Ma Thổi Đèn - Quyển 8 - Chương 34: Yêu thuật
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
49


Ma Thổi Đèn


Quyển 8 - Chương 34: Yêu thuật


Kết cấu của mộ cổ các triều đại đều không tròn thì vuông, theo trời thì tròn, theo đất thì vuông, vì vậy vị trí mộ đạo hay mộ thất đều phải hợp theo tứ phương bát môn. Thuật trộm mộ cổ cổ bốn phép “vọng, văn, vấn, thiết”, trong đó phép chữ “vấn” là dùng thuật bói toán, thắp nến trong mộ chính là một phép chiêm đoán đơn giản và nguyên thủy nhất.

Thắp nến ở góc Đông Nam, cũng ngầm hợp với lẽ suy diễn Bát môn hung cát(24). Cây nến bị khí âm tà đè nén, ánh sáng yếu ớt ảm đạm, tuy không tắt lụi, nhưng ngọn lửa xanh lét như ma trơi, báo hiệu ‘Kinh môn có biến’, nguy hiểm to lớn sắp sửa ập đến.

Nhìn ngọn lửa kỳ dị ấy, tôi biết ngay có chuyện không lành, dù là “ma thổi đèn” hay “ma áp đèn”, tốt nhất cứ mặc xác tất thảy, chạy thẳng ra ngoài.

Nhưng tôi nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy từ lúc vào trong mộ cổ Ô Dương vương này, quả thực đã xảy ra quá nhiều sự việc ly kỳ cổ quái, tựa như có một âm mưu vô cùng hiểm ác đang rình rập quanh đây. Nghĩ đoạn, tôi liền gạt bỏ ý định chạy trốn phù một tiếng thổi tắt luôn ngọn nến, rồi quay đầu nhìn giáo sư Tôn chỉ thấy ông ta cách tôi chừng năm sáu mét, đang ngồi xổm ngẩn ra nhìn những cỗ quan tài nhỏ kia, cả thân hình hầu như đều ẩn trong bóng tối. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt thấy lông tóc toàn thân dựng đứng cả lên, lờ mờ có cảm giác dường như mình không hề quen biết vị “Tôn Cửu gia” này, lẽ nào lão ta thật sự là một bóng ma mượn xác hoàn hồn hay sao ?

Sự việc Đỗ tiên chỉ mê trong Nam Đẩu mộ thất lúc trước thực quá đỗi ly kỳ quái dị, tôi vẫn luôn ngờ vực trong những bức bích họa bóc ra từ mộ cổ đời Đường kia có vật chướng nhãn, dưới tác dụng của những vật liệu cháy như mê hương, sẽ khiến người ta nảy sinh ảo giác, nghe thấy âm thanh gì đó. Giai đoạn từ thời Đường đến thời Ngũ Đại xuất hiện rất nhiều kỳ nhân dị thuật, tương truyền trong những phép chướng nhãn, nhiếp hồn có một môn gọi là Thắp đèn nhiếp hồn, người hiện đại khó lòng mà tưởng tượng nổi. Nghĩ tới đây, tôi chợt thấy chi bằng cứ mạnh dạn bỏ hẳn dùng nến, còn hơn là đốt nến khai quan theo cách truyền thống.

Lúc này, giáo sư Tôn thấy tôi vẫn trù trừ không hành động, liền thúc giục: “Hồ Bát Nhất, cậu sao vậy? Thắp nến không được thì thôi, đừng trách tôi lắm lời, nhưng hơn vạn cỗ quan tài ở đây chỉ có một cỗ là thật, xác suất là một phần vạn, những cỗ khác chắc hẳn đều giấu cơ quan mai phục, hễ mở sai sẽ dẫn tới kết cục ngọc đá đều nát, cậu chớ có nôn nóng làm bừa đấy nhé.”

Tới đây, lão ta thoáng ngập ngừng, rồi lại tiếp lời: “Lúc ở trước cửa mộ cậu có vẻ chắc chắn lắm, khi ấy tôi không truy hỏi cậu xem phá giải ‘Quan Sơn chỉ mê phú’ thế nào, vì tôi biết cậu vẫn luôn nghi ngờ tôi, chưa đến lúc mở quan tài, cậu tuyệt đối không chịu tiết lộ bí mật, nhưng giờ chúng ta đã đến tận đây rồi, nói như cậu thì cả bọn đều đứng chung một con thuyền, nên cậu phải giải thích cho tôi đi, tôi muốn giúp cậu đánh giá tính khả thi của kế hoạch trước đã.”

Tôi cân nhắc, thấy Tôn Cửu gia nói cũng có lý, nhưng vẫn không giải thích suy nghĩ của mình ngay, mà hỏi: “Những cỗ quan tài đá nhỏ cổ xưa này hình dáng thật quái dị, trông có vẻ hết sức thần bí, tôi chưa từng thấy bao giờ, Cửu gia là chuyên gia ngành khảo cổ, có biết lai lịch của chúng không?”

Giáo sư Tôn đáp: “Nói thực tôi cũng chưa bao giờ nhìn tận mắt, nhưng hồi trước khi tôi ở Trùng Khánh sắp xếp thu thập tài liệu, từng đọc được một văn bản trong kho chứa hồ sơ…”

“Trong đó có nhắc đến, những năm cuối thời Thanh, có một đám người Tây ở mạn Ba Thục ra sức thu vét lừa gạt cổ vật của Trung Quốc chúng ta, chậm chí còn có cả một số đồ ngọc và đồ đồng thời thượng cổ, kết quả bị quan phủ phát hiện, nhưng nha môn đề đốc thời bấy giờ cũng không dám đắc tội với người Tây, bèn tìm cớ thả ngưòi ra, chỉ giữ lại một số lượng lớn các văn vật.

“Vị quan đương nhiệm bấy giờ lại là người bác cổ, ông ta thấy những văn vật kia hình dạng cổ quái, không giống vật bình thường trong dân gian, bèn truy tra cẩn thận, tìm đến những sơn dân đã dẫn đám người Tây kia đi đào báu vật, bắt cả bọn đến nha môn giam lại, sau khi dùng nghiêm hình tra khảo, mới biết những sơn dân ấy tìm được đống văn vật kia ở trong núi sâu, nơi đó có lẽ là một ngôi mộ cổ. Sau khi chui vào một sơn động trên vách đá dựng đứng, họ liền trông thấy bên trong có mấy vạn cỗ quan tài nhỏ, trong ruột rỗng không, mở mấy cỗ ra chỉ thấy vết máu đen ngòm, những quan tài khác họ cũng không đụng tới, chỉ lấy các món kỳ trân dị bảo bày trí trong hang động đó ra ngoài.”

“Sau này vị quan kia lại đích thân đến hiện trường khảo sát một phen, thấy số lượng quan tài nhỏ trong núi sâu nhiều không đếm xuể, nắp quan tài đều khắc hình nhật nguyệt tinh tú và các quẻ phù, cũng không biết là cổ vật từ triều đại nào. Ông ta lo trong quan tài có phong ấn yêu vật bất tường nào đó, nếu hủy hoại sẽ chuốc lấy tai họa, bèn hạ lệnh bịt kín hang động ấy lại.”

“Nhiều năm sau, ông ta mới hỏi thăm được, vùng Ba Thục thời xưa bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, nơi này rất thịnh hành các phép phù thủy, di sản văn hóa để lại hết sức thần bí. Văn hóa nơi này chịu ảnh hưởng của các triều Hạ, Thương, Chu ở Trung Nguyên, hết sức xem trọng những việc xem sao, coi tướng, phong thủy, bói toán, bao đời nay vẫn luôn tin ở trong mạch núi Vu Sơn có chôn một vị thiên thần.”

“Theo phong tục miền Vu Sơn, người sau khi chết đều phải lấy một món nội tạng ra, bao gồm tim, gan, thận, phổi, lá lách… thậm chí cả nhãn cầu, và đầu lưỡi, tùy theo địa vị của người chết mà cơ quan cắt ra cũng khác nhau. Thứ này sẽ được bỏ vào một quan tài đá nhỏ, chôn trong hang núi để cung phụng thần linh.”

“Vùng Ba Thục cổ có rất nhiều nơi lấy Quan Tài làm tên, truy nguồn gốc, đương nhiên đều xuất phát từ phong tục thần bí lưu truyền từ thời cổ đại kia. Những hang núi chôn loại quan tài nhỏ này hẳn có rất nhiều, tuy rằng từ sau Giải phóng vẫn chưa khai quật được người thực việc thực, nhưng chúng xuất hiện gần mộ cổ Ô Dương vương cũng không có gì là lạ, chắc chắn là Quan Sơn thải bảo đào được, rồi lại dày công bố trí, giấu bản đồ thôn Địa Tiên vào trong. Cửa ải khó khăn nhất ẩn tàng trong’Quan Sơn chi mê phú’, hẳn chính là đây.”

Tôi nghe xong, liền gật gật đầu, nếu lai lịch những cỗ quan tài này đúng như những gì giáo sư Tôn vừa kể, thì chứng cỏ những gì tôi suy đoán lúc trước tuyệt đối không thể sai, những câu Sinh môn tương liên, Một đầu một đuôi; Hai vạn bốn nghìn, Bách đơn hữu thất, hẳn là ứng với nơi này. Nhưng nếu trong quan tài có bản đồ thật, thì cũng không phải một trong số này, dựa theo mấy câu trên mà suy đoán, ít nhất phải mở hai cỗ quan tài mới lấy được.

Những ký hiệu khắc trên hơn vạn cỗ quan tài nhỏ này không cái nào giống cái nào, nhưng tôi dám quả quyết rằng, đầu mối được nhắc đến trong “Quan Sơn chỉ mê phú”, hai trăm phần trăm là đến từ chu Dịch. Vì trước thời Thanh, sách Chu Dịch từ đầu chí cuối tổng cộng đúng hai vạn bốn nghìn một trăm lẻ bảy chữ, không nhiều không ít hơn một chữ nào. Từ sau thời nhà Thanh đến nay, số chữ trong phiên bản được lưu truyền rộng rãi lại nhiều hơn một chút, không còn là con số hai vạn bốn nghìn một trăm lẻ bảy nữa.

Chuyện này ngay những chuyên gia quanh năm nghiên cứu Chu Dịch cũng không biết, chuyên gia văn tự cổ như Tôn Cửu gia, cả đời chỉ cắm mặt vào quẻ đồ long cốt, tất nhiên không lưu ý đến chi tiết này, duy chỉ có Mô Kim hiệu úy chuyên dùng bí thuật phong thủy đổ đấu đào mồ, sở trường là hai môn kỳ thuật có xưa, một là Tầm long quyết lấy Hà đồ Lạc thư làm căn bản, hai là thuật Phân kim định huyệt dựa theo nguyên lý Chu Dịch, muốn hiểu được Phân kim định huyệt là gì, phải qua được cữa ải Chu Dịch này.

Khẩu quyết của phép Phân kim định huyệt giống như một loại mật mã hỗn hợp đủ mọi thông tin, tầng sâu nhất toàn là dịch lý, mỗi phương vị, tọa độ trong phép Phân kim định huyệt đều được biểu đạt bằng văn tự trong Chu Dịch.

Nếu trình bày phép Phân kim định huyệt này trên một bản vẽ, thì có thể chia thành bát quái bát phương, các hào các quẻ đều phân làm tám cửa, mỗi chữ đều là một ký hiệu đặc biệt trên bản vẽ ấy; lại có thể sắp xếp theo ngũ hành, vì từ thời Tống, thuật phong thủy bắt đầu chú trọng lý thuyết Ngũ hành, vậy nên mới có thuyết Ngũ tính âm lợi, tức là đem âm đọc của họ, dựa theo năm âm “cung, thương, chủy, giác, huyền” để quy vào ngũ hành “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”.

Vì vậy, trong bí thuật phong thủy âm dương, dù suy diễn huyệt vị phong thủy thế nào đi nữa, chẳng qua cũng chỉ là đem Chu Dịch đảo qua đảo lại mà thôi, thậm chí số chữ của mỗi thiên trong sách cũng có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt trong thuật số, huyền cơ bên trong thần diệu vô cùng, huống hồ đây mới chỉ là bát quái, nếu như thật sự có đủ mười sáu quẻ Chu Thiên, e rằng có thể “xét hết sự biến trong trời đất”.

Mặc dù tôi không dám nói đã nghiên cứu Thập lục tự m dương Phong thủy bí thuật và Chu Dịch đến mức thấu triệt, nhưng nếu hỏi sắp xếp theo bát môn thì quẻ nào hào nào ở cửa nào, mà suy diễn theo ngũ hành thì quẻ nào, hào nào, mỗi quẻ mỗi hào lại có bao nhiêu chữ, giờ tôi có nằm mơ cũng thuận miệng đáp ra được. Cộng hết số chữ của các thiên Bát quái trong Chu Dịch lại, vừa khéo là “hai vạn bốn nghìn một trăm lẻ bảy” chữ, chỉ cần tìm ra hai chữ đâu cuối trong Chu Dịch, mở ra hai cỗ quan tài tương ứng, chắc chắn sẽ lẫy được bản đồ mà không kích hoạt cơ quan Vũ Hầu Tàng Binh đồ,

Giáo sư Tôn nghe xong liền ngây ra tại chỗ, nét mặt đờ đẫn hoang mang, hồi lâu vẫn không nói được lời nào. Tuyền béo đứng bên cạnh sốt ruột hỏi tôi: “Nhất này, cậu tán cho Tôn Cửu gia đơ cả người rồi kìa, có lẽ nhất thời cũng không định thần lại được đâu, hai chúng ta đừng do dự nữa, ra tay trước đi thôi.”

Tôi gật đầu đồng ý, chỉ thấy quan tài đá xếp chồng chất lên nhau tầng tầng lớp lớp, thoạt nhìn tưởng là loạn xà ngầu, khó mà tìm được hai cỗ quan tài nhỏ trong đó, nhưng bố cục của đống quan tài này thực ra lại ngầm hợp với quy luật ngũ hành, tôi đảo mắt một vòng đã có thể loại trừ được bốn phần năm rồi. Sau khi xác định mục tiêu, tôi và Tuyền béo liền bắt tay vào việc.

Tôn Cửu gia thấy chúng tôi đã động tay, vội chạy đến quan sát, đồng thời không ngừng càm ràm dặn dò chúng tôi phải cẩn thận. Tôi và Tuyền béo nhổ đinh trên nắp quan tài đá, mở ra xem thử, thấy bên trong không hề có giấy tờ gì, mà mỗi cỗ chỉ có một nửa mảnh sứ màu vuông vắn, được chế tạo rất tinh xảo, ghép lại thành một tấm bình phong to cỡ cuốn sách.

Trên mảnh sứ vẽ một thôn trang trông như nơi thế ngoại đào viên, nhà cửa phòng ốc hết sức rõ ràng, ẩn náu trong một khe suối thâm u tịch mịch, núi sông bên dưới có rất nhiều chim thú kỳ lạ, ngoài ra còn đề một bài từ “Thủy điệu ca đầu” cổ, hàm ý sâu xa, cơ hồ chỉ ra đường vào núi, chúng tôi đang ở nơi hiểm cảnh, nhất thời cũng không kịp phân tích kỹ.

Tôi cười hắc hắc, thủ đoạn của địa tiên chẳng qua cũng chỉ lá vậy, gặp phải đám Mô Kim hiệu úy quả là vận rủi của tên địa chủ nhà lão, nhưng vừa ngẩng đầu lên, liền thấy Tuyền béo và giáo sư Tôn đang trố mắt nhìn tôi chằm chằm, sắc mặt cực kỳ quái dị.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Nhìn cái gì?” Bỗng thấy Tuyền béo rút xẻng công binh ra đánh “soạt” một tiếng, hướng về phía tôi kêu lên: “Đằng sau cậu kìa…”

Lúc này. chợt cảm tháy một luồng âm phong ập đến, tôi biết sau lưng mình có biến, vội ôm chặt hai mảnh sứ. lăn tròn dưới đất mộc vòng, đồng thời cầm chắc Nga Mi thích trong tay, bấy giờ mới ngước mắt lên nhìn, nhưng chỗ tôi vừa đứng lúc nãy lại trống huếch, không có gì cả.

Cảm giác lạnh lẽo ấy lại từ phía sau truyền đến, giờ tôi mới biết thứ đó ở ngay trên lưng mình, liền ngoảnh đầu nhìn lại, lập tức trông tháy người đàn bà quyền quý thời Đưòng đóng vai Đỗ tiên kia đang bám chịt vào lưng mình, bộ mặt núng nính trát phấn dày cộp trắng đến rợn người, ngũ quan kỳ dị tựa như gắn lên một tám ván thịt trắng phớ, mắt vừa nhỏ vừa dài, cái miệng anh đào đỏ lòm máu hoàn toàn không cân đối với cả gương mặt to như cái thớt.

Tôi vừa mặt đối mặt với mụ kia, xém chút đã bị dọa cho khiếp vía, kinh hãi tột cùng. Chủ yếu là vì không chuẩn bị tâm lý đầy đủ, lúc trước ở trong mộ thất, tôi từng nghi ngờ giáo sư Tôn giở trò, nhưng lần này cùng đi tìm bản đồ, tôi vẫn luôn theo sát lão ta như hình với bóng, lại có ý không thắp nến hòng không cho lão ta cơ hội giở mấy trò ảo thuật mê hồn, nào ngờ con mụ Đỗ tiên như quỷ mị lại đột nhiên hiện thân trong mộ đạo này, xem chừng, đây không phải ảo thuật rồi.

Tôi biết là không ổn, dù có di chuyển thế nào, quay qua quay lại cũng không thể thoát khỏi mụ Đỗ tiên ở sau lưng, chỉ nghe tiếng Quỷ âm trong bụng mụ ta vang lên thê thiết như nghìn vạn con quỷ đang gào khóc, từng đợt từng đợt âm thanh khoan xoáy vào tai, khiến đầu tóc tôi dựng ngược hết cả lên, cũng may, cái khó ló cái khôn, tôi liền nằm ngã ngửa ra đất, vậy là khỏi phải gánh mối nguy sau lưng nữa.

Chẳng ngờ mụ Đỗ tiên lại chìm luôn vào trong đất, chỉ lộ đầu ra ngoài, há miệng thè cái lưỡi dài hơn một mét ra, tôi vội gắng sức nghiêng đầu né tránh, khó khăn lắm mới không bị cái lưỡi đỏ như máu ấy cuốn phải, thầm nhủ: “Không ổn, người xưa có câu… ma không chạm đất, mụ này có phải thần tiên gì đâu, không biết tay Quan Sơn thái bảo kia đào dược con quỷ này trong ngôi mộ thời Đường bỏ mẹ nào nữa.”

Tuyền béo định vung xẻng công binh lên đập, nhưng có tôi chắn phía trước làm cậu ta không thể hạ thủ, cuống cuồng kêu toáng lên: “Nhất ơi là Nhất, cái đầu của cậu vướng víu quá!” Lúc này, Tôn Cửu gia cũng hốt hoảng lên tiếng: “Đừng đập vỡ bản đồ bằng sứ, cậu Tuyền… mau, mau lấy gương cổ Quy Khư ra chiếu vào con quỷ kia đi!”

Trong lúc kinh hoảng, nghe thấy giáo sư Tôn nói vậy, tôi lập tức giật nảy: “Gương cổ Quy Khư tuy không phải Tần Vương Chiéu Cốt kính, nhưng dẫu sao cũng là gương cổ bằng đồng xanh, mà gương lại là vật trấn tà cầu chính của Pháp gia, chuyên môn khắc chế những thứ tà ma ngoại đạo, gặp phải ma quỷ trong mộ, đương nhiên phải lấy gương cổ Quy Khư ra đối phó, bằng không làm sao chống đỡ được tình thế trước mắt?” Nghĩ đoạn, tôi cũng vội hét bảo Tuyền béo mau mau lấy tấm gương cổ ra.

Gương cổ Quy Khư vốn đang giấu trong người tôi, ba ngưòi nhất thời hoảng loạn lại ngỡ là để trong ba lô của Tuyền béo, Tuyền béo nhanh chóng soát khắp người một lượt, rồi cuống quýt hỏi: “Để đâu rồi?”

Cùng lúc đó, tôi cũng nhớ ra chiếc gương đang ở trong người mình, chỉ thấy cái lưỡi lạnh băng dinh dính của mụ Đỗ tiên đã cuốn lấy có tôi rồi từ từ siết lại, tôi thầm than khó, nhân lúc cánh tay vẫn cử động được, vội vàng thọc vào trong ngực áo, kéo ra bọc gói tấm gương cổ Quy Khư và quẻ phù, đẩy tới dưói chân Tuyền béo.

Tuyền béo luống cuống giở cái bọc ra, lấy tấm gương đồng xanh chiếu vào mụ Đỗ tiên trên lưng tôi. Mặt gương của gương cổ Quy Khư đã bị hư tổn từ lâu, soi cái gì vào cũng chỉ thấy một chiéc bóng mơ hồ, vừa giơ gương lên, chỉ thấy một luồng hàn quang bắn ra, phóng thẳng vào mụ Đỗ tiên.

Chỉ nghe trong bụng mụ Đỗ tiên phát ra một tiếng kêu lanh lảnh, tôi cảm thấy cổ mình bỗng nhiên nhẹ bẫng, cái lưỡi đỏ lòm dài hơn ba thước của mụ ta đã buông ra, phóng vọt tới chỗ Tuyền béo tựa như rắn độc vồ mồi.

Tuyền béo vội giơ gương lên đỡ, chỉ thấy miệng mụ Đỗ tiên rách toác, từ bên trong bò ra một lão già tướng mạo như quỷ đói, cơ thể không to hơn con chuột là bao, người khoác y phục thời thượng cổ, miệng đầy răng nanh, mặt mũi muôn phần gớm ghiếc, vạn phần đáng sợ. Gương cổ Quy Khư vừa chiếu vào mặt lão già trông như ác ma ấy, hai mắt lão liền sáng rực lên, lão ta nằm phục trên cái lưỡi của mụ đàn bà béo, hướng về phía mặt gương gào lên thảm thiết. Tấm gương đồng dường như không chịu nổi tiếng rít ấy, loáng thoáng đã nghe có tiếng rạn nứt vang lên.

Giáo sư Tôn kinh hoảng cực độ, tái mét mặt mũi, đứng bên cạnh kêu lên: “Tuyền béo, cậu cầm ngược gương rồi, mau mau xoay lại, bằng không cả đám chúng ta đi đời bây giờ!”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN