Hoa Tulip Đen - Chương 10: Cornélius tính nợ với Gryphus
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


Hoa Tulip Đen


Chương 10: Cornélius tính nợ với Gryphus


Trong khi những sự việc trên diễn ra thì Van Baerle ở LÂwestein phải khốn khổ chịu đựng hình phạt của Gryphus, tên cai ngục đã biến thành đao phủ.

Không nhận được một tin tức nào của Rosa hay của Jacob, hắn tin chắc rằng mọi tai họa đổ xuống nhà hắn là do quỷ sứ gây nên mà Van Baerle là tên học trò của nó đứng ra thực hiện ở trên trần này.

Kết quả của sự suy nghĩ đó là vào một buổi sáng nọ, ngày thứ ba Rosa và Jacob biệt tăm, hắn xăm xăm bước vào buồng giam tức giận hơn lúc nào hết.

Tiến lại gần người tù trẻ tuổi, hắn nói:

– Mày có biết tao đã giết hơn năm chục con gà trống chân đen bằng con dao này rồi không?

Tao sẽ giết mày, đồ quỷ sứ ạ, tao sẽ giết mày như tao đã giết chúng, chờ đấy, mày hãy chờ đấy..Cornélius mắng lại:

– Đồ vô lại, mày định giết tao thật ư?

– Tao muốn phanh ngực mày ra xem mày giấu con tao ở chỗ nào?

Trong cơn hoảng loạn, Gryphus sấn sổ vào đâm Cornélius, anh chỉ còn kịp nhảy ra sau chiếc bàn tránh cái đâm đầu tiên.

Gryphus vừa chửi vừa giơ dao dọa nạt.

Cornélius không để mất thời cơ, tóm được cổ tay cầm dao của hắn, bẻ quặt lại sau, Gryphus ngã nhào xuống đất. Chàng trai giận ngay chân mình lên người hắn.

Gryphus tỏ vẻ còn muốn chống cự, Cornélius tức thì ra tay.

Anh nện tên cai ngục vô hồi kỳ trận, hắn buộc phải xin tha, tiếng kêu dữ dội của hắn làm náo động cả nhà giam. Hai người chuyên giữ chìa khóa các buồng giam, một viên thanh tra và bốn lính gác cùng một lúc xuất hiện ở ngưỡng cửa.

Nhìn thấy tất những người làm chứng đó, Cornélius biết mình đã thất bại. Thật vậy, tất cả những cái bề ngoài chống lại anh.

Biên bản được lập ngay tại chỗ, ghi rõ tất cả những đòn đánh đập ông cai tù, hắn ta yêu cầu các từ dùng trong biên bản phải thật mạnh mẽ, cay độc.

Trong lúc lập biên bản, bốn người lính gác khóa giữ Cornélius tỏ lòng nhân hậu bảo cho anh biết kỷ luật ở LÂwestein.

Họ kể cho anh biết kỷ luật này đã được áp dụng như thế nào vào năm 1668, nghĩa là năm năm trước đây đối với một người tù tên là Mathias đã có hành động chống đối còn nhẹ hơn nhiều so với hành động vừa rồi của Cornélius. Chuyện kể chưa xong đã nghe có tiếng chân đi lên cầu thang.

Những người lính gác đứng tránh ra cho một viên sĩ quan đi.

Người này bước vào phòng giam của Cornélius trong lúc viên thơ lại ở LÂwestein còn đang lập biên bản.

– Có phải đây là buồng giam số 11 không? -Viên sĩ quan hỏi.

– Báo cáo đại úy, đúng buồng số 11! – Một hạ sĩ quan trả lời.

– Có phải là buồng giam phạm nhân Cornélius Van Baerle không?

– Thưa ông, tôi là Cornélius Van Baerle đây ạ!

– Cornélius mặc dầu can đảm vẫn tái mặt, đáp.

Lần này viên sĩ quan hỏi trực tiếp người tù:

– Anh là Cornélius Van Baerle?

– Thưa vâng..- Vậy theo tôi.

– ạ! ạ! – Cornélius kêu lên, tim thắt lại vì lo sợ trước cái chết đang đến.

Tuy nhiên anh vẫn ngẩng cao đầu đi theo viên sĩ quan, anh hỏi:

– Xin ông cho biết, ông dẫn tôi đi đâu?

Viên sĩ quan chỉ cho anh thấy chiếc xe bốn ngựa kéo, gợi anh nhớ tới chiếc xe như vậy, trong một tình huống tương tự anh thấy ở Buytenhof.

– Lên xe! – Viên sĩ quan nói gọn lỏn.

Rosa chưa nhận được một tin tức nào của ông stathouder trước cái đêm cô được gặp ông.

Vào buổi tối, một sĩ quan thừa lệnh Hoàng thân đến nhà ông Van Systens, mời Rosa lên tòa thị chính.

Cô được dẫn vào một phòng họp rộng lớn, nơi Hoàng thân đang ngồi viết.

Ông ngồi một mình, một con chó săn to lớn, giống chó tỉnh Frise, nằm dưới chân ông.

Mắt không nhìn lên, ông nói:

– Cô lại đây.

Rosa đi vài bước tới bàn.

– Con chào Hoàng thân. – Cô dừng bước nói.

– Chào cháu, cháu ngồi xuống. – ông nói.

Trong khi đó, con chó nhỏm dậy, tiến lại trước Rosa, nhìn cô rồi vẫy đuôi xoắn xít.

Guillaume nói với con chó:

– Mày biết rõ là người nhà mà. Mày nhận ra mà.

Rồi ông quay về phía Rosa, nhìn cô chăm chú như dò hỏi, mắt đượm buồn:

– Cha cháu ở LÂwestein phải không?

– Bẩm vâng.

– Cháu không yêu cha cháu sao?

– Vâng, hay ít ra, thưa Hoàng thân, cháu không yêu cha cháu như bổn phận người con phải làm đối với người cha.

– Con không yêu cha là không tốt, nhưng cháu không giấu giếm Hoàng thân là điều hay.

Hoàng thân cúi đầu nhìn xuống.

– Vì lý do gì cháu không yêu cha cháu?

– Cha cháu độc ác lắm.

– Độc ác như thế nào?

– ông hay ngược đãi tù nhân.

– Cháu không trách ông ngược đãi đặc biệt một người nào hay sao?

– Đặc biệt là anh Van Baerle.

– Là người đồng lõa với cháu?

Rosa lùi lại một bước..- Là người cháu yêu, thưa Hoàng thân. – Cô tự hào đáp.

– Nhưng yêu một người mà số phận phải sống và chết trong tù thì ích gì cho cháu?

– Kính thưa Hoàng thân, nếu anh ấy phải sống và chết trong tù thì cháu vẫn yêu và sẽ giúp anh ấy sống được và chết được trong tù.

– Như vậy là cháu đồng ý lấy một người tù?

– Được lấy anh ấy, cháu vô cùng tự hào và sung sướng nhất, nhưng…

Rosa mỉm cười, xoắn tay.

– Cháu hy vọng ở ta. – Hoàng thân nói.

– Vâng ạ, thưa Hoàng thân.

– Hừ!

Hoàng thân gắn xi bức thư mới viết và gọi một sĩ quan đến.

– ông Van Deken, ông hãy mang lệnh này đến LÂwestein; ông sẽ biết lệnh nào tôi ra cho ông tỉnh trưởng, lệnh nào thuộc phần ông, ông thi hành ngay.

Người sĩ quan cúi chào; một lúc sau người ta nghe thấy tiếng vó ngựa âm vang dưới mái nhà.

– Này cháu gái, – Hoàng thân nói tiếp. – chủ nhật là ngày hội hoa tuylíp, mà chủ nhật là ngày kia đấy. Cháu hãy ăn mặc đẹp vào. Ta cho cháu năm trăm florins để sắm sửa vì ta muốn đêm đó phải là đêm hội lớn của cháu.

– Thưa Hoàng thân, ông muốn cháu ăn mặc đẹp như thế nào? – Rosa đỏ mặt nói lí nhí.

– Cháu hãy mặc áo cô dâu kiểu các cô gái Frise, trông cháu sẽ rất xinh. – Guillaume nói.

Vào cái giờ phút trang trọng, vang dậy những tiếng hoan hô vị hoàng tử, có một chiếc xe chạy bên lề rừng; xe chạy chậm vì vướng trẻ con theo người lớn hoan hỉ dồn cả ra đường. Chiếc xe đó, bụi bám đầy, như đã mệt nhọc vì đường xa, là xe chở Van Baerle.

Đám đông dân chúng, tiếng động cùng những cái lộng lẫy huy hoàng óng ánh như có một tia chớp lọt vào chiếc xe làm lóe mắt người tù.

Mặc dầu người sĩ quan áp tải ít hào hứng trả lời, Baerle vẫn thử hỏi xem vì sao có nhiều tiếng ồn ào mà anh phải coi, hay có thể coi như hoàn toàn xa lạ đối với anh.

– Cái gì thế, thưa ông đại tá? – Anh hỏi.

– à, đó là ngày hội. – ông đại tá trả lời.

– à! Ngày hội. – Cornélius nói bằng một giọng dửng dưng nghe đến thảm của một người mà từ lâu không một thứ vui nào trên đời này còn thuộc về mình nữa..Một lúc yên lặng và trong khi chiếc xe tiếp tục chạy, anh hỏi:

– Thưa ông, có phải là ngày chợ hoa ở Harlem không ạ, vì tôi thấy có rất nhiều hoa.

– Đúng, là ngày chợ hoa ở Harlem.

– ôi! Hương mới thơm làm sao. ôi! Những màu sắc mới đẹp làm sao! – Anh thốt kêu lên.

– Này bác đánh xe, hãy dừng cái đã, cho ông này xem một tí. – Viên sĩ quan nói giọng thương tình nhẹ nhàng thường chỉ thấy ở những con nhà lính.

– ôi! Cám ơn ông! – Van Baerle buồn rầu đáp.

– Nhưng thôi xin ông thứ cho thú vui đó. Vì cái vui của người khác là nỗi buồn của tôi, mong ông hiểu cho.

– Được, bác đánh xe, tiếp tục đi thôi. Tôi bảo dừng xe vì thấy anh có vẻ yêu hoa, nhất là đối với thứ hoa hôm nay người ta mở hội tôn vinh.

– Hoa nào đó, thưa ông?

– Hoa tuylíp.

– Hoa tuylíp! – Van Baerle reo lên. – Hôm nay là ngày hội hoa tuylíp, thưa ông?

– Đúng thế, nhưng anh không thích thì thôi ta đi.

Cornélius ngăn ông lại, một ý nghĩ thoáng qua đầu anh.

– Thưa ông, có phải hôm nay người ta trao giải thưởng. – Anh hỏi, giọng run run.

– Phải, giải thưởng trao cho bông hoa tuylíp màu đen. – Người sĩ quan đáp.

Má Cornélius nóng bừng, sống lưng anh ớn lạnh, mồ hôi vã trên trán.

Nhưng nghĩ rằng thiếu anh và hoa tuylíp anh sáng tạo, hội chợ hoa sẽ phải hẫng do không có người và hoa để tôn vinh, anh than thở:

– Chao ôi! Tất cả bà con đi dự hội hoa kia không mấy gặp may vì họ sẽ thấy hội hoa không được trang trọng như họ được mời đến, hay ít ra họ sẽ thấy nó còn có phần chưa hoàn hảo.

– Anh nói thế là thế nào?

Cornélius ngả người ra sau thành xe nói:

– Tôi muốn nói trừ một người tôi biết, chưa có ai tìm ra được hoa tuylíp màu đen.

Viên sĩ quan trả lời:

– Thế thì người anh biết, đã tìm thấy rồi đấy, vì tất cả bà con thành phố Harlem đến đây lúc này là để xem bông hoa có màu đen mà chưa ai tìm thấy.

– Hoa tuylíp đen! – Van Baerle thò đầu ra ngoài cửa xe kêu lên. – Nó ở đâu? Nó ở đâu?

– Kia, trên giá cao kia, anh thấy không?

– Tôi thấy..- Thôi, thế thôi, ta đi thôi.

– Thưa ông, xin ông gia ơn, ông đừng cho xe đi vội, ông cho tôi nhìn thêm chút nữa! Thế nào, bông hoa tôi nhìn thấy kia là bông hoa tuylíp đen, đen tuyền… Được sao? ôi! Thưa ông, ông đã thấy nó chưa? Nó hẳn phải có màu khác pha lẫn, nó không hoàn toàn đen, có lẽ nó bị nhuộm đen đấy thôi! ôi! Nếu tôi có đấy, tôi sẽ phân biệt được rõ ràng; thưa ông, ông hãy cho phép tôi xuống, cho tôi đến gần, tôi xin ông, tôi van ông.

– Anh điên hay sao đấy, tôi cho phép được ư?

– Tôi xin lạy ông!

– Anh quên anh bị tù à?

– Đúng, tôi là một người tù nhưng tôi cũng là người biết trọng danh dự. Tôi xin thề với ông, tôi không chạy trốn. Tôi không tìm cách chạy trốn đâu. Xin ông cho phép tôi lại gần nhìn hoa!

– Thế tôi không phải thi hành lệnh à?

Một lần nữa người sĩ quan định ra lệnh cho người đánh xe cho ngựa chạy.

Cornélius van xin ông lần nữa.

– ôi! Xin ông hãy yên tâm, xin ông hãy rộng lượng, cả cuộc đời tôi lúc này dựa vào lòng trắc ẩn của ông. Trời ơi! Thưa ông, cuộc đời của tôi chắc hẳn không còn dài nữa. ôi! ông không biết tôi đau khổ vì đâu; ông không biết điều gì vật lộn trong đầu tôi, trong trái tim tôi đâu; vì sau rốt, – Cornélius nói tiếp một cách tuyệt vọng, – bông hoa tuylíp của tôi có phải là bông hoa Rosa bị đánh cắp đấy không?

Xin ông hiểu cho rằng đó là một bông hoa hoàn hảo, nó là một kiệt tác vừa của nghệ thuật vừa của tạo hóa; khi nghĩ rằng nó bị mất, tôi bị mất nó vĩnh viễn, tôi phát điên lên. Tôi phải xuống, thưa ông, tôi phải xuống, tôi phải được nhìn nó, thấy nó tận mắt, sau đó ông có giết tôi, tôi xin vui lòng, nhưng tôi phải nhìn nó, tôi phải trông thấy nó.

– Anh có im ngay không, thụt ngay đầu vào trong đi, đoàn cận vệ của Hoàng thân stathouder ngang qua xe ta đây này; nếu Hoàng thân thấy có gì khả nghi là thôi đừng nói gì nữa, anh và tôi đi đứt.

Van Baerle lo thay cho ông sĩ quan hơn là lo cho bản thân mình, liền thụt vào trong nhưng không ngồi yên được nửa phút; hai chục kỵ mã đầu tiên vừa vượt khỏi xe anh, anh đã thò đầu ra cửa xe, vừa giơ tay ra hiệu, vừa van xin stathouder lúc xe ông đi tới. Guillaume bình thản và giản dị, như thường lệ đến quảng trường để làm nhiệm vụ của người đứng đầu quốc gia. ông cầm trong tay một ống cuộn giấy vê-lanh trắng, nó trở thành cái gậy chỉ huy của ông trong đêm hội lớn này..Nhìn thấy có người khua tay, cầu xin và có lẽ cũng nhìn thấy người sĩ quan đi theo áp tải, ông Hoàng stathouder lệnh cho xe dừng lại.

Ngay lúc đó, có tiếng ngựa hí hãm đứng ngay sau xe chở Baerle.

– Cái gì thế? – ông Hoàng hỏi viên sĩ quan được lệnh của stathouder vội nhảy xuống xe chạy đến kính cẩn báo cáo:

– Bẩm Hoàng thân, đó là người tù Nhà nước, tôi đến tìm ở LÂwestein và dẫn về đây theo lệnh của Hoàng thân.

– Hắn muốn gì?

– Hắn xin cho được dừng chân một lúc ở đây.

Van Baerle chắp tay nói vọng ra:

– Con xin được xem hoa tuylíp đen; một khi con được thấy nó rồi, một khi con đã được biết điều con cần biết, thì dầu phải chết con cũng xin chết, nhưng trước khi chết con sẽ ca ngợi Hoàng thân đã giúp cho công trình của con được thành đạt và quang vinh.

Thật là một cảnh tượng kỳ lạ: hai người, mỗi người đứng ở cửa xe của mình, chung quanh là lính gác, một người đầy quyền lực, một người khốn khổ; một người sắp lên ngôi vua, một người tưởng mình sắp lên đoạn đầu đài.

Guillaume lạnh lùng nhìn người trai trẻ và đã nghe thấy lời thỉnh cầu thiết tha của anh ta.

Ông hỏi người sĩ quan:

– Có phải đây là tên tù nổi loạn định giết người cai ngục ở LÂwestein không?

Cornélius cúi đầu thở dài, nét mặt dịu dàng và chân thật của anh cùng một lúc ửng đỏ rồi tái mét.

Những lời nói của Hoàng thân – cái tế nhị của một bộ óc do đã được một thông tin nào đó bí hiểm mà không một người nào khác có được mách bảo, đã biết tội ác của anh – những lời nói của Hoàng thân đã báo trước cho anh biết không những một hình phạt chắc chắn mà còn là sự từ chối thẳng thừng.

Anh không tìm cách đấu tranh, anh không tìm cách tự bảo vệ; anh chỉ làm cho Hoàng thân thấy được một cảnh tuyệt vọng đau lòng, rất dễ hiểu và cảm động.

– Cho tù nhân xuống! – Ngài stathouder nói. -Cho hắn ít ra một lần được xem hoa tuylíp đen rất đáng xem của hắn.

– ôi! – Cornélius kêu lên, gần như ngất xỉu vì vui mừng và anh lảo đảo đứng trên bậc lên xuống của xe. – ôi! Thế kia ạ, thưa Hoàng thân..Anh trượt chân, không có người sĩ quan đỡ có lẽ anh đã quỳ, đầu rạp xuống đất để cám ơn vị Hoàng tử.

Truyền lệnh xong, ông Hoàng tiếp tục cuộc hành trình giữa những tiếng hoan hô dậy trời của quần chúng.

Một lúc sau, ông bước lên bục cao.

Súng thần công nổ ở phía chân trời.

Đoạn kết

Van Baerle cùng bốn người lính gác đi kèm tiến về phía bông hoa tuylíp đen. Từ xa, anh đã nhìn thấy nó.

Sau cùng, anh thấy nó tận mắt, bông hoa duy nhất màu đen, nhờ vào sự kết hợp tỉ mỉ giữa cái nóng và cái lạnh, giữa ánh sáng và bóng tối của một ngày nó đã nở để rồi theo số phận, nó sẽ vĩnh viễn mất đi. Anh đứng cách xa nó sáu bước. Anh thưởng thức sự hoàn hảo, cái nõn nà của nó. Các cô gái họp thành một hàng rào danh dự đứng sau bà hoàng hoa trong trắng và quý phái đó. Tuy nhiên, mắt anh càng tin tưởng vào sự hoàn thiện của nó thì tim anh càng nhói đau. Anh nhìn quanh xem có ai quen để hỏi một câu, chỉ một câu thôi.

Nhưng quanh anh chỉ toàn những bộ mặt xa lạ, mọi con mắt đều đổ dồn về ông Hoàng stathouder vừa bước lên chiếc ngai dành cho ông.

Guillaume đứng lên, lặng lẽ nhìn đám đông đang vui sướng cuồng nhiệt và con mắt sắc sảo của ông lần lượt dừng lại một lúc khá lâu và ba nhân.vật của một tấn kịch đang âm ỉ nhưng cũng sắp đến hồi kết thúc.

ở một góc tam giác hợp bởi ba nhân vật đứng gần đó là Boxtel đang nóng lòng chờ đợi phần kết, tâm trí dồn vào lúc ông Hoàng, lúc tiền thưởng, lúc hoa tuylíp đen, lúc hội đồng trao giải.

ở góc khác là Cornélius đang tức thở, câm lặng.

Toàn bộ nhịp thở, trái tim, tình yêu lúc này Cornélius dành cho bông hoa tuylíp đen duy nhất, đứa con tinh thần, đứa con sáng tạo của anh.

ở góc thứ ba đứng trên bậc các cô gái đồng trinh của thành phố Harlem là một cô gái quê tỉnh Frise, mặc áo len sợi mềm màu đỏ thêu kim tuyến bạc, đầu đội mũ vàng kết nhiều dải đăng-ten dài cùng với mái tóc vàng chảy xuống đôi vai: đó là Rosa mệt mỏi, nước mắt đầm đìa, dựa vào một quan hầu cận của ông Hoàng Guillaume.

Ông Hoàng thấy mọi người đã yên chỗ liền rút ra cuộn giấy vê-lanh trắng và bằng một giọng bình tĩnh, rõ ràng, hơi yếu nhưng không mất một âm tiết nhỏ nhờ vào sự yên lặng thần kỳ của năm mươi nghìn khán giả nhiệt tình, ông tuyên bố:

– Các ông biết mục đích các ông đến đây. Một giải thưởng một trăm nghìn florins sẽ được trao cho người tìm được giống hoa tuylíp đen. Hoa tuylíp đen, một kỳ quan của đất nước Hà Lan là đây, bày ra trước mắt các ông; hoa tuylíp đen đã được tìm ra theo những điều kiện bắt buộc của chương trình do Hội làm vườn Harlem lịch sử khai sinh ra nó và tên của người tạo ra nó sẽ được ghi trong sách vàng của thành phố. Hãy cho người là chủ bông hoa lại gần đây!

Khi nói những lời trên, ông đưa con mắt sắc sảo của mình nhìn ba người đứng ba bên kể trên để xem ảnh hưởng thế nào của lời nói đối với từng người này.

Ông thấy Boxtel nhảy khỏi bậc đứng.

Ông thấy Cornélius giật mình.

Sau cùng, ông thấy viên sĩ quan chịu trách nhiệm trông nom Rosa dẫn cô đi, đúng hơn, khẽ đẩy cô đến trước ngai vàng.

Hai tiếng kêu cùng vang lên một lúc bên phải và bên trái ông Hoàng.

Boxtel sửng sốt, Cornélius bàng hoàng, cả hai đều kêu lên:

– Rosa! Rosa!

– Thật sự bông hoa này thuộc về chị phải không? – ông Hoàng hỏi.

– Thưa vâng ạ. – Rosa lắp bắp nói, một số người xuýt xoa chào mừng nàng..- ôi! – Cornélius nói khẽ. – Thế ra cô này nói láo bị mất trộm hoa. à ra vì thế mà cô ta trốn khỏi LÂwestein. Mình bị lừa, bị phản bội, thế mà trước đây mình tưởng đó là một người bạn tốt.

– ôi! – Boxtel than thở. – Mình mất toàn bộ cơ đồ rồi.

– Bông hoa tuylíp này, – ông Hoàng nói tiếp.

– sẽ mang tên người tạo ra nó; nó sẽ được ghi vào ca-ta-lô các loại hoa với cái tên Tulipe nigra Rosa Barlaensis gồm tên của người tạo ra nó là Van Baerle và tên của cô gái này sẽ lấy anh làm chồng.

Cùng lúc ấy, Guillaume cầm tay Rosa đặt vào tay một người đàn ông vừa chạy bổ lên chân ngai, mặt tái nhợt, chân tay luống cuống: anh cúi lạy Hoàng thân, mừng rỡ trước người yêu và ngước nhìn trời như cám ơn Thượng đế có lẽ đang mỉm cười với họ. Cũng cùng lúc ấy có một người choáng váng, ngã vật xuống chân ông chủ tịch Van Systens.

Boxtel thấy cơ đồ của mình sụp đổ vừa ngất xỉu.

Người ta nâng hắn dậy, bắt mạch, nghe nhịp tim. Nhưng hắn đã chết.

Việc xảy ra bỗng nhiên đó không hề cản trở đám hội, chứng cớ là ông chủ tịch cũng như ông Hoàng không chú ý đến sự việc ấy lắm.

Riêng Cornélius lùi lại, hoảng hốt vì anh đã nhận ra tên ăn trộm, trong cái tên Jacob giả danh, chính là Isaac Boxtel, người láng giềng mà do tính bản thiện anh không lúc nào ngờ có thể có những hành động tai quái đến thế.

Dù sao, Boxtel cũng được hạnh phúc vì Thượng đế đã cho hắn đột tử rất đúng lúc vì bệnh tràn máu cơ tim nếu không hắn đã phải sống cuộc sống tủi nhục.

Đám rước tiếp tục giữa những tiếng kèn đồng vang dội, nghi lễ không có gì thay đổi. Cornélius và Rosa thắng lợi, vui mừng nắm tay đi bên nhau.

Trở về tòa thị chính, ông Hoàng chỉ cho Cornélius số tiền một trăm nghìn florins vàng, nói:

– Người ta không rõ lắm số tiền này do anh hay chị kiếm được vì anh là người tìm ra hoa tuylíp đen và chị là người chăm sóc và làm hoa nở.

Cornélius chờ xem ông Hoàng định nói tiếp đến đâu.

Ông nói tiếp:

– Tôi trao cho Rosa một trăm nghìn florins là tiền chị kiếm được một cách xứng đáng và chị có thể biếu lại anh; đó là bằng chứng cho tình yêu của chị, của sự can đảm và sự thành thật của chị. Về phần anh, nhờ Rosa đưa ra chứng cớ anh vô tội, -nói đến đây, ông Hoàng chìa ra cho Cornélius bức.thư của Corneille de Witt viết trên trang sách Thánh xé ra và dùng để gói củ giống thứ ba. Nhờ Rosa, người ta nhận thấy anh bị bắt oan về một tội ác mà anh không hề phạm phải. Nói thế nghĩa là anh không những được tự do mà những của cải của anh đều không bị tịch thu vì anh vô tội. Anh Van Baerle, anh là con đỡ đầu của ông Corneille de Witt và là người thân tình của ông Jean. Anh hãy sống xứng đáng với người đã cho anh mang tên trong buổi lễ rửa tội, và xứng đáng với người đã tỏ tình thân đối với anh. Anh hãy giữ lấy truyền thống vẻ vang của họ vì hai ông De Witt bị xử tội oan, bị nhận hình phạt nhầm trong một lúc sai lầm của quần chúng, hai ông là hai công dân vĩ đại mà ngày nay đất nước Hà Lan phải lấy làm tự hào.

Sau hai từ vừa rồi Hoàng tử nói với một giọng cảm động khác với thói quen của ông, ông đưa tay cho hai vợ chồng quỳ dưới chân hôn.

Ông thở dài nói tiếp:

– Chao ôi! Anh chị thật hạnh phúc; có lẽ anh chị là người mơ ước một nước Hà Lan được vinh quang thực sự, nhất là được hạnh phúc thực sự, thì anh chị hãy chỉ nên suy nghĩ làm sao chinh phục được những màu sắc mới cho hoa tuylíp Hà Lan, làm sao cho chúng trở thành những bông hoa luôn muôn hương, muôn sắc, muôn màu.

Nhìn về phía nước Pháp, ông như thấy ở đấy có những đám mây mới cuộn lên. ông bước lên xe, rời thành phố.

Cũng ngày hôm đó, Cornélius đi Dordrecht cùng với Rosa, trước đó cô đã cho người báo với cha mình tất cả những gì đã xảy ra.

Những ai biết tính nết lão già Gryphus trong chuyện chúng tôi kể trên sẽ hiểu lão khó lòng hòa thuận được với con rể. Lão nhớ trong lòng những cú gậy bị đánh, lão đếm cụ thể trên lưng những vết sẹo được ghi, lão nói, có đến bốn mươi mốt vết.

Nhưng sau cùng lão cũng đành thôi, chả nhẽ không rộng lượng bằng Hoàng thân stathouder hay sao, lão bảo thế.

Bây giờ lão làm người bảo vệ hoa tuylíp. Sau khi làm tay canh gác tù, lão trở thành người trông nom hoa tích cực nhất ở các xứ Flandres bắc châu Âu. Phải thấy lão đề phòng các con bướm nguy hiểm cho hoa, giết những con chuột nhắt rừng và các con ong háu đói ta mới thấy rõ điều đó.

Lão biết chuyện về Boxtel, lão bực mình vì bị tên Jacob giả đánh lừa, nên chính lão là người dỡ bỏ đài quan sát của Boxtel đặt trên cây thích trắng; chả là hàng rào của nhà Boxtel được bán đấu giá nay nằm gọn thon lỏn trong vườn ươm của Cornélius đã được mở rộng, bất chấp mọi ống nhòm.ở Dordrecht tài thánh cũng chịu không nhòm ngó được.

Rosa càng ngày càng trở nên xinh đẹp, thông thái; sau hai năm lấy chồng, cô biết đọc biết viết thành thạo nên đủ sức dạy bảo hai con được sinh vào tháng năm 1674 và 1675; chúng hay ăn chóng lớn, khỏe khoắn chẳng khác gì những bông hoa tuylíp nhưng không gây vất vả cho cô như hồi nào cô chăm nom khổ sở cây hoa tuylíp đen, tuy nhiên nó lại là đầu câu chuyện hạnh phúc của vợ chồng cô.

Cần phải nói thêm rằng hai con của họ một trai, một gái, đứa trai được đặt tên là Cornélius, đứa gái là Rosa.

Van Baerle trung thành với Rosa chẳng khác gì với những bông hoa tuylíp; cả đời anh dành cho hạnh phúc gia đình và việc trồng hoa; nhờ kiên trì anh tìm ra được nhiều giống hoa mới, được ghi vào ca-ta-lô của nước Hà Lan.

Trang trí chính trong phòng khách nhà anh là hai tờ sách Kinh Thánh của Corneille de Witt được lồng trong hai khung lớn giát vàng. Trên một tờ, chúng ta hãy nhớ lại, cha đỡ đầu viết cho anh bảo rằng hãy đốt ngay đi những thư từ quan hệ với hầu tước De Louvois. Trên tờ kia chính tay anh viết nhượng cho Rosa củ giống hoa tuylíp đen với điều kiện cô phải dùng một trăm nghìn florins tiền thưởng làm của hồi môn khi lấy người chồng hai mươi sáu đến hai mươi tám tuổi, yêu cô và cô yêu; điều kiện đã được thực hiện một cách nghiêm túc.

Sau cùng, để chống lại những kẻ gian dối ghen ăn sau này, anh viết lên cửa nhà anh câu thơ của Grotius khi chạy trốn ông ghi lên tường nhà tù:

“Người ta đôi khi sống cũng khá ê chề nên họ có quyền không bao giờ nói: Tôi sung sướng quá.”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN