Ba Ơi, Mình Đi Đâu - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Ba Ơi, Mình Đi Đâu


Chương 4


Điều duy nhất ba mẹ làm được là đặt tên cho các con. Khi chọn hai cái tên Mathieu và Thomas, ba mẹ đã theo lối thượng lưu cộng thêm sự tham khảo đôi chút về tôn giáo. Bởi người ta chẳng bao giờ biết được mọi chuyện và tốt hơn hết là phải luôn tỏ ra hòa hợp với mọi người.

Nhưng ba mẹ đã lầm khi nghĩ có thể thu hút được đặc ân của Chúa trời về phía các con. Mỗi lần nghĩ đến đôi tay đôi chân bé nhỏ của các con, ba lại hiểu các con sinh ra không phải để được đặt tên là Tarzan… Ba không tưởng tượng nổi cảnh các con ở trong rừng rậm, chuyền từ cành này sang cành khác, thách thức những dã thú bạo tàn, và dùng đôi cánh tay mạnh mẽ bạnh hàm một con sư tử hay bẻ cổ một con trâu.

Đúng hơn thì tên các con phải là Tarzoon, nổi tủi hổ của rừng rậm.

Các con nên nhớ, ba thích các con hơn Tarzan ngạo mạn. Các con dễ khiến người ta cảm động hơn, hai chú chim bé bỏng của ba ạ. Các con làm ba nghĩ đến những người ngoài hành tinh.

Thomas có một cặp kính mắt, một cặp kính mắt nhỏ màu đỏ, tất hợp với thằng bé. Trong bộ quần yếm, trông nó y như một sinh viên Mỹ, nó thật bảnh.

Tôi cũng không nhớ làm thế nào mà chúng tôi nhận ra thị lực của thằng bé kém nữa. Giờ đây, với cặp kính của mình, nó có thể nhìn thấy rõ mọi thứ, chú chó Snoopy, những bức tranh nó vẽ… Đã có lúc tôi ngây thơ không tưởng nổi khi nghĩ rằng rốt cuộc nó cũng có thể biết đọc.

Thoạt tiên, tôi mua cho nó các cuốn truyện tranh, tiếp đến là các cuốn tiểu thuyết trong bộ sưu tập “Signe de Piste”, rồi Alexandre Dumas, Jules Verne, Meaulnes vĩ đại và sau cùng, tại sao lại không chứ, là Proust.

Nhưng không, nó sẽ chẳng bao giờ biết đọc. Dù câu chữ trên các trang sách có trở nên rõ ràng thì mọi thứ trong đầu nó vẫn mãi lờ mờ như thế. Nó sẽ chẳng bao giờ biết được rằng những cái vết chân ruồi nhỏ xíu phủ đầy các trang sách ấy kể chuyện cho chúng ta nghe và có thể đưa chúng ta đến những miền đất khác. Nó đứng trước những cái vết ấy cũng như tôi đứng trước đống chữ tượng hình vậy.

Hẳn nó tin đó là những bức tranh, những bức tranh nhỏ xíu vô nghĩa. Hoặc đơn giản nó nghĩ đó là những đàn kiến và nó ngắm nhìn chúng, ngạc nhiên vì thấy chúng không bỏ trốn khi nó di di tay nghiến nát chúng.

Để khiến khách qua đường mủi lòng, những người ăn xin thưởng phô bày cái nghèo khổ của họ, bàn chân què quặt, mỏm cụt ở chân ở tay, con chó già nua, con mèo đầy rận, con cái họ.

Lẽ ra tôi cũng có thể làm giống họ. Tôi có tới hai con chim mồi loại tốt để kêu gọi lòng thương, hẳn chỉ cần mặc cho chúng chiếc áo măng tô nhỏ sờn rách màu xanh lính thủy là đủ. Lẽ ra tôi có thể cùng chúng ngồi lên một miếng bìa các tông trải trên đất, ra vẻ nặng gánh nhọc nhằn. Lẽ ra tôi có thể bật những giai điệu réo rắt từ máy nghe nhạc, Mathieu nhịp nhàng vỗ lên quả bóng của mình.

Lẽ ra tôi, người vốn luôn mơ ước trở thành nghệ sĩ hài kịch, tôi có thể kể câu chuyện “Cái chết của con chó” của Vigny, trong khi Thomas diễn vai con sói khóc lóc, “nó khóc, con sói nhỏ”…

Có lẽ mọi người sẽ rất xúc động và ấn tượng trước màn diễn đó. Có lẽ họ sẽ cho chúng tôi vài xu để đi uống một ly Byrrh vì sức khỏe của ông bọn trẻ.

Tôi đã làm một chuyện điên rồ, tôi vừa mua cho mình một chiếc Bentley. Một chiếc xế cổ, một chiếc Mark VI, 22 mã lực, cứ một trăm cây số lại tiêu thụ hết hai mươi lít xăng. Xe màu xanh nước biển pha đen, nội thất xe bọc da đỏ. Bảng điều khiển làm từ gỗ trắc bách diệp, với rất nhiều những mặt đồng hồ tròn nho nhỏ và đèn báo sáng được thiết kế nom như những viên đá quý. Chiếc xe đẹp như một cỗ xe ngựa bốn bánh sang trọng vậy; khi nó dừng lại, người ta cứ ngỡ từ trên đó bước xuống là nữ hoàng nước Anh.

Tôi dùng chiếc xe này để đến viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt đón Thomas và Mathieu.

Tôi cho chúng ngồi lên ghế sau, như những vị hoàng tử.

Tôi rất tự hào về chiếc ô tô của mình, mọi người đều ngưỡng mộ nhìn nó, cố nhận mặt một nhân vật tiếng tăm trên ghế sau xe.

Giá như họ thấy cái gì trên ghế sau xe, hẳn họ sẽ thất vọng lắm. Thay vì nữ hoàng nước Anh là hai thằng bé xấu xí lồi u dãi dớt lòng thòng, trong đó có một thằng, thằng thiên tài, không ngớt lặp đi lặp lại: “Ba ơi, mình đi đâu? Ba ơi mình đi đâu?…”

Tôi nhớ có lần, trên đường về, tôi định nói chuyện với chúng như một người cha nói chuyện với các con của mình khi ông đến trường đón chúng. Tôi nghĩ ra các câu hỏi liên quan đến chuyện học hành. “Thế nào, Mathieu, bài tập về Motaigne ấy? Bài tiểu luận của con được mấy điểm? Còn con, Thomas, bài viết tiếng Latin của con mắc bao nhiêu lỗi. Môn lượng giác thì sao?”

Trong lúc nói với chúng về chuyện học hành, tôi ngắm nhìn qua gương chiếu hậu những mái đầu rối bù nhỏ bé cùng ánh mắt ngơ ngáo của chúng. Có lẽ tôi đang hy vọng chúng sẽ trả lời nghiêm túc những câu hỏi của tôi, hy vọng chúng tôi sẽ dừng màn hài kịch lũ trẻ tật nguyền ở đây, hy vọng rằng trò chơi này chẳng hay ho gì, rốt cuộc chúng sẽ trở nên nghiêm túc như tất cả mọi người, rốt cuộc chúng lại trở nên giống như những người khác…

Tôi đã đợi câu trả lời một lát.

Thomas đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Ba ơi, mình đi đâu? Ba ơi, mình đi đâu?” trong khi Mathieu cứ liên tục “brừm-brừm”…

Đó đâu phải một trò chơi.

Thomas và Mathieu đang lớn, chúng lần lượt mười một và mười ba tuổi. Tôi từng nghĩ rằng một ngày nào đó, chúng sẽ có râu, tôi sẽ phải cạo râu cho chúng. Trong phút chốc, tôi tưởng tượng ra chúng cùng bộ râu của chúng.

Tôi từng nghĩ rằng khi chúng lớn, tôi sẽ tặng mỗi đứa một chiếc dao cạo hình thanh đoản kiếm. Tôi sẽ nhốt chúng trong phòng tắm để chúng tự xoay xở với chiếc dao cạo được tặng. Khi không nghe thấy tiếng động gì nữa, tôi mới cầm một chiếc giẻ lau nhà chạy đến chùi rửa phòng tắm.

Tôi kể ý tưởng này cho vợ tôi nghe để chọc cô ấy cười.

