Cây Tỏi Nổi Giận
Chương 14
Xã hội cũ quan lại bênh nhau, dân tình khốn khổ
Xã hội mới nêu cao chính nghĩa, công bằng.
Nào ai ngờ xã trưởng Vương ngồi trên luật pháp
Chạy thoát lưới trời tên tài xế giết dân.
– Chú Tư Phương bị xe cán chết trên đường đi bán tỏi, Khấu mù kêu oan cho chú Tư trước cửa Cục Công an. Trích đoạn lời ca.
Khoảng giữa trưa, thím Tư đang nằm thiêm thiếp trên giường, cảm thấy có người nắm cánh tay thím, vội ngồi dậy dụi mắt nhìn khuôn mặt trái xoan đẹp ngời ngợi của nữ cảnh sát trẻ mặc cảnh phục, đội mũ lưỡi trai.
– Số 47, sao không ăn cơm? – Cô cảnh sát giám thị hỏi.
Cô giám thị có cặp mắt to đen láy, hàng mi chớp chớp, thím thực tình rất thích cô gái này. Cô quạt bằng mũ, vừa quạt vừa nói: “Vào đây phải thành khẩn, có sao nói vậy, thành khẩn được khoan hồng, ngoan cố phải xử nghiêm, đến bữa thì phải ăn.”
Thím Tư cảm kích ứa nước mắt, gật đầu lia lịa. Nữ giám thị để tóc ngắn, rẽ đường ngôi như con trai, tóc đen nhánh, càng nổi bật khuôn mặt trắng trẻo.
– Cô ơi… – Thím Tư miệng méo xệch định nói câu gì đó. nhưng nước mắt nghẹn họng.
Nữ giám thị đội mũ lên đầu, nói: “Thôi ăn đi! Phải tin chính phủ không xử oan người tốt, không bỏ sót kẻ xấu.”
– Cô ơi, tui là người tốt, tha cho tui về nhà! – Thím Ư vừa khóc vừa nói.
– Cái bà này lắm điều! – Nữ giám thị nhíu mày, hai lúm đồng tiền trên má – Tha hay không, tôi nói sao được!
Thím Tư dùng tay vắt nước mũi, lấy vạt áo lau nước mắt, hỏi: “Cô ơi, năm nay cô bao nhiêu tuổi?”
Nữ giám thị trừng mắt, lộ ngay vẻ nanh nọc: “Số 47, cái gì không nên hỏi thì đừng hỏi.”
– Cô xinh quá! Tui thích cô quá thì hỏi thế thôi.” – Thím Tư nói.
– Bà hỏi tuổi tôi làm gì?
– Chẳng làm gì cả, chỉ hỏi thế thôi.
Nữ giám thị bật cười: “Hăm hai.”
Thím Tư nói: “Cùng tuổi với con Cúc nhà tui, tuổi rồng. Con bé nhà tui hẩm hiu, chẳng bằng một nửa của cô.”
Nữ giám thị lại bảo: “Bà ăn ngay đi, ăn rồi ngẫm lại những chuyện mình đã làm mà khai báo cho thành khẩn!”
– Cô ơi, cô bảo tui ngẫm cái gì?
– Vì sao bắt bà, có biết không?
– Tui làm sao biết được? – Thím Tư lại nhệch miệng khóc, vừa khóc vừa kể – Tui đang ăn cơm trong nhà, bánh bột ngô thì phải ăn với dưa, liền nghe có tiếng người gọi tui ngoài cổng, vừa ra cổng, người ta liền túm tay tui, tui sợ quá nhắm tịt mắt, lúc mở mắt ra thì cổ tay sáng loáng, còng lại rồi! Con gái tui khóc trong nhà, nó sắp đẻ. Nói cô đừng cười, nó chửa hoang. Tui kêu lên, hai ông công an lôi tui chạy, lại còn một cô công an cao hơn cô, không xinh bằng cô. Cô ta dữ lắm, đá tui liền mấy đá…
– Thôi thôi! – Nữ giám thị sốt ruột – Bà ăn cơm đi!
– Cô ơi, cô bực hả? – Thím Tư nói – Cục công an nhà cô bắt những ai thì chẳng biết, lại bắt mụ già này làm gì?
– Bà không đập phá trụ sở của Chính phủ à?
– Thì ra đấy là chính phủ huyện, tui không biết. Tui đi kêu oan, ông lão nhà tui đang khoẻ mạnh chẳng ốm đau gì, vậy mà bị họ chẹt chết tươi!
Thím Tư oà khóc, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, oan cho tui quá!”
Nữ giám thị nói: “Không được khóc, cũng không được phép gọi là cô, phải gọi là bà giám thị, hoặc gọi là Chính phủ. Những người kia cũng phải gọi như thế.”
– Bà em kia cũng bảo vậy, phải gọi là Chính phủ, không được gọi “Cô”! – Thím Tư chỉ vào một phụ nữ đang nằm sấp trên giường, nói: “Già rồi hay quên, không nhớ được.”
– Mau ăn cơm đi! – Nữ giám thị nói.
– Cô… à Chính phủ… – Thím Tư chỉ cái màn thầu đen sì và tô canh tỏi, hỏi – Cơm này phải trả tiền không? Tem lương thực thì sao?
Nữ giám thị cười dở mếu dở, nói: “Ăn đi, không thu tiền, cũng không thu tem phiếu, hẳn là bà sợ thu tiền thu phiếu nên không ăn chứ gì?”
– Cô ơi, cô không biết, ông lão nhà tui chết, hai thằng con trời đánh gây sự ra ở riêng, tui không còn xu nào.
– Nữ giám thị đi ra. Thím Tư hỏi với theo: “Cô ơi, cô có chồng chưa?”
Nữ giám thị nói: “Đủ rồi, đủ rồi! Đúng là điên!”
Thím Tư nói: “Con gái bây giờ nóng như lửa, không cho người già nói nữa!”
Nữ giám thị sập mạnh cửa sắt, nện côm cốp giầy cao gót cho đến tận đầu đằng kia hành lang.
Trần hành lang có tiếng kêu kít kít như tiếng rít của bánh xe cọn quay nước. Trong sân nhà giam có cây, trên cây, chích choè đang hót.
Thím Tư thở dài, cầm cái màn thầu lên ngửi, bẻ đôi, cấu một mẩu nhúng nước canh rồi bỏ vào miệng nhai trệu trạo vì răng đã khuyết.
Phía giường đối diện, người phụ nữ đứng tuổi trở mình, ngửa mặt nhìn lên trần thở dài.
Thím Tư hỏi: “Chị cả này, chị không ăn nữa à?”
Người phụ nữ đứng tuổi mở cặp mắt vô hồn, cười buồn, lắc đầu mệt mỏi: “Tức ngực quá, nuốt không trôi!”
Nữ phạm đứng tuổi chỉ ăn một nửa cí màn thầu, nửa còn lại để trên cái bàn vuông màu xám, mấy con nhặng xanh đang đậu ở trên.
Thím Tư nói: “Đây là bột cũ, có mùi mốc, dù vậy vẫn ngon hơn bột ngô.”
Người phụ nữ đứng tuổi không nói gì nữa, chỉ nhìn trân trân trần nhà xám, nằm bất động rất lâu.
Thím Tư ăn xong cái bánh, húp hết canh tỏi trong bô, nhìn nửa chiếc bánh trên bàn đang bị lũ nhặng xanh gặm nhấm, rụt dè hỏi: “Chị Cả này, cái bô của tui còn dính một ít dầu, tiếc của quá. Hay là chị Cả cho tui tí vỏ bánh của chị để tui vét chỗ dầu ở bô?”
Nữ phạm đứng tuổi gật đầu: “Bác ăn hết chưa?”
Thím Tư nói: “Đây là suất của chị, tui ăn không tiện.”
– Bác cứ ăn đi! Tui nuốt không được!
– Vậy thì tui ăn – Thím Tư tuột xuống giường, đến bên bàn cầm lấy nửa cái bánh màn thầu dính đầy cứt nhặng xanh, nói với nữ phạm đứng tuổi: – Không phải tui tham, bột mì hẳn hoi mà bỏ thì phí của!
Nữ phạm đứng tuổi gật đầu, hai giọt nước mắt màu vàng ứa ra trên cặp mắt mờ đục.
Thím Tư hỏi: “chị Cả này, trông chị như khó ở phải không?”
Nữ phạm yên lặng, từng giọt nước mắt nối đuôi nhau rớt xuống thái dương.
– Phải nghĩ cho thoáng, chị Cả! – Thím Tư cũng nước mắt lưng tròng – Con người ta sống đâu có dễ! Nhiều lúc tui cứ nghĩ, con người không bằng con chó! Chó còn được người cho ăn cám, không có cám thì ăn phân. Chó có bộ lông, chẳng lo thiếu áo mặc. Còn con người thì lo ăn lo mặc, xoay như chong chóng, về già, con cái tốt còn khá, con cái không tốt thì còn bị đánh, bị chửi…
Thím Tư dùng mu bàn tay quệt nước mắt trên mặt.
Nữ phạm đứng tuổi lật sấp, úp mặt vào chăn khóc thảm thiết, hai vai rung lên.
Thím Tư bước xuống đất, ngật ngưỡng đến bên giường nữ phạm đứng tuổi ngồi xuống, khẽ vỗ vai chị ta, nói:
“Chị Cả này, đừng vậy! Phải nghĩ cho thoáng. cuộc đời này không dành cho loại người như chúng ta, âu cũng là cái số, sinh ra đã định sẵn cả rồi, người thì làm quan làm tướng, kẻ thì làm đầy tớ, người hầu, không thay đổi được. Chị em mình bị giam ở đây cũng là do ông trời đã sắp xếp. Ở đây còn được, có giường có chăn, ăn không cần tem phiếu, chỉ mỗi cửa sổ quá bé, ngột ngạt… Nghĩ cho thoáng đi, lúc nào đó quả thật sống không nổi thì đi tìm một chỗ rồng rộng một tí mà chết!…”
Nữ phạm đứng tuổi khóc càng to, lính gác ló mặt vào cửa sổ, quát: “Số 46, không được khóc!”
Lính gác lại vỗ song sắt cửa sổ: “Không được khóc, nghe rõ chưa?”
Nữ phạm đứng tuổi khóc nhỏ dần, hai vai vẫn rung.
Thím Tư lê về giường mình, tụt giày, ngồi xếp bằng tròn trên giường. Nhặng xanh bay khắp buồng, tiếng u u rộ lên từng đợt. Thấy ngứa trong quần, thò tay vào, thím lần ra một con vật béo núc, đưa lên gần mắt thì đó là con rận màu xám, đặt giữa hai móng tay cái, thím ép bẹp con rận mỏng như tờ giấy. Thím nhớ nhà thím không có rận, bèn nghi chăn chiếu nhà giam có. Giở chăn ra xem, quả nhiên rận vón cục từng đám, bò nhung nhúc. Thím phấn khởi kêu: “Chị Cả này, chăn có rận!…” Nữ phạm im lặng, thím Tư cũng không để ý, nhích đít về phía trước, chăm chú bắt từng con. Giết bằng móng tay rất phiền toái, thím cho rận vào miệng, răng cửa khuyết thì dùng răng hàm nhai lốp bốp, xác rận lép kẹp được nhổ ra ngoài. Những con rận có vị ngòn ngọt, thím rất thích.
Đau xót ư, phiền não ư, thím quên sạch.
Tiếng nôn oẹ của nữ phạm đứng tuổi đánh động thím Tư. Thím dụi cặp mắt mờ đi vì bắt rận, quệt cái xác rận ở
mép lên mu bàn tay. Các xác rận được dán lên tường.
Nữ phạm đứng tuổi đang nôn khan, miệng há to nhưng không nôn được, thím Tư lết sang, đấm nhẹ lưng chị ta, luôn miệng than thở.
Nữ phạm đứng tuổi oẹ một hồi, giơ tay chùi nước dãi bên mép, mệt mỏi nằm xuống giường, nhắm mắt thở dốc.
Thím Tư hỏi: “Chị Cả này, phải chị đã “ấy” không?”
Nữ phạm giương cặp mắt vô hồn nhìn đăm đăm thím Tư, hình như không hiểu câu hỏi.
– Chị Cả, ấy là tui hỏi chị Cả, có tin mừng à?
Nữ phạm miệng méo xệch khóc hu hu, vừa khóc vừa nói: “Con ơi… con của tôi, Ái Quốc của tôi!…”
– Thôi nào, thôi nào! – Thím Tư khuyên giải – Có khổ cứ nói với bà già này, đừng để trong dạ mà khổ!…
– Bác ơi, thằng Ái Quốc nhà em chết rồi! Em mơ thấy nó chết rồi… Nó bị người ta đánh vỡ đầu, mặt đầy máu, chảy mãi cảy mãi… Lát sau, thằng bé béo tốt phương phi là thế mà lép kẹp như cái túi, y như bác giết con rận. Em bế nó, gọi nó, nó mở mắt bảo: “Mẹ, khi nào thì mình về thăm bà nội? Con chó nhà bà nội đã đẻ rồi phải không? Đẻ sáu con, chưa mở mắt. Mẹ xin bà nội cho con một con, con đực màu đen ấy, con không thích chó cái, chó cái hay dắt đực về nhà. Thằng Aùi Quốc dắt con cún đen chạy trên đê, chiếc lục lạc trên cổ chó kêu loong coong. Thằng Ái Quốc nhà em mặt trái xoan, má đỏ hây, hai mắt đen đến nỗi thấy mình ở trong. Ven đê nở đầy hoa, cà dại màu tím, dưa dại màu trắng, diếp dại màu lòng đỏ trứng, lại còn phù dung màu phấn hồng… Thằng Ái Quốc nhà em là con trai nhưng tính nết con gái, rất thích hoa. Nó hái hoa tím, hoa trắng, hoa xanh, hoa vàng… đầy một chẹt tay, giơ trước mũi em, hỏi: “Thơm không, mẹ?” Em nói: “Thơm!” Thằng Ái Quốc ngắt một bông hoa màu trắng, bảo: “Mẹ ngồi xuống!” Em bảo: “Bảo mẹ ngồi để làm gì?” Nó nói: “Thì mẹ cứ ngồi xuống nào!” Thằng ấy tính con gái, câu trước câu sau là nước mắt chạy quanh. Em vội vàng ngồi xuống.Nó cài bông hoa màu trắng lên đầu em, nói: “Mẹ em cài hoa! Mẹ em cài hoa!” Em bảo: “Con ơi, người ta cài hoa hồng, sao con cài hoa trắng cho mẹ?” Nó bảo: “Hoa trắng đẹp hơn hoa hồng.” Em bảo: “Con ơi, hoa trắng rủi ro, để tang người chết mới cài hoa trắng.” Ái Quốc sợ quá, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng chết, sau khi con chết, mẹ cũng đừng chết!”
Nữ phạm đứng tuổi lại khóc hu hu.
Cánh cửa buồng giam mở ra, lính gác súng lắp lưỡi lê, tay cầm mảnh giấy, gọi: “Số 46 ra!”
Nữ phạm đứng tuổi nín khóc, hai tay vẫn rung, mặt đầy nước mắt.
Đứng bên lính gác là hai cảnh sát áo trắng, người bên trái cầm trong tay chiếc còng vàng choé như đúc bằng vàng, người bên phải là nữ, thấp đậm, mặt đầy mụn trứng cá, mép có nốt ruồi đen, trên nốt ruồi có mấy sợi lông màu đen.
– Số 46 ra!
Nữ phạm đứng tuổi xỏ giày, lê bước ra cửa. Vừa ra ngoài, chiếc còng vàng choé đã bập vào tay chị ta.
– Đi! – Cảnh sát nam nói.
Nữ phạm đứng tuổi ngoảnh nhìn thím Tư, ánh mắt vô hồn, nhìn mà không thấy gì. Thím Tư sợ đến nỗi ngồi chết lặng, chỉ nghe tiếng cửa đóng “sầm” một tiếng, thoắt cái đã mất hút cả lính gác, cả súng lắp lưỡi lê, cả cảnh sát áo trắng, cả nữ phạm áo xám. Mắt thím cay xè, phòng giam phút chốc tối như hũ nút.
Họ đưa chị ấy đi đâu nhỉ? Thím Tư đoán già đoán non, thím nghe ngóng. Tiếng kêu của con chích choè ngoài sân vọng vào, có cả tiếng va đập rất mạnh của sắt thép từ rất xa dội tới. Phòng giam sáng dần lên, nhặng xanh bay sát mái, màu xanh lấp loá như sao đổi ngôi.
Nữ phạm đứng tuổi đi rồi, thím Tư cảm thấy lẻ loi quá. Thím nhận ra thím đang ngồi trên giường số 46 thì đâm hoảng, nhớ tới lời dặn hôm qua của nữ cảnh sát đẹp gái, không được tuỳ tiện đổi giường. Thím miết chết một con côn trùng xanh lét bò trên tay, người nó rỉ ra một thứ nước vàng vàng, có mùi hăng như tỏi, đúng là mùi tỏi. Nữ phạm đứng tuổi bị giải đi, thím tư nhớ lại cảnh chị ta khóc, cảnh chị ta cùng thằng ái quốc của chị hái hoa dọc theo con đê. Thím lật cái chăn của chị ta, mùi tanh xộc lên mũi. Chăn dính một thứ như phân hoặc máu khô. Thím lấy móng tay cạo soàn soạt. Ở các nếp gấp có rất nhiều rận, thím bắt vài con lên miệng cắn, mặt thím rúm lại, nước mắt ứa ra. Thím đang nhớ lại cảnh bắt rận của chú Tư.
Ngoài sân nắng chan hoà. Chú Tư dựa tường, cởi trần, áo bông trải trên đầu gối, bắt từng con rận bỏ vào cái bát vỡ có nước. Thím động viên chồng cố bắt cho đầy bát rận, đem chiên mỡ làm thức nhắm rượu.
Chú Tư nói: “Nghèo sinh rận, giàu sinh ghẻ.”
Chú Tư bắt một con rận kềnh bỏ vào bát. Kim Cúc đùa, lấy cọng cỏ khuấy đám rận lộn tùng phèo. Một con gà
già khú đế ngoẹo đầu nhìn đàn rận trong Bát.
Kim Cúc nói: “Bố ơi, con gà định mổ rận!”
Chú Tư xuỳ con gà đi chỗ khác, nói: “Bắt mãi mới được, tưởng bở!”
Kim Cúc nói: “Bố, cho nó ăn đi! Để nó đẻ nhiều trứng.”
Chú Tư nói: “Bố đang gom đây, ông Vương thôn Đoài đặt một nghìn con.”
Kim Cúc hỏi: “Ông ấy cần rận để làm gì?”
– Chế thuốc!
– Rận mà có thể làm thuốc?
– Dưới gầm trời này, muôn vật đều có thể làm thuốc – Chú Tư nói.
– Bố bắt được bao nhiêu con rồi?
– Tám trăm bốn mươi bảy con.
– Bố để con bắt cho.
– Không được, ông Vương đã dặn kỹ, không để đàn bà bắt, dính hơi đàn bà là thuốc hết công hiệu.
Kim Cúc vội rụt tay lại.
– Làm kiếp rận cũng không dễ – Chú Tư nói – Chưa nghe kể à? Có hai con rận, một con thành phố, một con nhà quê gặp nhau trên đường. Rận thành phố hỏi: “Đại ca nhà quê đi đâu thế?” Rận nhà quê nói: “Ra thành phố, còn anh đi đâu?” Rận thành phố nói: “Tôi về nhà quê.” “Về có việc gì?” “Về kiếm ăn.” “Đừng về nữa, tôi ở nhà quê đói quá, định ra thành phố kiếm ăn đây này!” Rận thành phố hỏi rận nhà quê sao lại đến nông nỗi ấy, rận nhà quê nói: “Aùo bông rách nhà quê, một ngày ba lần bắt, mỗi lần bắt không thấy lại dùng chày lăn hoặc ghè răng cắn. Bọn tui đứa thì chày cán bẹp, đứa răng kẹp mà chất, tôi còn sống đâu phải chuyện đùa!” Rận nhà quê vừa khóc vừa kể. Rận thành phố thở dài, nói: “Tớ cứ nghĩ ở nhà quê khá hơn thành phố, ngờ đâu tệ hơn!” Rận nhà quê hỏi: “Thành phố sống thế nào, chắc là khá hơn nhà quê?” Rận thành phố nói: “Cứt, khá gì mà khá? Quần áo mớ ba mớ bảy toàn là ni lông với sợi tổng hợp, ba ngày hai lần giặt, một ngày năm lần thay, Nhìn thấy thịt đã khó, nói gì đến ăn thịt uống máu! Tránh hùm gặp hạm, thoát bàn là, lại bị nước sôi! Tớ sống sót chạy thoát về đây đâu có dễ!”
Hai con rận ôm nhau khóc một trận, nghĩ tới nghĩ lui thấy đã cùng đường, bèn ôm nhau nhảy xuống giếng tự vẫn!
Kim Cúc cười khanh khách: “Bố chỉ giỏi bịa chuyện!”
Tiếng cười của Kim Cúc vẳng bên tai thím Tư. Thím nhíu mày cắn một con rận. Thím không chịu nổi mỗi khi nhớ tới cuộc sống êm ái xưa kia. Thím không bắt rận nữa. Thím xuống giường, nhón chân đi ra chỗ cửa sổ. Cửa sổ rất cao, gờ cửa cao ngang trán. Thím trở lại đứng trên giường, qua cửa sổ nhìn thấy hàng rào dây thép gai, phía ngoài là cánh đồng rau, có dưa chuột, cà bát, biển đậu. Dây biển đậu đã úa vàng, cà đang nở hoa tím, đôi bướm màu xanh chấp chới trên ruộng rau, lúc khuất trong giàn biển dậu, lúc bay trên đám hoa cà.
Thím Tư ngồi xuống, lại bắt rận trong chăn.
– Ông lão, dậy thôi! – Thím dùng chân khoèo chú Tư.
Lũ vẹt nhà Cao Trực Lăng ở ngõ Đông kêu lần bốn, thím Tư dùng chân khều chú Tư, gọi: “Dậy thôi ông, vẹt kêu lần bốn rồi!”
Chú Tư ngồi dậy, khoác thêm chiếc áo chẽn, nhồi một tẩu thuốc, châm lửa, vừa hút vừa nghe lũ vẹt lải nhải như nói mê. Chú Tư nói: “Bà ra sân xem sao hộ tôi. Tôi không tin lũ vẹt, chim cảnh đâu phải gà trống mà báo thức!”
– Người ta đều bỏ giống vẹt rất linh – Mắt thím Tư loé lên trong bóng tối – Ông đã trông thấy đàn vẹt chưa? Lông xanh có, lông vàng có, lông đỏ có, đủ các màu, mắt trong như thuỷ tinh. Người ta bảo chúng là lũ tà ma quỉ quái, tiền Cao Trực Lăng kiếm được là tiền ma, theo tôi thì tiền đó chẳng chính đáng gì.
Chú Tư không bắt chuyện, chỉ rít tẩu đỏ lựng. Tiếng kêu của lũ vẹt vọng lại trong đêm tối, lúc rộ lên lúc lắng xuống. Trước mắt thím là những con vẹt sặc sỡ, vừa di chuyển vừa liếc nhìn thím.
Thím hơi hoảng, kéo chăn trùm chân, mong nữ phạm đứng tuổi sớm trở về. Ngoài hành lang có tiếng hô của lính gác, lại có tiếng chân bước.
Ra ngoài sân, thím cảm thấy lạnh. Một con mèo lông đen mượt vụt qua đầu tường, biến mất. Thím sợ, rụt cổ lại. Ngẩng nhìn trời, dải ngân hà sao dày đặc, hình như nhiều sao hơn năm ngoái. Thím tìm ba ngôi sao thẳng hàng hướng đông nam, vầng trăng khuyết một nửa vừa ló lên ở phía đông, mới nửa đêm. Thím đi về phía chiếc chuồng mới dựng ở chân tường đông, dò dẫm thêm cỏ cho con trâu chửa con so mới mua dạo mùa xuân. Con trâu nằm trên nền đất, đang nhai lại. Thấy động ở máng cỏ, nó vùng dậy xông tới, đụng sừng phải trán thím. Thím ôm đầu mắng: “Con chết toi! Thúc sừng phải tao rồi!”
Con trâu ăn cỏ rào rạo, thím Tư quành ra sau máng, sờ bụng con trâu, thím nghĩ: Ba tháng nữa, nó sẽ đẻ một con nghé.
– Giờ giấc thế nào? – Chú Tư hỏi.
– Mới nửa đêm, ông ngủ thêm lúc nữa? – Thím Tư nói – Tôi vừa thêm cỏ cho trâu.
– Tôi không buồn ngủ – Chú Tư nói – Hôm qua mất toi một ngày, hôm nay phải đi sớm, trâu đi không nhanh, cà rịch cà tang đến huyện thì cũng vừa sáng, năm mươi dặm kia mà!
– Tôi không tin có nhiều người bán tỏi đến thế!
– Bà không tin cũng phải tin. Người, xe trâu, xe ngựa, máy kéo, xe đạp, xe mô tô… chật đường, xếp hàng từ kho lạnh tới phía bắc đường sắt, đâu cũng là tỏi, đâu cũng thấy tỏi. Nghe nói kho lạnh sắp đầy rồi, chỉ thu mua hai hôm nữa thôi.
– Bây giờ bán cái gì cũng khó.
– Lát nữa, gọi thằng Cả và thằng Hai dậy đóng xe cho tôi. Tôi chịu đựng không nổi nữa. Con Cúc phá bĩnh khiến tôi đau tim, cứ nhắc mó một tí là tim lại đập rộn lên.
– Ông nó này, hai ngày nay thằng Cả và thằng Hai đòi ở riêng, ông biết chưa?
– Tôi có mù đâu mà không biết? Thằng Hai sợ thằng Cả ảnh hưởng tới chuyện lấy vợ của nó; Thằng Cả thấy Kim Cúc nhất quyết lấy Cao Mã, cuộc gả đổi tay ba đi tong, đòi ở riêng để sống độc thân. Đồ khốn kiếp! Bán tỏi xong làm thêm ba gian, cho ở riêng.
– Con Cúc ở với tôi và ông?
– Cho nó cuốn xéo!
– Cao Mã có đủ một vạn?
– Thằng ấy chịu thương chịu khó, năm nay nhận khoán sản bốn mẫu, nhà nó hai mẫu, tổng cộng sáu mẫu. Hôm nọ tôi đi qua ruộng nhà nó, tỏi nó tốt vào loại nhất, tôi tính cũng phải được sáu ngàn cân, sáu ngàn cân là năm ngàn đồng, ta nhận trước khoản này, còn năm ngàn cho chịu lại sang năm trả nốt, thằng ấy thế là vớ nở! Tôi không muốn con Cúc nuôi đứa con hoang trong nhà.
– Con Cúc đi rồi, tiền Cao Mã đưa hết cho mình, cũng đỡ bị hành…
– Bà còn thương xót nó? – Ông Tư gõ tẩu vào mép giường, nhẩy một phát từ giường xuống đất – Cho chết đói cái quân lộn giống ấy đi!
Thím Tư nghe thấy chú Tư ra thăm trâu ngoài chuồng, lại nghe thấy chú đập cửa gọi thằng Cả và thằng Hai:
“Cả và Hai dậy đi! Xếp tỏi lên xe cho bố!”
Thím Tư cũng bước xuống đất châm đèn treo dưới khong cửa, sau đó, thím múc một gáo nước trong ang đổ vào nồi.
Chú Tư hỏi: “Bà đun nước làm gì?”
– Nấu chút canh cho ông – Thím Tư nói – Đi cả một nửa đêm chứ ít đâu!
– Bớt cái khoản ấy hộ tôi – Chú Tư nói – Tôi ngồi trên xe, đi bộ đâu mà đi bộ? Cho con trâu nó uống!
Anh Cả và anh Hai ra sân. Trời lạnh, cà hai co ro, không nói câu gì.
Thím Tư múc thêm ba gáo nước vào cái liễn sành, cho vào liễn một nắm cám rồi khuấy đều bằng chiếc que cời lửa, để trên lối đi trong sân.
Chú Tư dắt trâu ra cho nó uống nước. Con trâu đứng yên, môi bập bập, không uống.
Chú Tư dỗ con trâu: “Uống… uống… uống nước đi!”
Con trâu vẫn đứng yên, hơi nóng trên mình nó có mùi khăn khẳn. Lũ vẹt lại kêu, tiếng kêu như một đám mây, bay tới rồi bay lui. Nửa vầng trăng đã lên cao hơn một chút, nhuộm vàng một mảng tường trong sân. Ánh sao hơi mờ đi.
– Cho nó thêm ít cám – Chú Tư nói.
Thím Tư bốc một nắm cát bỏ vào liễn.
Chú Tư vỗ sừng con trâu: “Uống đi!”
Con trâu cúi xuống xì mũi cho nước nổi bong bóng, rồi uống soàm soạp.
– Chúng bay còn đứng đấy làm gì – Chú Tư quở hai con – Mau khiêng xe ra, để rồi chất tỏi lên!
Anh Cả và anh Hai khiêng thùng xe ra, xách trục và bánh ra lắp vào xe. Trong thôn nhiều trộm, không dám để xe ngoài cổng. Ngồng tỏi thì chất đống tại chân tường phía nam, bó từng bó, đậy bằng tấm ni lông.
Chú Tư nói: “Xách thùng nước ra, vẩy cho tỏi một ít, đỡ hao cân.”
Anh Cả xách thùng nước, múc từng gáo giội lên đám ngồng tỏi.
Thím Tư nói: “Cho thằng Hai đi cùng chẳng tốt hơn sao?”
Chú Tư nói: “Không tốt!”
– Ông cứ ngang như cua – Thím Tư ca cẩm – Đến huyện mua cái gì ngon ngon mà ăn, nhà hết lương khô rồi.
– Nhà mình vẫn còn nửa cái bánh bột ngô phải không? – Chú Tư hỏi.
– Đã mấy bữa rồi! – Thím Tư nói.
– Bà đem ra cho tôi – Chú Tư dắt trâu ra cổng, quay lại mặc áo bông, giắt nửa chiếc bánh bột ngô vào bọc, kẹp chiếc roi bằng cành cây vào nách, đi ra cổng.
– Càng già càng lẩm cẩm – Thím Tư nói – Để thằng Hai đi bán không được?
Anh Hai cười nhạt: “Bố sợ con tham ô!”
Anh Cả thì lại bảo: “Bố thương chúng mình.”
– Ai cần thương? – Anh Hai lầu bầu, về buồng ngủ.
Thím Tư đứng trong sân thở dài, lắng nghe tiếng kin kít của xe trâu xa dần trong màn đêm mênh mông. Đàn vẹt nhà Cao Trực Lăng kêu như điên, thím bồi hồi không yên, đi tới đi lui trong sân, tắm trong ánh trăng vàng vọt.
Cửa buồng giam lại mở ra, cảnh sát tháo còng trên tay số 46. Chị ta chạy gằn hai bước, nhào lên giường, nằm yên như một xác chết.
Nhân lúc cảnh sát lúi húi đóng cửa, thím Tư van xin: “Chính phủ ơi Chính phủ, cho tui về nhà đi, sắp đến “Bốn chín ngày” ông lão nhà tui rồi!”
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!