Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh
Quyển 3 - Chương 7: Vạn hộ hầu Shalu
“Thể chất yếu ớt nhưng mưu trí, tài giỏi,
Kẻ địch dẫu mạnh cũng chẳng đáng ngại;
Mãnh hổ dù là chúa tể rừng xanh,
Vẫn bị thỏ con khiến cho mất mạng.”
(Cách ngôn Sakya)
Rời La-ta, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía tây, vượt đèo Kampala khi mùa xuân vừa tới, bắt đầu từ đây, đường đi dễ chịu hơn rất nhiều. Ngay sau đó, chúng tôi được mãn nhãn bởi bữa tiệc phong cảnh thịnh soạn, khi khung cảnh đẹp nhất của chặng đường hồi hương gian nan hiện ra trước mắt. Đó là cảnh đẹp diễm lệ của hồ thiêng Yamdrok-tso, một trong ba hồ nước thiêng lớn nhất ở đất Tạng. Chúng tôi có mấy chục ngày đêm di chuyển trên con đường nhỏ, uốn lượn mải miết ven hồ thiêng. Nước hồ lấp lánh muốn sắc, in bóng những ngọn núi tuyết thánh khiết, sừng sững, chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh, những lối rẽ quanh co, khúc khuỷu, hệt những chuỗi san hô bồng bềnh dưới lòng đại dương xanh bát ngát. Ngày nào tôi cũng ôm lấy cửa sổ xe ngựa, dán mắt vào khung cảnh như mơ ấy, vậy mà vẫn không thấy thỏa mãn. Thế là, chiều ý tôi, một buổi tối nọ, dưới bầu trời ngàn sao lấp lánh, Kháp Na ôm tôi trên tay, một mình lẳng lặng đến bên hồ nước thiêng. Cậu ấy muốn tôi được chiêm ngưỡng bầu trời thăm thẳm, yên bình trong đêm thanh tịnh.
– Xong chưa?
Kháp Na ngồi xoay lưng lại, hướng mắt ra phía hồ nước, vẻ sốt ruột.
– Xong rồi.
Tôi hóa phép thành người, cột tóc lại bằng sợi dây màu lam, thướt tha bước ra. Tôi lại biến ra một ngọn lửa trong lòng bàn tay để soi sáng cảnh vật xung quanh. Nơi đây cách lán trại của đoàn chúng tôi chừng một dặm, đủ ăn toàn để không phải lo có ai đó bắt gặp.
Kháp Na quay lại. Thấy tôi mỉm cười dịu dàng dưới ánh lửa bập bùng, cậu ấy sững sờ, ánh mắt ngẩn ngơ. Tôi tươi cười bước lại gần, trỏ tay lên bầu trời với muôn ngàn vì sao lấp lánh:
– Người Tạng có lời ca rằng: “Trên trời có cảnh tiên – Dưới đất có hồ thiêng – Trên trời có ngàn sao – Ven hồ có đàn dê.” Cậu nhìn xem, bầu trời đêm lung linh, huyền ảo thế này, hồ nước mỹ lệ, kỳ ảo thế này, tiên cảnh là đây chứ đâu.
Ngày mai thôi, tôi sẽ rời hồ Yamdrok-tso để đến Nagarze, nghĩ vậy, lòng chợt mênh mang nỗi tiếc nuối:
– Hồ nước thiêng tuyệt đẹp thế này, ai mà không muốn lưu lại thêm vài ngày để ngắm nhìn cảnh tiên giữa chốn nhân gian kia chứ!
Kháp Na hướng ánh nhìn về phía mặt hồ yên ả, lăn tăn gợn sóng dưới bầu trời đêm lấp lánh:
– Nếu em thích, sau này ta sẽ đưa em quay lại đây ngắm cảnh. Vì chuyến trở về này có nhiều việc hệ trọng, chúng ta không thể chậm trễ.
– Tôi hiểu mà.
Tôi bước ra mép hồ, vốc một vốc nước, nước lạnh buốt khiến tôi rùng mình. Tôi than thở:
– Không biết khi nào mới có dịp quay lại!
– Chắc chắn sẽ có mà!
Cậu ấy chầm chậm đến bên tôi, nhìn tôi chăm chú, ngập ngừng như thể muốn nói điều gì, vẻ mặt rất khó hiểu.
– Kháp Na, sao thế?
Tôi nhìn theo ánh mắt trốn tránh của cậu ấy, thấy rằng đã đến lúc phải giãy bày mọi chuyện:
– Tôi nhận ra, suốt mười tháng trên chặng đường từ Đại Đô đến đây, cậu thường nhìn tôi rất chăm chú, vẻ mặt rất phức tạp. Tôi không hiểu nổi, nhưng tôi có cảm giác hình như cậu muốn nói với tôi điều gì đó.
Cậu ấy có chút bối rối, vội quay mặt đi. Tôi xoay gương mặt cậu ấy lại, nhìn thẳng vào mắt cậu ấy:
– Kháp Na, vậy mà tôi vẫn tin rằng giữa hai chúng ta không có gì là bí mật cả.
Cậu ấy chừng như đang phải tranh đấu quyết liệt, lời nói chực cất lên lại bị kìm lại. Cuối cùng, cậu ấy lấy hết can đảm để hỏi khẽ:
– Tiểu Lam à, ta… ta muốn hỏi em… Nếu ta làm chuyện gì không phải với em, em có… em có tha thứ cho ta không, có bỏ mặc ta không?
Tôi giật mình, phản ứng đầu tiên của tôi là lắc đầu:
– Sao cậu có thể làm chuyện gì không phải với tôi được? Không bao giờ có chuyện đó!
Khóe môi run run, bàn tay lạnh buốt của Kháp Na nắm chặt tay tôi:
– Tiểu Lam à, ta… ta…
Tôi băn khoăn:
– Lẽ nào cậu đã làm chuyện gì…?
Cậu ấy sững sờ giây lát rồi lắc đầu:
– Ta… Ý ta là… “giả như”.
– Kháp Na, dù cậu có làm chuyện gì, tôi cũng sẽ tha thứ cho cậu. – Tôi đặt bàn tay lạnh băng của Kháp Na vào lòng bàn tay mình, khẽ nói. – Bởi vì cậu là người thân của tôi, cậu và Lâu Cát là những người quan trọng nhất đối với tôi!
Cậu ấy khẽ rùng mình, ngẩng lên nhìn tôi, cặp mắt sáng long lanh hơn cả vì sao trên bầu trời đêm. Làn gió nhẹ thổi tới, nước hồ ì oạp vỗ bờ, những âm thanh tưởng chừng nhỏ bé mà sống động trong đêm thanh vắng. Kháp Na chừng như rất xúc động, cắn chặt môi hồi lâu rồi gật đầu:
– Tiểu Lam, em yên tâm, ta đã hứa với em thì sẽ không nuốt lời. Ta nhất định sẽ giúp em thỏa nguyện.
Cậu ấy nắm tay tôi chặt đến mức khiến tôi thấy đau mà chẳng hề hay biết. Tôi định mở lời nhưng sững sờ khi nhìn thấy ánh mắt của cậu ấy. Ánh mắt đó có sự quyết liệt, đau thương và cả dằn vặt. Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi, không ngủ được khi nhớ lại ánh mắt của cậu ấy. Tôi không hiểu được vì sao cậu ấy lại dằn vặt. Rốt cuộc, cậu ấy đã làm gì?
Tạm biệt hồ thiêng Yamdrok-tso, chúng tôi dừng chân tại Nagarze một ngày ngắn ngủi rồi lập tức lên đường, tiến về vùng Hậu Tạng. Địa điểm phân chia ranh giới giữa vùng Tiền Tạng và Hậu Tạng là Shigatse, nơi đây vốn là một dải đất được bồi tụ bởi dòng sông Nyang Chu, nằm trên con đường huyết mạch nối giữa Tiền Tạng và Hậu Tạng. Đi tiếp chưa đầy hai trăm dặm về phía tây, sẽ tới một nơi được mệnh danh là “trang viên màu mỡ nhất”: Samdruptse. Nơi đây ngày sau trở thành thanh phố lớn thứ hai ở Tây Tạng: Shigatse. Nhưng vào thời điểm này, Samdruptse vẫn chỉ là một làng bản nhỏ, lệ thuộc vào vạn hộ hầu Shalu ở cách đó chừng bốn mươi dặm.
Vạn hộ hầu Shalu vốn là danh gia vọng tộc bậc nhất ở vùng Hậu Tạng, huyết thống cao quý không ai sánh bằng. Hai trăm năm trước, vị vua cuối cùng của vương triều Tufan là Langdarma hạ lệnh tiêu diệt đạo Phật, bị tăng nhân sát hại. Hai bà phi của ngài tìm cách đưa con trai mình lên ngôi, không ngần ngại chia phe cánh tàn sát lẫn nhau, dẫn tới vương triều diệt vong. Nhưng huyết thống của Songtsan Gampo vẫn được lưu truyền đến hậu thế. Tuy hai con trai của vua Langdarma đã chết trong cuộc nội chiến nhưng cháu nội của ông ta vẫn tiếp tục duy trì huyết thống của dòng tộc. Một trong số hai người con trai của người cháu này đã trở thành quốc vương của vương quốc Guge lừng danh. Người còn lại chính là tổ tiên của Vạn hộ hầu Shalu.
Tuy vương triều Tufan đã sụp đổ nhưng con cháu của bậc tán phổ vẫn được nể trọng hết mực. Vào thời Bắc Tống, gia tộc này có một tăng nhân tên gọi Gendun Drup, ông đã cho xây dựng ngôi đền Shalu trên mảnh đất Chundui ở phía đông nam Samdruptse. Kể từ đó, gia tộc này tự xưng mình thuộc dòng họ Shalu. Bởi vậy, trước khi người Mông Cổ xuất hiện ở đất Tạng thì gia tộc này đã nhiều đời là vạn hộ hầu và là gia tộc lớn nhất vùng Hậu Tạng.
Lúc này, người đứng đầu Shalu là Jichoi. Bát Tư Ba vừa tới La-ta, ông ta đã cử người đền chào mừng, thăm hỏi. Shalu cách Sakya chừng hai trăm dặm, để đến được Sakya tất phải ngang qua nơi này. Vạn hộ hầu Shalu đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ, chỉ chờ Bát Tư Ba ghé thăm. So với vùng Tiền Tạng thì Hậu Tạng là vùng địa hình núi cao, dốc đứng, dân cư thưa thớt, đất đai cằn cỗi, chỉ có khu vực từ Gyantse đến Samdruptse là lũng sông bằng phẳng, rộng lớn. Phần lớn của cải của vùng Hậu Tạng đều rơi vào khu vực này. Vạn hộ hầu Shalu chính là chủ nhân kho của ấy.
Vừa đặt chân đến vùng lũng sông bằng phẳng ấy, Bát Tư Ba bồi hồi xúc động khi ngắm những cánh đồng thanh khoa xanh tốt, bát ngát dưới nắng xuân rực rỡ. Chàng nói với em trai:
– Nơi đây quả là miền đất hứa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, giao thông thuận tiện.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!