm cho tôi”.

Sologdin ngẩng mặt lên.

Chelnov hiểu hơn ai hết câu nói của người trẻ tuổi. Làm cho mình là biểu dương cao nhất của việc nghiên cứu, tìm kiếm.

Nhưng ông cũng thản nhiên nói:

“Tôi hiểu… Xong trong trường hợp của chú, tôi sợ chú không thể nào làm theo ý chú được”.

“Dạ…” Nụ cười sung sướng nở lại trên môi Sologdin – “Tôi xúc động nên tôi nói bậy. Xin ông đừng nghĩ ngợi gì. Tôi cám ơn, cám ơn…”

Anh kính cẩn nắm lấy bàn tay nhăn nheo, yếu xìu của ông già rồi cẩn thận bỏ tờ giấy vào túi, anh đi ra khỏi phòng.

Khi đi tới căn phòng này, anh là một người tương đối tự do, lòng anh đầy hy vọng, anh ra khỏi đây như một kẻ chiến thắng nhưng lệ thuộc quá nhiều điều kiện. Anh không còn làm chủ được ý muốn của anh, phát minh của anh.

Còn lại một mình trong phòng, ông già không dựa lưng lên ghế, ông ngồi thẳng người, hai mắt nhắm lại trong một lúc lâu.

— —— —— —— ——-

1 Decartes, triết gia kiêm toán học gia người Pháp, sinh năm 1596, mất năm 1650, nổi tiếng nhất thời Phục hưng (Renaissance, thế kỷ XIV-XV) – thời kỳ chuyển tiếp từ Trung cổ sang Cận đại và cũng là thời khoa học, nghệ thuật phát triển rực rỡ nhất ở Âu châu.

2 Nội dung bài thơ này có một ý nghĩa thời sự. Lev Rubin, tuy bị tù, nhưng vẫn là một người Cộng sản. Y muốn bào chữa cho Stalin, muốn chứng minh việc làm của Stalin là đúng. Y ngầm ví Stalin với Moses: cũng như Moses hướng dẫn dân Do Thái qua sa mạc khổ sở đến đất lành, Stalin hướng dẫn dân Nga đến hạnh phúc. Chỉ với một điểm thắc mắc rất khoa học về địa dư, Giáo sư Chelnov đánh đổ luận điệu này (người dịch).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN