Đại Chiến Hacker - Chương 13
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
116


Đại Chiến Hacker


Chương 13


Bọn chúng đúng là những con điếm,” Ange bật ra những lời ấy. “Nói cho đúng, như thế còn là xúc phạm cho những gái điếm chăm chỉ ở mọi nơi đấy. Chúng là, chúng là những kẻ trục lợi.”

Chúng tôi đang xem đống báo vừa kiếm được và mang tới quán cà phê. Tờ nào cũng có những “bài tường thuật” về bữa tiệc ở công viên Dolores và nhìn chung thì họ làm cho nó nghe như một cuộc chè chén trác táng, say xỉn với rượu bia và chất kích thích của lũ trẻ, những người đã tấn công cảnh sát. USA Today liệt kê phí tổn của cuộc nổi loạn và tính cả chi phí cho việc rửa sạch khí độc còn sót lại sau vụ thả bom hơi độc, những cơn hen đang đe dọa làm tắc nghẽn các phòng cấp cứu của thành phố, và chi phí của việc xử lý tám trăm “kẻ nổi loạn” bị bắt giữ.

Không ai kể câu chuyện từ vị thế của chúng tôi. “Dù sao thì, trên Xnet đã có tất cả,” tôi nói. Tôi đã lưu hàng đống blog, video và các trang ảnh vào điện thoại và cho cô xem. Chúng được lấy từ tài khoản trực tiếp của những người đã bị xịt khí gas và đánh cho tơi tả. Đoạn video chiếu cảnh tất cả chúng tôi đang nhảy múa, vui cười, những bài diễn văn chính trị đầy hòa khí, cảnh đám đông đồng thanh “Hãy giành lại nó”, cảnh Trudy Doo nói chúng tôi là thế hệ duy nhất có thể tin vào việc chiến đấu cho tự do của mình.

“Chúng ta phải cho mọi người biết về việc này,” cô nói.

“Ừ,” tôi rầu rĩ. “Về lý thuyết thì ý tưởng đó hay.” “Này, cậu nghĩ tại sai báo chí lại không hề viết câu chuyện từ phía chúng ta?”

“Thì cậu đã nói đấy, chúng là những con điếm mà.”

“Đúng thế, nhưng những con điếm làm vì tiền. Chúng sẽ bán được nhiều báo và quảng cáo hơn nếu chúng gây tranh cãi. Tất cả những gì chúng có bây giờ là một tội ác – tính chất gây tranh cãi thì lớn hơn nhiều.”

“OK, hiểu rồi. Vậy thì tại sao bọn họ không làm như vậy? Hừm, phóng viên còn hiếm khi có thể tìm ra các blog bình thường chứ đừng nói đến Xnet. Đó không phải một nơi thực sự thân thiện với người lớn.”

“Ừ,” cô nói. “Ôi, chúng ta có thể sửa lại nó mà, phải không?”

“Hả?”

“Lập trình lại tất cả. Đặt vào một nơi, với tất cả các đường dẫn. Nơi duy nhất mà cậu có thể truy cập, tạo điều kiện để giới báo chí dễ tìm ra nó và nắm bắt được toàn bộ câu chuyện. Kết nối nó tới mục LÀM THẾ NÀO của Xnet. Những người sử dụng Internet có thể được dẫn tới Xnet, miễn là họ không quan tâm đến việc DHS sẽ tìm ra họ đang xem trang web nào.”

“Cậu nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả à?”

“Ừ, mà dù nó không hiệu quả đi chăng nữa thì nó cũng là một việc tích cực nên làm.”

“Nhưng việc gì họ phải nghe chúng ta?”

“Ai lại không nghe M1k3y chứ?”

Tôi đặt tách cà phê xuống, nhấc điện thoại lên nhét vội vào túi. Tôi đứng dậy, quay gót bước ra khỏi quán. Tôi chọn một hướng bất kỳ và cứ thế đi. Mặt tôi căng ra, máu dồn hết xuống dạ dày đang lộn tùng phèo.

Họ biết mày là ai, tôi nghĩ. Họ biết M1k3y là ai. Vậy là hết. Nếu Ange phát hiện ra thì DHS cũng sẽ phát hiện ra. Xong đời tôi rồi. Tôi đã biết điều này từ khi họ thả tôi ra khỏi chiếc xe tải đó, rằng một ngày nào đó họ sẽ tới bắt tôi và đem tôi đi mãi mãi, đưa tôi đến nơi mà Darryl đã tới.

Mọi thứ đã kết thúc rồi.

Cô gần như túm lấy tôi khi tôi tới phố Chợ. Cô đang thở dốc và trông hết sức tức giận.

“Có vấn đề quái gì với Ngài vậy?”

Tôi giằng khỏi tay cô ra và đi tiếp. Kết thúc rồi. Cô lại túm lấy tôi. “Dừng lại, Marcus, cậu đang làm tớ sợ chết khiếp đấy. Thôi nào, nói chuyện với tớ đi.”

Tôi dừng lại nhìn cô. Hình ảnh của cô mờ đi trước mắt tôi. Tôi không thể tập trung vào bất cứ cái gì. Tôi có một ham muốn điên cuồng là nhảy ra trước một cái xe điện đang chạy ngang qua chúng tôi, nhảy ra giữa đường. Thà chết còn hơn là phải quay lại.

“Marcus!” Cô làm cái việc mà tôi mới chỉ thấy người ta làm trong phim. Cô tát tôi, một cú trời giáng vào mặt. “Nói chuyện với tớ, khốn khiếp!”

Tôi nhìn cô và đưa tay lên mặt, chỗ đang đau rát.

“Không ai được biết tôi là ai cả,” tôi nói. “Tôi không thể nói đơn giản hơn được nữa. Nếu cậu biết rồi thì mọi việc kết thúc. Một khi người khác biết, tất cả sẽ kết thúc.”

“Chúa ơi, mình xin lỗi. Nhìn tớ này, tớ chỉ biết bởi vì, ờ, bởi vì tớ đã tra hỏi Jolu. Sau bữa tiệc tớ đã lén theo dõi cậu, chỉ để biết cậu có tốt như vẻ bề ngoài của cậu không hay là một tên giết người bằng rìu ẩn danh. Tớ đã biết Jolu từ lâu và khi tớ hỏi cậu ấy về cậu, cậu ấy đã ca tụng như thể cậu là Chúa tái thế hay gì gì đó đại loại vậy, nhưng tớ có thể cảm thấy còn điều gì đó mà cậu ấy đã không nói với tớ. Tớ biết Jolu từ lâu lắm rồi. Cậu ấy đã hẹn hò với chị gái tớ ở trại hè máy tính hồi bé. Tớ biết khá nhiều chuyện xấu xa của cậu ấy. Tớ đã dọa sẽ nói với mọi người nếu cậu ấy không kể cho tớ.”

“Vậy là cậu ta kể cho cậu.”

“Không,” cô nói. “Cậu ấy bảo tớ biến xuống địa ngục đi. Rồi tớ kể cho cậu ấy nghe một bí mật của tớ. Một điều mà tớ chưa bao giờ kể cho ai.”

“Cái gì?”

Cô nhìn tôi. Nhìn quanh. Rồi nhìn lại tôi. “Thôi được, tớ sẽ không thề với cậu về sự bí mật vì nó chả có nghĩa lý gì cả. Hoặc là tớ có thể tin tưởng cậu, hoặc là không.

“Năm ngoái, tớ…” cô ngập ngừng. “Năm ngoái tớ đã lấy trộm các đề kiểm tra tiêu chuẩn và công bố nó trên mạng. Đó chỉ là một trò đùa. Tớ tình cờ đi ngang qua văn phòng thầy hiệu trưởng và nhìn thấy ngăn bí mật của thầy ấy, cửa thì vẫn mở. Tớ lẻn nhanh vào đó – có sáu tập đề giống nhau và tớ cho một tập vào túi rồi chuồn đi. Khi tớ về nhà, tớ đã scan lại tất cả và tải chúng lên một trong những máy chủ của PirateParty ở Đan Mạch.”

“Là cậu à?” tôi nói.

Cô đỏ mặt. “Ừm. Đúng thế.”

“Chúa ơi!” tôi nói. Nó là một thông tin động trời. Bộ Giáo dục nói rằng họ đã tốn mười triệu đô để sản xuất những bài kiểm tra Không Cho Đứa Trẻ Nào Thoát và rằng họ cũng phải đổ từng đấy tiền cho vụ đề thi bị lộ này. Họ gọi nó là “khủng bố giáo dục”. Giới truyền thông không ngừng đưa ra những suy đoán về động cơ chính trị của vụ rò rỉ, họ không biết liệu đó là sự phản đối của giáo viên, hay học sinh, hay một tên trộm, hay một nhà thầu bất bình trong chính phủ.

“Chính là CẬU à?” “Chính là tớ,” cô nói.

“Và cậu nói với Jolu điều này…”

“Vì tớ muốn cậu ấy chắc chắn rằng tớ sẽ giữ bí mật. Nếu cậu ấy biết bí mật của tớ thì cậu ấy sẽ có thứ gì đó để tống tớ vào tù nếu tớ giăng bẫy. Cho đi một chút, nhận được một chút. Quid pro quo 1 , giống như trong ‘Sự im lặng của bầy cừu’ ấy.”

“Và cậu ấy tiết lộ cho cậu.”

“Không,” cô nói. “Cậu ấy vẫn không chịu.” “Nhưng…”

“Rồi tới kể cho cậu ấy rằng tớ mê mẩn cậu ra sao. Tớ đã lên kế hoạch để tự biến mình thành một con ngốc và tự đưa mình vào tay cậu ra sao. Lúc đó cậu ấy mới nói với tớ.”

Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để nói lúc này. Tôi nhìn xuống ngón chân. Cô nắm lấy tay tôi, siết chặt nó.

“Tớ xin lỗi vì ép cậu ấy phải nói ra. Cậu mới là người có quyền quyết định sẽ nói điều đó với tớ, nếu cậu định làm thế. Tớ không liên quan gì…”

“Không,” tôi nói. Giờ khi đã biết làm thế nào cô tìm ra bí mật đó, tôi bắt đầu bình tĩnh. “Không, cậu nên biết. Cậu.”

“Tớ,” cô nói. “Một chút của tớ.”

“Được rồi, tớ chấp nhận. Nhưng còn một việc nữa.”

“Là gì?”

“Không có cách nào làm cho điều này bớt có vẻ khốn nạn, nhưng tớ cứ nói luôn. Mọi người hẹn hò với nhau – hay bất cứ từ nào khác để gọi việc chúng ta đang làm – rồi họ chia tay. Khi họ chia tay, họ tức giận với nhau. Đôi lúc thậm chí họ ghét nhau. Thật lạnh lẽo khi nghĩ điều đó sẽ xảy ra với chúng ta, nhưng cậu biết đấy, chúng ta phải nghĩ về nó.”

“Tớ xin hứa rằng dù cậu có làm bất cứ điều gì với tớ thì cũng không thể khiến tớ phản bội bí mật của cậu được. Không gì hết. Vui vẻ với hàng tá em xinh tươi trên giường tớ khi mẹ tớ nhìn. Bắt tớ phải nghe Britney Spears. Phá hỏng laptop của tớ, đập nó bằng búa và ngâm vào nước biển. Tớ hứa. Không gì hết. Không bao giờ.”

Tôi thở phào.

“Ừm,” tôi nói.

“Giờ là lúc thích hợp để hôn tớ rồi,” cô nói và ngẩng mặt lên.

Dự án lớn kế tiếp của M1k3y trên Xnet là tập hợp tất cả những bài tường thuật có thể tìm thấy về bữa tiệc ĐỪNG TIN ở công viên Dolores. Tôi tạo một trang web lớn và gây thách thức nhất mà tôi có thể, thiết kế các mục theo địa điểm, thời gian và chủ đề – bạo lực cảnh sát, nhảy múa, hậu quả, hát hò. Tôi tải toàn bộ buổi hòa nhạc lên.

Đó là khối lượng công việc khá lớn mà tôi đã hoàn thành trong thời gian còn lại của đêm hôm ấy. Và đêm tiếp theo. Rồi thêm một đêm nữa.

Hộp thư của tôi tràn ngập lời gợi ý của mọi người. Họ gửi cho tôi hàng đống tài liệu từ điện thoại và camera bỏ túi của họ. Rồi tôi nhận được một e-mail từ một cái tên mà tôi nhận ra – Dr Eeevil (ba chữ e), một trong những chuyên gia bảo trì chính của ParanoidLinux.

> M1k3y

> Tôi đã xem thí nghiệm Xnet của cậu và vô cùng hứng thú. Ở Đức, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về những việc sẽ xảy ra với chính phủ khi họ mất kiểm soát.

> Một điều cậu nên biết là mọi camera đều có một “dẫu nhiễu” 2 độc nhất có thể được sử dụng để sau này liên hệ một bức ảnh với một camera. Điều này có nghĩa là những bức ảnh cậu công bố trên trang của mình rất có thể sẽ được sử dụng để xác định người chụp ảnh, và họ sẽ bị bắt vì một lý do khác.

> Rất may là không khó để loại bỏ những dấu nhiễu này, nếu cậu quan tâm. Có một tiện ích ở đĩa ParanoidLinux mà cậu đang sử dụng có thể làm điều này – nó được gọi là photonomous – ảnh vô danh, và cậu sẽ tìm thấy nó trong /usr/bin. Chỉ cần đọc hướng dẫn sử dụng để tham khảo cho chắc thôi. Đơn giản lắm.

> Chúc cậu may mắn với những việc cậu đang làm. Đừng để bị tóm. Hãy luôn tự do. Luôn điên rồ.

> Dr Eeevil

Tôi xóa dấu nhiễu của tất cả các bức ảnh tôi đã đưa lên mạng rồi đăng lại, kèm theo một bài viết giải thích những gì Dr Eeevil đã nói, cảnh báo mọi người nên làm theo. Chúng tôi đều cài đặt cùng một phần mềm ParanoidXbox cơ bản nên cũng có thể ẩn danh những bức ảnh của mình. Tôi không thể làm gì với những bức ảnh đã được tải xuống và lưu lại trên bộ nhớ mạng, nhưng từ giờ trở đi chúng tôi sẽ khéo léo hơn.

Đó là tất cả những gì mà tôi cho là quan trọng, cho tới khi tôi xuống nhà vào bữa sáng ngày hôm sau, mẹ tôi đang nghe kênh tin tức buổi sáng NPR trên radio.

“Hãng thông tấn xã Ả Rập Al-Jazeera đang đưa những hình ảnh, đoạn video và những bài tường thuật đầu tiên về vụ việc nổi loạn của các thanh thiếu niên hồi cuối tuần trước ở công viên Mission Dolores,” phát thanh viên nói trong khi tôi đang uống một cốc nước cam. Tôi cố gắng để không phun nước cam ra khắp phòng, nhưng quả thực là tôi đã bị sặc một chút.

“Phóng viên của Al-Jazeera khẳng định những bài tường thuật này được công bố trên một thứ gọi là ‘Xnet’, một mạng lưới bí mật do các học sinh và những kẻ đồng tình với Al-Quaeda sử dụng tại khu Vịnh. Lâu nay, người ta vẫn đồn đại về sự tồn tại của mạng lưới này, nhưng ngày hôm nay đã đánh dấu sự lên tiếng chính thức của nó.”

Mẹ tôi lắc đầu. “Đúng là những thứ chúng ta cần,” bà nói. “Cứ như là cảnh sát chưa đủ tệ không bằng. Những đứa trẻ chạy quanh, giả bộ làm du kích và cho cảnh sát một lý do để đàn áp không nương tay.”

“Các weblog của Xnet đã xuất hiện hàng trăm bài tường thuật và tệp tin đa phương tiện từ những thanh thiếu niên có mặt trong cuộc nổi loạn và khẳng định rằng họ đã tụ tập một cách hòa bình cho tới khi cảnh sát tấn công họ. Sau đây là một trong những bài tường thuật.

” ‘Tất cả chúng tôi đều đang nhảy múa. Tôi dẫn cả em trai tôi theo. Các ban nhạc chơi nhạc và chúng tôi nói chuyện về tự do, về cái cách mà chúng tôi đã để mất tự do vào tay những kẻ khốn kiếp luôn miệng nói rằng họ ghét khủng bố nhưng lại tấn công chúng tôi dù chúng tôi không phải quân khủng bố, chúng tôi là người Mỹ. Tôi nghĩ bọn họ ghét tự do, chứ không phải chúng tôi.

” ‘Chúng tôi nhảy múa, các ban nhạc đang chơi, mọi thứ đều vui vẻ và tuyệt vời cho tới khi cảnh sát bắt đầu hét lên bắt chúng tôi giải tán. Chúng tôi gào lên hãy giành lại nó! Tức là hãy giành lại nước Mỹ. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào chúng tôi. Em trai tôi mới chỉ mười hai tuổi. Nó đã phải nghỉ học ba ngày. Hai vị phụ huynh ngốc nghếch của tôi nói rằng đó là lỗi của tôi. Thế còn cảnh sát thì sao? Chúng tôi trả tiền cho họ và họ đáng ra phải bảo vệ chúng tôi chứ không phải là xịt hơi cay vào chúng tôi mà không có lý do chính đáng, tấn công chúng tôi như thể tấn công quân thù.’

“Những bài tường thuật tương tự, bao gồm cả audio và video, có thể được tìm thấy trên trang web của Al-Jazeera và trên Xnet. Các bạn có thể tìm thấy hướng dẫn để truy cập Xnet trên trang chủ của NPR.”

Bố tôi đi xuống.

“Con có sử dụng Xnet không?” ông hỏi. Ông nhìn tôi một cách căng thẳng. Tôi cảm thấy ruột mình quặn lại.

“Nó dùng để chơi điện tử,” tôi đáp. “Phần lớn mọi người sử dụng nó để chơi điện tử. Chỉ là một mạng lưới không dây. Đó là điều mọi người làm với những hộp Xbox miễn phí được phát năm ngoái.”

Ông quắc mắt nhìn tôi. “Trò chơi? Marcus, con không nhận ra điều này, nhưng con đang góp phần che giấu cho những kẻ đang có kế hoạch tấn công và phá hoại đất nước này. Bố không muốn thấy con sử dụng Xnet. Không bao giờ nữa. Bố đã nói rõ chưa?”

Tôi muốn cãi lại. Trời ơi, tôi muốn lắc vai ông. Nhưng tôi không thể. Tôi nhìn sang hướng khác. Tôi nói, “Vâng, thưa bố.” Rồi đi học.

Lúc đầu tôi thở phào khi biết nhà trường không để thầy Benson dạy lớp Nghiên cứu Xã hội của tôi nữa. Nhưng người phụ nữ họ tìm được để thay thế ông ta hóa ra lại là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đời tôi.

Cô ta trẻ, chỉ khoảng 28 hoặc 29, và đẹp theo một cách khỏe mạnh. Tóc cô ta vàng và nói giọng miền Nam khi tự giới thiệu với chúng tôi dưới cái tên Bà Andersen. Và việc này ngay tức khắc phát ra một hồi chuông báo động. Tôi không biết bất kỳ người phụ nữ nào dưới sáu mươi tuổi tự gọi mình là “bà”.

Nhưng tôi bỏ qua chi tiết này. Cô ta trẻ, đẹp và có lối nói chuyện dễ chịu. Có lẽ cô ta sẽ OK thôi.

Nhưng cô ta không OK chút nào.

“Trong những trường hợp nào thì nhà nước liên bang nên chuẩn bị đình chỉ hiệu lực của Luật Nhân quyền?” cô ta hỏi, quay mặt về phía bảng và viết một dãy số, từ một tới mười.

“Không bao giờ,” tôi nói, không chờ được gọi. Câu này quá dễ. “Các quyền trong Hiến pháp là tuyệt đối.”

“Đó không phải là một cách nhìn sắc sảo.” Cô ta nhìn vào sơ đồ chỗ ngồi. “Marcus, ví dụ, nếu một cảnh sát điều khiển một cuộc truy tìm sai quy cách – anh ta vượt quá quyền hạn trong giấy phép của mình. Anh ta đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục rằng một kẻ xấu đã giết bố em. Đó là bằng chứng duy nhất tồn tại. Kẻ xấu đó có nên được tự do không?”

Tôi biết câu trả lời, nhưng không thể giải thích nó rõ ràng. “Vâng,” cuối cùng tôi nói. “Nhưng cảnh sát không nên tiến hành những cuộc tìm kiếm sai quy cách…”

“Sai rồi,” cô ta nói. “Phản ứng thích đáng đối với hành động sai quy cách của cảnh sát là kỷ luật viên cảnh sát đó, chứ không phải trừng phạt cả xã hội chỉ vì sai lầm của một cảnh sát.” Cô ta viết “Phạm tội ác” bên dưới số một trên bảng.

“Còn trường hợp nào khác mà Luật Nhân quyền có thể bị hủy bỏ không?”

Charles giơ tay lên. “Nã đạn vào một buổi hòa nhạc đông người?”

“Tốt lắm…” cô ta tham khảo sơ đồ lớp học – “Charles. Có rất nhiều ví dụ mà trong đó Tu Chính Án thứ nhất không phải là tuyệt đối. Hãy liệt kê thêm những trường hợp khác.”

Charles lại giơ tay một lần nữa. “Đe dọa một sĩ quan cảnh sát đang thi hành công vụ.”

“Đúng thế, vạch trần danh tính của một cảnh sát ngầm hay một sĩ quan tình báo. Rất tốt.” Cô ta viết lên bảng. “Còn gì nữa?”

“An ninh quốc gia,” Charles nói, không chờ được gọi lần nữa. “Phỉ báng. Khiêu dâm. Xâm hại trẻ vị thành niên. Khiêu dâm trẻ em. Công thức chế tạo bom.” Bà Andersen nhanh chóng viết lên bảng, nhưng dừng lại ở khiêu dâm trẻ em. “Khiêu dâm trẻ em chỉ là một dạng của khiêu dâm.”

Tôi cảm thấy phát bệnh. Đây không phải là những thứ tôi đã được học hay đã tin tưởng về đất nước mình. Tôi giơ tay lên.

“Gì thế, Marcus?”

“Em không hiểu điều này. Cô làm như thể Luật Nhân quyền là một sự lựa chọn. Đó là Hiến pháp. Chúng ta phải tuyệt đối tuân theo.”

“Đó là một sự đơn giản hóa quá mức mà chúng ta hay gặp,” cô ta dành cho tôi một nụ cười giả tạo. “Nhưng trên thực tế những người viết ra khung Hiến pháp đã dự tính nó sẽ được sửa đổi theo thời gian. Họ hiểu rằng nền Cộng hòa sẽ không thể tồn tại mãi mãi nếu nhà nước của thời đó không có khả lãnh đạo dựa theo nhu cầu thời đại. Họ không bao giờ muốn Hiến pháp được nhìn nhận như một học thuyết tôn giáo. Sau tất cả, họ muốn nó không phải là một học thuyết tôn giáo.”

Tôi lắc đầu. “Sao ạ? Không. Họ là những thương gia và thợ thủ công trung thành với nhà vua cho tới khi nhà vua ban hành những chính sách đi ngược lại lợi ích của họ và bức ép họ tàn nhẫn. Những kẻ tị nạn tôn giáo đã xuất hiện từ trước đó.”

“Vài người trong số những người thành lập Hiến pháp xuất thân từ thành phần tị nạn tôn giáo,” cô ta nói.

“Và Luật Nhân quyền không phải một thứ mà cô nhặt lên để chọn lựa. Điều mà những người thành lập Hiến phát ghét là sự chuyên chế. Đó là điều mà Luật Nhân quyền chống lại. Họ là một đội quân cách mạng và họ muốn thiết lập một loạt nguyên tắc mà mọi người đều nhất trí. Sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Quyền của con người được chống lại những kẻ áp bức họ.”

“Đúng, đúng,” cô ta xua xua tay với tôi. “Họ tin vào quyền được hạ bệ vua chúa của con người, nhưng…” Charles đang nhe răng cười và khi cô ta nói, nụ cười của nó thậm chí còn lớn hơn.

“Họ đã viết nên Luật Nhân quyền vì họ nghĩ rằng việc có quyền lợi tuyệt đối hay hơn là việc mạo hiểm để ai đó tước nó đi. Như Tu Chính Án thứ nhất: nó được cho là sẽ bảo vệ chúng ta bằng việc ngăn chính phủ tạo nên hai hình thức ngôn luận: ngôn luận được cho phép và ngôn luận bất hợp phát. Họ không muốn đối mặt với rủi ro là một tên khốn nào đó quyết định rằng những thứ hắn thấy không thoải mái là bất hợp pháp.”

Cô ta quay lại và viết, “Sự sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” lên bảng.

“Chúng ta đang đi xa hơn một chút so với bài học, nhưng dường như các em tiếp thu rất nhanh.” Những người khác cười căng thẳng.

“Vai trò của nhà nước là đảm bảo cho công dân quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Theo đúng thứ tự đó. Như một bộ lọc vậy. Nếu nhà nước muốn làm gì đó khiến chúng ta hơi không vui một chút, hoặc lấy một chút tự do của chúng ta, cũng không sao, họ làm thế để bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Vì thế cảnh sát có thể nhốt các em lại nếu họ nghĩ rằng các em là một mối nguy với bản thân hay những người khác. Các em mất tự do và hạnh phúc để bảo vệ cuộc sống. Nếu các em được sống, các em có thể đạt được tự do và hạnh phúc.”

Vài đứa giơ tay lên. “Như thế không có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, nếu họ nói việc này để ngăn chặn ai đó sẽ làm hại chúng ta trong tương lai chứ ạ?”

“Đúng,” một đứa khác nói. “Điều này nghe như thể ý cô là an ninh quốc gia quan trọng hơn Hiến pháp.” Tôi thật tự hào vì đám bạn đồng môn của mình.

Tôi nói, “Làm sao cô có thể bảo vệ tự do bằng việc hủy bỏ hiệu lực của Luật Nhân quyền?”

Cô ta lắc đầu với chúng tôi như thể chúng tôi là một đám chậm tiêu. “Những bậc tiền bối ‘cách mạng’ viết ra Hiến pháp đã bắn chết những kẻ phản bội và gián điệp. Họ không tin vào sự tự do tuyệt đối, không tin khi mà nó đe dọa tới nền Cộng hòa. Giờ nếu các em xem xét những thành viên Xnet đó…”

Tôi rất cố gắng để không cứng đờ người ra.

“…những kẻ được gọi là thành phần quấy rối trên bản tin sáng nay. Sau khi thành phố này bị tấn công bởi những kẻ đã tuyên bố chiến tranh với đất nước, thành viên Xnet đã bắt đầu phá hoại các biện pháp an ninh được lập ra để bắt kẻ xấu và ngăn không cho chúng lặp lại tội ác. Họ làm điều này bằng cách đe dọa và gây ra sự bất tiện cho các cư dân sống cùng thành phố với họ.”

“Họ làm thế để chứng minh rằng quyền lợi của chúng ta đang bị cướp đi nhân danh việc bảo vệ!” tôi nói. OK, tôi đã hét. Chúa ơi, cô ta khiến tôi tức xì khói. “Họ làm việc này bởi vì chính phủ đã đối xử với mọi người như thể ai cũng là những kẻ khủng bố bị tình nghi.”

“Vậy là chúng muốn chứng minh rằng chúng không nên bị đối xử như những kẻ khủng bố,” Charles quát lại, “nên chúng hành động như những kẻ khủng bố phải không? Chúng muốn khủng bố phải không?”

Tôi tức sôi lên.

“Ôi vì Chúa. Khủng bố? Họ chỉ muốn chứng minh rằng sự giám sát toàn diện còn nguy hiểm hơn khủng bố. Hãy nhìn những gì đã xảy ra trong công viên cuối tuần trước. Những con người này đang nhảy múa và nghe nhạc. Làm sao việc này có thể là khủng bố được?”

Cô giáo đi ngang phòng học và dừng ở bàn tôi, đứng lù lù trước mắt tôi cho tới khi tôi im mồm. “Marcus, dường như em đang nghĩ rằng không có gì thay đổi trên đất nước này. Em cần phải hiểu rằng vụ đánh bom ở Cầu Vịnh đã thay đổi mọi thứ. Hàng nghìn bạn bè, họ hàng của chúng ta đã nằm chết ở đáy Vịnh. Đây là lúc cả nước phải đồng tâm hiệp lực để đối mặt với hành vi lăng mạ bằng bạo lực mà đất nước ta đã phải trải qua…”

Tôi đứng lên. Tôi đã nghe đủ những thứ rác rưởi kiểu “mọi thứ đã thay đổi” rồi. “Cả nước đồng tâm hiệp lực? Điều tạo nên nước Mỹ là chúng ta là một quốc gia nơi những người bất đồng quan điểm được chào đón. Chúng ta là đất nước của những người bất đồng quan điểm, những chiến binh, những người bỏ ngang đại học và những người được tự do ngôn luận.” Tôi nghĩ về bài học cuối cùng của cô Galvez và

hàng nghìn sinh viên Berkeley vây quanh xe cảnh sát khi cảnh sát muốn bắt giữ anh chàng đã phân phát tài liệu về dân quyền. Không một ai cố gắng dừng mấy chiếc xe tải đó lại khi chúng chở những người nhảy múa trong công viên đi. Tôi đã không cố gắng. Tôi đã bỏ chạy.

Có lẽ mọi thứ đã thay đổi.

“Cô tin em biết văn phòng thầy Benson ở đâu,” cô ta nói với tôi. “Em đi đến gặp thầy ấy ngay lập tức. Cô sẽ không để lớp học của mình bị ngắt quãng bởi những hành vi thiếu tôn trọng. Còn ai tự nhận mình yêu tự do ngôn luận, các em hẳn là sẵn sàng quát vào mặt bất cứ ai bất đồng quan điểm với mình.”

Tôi cầm SchoolBook và túi lên rồi lao ra ngoài. Cửa ra vào tự đóng bằng lớp khí nén nên tôi không thể đóng sầm cửa lại, chứ không tôi đã làm như vậy rồi.

Tôi phóng nhanh tới văn phòng thầy Benson. Các camera ghi lại hình tôi đang đi. Dáng đi của tôi được thu lại. Thẻ RFID trong thẻ học sinh của tôi phát thông tin nhận dạng tôi cho những bộ cảm ứng trong hành lang. Cứ như trong tù vậy.

“Đóng cửa lại, Marcus,” thầy Benson nói. Ông ta xoay màn hình lại để tôi có thể thấy đoạn video từ lớp học môn Nghiên cứu Xã hội. Ông ta đã theo dõi.

“Trò có gì để biện hộ cho bản thân không?”

“Đó không phải là dạy học, đó là tuyên truyền. Cô ấy nói với chúng em rằng Hiến pháp không quan trọng!”

“Không phải, cô ấy nói đó không phải học thuyết tôn giáo. Và em đã tấn công cô ấy như thể một kẻ theo trào lưu chính thống, chứng minh rõ điều cô nói. Marcus, hơn ai hết, trò nên hiểu rằng mọi việc đã thay đổi khi cây cầu bị nổ tung. Bạn của trò, Darryl…”

“Thầy đừng nói bất cứ cái gì về cậu ấy,” tôi nói, cơn giận sôi lên sùng sục. “Thầy không được nói về cậu ấy. Vâng, em hiểu rằng giờ mọi thứ đã khác. Chúng ta đã từng là một đất nước tự do. Giờ thì không.”

“Marcus, trò có biết ‘quyết không dung thứ’ nghĩa là gì không?”

Tôi lùi lại. Họ có thể đuổi tôi khỏi trường vì “hành vi hăm dọa”. Nó dành để chống lại những băng nhóm thanh thiếu niên khi chúng đe dọa thầy cô. Nhưng tất nhiên ông ta sẽ không mảy may ân hận khi áp dụng nó với tôi.

“Có,” tôi nói. “Em biết nó là gì.”

“Tôi nghĩ trò nợ tôi một lời xin lỗi,” ông ta nói.

Tôi nhìn ông ta. Ông ta hầu như không thể kìm nén được một nụ cười độc ác. Một phần trong tôi muốn phủ phục. Muốn tôi cầu xin ông ta tha thứ bất chấp tất cả sự xấu hổ của mình. Tôi cố dìm phần này xuống và thà bị tống cổ khỏi trường còn hơn là xin lỗi.

“Các chính phủ đều bắt nguồn từ nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, nên bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.” Tôi nhớ rõ từng từ một.

Ông ta lắc đầu. “Nhớ một việc không có nghĩa là hiểu một việc đó, con trai.” Ông ta cúi xuống máy tính và nhấp chuột. Máy in kêu vo vo. Ông ta đưa cho tôi một tờ giấy còn ấm có tiêu đề của Bộ thông báo rằng tôi bị đình chỉ hai tuần.

“Giờ tôi sẽ gửi e-mail cho bố mẹ của trò. Nếu trò vẫn ở trong khuôn viên của trường sau ba mươi phút nữa, trò sẽ bị bắt vì tội xâm nhập.”

Tôi nhìn ông ta.

“Trò không muốn tuyên chiến với tôi trong ngôi trường của tôi đâu,” ông ta nói. “Trò không thể chiến thắng đâu. ĐI ĐI!”

Tôi bỏ đi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN