Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước
Chương 7: Cô dâu của thầy giáo
“Ai là cô dâu đầu tiên từng đến căn nhà này vậy thuyền trưởng Jim?” Anne hỏi, lúc cả nhà quay quần quanh lò sưởi sau bữa tối.
“Có phải cô ấy là một phần trong câu chuyện cháu nghe nói gắn liền với căn nhà này không?” Gilbert hỏi. “Có người nói với cháu rằng ông kể câu chuyện ấy, thuyền trưởng Jim ạ.”
“Ừ, đúng, ta biết chuyện ấy. Ta nghĩ ta là người duy nhất sống ở Bốn Làn Gió còn nhớ về cô dâu của thầy giáo khi cô ấy đến đảo. Cổ mất đã ba mươi năm nay rồi, nhưng cổ nằm trong số những phụ nữ mà người ta không bao giờ quên được.”
“Ông kể cho cháu cháu chuyện ấy đi.” Anne nài nỉ. “Cháu muốn tìm hiểu mọi thứ về những người phụ nữ từng sống ở căn nhà này trước cháu.”
“À, mới chỉ có ba người thôi… Elizabeth Russell, rồi bà Ned Russell, và cô dâu của thầy giáo. Elizabeth Russell là một người con gái nhỏ nhắn xinh xắn, thông minh, cả bà Ned cũng là một người phụ nữ dễ thương nữa. Nhưng họ không giống chút nào với cô dâu của thầy giáo.”
“Tên thầy giáo là John Selwyn. Từ Old Country thầy đến dạy học ở Glen khi ta còn là một thằng con trai mười sáu tuổi. Ổng không như mấy gã vô dụng hay ra đảo Hoàng Tử Edward dạy học thời đấy. Đám đó gần hết là mấy gã khôn lỏi say rượu, khi tỉnh rượu thì dạy bọn trẻ được vài ba chữ, lúc say vào thì đánh đập tụi nhỏ. Nhưng John Selwyn là một chàng trai trẻ đẹp, đáng mến. Thầy trọ lại nhà cha ta, và thầy với ta là bạn chí cốt, mặc dù thầy hơn ta tới mười tuổi. Bọn ta đọc sách và đi bộ và nói cả đống chuyện với nhau. Ổng biết tất cả thơ phú từng được viết ra trên đời này, ta nghĩ thế, và ổng thường đọc lại cho ta nghe vào những buổi tối đi bộ dọc bờ biển. Cha ta thì nghĩ làm thế chỉ tổ phí thì giờ, nhưng cha cũng cố chịu đựng chuyện đó, hy vọng nó sẽ làm ta từ bỏ ý định đi biển. Hừm, chẳng có gì làm được chuyện đó… mẹ ta là dân biển và ta sinh ra đã có cái máu đó rồi. Nhưng ta thích nghe John đọc sách và trích thơ lắm. Đã gần sáu mươi năm rồi mà ta vẫn còn đọc lại được hàng tá thơ ta học từ ông ấy. Gần sáu mươi năm rồi!”
Thuyền trưởng Jim lặng im một nhịp, đăm đắm nhìn ngọn lửa cháy như đang tìm kiếm những gì đã qua. Rồi, với một tiếng thở dài, ông tiếp tục câu chuyện của mình.
“Ta nhớ một tối mùa xuân nọ, ta gặp ổng trên đồi cát. Trông thầy giáo có vẻ kích động… y như cháu, bác sĩ Blythe ạ, lúc cháu đưa cháu gái Blythe vô nhà tối nay. Ta nghĩ đến ổng ngay khi ta nhìn thấy cháu. Ổng nói với ta ổng có một cô người yêu ở nhà và cổ sắp ra đây với ổng. Ta chẳng hài lòng một tẹo nào, cái thằng trẻ người non dạ ích kỷ xấu tính là ta hồi đó; ta nghĩ ổng sẽ không còn thân với ta mấy nữa một khi cô kia đến. Nhưng ta cũng đủ lịch sự để không cho ông ấy thấy. Ổng kể cho ta mọi thứ về cổ. Cổ tên là Persis Leigh, và đáng lẽ cổ đã ra với ổng rồi nếu không vì người chú bị ốm của cổ. Ông chú ốm, mà ông ấy thì đã chăm sóc cho cổ từ hồi cha mẹ cổ mất và cổ không chịu rời ông ấy. Và giờ thì ông ấy chết rồi và cổ sẽ ra đây để cưới John Selwyn. Hồi đó phụ nữ mà đi một chặng như thế là không dễ dàng gì. Nên nhớ là làm gì hồi đó đã có tàu thủy chạy nồi hơi.”
“ ‘Anh tính khi nào chị tới nơi?’ ” ta nói.
“ ‘Chị ấy lên con tàu Royal William, từ ngày 20 tháng Sáu,’ anh ấy nói, ‘vậy nên chị ấy sẽ có mặt ở đây khoảng giữa tháng Bảy. Anh phải nhờ bác thợ mộc Johnson xây cho anh một cái nhà cho chị mới được. Anh nhận được thư chị hôm nay. Anh biết ngay từ trước khi mở thư là có tin tốt cho anh mà. Mấy đêm hôm trước anh có gặp chị.’ ”
“Ta không hiểu, và ổng giải thích… mặc dù sau đó ta cũng chẳng hiểu hơn là mấy. Ổng nói ổng có một năng lực, một món quà, hay một lời nguyền. Đấy là lời ông ấy, cháu Blythe ạ… một món quà hoặc một lời nguyền. Ông ấy không biết là cái nào. Ổng nói một người kỵ ở bên đằng ngoại của ổng có năng lực đó, vì vậy mà người ta đã thiêu bà, nói bà là phù thủy. Ổng nói những cơn mê kỳ quái… những trận lên đồng, ta nghĩ ổng dùng từ đó… thỉnh thoảng lại chiếm lấy ông ấy. Có mấy chuyện đó không, bác sĩ?”
“Chắc chắn có những người dễ bị các trạng thái lên đồng như vậy,” Gilber trả lời. “Vấn đề này thiên về nghiên cứu tâm thần hơn là y khoa. Những cơn lên đồng của thầy John Selwyn này như thế nào ạ?”
“Như các giấc mơ chứ gì,” ông bác sĩ già nói vẻ nghi ngờ.
“Ổng nói ổng nhìn thấy chuyện nọ chuyện kia trong đó,” thuyền trưởng Jim thong thả nói. “Mọi người nên nhớ là ta đang kể đúng những gì ổng nói… những chuyện đã xảy ra… những chuyện sắp xảy ra. Ổng nói cái đó nhiều khi là một niềm an ủi của ông, lắm lúc lại là nỗi kinh hoàng. Bốn đêm trước đêm hôm đó ổng gặp một “cơn” như thế… trôi vô trỏng khi đang ngồi nhìn lò sưởi. Rồi ổng thấy một căn phòng cũ ở Anh mà ổng biết rõ, thấy Persis Leigh trong đó, giơ tay về phía ông ấy, trông rất vui mừng và hạnh phúc. Vậy nên ổng biết mình sắp được tin tốt từ cổ.”
“Nằm mơ… nằm mơ,” ông bác sĩ lầm bầm.
“Có thể lắm… có thể lắm,” thuyền trưởng Jim thừa nhận. “Lúc đó ta cũng nói với ổng như thế. Nghĩ vậy thì thoải mái hơn rất nhiều. Ta không thích chuyện ổng nhìn thấy cái nọ cái kia… nghe rùng rợn lắm.”
“ ‘Không,’ ổng nói, ‘anh không mơ. Nhưng ta sẽ không nói chuyện này nữa. Em sẽ không còn là bạn của anh như trước nữa nếu em nghĩ nhiều về chuyện này.’ ”
“Ta nói với ổng rằng không điều gì có thể làm suy suyển tình bạn của ta. Nhưng ổng chỉ lắc đầu và nói, ổng nói:
“ ‘Nhóc, anh biết mà. Anh từng mất bạn vì chuyện này. Anh không trách họ. Có những lúc chính anh cũng thấy khó thân thiện với bản thân mình vì chuyện đó. Một khả năng như vậy có chút gì siêu phàm ở trong đó… là tốt hay là xấu ai mà nói được? Và con người chúng ta thảy đều rụt khỏi những tiếp xúc quá gần gũi với Chúa trời cũng như Quỷ dữ.’”
“Lời ổng đó. Ta nhớ chúng như thể mới hôm qua, mặc dầu hồi đó ta không biết thiệt tình là ổng muốn nói gì. Bác sĩ, ông nghĩ ổng có ý gì?”
“Tôi ngờ là chính thầy ấy cũng không biết mình muốn nói gì,” bác sĩ Dave cáu kỉnh đáp.
“Cháu nghĩ là cháu hiểu,” Anne thì thầm. Cô đang lắng nghe bằng thái độ quen thuộc, môi mím chặt và mắt sáng ngời. Thuyền trưởng Jim mỉm một nụ cười ngưỡng mộ trước khi tiếp tục câu chuyện.
“Ừm, chẳng mấy mà cả Glen và Bốn Làn Gió đều biết cô dâu của thầy giáo sắp đến, và mọi người mừng lắm vì họ nghĩ rất tốt về thầy. Và mọi người đều quan tâm đến ngôi nhà mới của thầy… căn nhà này đây. Thầy chọn địa điểm, vì từ đây có thể nhìn thấy vịnh và nghe tiếng biển. Thầy làm khu vườn ngoài kia cho cô dâu của thầy, nhưng thầy không trồng mấy cây dương Lombardy. Mấy cây đó bà Ned Russell trồng. Nhưng có một hàng đôi bụi hồng trong vườn mà mấy bé gái học ở trường Glen trồng ngoài đó cho cô giáo. Thầy ấy nói chúng hồng như mà cô, trắng như trán cô và đỏ như môi cô. Thầy ấy trích thơ nhiều đến nỗi thành thói quen nói cũng ra thơ luôn, ta đoán thế.”
“Gần như cả làng cả xóm đều gửi cho thầy ít quà để giúp trang bị căn nhà. Khi mà Russell chuyển vô, họ khá dư dả và trang bị nhà cửa rất là tươm tất, như mọi người thấy đấy; nhưng các món đồ đầu tiên vào nhà này chỉ giản dị thôi. Nhưng căn nhà này giàu tình yêu lắm đó. Các bà các cô gửi mền và khăn trải bàn rồi khăn ăn, người này góp cho cô giáo cái tủ, người kia cái bàn, cứ thế. Ngay bà già mù Margaret Boyd cũng đan cho cô giáo một cái làn nhỏ từ cỏ ngọt trên đồi cát. Cô giáo dùng cái làn đó hàng bao nhiêu năm trời để đựng khăn tay.”
“Rồi, cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng… đến từng khúc củi trong lò sưởi lớn cũng sẵn sàng để thắp lửa. Không phải cái lò này đâu, mặc dù cũng vị trí đó. Cô Elizabeth cho xây cái lò sưởi này khi cổ sửa lại căn nhà mười lăm năm trước. Hồi đó nó là một cái lò sưởi lớn, kiểu cũ, quay được cả một con bò ở trỏng. Rất nhiều lần ta đã ngồi đây kể chuyện, cũng như ta đang làm đêm nay.”
Lại một khoảng lặng nữa, khi thuyền trưởng Jim có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những vị khách mà Anne và Gilbert không nhìn thấy được – những người đã cùng với ông ngồi quanh cái lò sưởi kia trong những năm tháng đã tàn phai, cùng từng câu đùa và bao niềm vui mới mẻ bừng sáng trong những đôi mắt từ lâu đã vĩnh viễn nhắm lại dưới lớp đất nghĩa trang nhà thờ hay dưới từng dặm biển phập phồng. Tại đây vào những đêm xưa cũ, lũ trẻ con đã vô tư thả những tràng cười qua lại. Nơi đây trong những đêm đông, bạn bè đã quần quay. Hát ca, nhảy múa, đùa vui. Nơi đây những người trẻ tuổi và những trinh nữ đã mộng mơ. Với thuyền trưởng Jim, cư ngụ trong căn nhà nhỏ đó là bóng hình mong cầu được nhớ tới.
“Đến đầu tháng Bảy thì căn nhà hoàn tất. Thầy giáo bắt đầu đếm từng ngày. Chúng ta thường thấy thầy đi bộ một mình dọc bờ biển, và bọn ta nói với nhau, ‘Cô ấy sắp đến với thầy rồi.’ ”
“Theo kế hoạch thì giữa tháng Bảy cô giáo sẽ đến nơi, nhưng lúc đó cô không đến. Chẳng ai sốt ruột cả. Thuyền bè thời bấy giờ có thể trễ nhiều ngày thậm chí nhiều tuần. Tàu Royal William trễ một tuần… rồi hai… rồi ba. Và rốt cuộc chúng ta bắt đầu sợ hãi, và mọi thứ càng lúc càng tệ. Cuối cùng ta không nỡ nhìn vào mắt John Selwyn nữa. Cháu có biết không, cháy Blythe” – Thuyền trưởng Jim hạ giọng – “ta thường nghĩ đôi mắt đó hẳn giống như mắt bà cố của thầy lúc cụ bị người ta thiêu đến chết. Thầy chẳng nói gì nhiều nhưng thầy dạy học như người mộng du rồi quay quả đi ra bờ biển. Rất nhiều đêm thầy đếm bước ở đó từ tối đến tận bình minh. Mọi người nói thầy đang mất trí rồi. Mọi người đều đã từ bỏ hy vọng… tàu Royal William đã trễ tám tuần. Đã giữa tháng Chín mà cô dâu thầy giáo vẫn chưa đến… không bao giờ đến nữa, chúng ta đã nghĩ vậy.
“Hồi đó có một cơn bão lớn kéo dài ba ngày, và vào cái đêm trước khi bão tan, ta ra bờ biển. Ta thấy thầy ở đó, khoanh tay dựa vào một tảng đá lớn, ngước nhìn ra biển.
“Ta gọi thầy nhưng ổng không trả lời. Mắt ổng như đang nhìn về một cái gì đó ta không thấy được. Mặt ổng nghiêm lại, như mặt một người đã chết.”
“ ‘Anh John, anh John ơi,’ ta gọi… đúng như thế đó… như một đứa trẻ hoảng loạn, ‘tỉnh dậy… tỉnh dậy đi.’
“Cái vẻ lạ lùng, khủng khiếp ấy dường như từ từ tan biến khỏi mắt thầy.
Thầy quay đầu lại nhìn ta. ‘Ta đã thấy con tàu Royal William rẽ vào mũi Đông. Cô ấy sẽ đến đây trước lúc trời sáng. Đêm mai ta sẽ ngồi cạnh cô dâu của ta bên ngọn lửa lò sưởi của ta.’
“Mọi người có nghĩ thầy thấy thật không?” thuyền trưởng Jim đột ngột hỏi.
“Chúa biết,” Gilbert nói vẻ dịu dàng. “Tình yêu lớn và nỗi đau lớn có thể đạt đến những điều kỳ diệu mà ta không sao biết được.”
“Cháu tin thầy ấy đã thấy,” Anne tha thiết nói.
“Vớ-văn-vẩn,” bác sĩ Dave nói, nhưng giọng ông có vẻ ít được thuyết phục hơn thường lệ.
“Bởi vì, mọi người biết không,” thuyền trưởng Jim nghiêm trang nói, “con tàu Royal William đã cập vịnh cảng Bốn Làn Gió buổi bình minh hôm đó.
“Hết thảy bà con ở Glen và dọc bờ biển đều có mặt ở cầu tàu để gặp cô giáo. Thầy giáo đứng trông ở đó cả đêm. Bọn ta reo hò mới khiếp chứ, lúc con tàu dong buồm vào kênh nước.”
Mắt thuyền trưởng Jim sáng long lanh. Đôi mắt ấy đang nhìn thấy vịnh cảng Bốn Làn Gió của sáu mươi năm về trước, một con tàu cũ kỹ tả tơi dong buồm lướt qua rực rỡ bình mình.
“Và Persis Leigh có trên tàu?” Anne hỏi.
“Đúng, cổ và vợ thuyền trưởng. Họ đã trải qua một hải trình khủng khiếp… hết cơn bão này đến cơn bão khác… thực phẩm dự trữ cũng cạn kiệt. Nhưng rồi họ cũng đến được nơi. Khi Persis Leigh bước lên chiếc cầu tàu vũ, John Selwyn ôm cô ấy vào vòng tay… và mọi người thôi reo hò mà bắt đầu khóc. Ta cũng khóc, mặc dù nên nhớ là phải nhiều năm sau ta mới thừa nhận chuyện đó. Tức cười há, cái chuyện mấy đứa con trai cứ xấu hổ vì nước mắt đó?”
“Persis Leigh có đẹp không ạ?” Anne hỏi.
“Ừm, ta không biết chính xác có gọi cổ là đẹp được không… ta… không… biết,” thuyền trưởng Jim chậm rãi nói. “Không hiểu sao, chẳng ai buồn tự hỏi cô ấy có đẹp hay là không. Đơn giản là chuyện đó không quan trọng. Ở cổ có một cái gì đó ngọt ngào và thu phục lòng người đến nỗi người ta cứ phải yêu quý cổ, thế thôi. Nhưng cô giáo cũng ưa nhìn lắm – đôi mắt to, trong màu hạt dẻ và mái tóc nâu óng ả bồng bềnh, và một làn da Anh quốc. John và cô ấy thành thân tại nhà ta tối hôm đó lúc vừa đến giờ thắp nến; bà con gần xa đều có mặt để chứng kiến và sau đó cùng đưa họ về đây. Cô Selwyn thắp lửa, rồi chúng ta ra về và để họ ngồi lại đó, đúng như John đã nhìn thấy trong viễn kiến của mình. Kỳ lạ… một điều kỳ lạ! Nhưng ta đã gặp quá nhiều điều kỳ lạ trong đời mình.”
Thuyền trưởng Jim lắc đầu như một nhà hiền triết.
“Thật là một câu chuyện đáng yêu,” Anne nói, lâu lắm rồi cô mới thấy một câu chuyện đủ độ lãng mạn có thể làm cô thỏa mãn. “Họ sống ở đây bao lâu ạ?”
“Mười lăm năm. Ta dông ra biển sau khi họ cưới nhau không lâu, cái thằng trẻ tuổi ất ơ là ta hồi đấy. Nhưng mỗi lần trở về từ một chuyến viễn trình ta lại chạy đến đây, thậm chí còn trước cả khi về nhà, và kể cho cô Selwyn nghe mọi chuyện. Mười lăm năm hạnh phúc! Họ như có năng khiếu hạnh phúc hay sao ấy, hai người đó. Một số người là vậy đó, nếu mọi người để ý. Họ không thể bất hạnh lâu được, dù có chuyện gì xảy ra. Họ cãi vã nhau một hai lần, vì cả hai đều rất giàu nhiệt khí. Nhưng cô Selwyn có lần nói với ta, cổ vừa nói vừa cười đúng cái kiểu dễ thương của cổ, ‘Chị cảm thấy rất kinh khủng khi chị và John cãi nhau, nhưng trong thâm tâm chị rất hạnh phúc vì chị có người chồng dễ thương như vậy để mà cãi cọ rồi lại làm lành với nhau.’ Rồi họ chuyển đến Charlottetown, và Ned Russell mua lại căn nhà này rồi mang cô dâu của mình đến đây. Họ cũng là một cặp trẻ trung vui tươi, ta nhớ vậy. Cô Elizabeth Russell là em gái của Alec. Cô đến sống cùng họ một hai năm sau đó, và cô ấy cũng là người vui tươi. Những bức tường trong căn nhà này chắc phải đẫm tiếng cười và những giờ vui vẻ. Cháu là cô dâu thứ ba ta được chứng kiến đặt chân đến đây, cháu Blythe ạ… và là cô dâu xinh đẹp nhất.”
Thuyền trưởng Jim đã mang lại cho lời khen hướng dương này phong vị của một đóa violet, và Anne tự hào mang nó lên mình. Tối hôm ấy là tối cô đẹp nhất với sắc hồng cô dâu trên má và ánh sáng tình yêu trong mắt; ngay cả bác sĩ Dave già khô khan cũng nhìn cô vẻ tán thưởng, và nói với vợ mình, khi cả hai cùng đánh xe về nhà, rằng cô vợ tóc đỏ của cháu ông có thể nói là một mỹ nhân.
“Ta phải về với ngọn đèn đây,” thuyền trưởng Jim tuyên bố. “Ta đã tận hưởng buổi tối hôm nay phải nói là hết cỡ.”
“Ông phải đến chơi với chúng cháu thường xuyên nhé,” Anne nói.
“Ta tự hỏi liệu cháu có dám mời không nếu biết ta sẵn sàng chấp nhận lời mời đó đến mức nào,” thuyền trưởng Jim bông đùa nhận xét.
“Một cách khác để nói ông tự hỏi liệu cháu có mời thật lòng không,” Anne mỉm cười. “Cháu nói thật đấy, ‘thề đứt lưỡi luôn’, như chúng cháu hay nói ở trường.”
“Thế thì ta sẽ đến. Đảm bảo các cháu sẽ bị ta quấy rầy bất kể giờ giấc. Và ta cũng sẽ tự hào được các cháu ghé qua thăm lúc này lúc khác. Bình thường ta chẳng có ai mà nói chuyện trừ con Bạn Đầu, Chúa phù hộ cho trái tim cởi mở của nó. Nó là một thính giả tuyệt vời, và đã quên đi nhiều chuyện hơn bất cứ gã MacAllister nào từng được biết, nhưng nó không phải là người ‘hay chuyện’ gì cho cam. Các cháu trẻ còn ta già, nhưng tâm hồn của chúng ta chắc cũng khoảng tuổi nhau, ta đoán thế. Chúng ta đều cùng thuộc về lớp người quen của Joseph[1], như Cornelia Bryant vẫn nói.”
[1] Sách xuất hành 1:8 (quyển thứ hai trong Cựu Ước) viết, “Nhưng bấy giờ tại nước Ai Cập, có một vua mới lên ngôi chẳng biết quen Joseph,” chỉ sự chấm dứt thời kỳ yên ấm của người Do Thái ở Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Joseph. Điều đó có nghĩa là, nhưng người quen biết Joseph, ngược lại, là những người tin ở Chúa và đi theo Người.
“Lớp người quen của Joseph á?” Anne ngơ ngác.
“Đúng. Cornelia chia tất cả người trên thế giới này làm hai loại: loại quen Joseph và loại không. Nếu một người kiểu như thấu gan thấu ruột cháu, và đại loại có cùng cảm nghĩ với cháu về các vấn đề, và có cùng khiếu hài hước… đó, vậy là anh ta thuộc lớp người quen của Joseph.”
“Ô, cháu hiểu rồi,” Anne reo lên, bừng lên ánh sáng thông hiểu. “Đấy là cái mà cháu từng gọi… và vẫn gọi trong ngoặc kép là ‘những tâm hồn đồng điệu’.”
“Đúng đó… đúng đó,” thuyền trưởng Jim đồng ý. “Chúng ta là cái đó đó, dù cái đó là cái chi đi nữa. Tối nay lúc cháu bước vào, cháu Blythe ạ, ta đã tự nhủ, ta kêu, ‘Đúng rồi, cô bé thuộc lớp người quen của Joseph đây mà.’ Và ta cực kỳ vui mừng đó, vì nếu không phải vậy thì chúng ta không sao có được sự hài lòng thực sự khi bầu bạn cùng nhau. Lớp người quen của Joseph chính là muối của đất, ta nói vậy đó.”
Khi Anne và Gilbert tiễn các vị khách ra cửa thì trăng vừa lên. Vịnh cảng Bốn Làn Gió đang dần chuyển mình thành một cơn mơ với ánh sáng và bùa chú… một chốn trú ẩn được yểm bùa che chở, nơi không một cơn thịnh nộ nào có thể chạm tới. Những cây dương Lombardy dọc lối đi, cao lớn và nghiêm trang như những mục sư đứng xếp thành một hàng kỳ bí, nặng trĩu sương bạc.
“Lúc nào cũng thích Lombardy,” thuyền trưởng Jim nói, vẫy cánh tay dài về phía chúng. “Chúng là những cái cây công chúa. Giờ chúng lỗi mốt rồi. Dân tình phàn nàn là chúng chết từ ngọn và dần trông rất thảm hại. Đúng thế… đúng thể, nếu mỗi mùa xuân ta không liều gãy cổ mà leo một cái thang nhẹ lên tỉa ngọn cho chúng. Ta lúc nào cũng làm việc đó cho cô Elizabeth, thế nên mấy cây Lombardy của cổ không bao giờ héo. Cổ đặc biệt thích chúng. Cổ thích vẻ trang nghiêm và sự nổi bật của chúng. Chúng không trộn lẫn với mấy thằng Tom, Dick hay Harry vớ vẩn. Nếu cây phong là bầu bạn, cháu Blythe ạ, thì Lombardy là quảng giao.”
“Đêm nay mới đẹp làm sao,” bà bác sĩ Dave nói, khi bà trèo vào xe của bác sĩ.
“Hầu hết các đêm đều đẹp,” thuyển trưởng Jim nói. “Nhưng có điều ánh trăng chiếu trên Bốn Làn Gió nhiều khi làm ta tự hỏi thiên đường còn lại gì nữa. Mặt trăng là một người bạn lớn của ta, cháu Blythe ạ. Ta yêu nàng từ hồi ta còn nhớ được. Hồi ta mới là một đứa trẻ lên tám ta ngủ quên ngoài vườn một đêm nọ mà không ai biết hết. Ta thức dậy một mình lúc nửa đêm và sợ gần chết. Toàn là bóng đen và những âm thanh kỳ dị! Ta không động đậy. Cứ cuộn tròn ở đó mà run, thằng nhóc tội nghiệp. Như kiểu không có ai trên thế gian này ngoài ta mà thế gian thì rộng lớn quá. Rồi đột nhiên ta thấy mặt trăng ngó xuống qua rặng táo, như một người bạn cũ. Ta được an ủi ngay. Đứng dậy và đi về nhà dũng cảm như một con sư tử, vừa đi vừa nhìn trăng. Rất nhiều đêm ta đã nhìn nàng từ boong tàu của mình, trên những vùng biển xa xôi. Sao mấy người không bảo ta ngậm mồm lại và đi về cho rồi đi?”
Tiếng cười của những lời chúc ngủ ngon dần tắt. Anne và Gilbert tay trong tay dạo bước quanh vườn. Con suối vắt ngang góc vườn gợn sóng trong vắt dưới hàng bu lô. Những bông anh túc ở đôi bờ như những chiếc cốc nông đong đầy ánh trăng. Những bông hoa đã được bàn tay cô dâu thầy giáo trồng xuống tung sự ngọt ngào của chúng vào không khí, như vẻ đẹp và phúc lành từ những ngày đã qua đầy thiêng liêng. Anne dừng trong bóng tối để ngắt một canh hoa.
“Em thích ngửi hoa trong bóng tối,” cô nói. “Lúc đó ta nắm bắt được tâm hồn chúng. Ôi, Gilbert, căn nhà nhỏ này là tất cả những gì em từng mơ ước. Và em rất mừng là chúng ta không phải những người đầu tiên giữ gìn đính ước hôn nhân ở đây!”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!