Duyên
Quyển 5 - Chương 3: Hồng trần cuồn cuộn, đường trần miên man
Cuồn cuộn hồng trần dằng dặc đường,
Cớ gì mà cứ mãi tha hương.
Quay đầu trông lại quê xa tắp,
Rợp mắt mây chiều lẫn tịch dương.
Hám Sơn Đức Thanh
Bất luận bạn là kẻ cam sống yên phận hay người ngao du chân trời, đời này đều không tránh khỏi phiêu bạt. Giục ngựa phi nhanh cuốn tung bụi mù, từ con đường xưa rợp bóng liễu đến nẻo đường mòn hoa đào rơi lả tả; chèo thuyền du ngoạn sông hồ, từ bờ bên này mịt mù khói sóng đến bờ bên kia tịch dương mênh mông; dọc đường gió bụi, giẫm lên vết chân người trước, để dấu chân lại cho người sau; nhìn biết bao trăng thu gió xuân, lại có bao câu chuyện của mọi người, cứ chồng chất lên nhau như thế. Bèo hợp bèo tan, cũng như hoa nở rồi khép, chẳng ai biết được chốn về cuối cùng của mình ở nơi nao. Quá vãng ngày càng rõ rệt, mà tiền đồ vẫn mịt mờ, trước vận mệnh không thể chọn lựa, bạn chỉ có thể hối hả đuổi theo năm tháng. Mãi đến một ngày, thời gian nhú sắc xanh non, còn thanh xuân đã âm thầm già lão. Đây không phải một sự bất đắc dĩ tất yếu, vì dọc đường, bạn có thể thưởng thức phong tình của bốn mùa. Lúc mỏi mệt, cũng có thể nghỉ lại quán trọ nhân sinh, gột sạch linh hồn rồi mới lại lên đường. Chúng ta đều là lãng tử hồng trần, cũng từng gặp gỡ, thấu hiểu, yêu thương tại chốn trần gian sâu nhất, song cuối cùng vẫn không tránh khỏi chia ly. Bởi thế mới có ước hẹn kiếp sau, chỉ là, thời không lưu chuyển, trăng gió đổi dời, liệu có đợi được người có duyên định kiếp này hay chăng?
Có lúc lại cảm thấy, kẻ có thể chung sống bên nhau đến khi đầu bạc, là hạnh phúc nhất thế gian. Bởi thứ chúng ta nắm chắc chỉ là kiếp này chìa tay liền chạm được, còn ước hẹn, chẳng qua là lưu lại cho kiếp sau mờ mịt một nỗi nhớ an ủi mà thôi. Trên đời có người khăng khăng giữ lời thề, có người lại chẳng coi ra gì, đến cuối cùng, ai nấy tự nếm lấy nhân quả. Trách nhiệm của chúng ta chỉ là sống cho hết tháng ngày, còn lần lữa hay luyến tiếc, thực ra cũng chẳng có gì quan trọng.
Nhân không khí mát lạnh đầu thu lên Huệ Sơn, chẳng phải mộ mỹ danh “Giang Nam đệ nhất sơn”, cũng chẳng vì danh tiếng “Thiên hạ đệ nhị tuyền[1]”. Đến Huệ Sơn, một phần là vì cây ngân hạnh già trong chùa Huệ Sơn, còn cả mấy nhành sen trong hồ nước, hoặc một nén đàn hương, một khúc Phạn âm, một bóng lưng hòa thượng. Dường như từng viên ngói, ngọn cỏ nơi ấy đều khiến tôi mê mẩn. Tôi coi cảm giác vi diệu ấy là một loại duyên phận, một cô gái đã thề chỉ làm người bình thường giữa hồng trần, tĩnh tại trông giữ bốn mùa khói tỏa, chẳng hiểu sao lại có một mối duyên với chùa chiền đền miếu như vậy nữa.
[1] Tức suối Huệ Sơn, nằm ở chân Huệ Sơn, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Trong cuốn “Trà Kinh”, Trà Thánh Lục Vũ thời Đường đã xếp hạng nguồn nước trong thiên hạ thành hai mươi loại, suối Huệ Sơn đứng thứ hai. Tống Cao Tông từng uống nước suối ở đây, xây đình trên suối, đặt tên là “đình Nhị Tuyền”. Trên vách tường sau đình có khắc năm chữ lớn “Thiên hạ đệ nhị tuyền”, là bút tích của Triệu Mạnh Phủ, nhà thư pháp thời Nguyên
Tôi từng hứa trước Phật vô số lần, hẹn kiếp sau đi, kiếp sau tôi nhất định sẽ nghe Phật giảng thiền. Xin Người thứ lỗi, tôi của kiếp này đã sa lưới trần quá sâu, không thể quay đầu nữa. Chính bản thân tôi cũng hổ thẹn vì lời hứa của mình, bởi nhân thế mênh mang, tôi cũng chẳng biết có kiếp sau thật hay không nữa? Nếu dối dá qua quýt lấy lệ với Phật Tổ, liệu ngài có trách tội tôi chăng?
Mỗi lúc đi một mình, lại nhớ đến mấy câu thơ của một vị cao tăng:
“Cuồn cuộn hồng trần dằng dặc đường,
Cớ gì mà cứ mãi tha hương.
Quay đầu trông lại quê xa tắp,
Rợp mắt mây chiều lẫn tịch dương.”
Thoạt đầu cứ cho rằng, bài thơ này không giống sáng tác của một cao tăng đắc đạo, mà như khúc ngâm của gã lãng tử hồng trần. Bởi nỗi hoang mang chẳng biết nẻo về ấy, giống như một người khách lạ lưu lạc chân trời, tuy có núi sông bầu bạn, trăng sao tiễn đưa, song viễn xứ quá xa, chỉ e đi quá nhanh, ngoảnh đầu sẽ không thấy được ngọn núi nơi quê nhà nữa, lại sợ có một ngày đi đến bước đường cùng, cả cuộc đời sẽ chóng vánh kết thúc.
Nỗi hoang mang ấy bắt nguồn từ sự nhỏ bé của nhân loại, non sông vặn dặm, bầu không lồng lộng, chúng ta chỉ là một hạt bụi, một đốm sao. Chẳng biết vì sao mà tồn tại, cũng chẳng biết vì sao mà truy cầu. Sự nhỏ nhoi bình phàm ấy, cũng không tránh được vui buồn tan hợp, sinh lão bệnh tử, lại phải chịu đựng bao tàn nhẫn, tội ác và giằng xé. Là vì chìm đắm quá sâu chăng? Hay vì bất cứ sự tồn tại giản đơn nào đều phải trả giá đắt?
Có lẽ đến hôm nay, tôi mới ít nhiều hiểu được, thì ra đại sư đã giác ngộ giữa muôn vàn mờ mịt. Trước đó, ông cũng là kẻ phàm tục như chúng ta, lưng đeo hành trang thế tục, đi trên cổ đạo bảng lảng khói sương, bị thời gian đuổi riết, không tìm được chốn về cho mình. Mãi đến một ngày, ông bước vào cửa Phật, mới hiểu ra những trôi dạt bấy nhiêu năm, chỉ để đến trước Phật, dừng chân lần cuối.
Mỗi khi tôi thấy tăng nhân trong chùa tụng kinh sớm kinh tối trước bệ Phật, chẳng nề nhàm chán, mỗi ngày đều lặp lại những ngày tương tự, cô đọng, bình tĩnh, đạm định, lòng lại nảy sinh một cảm giác, không phải kính sợ, mà là an tĩnh. Tuy không phải ai ai cũng vậy, song trong số bọn họ có những người có tấm lòng thấu triệt, chẳng bợn chút bối rối, ít ra trong mắt thế nhân, họ đã đạt đến một mức độ thiền định nào đó. Còn chúng ta vẫn hoang mang kiếm tìm trên cổ đạo không phương hướng.
Thiền sư sáng tác ra bài thơ này là Hám Sơn Đức Thanh, một trong tứ đại cao tăng cuối thời Minh, trước khi xuất gia mang họ Thái, tên chữ là Trừng Ấn, hiệu Hám Sơn, người ở Toàn Tiêu (nay thuộc tỉnh An Huy). Mười hai tuổi bắt đầu học kinh sách và giáo lý tại chùa Báo Ân Nam Kinh, mười chín tuổi cắt tóc xuất gia tại chùa Tê Hà Nam Kinh. Cả đời ngao du chùa chiền núi non, hoằng dương Phật pháp, trùng tu tổ đình, tham ngộ thiền lý, minh tâm kiến tính. Tuy vào cửa Phật, song cũng đã nếm trải thăng trầm chìm nổi hồng trần, sau cùng thiền tịnh quy nhất. Trước tác có “Tám mươi tập Hoa Nghiêm cương yếu”, “Mười tập Lăng Nghiêm thông nghĩa”, v.v… Thơ văn đạt đến trình độ rất cao, sau khi viên tịch, lưu lại xá lợi toàn thân ở Tào Khê, để người đời chiêm ngưỡng.
“Ánh sông sắc nước, âm sóng tiếng chim, đều hiển lộ thực tướng Bát Nhã; trống chiều chuông sớm, đưa tiễn nghênh đón, đều như khi Không Sinh[1] ngồi an nhàn trong thạch thất, thấy được pháp thân vậy.” Đức Thanh thiền sư siêu thoát từ hồng trần cuồn cuộn, tuệ tâm của ông có một sự thấu triệt như nước trong nhìn thấu đáy. Trên đường tu hành, ông vẫn đi thong thả, song phía trước đã có Phật Tổ đứng sẵn đợi. Bởi vậy dù đi đến chốn sơn cùng thủy tận, cũng chẳng kháng cự nổi sự phong phú trong lòng ông. Dẫu vậy, trên con đường càng đi càng xa, ông vẫn ngoái nhìn về phía quê nhà, trông một vầng dương đỏ, mặc hai bên tóc mai nhuốm màu sương gió. Nho gia giảng trung giảng hiếu, Phật giáo cũng giảng trung hiếu, Đức Thanh thiền sư từng nói, người xuất gia trên thà phụ Phật Tổ, dưới thà phụ
[1] Không Sinh: biệt danh của Tu Bồ Đề, một trong mười đại đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Hám Sơn lão nhân ta, chứ không thể phụ mình, phụ vua, phụ người thân.
Mây trắng bắt nguồn từ khe sâu, nước lặng tuôn ra từ rừng đá, người cũng có nơi đến và chốn về. Gửi thân giữa hồng trần mênh mang, khó tránh ưu sầu chẳng biết nương tựa vào đâu, song mỗi người chung quy đều phải men theo phương hướng thuộc về mình, hoàn thành sứ mệnh kiếp này. Dù làm một con thuyền nhỏ lạc lối trên sông biển, cũng biết rằng có một bến thuyền nào đó đang đợi nó tới neo đậu, có điều phải tìm cho ra bến mà thôi. Tương tự với đời người, trải muôn sông ngàn núi, mới có thể quy về thiền tịch. Đến một ngày nào đó, tóc bạc da mồi, già nua tới mức cơ hồ nhận không ra nhau nữa. Song bạn vẫn là bạn, tôi vẫn là tôi, cứ thế mà ngồi giữa một chiều đầu thu, uống một chén trà trong, thuật lại những bể dâu từng chứng kiến trong đời.
Có người bạn bảo: “Lúc nào rỗi viết cho tôi hai chữ: bỏ được.” Tôi nghe nói mà thấy lòng mông lung, bởi mãi đến giờ, tôi vẫn chưa bỏ được, chưa bỏ được hiện tại, chưa bỏ được quá khứ. Cái gọi là bỏ được, có bỏ liền có được, thế nào là bỏ? Thế nào lại là được? Kinh Kim Cương dạy rằng: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.” Tất cả các tướng, đều là hư vọng, tâm chúng sinh cũng biến đổi theo dòng chảy thời gian, nỗ lực muốn nắm bắt thứ gì đó, song thứ cất giấu trong tâm tưởng, lại đã là hồi ức hư không.
Tôi nói với bạn mình, có lẽ hai chữ này phải do một vị cao tăng đắc đạo viết ra, mới có thể tiêu sái ung dung đôi chút. Tôi chỉ là một người bình thường, rong chơi trên đường trần mờ mịt, nhìn hết hoa xuân rụng, lại đến lá thu vàng. Ngao du giữa thủy mặc bằng một trái tim bình dị, không cần bỏ được, chẳng cần buông xuống.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!