Lạc Lối - Chương 3
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
190


Lạc Lối


Chương 3


Khai giảng

Ngày 17 tháng Chín 2006

Cầm thời khóa biểu trên tay, tôi chạy để không bỏ lỡ giờ học đầu tiên. Tôi vừa làm thủ tục đăng ký học phần và vừa ra khỏi văn phòng. Tôi đã nhầm hoàn toàn khi nghĩ rằng mình đã thoát khỏi mọi nghĩa vụ hành chính sau khoảng thời gian chờ đợi vô tận mấy hôm trước!

Sau khi xong các thủ tục đăng ký hành chính, tôi còn phải qua tòa nhà của khoa sinh ngữ để đăng ký lớp học. Tôi chỉ có hai mươi giờ học rải rác trong cả tuần. Tôi đã sốt ruột chờ đợi thời khóa biểu này để có thể tổ chức và sắp xếp cuộc sống. Tôi sẽ có thể tiếp tục vừa làm vừa học. Ngay ngày mai, tôi có thể gọi đến trung tâm quảng cáo qua điện thoại để họ gửi cho tôi biểu giờ làm việc. Thủ tục này diễn ra khá nhanh, người ta mau chóng đưa trả lại tôi tờ khóa biểu nhưng giờ tôi đã bị muộn môn học đầu tiên. Liếc qua thời khóa biểu tôi thấy mình phải lên tầng bốn để học giờ văn minh Tây Ban Nha. Tôi vừa đi vừa chạy lên cầu thang, tôi vội học.

Tôi vào phòng học, những sinh viên khác đã có mặt ở đó. Tôi ấp úng câu “xin phép thầy” không thành lời. Thầy giáo thoáng nhìn tôi rồi cầm tờ danh sách lớp lên.

– Em tên gì?

– Laura, Laura D.

Sau khi viết nguệch ngoạc gì đó lên tờ danh sách, thầy ra hiệu cho tôi vào chỗ ngồi. Tôi ngồi xuống cạnh một bạn nữ. Trong lớp, đa số sinh viên là nữ, và chắc chắn trong cả khóa học cũng thế.

Thầy giáo yêu cầu chúng tôi điền vào một tờ phiếu để hiểu rõ sinh viên hơn. A, những tờ phiếu quen thuộc! Cho đến giờ, vẫn chưa có gì thực sự khác với trường trung học, chắc chắn với mỗi môn học chúng tôi sẽ phải điền một phiếu. Đến cuối tuần, nhất định tôi rốt cuộc sẽ trả lời chỉ trong vòng vài giây.

Trên tờ phiếu đó có một mục đề “Dự định nghề nghiệp”. Tôi dừng lại khá lâu ở câu hỏi này. Liệu tôi có biết mình thực sự muốn làm gì không? Tôi muốn làm trong ngành thương mại, điều đó đúng rồi, nhưng chính xác là làm cái gì? Tôi thực sự rất tin tưởng vào những thứ trách nhiệm hoàn toàn phù hợp với tôi, nhưng liệu có tồn tại một tên gọi nào đó, một công việc cụ thể cho thứ đó không? Tôi ghi lại tất cả những gì mình mơ ước, tôi thổ lộ mọi mong đợi với người thầy xa lạ này, tất cả những kỳ vọng của tôi vào trường đại học. Thiếu một cái gì đó.

Tôi gặm gặm đầu bút chì và đưa mắt lên trần nhà. Rồi, sau vài phút, tôi viết ở tận cuối bảng danh sách những ước mơ cho tương lai của mình:

Sống trọn vẹn

Đương nhiên đó không phải câu trả lời thầy giáo muốn, nếu quả thực là thầy giáo có mong đợi một câu trả lời, nhưng đó là câu phù hợp với tôi nhất.

Chúng tôi bắt đầu buổi học, và mỗi phút trôi qua, tôi thầm cảm ơn Chúa đã ban cho tôi món quà được ở trong căn phòng này. Mẹ đã phải bỏ ra hơn 400 euro để tôi được ở đây nhưng mẹ làm điều đó không chút do dự, bởi mẹ, người luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái, biết rất rõ rằng tương lai của tôi phụ thuộc vào nó. Tôi sẽ học, tôi sẽ thành công.

Buổi học hoàn toàn được giảng bằng tiếng Tây Ban Nha. Bố tôi là người Tây Ban Nha, và cho dù bố chẳng bao giờ nói với tôi bằng tiếng mẹ đẻ của mình, tôi học thứ tiếng này trong những kỳ nghỉ cùng họ hàng bên nội.

Thầy giáo đưa chúng tôi danh mục sách cần thiết cho năm học này.

– Tôi yêu cầu các em hết sức nghiêm khắc, nếu các em muốn đạt kết quả cao, các em phải đọc tất cả, hết sức chăm chú và ghi chép nhiều.

Tôi nuốt từng lời thầy. Phải, dĩ nhiên tôi sẽ đọc hết, tôi luôn thích đọc sách, đó không phải là vấn đề!

– Các em sẽ không thấy một số quyển trong thư viện. Tôi đã yêu cầu nhưng vẫn không có, thế nên chắc chắn các em phải bỏ tiền túi ra mua, rồi thỏa thuận cho nhau mượn…

Điều này làm tôi kém vui đi nhiều. Những quyển sách bằng ngôn ngữ gốc thường rất đắt, ít nhất là mười lăm euro, và nếu có định mua một hoặc hai cuốn, tôi sẽ không thể trang trải nổi những chi phí phát sinh này.

Tôi nhìn danh mục sách, lo lắng về độ dài của nó. Tôi nghiến răng khi nhận ra rằng phải tự mua hơn chục quyển. Tôi lẹ làng nhét tờ giấy vào túi, tôi không muốn làm hỏng một ngày của mình. Tôi còn nhiều thời gian để nghĩ về nó.

– Hơn nữa, tôi không chấp nhận việc vắng mặt thường xuyên không có lý do. Quá ba buổi, các em sẽ không được thi môn của tôi.

Thật rõ ràng, thẳng thắn và cụ thể. Tôi có muốn thực sự thành công hay không hoàn toàn do tôi lựa chọn. Các quân bài nằm trong tay tôi.

Giờ học nhanh chóng trôi qua, tôi chẳng chán dù chỉ một giây, không giống như ở trường trung học, cứ năm phút tôi lại nhìn đồng hồ một lần. Tôi tới lớp học tiếp theo, tại đây lần đầu tiên tôi biết thế nào là một giảng đường thực sự. Tôi ấn tượng đến nỗi cảm thấy nghẹt thở. Không chỉ mình tôi, nhiều sinh viên khác cũng dừng lại vài giây để chiêm ngưỡng căn phòng rộng lớn. Chỉ những sinh viên học lại mới vội vã tìm chỗ ngồi. Những sinh viên này, cũng giống khi đăng ký, họ đã quen, họ có thể tự cho phép mình tỏ ra dửng dưng.

Tôi lặng ngắm căn phòng, tôi đã biết mình sẽ thích học ở đây. Tôi sẽ chỉ như cây kim được giấu kỹ trong bó cỏ khô, người ta sẽ chẳng để ý đến tôi, người ta sẽ chẳng biết đến tôi. Giáo viên sẽ chẳng ngừng giờ giảng để nhận xét về bài làm buổi trước của tôi. Trường đại học là một dịch vụ: họ cung cấp cho chúng tôi một buổi học, chúng tôi có quyền tham dự hay không, chúng tôi có quyền làm như mình hiểu. Trường đại học trao trách nhiệm cho chúng tôi, chắc chắn tôi chỉ là một con số trong muôn vàn số khác, nhưng hiện giờ tôi phải lựa chọn có đảm nhận trách nhiệm đó hay không. Tôi thích môi trường này, nơi người ta đã coi chúng tôi như những người trưởng thành.

Cuối cùng tôi đã có nó, sự đoạn tuyệt thực sự với trường phổ thông trung học. Dù chỉ sau một ngày ở đây, tôi cảm thấy rằng mọi sự sẽ khác. Năm cuối trung học đã để lại trong tôi những dấu ấn không thể xóa nhòa, những nỗi đau mà tôi sẽ không phải gặp lại ở đây, tôi tin thế.

Trong năm cuối trung học, tôi nhớ một lần giáo viên lịch sử đã công khai sỉ nhục tôi trước cả lớp khi công kích cá nhân tôi. Sau một bài kiểm tra bất chợt mà tôi vừa được điểm rất xoàng, thầy giáo đó đã nhận xét tôi “không có khả năng”, còn tôi phản ứng lại bằng những cái chớp mắt dửng dưng. Tôi hoàn toàn có thể chịu đựng những nhận xét của thầy về bản thân tôi, sự thực là điều đó chẳng có nghĩa lý gì với tôi, bởi thầy không làm tôi bận tâm chút nào và thầy đã luôn đối xử với tôi như với một đứa con nít. Thảm kịch xảy ra ở câu nói sau đó.

– Không nói gì sao, Laura? Tôi không khen ngợi em đâu, tôi nghĩ rằng em phải xem xét lại tương lai của mình một cách hết sức nghiêm túc, nó hiện đang bấp bênh đấy.

Tất cả sự ác độc này là dành cho điểm số dưới trung bình đầu tiên và duy nhất của tôi! Nhưng thầy không dừng lại ở đó.

– Hãy công nhận đi, em quá lông bông và không học hành tử tế. Người ta chỉ gặt được thứ mà mình đã gieo thôi, Laura. Tôi nghĩ bố mẹ em thật vô trách nhiệm…

Nghe thấy từ “bố mẹ”, máu tôi đã sôi lên. Tại sao người đàn ông này lại có thể tự cho phép mình phán xét gia đình tôi chỉ thông qua một điểm số vô thưởng vô phạt không hơn? Trong giây lát tôi đã phát điên. Bạn cùng bàn tìm cách giữ tôi lại, nhưng đã quá muộn, cơn tức giận đã cuồn cuộn trong mạch tôi, và ngay cả trước khi người thầy giáo soi mói kịp có thời gian đáp lại, tôi đã hất tung cái bàn cùng tất cả những thứ trên đó. Những cơn khủng hoảng mà tôi là nạn nhân chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày hôm ấy. Tôi cầm ngay lấy cặp rồi chạy ra khỏi lớp.

Hôm sau, tôi đăng ký thi tốt nghiệp với tư cách thí sinh tự do. Tôi không chịu đựng được cái môi trường trẻ con này thêm nữa, thế nên đơn giản là tôi rời khỏi đó. Đến giờ tôi biết rằng mình đã phản ứng quá mức và rằng lẽ ra tôi nên kìm nén sự kiêu ngạo của mình lại. Nhưng vào thời điểm đó, tôi không thể. Bố mẹ tôi hoàn toàn không hiểu nổi và lúc đầu nghĩ rằng đó chỉ là một cơn giận dữ nhất thời. Nhưng khi thấy tôi không dậy vào buổi sáng, và khi nhận được giấy xác nhận tôi đăng ký thi như một thí sinh tự do, bố mẹ đã hiểu ra sự nghiêm túc trong quyết định của tôi. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn tiếp tục đánh thức tôi dậy vào buổi sáng, mắng mỏ để tôi đến trường, nhưng tôi không đi. Mẹ đã van xin tôi đi học lại, thậm chí mẹ đã khóc.

– Con hoàn toàn mất trí rồi! Con sẽ làm hỏng tất cả! Laura, mẹ xin con, việc học hành quá quan trọng để con bỏ giữa chừng như thế, vì một hành động thiếu suy nghĩ! Con sẽ không làm được gì nếu không tốt nghiệp! Con không thể bỏ giữa chừng, chỉ cách ngày thi có ba tháng!

Tôi không bao giờ nói với bố mẹ lý do quyết định của mình. Họ sẽ rất buồn. Tôi chỉ lắc đầu và nhắc lại rằng tôi sẽ không bao giờ đến trường nữa. Chính từ lúc đó,bố không nói chuyện với tôi nữa. Trước đây chúng tôi đã ít nói chuyện với nhau, nhưng tôi vừa mới thêm dầu vào lửa, tôi đã làm bố hết sức thất vọng. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nhận thấy lập tức khi ông muốn ôm tôi vào lòng và nói rằng ông yêu tôi, nhưng ông tự ngăn mình làm điều đó, và lặng lẽ bỏ đi, không nói một lời.

Thế là trong suốt ba tháng, tôi học ở nhà bằng cách tự tìm hiểu các bài giảng và sách giao khoa theo chương trình. Mẹ lén bố giúp tôi, bởi bố không tán thành – và sẽ không bao giờ tán thành – quyết định của tôi. Tháng Bảy, tôi được nhận bằng tốt nghiệp loại “khá”. Ngày hôm đó tôi cảm thấy tự hào làm sao! Mẹ tôi đã khóc vì vui sướng khi tôi báo tin này cho mẹ qua điện thoại. Buổi tối, bố vẫn không nói một lời, và chúng tôi ăn tối trong im lặng, bởi không có chuyện nhà tôi ăn mừng cho dù là vào tối hôm ấy.

Tôi đã rất may mắn, đến giờ tôi mới hiểu điều đó. Đó thực sự là nhờ may mắn hay là một động lực, một khát khao thành công quá đỗi? Vào đúng thời điểm này, tại giảng đường này, tôi biết rằng chuyện tương tự như ở trung học sẽ không thể đến với tôi. Theo thông lệ chung, giáo viên có qua nhiều học sinh để có thể nhớ hết tên, để đánh giá và dựa vào đó mà lăng nhục họ. Ở đây, chúng tôi học chỉ vì mình.

Tôi tiếp tục nhiều giờ học thực hành khác trong ngày: biên dịch, thực hành tiếng. Sau năm giờ học, tôi quay về cái tổ êm ái của mình, nơi tình yêu của tôi đang chờ đợi. Đây thực sự là một ngày đẹp, làm sao tôi có thể hạnh phúc hơn nữa? Tôi có một người bạn trai yêu thương tôi và đang sống cùng tôi tại trung tâm thành phố V., tôi học, và ngay cả khi không có nhiều tiền, tôi vẫn mạnh khỏe. Còn đòi hỏi gì hơn thế?

Tôi bước lên toa tàu điện ngầm chật ních. Năm nay tôi sẽ thành công, tôi biết điều đó, tôi cảm thấy điều đó, tôi muốn điều đó.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN