Báu Vật Của Đời - Chương 45
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
72


Báu Vật Của Đời


Chương 45


Vào một ngày xuân của những năm tám mươi, Kim Đồng mãn hạn tù. Với tâm trạng khiếp nhược và hoảng loạn, cậu ngồi thu lu một xó ít người để ý trong nhà chờ, đợi chuyến xe khách đi trấn Đại Lan nay là thủ phủ vùng đông bắc Cao Mật.

Trời chưa sáng hẳn, trên trần nhà treo mười mấy ngọn đèn, nhưng chỉ có hai ngọn đèn trên tường là sáng, một thứ ánh sáng vàng vọt. Một số ghế tựa đen sì trong phòng chờ đã bị những thanh niên thời thượng chiếm chỗ. Họ nằm ngáy như sấm, nói mơ lảm nhảm, có người trong giấc mơ còn giơ cả hai chân đen đủi mặc quần loe lên trời, ống quần cứng đơ như cuốn bằng sắt tây. ánh sáng ban mai lọt qua cửa sổ, phòng chờ sáng dần lên. Qua cách ăn mặc của những người nằm ngồi lố nhố trước mặt, Kim Đồng đã ngửi thấy hơi hướng của thời đại mới. Nền nhà đầy giấy bẩn và đờm rãi, thậm chí nồng nặc mùi nước tiểu, nhưng lát nền là đá hoa Đại Lý. Trên tường bám đầy nhặng xanh béo núc, nhưng phủ mặt tường là ni lông hoa. Với một người vừa rời khỏi căn nhà đất ở nông trường lao cải như Kim Đồng thì đây là điều mới mẻ và lạ lẫm, do vậy tâm trạng bất an càng nặng nề. Khi những tia nắng lọt vào phòng chờ sặc mùi ô nhiễm, những người chờ xe bắt đầu hoạt động. Một cậu tóc bồng, mặt đầy tàn nhang ngồi dậy trên ghế gãi bẹn, mắt vẫn nhắm, lôi ra một điếu thuốc lá thơm có đầu lọc rồi châm hút bằng chiếc bật lửa ga, thở khói, nhổ đờm xuống nền nhà, dùng gót giày di di cục đờm theo thói quen. Cậu vỗ vô mông cô gái nằm sau lưng, cô ta rên lên nũng nịu.

– Xe chạy rồi! – Cậu tóc bồng kêu lên.

Cô gái uể oải ngồi dậy, dụi mắt bằng mu bàn tay đo tía rồi ngáp sái cả quai hàm. Khi biết mình bị lừa, cô thụi cậu tóc bồng mấy cái rồi lại nằm xuống.

Kim Đồng trông rõ khuôn mặt tròn vành vạnh rất trẻ của cô và cái mũi ngắn bóng loáng trên khuôn mặt, khoảng da bụng trắng hếu lộ ra dưới tà áo ngắn. Rồi anh lại còn nhìn thấy cậu tóc bồng ngang nhiên thọc tay trái có đeo đồng hồ điện tử và kẽ hở giữa hai vạt áo, luồn sâu vào ngực cô gái sờ nắn chiếc vú đã chảy xệ. Cảm giác bàng hoàng vì lạc hậu so với thời dại len dần trong tâm trí Kim Đồng như vết dầu loang. Mình hình như chưa kịp lớn đã trở thành người đứng tuổi? Cử chỉ thân mật của bọn thanh niên, khiến người ngoài cuộc thẹn đỏ mặt, chẳng khác ông bố chồng vô tình trông thấy con dâu và con trai đang xoắn xuýt lấy nhau. Anh quay nhìn đi nơi khác. Cái tuổi cố chấp với tâm trạng u ám nay lại càng bi thảm. Những ý nghĩ trong đầu quay cuồng như bánh xe ngựa chạy hết tốc lực: Mình đã sống bốn mươi hai năm trên đời, trong bốn mươi hai năm ấy mình đã làm được những gì? Những năm tháng đã qua y hệt con đường mòn mất hút trong thảo nguyên mênh mông, chỉ nhìn lại được chừng ba bốn mét, xa hơn nữa là khuất trong sương mù. Đã sống già nửa đời người, một cuộc sống tệ hại, tởm lợm, ngay bản thân cũng tự cảm thấy thương hại, buồn nôn! Gần nửa cuộc đời tiếp theo, tính từ khi được phóng thích, coi như đã bắt đầu, chẳng hiểu rồi sẽ như thế nào?

Ngay trước tầm nhìn của anh là bức tranh màu bằng sứ treo trên tường, người đàn ông trong tranh cơ bắp phát triển, che bụng băng mấy chiếc lá xanh, khoác tay một phụ nữ cởi trần, tóc bay như bờm ngựa. Trong cái không gian hữu hạn của bức tranh vẫn dành chỗ cho sự tưởng tượng vô hạn. Nhìn nét mặt đầy khát vọng vươn tới hạnh phúc của đôi nam nữ nửa người nửa tiên này, trong lòng anh cảm thấy trống rỗng ghê gớm. Cái cảm giác xót xa anh đã từng thể nghiệm nhiều lần khi nằm ngửa nhìn lên bầu trời xanh biếc ở cao nguyên hoàng thổ, nơi dòng sông chảy vào biển. Đàn cừu gặm cỏ trên thảo nguyên. Người chăn cừu Kim Đồng nằm ngửa nhìn lên bầu trời, xa xa, nơi có dãy cờ đuôi nheo màu đỏ là đường cảnh giới do cán bộ trại cải tạo vạch ra cho người tù những cán bộ canh tù cưỡi ngựa đeo súng tuần tra trên con đê ngăn sóng biển bên ngoài hàng rào cảnh giới, những con chó lai từ cảnh khuyển với chó địa phương, chạy theo sau, uể oải, thi thoảng lại hướng ra làn sóng bạc đầu ngoài đê, sủa mấy tiếng vô nghĩa. Anh thụ án đã được mười bốn năm. Mùa xuân năm thứ mười bốn, anh kết bạn với Triệu Giáp Đinh, chăn ngựa. Anh ta phạm tội giết vợ, chưa xử. Anh vốn là cán bộ giảng dạy của Học viện Chính pháp, con người nho nhã, đeo kính gọng kim loại. Anh không giấu giếm, kể lại tường tận cho Kim Đồng nghe mình đã giết vợ như thế nào. Kim Đồng cũng kể lại vụ án của mình. Nghe xong, anh ta nói một cách cảm khái:

– Lão huynh, đẹp quá y như một bài thơ, chỉ tiếc là pháp luật bài xích tất cả những gì có tính thơ mộng? Có điều, giá như khi đó tôi, thôi cho qua, nói bây giờ là thừa! Họ xử anh nặng quá tuy nhiên, đã được mười bốn năm rồi thì cũng chẳng khiếu nại làm gì.

Trước đây không lâu, khi lãnh đạo trại tuyên bố anh đã mãn hạn tù, được trở về với gia đình, thì anh lại có cảm giác như mình bị ruồng bỏ. Nước mắt chạy quanh, anh xin được ở lại mãi mãi. Viên quản giáo ngạc nhiên nhìn anh, lắc đầu:

– Sao lại như vậy? Anh nói:

– Rời trại, tôi không biết làm gì để sống, tôi là con người vô dụng?…

Viên quản giáo đưa cho anh một điếu thuốc, châm lửa cho anh, vỗ vai anh nói:

– Người anh em, về đi, thế giới bên ngoài đẹp hơn ở đây nhiều?

Anh không biết hút thuốc, vừa bập một hơi đã bị sặc, nhóc mắt ràn rụa.

Một phụ nữ mắt ngái ngủ, mặc bộ quần áo công nhân màu xanh, mũ rộng vành, tay trái cầm cái hốt rác, tay phải cầm chổi, quét dọn lấy lệ những đầu mẩu thuốc và vỏ trái cây trên nền nhà. Với vẻ mặt chán chường, chị ta chốc chốc lại dùng chân đá hoặc thọc bằng chổi những người nằm dưới đất.

– Dậy, dậy! Chị ta quát, quét nước tiểu tung tóe.

Những người nằm dưới đất vội vàng nhổm dậy. Có người đứng lên vươn vai, người vẫn ngồi yên, mặt nghệch ra, rồi nhảy dựng lên vì chổi quét phải người. Lập tức những tờ báo lót chỗ nằm bị hốt luôn vào xe rác. Kim Đồng mặc dù đã áp sát tường đến mức tối đa, nhưng vẫn bị quát mắng:

– Tránh ra, có mắt hay không đấy?

Ngang ngược là người nhà nước. Thái độ ngang ngược ấy cách đây mười lăm năm Kim Đồng đã lãnh đủ. Anh cho đây là hiện tượng rất bình thường, không phách lối thì sao gọi là người nhà nước? Anh nín nhịn nhảy sang một bên, trông thấy chị ta chỉ vào cái túi hành lý bằng vải bạt của anh, vẻ khó chịu:

– Của ai đây? Xách đi!

Anh lại nhẫn nhục xách cái túi ra chỗ khác, đợi chị ta đưa qua quít vài nhát xong, anh lại để cái túi vào chỗ cũ và ngồi xuống bên cạnh.

Xó nhà trước mặt anh là một đống rác to tướng. Chị công nhân đổ chỗ rác mới gom vào đống rác rồi bỏ đi. Đàn nhặng xanh nghỉ ngơi trên đống rác bay vù lên rồi lại đáp xuống. Lúc này anh trông thấy bức tường phía trước thông ra bãi đỗ xe có trổ mấy cửa nhỏ. Mỗi cửa có bảng ghi số xe và tuyến xe. Phía ngoài có hàng rào bằng những ống thép hàn lại với nhau, một số người đang xếp hàng ở đó để đợi kiểm tra vé. Cuối cùng, anh tìm thấy cửa ghi số xe 831 đi trấn Đại Lan. ở đó đã có mười mấy người đang xếp hàng, người hút thuốc, người nói chuyện, có người ngồi ngẩn ra bên túi hành lý. Họ lấy vé ra xem, trên vé ghi giờ xe chạy là 7 giờ 30, nhưng chiếc đồng hồ treo trên tường đã chỉ 8 giờ 10. Họ cuống lên cho răng chuyến xe mà họ định đi đã chạy trong khi họ ngồi nghĩ vơ vẩn. Anh xách cái túi hành lý rách lên, chạy tới xếp hàng sau một ông tay xách cặp đen, mặt lạnh như tiền. Anh lặng lẽ nhận xét những người xếp hàng, hình như có biết họ, nhưng không thể nhớ ra, dù chỉ một cái tên. Những người kia cũng nhìn anh từ đầu đến chân, anh cảm thấy hình như họ có vẻ ngạc nhiên. Anh bắt đầu lúng túng trong một tâm trạng phức tạp, vừa muốn nhận người quen, lại vừa sợ một quen nhận ra mình. Anh lúng búng hỏi người đứng trước mặt:

– Thưa… đồng chí, đây có phải xe chạy Đại Lan không ạ?

Người này nhìn anh bằng ánh mắt của cán bộ quản giáo ở nông trường lao cải khiến anh hoảng hốt như kiến bò trong chảo. Anh nghĩ, không chỉ trong con mắt mọi người, mà ngay bản thân, anh cũng tự đánh giá là một quái vật. Tối qua trong nhà xí, nhìn vào chiếc gương đã ố vì hơi nước, anh trông thấy cái đầu to tướng của anh. Tóc trên đầu xoăn tít, rối như tổ quạ, đỏ chẳng ra đỏ, vàng chẳng ra vàng, lại thêm lưỡng quyền nhô cao, da mặt sần sùi như da cóc đầy nếp nhăn, cái mũi to tướng đỏ tía như vừa bị véo, bộ râu quai nón màu râu ngô ôm lấy cặp môi sưng mọng. Dưới ánh mắt soi mói của người đàn ông, Kim Đồng cảm thấy mình dơ dáy, mồ hôi ướt sũng lòng bàn tay. Người dàn ông hất hàm về phía chiếc biển treo trên cửa xé vé thay cho việc trả lời câu hỏi của anh.

Một phụ nữ to béo mặc áo bờ lu trắng nhưng trước ngực đen một mảng to tướng, đẩy trước xe nhỏ bốn bánh đi tới, rao bằng cái giọng lanh lảnh của trẻ con:

– Bánh bao đây, bánh bao nhân thịt nóng hôi hổi đây?

Chị ta béo tốt, khuôn mặt hồng hào bóng nhẫy, tóc uốn xoăn từng búi nhỏ trông giống đuôi cừu úc Đại Lợi, mu bàn tay như chiếc bánh bao, ngón tay như những khúc lạp sường.

– Một cân giá bao nhiêu? – Một thanh niên mặc áo bay hỏi.

– Không bán cân, bán chiếc – Người bán hàng nói.

– Bao nhiêu tiền một chiếc?

– Hai hào rưỡi.

– Cho tôi mười chiếc, anh thanh niên nói. Chị bán hàng lật tấm khăn phủ trắng đã ngả màu đen, lấy mảnh báo cũ đã chuẩn bị sẵn, dùng kẹp lấy đủ mười cái bánh bao. Anh thanh niên lôi ra một năm tiền to tướng để chọn tiền lẻ, mọi con mắt đều đổ dồn về phía anh ta.

– Nông dân Cao Mật hai năm nay phất to? – Ông xách cặp đen nói, giọng chua loét.

Anh thanh niên mặc áo bay ngoạm từng miếng to tướng, nhồm nhoàm nhai

– Lão Hoàng, thèm lắm hả?

– Thèm thì vứt quánh bát sắt, đi buôn cá với tôi. – Ông xách cặp nói

– Tiền là cái gì? Là hổ dữ đã xuống núi, tôi sợ nó cắn lắm!

Anh thanh niên cười nhạo:

– Thôi đi ông, chó cắn mèo, mèo cắn người, con thỏ lúc cùng đường cũng dám cắn người, tôi chưa nghe nói tiền cắn người bao giờ!

Ông xách cặp nói:

– Cậu còn ít tuổi chưa hiểu hết đâu!

Anh mặc áo bay nói:

– Ông Hoàng ơi, không nên sống lâu lên lão làng, cũng dùng ra vẻ ta đây làm gì, phải đổi mới cách nghĩ mới có cơm cá cơm thịt! Cho phép nông dân buôn bán kiếm tiền là văn bản hàng đầu mà ông trưởng trấn công bố trước quần chúng.

Ông cặp đen nói:

– Này cậu, đừng vội ngông nghênh, đảng Cộng sản không bao giờ quên lịch sử của mình, cậu liệu hồn đấy!

Anh áo bay nói:

– Liệu hồn về chuyện gì?

Ông cặp đen gằn giọng nói từng chữ:

– Cải cách ruộng đất lần thứ hai!

Anh áo bay ngớ ra, nói:

– Thì cứ cải cách nữa di, ông thì ông đớp hít cho bằng hết, một sợi lông cũng không còn mà cải cách? Ông tưởng tôi cũng ngốc như ông cụ thân sinh ra tôi đấy chắc? Đầu tắt mặt tối, thắt lưng buộc bụng được ít tiền tậu mấy chục mẫu ruộng bạc điền, đến cải cách bị qui ngay là phú ông, bị các ông lôi ra đầu cầu, đoàng một phát vỡ sọ! Tôi không như bố tôi, được đồng nào là tôi hít, tôi đớp! Khi các ông cải cách ruộng đất lần thứ hai, tôi lại là bần nông vẻ vang như ai!

Ông cặp đen nói:

– Kim Trụ Tử, anh được bỏ mũ phú nông mới ít hôm mà đã kiêu ngạo rồi!

Anh áo bay nói:

– Lão Hoàng, nực cười ông châu chấu đá xe, không lượng được sức mình thì về nhà treo cổ lên cho xong? Ông dám chống chính sách của Nhà nước không? Tôi cho là ông chống thế nào được?

Lúc này, một lão ăn xin mặc chiếc áo bông rách, thắt lưng bằng sợi dây diện màu đỏ, tay cầm bát sứ vỡ, trong bát có mấy đồng tiền bằng kim loại và mấy tờ bạc lẻ bẩn thỉu. Lão run rẩy chìa cái bát ra trước mặt ông cặp đen, van nài:

– Con xin ông vài hào mua cái bánh bao.

OOng cặp đen né sang một bên, giận dữ nói:

– Xéo đi, ông còn chưa ăn sáng đây này?

Lão ăn mày liếc nhìn Kim Đồng, ánh mắt tỏ ra khinh miệt. Kim Đồng cảm thấy thương thân đến cùng cục. Kim Đồng ơi Kim Đồng, ngay cả thằng ăn mày cũng tránh né mi! Lão ăn mày quay sang xin anh áo bay, vẫn câu ca cũ:

– Xin cậu rủ lòng thương mà cho vài hào mua bánh bao!…

Anh áo bay hỏi:

– Anh thành phần gì?

Lão ăn mày ngớ ra một lúc, nói:

– Bần nông, tổ tông tám đời đều là bần nông…

Anh áo bay phác một cử chỉ hài hước, cười:

– Ông đây chuyên môn cứu tế bần nông!

Anh ta quẳng vào bát lão ăn mày hai chiếc bánh ăn thừa còn nguyên cả giấy gói bằng báo cũ. Lão ăn mày cầm bánh nhét luôn vào miệng, giấy gói dính cả vào cằm, những chữ in thấm mỡ rõ mồn một.

Phòng chờ trở nên nhốn nháo, hơn chục nhân viên soát vé từ phòng nghỉ đi ra, kẹp vé cầm trên tay. Người nào cũng một vẻ chán chường, lạnh nhạt, làm như hành khách là kẻ thù của họ. Hành khách di theo họ đến cửa kiểm soát. Một người đứng giữa lối ra, nói qua loa điện:

– Xếp hàng, xếp hàng! Không xếp hàng không soát vé! Các đồng chí kiểm soát viên chú ý, không xếp hàng không soát vé?

Nhưng mọi người vẫn dồn cục trước lối ra, tay xách túi lớn túi nhỏ. Trẻ con bị lèn bật khóc. Một phụ nữ tay bế con trai, lưng cõng con gái, tay kia ôm một cặp gà trống, lớn tiếng chửi người đàn ông xô dẩy chị ta, nhưng người kia bất chấp tất cả, giơ thùng bóng điện lên quá đầu, người luồn lách để lên phía trên. Người phụ nữ đạp cho anh ta một cái vào mông, anh ta cũng không thèm nhìn lại.

Kim Đồng bị chen bật ra ngoài vòng, ban đầu sau lưng anh có mấy chục người, giờ đây anh trở thành người đứng cuối cùng. Anh nổi cáu, xách túi hành lý định len vào trong, nhưng một cú huých vào ngực khiến mắt anh nẩy đom đóm, anh rên lên một tiếng, ngã ngồi xuống đất, mồ hôi đầm đìa trên mặt. Phát thanh viên liên tục lặp lại:

– Xếp hàng, xếp hàng, không xếp hàng không soát vé!

Người soát vé chuyến xe khách đi trấn Đại Lan là một cô gái có hàm răng khấp khểnh, dùng chiếc kẹp vé và kìm bấm làm công cụ mở đường, từ cửa soát vé lách ra, chiếc mũ rộng vành đã bị chen bẹp, tóc xõa rối bù. Cô ta tức điên lên, giậm chân bành bạch:

– Chen đi, chen nữa di, chết một hai ngươi càng tốt!

Cô soát vé giận dỗi bỏ về phòng nghỉ. Lúc này, chiếc đồng hồ điện tử treo trên tường, kim giờ và kim phút đã trùng khít trên con số 9. Nhiệt tình chen lấn của mọi người bị xẹp luôn cùng với sự bỏ đi của cô soát vé. Đứng bên cửa sổ, Kim Đồng tự nhiên có cảm giác vui sướng, anh cảm ơn người soát vé đã bỏ đi, coi đó như một cử chỉ bảo vệ những người yếu đuối.

ở các cửa soát vé khác, lối ra bãi đậu xe đã mở, hành khách chen chúc nhau đi ra như nước lũ.

Một thanh niên người tầm thước, ăn mặc sang trọng đi tới, tay xách lồng chim, trong lồng có một cặp vẹt trắng quí hiếm. Cặp mắt rất sáng của cậu thanh niên khiến Kim Đồng chú ý, nhất là hai con vẹt làm anh nhớ lại quang cảnh trong sân hôm anh từ nông trường về nhà, lũ vẹt bay quanh cái nôi treo dưới tán cây, trong nôi là thằng con trai của Hàn Chim và Thượng Quan Lai Đệ. Chẳng lẽ lại là thằng nhỏ? Anh dần dần phát hiện ra cái vẻ bất cần đời của Lai Đệ và nét kiên cường một cách ngây thơ của Hàn Chim trên khuôn mặt chàng thanh niên. Kim Đồng vô cùng ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó là sự thán phục, nó lớn quá rồi, thằng nhỏ nằm trong nôi năm nào nay đã trở thành một thanh niên! Tiếp theo, một lần nữa anh lại nghĩ tới tuổi tác của mình, chìm trong một cảm giác trầm uất và trống rỗng không bờ bến. Anh cảm thấy mình như cụm cỏ mao trên đất phèn, lặng lẽ mọc lên, sống lay lắt rồi lặng lẽ từ giã cõi đời!

Hàn Vẹt bước tới bên cửa soát vé, nhiều người trong đám đông chào hỏi cậu, cậu chậm rãi chào lại, giơ tay xem đồng hồ kiểu dáng rất lạ mắt.

– Hàn Vẹt, Hàn Vẹt, cậu di nhiều, ăn nói giỏi, mời bà cô ấy ra đi!- Một người trông có vẻ cán bộ nói.

Hàn Vẹt nói: – Tôi chưa đến thì bà ấy chưa cho ra cửa đâu!

– Nói khoác, cậu gọi được bà ấy ra thì chúng tôi mới phục!

– Các vị đừng có chen lấn nữa, xếp hàng vào, chen gì mà chen ghê thế, giành nhau khăn tang chắc? Xếp hàng vào, mau lên.

Cậu ta nửa đùa nửa thật chửi tất cả, cái nút kẹt được dãn ra, kéo dài đến tận chỗ những chiếc ghế. Hàn Vẹt nói:

– Ai còn chen lên làm mất trật tự là tôi… mẹ người ấy, rõ chưa nào? – Cậu ta phác một cử chỉ tục tĩu, nói tiếp – sớm muộn rồi cũng phải lên, trong xe không còn chỗ thì lên nóc mà ngồi, càng thoáng, càng tha hồ ngắm cảnh. Đ. mẹ, tôi tình nguyện lên nóc! Hãy đợi dấy, tôi vào triệu các mẹ!

Quả nhiên cậu ta mời được nhân viên soát vé ra. Cô ta mặt mày sưng sỉa, hình như vẫn chưa bớt giận. Hàn Vẹt nói như rót vào tai cô:

– Dì nuôi ơi, dì chấp họ làm gì! Họ là đồ cặn bã trong xã hội, trốn chúa lộn chồng, mèo mả gà đồng, trộm gà bắt chó, dì mà tức với họ mất cả cái giá của mình đi! Quan trọng hơn, dì tức mà sinh bệnh thì dượng sẽ thương dì đến chết mất!

– Câm mồm, thằng Vẹt thối tha này! – Cô ta giơ cái kép vé đập một phát vào bả vai Hàn Vẹt – sao lắm mồm thế?

Hàn Vẹt lè lưỡi, nói:

– Dì nuôi ơi, cháu đã chuẩn bị cho dì một đôi chim thật đẹp, khi nào thì đem đến cho dì?

– Cứ diễn mãi một vở – Cô soát vé nói – miệng lúc nào cũng liếng thoắng, hứa lên hứa xuống cả năm rồi mà có thấy bóng dáng con chim nào!

Hàn Vẹt nói:

– Lần này là chính xác, lần này dì sẽ trông thấy chim thật!

Cô soát vé nói:

– Nếu cậu có lòng hiếu thảo như thế thì cho tôi đôi vẹt trắng này?

Hàn Vẹt nói:

– Dì nuôi ơi, đôi này thì không được, đây là chim giống nhập từ úc về, dì có muốn cũng khó. Sang năm nếu Hàn Vẹt này không biếu dì một đôi vẹt trắng thì không phải là con dì!

Cánh cửa kiểm soát vừa mở ra, mọi người lập tức chen lấn nhau túi bụi. Hàn Vẹt xách lồng chim đứng bên cô soát vé, nói:

– Dì thấy đấy, làm sao không nói người Trung Quốc tố chất kém cho được? Mẹ kiếp, cứ thế mà chen, mà lấn, kỳ thực càng chen lấn càng chậm trễ, đúng không?

Cô soát vé nói:

– Dân Cao Mật toàn là đồ thổ phỉ, hung hăng đến khiếp!

Hàn Vẹt nói:

– Dì nuôi ơi, đừng vơ đũa cả nắm, còn có người tốt chứ, thí dụ…

Cậu ta chưa nói hết câu đã ngẩn người ra: Kim Đồng đang từ cuối hàng ngượng ngùng bước tới.

– Nếu cháu nhớ không lầm – cậu ta nói – thì ông là cậu của cháu?

Kim Đồng ngượng nghịu trả lời: Tôi cũng… nhận ra cậu!

Hàn Vẹt vui mừng nắm chặt tay Kim Đồng mà lắc:

– Thế là cậu được về rồi! Bà ngoại khóc ngày khóc đêm vì thương cậu, đến nỗi hỏng cả hai mắt.

Trong xe chật cứng, vài người ló hẳn nửa người ra ngoài cửa sổ. Hàn Vẹt trèo lên giá để hàng trên nóc bằng chiếc thang sắt phía đuôi xe, lật tấm lưới bảo hiểm lên, bố trí chỗ ngồi cho Kim Đồng xong xuôi rồi nghiêng người kéo túi hành lý của Kim Đồng lên, Kim Đồng run rẩy trèo lên theo. Hàn Vẹt trùm lưới lên người Kim Đồng, dặn:

– Cậu bám chặt khung sắt nhé. Thực ra, không bám cũng không có gì đáng ngại. Xe này già quá rồi, ì ạch như con lợn nái ấy!

Ông tài miệng ngậm thuốc lá, tay cầm cốc nước chè khệnh khạng bước tới, nhìn lên nóc xe quát to:

– Hàn Vẹt, cậu đúng là người chim! Tôi bảo này, rớt ngã là tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy! Hàn Vẹt móc túi lấy bao thuốc lá ném xuống.

Ông tài giơ tay bắt bao thuốc, xem nhãn, đút luôn vào túi, nói:

– Trời cũng đành chịu phép với cậu!

Hàn Vẹt nói:

– Bố ơi, xin bố mở lòng nhân mà lên xe cho, mà dừng giữa đường in ít thôi!

Ông tài cố buộc chặt cánh cửa rồi ló đầu ra ngoài cửa kính, nói:

– Của nợ này bung ra từng mảnh không biết lúc nào, và tất nhiên lại có người thay thế tôi. Xe này chưa chắc đã ra khỏi bãi!

Lúc này, tiếng nhạc đưa tiễn các chuyến xe lên đường vang lên, rè rè như tiếng cạo nứa của hàng chục lưỡi dao. Cô nhân viên soát vé đứng nghiêm mép bờ ke để tiễn xe theo qui định, hằn học nhìn theo chiếc xe tróc sơn, bẹp dúm đó, kêu cót két khi lăn bánh. Hàn Vẹt giơ tay vẫy: – Chào dì nuôi, lần sau cháu nhất định biếu dì một đôi chim đẹp!

Cô nhân viên không trả lời. Hàn Vẹt lẩm bẩm:

– Tặng mụ hai cái *** chó thì có!

Xe chạy chậm trên con đường rải đá từ huyện về Cao Mật, chốc chốc lại có ô tô hoặc máy kéo chạy ngược chiều, thận trọng lách qua xe khách. Bụi cuốn mù mịt sau bánh xe, Kim Đồng không mở được mắt.

– Cậu này, cháu nghe người ta nói là cậu bị oan – Hàn Vẹt nhìn thẳng vào mắt Kim Đồng nói.

Kim Đồng nói:

– Bảo oan thì là oan, bảo không oan là không oan!

Hàn Vẹt rút điếu thuốc đưa cho Kim Đồng, anh không cầm, cậu ta lại cất vào bao, nhìn bàn tay thô kệch của Kim Đồng bằng ánh mắt thông cảm, rồi lại nhìn mặt anh, hỏi:

– Khổ lắm phải không cậu?

Kim Đồng nói:

– Khi mới đến trại thì khổ, sau quen dần!

Hàn Vẹt nói:

– Trong khoảng mười lăm năm cậu đi vắng thay đổi nhiều lắm, công xã nhân dân giải tán rồi, ruộng đất chia đến từng hộ, không lo thiếu ăn thiếu mặc nữa. Nhà cửa cũ nát phá bỏ hết, tất cả vào qui hoạch. Bà ngoại không hợp với con vợ cháu, dọn đến ngôi nhà chân tháp ở một mình, chính là ngôi nhà ba gian của Môn Thánh Vũ, cậu trở về, ngoại sớm tối có bầu có bạn rồi!

– Ngoại… còn khỏe không? – Kim Đồng đắn đo hỏi. – Sức khỏe ấy à, còn rắn rỏi lắm – Hàn Vẹt nói – chỉ mỗi tội hỏng mắt, nhưng ngoại vẫn tự lo liệu được? Cậu ạ, với cậu cháu chẳng giấu bó làm gì, cháu sợ vợ, con thối thây ấy không đếm xỉa gì đến hiếu nghĩa! Nó về làm đâu là ngoại bỏ đi liền. Có khi cậu biết nó đấy, nó chính là con gái của lão Cảnh bán mắm tôm và mụ vợ dài ngoẵng như con rắn của lão. Mụ ấy đích thị là một con rắn đội lốt người? Cậu ạ, cháu cố kiếm đủ năm vạn đồng là cháu tống cổ con vợ cháu ra khỏi cửa!

Xe dừng lại chỗ đầu cầu Thuồng Luồng, mọi người tranh nhau xuống xe. Kim Đồng được Hàn Vẹt giúp đỡ, từ nóc xe trèo xuống. Anh trông thấy nhà cửa san sát bên bờ bắc, liền kề với chiếc cầu đá là một cây cầu bê tông mới toanh. Trên bãi trống gần đầu cầu mọc lên một dãy quán bán trái cây, thuốc lá và bánh kẹo. Hàn Vẹt chỉ khu nhà phía bắc con đê, nói:

– Uỷ ban trấn và trường học đều chuyển về đấy, ngôi nhà Tư Mã đã cho Răng Vàng – con trai Vu Vân Vũ, thuê bao. Cái thằng con lừa ấy thành lập xưởng sản xuất thuốc tránh thai kiêm sản xuất rượu rỏm, thuốc chuột rởm, không làm một việc gì, dù là bé tí tẹo, cho con người! Cậu ngửi xem – Hàn Vẹt giơ một tay lên, nói – Cậu ngửi xem trong gió có mùi gì nào? Kim Đồng trông thấy ống khói bằng tôn nhô lên rất cao trên khu nhà Tư Mã, làn khói xanh biếc cuồn cuộn bốc lên. Cái mùi phát lộn mửa chính là mùi của khói xanh.

– Ngoại dọn đi cũng hay! – Hàn Vẹt nói – nếu không, sẽ chết vì hít phải khói độc! Bây giờ mạnh ai nấy chạy, giỏi ai nấy làm, không còn giai cấp nữa, không đấu tranh nữa, người nào người ấy đỏ mắt lên vì tiền! Cháu cũng thuê hai mươi mẫu đất hoang bên cạnh Bãi-Cát-Dài. Cậu ạ, tham vọng của cháu là to lắm đấy, cháu chuẩn bị xây dựng trại chim quí hiếm, trong vòng mười năm trở lại, tất cả các giống chim quí hiếm trên thế giới đều qui tụ về đông bắc Cao Mật này, đến khi đó, cháu có tiền thì khỏi lo không có thế! Có tiền có thế rồi, việc lớn đầu tiên mà cháu làm là dựng tượng cho bố mẹ cháu ở Bãi-Cát-Dài…

Hàn Vẹt bị xúc động bởi chính kế hoạch vĩ đại của mình, mắt sáng lên, bộ ngực lép kẹp ưỡn ra như ức chim bồ câu. Kim Đồng trông thấy những người buôn bán gần đấy cứ nhìn anh và Hàn Vẹt đang hoa chân múa tay. Anh lại cảm thấy xấu hổ vì hình dung tiều tụy của mình, thậm chí hối hận rằng trước khi được tha đã không đến hiệu cắt tóc của mụ Ngụy Kim Chi lẳng lơ để cạo râu.

Sau đó, Hàn Vẹt lấy ra mấy tờ giấy bạc nhét vào tay Kim Đồng, nói:

– Cậu đừng chê ít, cháu hiện đang thời kỳ lập nghiệp, tiền nong rất căng, ngoài ra, có đồng nào con vợ cháu nó nắm hết, cháu không dám và cũng không còn cách nào phụng dưỡng ngoại. Ngoại nuôi cháu khôn lớn đâu có dễ dàng gì! Cho đến khi rụng hết răng cháu vẫn không quên ơn ngoại! Đợi khi cháu thực hiện được kế hoạch, cháu sẽ trả ơn ngoại!

Kim Đồng trả lại Hàn Vẹt mấy tờ giấy bạc, nói:

– Hàn Vẹt này, cậu không thể nhận số tiền này!

Hàn Vẹt nói:

– Cậu chê ít à?

Kim Đồng ấp úng nói:

– Không, không phải thế…

Hàn Vẹt lại dúi năm giấy bạc vào lòng bàn tay nhớp nháp của Kim Đồng, nói:

– Cậu khinh cháu là đồ vô tích sự chăng?

Kim Đồng gạt đi:

– Cậu còn đâu tư cách để khinh rẻ người khác? Cháu giỏi đấy, so với ông cậu vô dụng này, cháu hơn cả trăm lần?…

Hàn Vẹt nói:

– Cậu ơi, người ta không hiểu cậu, nhưng cháu thì hiểu: Gia đình Thượng Quan toàn những người như rồng như phượng, như hổ như báo, chỉ tiếc là không gặp thời! Cậu ơi, nhìn tướng mạo cậu có khác gì Thành Cát Tư Hãn, sớm muộn cậu sẽ làm nên! Cậu hãy về nhà đã, hàn huyên với ngoại ít hôm rồi đến Trung tâm nuôi chim Phương Đông của cháu. Ra trận phải dựa vào anh em ruột, chiến đấu nhờ ở phụ tử binh! Thằng Răng Vàng hiện thời thì đang đắc chí, nhưng hắn là cái đuôi của con thỏ, không bao giờ mọc dài được! Tên ác bá Vu Vân Vũ hai tay buông xuôi, thì thằng Răng Vàng cũng rồi đời!

Hàn Vẹt mua ở quán một nải chuối tiêu, mười mấy quả quít đụng trong túi ni-lông màu hồng, đưa cho Kim Đồng, nhờ anh cầm về cho bà ngoại, rồi hai người chia tay nhau bên cầu bê tông. Kim Đồng nhìn dòng nước trong vắt, mũi cay xè. Anh chọn một chỗ vắng đặt hành lý xuống chân đê, vực nước rửa sạch bụi bặm trên mặt. Cũng phải, anh nghĩ, đã được trở về thì tinh thần cũng phải phấn chấn lên một tí, làm việc gì đó cho ra việc, vì mẹ, cũng là vì mình.

Anh định hướng theo trí nhớ về lại nơi ở cũ. Nhưng trước mặt anh là một công trường, một chiếc máy kéo đang húc đổ những mảng tường còn sót lại. Anh nhớ lại khi còn trên xe khách, Hàn Vẹt nói rằng, ba huyện Cao Mật, Bình Độ, Giao Châu, mỗi huyện cắt một phần đất, thành lập Chợ Mới. Trung tâm của Chợ Mới tất nhiên đặt tại trấn Đại Lan. Nơi đây sẽ nhanh chóng trở thành nơi đô hội, một thành phố phồn vinh. Không lâu nữa, ngôi nhà bảy tầng sẽ mọc lên từ nền cũ của nhà Kim Đồng, ủy ban hành chính thành phố sẽ đặt tại ngôi nhà này.

Đường phố đã được mở rộng, mặt đường này đã trải một lớp dày đá răm, bên vệ đường xẻ rãnh sâu hàng thước, một đám thợ phụ đang đặt đường ống bê tông. Nhà thờ đã bị san bằng, trước cổng nhà Tư Mã treo biển Công ty được Hoa Xương’, mấy chiếc xe măng ca ọp ẹp đỗ trên nền cũ của nhà thờ. Mấy chục cánh quạt cối xay gió của xưởng xay bột nhà Tư Mã, chất thành một đống lớn trên đất bùn. Trên nền xưởng chỉ còn chiếc cột hình trụ chĩa lên trời. Trong tiếng rung ầm ầm của máy trộn bê tông, trong làn khói đen kịt cay xé mũi của nhựa đường đun chảy, Kim Đồng lách qua những nhân viên đo đạc và từng tốp công nhân xây dựng tay cầm bia chai, mặt đỏ dừ vì hơi men, cuối cùng ra khỏi cái thôn đã biến thành công trường, bước lên con đường rải nhựa thông với chiếc cầu đá trên sông Mục.

Khi anh vượt qua cây cầu nhỏ trên sông Mục, trèo qua con đê ở bờ nam, trông thấy ngọn tháp bảy tầng uy nghi xây bằng gạch, thì trời đã hoàng hôn. Ráng chiều nhuộm đỏ thân tháp, những bụi cỏ khô trên kẽ nứt đỏ rục như ngọn lửa. Một đàn bồ câu lượn vòng quanh đỉnh tháp. Một sợi khói trắng đơn độc tỏa trên mái nhà tranh dưới chân tháp. Cánh đồng im lìm, tiếng máy từ công trường vọng lại càng rõ. Ôi sao mà trống trải, trống trải ghê gớm, Kim Đồng cảm thấy đầu như bị rỗng, dòng nước mắt mặn chát chảy vào miệng anh.

Anh cố nén trống ngực cứ dội lên từng đợt, nhằm hướng cây tháp buộc tới. Từ rất xa, anh đã trông thấy một bà già tóc bạc phơ, chống cây gậy làm bằng cán ô hỏng, đứng trước ngọn tháp nhìn về phía anh. Anh cảm thấy đôi chân gần như không bước đi được nữa, nước mắt thì cứ thế mà chảy dài trên má. Giống như cỏ khô trên tháp, mái tóc bạc trên đầu mẹ thoắt cái trở thành những ngọn lửa. Anh kêu lên một tiếng tắc nghẹn rồi nhào tới trước mặt mẹ, quì xuống úp mặt trên đầu gối xương xẩu của mẹ, cảm thấy như chìm trong vục nước sâu, tất cả những âm thanh, màu sắc, những bóng hình đều không còn tồn tại, mà chỉ còn mùi vị của sữa dâng lên mãnh liệt, dâng lên từ chiều sâu của ký ức, chiếm cứ toàn bộ cảm giác của anh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN