Quo Vadis
Chương 57
Lúc ấy mặt trời đã ngả về tây và dường như tan chảy trong ráng chiều. Buổi biểu diễn đã kết thúc. Những đám người lần lượt nối nhau rời nhà hát qua các lối ra được gọi là vormitor nối với thành phố. Chỉ còn đám cận thần ở lại, chờ cho làn sóng người đi qua đã. Tất cả bọn họ đều rời chỗ ngồi, tụ tập chung quanh cái bục, nơi Hoàng đế lại xuất hiện để được nghe ca ngợi. Mặc dù khán giả không tiếc ngài những tràng vỗ tay sau khi bài ca kết thúc, nhưng ngài vẫn chưa lấy thế làm đủ, bởi ngài chờ đợi một nhiệt tình đến mức điên loạn kia. Giờ đây chỉ vô ích những bản tụng ca tán thưởng vang lên, chỉ vô ích đám ni cô đồng trinh xúm nhau hôn mãi bàn tay “thần thánh” của ngài, còn Rubria cúi sát đến nỗi mái đầu tóc hung hung của nàng chạm cả vào ngực ngài. Nerô không hài lòng và không giấu nổi điều đó. Đồng thời ngài ngạc nhiên và lo lắng vì ông Petronius vẫn giữ im lặng. Vào lúc này, những lời ca ngợi nào đó, nêu đúng được những ưu điểm của khúc ca, thốt từ miệng ông, sẽ là một niềm cổ vũ lớn đối với ngài. Cuối cùng, không kìm nổi, ngài gật đầu ra hiệu cho ông lại gần ngục và nói:
– Khanh hãy nói xem…
Ông Petronius đáp lạnh lùng:
– Thần im lặng bởi không tìm ra lời. Hoàng thượng đã vượt lên bản thân mình.
– Ta cũng cảm thấy như thế, nhưng sao dân chúng?…
– Liệu người có thể đòi hỏi thần dân phải hiểu biết thi ca hay chăng?
– Nghĩa là khanh cũng nhận thấy rằng chúng không cảm ơn ta như ta đáng được hưởng?
– Bởi người chọn phải một thời điểm không hay.
– Tại sao?
– Tại vì những bộ óc nhiễm đầy mùi máu không thể nào lắng nghe chăm chú được.
Nerô nắm chặt tay đáp lại:
– Ôi, cái lũ Thiên chúa giáo này! Chúng đã thiêu cả Roma, giờ lại xúc phạm đến ta. Ta biết nghĩ ra cho chúng những hình phạt gì nữa đây?
Petronius nhận thấy ông đã đi nhầm đường, những lời ông nói mang lại kết quả ngược hẳn những gì ông định đạt tới, nên muốn đánh lạc hướng sự chú ý của Hoàng đế, ông cúi lại gần Hoàng đế và thì thầm:
– Bài ca của Người thật tuyệt vời, thần chỉ xin có mỗi một điều lưu ý nhỏ thôi: trong dòng thứ tư của khổ thứ ba, âm luật còn có thể hoàn thiện hơn chút nữa.
Nerô đỏ mặt vì xấu hổ như bị bắt quả tang đang làm một việc nhục nhã, ngài hoảng hốt nhìn quanh và đáp lại cũng khẽ như thế:
– Cái gì ngươi cũng nhận ra!… Ta biết!… Ta sẽ chữa lại!… Không ai khác nhận thấy chứ? Đúng không? Còn ngươi, nói có tình yêu kính các thần, chớ nói cho ai cả… nếu như… như ngươi còn muốn sống.
Nghe thấy thế, ông Petronius nhíu mày đáp lại, dường như ông bùng nổ vì chán ngán và bất bình:
– Tâu Thánh thượng, người có thể bắt thần phải chết, nếu thần làm phiền Người, nhưng xin đừng đem cái chết doạ thần, bởi các thần linh biết rõ thần có sợ tử thần hay chăng.
Vừa nói, ông vừa nhìn thẳng vào mắt Hoàng đế, còn ngài, lát sau mới đáp lại:
– Khanh đừng giận… Khanh biết là ta yêu khanh.
“Dấu hiệu không lành” – ông Petronius nghĩ.
– Ta định mời các ngươi dự tiệc hôm nay, – Nerô nói tiếp, – nhưng ta thà đóng cửa để chau chuốt cái dòng thơ khốn kiếp của khổ thứ ba kia còn hơn. Trừ ngươi ra lỗi của ta còn có thể bị cả Xeneka nhận ra, mà cũng có thể là cả Xekunđux Karynax nữa, nhưng ta sẽ trị chúng ngay bây giờ.
Nói đoạn, ngài cho gọi ông Xeneka và bảo ông rằng, ngài ra lệnh cho ông cùng Akratux và Xekunđux Karynax đi Italia, đến tất cả các tỉnh trấn để thu tiền, số tiền mà ngài lệnh cho phải thu từ các thành phố, các làng quê, các thần miếu danh tiếng, nói tóm lại, từ tất cả những nơi nào có thể tìm được và bóp nặn được. Nhưng hiểu rằng người ta giao cho mình công việc của một kẻ bóp nặn, một kẻ phạm thánh và một tên ăn cướp, ông Xeneka bèn từ chối:
– Tâu Hoàng thượng, thần phải trở về thôn quê, – ông nói. – và ở đó chờ cái chết đến, bởi lẽ thần già rồi, thần kinh thần có bệnh.
Thần kinh xứ Iber của ông Xeneka còn mạnh hơn của lão Khilon, không thể có bệnh được, nhưng sức khoẻ của ông nói chung là yếu, trông ông như một chiếc bóng, và chỉ trong thời gian gần đây, đầu ông đã hoàn toàn bạc trắng.
Nerô nhìn ông và nghĩ rằng quả thực rất có thể thần chết chẳng phải chờ đợi ông lâu nữa, ngài bèn nói:
– Ta không muốn khanh phải nhọc nhằn đường xá khi khanh đau yếu, nhưng vì tình mến yêu đối với khanh, ta muốn khanh ở gần ta, vậy thì thay vì đi về thôn quê, khanh hãy đóng cửa ở tại nhà và sẽ không phải rời khỏi nhà nữa.
Rồi ngài cả cười và bảo:
– Nếu ta chỉ phái Akratux và Karynax đi thì chẳng khác nào phái chó sói đi tìm cừu. Ta biết đặt ai chỉ huy hai người này nhỉ?
– Xin hãy cử thần, tâu Hoàng thượng! – Đomixius Apherơ nói.
– Không, ta không muốn thần Merkury giận La Mã, người mà các ngươi sẽ xúc phạm đến bằng sự đánh cắp của các ngươi. Ta cần một người khắc kỷ nào đó như Xeneka hay như người bạn mới của ta, nhà triết học Khilon đây.
Nói xong ngài nhìn quanh và bảo:
– Lão Khilon ra sao rồi nhỉ?
Sau khi đã tỉnh lại trong không khí mát mẻ, lão Khilon đã quay vào nhà hát nghe bài ca của Hoàng đế, lão bèn tiến ra và nói:
– Thần đây, hỡi bào thai toả sáng của vầng thái dương và chị Hằng! Thần bị mệt, nhưng tiếng hát của Hoàng thượng đã khiến thần khoẻ lại
– Ta phái ngươi đi Akhai, – Nerô bảo, – Ngươi phải biết rõ từng xu có trong mỗi thần miếu.
– Xin hãy làm việc ấy, hỡi thần Zeux, các vị thần sẽ nộp cho Người một khoản tiền thuế mà họ chưa từng nộp cho ai nhiều đến thế.
– Ta cũng muốn thế, nhưng lại không nỡ tước mất của ngươi cảnh tượng hội đấu.
– Hỡi Baan!… Lão Khilon thốt lên.
Đám cận thần vui mừng vì Hoàng đế đã phần nào vui vẻ, họ cười to và nói:
– Chớ, chớ, tâu Hoàng thượng! Xin chớ tước mất của con người Hi Lạp can trường này những cảnh tượng của hội đấu.
– Nhưng xin Người hãy tước đi hộ thần cảnh tượng những con ngỗng Kapiton hay kêu mà bộ óc của chúng có gom lại cũng chẳng đầy nổi một chiếc đĩa tí xíu. – Khilon đáp lại. – Hỡi vị con đầu của thần Apolon, thần sẽ xin viết một khúc thiều ca bằng tiếng Hi Lạp để dâng lên Người, và vì vậy thần muốn được rảnh rỗi vài ngày đến thần miếu của các thi thần để cầu xin thi hứng.
– Ồ không! – Nerô kêu lên,- Ngươi muốn chuồn khỏi những buổi diễn sắp tới. Không được đâu!
– Tâu Hoàng thượng, thần xin thề là đang viết thiều ca!
– Vậy ngươi sẽ viết nó ban đêm. Hãy cầu xin Điana ban cho ngươi cảm hứng, nữ thần là chị ruột của Apolon mà.
Lão Khilon cúi gục đầu, căm tức nhìn những người có mặt, họ lại phá lên cười. Hoàng đế quay sang phía Xenexion và Xuiliux Nerulinux nói:
– Các ngươi hãy hình dung xem, ngày hôm nay chúng ta chỉ giải quyết được một nửa số tín đồ Thiên chúa dự định mà thôi.
Nghe thấy thế, ông lão Akvilux Regulux, một người rất thành thạo về những việc có liên quan tới nhà hát liền lên tiếng:
– Những buổi biểu diễn của những người sine armis et sine arte(1) kéo dài gần như nhau, nhưng ít hấp dẫn hơn.
– Ta sẽ ra lệnh cấp khí giới cho chúng.- Nerô đáp.
Song lão Vertynux mê tín chợt choàng tỉnh khỏi những điều suy tư và hỏi với giọng đầy bí mật:
– Các người có thấy rằng bọn chúng nhìn thấy một cái gì đó trước khi chết không? Chúng nhìn lên trời và chịu chết như không hề đau đớn. Tôi chắc bọn chúng phải trông thấy một thứ gì…
Nói đoạn lão ngước mắt nhìn lên lỗ trống của nhà hát, nơi nàng đêm đã kéo tấm velarium dầy đặc những vì sao của mình che phủ. Song những người khác chỉ cười cợt và đáp lại bằng những giả định chế giễu về những gì mà tín đồ Thiên chúa nhìn thấy trong giờ phút lâm chung. Lúc ấy Hoàng đế ra hiệu cho đám nô lệ cầm đuốc, rồi ngài rời khỏi nhà hát, theo sau là các ni cô đồng trinh, nguyên lão, quan chức và cận thần.
Đêm sáng sủa và ấm áp. Trước cửa hý trường hãy còn tụ tập những đám người muốn ngắm cảnh Hoàng đế ra về, nhưng họ trầm mặc và nín lặng. Đây đó nổi lên vài tiếng vỗ tay nhưng lại tắt ngay. Từ spolarium, những cỗ xe kêu cót két vẫn chở mãi chở mãi những mảnh thây đẫm máu của các tín đồ Thiên chúa.
Ông Petronius và Vinixius đi trong im lặng. Mãi đến gần biệt thự, ông Petronius mới hỏi:
– Anh đã suy nghĩ về điều cậu nói với anh chưa?
– Thưa đã, – Vinixius đáp
– Không biết anh có tin rằng giờ đây ngay cả đối với cậu điều ấy cũng là vấn đề quan trọng bậc nhất? Cậu phải giải thoát cho nàng bằng được, ngược với ý muốn của Hoàng đế và Tygelinux. Đó như một trận chiến đấu mà cậu muốn chiếm bằng được thắng lợi, đó như một trò chơi mà cậu muốn được cuộc, dù phải trả bằng mạng sống…Ngày hôm nay càng khiến cậu quyết tâm hơn.
– Cầu Chúa Crixtux đền đáp cho cậu!
– Rồi anh sẽ thấy.
Vừa trò chuyện như thế họ vừa dừng lại trước cổng biệt thự và bước xuống kiệu. Chính vào lúc ấy, một bóng đen tiến lại gần họ hỏi:
– Đây có phải ngài Vinixius cao quý hay chăng?
– Phải. – Chàng hộ dân quan đáp – Ngươi muốn gì?
– Tôi là Nazarius, con trai bà Miriam, tôi từ nhà ngục đến mang cho ngài tin tức nàng Ligia.
Vinixius đặt tay lên vai thằng bé và trong ánh đuốc chàng nhìn mãi vào mắt nó, không thể thốt nổi một lời, song Nazarius liền đoán ngay được câu hỏi đã hình thành trên môi chàng và đáp:
– Cho tới nay nàng vẫn còn sống. Bác Urxux phái tôi đến gặp ngài để thưa với ngài rằng trong cơn sốt nóng nàng vẫn hằng cầu nguyện và gọi tên ngài.
Vinixius trả lời:
– Ngợi ca Chúa Crixtux, người sẽ có thể trả nàng về với ta.
Rồi chàng đưa Nazarius vào thư viện. Lát sau ông Petronius cũng tới để được nghe câu chuyện của họ.
– Bệnh tình đã cứu nàng thoát điều nhục nhã, bởi bọn đao phủ sợ lây. – cậu bé nói. – Ngày và đêm, bác Urxux cùng thầy thuốc Glaukox thức canh cho nàng.
– Bọn canh ngục vẫn là bọn cũ chứ?
– Vâng, thưa ngài, nàng đang ở trong phòng của bọn chúng. Những người tù sống trong hố giam đều bị chết cả vì sốt nóng hoặc ngạt thở.
– Ngươi là ai? – ông Petronius hỏi.
– Ngài Vinixius tôn kính biết cháu. Cháu là con trai bà goá mà nàng Ligia từng ở nhờ.
– Và là tín đồ Thiên chúa?
Cậu bé nhìn Vinixius dò hỏi, nhưng thấy lúc này chàng đang cầu nguyện, bèn ngẩng đầu và nói:
– Thưa vâng.
– Làm sao ngươi lại được tự do vào nhà ngục?
– Thưa ngài, cháu được thuê mang thây những người chết ra ngoài, cháu cố tình làm việc ấy để có thể lui tới giúp đỡ những người anh em của cháu, mang đến cho họ những tin tức ngoài phố.
Ông Petronius bắt đầu ngắm chăm chú hơn khuôn mặt dễ thương của cậu bé, đôi mắt xanh thẳm và làn tóc đen huyền rất dầy của cậu, rồi ông hỏi:
– Hỡi tiểu đồng, cháu từ đất nước nào tới đây vậy?
– Cháu người Galilei, thưa ngài.
– Thế cháu có muốn Ligia được tự do không?
Cậu bé ngước mắt nhìn lên:
– Dù cho ngay sau đó cháu phải chết cũng cam lòng.
Khi ấy Vinixius thôi cầu nguyện, chàng nói:
– Em hãy nói với bọn gác ngục đặt nàng vào quan tài như đã chết. Em hãy chọn thêm người giúp sức, đêm đến họ sẽ cùng với em khiêng nàng ra. Ở gần những Hố Thối em sẽ gặp những người mang kiệu chờ sẵn và hãy đưa áo quan cho họ. Hãy nhân danh ta hứa với bọn canh ngục rằng ta sẽ cho chúng số vàng đủ cho mỗi tên mang đầy một chiếc áo choàng.
Khi nói thế, mặt chàng mất đi vẻ thiếu sinh khí thường có, người lính trong chàng tỉnh thức, được niềm hi vọng trả lại nghị lực thuở trước.
Còn cậu bé Nazarius tươi hơn hớn vì vui, cậu vươn cả hai tay kêu lên:
– Cầu Đức Chúa Crixtux khiến nàng khoẻ lại, vì nàng sẽ được tự do.
– Cháu nghĩ rằng bọn canh ngục sẽ đồng ý à? – ông Petronius hỏi.
– Bọn chúng ư, thưa ngài? Chúng chỉ cần biết rằng sẽ không bị trừng phạt và nhục hình là đủ.
– Đúng thế! – Vinixius nói. – Bọn canh ngục muốn đồng ý ngay cả với chuyện để nàng chạy trốn, chắc chắn chúng càng dễ cho phép mang nàng ra như một kẻ đã chết rồi.
– Thực ra cũng có một người, – Nazarius nói – chuyên dùng sắt nung đỏ để kiểm tra xem những xác mà chúng cháu mang ra đã chết hay chưa. Nhưng hắn chỉ cần vài đồng xexterxi là đủ để không áp sắt nóng vào mặt người chết. Và chỉ cần một đồng aureux hắn sẽ chỉ chạm vào áo quan chứ không chạm vào xác.
– Cháu hãy nói với hắn rằng hắn sẽ nhận được đầy một tráp những đồng aureux. – ông Petronius bảo. -Nhưng liệu cháu có biết chọn những người giúp việc tin cẩn không?
– Cháu sẽ chọn được những kẻ vì tiền có thể bán ngay cả vợ con.
– Cháu sẽ tìm bọn chúng ở đâu?
– Ngay trong nhà ngục hoặc ngoài thành phố ạ. Bọn lính canh, một khi được trả tiền, sẽ đưa vào bất kỳ người nào cháu muốn.
– Vậy em hãy đưa ta vào như một kẻ làm thuê. – Vinixius nói.
Nhưng ông Petronius cả quyết can chàng đừng làm việc ấy. Bọn lính cấm vệ có thể nhận mặt chàng, dù chàng có cải trang đi nữa, và thế là sẽ hỏng mọi sự. “Không được đến nhà ngục, cũng không được tới Hố Thối – ông nói – Cần làm sao để tất cả bọn chúng, cả Hoàng đế lẫn Tygelinux, tin rằng cô gái chết thực, nếu không bọn chúng sẽ ra lệnh truy lùng ngay lập tức. Chúng ta chỉ có thể không gây nghi ngờ bằng cách ở lại Roma trong khi những người khác đưa nàng vào núi Anban, hoặc xa hơn nữa, đến tận Xyxilia. Một hoặc hai tuần sau đó, anh sẽ lâm bệnh và cho mời ngự y của Nerô, hắn sẽ khuyên anh nên đi lên núi nghỉ. Khi ấy, anh chị sẽ được gặp nhau, còn sau đó…”
Đến đây, ông suy nghĩ một lúc rồi khoát tay và bảo:
– Sau đó sẽ có thể là thời khác rồi.
– Cầu Đức Chúa Crixtux rủ lòng thương nàng, – Vinixius nói, – vì trong khi cậu nói tới Xyxilia thì nàng đang ốm nặng và có thể chết mất.
– Vậy thì chúng ta sẽ để nàng ở gần hơn. Chỉ cần chúng ta đưa được nàng thoát khỏi nhà ngục, thì ngay cả không khí cũng đủ chữa nàng khỏi bệnh. Anh không có đâu đó trong núi một tá điền đủ tin cẩn hay sao?
– Đúng rồi! Có! Đúng rồi! – Vinixius vội đáp. – Ở gần Coriola, trong núi có một người tâm phúc đã từng bế cháu trên tay khi cháu hãy còn là đứa trẻ, người ấy cho đến nay vẫn thương yêu cháu.
Ông Petronius đưa cho chàng tấm bảng con.
– Anh hãy viết cho ông ấy và bảo ông ấy ngày mai có mặt ở đây. Cậu sẽ phái người chạy giấy đi tức khắc.
Nói đoạn ông gọi viên nô lệ cai quản gian chính sảnh và ra cho anh ta những mệnh lệnh thích hợp. Vài phút sau, một nô lệ phi ngựa trong đêm đến Coriola.
– Cháu muốn bác Urxux đưa nàng cùng đi. – Vinixius nói- Cháu sẽ cảm thấy yên lòng hơn.
– Thưa ngài, – Nazarius nói – đó là một người sức khoẻ phi thường, bác ấy có thể bẻ gẫy chấn song sắt và trốn ra đi cùng nàng. Có một cửa sổ không có lính canh bên dưới, ở trên một bức tường cao, dựng đứng. Cháu sẽ mang cho bác Urxux một cuộn dây, còn lại bác ấy sẽ tự lo liệu được.
– Thề có Herkulex! – ông Petronius lên tiếng – Nếu bác ta thích, cứ để bác ta vượt ngục, nhưng đừng có cùng với Ligia hoặc sau nàng hai ba ngày, vì bọn chúng sẽ lần theo bác ta và sẽ phát hiện ra nơi ẩn náu của nàng. Thề có Herkulex! Các người muốn làm mất mạng cả nàng lẫn bản thân phải không? Ta cấm các người không được nói gì với bác ta về Coriola, nếu không ta mặc các người đấy.
Cả hai đều thừa nhận điều ông nói có lý và cùng nín lặng. Rồi Nazarius từ biệt, hứa là sáng sớm mai sẽ tới.
Cậu bé định ngay tối nay sẽ thu xếp với bọn canh ngục, nhưng trước đó cậu muốn rẽ vào thăm mẹ, người mẹ không phút nào yên lòng vì con trong cái thời buổi phấp phỏng và khủng khiếp này. Sau khi suy nghĩ, cậu quyết định sẽ không tìm người trong phố làm kẻ trợ thủ, mà sẽ mua chuộc một trong những người vẫn cùng cậu mang tử thi ra khỏi nhà ngục.
Nhưng ngay trước khi rời bước, cậu bé còn dừng lại, kéo Vinixius ra một bên thì thầm cùng chàng:
– Thưa ngài, tôi sẽ không hé cho một ai ngay cả mẹ tôi biết việc này, nhưng ông Piotr hứa rằng từ nhà hát sẽ đến nhà chúng tôi, và tôi sẽ thưa cùng ông tất cả.
– Trong nhà này em có thể cứ nói to. – Vinixius bảo. – Ông Piotr có mặt trong nhà hát cùng với người nhà ngài Petronius. Mà ta sẽ cùng đi với em.
Rồi chàng ra lệnh mang cho mình một chiếc áo choàng nô lệ, cả hai ra đi.
Ông Petronius thở một hơi dài.
“Ta từng mong sao – ông nghĩ thầm – cô bé chết vì cơn sốt nóng ấy cho rồi, vì đối với Vinixius cách ấy còn ít khủng khiếp hơn. Nhưng giờ thì ta lại sẵn sàng hiến dâng Expulap chiếc giá ba chân bằng vàng ròng để đổi lấy cho nàng sức khoẻ… Ôi, hỡi ngươi, Ahenobarbux, ngươi muốn đem nỗi đau của một người yêu ra làm cảnh kịch!Hỡi người, Augusta, đầu tiên ngươi ghen với sắc đẹp của thiếu nữ, giờ ngươi lại muốn nhai sống nuốt tươi nàng, vì thằng bé Rufiux của ngươi đã thiệt mạng… Còn ngươi, Tygelinux, ngươi muốn giết nàng vì căm ghét ta!… Để rồi xem! Ta nói các ngươi hay rằng mắt các ngươi sẽ không được nhìn thấy nàng trên bãi đấu trường đâu, vì hoặc là nàng sẽ chết cái chết tự nhiên, hoặc ta sẽ giật nàng khỏi tay các ngươi như giật ra khỏi hàm lũ chó… Và ta sẽ giật nàng ra mà các ngươi không hề hay biết, để sau đó hễ cứ nhìn các ngươi là ta lại tự nghĩ thầm: đó là lũ xuẩn mà Petronius đã chơi cho một vố.”
Và hài lòng với bản thân, ông bước sang phòng tiệc, cùng với nàng Eunixe ngồi vào bữa tối. Trong thời gian đó, viên xướng đọc ngâm những bài mục ca của Teokryt. Ngoài sân gió dồn mây từ phía núi Xorakte và một cơn giông bất thần khuấy động sự bình lặng của đêm hè yên ả. Chốc chốc, sấm lại rền vang trên bảy ngọn đồi, còn họ, nằm bên nhau cạnh bàn, nghe thơ thôn dã, người bằng thổ ngữ Đoryx đang du dương ca hát về tình yêu của chàng mục đồng, rồi sau đó, khi đã thoả mãn rồi, họ chuẩn bị để bước vào một giấc ngủ ngọt ngào.
Tuy nhiên, trước đó Vinixius lại quay về. Biết chàng về, ông Petronius đến phòng chàng và hỏi:
– Sao?… Các anh có thực hiện được điều gì mới nữa chăng và Nazarius đã vào nhà ngục chưa?
– Vâng, – chàng trai vừa nói vừa vuốt làn tóc ướt đẫm nước mưa, – Nazarius đã đi thu xếp với bọn canh ngục, còn cháu, cháu được gặp ông Piotr, Người bảo cháu hãy cầu nguyện và tin tưởng.
– Hay lắm! Nếu tất cả đều xuôi chiều, đêm mai có thể mang được nàng ra…
– Người tá điền và gia nhân sẽ có mặt lúc rạng sáng.
– Đường ngắn thôi mà. Anh đi nghỉ đi.
Nhưng Vinixius quỳ gối trong buồng ngủ của chàng và bắt đầu cầu nguyện.
Vào lúc mặt trời mọc, người tá điền Niger từ vùng gần Coriola đã đến, và theo lời dặn của Vinixius, ông mang theo mấy con la, một chiếc kiệu và bốn người tin cẩn được lựa chọn trong số những nô lệ Brytania, những người này ông đã sáng suốt để lại nhà trọ tại khu Xubura.
Thức chờ suốt đêm, Vinixius bước ra đón họ; người tá điền cảm động khi nhìn thấy cậu chủ, hôn tay và mắt chàng rồi hỏi:
– Thưa cậu chủ, cậu bị ốm hay những lo phiền đã hút kiệt máu ở gò má cậu, vì thoạt nhìn tôi không thể nhận nổi ra cậu?
Vinixius đưa ông vào hàng cột bên trong, được gọi là ksystum, và ở đó chàng cho ông hay điều bí mật. Ông Niger chăm chú lắng nghe và trên nét mặt khoẻ mạnh, dãi dầu nắng gió của ông có thể nhận thấy một niềm xúc cảm lớn lao mà ông không thể kìm giữ nổi.
– Vậy ra nàng là tín đồ Thiên chúa giáo? – ông kêu lên.
Và ông nhìn vào mặt Vinixius với cái nhìn dò hỏi, chàng hiểu ngay điều mà mắt người nông phu muốn hỏi, chàng bèn đáp:
– Và cả ta nữa cũng là tín đồ Thiên chúa…
Mắt ông Niger ràn rụa lệ; ông nín lặng hồi lâu, rồi vươn cả hai tay lên trời, ông nói:
– Ôi, cảm ơn Người, hỡi Chúa Crixtux, Người đã tháo bỏ màng che cho những đôi mắt thân yêu nhất trên đời của con!
Rồi ông ôm lấy đầu Vinixius khóc nức lên vì sung sướng và hôn lên trán chàng.
Lát sau ông Petronius bước đến, dẫn theo cậu bé Nazarius.
– Những tin tốt lành! – Ông kêu lên từ xa
Quả thực toàn tin tốt lành. Trước hết ông Glaukox thầy thuốc cam đoan rằng Ligia sẽ sống, cho dù nàng cũng bị mắc căn bệnh sốt nóng nhà ngục, căn bệnh đã khiến cho hàng trăm người chết mỗi ngày trong nhà tù Tulianum cũng như các nhà tù khác. Còn nếu nói về bọn canh ngục và người kiểm tra xác thực cái chết của tù nhân bằng sắt nung đỏ, thì không hề có khó khăn gì. Người trợ thủ tên là Altyx, cũng đã đồng ý.
– Chúng cháu đã khoét nhiều lỗ trong áo quan để người ốm có thể thở được. – Nazarius nói. – Toàn bộ nguy hiểm là ở chỗ làm sao nàng đừng rên rỉ hoặc đừng lên tiếng lúc chúng cháu đi ngang qua gần bọn lính cấm vệ. Nhưng nàng yếu lắm và sáng nay nàng nằm, mắt nhắm nghiền. Thêm nữa ông Glaukox sẽ cho nàng một liều thuốc ngủ mà ông tự tay điều chế từ những thứ thuốc cháu mang ngoài thành phố vào. Nắp áo quan sẽ không đóng đinh. Các ngài sẽ dễ dàng nhấc nó lên và đưa người ốm sang kiệu, còn chúng cháu sẽ đặt vào quan tài một túi cát dài mà các ngài nhớ chuẩn bị sẵn cho.
Nghe những lời ấy, Vinixius tái nhợt mặt mày, nhưng chàng vẫn lắng nghe với sự chú ý hết mức, đến nỗi dường như chàng đoán trước từng lời Nazarius sẽ nói.
– Người ta có mang những xác chết nào khác ra khỏi ngục không? – ông Petronius hỏi.
– Đêm hôm qua có khoảng hai mươi người chết, từ giờ đến chiều còn chết độ mươi người nữa, – cậu bé đáp, – chúng cháu sẽ phải đi cùng với một toán người khác, nhưng cháu sẽ tìm cách lần chần để rớt lại đằng sau. Đến chỗ ngoặt đầu tiên, người bạn cháu sẽ cố tình đi khập khiễng. Bằng cách ấy sẽ tụt lại sau những người khác rất xa. Các ngài hãy chờ cạnh cái miếu nhỏ thờ Libityna. Chỉ mong sao Chúa cho đêm thật tối trời vào.
– Chúa sẽ ban cho, – Ông Niger nói. – Chiều qua sáng trời, nhưng rồi đột nhiên lại có giông. Hôm nay cũng đẹp trời nhưng ngay từ sáng sớm đã nóng bức. Bây giờ đêm thường có mưa và giông.
– Các người đi có mang theo đèn đuốc gì không? – Vinixius hỏi.
– Người ta chỉ mang đuốc đi dẫn đầu thôi. Dù sao cũng xin các ngài có mặt gần miếu Libityna ngay từ lúc trời tối, mặc dù thường thường phải trước nửa đêm chúng tôi mới khiêng xác chết ra.
Họ cùng im lặng, chỉ nghe thấy nhịp thở dồn dập của Vinixius.
Ông Petronius quay sang chàng.
– Hôm qua cậu bảo rằng tốt nhất cả hai ta đều nên ở lại nhà, – ông nói, – nhưng giờ cậu thấy rằng ngay cả cậu cũng khó lòng mà ngồi yên được… Mà nói thật ra, giá như đây là một cuộc chạy trốn thì ta phải giữ mình thật cẩn thận, nhưng một khi nàng được mang ra như kẻ đã chết rồi, thì có lẽ không có kẻ nào nẩy ra ý nghi ngờ đâu nhỉ.
– Vâng! Vâng! – Vinixius đáp. – Cháu phải có mặt ở đó. Chính cháu sẽ nhấc nàng ra khỏi áo quan.
– Còn khi nàng đã đến được nhà tôi gần Coriola, tôi sẽ chịu trách nhiệm về nàng. – ông Niger nói.
Cuộc chuyện trò kết thúc ở đó. Ông Niger đến quán trọ với những người nhà ông. Nazarius mang chiếc tráp đựng vàng dưới áo tunica quay trở lại nhà ngục. Đối với chàng Vinixius, bắt đầu một ngày đầy lo lắng, nóng ruột, sợ hãi và chờ đợi.
– Việc tất phải thành công vì đã được cân nhắc kỹ – ông Petronius bảo chàng – Không thể nào sắp đặt mọi việc tốt hơn được nữa. Anh sẽ phải đóng vai một người sầu não mặc áo toga mầu thẫm vào. Nhưng đừng có bỏ các hý trường. Cứ để cho chúng thấy mặt anh… Mọi chuyện đều được suy tính kỹ lưỡng cả rồi, không thể nào hụt được. Này, nhưng anh có hoàn toàn tin chắc gã tá điền của anh không thế?
– Đó là một tín đồ Thiên chúa. – Vinixius đáp
Ông Petronius nhìn chàng kinh ngạc, rồi ông nhún vai và nói như với riêng mình:
– Thề có Ponlukx! Thế mà nó vẫn cứ lan rộng! Nó vẫn giữ được lòng người!… Bị đe doạ đến thế này thì người ta đã từ bỏ ngay tất cả các vị thần linh La Mã, Hi Lạp, Ai Cập! Thật là kỳ lạ!… Thề có Ponlukx!… Giá mình tin rằng trên đời này có một thứ gì lệ thuộc vào các vị thần của chúng ta, ngay lúc này mình sẽ hứa hiến cho mỗi vị sáu con bò đực màu trắng, riêng Jupiter Kapiton mười hai con…Nhưng anh cũng đừng có tiếc lời hứa với Chúa Crixtux của anh nhé.
– Cháu đã dâng cho Người linh hồn của cháu. – Vinixius đáp.
Và họ chia tay. Ông Petronius quay trở lại phòng ngủ. Còn Vinixius ra đi để đứng từ xa nhìn nhà ngục, rồi từ đó chàng đi tới tận sườn đồi Vatykan, đến cái lều của người thợ đá, nơi chàng được chính tay đức Sứ đồ rửa tội. Chàng cảm thấy như chính tại ngôi nhà này Chúa Crixtux sẽ chóng nghe thấu lời chàng hơn bất cứ nơi nào khác, nên khi tìm ra, chàng liền lăn ra đất, dồn tất cả sức mạnh tâm linh đang đau đớn của mình vào sự cầu nguyện xin tình yêu thương, chàng tập trung cầu nguyện đến nỗi quên bẵng mình đang ở đâu và đang có chuyện gì xảy ra với chàng.
Đến chiều, chàng chợt bừng tỉnh nhờ tiếng kèn vọng từ hý trường Nerô đến. Chàng bèn bước ra khỏi lều nhìn quanh với đôi mắt như vừa tỉnh giấc mơ. Thế gian nồng nực và yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng mới bị khuấy động bởi tiếng chuông và tiếng côn trùng rên rỉ triền miên. Không khí trở nên oi bức, bầu trời trên thành phố hãy còn xanh thẳm, nhưng phía núi Xabin đã tụ về những đám mây đen thấp ngang đường chân trời.
Vinixius quay về nhà. Ông Petronius đang chờ chàng trong gian chính sảnh thông thiên.
– Cậu vừa ở trên Palatyn. – ông bảo. – Cậu cố tình ló mặt ra ở đó, thậm chí cậu còn ngồi vào bàn chơi mạt chược nữa. Tối nay ở nhà Annixius có tiệc, cậu nói là chúng ta sẽ tới, nhưng mãi nửa đêm kia, vì trước đó cậu còn phải ngủ đã. Cậu sẽ có mặt, và giá cả anh cũng đến được thì tốt quá.
– Có tin gì từ ông Niger hoặc từ Nazarius không ạ? – Vinixius hỏi.
– Không. Đến nửa đêm chúng ta mới gặp họ. Anh có để ý là sắp có giông không?
– Có ạ.
– Ngày mai sẽ là cảnh đóng đinh tín đồ lên thập ác, nhưng có thể mưa sẽ làm hoãn lại chăng?
Nói đoạn, ông lại gần, chạm tay vào vai Vinixius và nói:
– Nhưng anh sẽ không thấy nàng trên cây thập tự đâu, mà ở Coriola kia. Thề có Kaxtor! Dẫu có đánh đổi lấy tất cả những viên ngọc chạm của La Mã, cậu cũng không muốn bỏ qua giây phút chúng mình giải phóng cho nàng. Gần tối rồi…
Buổi tối đang xích lại, bóng đêm bắt đầu trùm lên thành phố sớm hơn thường lệ, vì mây đen đang bao phủ toàn bộ đường chân trời. Khi đêm đến, trời đổ một trận mưa lớn, nước bốc hơi từ những tảng đá bị hun nóng ban ngày khiến những đường phố tràn ngập một làn sương mờ. Rồi sau đó lúc tạnh, lúc lại có những cơn mưa ngắn.
– Ta hãy nhanh chân lên thôi, – cuối cùng Vinixius nói, – do có mưa có thể người ta sẽ mang xác chết ra khỏi nhà ngục sớm hơn.
– Đến lúc rồi! – ông Petronius đáp.
Và khoác những manh áo choàng kiểu Gan có mũ trùm đầu, họ đi qua cổng nhỏ ở vườn để ra phố. Ông Petronius vẫn mang theo chiếc dao ngắn kiểu La Mã, được gọi là sica mà bao giờ ông cũng có bên mình trong những chuyến đi đêm.
Vì cơn giông, thành phố vắng teo. Thỉnh thoảng chớp loé sáng rạch nát những đám mây, soi sáng những bức tường vừa mới dựng, những ngôi nhà vừa xây xong, và những phiến đá lát đường ướt đẫm. Trong ánh chớp, sau một thôi đường dài, mãi rồi họ cũng trông thấy một gò đất, trên đó là cái miếu bé nhỏ thờ nữ thần Libityna, bên gò là một toán la và ngựa.
– Niger! – Vinixius gọi khẽ.
– Tôi đây, thưa cậu. – một giọng nói cất lên trong mưa.
– Sẵn sàng cả chưa?
– Rồi ạ, cậu thân yêu! Trời vừa tối là chúng tôi đã có mặt ngay. Nhưng cậu và ông hãy ẩn xuống dưới hào chứ không thì ướt hết mất. Giông quá đi mất! Tôi đồ chừng sẽ có mưa đá nữa đấy.
Quả thực nỗi lo của ông Niger trở thành hiện thực, vì một lúc sau trời bắt đầu trút mưa đá, thoạt tiên là những mẩu nhỏ, sau mỗi lúc một to và dày hơn. Không khí lạnh ngắt ngay lập tức.
Họ đứng dưới hào ẩn tránh gió và những viên đạn băng giá, thấp giọng trò chuyện.
– Dù ai trông thấy chúng ta, – ông Niger nói, – thì họ cũng chẳng nghi ngờ gì, nom chúng ta giống như một đám người chờ cho qua cơn giông vậy. Nhưng tôi lo không hiểu người ta có hoãn việc mang xác chết ra không?
– Mưa đá chẳng kéo dài đâu. – ông Petronius bảo- Chúng ta phải chờ, dù là cho tới sáng.
Họ chờ đợi, lắng nghe xem có tiếng của toán người đang đến không. Mưa đá ngừng, nhưng sau đó tiếp liền một trận mưa rào ào ạt. Chốc chốc, gió lại lặng đi, và từ phía Hố Thối bốc lên mùi thây người đang rã hôi kinh khủng, những cái thây mà người ta chôn quá nông và sơ sài.
Đột nhiên ông Niger nói:
– Tôi thấy có ánh lửa qua màn sương mù… Một, hai, ba… Đuốc rồi!
Và ông quay lại phía người của ông:
– Coi chừng không là lại kêu đấy!
– Họ đến kìa! – ông Petronius nói.
Ánh sáng mỗi lúc một hiện rõ hơn. Lát sau đã có thể phân biệt được những ngọn đuốc đang chao đảo trong gió.
Ông Niger bắt đầu làm dấu thánh giá và cầu nguyện. Trong khi đó, đám ma thê lương kia kéo tới mỗi lúc một gần và rốt cuộc đi qua ngang trước mặt miếu thờ Libityna thì dừng lại. Ông Petronius, Vinixius và ông Niger im lặng nép vào gò, không hiểu thế có nghĩa là thế nào. Nhưng bọn kia chỉ dừng lại để dùng giẻ bịt mũi và miệng tránh mùi hôi thối, mà ngay sát cạnh các hố puticuli thì quả không tài nào chịu nổi, rồi họ lại mang những chiếc cáng có tử thi đi tiếp.
Chỉ có một chiếc quan tài dừng lại đối diện với thần miếu.
Vinixius nhẩy ngay lại, sau chàng là ông Petronius, Niger và hai nô lệ Brytania khênh kiệu.
Song trước khi họ đến nơi, trong bóng tối đã nghe giọng nói đầy đau đớn của Nazarius:
– Thưa ngài, chúng nó chuyển nàng và bác Urxux đến nhà ngục Exquilin mất rồi… Chúng cháu khiêng một cái xác khác! Chúng nó bắt nàng đi trước lúc nửa đêm.
Quay về nhà, ông Petronius âu sầu như cơn mưa và thậm chí không buồn an ủi Vinixius nữa. Ông hiểu rằng không thể mơ tới chuyện cứu Ligia thoát khỏi nhà ngục Exquilin ngầm dưới đất. Ông đoán rằng bọn chúng đưa nàng rời Tulianum để nàng không bị chết vì bệnh sốt nóng và để nàng không thể tránh khỏi cái nhà hát đã dành cho nàng. Nhưng đó lại chính là bằng chứng cho thấy chúng canh giữ và coi chừng nàng kỹ càng hơn những người khác. Ông Petronius thương Vinixius đến tận đáy lòng, nhưng ngoài ra, ông còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ: lần đầu tiên trong đời ông gặp một cái gì đó không thành công, lần đầu tiên ông bị thất bại.
“Hình như thần tài Fortuna rời bỏ ta rồi – ông tự nhủ – nhưng các vị thần nhầm đấy nếu nghĩ rằng ta chịu sống một cuộc sống như hắn ta”
Nghĩ đến đây, ông nhìn sang Vinixius, chàng cũng đang nhìn ông với đôi đồng tử nở rộng.
– Anh làm sao thế? Anh bị sốt chăng? – ông Petronius hỏi.
Chàng đáp lại bằng một giọng nói lạ lùng, gẫy khúc và chậm chạp, như tiếng một đứa trẻ ốm:
– Nhưng cháu vẫn tin rằng Người sẽ mang nàng về cho cháu.
Tiếng sấm cuối cùng của cơn giông lặng đi trên thành phố.
Chú thích:
(1) La tinh: Không có vũ khí và không có nghệ thuật
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!