Tử Tước Chẻ Đôi
Chương 2
Trận đánh bắt đầu vào đúng mười giờ sáng. Từ trên yên ngựa, trung úy Medardo lặng ngắm đội hình quân Kitô giáo trải rộng sẵn sàng tiến công; chàng chìa mặt đón gió Bohemia, mang mùi vỏ trấu như ở trong đám bụi mù của một sân đập lúa.
– Đừng, đừng ngoái mặt lại tướng công ạ!
Curzio, đeo quân hàm trung sĩ, ở bên cạnh, thốt lên. Và để biện minh cho câu nói chắc như dao chém cột của mình, anh ta chậm rãi thêm vào:
– Thiên hạ bảo rằng, trước khi lâm chiến, ngoái mặt lại sẽ dẫn đến xui xẻo.
Trên thực tế, anh ta không muốn tử tước nhụt nhuệ khí khi trông thấy quân Kitô giáo hầu như chỉ gồm một đội ngũ như thế, và lực lượng tăng viện thì chỉ xấp xỉ vài tiểu đội bộ binh chân đứng không vững.
Song chú tôi nhìn ra phía xa, chỗ cái đám mây đang nhập vào chân trời, rồi nghĩ: “Đúng rồi, cái đám mây đó là quân Thổ, quân Thổ thực thụ, và những kẻ đang ở bên cạnh ta, phụt nhổ thuốc lá, là các chiến binh Kitô giáo kỳ cựu, và cái hồi kèn xung trận giục giã giờ đây, chuyến lâm chiến đầu tiên của đời ta, và cái tiếng nổ oành rồi rung chuyển: ngôi sao băng rơi tọt xuống mặt đất, bị các chiến binh kỳ cựu và các con tuấn mã đón nhìn một cách uể oải và chán chường, là một quả đạn thần công, quả đạn đầu tiên của quân thù mà ta trông thấy. Mong sao sẽ không có cái ngày ta phải thốt lên: “Ôi, quả cuối cùng”.
Gươm đã tuốt, chàng phi nước đại trên bình nguyên, mắt hướng về ngọn cờ hiệu của hoàng đế lúc ẩn lúc hiện trong khói, trong lúc những phát thần công của đồng đội xé ngang bầu trời trên đầu chàng; thế rồi địch quân chọc thủng phòng tuyến quân Kitô giáo, và các lô cốt đất cát dựng lên vội vàng. Chàng nghĩ: “Ta sẽ thấy quân Thổ thôi! Ta sẽ gặp quân Thổ cho mà xem!” Không gì thích bằng có quân thù rồi thấy quân thù đúng như ta hình dung.
Ừ thấy rồi: quân Thổ. Có hai tên đã tới ngay chỗ kia. Ngựa quàng tấm phủ lưng , khiên tròn nhỏ bằng da, áo choàng sọc đen xen sọc vàng nghệ. Mũ khăn xếp, sắc mặt đất son, ria mép giống như cái lão mà ở xứ RạngĐông mọi người gọi là “ông Mikê người Thổ”. Một trong hai tên bị giết và tên kia giết trả một người. Song quân Thổ ào ào kéo đến không kể xiết, và trận chiến bước vào hồi xáp lá cà. Nhìn thấy hai lính Thổ Nhĩ Kỳ thì y như thể đã nhìn thấy tất cả quân Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng là chiến binh, và mọi đồ đạc là trang bị của quân đội. Những khuôn mặt sạm nắng, săn lại như của nông dân. Giờ thì với Medardo, những gì ở đó để thấy, chàng đã thấy; chàng có thể quay về RạngĐông cho kịp mùa chim cút bay qua. Song chính là để chiến đấu mà chàng đầu quân. Cho nên chàng phi tới, hụp tránh các nhát gươm, cho đến lúc trông thấy một người lính Thổ thấp bé, chạy bộ, chàng bèn giết người này. Thừa thắng xông lên; chàng chạy tìm một kẻ to cao trên lưng ngựa, và chàng đã nhầm. Bởi chính những kẻ nhỏ con lại gây thiệt hại nhiều nhất. Với những thanh gươm cong ấy, họ chui xuống tận bên dưới con ngựa, và xọc mổ chúng.
Con ngựa của Melardo xoạc chân, khựng lại.
– Mi làm sao thế?
Tử tước thốt lên. Curzio bắt kịp, chỉ tay xuống phía dưới.
– Tướng công nhìn kìa!
Toàn bộ lục phủ ngũ tạng của con tuấn mã đã đổ ra trên mặt đất mất rồi. Con vật khốn khổ ngước lên, nhìn chủ, rồi chúi đầu xuống như thể muốn gặm đám ruột rà, song đó chỉ là một màn trình diễn anh hùng chủ nghĩa; nó lịm người, rồi chết. Và Melardo xứ RạngĐông không còn ngựa cưỡi nữa.
– Ngài trung úy, xin ngài hãy dùng con tuấn mã của tôi.
Curzio nói, song không thể dừng ngựa, vì đã bị bật ngã khỏi cái yên, một mũi tên quân Thổ đã bắn trúng anh ta, và con tuấn mã thì chạy mất.
– Curzio! – Tử tước kêu lên, và lần tới cạnh viên lính hầu đang rên rỉ trên mặt đất.
– Xin tướng công đừng bận tâm đến tôi – viên lính hầu nói – chỉ hy vọng bệnh viện vẫn còn rượu mạnh. Mỗi thương binh sẽ được nhấp một chén.
Chú Medardo xông vào cuộc hỗn chiến. Số phận của trận đánh còn chưa chắc chắn. Trong hỗn loạn, dường như quân Kitô giáo đang trên đà thắng thế. Chắc chắn quân Kitô giáo đã phá vỡ đội ngũ quân Thổ và vượt qua một số cứ điểm. Chú tôi, cùng với một số chiến binh gan dạ khác, thọc sâu tới mức lọt vào bên dưới pháo đạo của kẻ địch, thế là quân Thổ thụt lùi, để quân Kitô giáo vẫn ở trong tầm bắn. Hai người lính pháo binh Thổ đang lăn một cỗ pháo. Đã chậm chạp, râu tóc lại rậm rạp, còn quần áo thì quấn kín mít tới chân, nên trông họ như hai nhà thiên văn. Chú tôi nói:
– Bây giờ ta sẽ xáp tới đó xử lý họ.
Hăng tiết và thiếu kinh nghiệm, chú không biết là chỉ nên tiếp cận các khẩu thần công từ phía bên hông, hoặc từ phía đằng sau đuôi. Chú nhào ra trước họng pháo, gươm tuốt khỏi vỏ, tưởng rằng mình sẽ làm hai nhà thiên văn hoảng sợ. Thế mà họ đã mồi một phát ngay vào ngực chú. Tử tước Medardo xứ RạngĐông tung bổng lên không trung.
Chiều tối, chiến trận ngưng, hai cỗ xe đi nhặt các thi thể quân Kitô giáo trên bãi chiến trường. Một dành cho người bị thương, một dành cho người chết. Lần chọn đầu được quyết định tại chỗ. “Tôi nhặt người này, anh nhặt người kia”. Nơi dường như còn có thứ cứu vớt được, thì đem bỏ lên chiếc chở người bị thương; nơi chỉ còn mẩu và mảng, thì chất lên cỗ xe tải người chết để được nhận phép lành khi chôn cất; những gì mà ngay cả như một xác chết cũng không phải, thì bỏ lại làm bữa ăn cho cò. Trong những ngày ấy, do tổn thất gia tăng, một quy định đã được đề ra: phải chất cho thật đầy cỗ xe chở người bị thương. Thế là các phần thi thể của Medardo, coi là bị thương, được khiêng lên chiếc đó.
Lần chọn thứ hai sẽ được thực hiện ở trạm xá. Sau các trận đánh, tại trạm xá, cảnh tượng bày ra trước mắt còn khủng khiếp hơn chính các trận đánh. Dưới mặt đất, những chiếc cáng được xếp thành hàng dài, bên trên là các nạn nhân khốn khổ, cuống cuồng xung quanh họ: các bác sĩ thò tay chộp cái kẹp, lưỡi cưa, mũi kim, khúc khớp đã cắt, hay cuộn chỉ khâu. Chết hay chưa chết, trước mỗi thi thể họ làm mọi điều có thể để hồi sinh. Cưa chỗ này, khâu chỗ kia, bịt lỗ rách, lộn trái tĩnh mạch như thể lộn trái chiếc găng tay, rồi nhét lại về chỗ, và bên trong thì nhiều chỉ hơn là máu, song đã được chắp vá kín miệng. Khi một bệnh nhân đã tắt thở, tất cả những phần nào còn tốt được sử dụng để sửa đắp cho bộ phận một người khác… Cái rối rắm hơn cả là bộ ruột: một khi đã tháo bung ra thì không biết phải xếp lại như thế nào.
Rút tấm vải phủ đi, thân thể tử tước lộ ra là bị tàn phế một cách kinh khiếp. Mất một tay và mất một chân, không chỉ có thế, toàn bộ những gì từng là lồng ngực và bụng dưới, từ cái cánh tay xuống cái cẳng chân ấy cũng bị văng đi đâu mất, cũng bị bắn tung tóe bởi một viên đạn thần công lãnh đủ vào người. Những gì còn lại của cái đầu là một con mắt, một lỗ tai, một bên má, nửa sống mũi, nửa khóe miệng, nửa cái cằm, nửa vầng trán và nửa đầu bên kia thì chỉ là một mớ lùng bùng lão nhão. Vắn gọn, chàng chỉ sống sót được nửa người, cái nửa bên phải, vốn có thể nói là hoàn toàn không suy suyển, không có đến một vết xước, trừ cái vết toạc khổng lồ đã tách rời với cái phần bên trái bị tiêu tán bay đi.
Tất cả các y sĩ đều thích thú:
– Ồ, một ca tuyệt thú!
Nếu chàng tiếp tục chưa tắt thở, thì họ vẫn có thể thử tìm cách cứu sống chàng. Thế là họ xúm xít xung quanh chàng, trong lúc các chiến sĩ khốn khổ bị một mũi tên cắm vào bắp tay thì đang chết vì máu bị nhiễm độc. Khâu khâu vá vá, thoa thoa đắp đắp, trộn trộn nhào nhào: ai biết họ làm thế làm gì. Sự thể là sáng hôm sau chú tôi hé mở cái con mắt độc nhất, nhếch cái khóe miệng một nửa, phập phồng cái hốc mũi, và thở. Thể tạng khỏe mạnh của người xứ RạngĐông đã đề kháng được. Giờ thì chàng sống, và bị chẻ đôi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!