Emma - Chương 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
163


Emma


Chương 9


Anh Knightley có thể tranh cãi với Emma, nhưng cô không thể tranh cãi với chính mình. Anh phật ý đến nỗi một thời gian lâu hơn bình thường anh mới trở lại Hartfield, và vẻ nghiêm trang của anh cho thấy anh vẫn chưa tha thứ cho cô. Cô lấy làm tiếc, nhưng không hối hận. Trái lai, những trù định của cô còn cả quyết thêm trong vài ngày kế tiếp.

Khi anh Elton trở về, bức hoạ đã được đóng khung một cách trang nhã và được treo phía trên bệ lò suởi trong phòng gia đình. Anh Elton đứng nhìn rồi cất tiếng ca ngợi theo cách phải làm. Còn Harriet, ý tình của cô bé được thể hiện rõ ràng và nhất quán theo cách một thiêú nữ như cô được cho phép. Emma hoàn toàn hài lòng thấy cô bé không còn nhớ gì đến anh Martin nữa.

Cách thức Emma trau giồi kiến thức cho Harriet bằng việc đọc sách và thảo luận chưa bao giờ tiến triển quá vài chương, và họ định sẽ tiếp tục vào ngày hôm sau. Chuyện trò thì dễ dàng hơn là học tập. Để trí tưởng tượng phiêu diêu qua vận may của Harriet thì vui thú hơn là mở rộng kiến thức cho cô bé theo những sự kiện nghiêm túc hơn. Trong thời gian này, việc thưởng thức văn học của Harriet – việc động não duy nhất vào buổi tối – là thu thập mọi loại câu đố chép ra giấy rồi lo trang trí.

Trong thời đại văn học này, việc sưu tập câu đố như thế không phải là hiếm. Cô Nash, trưởng giáo trong ngôi trường của bà Goddard, đã viết ra ít nhất ba trăm câu đố. Harriet đã học được từ những câu đố đầu tiên, hy vọng có thể thu thập được nhiều hơn với sự giúp đỡ của cô Woodhouse. Vì Harriet có nét chữ đẹp, đấy sẽ là công việc đứng hàng đầu về nội dung và khối lượng.

Ông Woodhouse cũng quan tâm nhiều như các cô gái, và thường cố nhớ lại vài câu đố đáng viết ra. Có nhiều câu đố thông minh mà hồi còn trẻ ông thường nghe và tự hỏi bây giờ tại sao lại quên! Nhưng ông hy vọng sẽ nhớ lại. Và câu đố luôn chấm dứt bằng câu “Kitty, người co ngái đẹp nhưng khô cứng”.

Người bạn tốt Perry của ông mà ông nói chuyện về việc này cũng không nhớ được câu đố nào, nhưng ông yêu cầu Perry để ý xem có thấy thì sưu tầm giúp.

Con gái của ông không có ý định huy động tất cả tri thức ở Highbury. Cô chỉ yêu cầu anh Elton hỗ trợ, đóng góp bất kỳ câu đố nào hay hay mà anh sưu tầm được . Cô vui mà thấy anh chăm chú vào công việc với bộ sưu tập của anh, và có thể nhận ra là anh đã chọn lọc để loại bỏ những gì thiếu tính nịnh đầm hoặc chê bai phụ nữ. Anh tìm được hai hoặc ba câu đố có ý lịch sự nhất, và anh vui mừng đọc lên một câu với đầy tình cảm, nhưng Emma lấy làm tiếc cho anh hay là họ đã chép câu đố nổi tiếng này.

Emma nói:

Anh Elton ạ, tại sao anh không tự sáng tác một câu đố cho chúng tôi? Như thế sẽ đảm bảo mới, và với anh thì không gì dễ dàng hơn.

“Chao ôi, không! Anh chàng chưa bao giờ viết nên một câu đố gì trong đời. Quả là người ngốc nghếch. Anh ta thậm chí không muốn chiều lòng cô Woodhouse” – anh dừng lại một lúc – “Hoặc là cô Smith có thể gợi cảm hứng cho anh”.

Ngay ngày kế là có chứng cứ của nguồn cảm hứng. Anh đến trong chốc lát chỉ nhằm để lại một tờ giấy ghi lại thơ đố ghép chữ mà anh nói một người bạn của anh bày tỏ với một phụ nữ, nhưng từ cử chỉ của anh Emma biết ngay đấy là do anh viết.

Anh nói:

Tôi không có ý tặng nó cho bộ sưu tập của cô Smith. Vì do bạn tôi viết nên tôi không có quyền đưa ra trước công chúng, nhưng có lẽ cô đọc sẽ thấy thích.

Từ ngữ trong bài thơ ghép chữ là dành cho Emma hơn là Harriet, và Emma hiểu tại sao. Anh luôn có ý thức về việc mình làm, và anh thấy nhìn vào mắt cô thì dễ hơn là nhìn vào mắt cô bạn nhỏ của cô. Anh chần chừ một lúc rồi ra về.

Emma trao tờ giấy ghi bài thơ cho Harriet:

Em nhận đi, đấy là dành cho em. Hãy giữ nó cho riêng em.

Nhưng Harriet run rẩy mà không dám nhận, nên Emma đành đọc bài thơ để tìm cách giải đóan. Bài thơ có tựa đề “Gửi cô —“.

Cô suy nghĩ, nhận ra ý nghĩa trong đó, đọc lại lần nữa để biết chắc, rồi trao tờ giấy cho Harriet, mỉm nụ cười tươi, tự nhủ thầm trong khi Harriet còn hoang mang đọc qua bài thơ. “Hay lắm, anh Elton. Thật là hay. Tôi đã đọc qua những bài thơ đố ghép chữ kém cỏi hơn. Lời tỏ tình đúng là ẩn ý hay. Tôi cho anh điểm cao. Đây là tỉnh cảm bỉêu lộ theo cung cách của anh. Đây là cách nói giản đơn: ‘Cô Smith, xin cho phép tôi tỏ bày cùng cô. Xin hãy chấp nhận câu đố của tôi và ý tình của tôi trong đó.’

Xin tia chấp nhận trong mắt huyền mơ.

Đúng là Harriet. Đúng là cô bé có đôi mắt huyền mơ, thật xác đáng.

Tài trí nàng ngôn từ sẽ rộng mở.

Hừm! Tài trí của Harriet! Nhưng càng tốt. Anh chàng hẳn đã yêu sâu đậm nên mới mô tả cô bé như thế. Hà! Anh Knightley ạ, em mong anh biết việc này, em cho là anh sẽ được thuyết phục. Một lần trong đời anh phải nhìn nhận mình đã nhầm lẫn. Sự việc đến hồi gay cấn đây.

Đáng lẽ Emma sẽ suy nghĩ mông lung thêm nếu Harriet không cất tiếng:

Chị Woodhouse, thế này có nghĩa gì? Ý nghĩa ra sao? Em chẳng hiểu gì cả, em không hề đóan ra mảy may cái gì. Chị Woodhouse, xin chị diễn giải. Xin giúp em. Em chưa từng thấy bài thơ đố nào khó như thế này! em thắc mắc bạn anh ấy là ai, và người phụ nữ ấy là ai. Có phải lời giải đáp là phụ nữ?

“Phụ nữ yêu kiều ngự trị độc tôn” – có phải đấy là Neptune?

“Nhìn ngắm chàng, bậc quân vương biển cả” – hoặc là cái đinh ba? Hoặc nàng tiên cá? Hoặc cá mập? Ôi chao! Chị Woodhouse, chị nghĩ ta có thể giải đoán được không?

Nàng tiên cá và cá mập! vô lối! Em Harriet thân yêu ạ, em đang nghĩ gì thế? Nếu anh ấy đưa ra câu đố của người bạn anh về nàng tiên cá hoặc cá mập thì có mục đích gì? Đưa bài thơ cho chị và nghe đây. “Gửi cô —” phải đọc là “Gửi cô Smith”.

Rồi Emma đọc lên bài thơ và giảng giải cho cô bé hiểu ý nghĩa: lời tỏ tình. Cô giảng giải:

Lời khen tặng thật đúng cách! Rồi đến mục đích chính mà Harriet ạ, chị nghĩ em sẽ không thấy khó hiểu. Hãy thư thả mà đọc. Không còn nghi ngờ gì nữa, bài thơ này được viết cho em và viết về em.

Harriet không thể chối bỏ lời đôn đốc nồng nhiệt đến thế. Cô đọc qua hai câu cuối:

Tài trí nàng ngôn từ sẽ rộng mở

Xin tia chấp nhận trong mắt huyền mơ

Rồi cảm thấy đầy hãnh diện và vui sướng, cô không thốt nên lời. Nhưng không ai bắt buộc cô phải lên tiếng. Chỉ cần cô tự cảm nhận là đủ.

Emma lên tiếng hộ cô:

Ý nghĩa khen tặng thật nổi bật và cũng thật đặc biệt nên chị tin chắc đấy là từ ý tình của anh Elton. Em là đối tượng của anh ấy, và chẳng bao lâu em sẽ nhận được bằng cớ hiển nhiên nhất. Chị đã nghĩ chị có thể nhầm lẫn, nhưng bây giờ thì đã rõ, tâm tư anh ấy thật minh bạch và quyết đoán đúng như ý muốn của chị từ lúc chịmới quen em. Thật vậy, Harriet ạ, đúng là chị đã mong muốn việc này xảy ra. Chị không thể nói liệu chị nên thúc đẩy tình cảm giữa em và anh Elton hoặc để tự nhiên cho sự việc dẫn dắt. Xét về điều khả dĩ hoặc điều kiện cần thiết thì là ngang nhau! chị rất vui. Chị chúc mừng em với cả tấm lòng, em Harriet thân yêu ạ. Đây là mối tình mà một cô gái hẳn rất hãnh diện khi tạo dựng nên. Mối quan hệ này sẽ tốt đẹp thôi. Em sẽ có mọi điều mơ ước – sự quan tâm, đời sống độc lập, một ngôi nhà đúng nghĩa – để đưa em vào vị thế trung tâm giữa những bằng hữu thật sự, gần gũi Hartfield và gần gũi chị, và giúp tình thân giữa hai chúng ta bền chặt mãi.

Đây là mối liên kết mà hai chúng ta sẽ chẳng bao giờ hổ thẹn.

Harriet chỉ biết cất tiếng:

Chị Woodhouse thân yêu! Chị Woodhouse thân yêu!…

Rồi cô ôm chầm lấy Emma.

Emma cảm thấy mọi việc xảy ra đúng như cô đã quan sát, suy nghĩ và trông đợi. Vị thế cao trọng của anh Elton đã được công nhận.

Harriet lên tiếng:

Chị nói hoàn toàn đúng. Vì thế em tin tưởng và hy vọng mọi việc đều như thế, chứ bản thân em không tưởng tượng nổi. Tất cả đều vượt quá mức mà em đáng có. Anh Elton mà lại có thể cưới bất kỳ ai! Không thể nào có ý nghĩa nước đôi về anh ấy. Chỉ cần nghĩ đến những lời thơ ngọt ngào – “Gửi cô —” Ôi trời, thật là khéo! – có phải nói về em không nhỉ?

Chị không muốn nêu lên hoặc nghe câu hỏi như thế. Sự thật là vậy. Chị phán đoán như thế. Đấy như là đoạn mào đầu cho vở kịch, hoặc lời dẫn cho một chương sách, tiếp theo sẽ là nội dung đầy đủ.

Đây là chuyện mà không ai nghĩ sẽ xảy ra. Một tháng trước, bản thân em không ngờ sẽ có chuyện này! sự việc lạ lùng nhất đã đến!

Khi những thiếu nữ như cô Smith và những thanh niên như anh Elton quen biết nhau thì sự việc như thế đúng là xảy ra, và đúng là lạ lùng. Nó đi ra ngoài thông lệ đến nỗi những gì hiển nhiên và đáng mong đợi thì nó hình thành. Hoàn cảnh đã đẩy đưa cho em và anh Elton quen biết nhau, mỗi người thuộc về nó nkia qua từng cảnh ngộ gốc gác. Cuộc hôn nhân của hai người sẽ giống như mối nhân duyên ở Randalls. Hình như có cái gì đấy trong cuộc đời ở Hartfield khiến cho tình yêu đi đúng hướng, và gieo mầm đúng vào luồng lạch rồi lan toả chảy đi.

Sự kiện vào dịp lễ thánh Michael anh Elton yêu em – lại là em trong số bao nhiêu người nó em không biết gì về anh ấy! còn anh, người điển trai nhất, người mà ia nấy đều vọng tưởng, giống như anh Kinghtley! Bằng hữu anh luôn đón chào anh, đến nỗi mọi người nói rằng nếu muốn anh có thể nhận lời mời dùng bữa hàng ngày mà không cần tự mình nấu nướng. Và giáo đường của anh quả là tuyệt vời! cô Nash đã ghi chép lại tất cả bài giảng của anh kể từ khi anh đến cai quản giáo xứ Highbury. Ôi trời! cứ nghĩ đến lần đầu em trông thấy anh ấy! Em đã không nghĩ gì về việc này! Hai Cha bề trên và em chạy vào tiền sảnh và em lén nhìn qua song cửa khi nghe tiếng bước chân anh điqua, rồi cô Nash đi đến và la rầy để đuổi chúng em đi rồi cô lén nhìn vào bên trong. Nhưng rồi cô gọi em trở lại và cho em cùng lén nhìn, thật là tử tế. Và anh trông thật là điển trai. Anh đang khoác tay với ông Cole.

Đây là mối quan hệ mà bất kỳ những người em quen biết là ai đều chấp nhận, miễn là ít nhất họ có nhận thức thông thường, còn chúng ta không phải thể hiện tư cách của chúng ta với kẻ khù khờ. Nếu họ mong mỏi em được kết hôn một cách hạnh phúc, thì đây là người có tư cách hiền dịu đảm bảo hạnh phúc cho em. Nếu họ muốn em ổn định ở nơi chốn mà họ chọn lựa cho em thì em sẽ được ổn định ở đây. Và nếu họ có mục đích duy nhất là thấy em kết hôn chỗ danh giá thì đây là cơ hội an lành, cơ ngơi đáng kính, bước tiến thân trong xã hội mà họ sẽ hài lòng.

Vâng, đúng thật thế. Chị nói nghe hay quá. Em thích nghe chị biện luận. Chị hiểu biết mọi điều. Chị và anh Elton thông minh ngang nhau. Trò chơi đố chữ này quả là hay! Dù cho học tập cả năm em vẫn không thể thấu hiểu được.

Chị cho là anh ấy muốn thử tài mình, qua cách anh ấy từ chối ngày hôm qua.

Em chưa từng đọc qua bài thơ đố ghép chữ nào hay đến thế.

Chị cũng chưa từng đọc bài thơ đố nào có đầy ngụ ý như vậy.

Bài thơ đố cũng dài bằng bài thơ dài nhất mà chúng ta đã chép được.

Chị nghĩ câu từ dài dòng không phải là điều đặc biệt . Sự việc như thế này thì không thể viết ngắn hơn được.

Harriet đang chăm chú đọc câu đố nên không để ý lắng nghe. Những ví von trong câu từ đang lấp đầy tâm tư của cô bé. Rồi cô nói, mặt ửng đỏ:

Viết một lá thư như bất kỳ ai khác là một chuyện, còn viết nên những vần thơ thành câu đố lại là một chuyện khác.

Emma không thể mong mỏi gì hơn là cách chối bỏ bức thư của anh Martin như thế.

Harriet tiếp tục:

Ngôn từ ngọt ngào làm sao! Nhất là hai câu cuối! Nhưng làm thế nào hồi đáp, hoặc lam thế nào nói rằng em đã hiểu ý nghĩa? Ôi, chị Woodhouse, ta sẽ phải làm gì đây?

Hãy để chị lo. Em không cần phải làm gì cả. Chị dám nói anh ấy sẽ đến đây tối nay, và lúc đó chị sẽ trả lại câu đố cho anh, rồi có chuyện kỳ khôi nào đấy xảy ra giữa anh ấy và chị mà em không cần phải chen vào. Đôi mắt huyền mơ của em sẽ chọn thời điểm để toả ra tia chấp nhận. Hãy tin nơi chị.

Chị Woodhouse! Đáng tiếc là em không được chép bài thơ đố tuyệt vời này vào quyển vở của em! Em chưa có bài thơ đố nào dù hay bằng một nửa.

Bỏ ra hai câu cuối, và không có lý do nào ngăn cấm em chép.

Chao ôi! Nhưng hai câu cuối thật là….

Hai câu hay nhất. Đúng thế – nhưng muốn cảm nhận niềm vui riêng tư thì phải giữ trong vòng riêng tư. Bài thơ sẽ không kém hay do em cắt ngắn. Hai câu thơ không phải là lời kết mà cũng không thay đổi ý nghĩa của cả bài thơ. Nhưng nếu bỏ hai câu này ra thì ý tình chiếm hữu riêng tư chấm dứt, còn lại là bài thơ đố rất phong nhã để đưa vào bộ sưu tập nào cũng được. Chắc chắn là anh ấy không thích bài thơ đố chữ bị xem nhẹ hoặc được xem là bầy tỏ nhiều ý tình hơn là anh muốnói. Một thi sĩ đang yêu phải được khích lệ theo cả chiều hướng ấy. Đưa cho chị quyển vở để chị chép vào, rồi không ai nói gì được với em.

Dù tâm trí còn vướng bận với ý tình trong bài thơ, Harrriet vẫn chấp nhận để an tâm là cô bạn không viết ra lời tỏ tình. Bài thơ xem dường như quá quý giá nên không thể phổ biến được.

Cô nói:

Em sẽ không bao giờ để quyển thơ này rời khỏi tay em.

Emma đáp:

Tốt lắm, đấy là cảm xúc tự nhiên. Cảm xúc này càng lâu bền thì chị càng vui. Nhưng bố chị đang đi đến, em hẳn không phản đối chị đọc bài thơ đố ghép chữ cho ông ấy nghe chứ? Ông sẽ rất lấy làm thú vị! ông thích câu đố mọi loại, và đặc biệt là loại ca tụng mỹ nữ. Ông ấy có tinh thần phong nhã nhất đối với cả hai chúng ta! Em nên để chị đọc cho ông ấy nghe.

Nét mặt Harriet ra vẻ nghiêm trọng.

Em Harriet thân yêu, em không nên quá bận tâm về bài thơ đố này. Nếu em tỏ ra quá ý thức hoặc quá nhanh nhẩu, em có thể đánh mất cảm nhận của mình, rồi em có thể gán ghép thêm ý nghĩa hoặc thậm chí đáng đồng mọi ý nghĩa trong đó. Không nên xúc động quá mức vì vài lời ca ngợi. Nếu anh ấy muốn kín đáo, hẳn anh đã không để lại bài thơ khi chị có mặt ở đây mà đưa trực tiếp cho em. Đừng quá nghiêm túc về vụ việc. Anh ấy đã được khích lệ đủ để tiến tới, ta không cần phải trải lòng mình trên bài thơ này.

Ồ! Không. Em hy vọng mình không tỏ ra buồn cười vì chuyện này. Xin chị cứ làm theo ý muốn.

Ông Woodhouse đi vào, và lặp lai câu hỏi thường nhật:

Này các con, bộ sưu tập làm đến đâu rồi? Có thêm được gì không?

Có bố ạ. Chúng con có bài này đọc cho bố nghe, khá mới mẻ. Sáng nay con tìm thấy bài thơ này trên bàn, chúng con nghĩ là do một nàng tiên mang đến, và chúng con vừa chép lại.

Cô đọc chầm chậm bài thơ cho ông nghe, rõ ràng theo cách ông thích, rồi đọc lại hai, ba lần, giải thích từng câu từ. Ông tỏ ra rất thú vị và, như cô đã đoán trước, có ấn tượng tốt với đoạn kết ca ngợi người phụ nữ. Ông nói:

À, đoạn này diễn tả rất hay. Rất đúng. “Phụ nữ, phụ nữ dễ thương”. Đây là bài thơ đố chữ hay, con yêu ạ, đến nỗi bố có thể dễ dàng đoán ra nàng tiên nào đã mang đến. Emma, chỉ có con mới viết nên những vần thơ hay đẹp đến thế.

Emma chỉ gật đầu và mỉm cười.

Sau khi nghĩ ngợi thêm một chút và thở dài nhẹ, ông nói:

Chao ôi! Không khó nhận ra con giống ai! Mẹ yêu của con làm thể thơ này rất hay! bố ước có nhiều hoài niệm về mẹ con! Nhưng bố không thể nhớ lại được gì cả – ngay cả bài thơ đố mà con vừa nghe bố nhắc đến. Bố chỉ nhớ đoạn đầu của cả bài thơ gồm nhiều đoạn.

Rồi ông đọc lên năm câu đầu.

Bố chỉ nhớ có thế, nhưng toàn bài thơ thật hay. Nhưng con ai, con nói con đã tìm được bài thơ ấy.

Đúng thế, bố ạ. Chúng con đã chép được. Tác giả là Garrick.

À, đúng rồi. ước gì bố nhớ được thêm. Bài thơ làm bố nhớ đến Isabella tội nghiệp, con bé suýt được đặt tên thánh Catherine theo tên bà nội. Bố mong tuần tới nó đến đây. Này con yêu, con đã thu xếp xon cho chị con chưa? Mấy đứa nhỏ sẽ ngủ ở phòng nào?

À, vâng, dĩ nhiên là chị ấy sẽ có một phòng riêng, phòng mà chị ấy luôn chiếm khi đến đây, còn trẻ con ngủ trong phòng trẻ con như thường lệ, bố biết đấy. Tại sao có thay đổi?

Con ạ, bố không rõ, nhưng đã lâu chị con không đến đây, kể từ lễ phục Sinh, mà lần đó chỉ ở có vài ngày. Việc anh John Knightley hành nghề luật sư thật là bất tiện. Isabella tội nghiệp! Con nhỏ hẳn phải buồn khi xa hai cha con ta! Và hẳn là phải tiếc nuối khi đến đây mà không còn được gặp chị Taylor.

Bố ạ, ít nhất thì chị sẽ không ngạc nhiên.

Con yêu, bố không rõ. Chắc chắn là bố rất ngạc nhiên khi nghe chị ấy sắp lấy chồng.

Chúng ta nên mời vợ chồng Weston đến ăn tối, khi Isabella đến chơi ở đây.

Được con ạ, nếu có thì giờ. Nhưng – ông nói với giọng buồn rầu – chị con chỉ đến chơi có một tuần, không có đủ thời giờ cho mọi việc.

Kể cũng thấy buồn gia đình chị không thể lưu lại lâu hơn, nhưng có lẽ vì bận bịu. Ngày 28, anh John Knightley phải quay về thành phố. Cha ạ, ta phải mừng khi họ có thể dành nhiều thời gian như thế ở đây mà không phải mất hai, ba ngày ở tu viện. Anh Knightley đã hứa sẽ thu xếp thời giờ cho Giáng sinh này dù rằng như bố biết đấy, anh đã sống với họ trong thời gian lâu hơn là anh sống với chúng ta.

Quả là buồn khi Isabella tội nghiệp phải rời xa Hartfield mà sống ở nơi khác.

Ông không bao giờ cho phép anh John Knightley bận bịu với em trai, hoặc Isabella bận bịu với bất cứ ai. Ông ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói:

Nhưng bố không hiểu tại sao Isabella tội nghiệp cũng phải về sớm, tuy anh ấy không thể ở lại lâu. Emma à, bố sẽ cố thuyết phục chị con lưu lại lâu hơn với chúng ta. Chị con và mấy đứa trẻ ở đây là rất tốt.

Chao ôi! Bố không bao giờ làm được điều ấy, và con không tin có lúc nào bố sẽ làm được. Isabella không chịu xa anh ấy.

Sự thật là thế, nên không thể chối cãi. Dù không thích, ông Woodhouse chỉ có thể thở dài. Khi Emma thấy ông buồn rầu vì chị của cô gắn bó với chồng, cô lập tức hướng ông về một đề tài khác:

Trong khi các anh chị con ở đây, Harriet cũng sẽ làm bầu bạn cho ta. Con tin cô bé sẽ vui với đám trẻ. Chúng ta hãnh diện vì bọn nhỏ, có phải thế không hả bố? Con tự hỏi Harriet sẽ nhìn đứa nào dễ thương hơn, Henrry hay là John?

Ôi dào! Bố không rõ cô ấy nghĩ gì. Mấy đứa nhỏ tội nghiệp, bọn chúng hẳn rất vui khi đến đây. Harriet à, bon trẻ rất thích đến chơi ở Hartfield.

Bác ạ, cháu tin là thế. Chắc hẳn đứa nào cũng thích.

Henry là cậu bé dễ thương, nhưng John thì rất giống mẹ nó. Henry là đứa đầu, nó mang tên theo bác chứ không phải theo tên bố nó. Đứa kế John thì mang tên theo cha. Bác nghĩ có người ngạc nhiên vì đứa đầu không mang tên cha, nhưng Isabella vẫn muốn đặt tên Henry khiến cho bác nghĩ mẹ nó thật dễ thương. Và thằng nhỏ đúng là rất thông minh. Tất cả bọn nhỏ đều thông minh, có nhiều trò lạ. có lúc Henry hỏi mượn bác một con dao, nhưng bác nói chỉ ông ngoại mới được dùng dao. Bác nghĩ cha chúng thường chơi bạo với chúng.

Emma nói:

Đứa nhỏ có vẻ bạo với bố bởi vì bố quá hiền, nhưng nếu bố so sánh anh ấy với những người cha khác thì bố hẳn không nghĩ anh ấy là bạo. Anh muốn các con anh được năng động và rắn rỏi, nếu chúng cư xử không tốt thì thỉnh thoảng mới có lời nghiêm khắc, nhưng anh ấy là người cha thương con – chắc chắn anh John Knightley là một người cha thương con. Bọn trẻ đều yêu mến cha chúng.

Rồi khi ông chú chúng nó đến, tung chúng nó đụng trân nhà trông mà kinh!

Bố ạ, nhưng bọn nhỏ lại thích, không có trò gì khác làm bọn nhỏ thích đến thế. Nếu ông chú chúng không đặt ra quy tắc luân phiên thì không đứa nào chịu nhường đứa nào.

Thật bố không thể hiểu nổi.

Đấy là trường hợp của tất cả chúng ta, bố ạ. Phân nửa thế gian không thể hiểu được niềm vui của người khác.

Đến trưa, khi hai cô gái chuẩn bị từ giã để sửa soạn cho bữa ăn lúc 4 giờ chiều, người hùng của bài thơ đố ghép chữ lại bước vào. Harriet quay mặt đi, nhưng Emma vẫn chào đón anh với nụ cười thường lệ, và đôi mắt tinh anh của cô nhận ra thái độ chủ động, như cách người ta lật ngửa con bài, và cô nghĩ anh chàng đến để xem tình hình biến chuyển ra sao. Tuy thế, lý do bề ngoài của anh là để hỏi liệu anh có thể vắng mặt cho buổi tụ họp ban tối, hoặc họ có cần anh đến Hartfield hay không. Nếu cần anh sẽ bỏ qua mọi việc khác, bằng không anh bạn Cole mời anh ăn tối nên anh sẽ chỉ nhận lời với điều kiện được rảnh rỗi.

Emma cảm ơn anh nhưng không muốn anh bạn kia phải thất vọng vì họ, còn cha cô biết anh đang lưỡng lự. Anh hỏi lại, rồi cô vẫn từ chối. Khi anh định cúi đầu chào từ giã, cô cầm lấy bài thơ trên mặt bàn trả lại cho anh:

À này, đây là bài thơ anh để lại cho chúng tôi, cảm ơn anh đã cho xem. Chúng tôi rất thích, nên tôi đã chép vào tập thơ của cô Smith. Tôi mong bạn anh sẽ không nhận ra nó bị thất lạc. Dĩ nhiên là tôi chỉ chép tám câu đầu.

Rõ ràng là anh bối rối không biết phải nói gì. Anh lộ vẻ nghi ngại, hoang mang, thốt lên hai tiếng “hân hạnh”, liếc nhìn Emma rồi Harriet, rồi nhìn qua quyển thơ trên mặt bàn, nhấc lên và chăm chú xem.

Sau khoảnh khắc bối rối , Emma mỉm cười nói:

Xin anh gửi lời tôi tạ lỗi đến bạn anh, nhưng bài thơ hay như thế này không chỉ để một hoặc hai người xem. Hẳn anh ấy được mọi thiếu nữ tán thưởng khi viết nên vần thơ này.

Anh Elton đắn đo nhiều rồi mới nói:

Tôi không đắn đo mà nói…không đắn đo gì mà nói rằng, nếu bạn tôi cảm nhận chút nào như tôi…tôi tin chắc rằng nếu anh ấy có vinh hạnh như tôi – anh lại nhìn vào quyển thơ và đặt xuống mặt bàn – anh ấy sẽ xem đây là giây phút hãnh diện nhất trong đời.

Sau câu phát biểu ấy, anh bước đi ngay. Emma không kịp nghĩ ngợi, vì so với tất cả tính nết tốt bụng và hiền dịu, cách nói năng của anh đáng lẽ phải khiến cô bật cười. Cô bước vội đi để mong Harriet được hưởng niềm vui.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN