Bá Tước Môngtơ Crixtô - Chương 6: Tu sĩ Faria
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Bá Tước Môngtơ Crixtô


Chương 6: Tu sĩ Faria


Suốt ngày Dantès đi lại trong hầm, trái tim rạo rực niềm vui. Anh đâm bổ ra phía cửa mỗi khi có tiếng động dù là nhỏ nhất ngoài hành lang. Đêm đến Dantès cho rằng ông láng giềng sẽ lợi dụng đêm tối và sự yên tĩnh để nối lại cuộc trò chuyện với anh, nhưng anh lầm; đêm trôi đi mà không hề có lấy một tiếng động nào đáp lại sự chờ mong thấp thỏm bồn chồn của anh.

Nhưng hôm sau, khi người gác ngục đi khỏi, lúc anh vừa mới kéo cái giường ra xa bức tường thì anh nghe thấy ba tiếng gõ cách đều nhau; anh lao mình đến quỳ xuống.

– ông đấy à! Anh nói. Tôi đây mà.

Ngay lúc ấy đám đất mà Dantès tỳ tay lên hình như bị lún vào, anh nhảy lùi lại trong khi một khối đất đá rã ra đổ ụp xuống, một cái hang lộ ra ngay dưới miệng lỗ hổng mà anh đã khoét.ra hôm trước. Thế rồi ở cuối cái hang tối tăm mà anh không ước lượng được chiều sâu ấy xuất hiện một cái đầu, hai vai và cuối cùng từ cái lỗ mới đào một người đàn ông chui ra khá nhanh nhẹn.

Đó là một người vóc dáng nhỏ, tóc bạc trắng vì đau khổ hơn là vì tuổi tác, đôi mắt sắc ẩn dưới cặp mày rậm màu muối tiêu, bộ râu còn đen rủ xuống tận ngực; gương mặt hốc hác hằn sâu những nếp nhăn; nét rắn rỏi của vẻ mặt thể hiện một con người quen sử dụng những năng lực tinh thần của mình hơn là sức mạnh thể chất.

Trán người mới đến đẫm mồ hôi.

Còn về quần áo thì không thể nào phân định được hình dạng ban đầu của chúng vì đã rách tả tơi. Trông ông ít nhất độ sáu mươi tuổi tuy nét rắn rỏi trong các động tác nói lên rằng có lẽ ông ít tuổi hơn, vẻ già nua là do bị giam hãm lâu ngày.

– Nào, trước hết, ông nói, ta phải tìm cách xóa sạch các dấu vết để bọn gác ngục không phát hiện được có tôi sang đây. Chúng không hay biết đã xảy ra chuyện gì thì chúng ta mới yên ổn về sau.

Thế rồi ông cúi xuống miệng hang bê hòn đá, dù nó nặng ông vẫn nâng lên dễ dàng và đặt vào trong cái hốc.

– Hòn đá này bị moi ra quá cẩu thả, ông lắc đầu và nói: ông không có dụng cụ gì à?

– Thế ông thì có sao? – Dantès hỏi đầy kinh ngạc.

– Tôi tự tạo ra vài thứ. Trừ cái giũa ra, tôi có tất cả các thứ mà tôi cần: cái đục, cái kẹp, cái đòn bẩy.

– ồ! Tôi tò mò muốn nhìn thấy những sản phẩm của lòng kiên nhẫn và của tài nghệ của ông. – Dantès nói.

– Này, trước hết đây là một cái đục. Và ông ta đưa cho anh một thanh sắt mỏng và cứng có đầu nhọn được tra cán vào một mẩu gỗ sồi.

– ông làm ra chúng bằng cái gì? – Dantès hỏi.

– Bằng cái cọc giường. Tôi đã đào cả con đường dẫn tôi tới đây bằng cái công cụ ấy, gần năm mươi bộ đấy.

– Năm mươi piê cơ à ? – Dantès kêu lên như thể khiếp sợ.

– Phải, đó là xấp xỉ khoảng cách giữa phòng tôi với phòng anh: chỉ có điều tôi tính nhầm cái đường cong vì không có dụng cụ hình học để lập thang tỷ lệ, như tôi đã nói, tôi cứ tưởng tôi đào đến tường ngoài, khoét thủng tường rồi lao mình xuống biển. Tôi lại đào dọc hành lang đi ngang qua phòng anh, đáng lẽ phải đào xuyên qua bên dưới hành lang ấy; toàn bộ công trình của tôi thế là vứt đi, vì cái hành lang này dẫn tới sân đầy lính gác. Anh thấy đấy, rõ rằng là không thể nào tẩu thoát được qua hầm của anh.

Và một vẻ nhẫn nhục tột bực toát ra trên nét mặt cụ già.

Dantès nhìn người đàn ông, một con người từ bỏ niềm hy vọng được nuôi dưỡng lâu đến thế với một thái độ triết gia đến vậy, anh cảm thấy kinh ngạc pha lẫn với ngưỡng mộ.

– Bây giờ xin ông cho biết ông là ai?

– Tôi là tu sĩ Faria, ông nói, bị tù từ năm 1811, ở pháo đài If như anh biết đấy.

– Nhưng vì sao ông bị giam?

– Tôi ư? Vì tôi truyền bá những tư tưởng về vương quyền thống nhất ở Italie và điều đó gây mếch lòng.

Rồi ông già cúi đầu. Dantès không hiểu sao mà một con người lại có thể liều mạng mình cho những lợi ích như vậy. Anh ngồi yên nín lặng một lúc.

– Như vậy là ông từ bỏ việc vượt ngục?

Dantès bảo ông.

– Tôi thấy việc vượt ngục là không thể được, đó là nổi dậy chống lại Chúa khi mưu toan điều mà Chúa không muốn được thực hiện.

– Tại sao ông nản lòng? Mong muốn thành công ngay lần đầu là đòi hỏi quá nhiều ở Thượng đế. ông có thể lại khởi công một lần nữa theo hướng khác với đường hầm mà ông đã đào này không?

– Nhưng anh có biết tôi đã làm những gì không mà nói lại khởi công một lần nữa. Anh có biết rằng tôi phải bỏ ra bốn năm trời để tạo ra những dụng cụ mà tôi có đây không? Anh có biết rằng từ hai năm nay tôi bới tôi đào một thứ đất cứng như là đá không? Anh có biết rằng tôi buộc phải đào long chân những hòn đá mà trước kia tôi không tin rằng có thể lay được nó, rằng biết bao nhiêu ngày ròng đã trôi đi trong công cuộc lao động nặng nhọc và khổng lồ này và đôi khi chiều đến tôi mừng rỡ vì đã cậy ra được một phân vuông các thứ xi măng lâu đời đã rắn lại như đá ấy?

– Đúng là ông đã chứng tỏ một lòng kiên nhẫn đến cực độ, Dantès nói trong tiếng thở dài; công trình lao động lâu dài này đã cuốn hút ông trong mọi lúc và khi không có lao động để cho khuây khỏa thì ông còn có niềm hy vọng để được an ủi..- Với lại, tu sĩ nói, tôi không chỉ quan tâm đến việc ấy.

– Vậy ông làm gì?

– Tôi viết hay tôi nghiên cứu.

– Người ta cho ông cả giấy, bút và mực?

– Không, tu sĩ nói, nhưng tôi tự tạo ra cả.

Khi nào anh sang bên tôi, tôi sẽ cho anh xem một công trình hoàn chỉnh, là kết quả của những tư tưởng, những nghiên cứu vì những suy nghĩ suốt đời tôi mà trước kia tôi đã từng nghiền ngẫm. Đó là tập Luận về khả năng thiết lập nền quân chủ tập quyền ở Italie.

– Thế làm sao mà ông viết được?

– Viết trên hai áo sơ mi. Tôi đã phát minh ra một chế phẩm có thể làm cho vải mịn và nhẵn như giấy da. Tôi tự chế ra những ngòi bút hảo hạng bằng những miếng sụn ở đầu những con cá hét to tướng mà đôi khi người ta cho ta ăn trong những ngày kiêng ăn thịt. Còn mực thì tôi hòa bồ hóng vào phần rượu vang mà họ cho tôi vào mỗi chủ nhật.

Edmond càng thán phục hơn rồi thấy rằng năng lực của con người kỳ lạ này gần như là siêu nhiên.

– Thế bao giờ tôi có thể xem các thứ ấy?

Dantès hỏi.

– Hãy theo tôi. – Tu sĩ nói.

Và ông trở vào cái hang ngầm rồi mất hút.

Dantès theo sau ông.

Sau khi đã cúi lom khom để đi qua đường hầm, tuy nhiên cũng khá dễ dàng, Dantès đến đầu kia của hành lang ngầm chỗ thông với phòng của tu sĩ. Vừa bước vào và đứng dậy, chàng trai quan sát căn phòng này hết sức chăm chú. Thoạt nhìn thì phòng này chẳng thấy có gì đặc biệt.

– Nào, anh nói với tu sĩ, tôi muốn xem ngay các báu vật của ông.

Tu sĩ lại chỗ lò sưởi, dùng cái đục mà ông vẫn cầm ở tay bẩy một hòn đá trước kia là nền lò sưởi, để lộ ra một khoảng trống khá sâu là nơi giấu tất cả các đồ vật mà ông đã kể với Dantès.

– ông muốn xem gì trước? – Tu sĩ hỏi anh.

– Cho tôi xem công trình lớn của ông về vương quyền thống nhất ở Italie.

Faria kéo từ cái tủ quý giá ra ba hay bốn cuộn vải được quấn lại như những tàu lá của cây cói giấy: đó là những dải vải rộng gần bốn pút dài 18 pút. Những dải vải này được đánh số và kín những chữ.

– Bây giờ thì tôi lấy làm lạ một điều Dantès nói, là các buổi ban ngày có đủ để làm cả khối công việc này không?.- Tôi có cả ban đêm. – Faria trả lời.

– Ban đêm! Vậy ông phải giống như mèo và có thể nhìn rõ trong đêm tối?

– Không. Nhưng tôi tự kiếm lấy ánh sáng.

– Làm thế nào?

– Từ những miếng thịt mà người ta mang tới tôi lọc lấy mỡ, làm cho nó chảy ra, tôi đã có một thứ dầu đặc. Này, đây là cây nến của tôi.

Và tu sĩ đưa cho Dantès xem một thứ đèn xếp giống như những cái đèn dùng trong việc chiếu sáng công cộng.

Dantès đặt các đồ vật anh đang cầm lên bàn và cúi đầu, choáng ngợp vì tính kiên trì và sức mạnh của bộ óc này.

– ông thông thái đến thế thì thật sung sướng ông ạ! Nhưng ông đã kể chuyện đời ông cho tôi nghe còn ông lại chưa biết chuyện của tôi.

– Cuộc đời anh ư chàng trai? Nó còn quá ngắn ngủi để chứa được những sự kiện đôi chút quan trọng.

– Đời tôi ôm trọn một bất hạnh không cùng, Dantès nói, một bất hạnh mà tôi không đáng có, và để khỏi báng bổ Chúa như tôi đôi lần đã làm, tôi muốn có thể đổ lỗi cho con người về nỗi bất hạnh của tôi.

– Vậy là anh bảo rằng mình vô tội trong việc người ta khép tội cho anh à?

– Hoàn toàn vô tội, xin thề trên đầu hai người yêu quý nhất của tôi, trên đầu cha tôi và Mer-cédes.

– Nào, tu sĩ vừa nói vừa đậy chỗ cất giấu và dịch giường về chỗ cũ, anh hãy kể chuyện anh đi.

Dantès kể lại những gì anh gọi là câu chuyện của mình, nó vỏn vẹn có một chuyến đi ấn Độ, hai hay ba chuyến đi ở phương đông, cuối cùng anh kể đến chuyến vượt biển cuối cùng, đến cái chết của thuyền trưởng Leclère, đến cái gói mà anh giao cho đại thống chế, đến bức thư thống chế giao cho anh gửi cho một ông Noirtier nào đấy; rồi đến chuyến cập bến Marseille, đến cuộc gặp mặt cha anh, đến mối tình với Mercédès, đến bữa tiệc đính hôn, đến việc anh bị bắt, đến việc thẩm vấn, đến việc anh bị tạm giam ở tòa án, cuối cùng là việc anh bị bỏ tù ở pháo đài If. Đến đó Dantès không biết gì hơn nữa, ngay cả về thời gian anh đã ngồi tù ở đây.

Câu chuyện kể xong, tu sĩ suy nghĩ rất kỹ.

– Nếu anh muốn tìm ra thủ phạm, trước hết hãy tìm ra kẻ nào có thể được lợi khi anh bị buộc tội. Ai có thể có lợi do việc anh bị mất tích?.- Chẳng có ai, lạy Chúa! Tôi chẳng là gì cả.

– Đừng có trả lời như vậy: anh sắp được làm thuyền trưởng tàu Pharaon và anh sắp cưới một thiếu nữ xinh đẹp! Chúng ta hãy làm theo thứ tự: có ai đó có lợi trong việc anh không trở thành thuyền trưởng tàu Pharaon?

– Không, tôi được mọi người trên tàu quý mến lắm. Nếu các thủy thủ có quyền bầu thuyền trưởng thì tôi chắc chắn rằng họ bầu cho tôi. Chỉ có một người có vài lý do để giận tôi: trước đây không lâu tôi có cãi cọ với hắn và tôi đã đòi quyết đấu nhưng hắn từ chối.

– Xem nào, con người ấy tên là gì?

– Danglars. Trên tàu anh ta làm kế toán.

– Nếu anh làm thuyền trưởng thì anh có giữ anh ta ở nguyên chức vụ cũ không?

– Không, nếu như sự việc tùy thuộc ở tôi vì tôi thấy đôi điều không trung thực trong sổ kế toán.

– Được. Bây giờ nói đến việc có ai tham dự vào cuộc gặp cuối cùng của anh với thuyền trưởng Leclère.

– Không, chúng tôi chỉ có hai người.

– Có kẻ nào có thể nghe thấy cuộc trò chuyện này không?

– Có, vì cửa mở, và thậm chí… khoan đã…

vâng, vâng, chính là Danglars đã đi qua đúng vào lúc ông thuyền trưởng Leclère đưa cho tôi cái gói gửi cho đại thống chế.

– Tốt, tu sĩ nói, chúng ta đi đúng đường rồi.

Anh có đưa ai đi theo lên bờ khi anh ghé vào đảo Elbe?

– Không một ai.

– Họ đã giao cho anh một bức thư?

– Vâng, ông đại thống chế giao.

– Anh đã làm gì với cái thư ấy?

– Lên đến tàu là tôi cất cái thư trong ví của tôi.

– Vậy có phải là lúc anh lên tàu Pharaon thì ai cũng trông thấy anh cầm một bức thư?

– Vâng.

– Danglars cũng thấy như những người khác à?

– Danglars cũng như những người khác.

Tu sĩ nhún vai.

– Thật rõ như ban ngày, ông nói, anh phải có một trái tim quá ngây thơ và quá tốt mới không đoán ra được sự việc ngay từ đầu… Ta sang phần thứ hai của bài toán: có ai được lợi trong việc anh không cưới Mercédès?

– Có! Đó là Fernand, một chàng trai yêu cô ta.

– Anh có cho rằng hắn có khả năng viết đơn tố giác không?.- Không! Hắn thì có mà cho tôi một nhát dao, thế thôi. Vả lại, hắn không biết gì về mọi chi tiết nêu trong đơn tố giác.

– Anh không kể những chi tiết ấy với ai chứ?

– Không kể với ai, ngay cả với vợ chưa cưới của tôi.

– Khoan đã… Danglars có quen Fernand không?

– Không… à có… Tôi nhớ lại… chiều hôm trước lễ đính hôn của tôi, tôi đã thấy họ ngồi uống chung với nhau dưới giàn leo nhà lão Pam-phile, Danglars tỏ ra thân thiện và hơi giễu cợt, Fernand thì mặt tái và bối rối. Họ còn có người thứ ba cùng đi nữa, một người thợ may tên là Caderousse nhưng anh này đã say mèm. Khoan…

khoan đã… sao mà tôi lại không nhớ ra chuyện này nhỉ? Gần cái bàn họ ngồi uống rượu thấy có một lọ mực, có giấy và có bút. (Dantès đưa tay lên trán mình) ồ! Những kẻ bỉ ổi xấu xa! Những kẻ xấu xa bỉ ổi!

– Anh còn muốn biết điều gì khác nữa không?

Tu sĩ vừa cười vừa nói. – Có, có, vì ông đi sâu vào mọi chuyện, vì ông nhìn rõ mọi việc, tôi muốn biết vì sao tôi chỉ bị thẩm vấn có một lần, vì sao người ta không cho tôi ra tòa và làm sao mà tôi lại bị kết tội không cần bản án.

– ồ, điều này thì gay hơn một chút đây. Ai đã thẩm vấn anh?

– ông phó biện lý.

– Cách họ đối xử với anh thế nào?

– Mềm mỏng hơn là khắc nghiệt.

– Anh đã kể với ông ta tất cả à?

– Tất cả.

– Cung cách ông ta có đổi khác trong quá trình thẩm vấn không?

– Có một lúc cung cách ông ta biến đổi đi, sau khi đã đọc cái thư làm liên lụy đến tôi, ông ta có vẻ ủ rũ vì nỗi bất hạnh của tôi.

– Và anh có biết chắc rằng ông ta xót thương cho nỗi bất hạnh của anh không?

– ít ra ông ta cũng cho tôi bằng chứng rõ ràng về thiện cảm của ông ta: ông ta đã đốt cái thư có thể làm liên lụy đến tôi. Vừa đốt ông ta vừa nói với tôi: “Anh xem đây, chỉ có mỗi một bằng chứng này chống lại anh và tôi đã thủ tiêu nó.” – Hành vi này lại quá cao thượng sao coi là tự nhiên được.

– ông nghĩ thế à?

– Tôi tin chắc là như vậy. Lá thư ấy gửi cho ai?

– Gửi cho ông Noirtier phố Coq-Héron số 13, ở Paris..- Noirtier? Tu sĩ nhắc lại… Noirtier à? Tôi có quen một Noirtier trong triều của cựu nữ hoàng étrurie, một Noirtier thuộc phái Girondin thời cách mạng. Thế còn ông phó biện lý của anh tên là gì?

– De Villefort.

Tu sĩ phá lên cười.

– Cái ông Noirtier này, anh thật là một anh mù tội nghiệp, thế anh có biết cái ông Noirtier này là thế nào không? Cái ông Noirtier ấy là cha đẻ của Villefort!

Nếu sấm sét có đánh xuống chân Dantès có đào cho anh một vực thẳm mà đáy vực dẫn vào địa ngục thì cũng chỉ gây cho anh một tác động còn kém chớp nhoáng, kém bị điện giật, kém choáng váng hơn những lời nói bất ngờ này. Anh đứng dậy hai tay ôm lấy đầu như để giữ cho nó khỏi nổ tung ra.

– Cha hắn ư! Cha hắn ư! – Anh kêu lên.

– Phải, cha hắn đấy, họ tên là Noirtier de Villefort. – Tu sĩ nói thêm.

Lúc ấy một luồng ánh sáng như làn chớp xuyên ngang bộ óc người tù. Tất cả những gì trước đây nằm trong bóng tối thì lúc này được soi rọi dưới ánh sáng rực rỡ. Sự lần chần tránh né của Villefort trong cuộc thẩm vấn, bức thư bị thủ tiêu, lời thề bị đòi hỏi, cái giọng của ông quan tòa đáng lẽ là dọa dẫm thì lại như nài nỉ van xin, hiện rõ tất cả trong ký ức, anh thét lên một tiếng, loạng choạng một lúc như người say rượu.

– Tôi thấy bực cho mình, tu sĩ Faria bảo, vì đã giúp anh tìm tòi và vì đã nói với anh tất cả.

– Vì sao vậy? Dantès hỏi.

– Vì tôi đã để ngấm vào tim anh một tình cảm mà trước đây trong đó chưa hề có: đó là sự trả thù.

– Thôi nói chuyện khác đi. – Chàng trai bảo.

Lão tù nhân là một trong những người mà câu chuyện của ông giống như của những người từng đau khổ nhiều, bao gồm nhiều điều giảng giải và hàm chứa một mối quan tâm tha thiết không suy giảm, nhưng câu chuyện ấy không vị kỷ và con người đau khổ ấy không khi nào nói về nỗi bất hạnh của mình. Dantès nghe từng lời của ông với lòng ngưỡng mộ.

– ông phải dạy tôi đôi chút về những điều ông biết, Dantès nói, dù việc này chỉ để ông khỏi buồn chán khi ở cùng tôi. Bây giờ tôi nghĩ rằng ông hẳn ưa nỗi quạnh hưu hơn là một người cùng cảnh ngộ không có học và không thú vị gì như tôi.

Tu sĩ mỉm cười..- Chao ôi! Con tôi, ông nói, khoa học của loài người hạn hẹp lắm và sau này ta dạy cho con toán, lý, sử và ba hay bốn sinh ngữ mà ta nói được thì con sẽ biết tất cả những gì ta biết:

thế mà tất cả mớ khoa học ấy ta chỉ cần độ hai năm là rót được từ đầu óc ta sang óc con.

– Hai năm thôi ư? Dantès nói, ông tin rằng con có thể học tất cả các thứ ấy trong hai năm ư?

– Để mà ứng dụng thì không, nhưng để nắm được các nguyên lý của chúng thì được: học chưa phải là thông hiểu; có những người biết và những người thông thái: trí nhớ tạo nên loại người thứ nhất còn triết lý tạo nên loại người thứ hai.

– Thế, Dantès nói, trước hết ông dạy con cái gì nào? Con muốn vào việc ngay, con khao khát khoa học.

– Dạy cho con tất cả! – Tu sĩ trả lời.

Đúng thế, ngay chiều tối hôm ấy, hai người tù vạch ra một kế hoạch dạy và học để bắt đầu thực hiện vào ngày hôm sau. Dantès có một trí nhớ phi thường, một khả năng quan niệm cực kỳ dễ dàng: thiên hướng toán học trong đầu óc anh làm cho anh hiểu tất cả bằng phép tính, còn chất thơ ở người đi biển thì sửa lại tất cả những gì có thể là quá vật chất khi sự chứng minh quy về những con số khô khan hay rút về sự ngay ngắn cứng đờ của các đường thẳng; vả lại anh đã biết tiếng Italie và chút ít tiếng ả Rập mà anh học được trong các chuyến đi sang phương Đông. Với hai thứ tiếng này anh sớm hiểu được cơ chế của tất cả các thứ tiếng khác và sau sáu tháng anh bắt đầu nói được tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Đức. Hơn một năm trôi qua. Trong năm ấy tu sĩ Faria liên tục dạy Dantès, lúc thì nói với anh bằng thứ tiếng này, lúc lại thứ tiếng kia, dạy anh học lịch sử các dân tộc và các danh nhân.

Vả lại tu sĩ là con người lịch thiệp và là con người của giới thượng lưu, ông có một vẻ uy nghi sầu muộn trong phong cách của mình mà Dantès nhờ ở óc tiếp thu trời phú đã biết khai thác từ đó phong thái lịch sự thanh nhã mà anh thiếu cùng các cung cách quý tộc mà thông thường người ta chỉ hấp thụ được do tiếp xúc với các tầng lớp thượng lưu hay do giao du với những con người ưu việt. Một hôm vào lúc Dantès đang bận dọn dẹp hành lang thông hai xà lim, anh bỗng nghe tiếng tu sĩ Faria ở bên phòng ông gọi anh với một giọng nguy khốn. Dantès vội chạy về và thấy tu sĩ đứng giữa phòng mặt tái xám, trán vã mồ hôi và bàn tay co quắp.

– ôi! Lạy Chúa! Dantès kêu lên, có chuyện gì vậy, ông làm sao thế?.- Nhanh, nhanh lên! Tu sĩ nói, nghe tôi đây.

Dantès ngước nhìn khuôn mặt tái mét của Faria, mắt ông nổi quầng xanh nhạt, môi ông trắng bệch, tóc ông xù lên; và do quá sợ hãi anh đã đánh rơi cái đục đang cầm ở tay xuống đất.

– Nhưng có chuyện gì vậy? – Edmond kêu lên.

– Tôi hỏng mất rồi! Tu sĩ nói, hãy nghe tôi nói đây. Tôi sắp lâm vào một căn bệnh khủng khiếp, chết người không chừng; sắp lên cơn đấy, tôi cảm thấy thế: tôi đã mắc phải bệnh này vào năm trước lúc tôi bị bắt giam. Với bệnh này chỉ có một thứ thuốc, tôi sắp bảo anh đây: nâng chân giường tôi lên, cái chân giường ấy rỗng, anh tìm thấy trong đó một lọ con chứa lưng lọ một dung dịch màu đỏ, cầm lấy nó…

– Đây này, bệnh lên cơn đấy, tu sĩ nói tiếp, tay chân ông run lập cập như vừa ra khỏi nước đá; tôi sắp rơi vào trạng thái cứng đờ giữ nguyên tư thế, có thể tôi sẽ không cử động được, sẽ chẳng hề rên rỉ, nhưng cũng có thể tôi bị sùi bọt mép, người tôi cứng lại, tôi sẽ kêu to; hãy gắng làm thế nào để họ không nghe thấy tiếng tôi kêu, đó là điều quan trọng đấy. Khi anh thấy tôi không cử động được, lạnh và chết thì chỉ có đúng lúc ấy, nghe cẩn thận này, anh cậy răng tôi bằng con dao rồi rỏ vào miệng tôi từ 8 đến 10 giọt thuốc nước đó thì có thể làm tôi tỉnh lại.

– Có thế thôi ư? – Dantès đau đớn kêu lên.

– Cứu tôi với! Cứu tôi với! Tu sĩ kêu lên, tôi bị… tôi bị…

Cơn bệnh kịch phát quá đột ngột và khốc liệt đến nỗi người tù khốn khổ thậm chí không thể nói trọn cái tiếng chấm thốt ra; một bóng mây lướt qua trán ông, nhanh và u ám như bão biển; cơn bệnh làm mắt ông trợn trừng, miệng ông méo xệch, má ông tím ngắt; ông giãy giụa, ông sùi bọt mép, ông gầm lên; nhưng theo như ông đã dặn, Dantès lấy cái chăn để dập tiếng kêu của ông. Cứ thế kéo dài đến hai tiếng đồng hồ.

Lúc này, còn trơ ỳ hơn cả một khối lớn, còn xám và lạnh hơn đá cẩm thạch, còn rã rời hơn cả một cây sậy bị giày xéo dưới chân, ông ngã xuống hãy còn cứng người lại trong một cơn co giật cuối cùng và trở nên tím tái.

Edmond đợi cho cái chết giống như thật này chiếm lĩnh toàn thân và làm lạnh đến tận tim ông; lúc ấy anh cầm con dao, lách lưỡi dao vào giữa hai hàm răng để tách hai hàm răng nghiến chặt một cách vất vả khôn cùng rồi đếm từng giọt, anh nhỏ mười giọt thuốc màu đỏ vào miệng ông và ngồi đợi.

Suốt một tiếng đồng hồ ông già không hề động đậy. Dantès sợ rằng mình đã để quá muộn và anh nhìn ông, hai bàn tay sục vào mái tóc..Cuối cùng một màu phớt hồng hiện ra trên má ông, mắt ông mở trừng trừng và thất thần nay lại có được cái nhìn, một hơi thở nhẹ thoát ra từ miệng ông và ông cựa mình.

– Thoát chết rồi! Thoát chết rồi! – Dantès kêu lên.

– Lần trước, Faria nói, cơn kịch phát kéo dài nửa giờ, sau đó tôi thấy đói và gượng dậy một mình; hôm nay tôi không thể cựa quậy được cả chân lẫn tay phải, đầu óc tôi bối rối chứng tỏ có tràn máu trong não. Đến lần thứ ba nữa thì tôi sẽ bị liệt toàn thân hoặc là chết ngay lập tức.

Đó là bệnh di truyền trong dòng họ; cha tôi chết trong cơn kịch phát thứ ba, ông tôi cũng thế.

Người thầy thuốc đã chế cho tôi thứ thuốc này từng báo trước rằng tôi cũng chung số phận ấy.

– ông thầy thuốc nói không đúng! Dantès kêu lên.

Dantès lắm lấy tay tu sĩ, ông làm yên lòng anh bằng một nụ cười, rồi anh đi ra với sự ngoan ngoãn và kính trọng mà anh đã dành cho ông bạn già.

Sáng hôm sau lúc Dantès trở lại căn phòng của người bạn tù, anh thấy Faria ngồi, vẻ mặt điềm tĩnh.

Ông chìa ra cho Dantès một tờ giấy, không nói gì.

– Cái gì thế ông? Anh hỏi. Tôi chỉ thấy đó là một tờ giấy cháy dở có viết những nét chữ gô tích bằng một thứ mực lạ lùng.

– Anh bạn ạ, tờ giấy này, Faria nói, bây giờ tôi có thể bộc lộ trọn vẹn với anh vì tôi đã thử thách anh, tờ giấy này là kho báu của tôi mà kể từ hôm nay anh được hưởng một nửa.

Mồ hôi lạnh toát ra trên trán Dantès. Cho đến tận hôm nay anh vẫn tránh không nói đến chuyện kho báu này với ông già Faria, nó là nguồn gốc của lời buộc tội ông mắc bệnh điên vốn đè nặng lên ông tu sĩ đáng thương; với tính tế nhị do bản năng, Edmond muốn không đụng chạm tới sợi dây dễ rung động đau lòng này; còn về phía ông, tu sĩ Faria giữ kín tiếng. Anh đã coi sự im lặng của ông già như việc trở về với lý trí; thế mà hôm nay, vài lời ít ỏi này ông buột miệng thốt ra sau một cơn bệnh kịch phát nặng như vậy dường như báo hiệu sự tái phát nghiêm trọng của chứng mất trí.

– Kho báu của ông ư? – Dantès ấp úng.

– ừ, Faria mỉm cười nói; hãy yên tâm, ta không điên đâu. Kho báu này có thật, Dantès ạ,.và nếu như số phận không cho ta được sở hữu nó thì anh sẽ sở hữu nó, chính anh đấy: chưa ai muốn nghe ta mà cũng chẳng có ai tin ta vì họ cho rằng ta điên; nhưng anh là người ắt phải biết rằng ta không điên, hãy nghe ta và anh sẽ tin ta sau này nếu anh muốn. Hãy đọc tờ giấy này.

Edmond cầm lấy tờ giấy cháy mất một nửa chắc hẳn là trong một tai nạn nào đó và anh đọc:

“Kho báu này có thể đáng giá tới hai…

êquy La Mã trong góc xa nh…

của cửa hang thứ hai…

Tuyên bố thuộc quyền sở hữu toàn bộ…

Kế.

25 tháng tư năm 149″ – Tốt lắm! – Tu sĩ Faria nói khi chàng trai đã đọc hết.

– Nhưng mà, Dantès trả lời, tôi chỉ thấy ở đó những dòng chữ cụt, những từ không có phần cuối, những chữ đều bị đứt đoạn vì lửa cháy nên thành ra không đọc được.

– Đó là đối với anh, anh bạn ạ, anh mới đọc lần đầu, nhưng không phải đối với tôi là người đã đọc nó đến ốm người trong suốt bao nhiêu đêm trường, là người đã khôi phục lại từng câu, đã bổ xung rõ từng ý tưởng.

– Và ông tin rằng ông đã tìm ra cái nghĩa còn dang dở?

– Tôi dám chắc như vậy, anh sẽ tự mình xét đoán lấy, nhưng trước hết hãy nghe lịch sử tờ giấy này. Anh biết rằng, tu sĩ nói, tôi là thư ký, người thân như trong nhà, người bạn của hồng y giáo chủ Spada, vị vương công cuối cùng mang họ này. Tôi hàm ơn ông lãnh chúa đáng kính này về tất cả những gì tôi đã nếm trải gọi là hạnh phúc trên đời này. ông không giàu cho dù là của cải của gia đình ông được diễn đạt thành tục ngữ và tôi thường nghe người ta nói “Giàu có như một người mang họ Spada”. Lâu đài của ông ta là thiên đường của tôi. Tôi dạy các cháu ông học, họ đã chết cả, và khi ông còn lại cô độc trên đời, tôi đều đáp lại những gì ông đã làm cho tôi trong suốt mười năm trời bằng sự tận tụy tuyệt đối trước những ý muốn của ông. Rồi ông chủ tôi mất. ông để lại cho tôi các giấy tờ của dòng họ, thư viện của ông gồm năm ngàn cuốn, và một cuốn kinh nhật tụng cùng một vạn đồng ê quy La Mã bằng tiền mặt.

Vào năm 1807, một tháng trước khi tôi bị bắt và mười lăm ngày sau cái chết của bá tước Spada, ngày 25 tháng mười hai, cái ngày đáng nhớ ấy còn mãi trong ký ức của tôi, tôi đọc đến.lần thứ một ngàn các giấy tờ ấy vì lâu đài từ đó về sau thuộc sở hữu của một người lạ, tôi sắp rời Lamã để dọn về ở Florence. Đắm chìm vào cuộc nghiên cứu, vào khoảng sáu giờ chiều tôi thấy mình ở trong bóng tối dày đặc nhất. Tôi kéo chuông để người ta đem đèn lại cho tôi nhưng chẳng có ai đến. Thế là tôi dùng một tay cầm cây nến đã chuẩn bị sẵn và tay kia lần tìm một tờ giấy, tính chuyện châm vào tý lửa còn sót lại trên lò sưởi. Tôi lấy trong cuốn kinh nhật tụng quý giá đặt trên bàn cạnh tôi một tờ giấy ố vàng phía trên có vẻ như dùng làm cái đánh dấu trang mà trải qua bao thế kỷ vẫn được để nguyên chỗ cũ do lòng tôn kính của những người thừa kế. Tôi mò mẫm xoắn tờ giấy vô ích ấy rồi chìa vào ngọn lửa đang lụi dần để châm lửa.

Nhưng, dưới ngón tay tôi, như có ma thuật, trong khi lửa bốc lên, tôi nhìn rõ những chữ màu vàng nhạt nổi lên nền giấy trắng và xuất hiện trên tờ giấy; lúc đó tôi hoảng sợ quá: tôi nắm chặt lấy tờ giấy trong tay để dập lửa, tôi châm trực tiếp ngọn nến vào lò sưởi, tôi gỡ cái thư bị vò nhàu ấy ra với nỗi xúc động khó tả và tôi nhận ra rằng một thứ mực huyền diệu và bí mật đã làm cho các nét chữ chỉ hiện ra khi gặp sức nóng gay gắt. Hơn một phần ba tờ giấy đã bị lửa đốt cháy: đó là tờ giấy mà anh đã đọc.

Bây giờ, tu sĩ nói tiếp, anh hãy đọc một tờ giấy khác. Và ông chìa cho Dantès một tờ giấy thứ hai có phần kia của các dòng chữ.

Dantès vâng lời. Hai mẩu giấy ráp vào nhau cho thấy toàn bộ bức thư như sau:

“Ngày hôm nay 25 tháng tư năm 1497 đủ..ợc Đức Giáo hoàng Alexandre VI mời ăn tối và sợ rằng ngài muốn nhận thừa kế tài sản của tôi và dà…nh cho tôi số phận của các giáo chủ hồng y Crapara và Bentivoglio, bị đầu độc chết… tôi tuyên bố với cháu tôi là Guido Spada, người thừa kế toàn bộ tài sản của tôi, rằng tôi đã ch…ôn ở một nơi mà cháu tôi đã biết vì đã cùng tôi đến đó, nghĩa là tr…ong các hang của hòn đảo nhỏ Monte Cristo, toàn bộ những gì mà tôi s…ở hữu gồm vàng thoi, tiền vàng, ngọc, kim cương, đồ trang sức; mà chỉ một mình… tôi biết sự tồn tại của kho báu này, có thể lên tới gần hai tri…ệu đồng êquy Lamã và rằng người thừa kế sẽ tìm thấy khi nâng hòn đá thứ hai mươi kể từ vùng nhỏ ở phía đông theo đường thẳng. Hai cử…a vào đã được mở trong hang này: kho báu được đặt trong góc xa… nhất của hang thứ hai, kho báu đó tôi di tặng và truyền lại cho cháu tôi.có to…àn quyền sở hữu, như là cho người thừa kế duy nhất của tôi.

25 tháng tư năm 1498 CES… AR + SPADA – Này! Cuối cùng anh hiểu rồi chứ? Faria nói.

– Đây là tuyên bố của giáo chủ hồng y Spada và bản di chúc của ông mà người ta hiện nay vẫn tìm kiếm phải không? – Edmond nói với vẻ còn nghi hoặc.

– Bây giờ, tu sĩ Faria nói tiếp và nhìn Dantès với ánh mắt gần như của người cha, bây giờ, anh bạn ạ, con đã biết chuyện này như ta: nếu có lúc nào đó ta vượt ngục cùng nhau thì nửa kho báu là của con, và nếu ta chết ở đây còn con một mình trốn thoát thì con được sở hữu toàn bộ.

– Và ông nói rằng kho báu này chứa…

– Hai triệu ê quy La mã, gần bằng mười ba triệu đồng tiền của chúng ta. Edmond ngỡ đang nằm mơ: anh chập chờn giữa hoài nghi và vui mừng. Tu sĩ không biết đảo Monte Cristo, nhưng Dantès thì biết rõ: anh thường đi ngang qua phía trước đảo này, nó nằm giữa đảo Corse và đảo Elbe, thậm chí đã có lần anh ghé vào đó. Đảo này hoàn toàn hoang vắng; đó là một núi đá gần như hình nón, có vẻ như đã bị đẩy lên mặt biển do một vài biến động của núi lửa dưới đáy biển sâu.

Dantès vẽ sơ đồ đảo cho tu sĩ Faria và Faria chỉ dẫn cho Dantès các cách để tìm kho báu.

Như vậy, đối với hai con người bất hạnh, thì những ngày tiếp theo, nếu không phải là những ngày sung sướng thì ít ra cũng là những ngày trôi qua khá nhanh. Tu sĩ Faria, người trong bao nhiêu năm dài vẫn giữ im lặng về kho báu nay lại luôn miệng nói về nó mỗi khi có dịp. Như ông đã tiên đoán, ông bị liệt tay phải và chân trái, và gần như mất hết hy vọng được tự mình hưởng kho báu ấy, nhưng ông vẫn ao ước chàng trai của ông được phóng thích hay vượt ngục thành công và anh hưởng kho báu thay cho ông..

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN