Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa - Chương 26
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
114


Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa


Chương 26


Lần đầu gặp ông, điều làm tôi sửng sốt trước tiên là cái bề ngoài duyên dáng lạ thường của ông, mặc dầu lưng ông hơi gù và giọng ông hơi khàn. Ông lúc ấy đang ở trong giai đoạn chín muồi của tâm hồn và của sự phát triển tài năng cao độ, khi cái toàn mỹ nội tâm lộ rõ ra bề ngoài, trong cử chỉ, lối nói, y phục, tóm lại, trên toàn bộ hình hài.

Ta cảm thấy rõ rệt vẻ duyên dáng kết hợp với sức tự tin trong đôi bàn tay to lớn của ông, trong cái nhìn chăm chú, trong dáng đi và trong bộ quần áo mà ông mặc thoải mái và hơn nữa, có vẻ cẩu thả của nghệ sĩ.

Tôi thường hình dung ông trong tưởng tượng như một con người mà một nhà văn đã được ở bên Gorky tại Krym, ở Tessel, đã kể lại cho tôi nghe.

Nhà văn ấy một hôm dậy rất sớm và lại bên cửa sổ. Một trận bão đang giật từng cơn ào ào trên mặt biển. Gió dồn dập, căng thẳng, từ phương Nam thổi lại, ào ào trong những khu vườn và làm cho những mũi tên chỉ hướng gió kêu lên kèn kẹt.

Cách ngôi nhà nhỏ của nhà văn không xa lắm có một cây bạch dương rất lớn. Một cây bạch dương chọc trời. Nếu Gogol còn sống ông sẽ gọi nó bằng cái tên như thế. Và nhà văn nhìn thấy Gorky đứng cạnh cây bạch dương, tì tay trên chiếc can, đầu ngẩng, chăm chú nhìn cái cây hùng mạnh ấy.

Cả vòm lá bạch dương nặng nề và dày đặc run rẩy, kêu ầm ầm trong bão. Lá cây căng thẳng theo chiều gió, phơi mặt trái trắng như bạc. Cây bạch dương rít như một cây đàn óocgơ khổng lồ.

Gorky đứng rất lâu, bất động và ngả mũ nhìn lên cây bạch dương. Sau ông nói một câu gì đó và đi sâu vào trong vườn, nhưng vẫn còn ngoái lại nhìn cây bạch dương mấy lần.

Trong bữa ăn tối, nhà văn đánh bạo hỏi Gorky xem ông nói gì khi đứng bên cây bạch dương, Gorky không ngạc nhiên và trả lời:

– Ờ, nếu ông bạn đã theo dõi tôi thì được, tôi xin thú thực. Tôi nói: “Hùng vĩ biết chừng nào!”.

Một lần tôi đến thăm Gorky tại căn nhà ngoại ô của ông trong vùng Gorky. Hôm ấy là một ngày hè, trời đầy mây nhẹ, loăn xoăn, bóng mây trong suốt làm cho những ngọn đồi xanh rực hoa bên kia bờ sông Moskva trở thành muôn màu muôn sắc. Gió ấm thổi trong các phòng.

Gorky nói chuyện với tôi về cuốn truyện dài của tôi vừa mới được xuất bản – cuốn “Kolkhida” – như thể tôi là người am tường thiên nhiên những miền á nhiệt đới. Điều đó làm tôi rất bối rối. Nhưng dầu vậy, chúng tôi đã tranh cãi về chuyện những con chó có bị sốt rét cơn hay không, Gorky cuối cùng chịu thua và còn mỉm cười hồn hậu nhắc đến một trường hợp trong đời mình khi ông nhìn thấy những con gà ở Poti bị sốt rét, lông xù ra và rên rỉ.

Không ai trong chúng ta bây giờ nói được như ông nói khi ấy. Một giọng nói có khối, rõ nét và âm vang.

Hồi đó tôi vừa mới được đọc một cuốn sách hiếm có của một thủy thủ Nga, thuyền trưởng Gernet. Cuốn sách nhan đề “Những Vết Hắc Lào Băng Giá”.

Có thời gian Gernet làm đại diện hàng hải Liên Xô ở Nhật. Ở đó, ông đã viết cuốn sách này, tự tay sắp chữ trong nhà in vì không tìm đâu được thợ Nhật biết tiếng Nga và cuốn sách chỉ được in có năm trăm bản trên giấy Nhật mỏng.

Trong cuốn sách của ông, thuyền trưởng Gernet trình bày luận thuyết độc đáo của ông về việc trả lại cho châu Âu khí hậu thời trung tân thế của những miền á nhiệt đới. Trong thời kỳ trung tân thế thuộc đệ tam kỷ bên bờ vịnh Phần Lan và cả trên nền Spitzbergen đều có những khu rừng mộc lan và trắc bá.

Tôi không thể kể tỉ mỉ luận thuyết của Gernet ở đây. Chuyện đó sẽ chiếm mất quá nhiều chỗ. Nhưng Gernet đã chứng minh rõ ràng đến nỗi không thể chối cãi được rằng nếu phá chảy được bộ áo giáp băng tuyết ở khu vực Groenland thì trung tân thế thuộc đệ tam kỷ sẽ trở về với châu Âu và một thời đại hoàng kim sẽ bắt đầu trong thiên nhiên.

Nhược điểm duy nhất của luận thuyết này là sự hoàn toàn không có khả năng làm chảy vùng băng Groenland. Ngày nay, sau khi loài người đã tìm ra năng lượng nguyên tử thì chuyện đó hẳn có thể làm được.

Tôi kể cho Gorky nghe luận thuyết của Gernet. Ông gõ gõ ngón tay trên mặt bàn và tôi nghĩ rằng ông nghe tôi chỉ vì lịch sự. Nhưng hóa ra ông bị lôi cuốn bởi luận thuyết đó, bởi lý lẽ hoàn chỉnh không thể bác bỏ được, thậm chí bởi tính chất trang trọng của nó.

Ông thảo luận với tôi về luận thuyết đó rất lâu, mỗi lúc một sôi nổi và đề nghị tôi gửi cho ông cuốn sách để in lại với số lượng lớn ở Nga. Và ông nói rất nhiều về chuyện có biết bao điều bất ngờ thông minh và tốt đẹp chờ đón ta từng bước.

Nhưng Aleksey Maksimovich Gorky không kịp cho xuất bản cuốn sách của Gernet. Ít lâu sau, ông qua đời.

Victor Hugo

Trên đảo Jersey trên biển Manche, nơi Victor Hugo bị lưu đày, người ta đặt tượng kỷ niệm ông.

Bức tượng đặt ngay trên bờ lở trông xuống đại dương. Bệ đặt tượng rất thấp, chỉ cao chừng hai mươi hoặc ba mươi phân. Cỏ mọc trùm lấy bệ. Vì thế trông như Victor Hugo đứng ngay trên mặt đất.

Tượng tạc ông đang đi ngược gió. Ông gập người về phía trước, áo choàng bay phần phật. Hugo giữ mũ trong tay để gió khỏi cuốn mất. Toàn thân ông ở trong cuộc vật lộn với sức đẩy của bão đại dương.

Bức tượng đặt trong một vùng hoang vắng, từ đó trông rõ mỏm đá, nơi yên nghỉ cuối cùng của thủy thủ Julias trong cuốn “Những Người Lao Động Của Biển Cả”.

Chung quanh, trong tầm mắt, chỉ toàn là đại dương không lúc nào yên lặng đang rú rít. Những đợt sóng lớn liếm láp chân những mỏm đá, cất bổng lên, lắc lư những bụi hải thảo và ầm ầm nặng nhọc xông vào những hốc ngầm.

Trong những ngày sương mù người ta có thể nghe rõ tiếng còi gào thét buồn thảm của những hải đăng xa. Đêm đêm những ánh lửa hải đăng nằm dọc chân trời, ngay sát mặt đại dương. Chúng thường bị nhận chìm trong nước. Chỉ căn cứ vào dấu hiệu ấy ta mới biết được những đợt sóng che lấp ánh hải đăng, đẩy đại dương lên bờ đảo Jersey, lớn đến thế nào.

Mỗi khi đến ngày kỷ niệm Victor Hugo tạ thế, dân đảo Jersey đặt dưới chân tượng Hugo mấy nhành vạn niên thanh. Một thiếu nữ đẹp nhất đảo được cử đi đặt những nhành vạn niên thanh dưới chân Hugo.

Vạn niên thanh có những lá bầu dục chắc nịch màu ô-liu. Ở đây, người ta tin rằng vạn niên thanh mang lại hạnh phúc cho người sống và kỷ niệm sâu xa cho kẻ chết.

Điều họ tin là sự thật. Sau khi chết, tinh thần nổi loạn của Hugo lang thang khắp nước Pháp.

Đó là một con người nồng nhiệt, điên dại và sôi nổi.

Ông phóng đại tất cả những gì ông nhìn thấy và những gì ông viết ra. Thị giác của ông vốn thế. Đối với ông cuộc đời được tạo thành bởi những đam mê lớn lao, được thể hiện một cách hào hùng và trang trọng.

Đó là nhạc trưởng vĩ đại của một dàn nhạc lớn gồm toàn kèn và sáo. Tiếng kèn hân hoan, tiếng trống ầm ầm, tiếng sáo lanh lảnh và buồn bã, tiếng sáo lớn khàn khàn. Đó là thế giới âm nhạc của ông.

Nhạc của những tác phẩm của ông cũng hùng dũng như tiếng sấm của sóng triều đại dương đập vào bờ. Nó làm đất giật mình. Và trái tim của những người yếu ớt cũng rung lên.

Nhưng ông không thương những trái tim ấy. Ông là kẻ điên rồ trong khát vọng muốn truyền cho toàn thể nhân loại nỗi căm thù, niềm hân hoan và tình yêu sôi nổi của mình.

Ông không phải chỉ là hiệp sĩ của tự do. Ông là sứ giả, là người đưa tin, là người hát rong ca ngợi tự do. Ông như đứng trên mọi ngã ba, ngã tư của tất cả những con đường trên trái đất này mà kêu lên: “Hỡi các công dân, hãy nắm lấy vũ khí”.

Ông xông vào cái thế kỷ cổ điển và đáng ngán như một ngọn cuồng phong, như một cơn gió lốc, nó mang lại những dòng mưa ào ạt, những lá, những đám mây đen, những cánh hoa, khói thuốc súng và những huy hiệu gài trên mũ bị giật xuống.

Ngọn gió đó tên là lãng mạn.

Nó luồn vào trong bầu không khí tù hãm của châu Âu và lấy hơi thở của niềm mơ ước bất kham mà nó mang trong mình làm tràn ngập bầu không khí đó.

Tôi lặng đi và mê mẩn vì cái nhà văn điên cuồng ấy từ lúc còn thơ khi đọc xong năm lần liền cuốn “Những Người Khốn Khổ”. Tôi đọc xong và ngay ngày hôm đó lại bắt đầu đọc lại.

Tôi kiếm được một tấm bản đồ Paris và đánh dấu trên đó những nơi xảy ra sự việc trong tiểu thuyết. Tôi gần như đã trở thành một người tham gia cuốn truyện và đến ngày nay trong thâm tâm tôi vẫn coi Jean Valjean, Cosette và Gavroche là bạn thời thơ ấu của mình.

Từ thuở ấy Paris không còn là quê hương của những nhân vật của Victor Hugo nữa mà đã trở thành cả quê hương tôi. Chưa nhìn thấy Paris bao giờ, nhưng tôi đã yêu mến Paris. Càng về sau tình cảm ấy càng thêm vững chắc.

Thêm vào với Paris của Victor Hugo là Paris của Balzac, Guy de Maupassant, Dumas[41], Flaubert, Zola, Jules Vallès[42], Anatole France[43], Romain Rolland, Alphonse Dodet, Paris của Villon và Arthur Rimbaud, Prosper Mérimée[44] và Stendhal, Henri Barbusse[45] và Béranger.

[41] Alexandre Dumas (1802-1870), nhà văn, nhà biên kịch Pháp, tác giả “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, thường được gọi là Dumas Cha, để phân biệt với một Alexandre Dumas khác con của ông (1824-1895) được gọi là Dumas Con..

[42] Jules Vallès (1832-1885) nhà văn và nhà báo Pháp.

[43] Anatole France (1844-1924), nhà văn Pháp.

[44] Prosper Mérimée (1803-1870), nhà văn Pháp.

[45] Henri Barbusse (1873-1935), nhà văn Pháp.

Tôi sưu tầm những bài thơ nói về Paris và chép riêng vào một quyển vở. Rất đáng tiếc là tôi đã đánh mất quyển vở ấy, nhưng nhiều đoạn trong những bài thơ thì tôi đã thuộc lòng. Những vần thơ khác nhau – hoa mỹ và giản dị:

Bạn sẽ gặp một thành phố thần tiên

Những thế kỷ ròng bao người sùng mến

Hãy dạo chơi cho lòng hết ưu phiền

Cho tay mình lấy lại sức tiên thiên

Bên những bồn phun nước vườn Luxembourg tuyệt diệu

Và một con đường tiêu huyền ngả bóng

Như Mimi diễm kiều trong truyện của Murger

Victor Hugo đã gợi lên cho nhiều người trong chúng ta tình yêu đầu tiên đối với Paris và chúng ta mang ơn ông vì điều đó. Nhất là những ai đã được hạnh phúc nhìn thấy thành phố vĩ đại này.

Mikhail Prishvin

Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng sự biết ơn đó là Mikhail Prishvin.

Tên Mikhail Mikhailovich Prishvin là tên dùng trong thành phố, còn ở những nơi mà Prishvin cảm thấy là nhà mình – trong những túp lều tranh của những người tuần rừng, ở những bãi sông dằng dặc màn sương, dưới những đám mây và những vì sao của bầu trời đồng nội nước Nga – người ta gọi ông rất đơn giản là “Mikhalych”. Và dĩ nhiên, người ta rầu lòng khi ông biến mất trong những thành phố, nơi chỉ có loài én làm tổ dưới mái sắt là nhắc ông nhớ đến “quê hương loài sếu” của ông.

Cuộc đời của Prishvin là một thí dụ về con người chối bỏ mọi cái do hoàn cảnh áp đặt và chỉ sống “theo lệnh truyền của trái tim”. Cách sống như vậy có một ý nghĩa lành mạnh, vô cùng vĩ đại. Người sống “theo trái tim”, trong sự hòa hợp với thế giới bên trong của mình là người sáng tạo, là người làm giàu cho cuộc sống và là nghệ sĩ.

Không hiểu nếu Prishvin vẫn là nhà nông học (nghề đầu tiên của ông) thì trong đời ông, ông đã làm được những gì? Dù sao thì chưa chắc ông đã phát hiện được cho hàng triệu người biết thiên nhiên Nga như một thế giới thi ca tế nhị nhất và trong sáng nhất. Đơn giản là ông chẳng có đủ thì giờ để làm chuyện đó. Thiên nhiên đòi hỏi con mắt chăm chú và hoạt động nội tâm liên tục để tạo ra trong tâm hồn nhà văn một thứ “thế giới thứ hai” của thiên nhiên. Cái thế giới thứ hai ấy làm cho chúng ta thêm giàu suy tưởng, nó lấy sắc đẹp của thiên nhiên mà nghệ sĩ đã thấy, làm cho chúng ta cao quý hơn lên.

Nếu ta đọc kỹ tất cả những gì Prishvin đã viết thì ta sẽ phải tin chắc rằng ông mới chỉ kịp nói với chúng ta được có một phần trăm những điều ông thấy và hiểu rất rõ.

Đối với những nghệ sĩ bậc thầy như Prishvin, một cuộc đời thực quá ít ỏi. Họ là những người có thể viết cả một bài thơ trường thiên về mỗi chiếc lá thu rơi. Mà có nhiều lá như vậy rơi lắm. Có biết bao nhiêu lá rơi mang theo những ý nghĩ không nói ra của nhà văn, những ý nghĩ mà Prishvin nói rằng chúng rụng xuống như những chiếc lá, không cần phải gắng sức.

Prishvin gốc người tỉnh Eltz – một thành phố Nga cổ. Cũng trong những vùng ấy đã xuất hiện Bunin, người hệt như Prishvin, biết làm cho thiên nhiên phong phú thêm bằng màu sắc của suy tư và tâm trạng con người.

Giải thích điều đó như thế nào đây? Hẳn là do thiên nhiên vùng đông Orlovshina, thiên nhiên ở quanh tỉnh Eltz rất Nga, rất giản dị và không trù phú. Và chính trong đặc điểm ấy, cả trong vẻ hơi khắc nghiệt của nó, ta tìm được câu giải đáp về cái sắc sảo nhà văn trong Prishvin. Trên cơ sở giản dị, phẩm chất đất đai nổi lên rõ hơn, cái nhìn cũng sắc hơn và ý nghĩ cũng tập trung hơn.

Sự giản dị nói với con tim mạnh hơn cái hào nhoáng nhiều màu nhiều sắc, ánh lửa pháo hoa của những buổi hoàng hôn, bầu trời sao sôi sục và cây cỏ lấp lánh của những miền nhiệt đới, gợi ta đến những thác nước lớn, những Niagara lá và hoa.

Viết về Prishvin rất khó. Ta cần ghi lại cho ta những lời của ông trong sổ tay ghi những điều thầm kín, đọc đi đọc lại, tìm ra những vật báu mới trong mỗi dòng, trong khi đi sâu vào tác phẩm của ông như đi theo những con đường không rõ nét không rừng thẳm nơi có những dòng suối trò chuyện với nhau và hương thơm của cỏ; dùng trí óc và trái tim thâm nhập vào những ý nghĩ và những trạng thái tâm hồn phong phú đặc biệt chỉ có trong con người trong trắng của ông.

Prishvin cho mình là nhà thơ “bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi”. Nhưng ông đã lầm. Văn xuôi của ông còn tràn đầy chất thơ hơn rất nhiều so với một số lớn những bài thơ và những bản thơ trường thiên.

Nói theo cách Prishvin thì tác phẩm của ông là “niềm vui vô tận của những khám phá thường xuyên”.

Tôi đã vài lần được nghe thấy ở những người vừa đọc xong một cuốn sách của Prishvin cũng những lời này: “Rõ là phép phù thủy!”

Nói tiếp câu chuyện với họ tôi mới hiểu người ta nói như thế vì họ cảm thấy cái ngây ngất khó tả, nhưng rõ rệt và chỉ có ở Prishvin.

Điều bí ẩn của nó ở chỗ nào? Bí mật của những cuốn sách ấy ở đâu? Những chữ “phép phù thủy”, “phép tiên”, “phép màu” thường dùng trong những truyện cổ tích. Nhưng Prishvin đâu phải là người viết cổ tích. Ông là người của đất, của “bà mẹ đất đai ẩm ướt”, nhân chứng của tất cả những gì đang diễn ra quanh ông trên trái đất.

Bí mật của cái duyên Prishvin, pháp thuật của ông, chính là nằm trong cái sắc sảo của ông.

Đó là cái sắc sảo biết tìm ra trong mỗi vật nhỏ bé một điều thú vị, dưới cái bề ngoài đáng ngán của những hiện tượng quanh mình một nội dung sâu sắc.

Mọi vật đều loáng lên ánh thơ như cỏ gặp sương. Mỗi lá liễu hoàn diệp hèn mọn có cuộc đời riêng của nó.

“Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã nằm xuống. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông. Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật, thì sương đã ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh. Tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để trang hoàng như vậy”.

Trong đoạn văn thực là kim cương này mọi vật đều giản dị, chính xác và đầy chất thơ bất tử.

Đọc những chữ trong đoạn ấy bạn sẽ phải đồng tình với Gorky khi ông nói rằng Prishvin đã “cao tay tạo ra bằng những kết hợp mềm dẻo các từ đơn giản làm cho mọi vật được ông miêu tả gần như có thể sờ mó được”.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prishvin là ngôn ngữ nhân dân. Nó chỉ hình thành trong sự cọ sát chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong tính cách dân dã giản dị và hiền minh.

Câu: “Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch” hoàn toàn truyền đạt rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi trên đất nước ngủ yên. Và “băng đầu mùa nằm xuống”, và “sương đã ướt đầm cây cỏ” – tất cả những từ đó đều sinh động, đều nhân dân, không phải nghe lỏm ở đâu mà có, hoặc rút ra từ sổ tay mà được, mà phải là của riêng mình. Bởi vì Prishvin là người của nhân dân chứ không phải người quan sát đứng ở bên ngoài mà nhìn nhân dân, coi nhân dân như chất liệu sáng tác. Chuyện đó, tiếc thay, lại vẫn thường gặp ở các nhà văn.

Những nhà thực vật học có danh từ “tạp thảo” (raznotravie). Danh từ này thường dùng để chỉ những cánh đồng cỏ ra hoa. Nó là sự ngẫu hợp của hàng trăm thứ hoa tươi tắn khác nhau mọc đầy trên bờ những ao những hồ liên tiếp bên những triền sông.

Ta hoàn toàn có quyền gọi văn xuôi của Prishvin là “tạp thảo” của ngôn ngữ Nga. Những từ của Prishvin nở hoa, lấp lánh. Lúc thì chúng xào xạc như cỏ, lúc lại thì thào như nguồn suối, lúc thì hót lên đối đáp nhau như chim, lúc kêu lách tách khe khẽ như băng đầu mùa, và lúc thì hình thành trong trí ta chậm chạp và quy củ chẳng khác gì một dòng sao.

Phép lạ của văn Prishvin sở dĩ có được là do những hiểu biết rộng rãi của ông. Trong bất cứ lĩnh vực trí thức nào của con người cũng có một hồn thơ vô tận. Những nhà thơ đáng lẽ phải biết điều đó từ lâu.

Đề tài về bầu trời sao được các nhà thơ yêu mến sẽ tráng lệ thêm biết bao nhiêu nếu như các nhà thơ biết rõ thiên văn học.

Đêm với bầu trời không tên và vì thế mà không có sức biểu hiện mạnh mẽ là một chuyện, nhưng cũng đêm ấy, nếu nhà văn biết quy luật vận động của vòm sao và khi mặt nước hồ phản chiếu không phải một chòm sao nào đó, mà là sao Oriol lấp lánh lại là một chuyện khác.

Có thể dẫn ra rất nhiều thí dụ chứng minh rằng chỉ một hiểu biết con con cũng mở ra trước mắt chúng ta những lĩnh vực mới của cái đẹp. Trong chuyện đó mỗi người có kinh nghiệm riêng của mình.

Nhưng lúc này tôi muốn kể câu chuyện về một câu văn của Prishvin, câu văn này đã giải thích cho tôi hiểu một hiện tượng mà đến lúc ấy tôi vẫn cảm thấy là ngẫu nhiên. Câu văn của Prishvin không phải chỉ giải thích hiện tượng ấy mà còn làm cho nó trọn vẹn thêm bằng cái duyên dáng, tôi muốn nói cái duyên dáng theo đúng quy luật.

Từ lâu tôi đã nhận thấy trong những cánh đồng cỏ luôn luôn sũng nước bên bờ sông Ôka lác đác có những bông hoa như được lượm lại thành từng cụm; còn ở một số chỗ khác giữa đám cỏ bình thường bỗng kéo dài một dải ngòng ngoèo toàn một thứ hoa giống nhau. Từ trên chiếc máy bay nhỏ bé “U-2” vẫn thường đến phun thuốc trừ muỗi ở những đồng cỏ lác và đầm lầy, cảnh đó trông càng rõ.

Đã nhiều năm tôi ngắm nghía những dải hoa cao lêu nghêu và thơm ngát kia, mê mẩn với chúng, nhưng không biết giải thích hiện tượng đó như thế nào. Mà phải thú thực rằng tôi cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện đó.

Và rồi ở Prishvin, trong cuốn “Bốn Mùa”, cuối cùng tôi đã tìm thấy câu giải thích ấy chỉ trong có một dòng chữ, trong một đoạn ngắn con con dưới đầu đề “Những Dòng Sông Hoa”.

“Nơi trước kia có những dòng suối xuân chảy băng băng, giờ đây là những suối hoa”.

Tôi đọc câu đó và hiểu ngay rằng những dải hoa mọc lên đúng ở nơi mùa xuân có nước dòng chảy mạnh và để lại đất phù sa màu mỡ. Nó giống như một bức bản đồ bằng hoa vẽ những con suối xuân.

Sông Đupna chảy qua gần Moskva. Người ta đã đến cư trú ở đấy có hàng nghìn năm, sông Đupna nổi tiếng, nó được ghi trên bản đồ. Đupna chảy êm đềm qua những khu rừng nhỏ ngoại ô Moskva toàn cây hốt bố, xanh lên màu đồng nội và đồi cây, nó chảy bên những thành phố cổ xưa: Đmitrov, Verbilki, Taldom. Hàng ngàn người đã đi qua dòng sông này. Trong số đó có các nhà văn, các họa sĩ và các nhà thơ. Nhưng không có ai nhận ra chút gì đặc biệt đáng mô tả trên dòng Đupna hết. Không có ai đi trên hai bờ sông này mà cảm thấy như đi trên một đất nước chưa người biết tới.

Prishvin đã làm chuyện đó. Và sông Đupna bình thường bỗng lấp lánh dưới ngòi bút của ông, giữa những đám sương mù và những buổi hoàng hôn âm ỉ cháy, giống như một phát hiện địa lý, một phát minh, như một trong những dòng sông thi vị nhất của đất nước với cuộc sống riêng, với cây cỏ riêng, với cảnh quan duy nhất chỉ riêng Đupna mới có, với sinh hoạt của những người dân ở hai bên bờ sông và với lịch sử.

Ở nước ta có những người vừa là nhà thơ vừa là nhà bác học như Timiryazev, Kliuchevsky, Kaigorođov, Menzbir, Fersman, Obruchev, Arsenyev, như nhà thực vật học Kozhevnikov, người đã viết một cuốn sách rất mực khoa học đồng thời lại rất hấp dẫn về mùa xuân và mùa thu trong đời sống thảo mộc.

Và ở nước ta đã có và hiện có những nhà văn biết đưa khoa học vào truyện dài, tiểu thuyết của mình như một tố chất cần thiết bậc nhất của văn xuôi thí dụ như Menikov-Pechersky, Arsakov, Gorky, Pinegin và những người khác nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN