Phế Đô
Chương 53
Ánh sáng ngoài cửa mỗi lúc một tối đi. Trang Chi Điệp nằm lăn ra tại chỗ, thở một hơi rò thật dài, lại thở một hơi nữa, rồi nói:
– Trời tối rồi Uyển Nhi ạ.
Đường Uyển Nhi đáp:
– Vâng tối rồi, sao ngày lại ngắn thế nhỉ?
Trang Chi Điệp hỏi:
– Em bỏ thuốc mê vào rượu hả Uyển Nhi? Xưa nay anh chưa uống say bao giờ. Anh phải về nhà. Bây giờ chân mềm nhũn ra về thế nào được nhỉ?
Đường Uyển Nhi đáp:
– Không về là không về nữa. Trời tối rồi, anh cứ ngủ ở đây, ngủ ở đâu thì cũng là ngủ trong đêm mà!
Trang Chi Điệp hỏi:
– Em nói gì vậy, em nói lại lần nữa xem nào!
Đường Uyển Nhi nói:
– Ngủ ở đâu thì cũng là ngủ trong đêm!
Trang Chi Điệp bảo:
– Câu nói hay quá, riêng câu này em có thể làm nhà thơ được rồi đấy Uyển Nhi ạ.
Đường Uyển Nhi nhảy qua đầu Trang Chi Điệp vừa sửa váy, cuốn tóc, vừa hỏi:
– Thế ư? Vậy thì anh là nhà văn, em là nhà thơ. Đêm nay Chu Mẫn về, chúng mình nói chuyện vui vẻ cả đêm, lại còn khăng khăng đòi về ôm ấp bà xã phải không nào?
Trang Chi Điệp trả lời:
– Có về thì anh cũng ngủ trong phòng sách của anh. Anh đã không còn tình yêu, người không có tình yêu thì đen tối như hôm nay.
Đường Uyển Nhi liền bảo:
– Vậy thì em cho anh ánh sáng!
Chị ta đưa tay giật dây công tắc, tách tách hai tiếng, song đèn không sáng, liền chửi:
– Lại mất điện rồi! Trong thành Tây Kinh hai ba hôm lại mất điện. Nếu em là chủ tịch thành phố, thì em sẽ cách chức cục trưởng cục điện lực! Không có điện, thì em bật diêm cho anh.
Xoẹt một cái, một que diêm cháy lên, cả hai người đều cười trong ánh sáng mờ mờ, rồi tắt luôn, lại quẹt một cái nữa, bỗng chốc lại tắt ngấm. Đường Uyển Nhi còn quẹt tiếp. Trang Chi Điệp bảo:
– Nói em là nhà thơ, em càng hăng biến thân mình thành thơ hết cả. Thôi đừng lãng phí diêm nữa, Chu Mẫn đâu? Chu Mẫn đi làm ư?
Đường Uyển Nhi đáp:
– Đi làm rồi, tối nào cũng đi thổi huyên. Hôm nay tối mịt rồi, không thấy về, có lẽ ở toà soạn tạp chí lạ có chuyện gì chăng? Anh mặc áo đi, em nấu canh mì anh ăn nhé!
Trang Chi Điệp bảo:
– Không ăn đâu, chờ đến lúc Chu Mẫn về thấy mất điện, anh và em ở trong nhà tối om om anh ta sẽ đâm nghi.
Đường Uyển Nhi nói:
– Anh đi bây giờ, biết đâu vừa ra khỏi cổng đã gặp anh ta trên đường về, anh ta mới sinh nghi. Thế này nhé, anh mặc áo vào, lại nằm ngủ say, em khóa hết cửa vào rồi đi ra phố, cứ bảo đã khóa anh ở trong nhà cả một buổi chiều. Chờ bao giờ anh ta về em mới về.
Chi Điệp chửi một câu, đàn bà ma lanh hơn đàn ông, song đã móc túi lấy ra một cục tiền, bảo:
– Em đến cửa hàng ngoài phố mua cho em một bộ thời trang mà mặc. Trước mười hai giờ đêm bách hoá tổng hợp chưa đóng cửa đâu, anh cứ định mua cho em song lại sợ không vừa, em tự mua lấy vậy.
Đường Uyển Nhi không nhận, Trang Chi Điệp không vui vẻ “hừ” một tiếng, chị ta liền cầm tiền đi ra khóa cổng rồi ra phố.
Đêm đó Trang Chi Điệp không về ngủ ở nhà mình. Cho tới lúc Chu Mẫn về mở cổng gọi anh dậy, thì Đường Uyển Nhi mới đem theo một bộ thời trang về, bị Chu Mẫn mắng cho một trận nên thân, Đường Uyển Nhi liền bảo đích thân đi nấu cơm, để xin lỗi đã không phải với Trang Chi Điệp.
Thắp nến ăn cơm xong, Chu Mẫn giữ Trang Chi Điệp ở lại còn gọi cả Mạnh Vân Phòng đến. Bốn người cùng đánh mạt chược. Đường Uyển Nhi nói:
– Mấy văn nhân các anh truỵ lạc hết cả rồi, lúc đầu bảo tối nay thảo luận chuyện văn học tử tệ song lại đi đánh mạt chược.
Mạnh Vân Phòng bảo:
– Chơi mạt chược mà truỵ lạc à? Ông Hồ Thích đã từng nói, đọc sách có thể quên đánh mạt chược, đánh mạt chược có thể quên đọc sách. Theo tôi đọc sách và đánh mạt chược có thể quên hết nỗi buồn phiền. Nhưng Chi Điệp và Chu Mẫn đều do đọc sách, viết văn mà chuốc lấy một bụng buồn phiền, không đánh mạt chược, thì dựa vào đâu để quên hết buồn phiền?
Và hễ đánh bài là đánh cho đến sáng. Hôm sau Mạnh Vân Phòng lại bảo Trang Chi Điệp đến nhà mình tâm sự nghỉ ngơi. Trang Chi Điệp ở nhà Mạnh Vân Phòng ba ngày, cùng đi đến khách sạn tham dự một cuộc họp của các hoạ sĩ. Giám đốc khách sạn đã chiêu đãi mọi người một bữa sơn hào hải vị, lại gọi mấy ca sĩ bình thường đến hát cho vui. Trang Chi Điệp nghĩ những hoạ sĩ này sống tự do thoải mái thế. Người xưa có cảnh dắt gái lầu xanh rong chơi sông núi, có lẽ giống thế này. Mạnh Vân Phòng liền ghé vào tai anh bảo:
– Anh nhìn cô ca sĩ kia kìa, ngon đáo để, khi cười cái lưỡi cứ động đậy giữa hai hàm răng, trông khêu gợi ra phết. “Nhà cầu khuyết” của mình, nếu có tổ chức hoạt động gì, cũng mời mấy ca sĩ này đến góp vui.
Trang Chi Điệp nói:
– Mắt anh kém, nên nhắm lại dưỡng thần.
Mạnh Vân Phòng tức quá, đưa tay dưới gầm bàn véo vào đùi Trang Chi Điệp một cái. Các cô ca sĩ lấy giọng bắt điệu hát xong mấy bài, mỗi cô được thưởng hai mươi đồng rồi ra về.
Giám đốc liền kê bàn đặt lên bốn thứ báu vật của phòng văn: giấy, mực, bút, nghiên rồi chụm hai tay lại nói:
– Các vị đều là danh gia cao thủ, đến được khách sạn nhỏ bé này là dịp hiếm có. Tôi đây cũng một lòng yêu tranh chữ, xin các vị có thể thưởng cho mấy dòng bút tích quý báu được không?
Trang Chi Điệp liền khẽ hỏi một hoạ sĩ:
– Chẳng phải khách sạn cung cấp phương tiện để các họa sĩ họp mặt nói chuyện đó ư? Tại sao lại còn vẽ viết?
Người hoạ sĩ kia đáp:
– Nói ra thì hoạ sĩ được hoan nghênh hơn nhà văn các anh, nhưng cho gà ăn là để gà đẻ trứng, quả thật hoạ sĩ rẻ mạt hơn nhà văn.
Các họa sĩ lần lượt lên vẽ, vẽ xong lại móc túi lấy con dấu đóng lên. Trang Chi Điệp lại khẽ hỏi:
– Các anh không bằng lòng tại sao ai cũng mang sẵn con dấu đến?
Vị hoạ sĩ kia đáp:
– Chỉ cần có người đến mời đi ăn là biết có chuyện gì rồi. Đâu có chuyện không đem theo con dấu.
Trang Chi Điệp ngồi một bên cười, vừa cười xong, thì giám đốc cũng mời anh thưởng cho. Trang Chi Điệp bảo anh không biết vẽ, giám đốc bảo tôi không bắt anh vẽ, anh viết văn hay, chữ bút lông cũng đẹp, tại sao không đề tựa hay bạt gì đó trên tranh chữ của các hoạ sĩ? Trang Chi Điệp đành phải đề từ viết thơ lên từng bức tranh. Anh không mang con dấu, thì điểm chỉ vào. Mọi người bảo:
– Như thế càng thật, có muốn giả cũng không giả nổi.
Láng cháng với các hoạ sĩ mấy lần, Trang Chi Điệp lại cùng Triệu Kinh Ngũ đến mấy nhà cất giữ đồ cổ văn vật xem đồ cổ, đi vào rạp kịch Tần Xoang nghe hát, pha trò, đi ra phố các quán ăn bình dân nhấm nháp, đi vào chùa Dựng Hoàng xem đại sư Trí Tường dạy khí công. Bất giác hơn mười ngày qua đi. Toà án gửi giấy báo hạn định thời gian mở phiên toà đầu tiên. Trang Chi Điệp tính ngày, chỉ còn non nửa tháng nữa, mới phanh lại về nhà chờ đợi. Chu Mẫn và Chung Duy Hiền cũng đã đến vài lần, bàn bạc nội dung đối đáp tranh cãi, lại mời năm luật sư, mời luật sư nào cũng là cảm thấy dù được hay thua kiện,thì đi kiện cho danh nhân cũng là một việc vinh quang trong cuộc đời luật sư của mình. Trang Chi Điệp đành phải tươi cười đón tiếp, nói chuyện vui vẻ.
Nhưng vấn đề nội dung thống nhất, đã xảy ra mâu thuẫn. Đầu tiên các luật sư phân tích mục đích khởi tố của Cảnh Tuyết Ấm, cho rằng trong trường hợp thông thường một người đàn bà có được chuyện dây mơ rễ má với danh nhân vốn điều vinh hạnh, mà Cảnh Tuyết Ấm làm ầm ĩ lên như vậy có phải là lấy đó để làm cho ai ai cũng biết về mình không? Trang Chi Điệp liền phủ nhận. Anh bảo Cảnh Tuyết Ấm không phải người đàn bà như thế. Các luật sư cho rằng nếu loại trừ khả năng này, muốn thắng vụ kiện này, thì biện pháp duy nhất là giữ vững quan điểm thực tế đã từng có quan hệ yêu đương, liền chỉ trích Trang Chi Điệp đã viết bức thư rất ngu xuẩn kia, yêu cầu anh trước hết phải trình bày trước toà khi viết bức thư ấy là dẹp chuyện làm yên lòng người mà giấu giếm chân tướng sự thật. Bây giờ đã giải quyết cuộc phong ba bằng biện pháp luật pháp, thì phải nêu lại từng quá trình yêu nhau. Trang Chi Điệp nghe qua, biết ngay lập luận này đều do quan điểm của Chu Mẫn đã ảnh hưởng đến luật sư, mà ngẫm nghĩ sâu hơn logic tư duy này, thì Chu Mẫn có thể giũ sạcch sành sanh trách nhiệm, trước phiên toà tất phải nhận định tài liệu của bài viết là hoàn toàn do anh cung cấp. Điều làm cho Trang Chi Điệp càng khó xử hơn là chuyện không hề có, thì mở miệng nhe răng trước mặt Cảnh Tuyết Ấm như thế nào, cho dù nói trái với lòng mình, thì chuyện này cũng thuộc về riêng tư cá nhân. Bây giờ hai bên đều đã có gia đình, bản thân đi rêu rao khoe khoang ở khắp nơi, bảo người khác viết ra há chẳng phải là thật sự xâm phạm quyền danh dự của Cảnh Tuyết Ấm đó sao? Hơn nữa, nhiều sự việc viết trong bài báo ấy,nếu toà án truy hỏi thời gian xảy ra, thì lại là thời gian yêu Ngưu Nguyệt Thanh, thậm chí sau khi cưới đi lại với Cảnh Tuyết Ấm. Vậy thì anh chồng của Cảnh Tuyết Ấm sẽ chẳng bao giờ buông tha cho Cảnh Tuyết Ấm.
Trong lòng Ngưu Nguyệt Thanh cũng khó lòng gột sạch như đã nuốt phải con ruồi! Trang Chi Điệp liền kiên quyết không đồng ý tư duy lối đối đáp tranh cãi này, giữ vững ý kiến ban đầu. Chu Mẫn liền cười gằn nói:
– Thầy giáo Điệp quả có lòng thiện, định làm ông Đông Quách đấy!
Trang Chi Điệp không ưa nghe lời nói này, liền bảo:
– Nếu cậu làm như thế, thì tôi chẳng giữ việc gì nữa. Trước toà án, tôi có thể nói rõ sự việc, trong bài viết đều có cái bóng nhất định, nhưng hoàn toàn không phải các tình tiết to vẽ tùy ý hiện nay. Bài văn không do tôi viết, tôi cũng không được đọc trước, tôi càng không gặp riêng cậu bàn bạc, thậm chí lúc ấy, ngay đến mặt cậu tôi cũng chưa được gặp. Điều tôi cần biện bạch chỉ có thể là tôi không phải là bị cáo. Nếu tôi biện bạch bị bác bỏ, toà xử tôi có tội, tôi sẽ đi ngồi tù là xong!
Hai người đã bất hoà, sắc mặt đều thay đổi. Mạnh Vân Phòng vội vàng can ngăn, hoà giải. Anh bảo cả hai hãy bình tĩnh suy nghĩ, chờ lúc khác lại bàn bạc, liền kéo Trang Chi Điệp đi ra, bảo:
– Có chuyện gì ghê gớm lắm đâu, mà đỏ mặt tía tai thế! Cho dù thua kiện, thì làm gì được anh nào? Anh nổi tiếng bằng tác phẩm của anh cơ mà, tác phẩm không đổ, thì thanh danh xấu đi đâu được? Theo tôi thì chỉ là đáng tiếc đã mất đi mối quan hệ tốt đẹp với một người đàn bà vốn quen biết nhiều năm nay! Anh là người không yêu đàn bà, nếu thích, thì tám cô mười cô, tôi cũng cưa kéo cho anh được. Mấy hôm vừa rồi, đã đi đến nhiều nơi vui vẻ náo nhiệt, anh cũng đã biết người ta sống vui vẻ sôi nổi thế nào rồi. Anh cũng vui vẻ sôi nổi lên chứ? Hôm nay tôi sẽ dẫn anh đến một nơi chắc là anh chưa đi, để anh mở rộng tầm mắt.
Trang Chi Điệp hỏi:
– Chỗ nào tôi chưa đi?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Một vụ kiện đã làm tỉnh hồn anh rồi hả? Anh muốn đi để biết thật chứ?
Trang Chi Điệp nói:
– Cái mồm thối của anh ấy, nói ra thì chả có chuyện gì dưới gầm trời này anh không biết, anh có giỏi thì gọi cho tôi một đứa.
Hai người đến nhà Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng bảo Hạ Tiệp gọi Đường Uyển Nhi cùng đến chỗ Ngưu Nguyệt Thanh chơi bài. Hạ Tiệp bảo:
– Em đang buồn ở nhà chán quá đây. Nhưng em nói trước cho anh biết, em đi khỏi nhà, anh không được dẫn Mạnh Tẫn vễ đâu đấy!
Hạ Tiệp thay quần áo, bỏ vào túi một cuộn tiền rồi đi. Trang Chi Điệp hỏi:
– Hạ Tiệp không cho Mạnh Tẫn bước vào cửa này à?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Bọn tôi cãi nhau nhiều về chuyện này. Con là con của mình, trên đời này có thằng bố nào không yêu con mình cơ chứ? Huống hồ Mạnh Tẫn thông minh hơn người, đứa con thông minh nào chả nghịch ngợm. Mẹ thằng bé, lại không quản lý nổi, sợ ngộ nhỡ ra ngoài chơi bời hư hỏng, đã đến bảo tôi dậy dỗ thêm. Nhưng hễ Mạnh Tần bước chân vào nhà này, thì Hạ Tiệp lại chửi chó đánh mèo, nhìn tôi bằng cặp mắt khó chịu.
Mạnh Vân Phòng nói ra mặt hằm hằm, cúi xuống vòi nước uống một hơi nước mát, anh nói:
– Không nói nữa, bảo anh đến chơi cho khuây khỏa lại làm anh buồn phiền.
Mạnh Vân Phòng không đi xe đạp. Anh ngồi xe máy “Mộc lan” của Trang Chi Điệp chỉ đường, đi thẳng tới phía bắc thành phố. Đó là một nơi buôn bán dân gian rất rộng, chủ yếu là buôn bán các loại động vật quý nuôi trong gia đình, chim cá, thuồng luồng, và thức ăn nuôi chúng. Già trẻ trai gái và những kẻ vô công rồi nghề đi chợ kéo đến nườm nượp, kẻ khoác túi, người xách làn, chen chúc xô đẩy, làm cho cả một bãi dài hàng trăm mét ồn ào nhốn nháo, náo nhiệt sầm uất vô cùng. Trang Chi Điệp thốt lên:
– Đây là Đương Tử phải không?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Đừng kêu lên thế người ta sẽ xem thường. Anh cứ chịu khó mà nhìn. Trong Đương Tử này, cao sang, quê mùa, tục tĩu, nhã nhặn, gian trá, xảo quyệt, lẫn lộn, khó phân biệt nhưng phân cấp chia loại thì ước định mà thành. Các trường phái, bọn lưu manh côn đồ, ông chủ, thằng nhỏ, phe phẩy, buôn bán nước bọt…cỡ nào cũng có.
Hai người đi vào, quả nhiên lái buôn, chủ quán, chủ hiệu kéo bè kéo cánh chiếm giữ địa bàn, trong phạm vi hoạt động của mình, kẻ đánh trống người thổi còi, rất ít dây dưa với nhau. Hai người vào chợ cá trước, trước mỗi cửa hàng bày ngang những chậu kính to đùng, chậu nào cũng gắn dải vàng ở góc, có lắp bơm nước sủi bọt xả hơi, đèn màu nhấp nháy, nước và cỏ cây lấp loáng soi nhau, những con cá nhiệt đới thư thả lượn lờ, vẩy mịn dát bạc, lúc nổi lúc chìm. Trang Chi Điệp đã xem mấy chỗ, vui vẻ nói:
– Cá này sướng thật, chúng không buồn phiền!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
– Có mua không? Mua một chậu đem về, bản thân anh cũng thành cá.
Trang Chi Điệp cười bảo:
– Con người yên tĩnh trong ầm ĩ, ầm ĩ trong yên tĩnh. Xem cá ở đây hâm mộ niềm vui của cá, lúc mua mấy con đem về, nhìn thấy người chẳng bằng cá, lại không có chỗ nào trút bỏ, thì mới ghen ghét càng buồn hơn.
Ra khỏi chợ cá thì vào chợ dế mèn. Trong nhà Trang Chi Điệp có mấy cái âu dế mèn đời trước để lại, anh cũng đã từng bắt mấy con dế ở chân tường thành về chơi. Song chưa bao giờ nhìn thấy những cái âu gốm cầu kỳ như thế này. Cầm một cái âu màu xanh cua đồng lên xem, chung quanh âu khắc hoa trổ nét, gắn những chữ “Đại vương đầu vàng”, “Tướng quân vô địch”, cứ tấm tắc khen mãi. Chủ hàng tươi cười đón khác, hỏi thẳng:
– Lấy một cái chứ?
Hai người chỉ cười mà không nói sao. Ông chủ liền mặt lạnh như tiền gạt tay nói:
– Hai vị tránh ra, không nên để lỡ buôn bán, ảnh hưởng người khác.
Tiếp theo lại cung tay khom người hỏi hai người đàn ông mới đến, lại còn cầm lên một cái âu gốm, miệng nói “Dế thần trời cho”. Hai vị kia quả nhiên cúi người, mở nắp nhìn dáng, khoái chí tươi cười, hỏi giá bao nhiêu, thì ông chủ bỏ mũ lá xuống, giơ hai tay ra. Anh chàng mặt đen sạm kia ngẩn tò te, trợn mắt thè lưỡi. Ông chủ hàng liền bảo:
– Anh thử xem lại hàng lần nữa!
Rồi bỏ thật chính xác anh hùng võ sĩ vào cái đấu to bằng cái bát. Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng cũng ngoái cổ lại, bỗng chốc đám đông mím môi nín thở, chợt reo to hai tiếng “cố lên!”, hai hàm răng chúng cắn vào nhau, tiến công phòng thủ rất bài bản, một con xảo quyệt vô cùng, giả vờ thua, lừa trá hàng, song đã bất ngờ đánh úp sau lưng. Trang Chi Điệp xem tới mức mê mẩn, Mạnh Vân Phòng phải kéo vạt áo anh bảo:
– Anh khoái trò này thế cơ à?
Trang Chi Điệp hỏi:
– Anh có biết vừa giờ tôi nghĩ gì không?
Mạnh Vân Phòng hỏi lại:
– Nghĩ gì thế?
Trang Chi Điệp nói:
– Tôi nghĩ nguồn gốc của con người không phải là vượn người mà là dế mèn hoá kiếp, có lẽ con dế mèn ấy là ma của ma người.
Mạnh Vân Phòng bảo:
– Vậy sao anh không hỏi xem con dế thắng kia cấp hàm gì.
Hai người lại dạo sang chợ chó. Trang Chi Điệp đã ưng ý một con chó sư tử lông dài. Con chó này đẹp như con báo, thư thái vô cùng, vừa nhìn thấy họ, nó liền ngồi xuống giơ luôn hai chân trước chắp lại chào. Trang Chi Điệp bỗng thốt lên một câu:
– Nhìn mắt và lông mày kìa, giống Đường Uyển Nhi đến mấy phần.
Mạnh Vân Phòng cười bảo:
– Anh thích Đường Uyển Nhi sao không mua tặng cô ấy. Nhưng theo tôi đàn ông không nuôi mèo, đàn bà không nuôi chó, chẳng thà sang xem chợ hoa, mua một chậu chuối hoa tặng cô ấy. Nhà cô ấy thế quái nào ngay một chậu hoa cũng không có?
Trang Chi Điệp bảo:
– Đừng nhắc chuyện hoa nữa, làm tôi lại nhức đầu! trước đây chậu hoa lạ của bọn mình đẹp như thế còn chẳng giữ nổi, lại định mua làm gì. Hoa chuối hay không hoa chuối? Hơn nữa tôi cũng từng hỏi cô ấy sao trong nhà không trồng một ít hoa, cô ấy bảo, hễ em trồng hoa, là hoa sống chẳng được bao lâu, hoa ghen ghét cô ấy, cô ấy cũng đố kỵ hoa.
Mạnh Vân Phòng nói:
– Con bé ngứa nghề ấy thích nói thế để khoe bản thân chứ gì? đàn bà ai cũng có cái tật ấy. Hạ Tiệp thường khoe với tôi, tay Mỗ Mỗ nào đó có ý tứ với cô ấy, chàng Mỗ Mỗ nào đó tỏ ra ân cần với cô ta, hoàn toàn để ám chỉ với tôi: anh không yêu em, nhưng có người đã yêu đấy! Tôi liền bảo, tốt thôi, đứa nào châm em một cái lỗ to bằng con mắt, thì em cứ thổi vào hắn ta một cơn gió to bằng cái bát. Cô ta đã tức phát khóc lên.
Trang Chi Điệp cười, rồi quay đầu nhìn bốn phía hỏi:
– Ở đây có chợ bồ câu không nhỉ?
Mạnh Vân Phòng hỏi:
– Anh nuôi bồ câu à?
Trang Chi Điệp đáp:
– Trong các lọai muông thú bay tôi yêu thích bồ câu, định mua một con tặng Đường Uyển Nhi.
Mạnh Vân Phòng cười bảo:
– Tôi biết rồi, chắc chắn việc này là ý của cô ấy.
Trang Chi Điệp hỏi:
– Thế nào là ý của cô ấy?
Mạnh Vân Phòng đáp:
– Nhà cô ấy không có điện thoại, các cậu định dùng bồ câu trao đổi tin tức chứ gì?
Trang Chi Điệp bảo:
– Anh ma lanh nó vừa vừa chứ?
Mạnh Vân Phòng liền dẫn Trang Chi Điệp sang chợ chim bồ câu tận đầu phía nam, chọn khá nhiều con, sờ gáy, quết lông cánh, nhìn màu sắc, xem vòng chân. Mạnh Vân Phòng hỏi:
– Anh định mua bồ câu cho Đường Uyển Nhi hay là chọn cung phi cho mình?
Cuối cùng đã chọn được một con, hớn hở ra về. Đêm ấy vẫn ngủ ở nhà Mạnh Vân Phòng, không về khu nhà hội văn học nghệ thuật.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!