Mỗi dịp cuối tuần, Thomas và Mathieu lại từ viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt trở về, mình mẩy đầy vết trầy da xước xát. Hẳn chúng phải đánh nhau dữ dội lắm. Hoặc, tôi tưởng tượng ra rằng trong cái viện vốn nằm ở nông thôn ấy, kể từ khi trò chọi gà bị cấm, các giáo viên đã tổ chức những cuộc chiến con trẻ để thư giãn đồng thời kiếm chác thêm chút tiền.

Cứ nhìn những vết thương sâu hoắm cũa bọn trẻ, thì hẳn là các giáo viên đã phải gắn những chiếc cựa kim loại vào ngón tay chúng. Chẳng tốt chút nào.

Tôi phải viết thư cho bán giám đốc viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt để chuyện này chấm dứt mới được.

Thomas sẽ không phải ghen tị với anh trai nó nữa, nó cũng sắp có một chiếc áo chỉnh hình rồi. Một chiếc áo chỉnh hình rất ấn tượng bằng da và kim loại mạ crôm. Nó cũng đang còn gập người, đang trở nên gù như anh nó. Ít nữa thôi, chúng sẽ giống như những cụ già bé bỏng sống cả đời chỉ để nhặt củ cải trên các cánh đồng.

Mấy chiếc áo chỉnh hình đắt khủng khiếp, chúng được làm hoàn toàn thủ công, tại một xưởng chuyên biệt ở Paris, gần La Motte-Picquet, xưởng Maison Leprêtre. Hàng năm, chúng tôi phải đưa bọn trẻ đến xưởng lấy số đo để làm áo chỉnh hình mới vì chúng vẫn lớn lên. Lúc nào chúng cũng ngoan ngoãn mặc người ta làm gì thì làm.

Khi được mặc áo chỉnh hình với crôm sáng ánh lên, nom chúng như những chiến binh La Mã trong bộ áo giáp hay như những nhân vật truyện tranh khoa học viễn tưởng.

Khi ôm chúng trong tay, tôi có cảm giác đang ôm những con rô bốt. Những con búp bê bằng sắt.

Buổi tối, tôi phải dùng cờ lê để cởi đồ cho chúng. Khi tháo bộ áo giáp khỏi người chúng, tôi nhận thấy phần thân trần phía trên còng queo của chúng có những vết bầm tím do cái khung kim loại hằn lên, và tôi lại gặp lại hai chú chim non nhỏ bé trụi lông đang run rẩy.

Tôi đã làm nhiều chương trình truyền hình về trẻ em tật nguyền. Tôi vẫn nhớ trong chương trình đầu tiên, tôi bắt đầu bằng một loạt hình ảnh xoay quanh cuộc thi em bé xinh nhất. Phần minh hoạ là bài hát do André Dassary thể hiện: “Hãy ngợi ca tuổi trẻ, tuổi coi thường công danh và bay thẳng đến chiến thắng…”

Tôi có quan điểm rất lạ về các cuộc thi em bé xinh nhất. Tôi chẳng bao giờ hiểu tại sao người ta lại tán dương và tặng thưởng những người có con cái xinh đẹp, như thể đó là nhờ họ vậy. Nếu đã thế, thì sao không trừng trị và bắt phạt những kẻ có con cái tật nguyền đi?

Tôi còn gặp lại những bà mẹ ngạo mạn và tự tin giơ kiệt tác của họ lên trước ban giám khảo ấy.

Tôi từng muốn họ đánh rơi cái kiệt tác của họ.

Tôi về nhà sớm hơn thường lệ. Chỉ có một mình Josée trong phòng bọn trẻ, hai chiếc giường trống không, cửa sổ mở toang. Tôi nghiêng người ra ngoài, nhìn xuống dưới, mơ hồ lo sợ.

Chúng tôi sống ở tầng thứ bốn mươi.

Bọn trẻ đâu rồi? Tôi không nghe thấy tiếng chúng. Josée đã quẳng chúng qua cửa sổ. Có thể cô ta đã lên cơn điên, đôi khi tôi vẫn đọc được những tín hiệu kiểu như vậy trên báo chí.

Tôi hỏi cô ta, vẻ nghiêm trọng: “Josée, tại sao cô lại quẳng bọn trẻ qua cửa sổ?”

Tôi nói thế để cười, để xua đi ý nghĩ đen tối.

Cô ta không trả lời, cô ta không hiểu, nom cô ta có vẻ sững sờ.

Tôi tiếp tục cũng bằng cái giọng ấy: “Thật không tốt chút nào. Josée ạ, những chuyện cô đã làm ấy mà. Tôi biết chúng tật nguyền, nhưng đấy không phải là lý do để quẳng chúng đi.” Josée khiếp sợ, cô ta nhìn tôi không thốt nên lời, tôi nghĩ cô ta sợ tôi. Cô ta đi vào phòng ngủ của vợ chồng tôi, bế bọn trẻ lại và đặt bọn chúng trước mặt tôi.

Chúng vẫn ổn.

Josée được phen bấn loạn, hẳn cô ta phải tự nhủ: “Ông sinh ra lũ con điên điên như thế cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.”

Mathieu và Thomas sẽ chẳng bao giờ biết đến Bach, Schubert, Brahms, Chopin…

Chúng sẽ chẳng bao giờ tranh thủ được ích lợi từ các nhạc sĩ này, những người vốn giúp chúng ta sống qua những buổi sáng buồn bã, khi tâm trạng u uẩn và hệ thống sưởi bị hỏng. Chúng sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác nổi da gà mỗi lần nghe một khúc adagio của Mozart, sức mạnh mà mỗi bản nhạc của Beethoven và mãnh liệt của Liszt mang lại, mong muốn vùng dậy xâm chiếm Ba Lan sau mỗi tác phẩm của Wagner, những vũ điệu cuồng nhiệt của Bach và những giọt nước mắt nóng hổi trước những bản nhạc da diết của Schubert…

Tôi rất muốn chúng thử nghe bằng dàn hi-fi và mua một bộ. Lập cho chúng tủ đĩa hát đầu tiên, tặng chúng những chiếc đĩa đầu tiên…

Tôi rất muốn chúng nghe những đĩa hát ấy, cùng chúng chơi trò “Diễn đàn âm nhạc”, tranh luận về các cách biểu diễn khác nhau và quyết định xem cách nào là hay nhất…

Để chúng được rung động trước tiếng dương cầm của Benedetti, Gould, trước tiếng vĩ cầm của Menuhin, Oïstrakh, Milstein…

Để chúng được thoáng thấy thiên đường.

Mùa thu. Tôi băng qua khu rừng Compiègne trên chiếc Bently, với Thomas và Mathieu ngồi ở ghế sau. Cảnh đẹp không thể tả nổi. Khu rừng rực lên đủ màu sắc, đẹp như trong tranh Watteau vậy. Thậm chí tôi không thể nói với bọn trẻ: “Các con nhìn xem, đẹp chưa”, Thomas và Mathieu không ngắm cảnh, chúng chẳng quan tâm. Chúng tôi chưa bao giờ thưởng ngoạn được gì cùng nhau cả.

Chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến Watteau, chúng sẽ chẳng bao giờ đi tham quan bảo tàng. Ngay cả những niềm vui lớn lao giúp loài người sống nổi ấy, chúng cũng bị tước nốt.

Chỉ có món khoai tây chiên. Chúng mê mẩn khoai tây chiên, dặc biệt là Thomas, nó nói được từ “khoai tai chiên”.

Khi ngồi một mình trên ô tô với Thomas và Mathieu, thỉnh thoảng tôi lại nảy ra ý tưởng thật kỳ quặc. Tôi sẽ mua hai chai rượu, một chai Butagaz và một chai whisky, và tôi sẽ nốc cạn cả hai chai.

Tôi tự nhủ nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhất là đối với vợ tôi. Càng ngày tôi càng không sống nổi, bọn trẻ càng lớn càng trở nên khó tính. Thế là tôi nhắm nghiền mắt lại và vừa tăng tốc vừa cố giữ cho mắt nhắm nghiền càng lâu càng tốt.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ông bác sĩ đặc biệt đã đón tiếp chúng tôi ngày vợ tôi mang bầu lần thứ ba. Chúng tôi đã định phá thai. Ông bác sĩ nói: “Tôi xin nói thẳng với ông bà. Ông bà đang lâm vào một tình thế nguy kịch. Ông bà đã có hai đứa con tật nguyền. Ông bà định có thêm đứa nữa, nhưng liệu mọi chuyện có thực sự đổi khác không, với tình hình như hiện giờ? Song ông bà cứ tưởng tượng lần này ông bà sẽ có một đứa con bình thường đi. Thế là tất cả sẽ thay đổi. Ông bà sẽ không thất bại nữa, và đứa trẻ sẽ là may mắn của ông bà.”

May mắn của chúng tôi tên là Marie, con bé bình thường và rất xinh đẹp. Nó bình thường, vì trước nó chúng tôi đã có hai bản nháp thử rồi. Khi biết tình trạng hai anh nó, các bác sĩ đều khẳng định như vậy.

Hai ngày sau khi Marie chào đời, một bác sĩ nhi khoa đến thăm bệnh cho con bé. Ông ta xem xét chân nó rất lâu, rồi ông ta cao giọng:”Chân con bé có thể bị khoèo…” Một lúc sau, ông ta nói thêm: “Không phải, tôi nhầm.”

Chắc chắn ông ta nói thế để chọc cười.

Con gái tôi lớn lên, trở thành niềm tự hào lớn lao của chúng tôi. Nó thật xinh đẹp, nó thật thông minh. Sự phuc thù số mệnh đích đáng, cho đến một ngày kia…

Nhưng khá nực cười, đó lại là câu chuyện khác.

Mẹ của các con tôi, người từng bị tôi làm cho phát bực, đã rất chán nản, cô ấy chia tay tôi. Cô ấy đi tìm tiếng cười nơi khác. Đáng đời tôi. Tôi đáng bị thế lắm.

Tôi lại còn một mình, khốn đốn.

Tôi muốn tìm một cô gái trẻ đẹp.

Tôi tưởng tượng ra thông báo tìm bạn đời của mình thế này.

“Trung niên, 40 tuổi, 3 con trong đó 2 con bị tật nguyền, tìm một phụ nữ trẻ có học thức, xinh đẹp, hài hước.”

Người phụ nữ đó cần có rất nhiều thứ, nhất là tâm trạng u ám.

Tôi đã gặp gỡ một vài cô xinh xắn hơi ngốc nghếch. Tôi hết sức tránh nhắc đến các con tôi, Nếu không hẳn mấy cô ấy trốn tiệt mất.

Tôi còn nhớ một cô nàng tóc vàng cũng biết tôi đã có con, nhưng không rõ chúng trong tình trạng nào. đến giờ tôi vẫn như nghe cô nàng hỏi: “Khi nào thi anh giới thiệu em với các con anh vậy, có vẻ như anh không muốn ấy, anh xấu hổ vì em à?”

Tại viện chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đặc biệt nơi Mathieu và Thomas ở, có nhiều cô phụ trách trẻ, đặc biệt có một cô cao lớn tóc nâu rất xinh đẹp. Rõ ràng cô ta sẽ là người lý tưởng, bởi cô ấy biết các con tôi và cách sử dụng chúng.

Nhưng rốt cuộc, chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Hẳn cô ta đã tự nhủ: “Bọn tật nguyền ư, trong tuần thì được đấy, vì đó là công việc của mình, nhưng phải gặp chúng cả tuần nữa thì…”

Mà có lẽ tôi cũng không hợp gu cô ta và cô ta thường nghĩ: “Gã đó hả, chuyên môn của gã là trẻ tật nguyền, có thể gã lại cho mình một đứa tật nguyền lắm chứ, vậy nên thôi, xin cám ơn.”

Và rồi, một ngày kia, ngày xửa ngày xưa có một cô gái duyên dáng, học thức, hài hước. Cô ấy quan tâm đến tôi cùng hai đứa trẻ bé bỏng của tôi, Tôi thật may mắn vì cô ấy chấp nhận ở lại. Nhờ cô ấy, Thomas đã học được cách kéo lên và kéo xuống khoá Éclair. Không lâu. Bởi ngày hôm sau thằng bé không biết nữa, nó quên tất cả, phải bắt đầu bằng con số 0.

Với các con tôi, người ta không bao giờ phải sợ lặp đi lặp lại một việc, chúng quên mọi thứ. Với chúng, chẳng bao giờ có chuyện chán nản, chẳng bao giờ có chuyện thói quen hay buồn rầu. Chẳng có gì lỗi thời hết, mọi việc luôn mới mẻ.

Những chú chim bé nhỏ của ba, ba rất buồn khi nghĩ rằng các con không biết điều gì đã làm nên những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cuộc đời ba.

Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy là những khoảnh khắc mà ở đó thế giới thu nhỏ lại thành một người duy nhất, ở đó chúng ta sống chỉ vì người ấy và nhờ vào người ấy, ở đó chúng ta run run mỗi lần nghe tiếng bước chân người ấy, giọng nói người ấy, chúng ta ngây ngất mỗi lần trông thấy người ấy. Chúng ta sợ làm đau người ấy nếu ôm người ấy quá chặt, chúng ta rạo rực mỗi lần ôm hôn người ấy và thế giới xung quanh chúng ta bỗng trở nên nhạt nhòa.

Các con sẽ chẳng bao giờ biết được cơn rùng mình êm dịu lan tỏa từ chân đến đầu ấy, nó làm nảy sinh trong các con cảm giác xáo trộn, tệ hơn cả việc bị mất trí, bị điện giật hay bị hành quyết. Nó làm các con bối rối, đảo điên và cuốn các con vào cơn cuồng quay khiến các con trở nên hoảng hốt và nổi da gà. Nó khuấy động tâm can các con, làm mặt mũi các con nóng bừng, làm các con đỏ mặt, làm các con phải gào rú, sởn gai ốc, làm các con ấp úng, nói nhăng cuội, làm các con vừa cười vừa khóc.

Bởi lẽ, thế đấy, những chú chim bé nhỏ của ba, các con sẽ chẳng bao giờ biết chia ở ngôi thứ nhất số ít và ở thức trình bày hiện tại động từ thuộc nhóm thứ nhất này: yêu

Mỗi lần trên phố người ta yêu cầu tôi ủng hộ trẻ em tật nguyền, tôi đều từ chối. Tôi không dám nói rằng tôi có tới hai đứa con tật nguyền, bởi người ta sẽ nghĩ tôi đùa cợt.

Vẻ ung dung và tươi tắn, tôi tự cho phép mình nói: “Trẻ em tật nguyền à, tôi đã cho rồi.”

Tôi vừa phát minh ra một con chim. Tôi đặt tên nó là Antivol (1), nó là một con chim hiếm. Nó không giống như những con chim khác. Nó hay bị chóng mặt. Thật không may đối với một con chim. Nhưng nó rất lạc quan. Thay vì yếu mềm trước khuyết tật của mình nó lại lấy khuyết tật đó ra để vui đùa.

Mỗi khi người ta bảo nó bay, nó đều tìm được một lý do nhộn nhộn nào đó để không thực hiện điều người ta bảo và chọc cười mọi người. Hơn nữa, nó rất dạn dĩ, nó mỉa mai những con chim bay, những con chim bình thường.

Như thể Thomas và Mathieu mỉa mai những đứa trẻ bình thường chúng gặp trên phố vậy. Thế giới đảo lộn.

Trời mưa, Josée đưa bọn trẻ đi dạo về sớm hơn thường lệ, cô ta đang cho Mathieu ăn

Tôi không thấy Thomas. Tôi ra khỏi phòng. Trong hành lang, trên mắc áo, tôi thấy treo bộ quần liền tất của thằng bé, nó vẫn căng phồng lên, giữ đúng hình dạng một cơ thể. Tôi trở lại phòng với vẻ nghiêm khắc.

“Josée, tại sao cô lại treo Thomas lên mắc áo?” Cô ta nhìn tôi không hiểu.

Tôi tiếp tục trò đùa của mình: “Không phải vì nó là một đứa trẻ tật nguyền mà người ta cần treo nó lên mắc áo như vậy.”

Josée không bối rối, cô ta trả lời:

“Thưa ông, tôi phơi một lúc cho nó khô, nó ướt sũng.”

____________________________________________________________________________________

1 Ở đây tác giả chơi chữ, ghép giữa “anti” (phản đối) và “vol” (bay)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN