Anh Linh Thần Võ Tộc Việt - Chương 20: Lục tổ huệ năng
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
180


Anh Linh Thần Võ Tộc Việt


Chương 20: Lục tổ huệ năng


Ngô Quảng-Thiên vẫy Tôn Đản:

– Đản nhi. Người nghĩ sao?

– Theo con, bố nên mang tên này về Khúc-giang, ta đóng cũi rồi đem đi khắp chợ cho dân chúng phỉ nhổ hơn là cho y tàn tật hay chết. Tội y cao như núi, mà cho y chết mau chóng, chẳng hóa ra ban phúc cho y ư?

Ngô Quảng-Thiên cười dòn:

– Người hay thực.

Ông túm cổ áo Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc rồi đưa mắt ra hiệu cho Thông-Mai, Bảo-Hòa:

– Tiên cô! Trần thiếu hiệp! Ra tay đi, rồi chúng ta chuồn chứ !

Thông-Mai dạ một tiếng, chàng phát chiêu Thiên-vương trấn thiên hướng Lê Đức. Áp lực chưởng làm mọi người nghẹt thở, nhảy lui lại. Ầm một tiếng, người Lê Đức bẹp dí xuống đất như một miếng chả trứng, máu me tung tóe.

Minh-Thiên, Mỹ-Linh bật lên tiếng than:

– Ối! A-Di Đà-Phật tội qúa. Tội qúa!

Người người nhìn tình trạng Lê Đức đều kinh hoảng. Đám võ quan đưa mắt như nói với nhau:

– Than ôi! Chưởng kia ai mà đỡ cho nổi. Hèn gì có tên Thiên-vương chưởng.

Quảng-Thiên hất hàm cho Bảo-Hòa:

– Tiên cô. Tiên cô là chưởng môn phái Tản-viên, xin tiên cô thanh lý môn hộ cho.

Ánh mắt Bảo-Hòa sắc như dao cau. Nàng nói với Thiệu-Thái:

– Anh cả. Xích-Thập là cao nhân phái Tản-viên, y cũng là trưởng lão Lạc-long giáo. Nhưng nay y bỏ Lạc-long giáo, y chỉ còn địa vị đệ tử phái Tản-viên. Em là chưởng môn, em phải thanh lý môn hộ.

Thiệu-Thái định lên tiếng cản, thì tay phải Bảo-Hòa phát chiêu Ác-ngưu nan độ hướng Xích-Thập. Bình một tiếng, thân hình y vỡ làm năm sáu mảnh bay bổng lên cao.

Mỹ-Linh lấy hai tay bịt mắt không dám nhìn. Còn Minh-Thiên niệm:

– Đức Phật từ bi xin xá tội cho Thân tiên cô.

Mặc Minh-Thiên, Mỹ-Linh thương hại Đỗ. Bảo-Hòa phát tiếp chiêu Ngưu tẩu như phi, nàng vận công ba-âm, bẩy-dương hướng vào mấy tảng thịt Xích-Thập trên không đang rơi xuống. Vèo một tiếng, người Xích-Thập vỡ làm hàng nghìn mảnh bay tung ra bốn phía.

Phan Nam hướng vào nhà vua cùng bách quan:

– Tâu bệ hạ. Kính thưa các vị văn võ Tống triều.

Tất cả mọi người cùng im phăng phắc nghe lão nói.

Lão vận nội lực âm nhu, nên tuy lão nói nhỏ, mà âm thanh truyền đi rất xa:

– Hồng-thiết Hoa-Việt đều xuất phát từ Tây-vực. Khởi đầu tôn giáo này do bộ Hồng-thiết-kinh. Mà Hồng-thiết-kinh xuất thế từ hai tên ma quái Mã-Mặc, Lệ-Anh viết ra, rồi truyền bá khắp nơi trong vùng Tây-vực. Người mang Hồng-thiết giáo về Đông-phương, là Nhật-Hồ ma đầu. Trong thế gian này, người ta chỉ biết y xuất thân con nhà danh gia. Nhưng gốc tích đích thực của y ra sao thì ít ai biết rõ.

Lão ngừng lại, đưa mắt cho Định-vương, Khai-Quốc vương cũng như bách quan. Người người đều nhìn nhau, ngụ ý: Quả đúng như lão nói, bản thân Nhật-Hồ ra sao, nào ai biết?

Phan Nam tiếp:

– Nhật-Hồ là con một Nho-gia tên Tử-Hoàng. Tử-Hoàng có làm chức quan nhỏ dưới thời Ngô. Lão bị điên, tìm đến phái Sài-sơn của lão phu trị bệnh. Bệnh thuyên giảm. Sau lão có tội bị đầy đến vùng Phong-lĩnh, rồi chết ở đó. Lão có ba con, đều di truyền chứng điên. Chính lão phu từng điều trị cho cả ba.

Nhật-Hồ lão nhân đã xuất hiện ở Trung-quốc, Đại-Việt, không ai mà không nghe tên. Người ta chỉ biết lão là nhân vật kỳ tài võ học, cực kỳ xảo trá mà chưa ai biết rõ thân thế lão. Nay nghe Phan Nam thuật, họ đều lắng tai nghe.

Phan Nam tiếp:

– Con cả của Tử-Hòang bị điên khùng, rồi chết. Thứ nhì là con trai, cũng bị bệnh điên. Lão phu trị cho, những thỉnh thoảng vẫn lên cơn đôi lần. Nhật-Hồ là con thứ ba của Tử-Hoàng, hồi nhỏ y cũng bị điên, rồi khi lớn lên giảm bớt. Tử-Hoàng gửi y sang Trung-quốc trị bệnh. Bệnh thuyên giảm. Y lưu lạc tới Tây-vực, gặp giáo chủ Hồng-thiết giáo Xích Trà-Luyện được thu làm đệ tử rồi truyền bộ ma-kinh Hồng-thiết. Ma-kinh viết bởi hai người điên, nay truyền cho Nhật-Hồ vốn có tố tính điên, vì vậy y luyện tập mau thành công.

Lão ngừng lại, nhìn mọi người, rồi tiếp:

– Khi về Đại-Việt, để dấu kín giòng giống điên khùng của mình. Y ra lệnh cho bộ hạ giết chết chị gái, giết chết ba cháu gọi bằng chú, năm cháu gọi bằng cậu. Rồi y kết nạp giáo chúng. Y tổ chức Hồng-thiết giáo Đại-Việt giống hệt Hồng-thiết giáo Tây-vực. Trên hết y làm giáo chủ. Dưới có tả-hữu hộ giáo, ngũ-sứ cùng mười trưởng lão. Suốt mấy chục năm qua bên Trung-quốc cũng như Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua, Chân-lạp, Chiêm-thành, Xiêm-la chúng gây ra không biết bao nhiêu tội ác.

Phan Nam đưa mắt nhìn Thân Thiệu-Thái:

– Trong đại hội Thăng-long, đáng lẽ quần hùng nhân lúc chúng đại bại, giết lão Nhật-Hồ cùng đám trưởng lão, thì lại đem nhân nghĩa, từ-bi ra ân xá cho chúng. Di-Lặc Bồ-tát còn cho y qui y. Quần hùng quên mất rằng phàm khi luyện Hồng-thiết tâm pháp, không bao giờ có thể trục ma tính ra được. Bởi vậy, trong khi giáo chủ Lạc-long giáo đi sứ, ở nhà Nhật-Hồ lão nhân phá giới, tổ chức lại Hồng-thiết giáo. Lão gửi tên Đỗ Xích-Thập, Lê Đức sang giúp Nguyễn Tuyết-Minh mưu khuynh đảo Tống triều. Cũng may Định-vương, Khai-Quốc vương biết trước, nên phá vỡ kế hoạch của chúng.

Ông vẫy tay gọi Mỹ-Linh:

– Công chúa. Trong bọn đầu lĩnh Hồng-thiết giáo Trung-quốc theo Lưu Trí-Viễn, nay xương cùng thịt hóa ra tro bụi cả rồi. Bọn Đại-Bằng với Trường-giang thất quỷ chưa luyện Hồng-thiết tâm pháp, thì sự cải tà quy chính có thể tin được. Trong đám ma đầu Đại-Việt đã luyện Hồng-thiết tâm pháp, thì Tả, Hữu hộ pháp chúng ta đã trị hôm nay. Trong Ngũ-sứ, tên Nguyễn San chết từ lâu. Tên Sử-vạn, Khiếu hôm nay thành người tàn tật. Còn Bun-Thành với Nguyễn Tuyết-Minh, chúng hiện diện tại đây. Lão phu dành cho công chúa tru diệt chúng.

Định-vương chắp tay hướng Phan Nam:

– Tiền bối! Xin tiền bối cho biết Bun-Thành là ai? Cô gia thành thực cảm tạ.

Phan Nam thở dài:

– Hỡi ơi! Vương gia là Thái-sư, anh hùng có thừa, minh mẫn quán thế mà không biết y là ai ư?

– Cô-gia kính cẩn nghe lão sư dạy dỗ.

– Vương gia không biết cũng phải. Trên thế gian này chỉ có Nhật-Hồ lão nhân, vợ y là Tuyết-Minh, con y là Hồng-Minh tức Lưu hậu biết Bun Thành là ai mà thôi. Ngay bọn Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ cũng không biết nữa. Chính y là người thay Nhật-Hồ lão nhân khuynh đảo Tống triều. Y là một đại thần.

Cả triều Tống đều ngơ ngác, họ nhìn mặt đồng liêu, để tìm ra tên ma đầu Bun Thành, nhưng không có chút ánh sáng hé lộ.

Phan Nam móc trong bọc ra bình thuốc trao cho Thông-Mai:

– Con lột mặt nạ tên Bun Thành ra cho mọi người biết.

Thông-Mai tiến đến bên Tào Lợi-Dụng, chàng nhắc y lên, rồi mở chai thuốc chà vào mặt y.

Ai ai cũng tự hỏi:

– Không lẽ là Tào Lợi-Dụng ! Vô lý chi thậm.

Thông-Mai chà một lúc, mặt Tào thay mầu, biến dạng, phút chốc, đổi hẳn, hiện ra một khuôn mặt khác. Bây giờ trên từ nhà vua, cho đến Định-vương cùng quần thần mới hiểu tại sao Tào Lợi-Dụng lại ẩn thân trợ giúp cho Nhật-Hồ gây biết bao án mạng trong Hoàng-cung để đạt được việc đưa Lưu hậu vào cung đình nhà Tống.

Tào Lợi-Dụng hướng Lưu hậu:

– Thái-hậu! Sự đã ra thế này, mong Thái-hậu chu toàn cho một cố mệnh đại thần đã thờ ba đời vua.

Lưu hậu cúi đầu xuống:

– Ta cũng khó tránh khỏi họa sát thân thì làm gì được để cứu người?

Phan Nam móc trong bọc ra viên thuốc. Lão nắm lấy tay Mỹ-Linh bỏ thuốc lên. Phút chốc viên thuốc tan vào làn da nàng. Lão nói:

– Lão phu tặng công chúa viên thuốc này, có thể chống được mọi thứ độc của Hồng-thiết kinh, hầu công chúa trị con ma đầu Nguyễn Tuyết-Minh.

Phan Nam, Ngô Quảng-Thiên, hai người bịt mặt, Thông-Mai, Bảo-Hòa đưa mắt nhìn nhau. Sáu người tung mình hướng chân Hoàng-thành, rồi vọt lên cao, vượt ra ngoài.

Quần thần nhà Tống đã biết Thông-Mai là anh Thanh-Mai, Tự-Mai. Còn Bảo-Hòa trong lớp áo cung nữ, không ai biết rõ chân tướng nàng. Tuy nhiên họ cũng biết nàng là cô gái Việt, ẩn thân trong cung để diệt dư đảng bang Nhật-hồ. Chỉ những người đã từng sang Đại-Việt cùng Định-vương cũng như dự trận Tản-Viên, thấy mùi hương thơm từ người nàng bốc ra, thì biết nàng là Bảo-Hòa, chưởng môn phái Tản-viên.

Minh-Thiên, Đông-Sơn lão nhân cúi nhìn những miếng thịt nhỏ bằng hạy ngô, hạt đậu của Đỗ Xích-Thập, cả hai đưa mắt nhìn nhau. Minh-Thiên than:

– Hôm đại hội Thăng-long, tiên cô mới luyện loại Phục-ngưu thần chưởng này, mà đã thắng Phạm Hổ, Phạm Trạch. Hôm ấy tiên cô đánh vào cái cột. Thớ gỗ bị tan ra như bột bay tung lên. Ai cũng kinh hoảng. Nhưng tưởng đâu như vậy là hung dữ cực điểm. Không ngờ nay cô luyện xong, sát thủ đến như thế này, hỏi thân thể con người làm sao chịu nổi?

Minh-Thiên hỏi Đông-Sơn lão nhân:

– Lão nhân có nhận ra người áo nâu với áo xanh là ai không?

Đông-Sơn lão nhân gật đầu:

– Đại-sư không đoán ra ư? Làm gì có người thứ hai, mà sai quận chúa Thiếu-Mai, thế-tử Lê Văn như sai trẻ nít ngoài Hồng-Sơn đại phu? Làm gì có người hất hàm truyền lệnh cho vương phi Khai-Quốc ngoài Côi-Sơn đại hiệp?

Trong khi đó Triệu Tiết, Quách Quỳ xem thi thể Lê Đức. Hai đứa mặt nhìn mặt mà phát run. Vì ban nãy chúng nghe Lưu hậu dùng Lăng-không truyền ngữ xui chúng chất vấn Thông-Mai. Bà hứa sau đây sẽ dùng quyền, gả công chúa Huệ-Nhu cho chúng. Bây giờ thấy thi thể Lê Đức xẹp lép như con khô mực, chúng rùng mình nghĩ lại:

– Nếu Thông-Mai đánh chúng bằng chưởng này, thì còn gì là đời.

Sở-vương vẫy tay gọi Mỹ-Linh:

– Công chúa. Phải chăng công chúa là đệ tử của Bồ-tát Huệ-Sinh?

– Thưa vương gia vâng.

– Như vậy công chúa là Phật-tử thuận thành? Người theo Phật như công chúa, dù giết con sâu, cái kiến cũng không nỡ. Vậy đối với tụi ma qủi thì sao?

– Đa tạ vương gia ban khen. Theo Phật, thì tru diệt ma vương qủi dữ là có Phật tính.

– Được. Nếu như có kẻ nào mưu đưa Khai-Thiên vương cùng toàn gia người vào con đường chết nhục nhã. Nó có phải ma quỷ không?

– Thưa vương gia nhất định y là quỷ dữ cần tru diệt.

– Công chúa có biết ai ra lệnh cho tên Hoàng Văn bắt giam vương mẫu, làm nhục có thừa không?

– Tiểu nữ không biết. Xin vương gia khai sáng cho.

– Sau đại hội Thăng-long, vương mẫu bị bắt mang sang Biện-kinh, giam trong Hoàng-thành bị tra khảo về kho tàng. Nay tuy vương mẫu đã được giải thoát. Nhưng công chúa có biết ai chủ động không?

– Xin vương gia chỉ dẫn.

– Chỉ dẫn thì lão phu sẵn sàng. Song công chúa có thể rửa nhục cho vương mẫu không? Nếu công chúa không rửa nhục cho vương mẫu, thì ta e phụ vương sẽ không thể ngồi tại vị.

Mỹ-Linh hiểu ngụ ý của Sở-vương: Nếu vương đưa tên kẻ thù ra, mà nàng không giết y, ông sẽ công bố vụ vương mẫu bị nhục với thiên hạ. Tuy là Phật-tử, giết con sâu, cái kiến cũng không nỡ. Nhưng nay trước sự sống còn, an ninh của phụ vương cùng các em, khiến Mỹ-Linh cương quyết:

– Tiểu nữ quyết không tha cho kẻ đó.

Sở-vương chỉ Nguyễn Tuyết-Minh:

– Con ma đầu kia! Mi có can đảm hãy ra nhận việc mình làm đi.

Nguyễn Tuyết-Minh cười nhạt:

– Ta chính là Tuyết-Minh. Hóa danh trong Hồng-thiết giáo thành Nguyễn Thúy-Minh. Ta là sứ giả Hồng-thiết giáo Đông-phương. Chính ta ra lệnh cho Cổ-loa hầu Hoàng Văn bắt Triệu Liên-Phương giam dưới hầm Cổ-loa. Sau này cũng chính ta với Sử-vạn Na-vượng bắt y thị mang sang đây cùng giam với con nha đầu Nong-Nụt.

Hôm gặp Lê Văn, Nong-Nụt nói rằng nàng bị bắt giam trong Hoàng-thành, bị một mụ già tra khảo cùng vương phi Triệu Liên-Phương. Lê Văn, Tự-Mai với mọi người trong sứ đoàn cứ cho rằng mụ đó là Lưu hậu. Ban nãy khi Nguyễn Thúy-Minh mới xuất hiện. Nong-Nụt đã nói cho Lê Văn nghe rằng chính mụ tra khảo nàng. Lê Văn mới vỡ lẽ, nhưng chàng im lặng, vì sợ nói tới vụ đó làm nhục thân mẫu Mỹ-Linh. Bây giờ Sở-vương nói toẹt ra, sứ đoàn mới tỉnh ngộ.

Sợ mụ nói hết những điều nhục nhằn của vương mẫu. Mỹ-Linh nghĩ rất nhanh: Ta phải giết con ma nữ này. Nàng rút kiếm ra, hất hàm:

– Bắc-sứ Hồng-thiết giáo. Kẻ gây oán phải lĩnh nghiệp. Hôm nay ta muốn dùng võ công gỡ nghiệp cho người.

Nói rồi nàng tà tà đưa kiếm vào cổ y thị. Nguyễn Tuyết-Minh không coi Mỹ-Linh vào đâu. Y thị rút kiếm quay một vòng như chớp nhoáng, rồi đẩy vào ngực nàng. Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì Thúy-Minh xử dụng Mê-linh kiếm pháp, đúng là chiêu Hoa khai thiên môn, mà nàng chuyên dùng để kiềm chế đối thủ. Nếu đối thủ nhảy lùi, nàng sẽ di chuyển theo. Trước đây, từ Đinh Hiền cho tới Đông-Sơn lão nhân cùng các cao thủ Hồng-thiết giáo, đều bị nàng kiềm chế bằng chiêu này. Mới hồi nãy, chính nàng cũng kiềm chế Thúy-Minh, y thị lạc bại, mà không chống nổi.

Thông thường bất cứ cao thủ nào bị kiềm chế bằng chiêu Hoa khai thiên môn cũng bị lạc bại. Chỉ người học 72 chiêu trấn môn mới hóa giải nổi bằng chiêu Nhật mộ mang mang. Theo chiêu này, nàng nhảy lùi lại ba bước, kiếm quay ba vòng, rồi đâm thẳng vào đối thủ.

Choang một tiếng. Cả hai cùng bật lui ba bước.

Vừa rồi hai người ra tay nhanh quá, những cao thủ hạng nhất cũng chỉ thấy hai vòng kiếm quang bao phủ khắp thân mình, rồi cả hai bật tung trở lại.

Bây giờ họ mới có dịp vỗ tay hoan hô.

Mỹ-Linh thấy rõ đối thủ xử dụng Mê-linh kiếm pháp, nhưng bằng nội lực âm-nhu Long-biên pha lẫn với nội lực Hồng-thiết giáo. Trong khi nàng xử dụng nội lực Long-biên đã được pha lẫn với Vô-ngã tướng thiền công. Khi hai kiếm giao nhau, nội lực Hồng-thiết truyền độc tố sang người nàng. Vô-ngã tướng thiền công phản ứng hóa giải đi.

Nguyễn Thúy-Minh cười lên the thé:

– Con nha đầu kia! Ta nghe nói hôm đại hội Thăng-long, mi đả bại Đông-Sơn lão nhân. Ta không tin trên đời có người thắng nổi lão với Đặng

Đại-Bằng. Thì ra mi học được nội lực âm-nhu cùng 72 chiêu trấn môn của Long-biên kiếm pháp. Ta hỏi mi: Kể từ khi Lệ-Hải bà vương qua đời, kiếm pháp này đã tuyệt tích. Thế mi học ở đâu?

Mỹ-Linh khoan thai đáp:

– Ta là chưởng môn phái Mê-linh, dĩ nhiên phải biết Mê-linh kiếm pháp, điều này đâu có gì lạ mà người phải thắc mắc.

Thúy-Minh lắc đầu:

– Ta không tin phái Mê-linh còn giữ được học thuật này. Được, ta muốn lĩnh mấy cao chiêu của người.

Nói rồi mụ lao người tới như điện xẹt, kiếm đánh ra chiêu Hoa khai nguyệt mãn, chiêu này có đến 36 biến hóa, nên ánh kiếm lóe như tia chớp, rồi biến thành quả cầu. Mỹ-Linh tiến lên một bước, đẩy vào giữa quả cầu của Thúy-Minh bằng chiêu Hoa mãn sơn hoang.

Hai người quấn lấy nhau. Đứng ngoài, chỉ những cao thủ bậc nhất mới phân biệt được ánh kiếm của Mỹ-Linh với Thúy-Minh. Còn ngoại giả, chỉ thấy hai quả cầu bạc lấp lánh.

Minh-Thiên than:

– A -Di Đà-Phật. Tự nhiên sao sát nghiệp lại tràn ngập không gian thế này?

Đông-Sơn lão nhân đứng bên Định-vương, Khai-Quốc vương. Ông chỉ chiêu này, chiêu kia để phân giải cho hai vương. Định-vương lo lắng:

– Trận đấu này khó có thể chấm dứt an toàn, ít nhất một trong hai người tử thương. Đạo-sư có cách nào giúp công chúa Bình-Dương không?

Đông-Sơn lão nhân đáp:

– Theo bần đạo nghĩ, khi xử dụng kiếm pháp Mê-linh rất hao tốn nội lực. Vì vậy từ chiêu thứ hai trăm trở đi, công chúa sẽ chỉ còn thiền công. Trong khi Thúy-Minh chỉ còn Hồng-thiết công. Bấy giờ bần đạo tùy nghi giúp công chúa, hy vọng thắng y thị.

Từ ngày học được bí quyết trấn môn Long-biên kiếm pháp đến giờ, Mỹ-Linh chỉ gặp một mình Đông-Sơn lão nhân là đối đầu với nàng được sáu trăm chiêu, cuối cùng nhờ Minh-Không, Huệ-Sinh trợ giúp, nàng thắng lão. Sau đó sư phụ Huệ-Sinh giảng cho nàng yếu chỉ Thiền-công, nên dù có đấu lại với Đông-Sơn nàng cũng thắng lão trong vòng trăm chiêu. Bây giờ nàng gặp Nguyễn Thúy-Minh, cùng xử xụng một thứ kiếm pháp, cùng một thứ nội công. Chỉ khác nội công của Thúy-Minh pha nội công Hồng-thiết giáo. Trong khi nội công nàng pha lẫn Vô-ngã tướng thiền công.

Định-vương hỏi Khai-Quốc vương:

– Nhị đệ. Huynh nghe nói Long-biên kiếm pháp đã tuyệt tích. Mới đây công chúa Bình-Dương có cơ duyên học được. Nhưng sao con ma nữ này cũng biết xử dụng?

– Tuyết-Minh trước đây xuất thân là đệ tử phái Mê-Linh. Nên y thị học được kiếm pháp phái này cũng như mật ngữ yếu quyết trấn môn. Sau y thị phá giới làm vợ của Lê Lục-Vũ. Mà Lục-Vũ giữ bộ Lĩnh-Nam vũ kinh trong tay. Vì vậy Lục-Vũ trao cho vợ luyện tập. Tuyết-Minh tuy có mật quyết, mà không hiểu thuật ngữ nên biến hóa nên kém linh hoạt. Nhưng Nhật-Hồ, Lục-Vũ cũng như y thị đều là thiên tài võ học, chúng hợp nhau chế ra phương pháp nối liền các chiêu lại, giống hệt như mật quyết cổ. Kìa đại ca nhìn xem, những biến hóa không hoàn toàn giống nhau.

Đến đó hai người phải ngừng lại, vì Mỹ-Linh, Thúy-Minh cùng tung người lên cao như con hạc. Ở trên không họ chiết chiêu với nhau nhanh như chớp.

Quả như Đông-Sơn lão nhân tiên đoán. Đấu được trên ba trăm chiêu, công lực hai người đều vơi, kiếm chiêu dần dần chậm lại, thành ra nội công âm nhu gần như hết hiệu lực. Vô-ngã tướng thiền công của Mỹ-Linh phát ra tối đa. Trong khi nội lực Hồng-thiết của Thúy-Minh lên đến độ cao nhất. Kiếm chiêu hai người trở thành chậm chạp. Song mỗi khi kình lực hai kiếm giao nhau, cả hai lại bật lui liền hai bước.

Đấu được trên trăm chiêu nữa, thình lình Thúy-Minh đẩy một chiêu thẳng vào giữa ngực Mỹ-Linh. Chiêu này không nằm trong Mê-linh kiếm pháp. Mỹ-Linh chĩa kiếm ra đỡ, thì Thúy-Minh đổi hướng, khiến hai mũi kiếm dính vào nhau. Rõ ràng mụ muốn đấu nội lực.

Minh-Thiên nói nhỏ với Khai-Quốc vương:

– Nguy tai, công chúa Bình-Dương tuổi còn nhỏ, công lực không làm bao. Trong khi Thúy-Minh tuổi đi vào bẩy mươi, công lực cao thâm khôn lường. Vương gia có cách nào giúp công chúa không?

Đến đây Mỹ-Linh bật lui một bước.

Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn nhìn trận đấu, chúng lo lắng cho bà chị, nhưng không biết làm sao. Không lẽ nhảy vào hai người đánh một?

Lát sau thanh kiếm của Mỹ-Linh dần dần cong lại. Cứ trình độ này, kiếm của nàng sẽ bị gẫy. Biết nguy hiểm, nàng dùng tay trái, chĩa ngón trỏ, từ từ đưa lên phóng một Lĩnh-Nam chỉ vào người Thúy-Minh. Tuy chỉ lực không mạnh, nhưng Thúy-Minh kinh hoảng vung tay phát chưởng đỡ. Mụ bị chỉ đẩy lui hai bước. Kiếm Mỹ-Linh lại thẳng ra.

Chợt Lưu hậu lên tiếng:

– Công chúa Bình-Dương! Người có biết rằng vị tiền bối đang đấu với người đã ra lệnh cho Hoàng Văn bắt mẫu thân người bỏ vào hầm Cổ-loa làm cây thuốc cho các vị trưởng lão thuộc hội đồng giáo vụ trung ương không? Hồi đầu Liên-Phương bị bắt. Nhưng sau nàng thấy làm cây thuốc cho các trưởng lão thực hạnh phúc hơn vào Niết-bàn. Vì vậy tuy được cứu ra rồi, về phủ Khai-Thiên sống với chồng, nàng chẳng thấy gì là sung sướng nên trốn đi tìm các trưởng lão. Chứ có ai ra lệnh bắt y thị đâu.

Thấy Lưu hậu bịa đặt quá đáng, Mỹ-Linh muốn nổi đóa. Nhưng bản tính thuần hậu, cơn nóng giận chỉ thoáng qua mà thôi. Tuy vậy nàng vẫn nghĩ: Nếu không giết Thúy-Minh, thì tính mệnh phụ vương cùng chị em nàng khó bảo toàn.

Người tập Thiền cần nhất giữ cho tâm trong sáng, thiền công mới phát ra được. Mỹ-Linh luyện Vô-ngã tướng thiền công, một loại thiền tối cao trong kinh Phật, bởi vậy phải bỏ ra ngoài ngã tướng tức cái ta trước. Khi bỏ ra ngoài ngã tướng thì lập tức không còn phân biệt ta với người, vì vậy nhân tướng biến đi. Khi nhân tướng mất, đương nhiên không còn nhiều nhân tướng tức chúng sinh tướng nữa. Đến đây, ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng biến đi, thì đâu còn hỷ, lạc, ái, ố, sầu, bi nữa? Thế là thọ giả tướng cũng biến.

Đây Mỹ-Linh rút kiếm với ý định bảo vệ danh dự cho song thân tức ngã tướng cực mạnh. Nàng muốn giết chết Nguyễn Thúy-Minh để tuyệt hậu hoạn thì đối tượng Thúy-Minh thành nhân tướng. Khi đã có nhân, ngã tướng đương nhiên có chúng sinh tướng. Rồi Lưu hậu nói mấy câu, khiến nàng nổi giận, hóa cho nên Thọ tướng sinh ra. Vì vậy Thiền-công của nàng giảm dần.

Lưu hậu thấy nói mấy câu kết quả, bà tiếp:

– Giờ này Liên-Phương về Đại-Việt, tuy làm vương phi, mà hằng đêm trốn ra ngoài gặp các trưởng lão để hưởng hạnh phúc.

Mỹ-Linh tức ứa gan, công lực giảm giảm thực mau. Nàng lùi liền hai bước.

Minh-Thiên dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Tự-Mai, Lê Văn, Tôn Đản:

– Hai thí chủ có cách nào cắt đứt tiếng nói của Lưu hậu không? Nếu bà còn nói nữa, e công chúa Bình-Dương nguy mất.

Tôn Đản chợt nảy ra một kế. Chàng nói sẽ vào tai Lê Văn.

Lê Văn móc túi lấy ra viên thuốc Hàn-ngọc đơn, chàng tâu với nhà vua:

– Tâu hoàng thượng. Thần xin bắn viên thuốc này dâng Thái-hậu. Bằng không người lại lên cơn đau bây giờ.

Thiên-Thánh hoàng đế gật đầu:

– Đa tạ Lê đệ.

Nhà vua tâu Lưu hậu:

– Tâu thái hậu. Lê Văn xin dâng thái hậu thuốc trấn thống, bằng không cơn đau lại tái phát.

Lưu hậu gật đầu. Lê Văn dùng ngón tay bắn viên thuốc đến véo một tiếng.

Trong khi thuốc bay tới, Lưu hậu ngồi im không tránh né. Bà thấy nói mấy câu làm rối loạn tâm tư Mỹ-Linh có kết quả. Bà tiếp:

– Này công chúa Bình-Dương. Ta nghĩ rằng…

Đến đó viên thuốc Hàn-ngọc đơn trúng huyệt Á-môn của bà. Bộp một tiếng, huyệt đạo bị phong tỏa. Lập tức bà cứng lưỡi, không nói được nữa. Bà định gượng gạo đứng dậy nhiễu loạn Mỹ-Linh, thì Khai-Quốc vương đưa mắt cho Lê Văn:

– Lê đệ, mau dâng Lưu hậu hai viên thuốc trấn thống vào huyệt Dương-lăng-tuyền.

Lê Văn được Khai-Quốc-vương mở đường. Chàng bắn Hàn-ngọc đơn. Véo, véo thuốc trúng huyệt Dương-lăng-tuyền Lưu hậu. Dương-lăng-tuyền là huyệt nằm ngay dưới gối. Huyệt này thống lĩnh toàn thể gân trong con người. Bị trúng hai viên Hàn-ngọc đơn vào đây, Lưu hậu ngã ngồi xuống đất. Lê Thiếu-Mai vội chạy đến đỡ bà.

Tôn Đản biết với bản lĩnh Lưu hậu, muốn phóng thuốc vào người bà, e khó hơn bắc thang lên trời, vì vậy chàng xui Lê Văn tâu với nhà vua. Lưu hậu, cũng như nhà vua, tuyệt không nghi ngờ. Ông vội ban chỉ cho Lê Văn, còn Lưu hậu, bà không tránh né, vì vậy Lê Văn mới thành công.

Tuy đã khống chế được Lưu hậu, nhưng Mỹ-Linh vẫn mê trận, muốn giết Thúy-Minh, vì vậy chân khí của nàng từ từ giảm.

Minh-Thiên dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi Tôn Đản:

– Tiểu thí chủ! Không biết công chúa Bình-Dương có thuộc Thiền-sử Trung-quốc không?

– Thưa đại sư, dù thiền sử Hoa, hay Việt, chị cháu cũng thuộc làu.

Minh-Thiên tiếp:

– Bần tăng đọc một bài kệ của Lục-tổ, thí chủ nhắc lại thực lớn để giúp công chúa.

Nói rồi ông đọc. Tôn Đản đọc theo thực lớn:

Bồ-đề bản vô thụ,

Minh kính diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai.

Minh-Thiên đọc bằng âm Quan-thoại. Tôn Đản nhắc lại bằng âm Hán-Việt. Vì vậy ngoài sứ đoàn, Mỹ-Linh, Thúy-Minh ra không ai hiểu Tôn Đản đọc gì.

Đây là bài kệ nổi tiếng bậc nhất trong thiền-sử Trung-quốc. Phàm ai đã theo Phật-giáo, đều thuộc làu. Cho nên khi họ nghe Tôn Đản đọc, chẳng ai hiểu chàng đọc với mục đích gì.

Bài kệ lọt vào tai Thúy-Minh, mụ ngơ ngác:

– Tại sao thằng ôn con lại đọc bài kệ của Lục-tổ Huệ-Năng làm gì vậy?

Thúy-Minh là một trong những đại ma đầu của Hồng-thiết giáo. Giáo chúng Hồng-thiết giáo tự cho mình là chính đạo. Còn các tôn giáo khác thuộc loại tà ma hết, cần phải tru diệt. Y thị được Nhật-Hồ lão nhân sai phát triển giáo chúng tại Đại-lý. Đại-lý lấy Phật-giáo làm quốc giáo. Cho nên y thị nghiên cứu rất kỹ tất cả những biến chuyển Phật-giáo Trung-quốc, Đại-Việt, Đại-lý. Vì vậy giai thoại truyền y bát của Ngũ-tổ cho Lục-tổ y thị thuộc làu.

Nay nghe Tôn Đản đọc bài kệ của Lục-tổ, tích cũ hiện ra trong trí nhớ Thúy-Minh. Phật-tính tràn ngập khắp người mụ, vì vậy ma tính Hồng-thiết từ từ giảm, công lực mụ yếu dần.

Trong khi đó Mỹ-Linh chợt trở lại với chân tâm mình:

– Chết thực. Ta là đệ tử của Bồ-tát, mà quên mất yếu chỉ Thiền-tông. Trước đây nhờ sư phụ nhắc nhở, ta mới thắng Hoàng Văn, rồi sau cũng người giúp ta, ta mới thắng Đông-Sơn lão nhân. Bây giờ ta đi vào đường sân, si thì sao công lực phát ra cho được?

Tích cũ về thiền sử đời thứ năm, thứ sáu của phái Thiếu-lâm cùng hiện ra trong tâm Mỹ-Linh, Thúy-Minh:

” Bồ-đề Đạt-ma là tổ thứ hai mươi tám dòng thiền Tây-trúc qua Lĩnh-Nam hoằng dương đạo pháp, rồi tới Trung-thổ. Ngài diện bích chín năm tại núi Tung-sơn, sau truyền tâm-ấn cho Huệ-Khả ( 486-593 ). Huệ-Khả truyền cho Tăng-Sán ( 606 ). Tăng-Sán truyền cho Đạo-Tín ( 580-674 ) . Đạo-Tín truyền cho Hoằng-Nhẫn ( 601-674 ) . Hoằng-Nhẫn truyền cho Huệ-Năng ( 638-713 ). Bài kệ trên của tổ Huệ-Năng. Cuộc truyền tâm ấn của ngũ tổ Hoằng-Nhẫn cho lục tổ Huệ-Năng là một giai thoại kỳ thú, mà Minh-Thiên muốn đem ra giúp Mỹ-Linh đánh bại Thúy-Minh.

Cuộc truyền tâm ấn như sau:

Một hôm ngũ tổ Hoằng-Nhẫn gọi tất cả đệ tử trong chùa lại dạy rằng:

Ta nói cho các người biết. Trong kiếp sống thì sinh tử là lẽ lớn. Thế mà các người chỉ đi tìm cái phước điền, chứ không tìm cách thoát khỏi bể khổ. Các người u mê về lý tính thì phúc điền có đạt chăng nữa cũng không cứu được các người. Các người hãy trở về với chân tâm, tự xét chân tâm, tìm lấy cái gốc chân tâm. Tự chân tâm sinh ra gốc của nó, và ánh sáng Bát-nhã. Mỗi người làm một bài kệ trình ta xem. Nếu người nào kiến tính giác ngộ được, ta sẽ truyền y bát để trở thành lục tổ của dòng Thiền-tông.

Sư Thần-Tú vốn người học rộng, biết nhiều, lại là học trò giỏi nhất của Hoằng-Nhẫn; ông trở về phòng làm một bài kệ. Đêm đó ông viết bài kệ của mình ở hành lang chùa, bầy tỏ sở kiến. Bài kệ như sau:

Thân thị Bồ-đề thụ,

Tâm như minh kính đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật xử nhạ trần ai.

Nghĩa là:

Thân tại gốc Bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Thời thời cần lau sạch.

Đừng để nhuốm bụi trần.

Canh ba, tổ Hoằng-Nhẫn gọi Thần-Tú vào bảo đường hỏi rằng:

– Có phải bài kệ viết ở hành lang là do nhà ngươi làm không?

Sư Thần-Tú đáp:

– Chính là đệ tử làm. Đệ tử không dám hy vọng được làm lục tổ. Chỉ mong sư phụ xét xem đệ tử có chút ánh sáng trí tuệ nào không.

Tổ Hoằng-Nhẫn đáp:

– Nhà ngươi kiến giải trong bài kệ ấy; là chưa thấy được gốc của tính, mới đến cửa Bồ-đề chứ chưa nhập vào Bồ-đề được. Nhà ngươi kiến giải như vậy mà muốn vào Vô-thượng Bồ-đề thì chưa tới. Muốn đạt Vô-thượng Bồ-đề phải hiểu tại ngoài lời nói, để nhận thức cái gốc của chân tâm. Gốc của chân tâm là bất sinh bất diệt, không lời nào nói ra được. Bất cứ lúc nào, ý nào cũng tự nó hiện ra mà có. Tất cả đều không. Một là chân tất cả đều là chân. Muôn vàn cảnh giới đều là như như. Cái ý thức về như như ấy là chân thực. Nếu nhà ngươi kiến giải được như vậy, thì mới có tự tính Vô thượng Bồ-đề. Sau đây nhà ngươi suy nghĩ vài ngày, làm một bài kệ khác, đưa trình ta xem. Nếu tỏ ra nhập được vào cửa Bồ-đề thì ta truyền tâm ấn cho.

Thần-Tú tở về, mấy ngày sau tinh thần hoảng hốt không làm được bài kệ nào.

Cách đó mấy ngày, có chú tiểu đi qua chỗ dã gạo, miệng đọc bài kệ của Thần-Tú. Bấy giờ có nhà sư Huệ-Năng, vốn người Việt xin vào tu ở chùa Thiếu-lâm từ lâu. Vì sư không biết chữ, nên được giao cho công việc dã gạo. Tuy vậy sư nghe ngũ tổ giảng kinh, thì hiểu thấu đáo ngay. Nay nghe chú tiểu đọc bài kệ của Hướng-Tú. Huệ-Năng thấy ngay bài kệ đó chưa hiện ra gốc của tính. Ông làm một bài kệ khác như sau:

Bồ- đề bản vô thụ,

Minh kính diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Nghĩa là:

Bồ-đề chẳng có gốc,

Minh kính cũng không đài.

Xưa nay nào có vật,

Đâu nơi nhuốm trần ai?

Yếu chỉ của Thiền-tông là kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã. Tất cả đều qui về tính không, tức sao bỏ được vọng tâm là ngã tướng. Muốn thế phải dứt được Ngũ-uẩn, Lục-trần, Nhân-ngã tứ tướng. Thế mà bài kệ của Thần-Tú vẫn còn đủ sắc, tướng: Thân là ngã tướng. Bồ-đề là thọ giả tướng. Tâm lại là ngã tướng nữa. Minh kính đài là chúng sinh tướng. Thời thời, phất thức, vật xử là thọ giả tướng. Trần ai là thọ giả tướng. Như vậy là vẫn trần tục.

Bài kệ của Huệ-Năng làm tổ Hoằng-Nhẫn vui mừng. Hôm sau tổ tới nhà dã gạo, thấy Huệ-Năng đang dã gạo, bèn hỏi:

– Người học đạo phải thế nào? Nhà ngươi dã gạo trắng chưa?

Ý tổ hỏi ngoài lời nói: Tâm sáng, nhập vào Bồ-đề, thế đã chuẩn bị nhận y bát chư?

Huệ-Năng trả lời:

– Gạo tôi dã sạch lắm. Còn thiếu cái sàng thôi.

Ý nói rằng: Tâm đã trong, chỉ còn chờ truyền tâm ấn.

Tổ cầm gậy gõ vào cối ba cái, rồi bỏ đi. Ý nói canh ba Huệ-Năng lên bảo đường gặp ngài. Canh ba Huệ-Năng lên phòng tổ, được tổ giảng yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-già, rồi truyền y bát.

Giai thoại truyền y bát của chưởng môn đời thứ năm cho đời thứ sáu ở chùa Thiếu-lâm cùng thoáng hiện ra trong tâm tư Mỹ-Linh với Thúy-Minh. Với Thúy-Minh, Phật-tính tràn ngập người mụ, vì vậy ma công, quỷ tính Hồng-thiết giảm dần. Công lực của thị biến từ từ.

Còn Mỹ-Linh, nàng tỉnh ngộ, vội bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn, Lục-căn, nhân ngã tứ tướng cũng biến theo. Đơn điền trống không, Vô-ngã tướng thiền công mạnh vô cùng. Chân khí Thúy-Minh truyền vào người nàng như nước chảy. Nàng vội dùng Thủ-tam âm kinh lọc lấy chính khí đưa vào đơn điền, dùng Thủ-tam dương kinh đẩy chất độc trở lại người đối thủ.

Nguyễn Thúy-Minh thấy Chu-sa độc công cuồn cuộn tràn vào người Mỹ-Linh, mụ mừng thầm:

– Con nhỏ này phải chết.

Mụ đưa mắt nhìn Đông-Sơn lão nhân ý muốn nói: Mi thua nó, mà ta thắng nó, thì mi còn thua ta xa.

Nhưng mụ thấy chân khí tuôn ra mỗi lúc một mạnh, y như nước sông chảy vào biển. Phút chốc chân khí trong người mụ vơi hẳn đi đến phân nửa. Trong khi chất độc đọng ở tay trở nên trầm trọng.

Biết có sự bất ổn, mụ kinh hoàng vội thu liễm chân khí lại. Lập tức chân khí ba kinh dương của Mỹ-Linh theo chân khí của mụ tấn công cơ thể mụ như vũ bão. Mụ tự biết nếu mụ thu nữa, thì tạng phủ nát ra mà chết. Quá kinh hãi mụ lại thúc chân khí ra phản công.

Nhưng khi chân khí mụ trở về cơ thể, chất độc nặng chĩu ở tay đã về theo mất rồi. Mụ cảm thấy như có con dao đâm vào giữa tim, đau nhói một cái, rồi hai, ba cái nữa tiếp theo.

Kinh hoàng, mụ định thu kiếm về, thì Mỹ-Linh chĩa ngón tay ra kẹp cứng kiếm của mụ. Tay phải nàng tung kiếm mình lên cao, rồi phóng hai chỉ liên tiếp, điểm vào huyệt Khúc-trì của Thúy-Minh. Lập tức cánh tay mụ tê chồn. Nàng bắt lấy kiếm mụ, lại điểm vào huyệt Đản-trung trước ngực mụ. Toàn thân mụ bị tê liệt.

Thân mẫu Tự-Mai, Lê Văn cũng từng bị cái nhục nhã như thân mẫu Mỹ-Linh. Dù Khai-Quốc vương cố tình che dấu, nhưng bọn Hồng-thiết giáo đem công bố ra ngoài, vì vậy hai bà phải tìm cái chết, để chu toàn danh dự cho chồng con. Trường hợp thân mẫu Mỹ-Linh lại khác. Dù bà có chết đi chăng nữa, thì Khai-Thiên vương cùng tất cả các con sẽ bị cách hết chức tước, bắt bỏ họ Lý, rồi về dân dã. Khi ở dân dã, kẻ thù cũ sẽ tìm đến, tha hồ mà làm nhục. Chung cuộc vẫn đi vào chỗ chết. Cho nên dù nàng là Phật-tử, có muốn tha cho mụ Tuyết-Minh cũng không được. Vì vậy Mỹ-Linh quyết giết mụ hầu tuyệt hậu hoạn.

Nàng chĩa ngón tay điểm vào huyệt Ấn-đường mụ. Huyệt này nằm phía trên trán, giữa hai lông mày. Nếu nàng điểm trúng, ắt mụ bị thủng sọ chết liền.

Sợ Mỹ-Linh giết Thúy-Minh, e gây ra mối thù bất công đái thiên giữa Lưu hậu với triều Lý. Trong khi Thiên-Thánh hoàng đế không thể hạ Lưu hậu. Như vậy e bang giao Tống-Lý gặp khó khăn. Định-vương kêu lớn:

– Công chúa, xin dung tình.

Nghe tiếng Định-vương, Mỹ-Linh chuyển tay sang bên cạnh, chỉ kêu véo một tiếng, xén đứt một mớ tóc Thúy-Minh. Tóc mụ rơi xuống lả tả.

Định-vương xá Mỹ-Linh:

– Công chúa! Tuyết-Minh là tội phạm của bản triều. Xin công chúa để Hoàng-thượng xử y.

Vốn hiền lành, Mỹ-Linh chắp tay:

– Tiểu nữ xin trao y thị cho Thái-sư phát lạc.

Trung-Đạo truyền thị-vệ trói y thị lại. Nhưng bỗng y thị thét lên hãi hùng như con lợn bị chọc tiết, khiến mọi người muốn chói tai:

– Ái! Ái! Đau quá! Đau quá, giết ta đi, giết ta đi.

Tuy kêu gào mà người mụ vẫn ngồi bất động, vì bị điểm huyệt.

Nhà vua nói với Mỹ-Linh:

– Công chúa! Xin công chúa giải cái đau đớn cho bà.

Mỹ-Linh chắp tay:

– Xin bệ hạ khoan dung. Bà dùng thần công Chu-sa mưu hại thần. Nhưng trong khi đấu nội lực, công lực bà thấp, độc tố chạy ngược trở lại hại bà, chứ thần không biết xử dụng độc công.

Nhà vua hỏi Lê Thiếu-Mai:

– Vương phi, cầu vương phi ra tay trị cho bà Thúy-Minh. Trẫm xin hậu tạ.

Lý thái-hậu đứng dậy chỉ vào mặt Thúy-Minh với Lưu hậu:

– Hai con ma đầu thấy chưa? Bọn mi cùng tên Nhật-Hồ khả ố mưu giết ta, mưu thí Hoàng-thượng để cướp ngôi vua, tội đáng lăng trì cả họ. Nhưng Hoàng-thượng một lòng nhân từ cầu xin Lê vương-phi trị bệnh cho bọn mi. Bọn mi hãy mở mắt ra để thấy cái đê hèn của mình.

Thiếu-Mai chắp tay hướng nhà vua:

– Tâu bệ hạ, cái đau đớn của bà Thúy-Minh cùng Lưu thái-hậu, thần không trị được. Phàm khi dùng Chu-sa độc chưởng đánh người, mà người dùng phản Chu-sa độc đánh lại, không thầy thuốc nào trị nổi. Muốn trị, phải do người đánh thu hồi chân khí, rồi nhờ người luyện Hồng-thiết tâm pháp hóa giải Chu-sa độc. Vậy muốn trị cho Lưu thái hậu, phải đích thân Lý thái hậu thu chân khí Nga-mi. Còn Nguyễn Tuyết-Minh phải do công chúa Bình-Dương thu Vô-ngã tướng thần công. Cuối cùng nhờ giáo chủ Lạc-long giáo hóa giải độc tố Hồng-thiết.

Nói rồi nàng vỗ tay vào gáy Lưu hậu, giải độc Hàn-ngọc đơn cho bà. Bà rùng mình nói với nhà vua:

– Hoàng nhi, ta nuôi dưỡng, phò tá hoàng nhi mười tám năm qua. Bây giờ hoàng nhi để ta đau đớn như thế này sao?

Nhà vua quay lại nhìn Lý thái-hậu. Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu đang khoanh tay đứng cạnh hầu bà. Ông muốn cầu mẹ đẻ cứu mẹ nuôi. Nhưng ông biết vô ích, vì thù hận hai người chồng chất quá cao. Không biết nghĩ sao, nhà vua đến trước Lý thái-hậu quỳ gối:

– Mẫu hậu, hôm nay là ngày mẫu tử trùng phùng. Xin mẫu hậu mở rộng lượng hải hà.

Lý thái-hậu thở dài một tiếng, bà đỡ nhà vua dậy, rồi đến trước Lưu thái-hậu.

Tự-Mai đang đứng cạnh công chúa Huệ-Nhu, bỗng chàng nghe tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

– Phải theo sát cạnh Lý hậu, bảo vệ bà.

Tự-Mai vội di chuyển theo Lý hậu. Lý hậu trợn mắt nhìn Lưu hậu, rồi để tay lên huyệt Bách-hội Lưu hậu, vận công hút lại nội lực Nga-mi. Khoảng nhai dập miếng trầu, Lưu hậu rùng mình một cái, bà lạnh lùng đứng dậy chắp tay hướng Lý thái hậu:

– Đa tạ.

Tiếng tạ vừa dứt, lập tức bà tung vào ngực Lý thái-hậu một chiêu Hoa-sơn chưởng bằng tất cả bình sinh công lực. Mọi người kêu thét lên kinh hoàng, vì hai người đứng quá gần nhau, dù có ai muốn ra tay can thiệp cũng không kịp. Chiêu đó mà đánh trúng Lý hậu ắt bà vỡ ngực mà chết.

Tự-Mai không nghĩ ngợi, nó xẹt người vào giữa Lưu, Lý hậu, đưa lưng đỡ chưởng của Lưu hậu, rồi vòng tay ôm lấy Lý thái hậu, tung mình nhảy ra xa liền bốn bước để giảm bớt áp lực đè trên người. Lưu hậu quyết không tha, bà đổi chiêu, vọt mình theo, đánh một chiêu khác.

Thấy Tự-Mai lâm nguy, Mỹ-Linh quát lên một tiếng thanh thoát, nàng phát chiêu Tiêu-sơn chưởng, đỡ chưởng của Lưu hậu để cứu sư đệ. Bình một tiếng, Lưu hậu bật lui liền hai bước, tai bà phát ra tiếng vo vo. Bà lạnh lùng mắng Mỹ-Linh:

– Con mọi! Ai bảo mi xen vào việc của ta.

Mỹ-Linh chắp tay:

– Xin Thái-hậu rộng dung, thần chỉ muốn cứu nghĩa đệ Tự-Mai mà thôi.

Tự-Mai đã đặt Lý hậu cạnh Thanh-Mai. Lý hậu vuốt tóc Tự-Mai:

– Hảo phò mã. Người lại cứu ta một lần nữa.

Trong khi đó mụ Nguyễn Tuyết-Minh vẫn thét lên lanh lảnh. Lưu hậu bảo nhà vua:

– Hoàng nhi! Đúng như Thái-sư nói, vị này là mẫu thân ta. Mong hoàng nhi cứu bà. Ta…

Bà nói đến đây tự nhiên bốn răng cửa của bà rơi xuống. Bà cảm thấy hàm răng ngứa ngáy, bà nghiến răng vào nhau, thì ôi thôi cả hai hàm răng đều rụng hết. Bà nhả hết răng xuống bàn tay, lạ lùng: Chân răng vàng khè, hôi thối vô cùng, chứ không có máu.

Bà quay lại nhìn mẫu thân, thì Nguyễn-tuyết-Minh cũng đang ở trong trường hợp tương tự. Cảm thấy trên mặt ngứa ngày, bà lấy vạt áo lau, thì lạ chưa, nước vàng ướt đẫm vạt áo. Kinh hãi, bà nhìn sang mẫu thân, thì Nguyễn Tuyết-Minh còn kinh khủng hơn, chân tay nứt ra nhiều vệt, nước vàng chảy đầm đìa.

Thấy lưng, rồi ngực ngứa ngáy, bà đưa tay gãi, thì lại thấy nước vàng chảy ra. Bà chỉ mặt Lý thái-hậu:

– Con tiện tỳ kia, thì ra mi vờ thu hồi chân khí, rồi đẩy thuốc độc vào người ta. Mi thực tàn ác.

Thiếu-Mai chạy lại cầm tay Lưu hậu lên ngửi, rồi lại cầm tay Thúy-Minh lên xem. Chợt nàng hiểu hết mọi sự. Nàng nói với Lưu hậu:

– Tâu Thái-hậu, cả Thái-hậu lẫn tiền bối Tuyết-Minh đều bị trúng một thứ độc tố cực kỳ ác độc. Như Thái-hậu biết, Lý thái-hậu không hề đụng vào người tiền bối Tuyết-Minh. Vì vậy việc Thái-hậu trúng độc bắt nguồn từ nguyên do khác, chứ không phải Lý thái-hậu hại Thái-hậu.

Trong khi đó nước vàng tiếp tục chảy ra khắp người Tuyết-Minh với Lưu hậu. Cả hai lảo đảo muốn ngã. Nhà vua gọi đám cung nữ:

– Các người mau đỡ Thái-hậu.

Lê Văn dơ tay ngăn lại:

– Tâu bệ hạ, độc chất này cực kỳ lợi hại. Ai đụng vào, sẽ cũng bị nứt thịt như Thái-hậu.

Tuyết-Minh với Lưu hậu đã ngồi xuống bãi cỏ.

Mọi người ngơ ngác, không ai hiểu sao. Chợt Minh-Thiên đến trước mặt Mỹ-Linh. Ông nói:

– Xin công chúa cho bần tăng xem bàn tay công chúa, dường như công chúa cũng bị trúng một thứ độc với thái hậu.

Mỹ-Linh đưa tay ra:

Bàn tay nàng vàng khè. Thiệu-Thái kinh hoảng hỏi:

– Mỹ-Linh, có sao không?

– Không, em không cảm thấy có gì khó chịu cả.

Thiệu-Thái nắm tay Mỹ-Linh xem xét, chàng sờ đến đâu, bàn tay Mỹ-Linh bớt vàng đến đó, thoáng một cái, bàn tay nàng trở lại bình thường.

Định-vương hỏi:

– Phải chăng công-chúa đã dùng độc chất truyền vào người Tuyết-Minh với Thái-hậu?

Mỹ-Linh lắc đầu:

– Khải vương gia, thần là Phật-tử thuần-thành, đâu có làm việc ác đức này?

Địch Thanh vốn không ưa Mỹ-Linh. Y muốn khơi hố chia rẽ nàng với triều Tống. Y nói:

– Công chúa. Rõ ràng công-chúa đẩy ngược Chu-sa độc về người tiền bối Thúy-Minh. Rối ban nãy, công chúa phát chưởng cứu Trần phò mã, cũng nhân đó đẩy chất độc vào người Lưu thái-hậu. Bàn tay công chúa dính đầy chất độc thế kia, công chúa chối không nổi đâu.

Sở-vương vẫy tay cho Địch Thanh im lặng, rồi chỉ vào Tuyết-Minh :

– Địch Trạng-nguyên không nên đắc tội với công chúa. Khi ta cùng lão sư Phan Nam chuẩn bị tới đây đã bàn với nhau làm sao giết con ma đầu này. Chúng ta biết với lòng nhân, đức hiếu của hoàng thượng, người sẽ cứu chúng. Vì vậy lúc Phan lão sư rời đây, người vỗ vào bàn tay công chúa Bình-Dương ba viên thuốc và nói rằng: Giúp công chúa tru diệt con ma đầu Tuyết-Minh. Ai cũng tưởng đó là thuốc chống Chu-sa chưởng, chứ đâu ngờ đâu đó là thuốc kịch độc.

Định-vương hỏi:

– Đại huynh! Thuốc kịch độc, thế sao công chúa Bình-Dương lại không việc gì?

– Dễ hiểu, một mình thuốc đó thì không sao. Nhưng khi hợp với độc tố Chu-sa, nó sẽ thành thứ thuốc giết người. Phan tiền bối với ta đã bàn: Người tặng công chúa Bình-Dương viên thuốc. Còn ta khích công chúa đấu với Tuyết-Minh. Trong lúc đấu, Tuyết-Minh dùng Chu-sa độc chưởng. Tất nhiên công chúa dùng phản Chu-sa đẩy chất độc trở lại người thị. Nhân đó độc chất trên tay công chúa cũng đi theo vào người Tuyết-Minh. Lập tức độc chất này hợp với Chu-sa độc trong người thị, giết thị.

Ông chỉ vào người Lưu hậu:

– Đúng ra chúng ta đâu có muốn hại con ma đầu này. Nhưng trời không dung y thị. Thị lấy oán trả ân, ám toán Lý thái-hậu, công chúa Bình-Dương ra tay cứu Lý thái-hậu, đỡ chưởng của thị, thế là thị lãnh hết quả của nhân mình gây ra.

Đến đây tóc Tuyết-Minh với Lưu hậu rơi xuống lả tả, hai mắt ứa nước vàng, dường như đã mù. Người người nhìn nhau kinh hãi.

Mỹ-Linh nói với Thiệu-Thái:

– Anh! Anh thử hóa giải chất độc cứu hai vị này lấy phúc.

Nhà vua cũng tuyên:

– Xin thế-tử ra tay tế độ.

Nghe Mỹ-Linh nói, cùng chỉ dụ của nhà vua. Thiếu-Thái tiến đến nhìn Lưu hậu, rồi chàng để tay lên đầu mụ, vận khí hút độc tố. Phút chốc nước vàng không ứa ra nữa. Chàng lại hút cho Tuyết-Minh.

Xong việc chàng nói với Thiếu-Mai:

– Lê sư tỷ, tôi đã hút hết chất độc trên người hai tiền bối. Xin sư tỷ xem có cứu được tính mệnh hai vị không?

Thiếu-Mai chạy lại, quan sát hai người, nàng lắc đầu:

– Hai vị này tuy thoát chết, nhưng trở thành mù lòa, tai thì điếc đặc, trong khi da sần sùi, còn lưỡi cứng như cá khô, không nói năng thành tiếng, cho đến võ công cũng mất hết.

Nàng gọi cung nữ:

– Độc chất trên thân hai vị này đã hút ra hết. Các người mang hai vị này về dưỡng bệnh.

Cung nga xúm vào đỡ hai người đi.

Sở-vương chạy lại ôm lấy nhà vua, ông bất chấp lễ nghi, reo lên:

– Ha, ha… ta đã diệt xong mầm mống bọn Nhật-hồ trong triều.

Rồi ông cười lên ha hả:

– Sướng thật. Sướng quá! Ta sướng nhất trần …

Chợt ông im bặt, mắt trợn ngược. Định-vương nói:

– Xin đại huynh buông hoàng thượng ra.

Nhưng Sở-vương vẫn im lặng. Kinh hãi, Định-vương chạy lại gỡ anh ra: Chân tay ông cứng đờ, mắt trợn ngược.

Lê Văn lạng người đến bắt mạch Sở-vương. Chàng lắc đầu:

– Hoàng thúc cực lạc, nên đã về Tây-phương rồi.

Có tiếng chim ưng réo trên không. Thiệu-Thái ngước mắt nhìn lên, nhận ra đó là cặp chim ưng của Khu-mật-viện Bắc-biên, chàng hú ba tiếng gọi chúng. Một con đáp trên tay chàng. Còn một con bay lượn đề phòng. Thiệu-Thái mở ống tre dưới chân lấy thư ra trao cho Khai-Quốc vương. Vương liếc qua, rồi cất vào túi.

Định-vương nhìn lên cao: Trời đã về chiều. Từ xưa, các vua Tống thiết triều từ giờ Mão đến giờ Tỵ là cùng. Đây là lần đầu tiên kéo dài tới giờ Thân. Trên từ vua cho tới bách quan đều quên cả đói. Vương tâu nhỏ mấy câu với Thiên-Thánh hoàng đế.

Hoàng-đế dõng dạc tuyên chỉ:

– Trẫm nhờ Thái-sư cùng Yến đại học sĩ tiếp sứ đoàn Đại-Việt cho trẫm. Trẫm hoàn toàn thuận những điều Khai-Quốc vương, với hoàng thúc đã cam kết ở Khúc-giang.

Nhà vua nói lớn:

– Kể từ hôm nay, Đại-Việt là Đại-Việt. Tống là Tống. Hai nước ngang nhau. Nhưng theo lễ giáo cổ, em phải cống anh. Vua Trung-quốc vua Lĩnh-Nam đều là con vua Đế-Minh. Nhưng vua Lĩnh-Nam là em, vua Trung-quốc là anh. Vậy hằng năm, Đại-Việt nên sai sứ sang triều cống để giữ tình giao hảo. Bách quan phải tuyệt đối tuân theo. Những ai cố ý gây thù hận Hoa, Việt đều đem tru lục. Bãi triều.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN