Anh Linh Thần Võ Tộc Việt - Chương 40: Chi-lăng Xương Trắng Còn Chưa Mục, -tiên-yên Máu Đỏ Lại Chan Hòa
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
153


Anh Linh Thần Võ Tộc Việt


Chương 40: Chi-lăng Xương Trắng Còn Chưa Mục, -tiên-yên Máu Đỏ Lại Chan Hòa


Sáng sớm ngày 25, tại Bắc-tiến tổng hành doanh, công chúa Bảo-Hòa nhận được tin từ mặt trận phía Bắc Quảng-Đông lộ của Tôn Đản, Cẩm-Thi:

“… Giờ Tý đệ đem quân cướp trại của Dư Tĩnh, Vương Hãn để cầm chân chúng. Sáu trong mười trại bị đánh phá. Dư lui về Chương-giang. Cũng đúng giờ Tý, quân của Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên gồm bản bộ quân mã với bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải, đổ lên Chương-châu, Phúc-môn cướp toàn bộ lương thảo tại đây, rồi tiến xuống Nam, bắt tay được với đạo quân của đệ. Đệ ra lệnh cho Mạnh, Nguyên cùng toàn bộ thủy quân khẩn xuôi về Khâm, Liêm cho sư tỷ xử dụng. Mọi sự tốt đẹp”.

Lát sau có tin của Hoa-sen quận vương:

“… Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu tới Kinh-châu cùng với một số tướng sĩ theo từ mặt trận phía Bắc về như Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Lý Hiến, Khúc Chẩn, tất cả đã vượt sông Trường-giang trấn ở trong thành Trường-sa. Chưa rõ ý định. Trương Trung đem quân trấn tại Hành-sơn, án binh bất động. Đã dùng chim ưng thông tin với Tự-Mai “.

Tin của Trần Trung-Đạo:

“… Đã dùng chiến thuyền bắt được của Tống, neo tại Đồn-sơn, Tiên-yên, kéo cờ Tống, đổ lên Kỳ-châu đúng giờ Tý, cướp trọn vẹn lương thảo, thu hết chiến thuyền của Tống, giết chết Lưu Khánh. Thủy quân rút ra khơi, tiến về đánh Khâm-châu…”

Thân Mai suýt xoa:

– Trận này các tướng Tống chết nhiều quá. Lưu Khánh là một trong Ngũ-hổ của Tống, y từng dương danh ba lần trong các trận đánh với Liêu, không ngờ lại chết ở Kỳ-sơn về tay sư bá Trần Trung-Đạo. Lưu là người trung nghĩa, xin sư phụ thư cho sư bá Trung-Đạo thu nhặt xác y, tẩm liệm, chôn cất tử tế, hầu nêu cao gương cho đời sau.

– Được. Con viết thư, sai chim ưng chuyển liền.

Lại có tin của thái-phó Dương Bình:

” Tấu tiên cô. Đúng giờ Tý, Địch Thanh tung quân đánh chiếm trại Như-hồng, Thiên-long, Cổ-vạn, Tô-mậu. Ta đánh cầm chừng rồi rút lui. Chúng được lương thảo mừng vô hạn”.

Công chúa bảo thư lại:

– Gửi lệnh cho Trung-Đạo sai Thường-Kiệt tấn công Khâm-châu; Đình-Huy tấn công Liêm-châu. Thủy quân đổ lên tiếp viện cho Quảng-châu. Thả tù binh bắt được tại Kỳ-giang về cho Địch Thanh biết bị cướp mất lương, khiến lòng quân rồi loạn, tất y rút binh từ biên giới về.

– Gửi lệnh cho thái phó Dương Bình theo dõi kỹ, hễ thấy Địch Thanh rút quân, thì dùng thủy quân đổ lên giữa biên giới, đánh cắt đôi quân của y. Bắt sống thực nhiều, để có cớ nói với triều Tống.

– Gửi lệnh cho Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên phục binh phía Nam Khâm-châu, chuẩn bị đánh tiền đội rút quân của Địch Thanh, và phải làm như thế… như thế…

Ba hôm sau có tin Đình-Huy đem quân đánh Liêm-châu. Lý Nghĩa xuất thành giao chiến. Huy giả thua rút chạy, rồi dùng đội hổ, báo, sói phản công. Nghĩa đuổi theo, thì trúng phục binh của Tôn Mạnh. Khi y quay về thì thành bị Thanh-Nguyên chiếm mất. Ly Nghĩa rút chạy về Khâm-châu, bị Đình-Huy, Thanh-Nguyên phục binh đánh ba nơi. Y chỉ còn trên nghìn kị với đám tàn quân binh. Thanh-Nguyên lệnh Thường-Kiệt mở vòng vây cho Nghĩa vào thành Khâm-châu. Trong đội tàn quân có võ sĩ phái Đông-a làm tế tác. Thanh-Nguyên để bang Hồng-hà trấn Liêm-châu, rồi phục binh dài dọc đường Khâm, Liêm về Bắc đợi Địch Thanh.

Công chúa nói với Nùng-Sơn tử, Minh-Thiên:

– Xin Quốc-sư với sư thúc cùng cháu chặn đường Địch Thanh. Địch Thanh nghe tin Kỳ-châu bị chiếm, Liêm-châu thất thủ lại bị thái phó Dương Bình đánh, ắt y rút về cứu Khâm-châu. Đường từ bên Đại-Việt sang Khâm-châu phải qua Như-hồng, ta đón y tại Như-hồng, dùng hư hư thực thực làm cho tiền quân y kinh hoàng, rồi tuyệt diệt, khi hậu quân về ta mới dễ phá tan.

Bắc-tiến tổng hành doanh di chuyển xuống phía Nam, dàn ra gần Như-hồng. Công chúa Bảo-Hòa cùng các tôn sư ngồi theo dõi tin tức do chim ưng mang về.

Hoàng Tích hết gọi chim xuống, đến sai chim đi. Trưa hôm đó một chim ưng mang thư của công chúa Kim-Thành gửi về:

” Được tin quân của Nùng Trí-Cao tiến về Quảng-châu, Trương Ngọc không vây thành nữa, lui lại chuẩn bị đối phó. Nhưng Trí-Cao chỉ hư trương thanh thế mà thôi. Thực sự y sai Thuần-Anh, Vi Chấn đánh lên Khúc-giang. Thuận-Tông mở cửa thành ra hợp với Thuần-Anh, Vi Chấn phá tan đạo quân này. Hai cao thủ bang Nhật-hồ là tả hộ pháp Phong Hoa, Đông-phương sứ giả Lưu Đại cũng xuất hiện. Vi Chấn bị Phong Hoa sát hại. Thuần-Anh bị trúng Chu-sa chưởng của Lưu Đại. Đại ca Bảo-Dân giết chết Lưu Đại. Thầy đồ Bắc-ngạn xuất hiện giết chết Phong Hoa. Đạo quân Khúc-giang tiến về Quảng-châu. Em mở cửa thành, hợp với Trí-Cao đánh Trương Ngọc. Trận chiến thực kinh thiên động địa. Võ công Trương Ngọc ngang với sư huynh Bảo-Dân. Nhưng em phá tan quân của y. Y rút chạy, lui về đóng ở bờ biển “.

Hoàng Tích với Vi Chấn là bạn hồi thơ ấu, nay nghe tin bạn tuẫn quốc, ông không cầm được nước mắt.

Một chim ưng khác mang thư lại. Thư của Dương Bình:

” Địch Thanh bị phản công, y bắt đầu rút quân trở về Trung-quốc, đã đánh cắt đôi quân của y. Lê Phụng-Hiểu, Lý Nhân-Nghĩa bị Đặng Đại-Bằng đánh trúng Chu-sa độc chưởng. Xin Thân phò mã cứu gấp”.

Công chúa vừa định sai chim ưng đi mời Thiệu-Thái, thì có tin vua Bà tới. Vua Bà nói:

– Được tin bang Hoàng-Đế xuất hiện, nên anh Thiệu-Thái đã dùng thuyền về Tiên-yên cấp cứu hai đệ tử của tiên cô. Còn tôi đến đây tiếp ứng.

Đến đó chim ưng tuần hành báo tin có quân từ phía Nam tới. Đại sư Huệ-Sinh nói nhỏ vào tai công chúa Bảo-Hòa mấy câu. Công chúa mỉm cười:

– Đa tạ đại sư chỉ dạy.

Công chúa gọi Hoàng Tích:

– Tráng-tiết tướng quân, từ hôm khai chiến đến giờ, em phải ngồi làm nhiệm vụ thông tin, chắc ngứa chân, ngứa tay. Bây giờ chị cho em xuất trận. Nhân Thạch Ngọc đi tiên phong trong đội rút quân, em làm sao không cần đánh nhau, cũng bắt được mấy vạn quân cho chị. Chị nhắc lại, đội quân này ăn phải gạo có thuốc độc, chân tay bải hoải hết rồi. Nào, em định làm gì, nói nhỏ cho chị biết nào.

Hoàng Tích lễ phép ngồi sát bên Bảo-Hòa, hương thơm như trầm của bà khiến ông nghĩ thầm:

– Mình ngồi bên bà tiên, được hưởng tiên khí, kể cũng là đại phúc.

Ông nói nhỏ vào tai công chúa:

– Em sẽ làm như vậy, như vậy…

Công chúa mỉm cười:

– Vậy em phải thư cho Tôn Mạnh với Thanh-Nguyên ngay đi. Còn ta với Mai, Lan, Cúc, Trúc di chuyển xuống Như-hồng liền.

Công chúa truyền lấy xe bốn ngựa, rồi cùng vua bà Bình-Dương, bốn nữ đệ tử Mai, Lan, Cúc, Trúc thủng thỉnh đi về hướng địch.

Đi khoảng vài dậm thì gặp một đội quân Tống đang tiến tới. Người đi đầu chính là Thạch Ngọc. Thạch Ngọc chưa từng gặp công chúa Bảo-Hòa, vua bà Bình-Dương, tuy y có nghe nói nhiều.

Nguyên bọn Tam-anh, Ngũ-hổ đang trấn thủ Bắc-cương, đối đầu với Liêu, thì nhận được mật chỉ khẩn cấp trao quyền lại cho Phạm Trọng-Yêm, rồi về kinh triều kiến. Khi bẩy người vừa về đến kinh, thì có thái giám tuyên chỉ nhập hoàng thành yết kiến nhà vua. Nhà vua ban cho bẩy người ăn yến. Trong tiệc, tuyệt không bàn gì, ngoài việc hỏi han tình hình Liêu, Tống. Tiệc tan, nhà vua truyền cung nữ, thái giám lui hết, rồi mới nói:

– Cách đây mấy ngày có một đại y sư Đại-Việt là Hoàng-Giang cư-sĩ đem hậu lễ tiến cống, cùng biểu của Trường-sinh hầu Nùng Trí-Cao khiếu oan về việc cha là Nùng Tồn-Phúc, anh là Nùng Trí-Thông bị tế tác của ta sát hại với đầy đủ bằng chứng. Trẫm đã cùng các đại thần bàn định, nhưng không đi đến đâu. Trẫm thấy việc này dường như có gì khó hiểu bên trong, nên quyết định gọi các khanh về trao cho toàn quyền giải quyết vụ Nam thùy. Trẫm không trao việc này cho phò mã Tự-Mai, vì sợ y xuống đó sẽ giết nhiều người Hoa, người Việt dính dáng vào, lòng trẫm không nỡ. Vậy bẩy khanh cầm mật chỉ của trẫm âm thầm đi Kinh-châu, Đàm-châu tùy nghi giảng hoà được thì giảng. Còn không giảng hòa được thì phải đánh dẹp. Quân ở Kinh-châu có hai mươi vạn thủy bộ, cùng một hạm đội. Với lực lượng ấy, thêm quân địa phương, trẫm tin rằng dư sức dẹp một khê động gốc Nùng.

Nhà vua đưa mắt nhìn một lượt bẩy viên tướng trẻ, rồi tiếp:

– Hồi Lưu thái hậu cầm quyền, người cùng một số đại thần chủ trương đánh chiếm sáu nước nhỏ Đại-lý, Đại-Việt, Xiêm-la, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, mở rộng biên giới Nam-thùy. Trong sáu nước thì Đại-Việt, Đại-lý là hai nước lớn. Trước chiếm Đại-Việt. Chiếm được Đại-Việt thì Chiêm, Chân, Lão không cần đánh cũng phải quy phục. Khi được Việt, Chiêm, Chân, Lão rồi, dùng nhân lực bốn nước này đánh Đại-lý. Đại-lý bị chiếm thì chỉ đánh một tiếng trống là chiếm được Xiêm-la. Bấy giờ ta có cả một vùng trù phú, quốc dụng dồi dào, thanh thế nổi lên, ắt thừa sức chống Liêu, ta quay ra chiếm Tây-Hạ. Tây-Hạ mất rồi, thì ta dùng tinh lực tất cả các nước mới quy phục đánh Liêu, giang sơn Đại-Tống sẽ rộng lớn vô cùng, mà không bị cái nhục tiến cống Liêu.

Nhà vua thở dài:

– Nhưng Lưu hậu lại không vì giang sơn Đại-Tống, mà muốn biến thành Thiên-hạ Hồng-thiết, thì thực là kinh tởm. Trong khi đó thì Yên-vương lại cho rằng sáu nước tộc Việt với Trung-quốc vốn cùng tổ tiên, cùng huyết tộc, phong tục văn hóa có đôi phần giống nhau, họ đã quy phục tiến cống, thì sao lại đánh họ? Trước hết hòa hoãn với họ, để có cả phương Nam yên tĩnh, ta rút trọng binh về Bắc đối phó với Liêu. Để thực hiện quốc kế, người kết bạn với một anh hùng Nam-phương là Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ. Kết quả, Đại-Việt giúp trẫm diệt được bọn Hồng-thiết ẩn trong cung, cùng chiêu phục bang Nhật-hồ, bang Trường-giang. Nhờ rút trọng binh ở Nam-phương, mà ta giữ được phía Bắc, thắng phía Tây.

Nhà vua nhìn lên hình Yên-vương treo trên tường:

– Hoàng thúc là người ngay thẳng, khi hội hoà với Khai-Quốc vương, người hứa trả tất cả những khê động Nam-thùy mà ta chiếm của Đại-Việt. Nam-thùy được yên ổn trong hơn hai chục năm. Nhưng có một điều, cả hoàng thúc với ta cũng không ngờ tới, là trong các khê động đó, có nhiều khê động cấu kết với các đại thần Nam-biên. Cho nên nay họ trở về với Đại-Việt, các quan mất đi một nguồn lợi lớn. Hồi phò mã Tự-Mai trấn Nam-thùy thì họ sợ oai nên tạm yên. Khi phò mã trấn Tây, phòng Bắc, họ lại móc nối với các khê động, rồi dùng tiền bạc kết thân với đại thần trong triều, chuẩn bị kế sách, dùng tế tác, gây hấn, để sau này đem quân đánh Đại-Việt, Đại-lý. Những việc đó trẫm không hề biết gì. Khi đã biết thì sự thành lớn rồi. Trong các sự lớn, có việc họ gửi tế tác sang ám hại Nùng Tồn-Phúc, với con là Nùng Trí-Thông, mục đích gây chia rẽ triều đình Đại-Việt với tộc Nùng. Không ngờ sự bị bại, nên nay Nùng Trí-Cao kéo cờ tuyết hận, đem quân đánh lưỡng Quảng. Vì vậy trẫm triệu các khanh về để bàn định sao cho Nam phương yên. Vậy các khanh nghĩ thế nào?

Tôn Tiết khấu đầu:

– Muôn tâu bệ hạ, thần nghĩ một mình Trí-Cao, với dân số Nùng không quá năm mươi vạn, y không thể, không dám khởi binh. Vụ này có lẽ do Khai-Quốc vương đứng trong bóng tối điều khiển. Trí-Cao chỉ là tên bù nhìn mà thôi. Như vậy mặt trận Nam-thùy phen này sẽ rất lớn, rất dữ dội.

– Trẫm cũng nghĩ thế, vì Đại-lý đem trọng binh trấn ngay Độ-khẩu, Kim-sơn. Dường như họ muốn theo đường Bắc-bình vương Đào-Kỳ xưa dùng để đánh Thục. Trẫm đã ban chỉ đem quân Đông-xuyên, Tây-xuyên vào Thành-đô để đề phòng rồi. Chỉ còn mặt lưỡng Quảng trẫm trao cho Tam-anh, Ngũ-hổ toàn quyền giải quyết. Nếu phải dùng binh lực, thì chỉ đối đầu với tộc Nùng, mà tránh đối đầu với Đại-Việt. Khi tấu về triều, các khanh tấu thẳng cho trẫm, không cần qua Nhị-phủ cùng Khu-mật viện. Trẫm ban chỉ cho các khanh, cũng ban mật chỉ trực tiếp. (TS, Nhân-tông kỷ)

Thế rồi Địch- Thanh thống lĩnh Tam-anh, Ngũ-hổ xuống miền Nam. Y được phái Thiếu-lâm cử một đoàn cao thủ hơn nghìn người, do ba đại cao tăng chưởng môn Minh-Hiển, thủ tọa La-hán đường Minh-Đức, thủ tọa Đạt-ma đường Minh-Thiên theo giúp. Nhà vua lại viết chiếu thỉnh Hoa-sơn tứ lão cùng Thất-hùng đem hai nghìn cao thủ trợ chiến.

Khi y tới Kinh-châu thì các đạo quân tộc Việt đã chiếm trọn lưỡng Quảng. Địch Thanh sai Trương Trung di chuyển quân ở Đàm-châu (Trường-sa) tiến xuống trấn ở Bắc Ngũ-lĩnh, hư trương thanh thế, nhờ phái Thiếu-lâm trợ chiến mặt này. Một mặt y cho hạm đội Kinh-châu vận chuyển toàn bộ hai mươi vạn quân, cùng các cao thủ bang Hoàng-Đế, Hoa-sơn xuôi giòng ra biển, rồi thình lình đổ lên đánh úp Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu, Kỳ-châu.

Để lừa Đại-Việt, ra cái điều y đang có mặt ở Trường-sa, y cho Tôn Tiết thống lĩnh việc chuyển quân đường thủy. Còn y, y đến chân núi Ngũ-lĩnh họp chư tướng. Vương Duy-Chính, Trần Thự thấy Thanh còn trẻ, có ý khinh thường, tới trễ. Khi Thanh bàn bạc, chúng ngồi ngáp ngáp tỏ ra lơ đãng. Thanh biết rằng mình ra quân kỳ này rất khó thắng, mà quân tướng không nghiêm thì còn hy vọng gì? Y cần phải giết một tướng, để các tướng khác kinh sợ, nhưng chưa có cớ. Vừa lúc đó có sứ giả của Lê Văn, giả xưng là của Trí-Cao tới, đòi trị tội Trần Thự.

Trương Trung hiến kế:

– Đại ca, khi ban chỉ dụ, hoàng thượng ngỏ ý ta hòa được thì nên hòa. Vậy sẵn dịp này, ta chém đầu tên Trần Thự, giảng hoà với Trí-Cao. Nhược bằng chém Thự rồi, mà Trí-Cao còn tiến quân , bấy giờ y không còn chính nghĩa, mà ngược lại ta có chính nghĩa.

Thanh trì nghi:

– Chủ trương việc này là do hoàng thượng cùng các đại thần, Thự chỉ là Thiên-lôi mà thôi, chém y thì oan cho y quá.

– Đại ca ơi, ta chém Thự với mục đích chạy tội cho triều đình, hầu tạ lỗi với quốc dân là cái cớ. Mà ví dù không có cớ đó, ta vẫn phải chém một tướng để thị uy kia mà!

Thanh tỉnh ngộ, hôm sau trong cuộc hội quân, Thanh bèn đứng lên kể tội Trần Thự:

– Hoàng thượng cùng Yên-vương chủ trương hòa Nam, trấn Bắc, cho nên bấy lâu Nam-thùy yên ổn. Nay không có lệnh, ngươi tự tiện sai tế tác hành sự, giết đại thần của Đại-Việt đó là tội phải chém cả nhà. Hành sự bất cẩn, bị bắt, ngươi không dám nhận tội, lại cung khai với Khu-mật viện Đại-Việt rằng việc ngươi làm là do chỉ dụ của hoàng thượng cùng lệnh của Tuyên-vũ sứ Vương Duy-Chính đó là hai tội. Khi được tha về, ngươi im lặng, thành ra triều đình không biết trước mà đề phòng. Nay xẩy ra binh biến rung động thiên hạ, người chết có hàng vạn vạn đều do ngươi cả. Đó là ba tội. Với ba tội đó, đáng chu di tam tộc, nhưng nay ta chỉ chém đầu ngươi mà thôi.

Thanh sai võ sĩ đem Trần Thự ra chém đầu, rồi sai đóng thùng đưa đến dinh Lê Văn xin giảng hoà. Lê Văn vội sai viết thư báo cho công chúa Bảo-Hòa sự kiện. Công chúa triệu Trí-Cao, Thường-Kiệt, Đình-Huy thương nghị.

Đình-Huy hiến kế : Cao gửi thư cho Địch, đồng y rút quân, nhưng phải giết cả bẩy tên chủ xướng chứ không phải mình Trần-Thự.

Địch Thanh tuy được toàn quyền, nhưng y chỉ có quyền chém Trần Thự là cấp cao nhất, y không thể chém bọn Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Dương Điền, Tôn Miễn, Ky Mân, Tiêu Chú. Vì vậy y âm thầm dùng thuyền nhỏ, vượt Trường-giang, đuổi theo hạm đội Kinh-châu xuống đánh phía sau quân Đại-Việt. Y thành công ở Khâm, Liêm, Kỳ, thất bại tại Quảng-châu. Đáng lẽ y thừa lúc bên Đại-Việt chưa kịp phản ứng mà tiến về phía Tây, thì ít ra cũng tiến tới Ung-châu. Nhưng vì y sợ quân Đại-Việt từ Nam vượt biên đánh phía sau, nên y tiến rất chậm.

Khi y đang trì nghi, không biết nên đánh xuống Nam hay tiến về Tây, thì nhận được mật chỉ giả của công chúa Bảo-Hòa chuyển đến. Trong mật chỉ truyền rằng: lương thảo của đạo quân đánh Quảng-Đông để cả ở Như-hồng, Cổ-vạn. Vậy Thanh nên tiến quân chiếm năm khê động phía giáp biển, rồi tiến vào Đại-Việt. Như vậy Đại-Việt phải rút quân ở Quế-châu, Linh-lăng về giữ nhà. Bấy giờ Trương Trung sẽ đem quân vượt Ngũ-lĩnh xuống Nam. Hai mũi dùi đánh ép lại.

Địch Thanh được mật chỉ thì mừng vô hạn, Y đem quân chiếm năm trại phía giáp biển dọc biên giới Đại-Việt dễ dàng, vì thổ binh chỉ chống cự qua loa rồi bỏ chạy. Khi y tiến vào vùng Tiên-yên, đang cho quân nghỉ, thì được tin kho lương Kỳ-châu thất thủ. Y không sợ cho lắm, bởi y mới chiếm được lương thảo ở Như-hồng, Cổ-vạn. Vì chủ quan, y cho rằng quân Đại-Việt kéo sang cướp phá lưỡng Quảng, trong nước không còn binh trừ bị. Bao nhiêu dân chúng người Việt trốn hết, chỉ còn lại mấy chục gia đình người Hoa. Họ nói rằng tổ tiên họ bị tội vào thời vua Thái-tông, bị đầy sang đây. Nay thấy quân Thiên-triều sang, họ can đảm ở lại để làm hướng đạo. Thanh sai chư tướng an ủi họ, cho họ ở lẫn trong quân giúp việc cơm nước. Họ đem dâng trâu, bò khao quân.

Thanh cho quân nghỉ một ngày, dự bị tiến về chiếm Thăng-long. Quân hạ trại, thì chư tướng đến báo cho Thanh biết một chuyện kinh hoàng : trong các khu vực đóng quân rải rác dưới gốc cây, trong bụi cỏ, quanh suối, chỗ nào cũng thấy đầu lâu, xương chân, xương tay người. Khi hỏi cư dân người Hoa xung quanh, thì họ cho biết nơi đây là chiến trường cũ giữa Tống, Việt vào thời vua Thái-Tông. Vua sai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Trần Khâm-Tộ, Triệu Phụng-Huân, Quách Quân-Biện mang quân sang đánh. Tống bị bại ở chỗ này, nên xương cốt còn rải rác trong rừng. (TS, Thái-tông kỷ)

Thanh sai lượm xương cốt đó đem chôn. Đám Hoa-dân kể cho quân tướng rõ rằng chỗ này, đêm đêm oan hồn binh tướng Tống bị phiêu bạt không ai thờ cúng, thường kêu khóc thảm thiết. Binh tướng nghe thuật đều kinh hãi. Thanh dặn chư tướng phải dùng lời lẽ mà trấn an chư quân.

Chiều hôm sau Địch Thanh khám phá ra toàn thể binh tướng đều bải hoải như người đau mới khỏi, người nào chân tay cũng không cất lên nổi, mắt lại nặng chĩu cứ muốn nằm ngủ. Y cho rằng họ bị lam chướng. Nhưng những Hoa-dân cho biết không phải vậy, mà chắc do thánh Chèm tức Vạn-tín hầu Lý Thân; thánh Gióng tức Phù-Đổng thiên vương; cùng chư thần thời vua Trưng bắt hồn. Quân sĩ đều tin như vậy.

Qua một ngày yên tĩnh, nhưng trong quân, những lời đồn đại về ma quỷ tử sĩ lan tràn rất mau. Trời vừa về khuya, quân tắt đèn đi ngủ, doanh trại chìm vào bóng đêm. Địch Thanh đang ngon giấc, thình lình có hàng ngàn tiếng rú kinh hồn, rồi tiếp theo tiếng khóc âm ỉ từ xa vọng về:

Khuông-Nghĩa, Khuông-Nghĩa,

Tham địa, tham ngọc,

Lịnh ngã Nam xâm,

Bách niên u uẩn,

Cô hồn bất di,

Cơ ngạ tha hương,

Băng giá u minh,

Thống tai, thống tai.

(Bia Như-hồng ký)

Tạm dịch:

Hỡi Triệu Khuông-Nghiã,

Tham đất, tham ngọc,

Bắt ta Nam xâm,

Chết oan trăm năm,

Hồn chưa siêu thoát,

Đói khổ quê người,

Lạnh lẽo âm u,

Hỡi ơi! Hỡi ơi.

Rồi những tiếng khóc lóc thê lương của hàng ngàn âm hồn vọng lại. Quân tướng vì bị trúng độc, chân tay bải hoải không lực, thần chí mơ hồ, thấy cảnh này đều run sợ, mạnh ai người ấy quỳ gối hướng nơi có tiếng khóc của đội âm binh lạy lục, khấn khứa. Người theo đạo Phật thì tụng kinh cầu Quán-thế-âm che chở, kinh vãng sinh. Kẻ theo Lão thì cầu Thái-Thượng lão quân, chư tiên phò hộ. Cũng có người biết chút phù thủy, vung tay bắt ấn trừ ma. Nhưng đoàn âm binh cứ tiếp tục khóc lóc.

Địch Thanh vội mời Đặng Đại-Bằng, cùng Hoa-sơn thất hùng lại thương nghị. Chu Chiếu-Anh nói:

– Này Địch sư điệt, dường như chúng ta bị lam chướng hành thì phải, tất cả chư quân tướng đều mề mệt buồn ngủ, chân tay cất lên không nổi. Nhưng họ lại tin rằng họ bị thần Tản-viên, bị thánh Phù-Đổng thiên vương, bị Vạn-tín hầu sai âm binh ám. Nếu đại địch đến thì làm sao bây giờ?

Đại-Bằng nói:

– Từ chiều đến giờ tôi thấy toàn quân như bị trúng độc. Tôi chưa rõ độc chất gì. Nhưng chúng đầu độc bằng cách nào? Tôi dùng nội công Hồng-thiết trục độc trị thử, thấy có kết quả. Tôi ra lệnh cho đệ tử bản bang trị bệnh cho chư quân, nhưng số thuốc mang theo không được làm bao, trị hơn nghìn người là hết. Khổ một điều, sáng trị khỏi, chiều lại bị lại.

Hoà-thượng Vạn-Quang nói:

– Tôi, thì tôi nghĩ rằng quân ta lâu ngày không luyện tập, nay trải qua hơn tháng hải hành say sóng chưa tỉnh, lại phải viễn hành, nên khi lam chướng nhập, thì không còn sức chống bệnh. Xin bang trưởng khẩn thư về cho chư huynh đệ quý bang tải thực nhiều thuốc xuống mới xong.

Trời về khuya, tiếng khóc mới tạm dứt. Địch cùng chư tướng cho đánh trống ra lệnh tắt đằn đi ngủ. Mọi người vừa riu riu thì khu chuồng ngựa trại kị binh có tiếng reo hò, lửa cháy, tiếng ngựa hí, doanh trại náo loạn. Địch Thanh không kịp mặc giáp trụ, nhảy lên ngựa đến nơi, thì thấy một đoàn báo đang tung hoành, vồ, chụp, cắn cấu ngựa, khiến ngựa chạy lung tung. Thoát một cái, đoàn báo đã biến mất vào đêm tối. Y kiểm điểm lại, hơn ba trăm ngựa bị chết, bị thương. Trong khi y được báo cáo rằng bên địch chưa quá năm mươi người, với hơn trăm báo, lợi dụng binh canh ngủ, đã đột nhập vào doanh trại khuấy phá.

Địch Thanh ra lệnh cho binh sĩ canh phòng cẩn thận, rồi cho tắt đèn đi ngủ. Mọi người vừa riu riu thì có tiếng pháo nổ, rồi tiếng quân reo, tiếng trống thúc. Xa xa, cách doanh trại vài dặm, một cảnh tượng làm y cũng như binh sĩ rởn tóc gáy: dưới ánh sáng chập chờn của hàng vạn bó đuốc, mờ mờ trong làn khói, một đoàn voi hơn trăm con đi trước. Ba toán đầu, mỗi toán mười con, trên có những tướng mặt đen như nhọ chảo, đỏ như máu, vàng như nghệ, xanh như lá, tay cầm đại đao, trường thương. Xung quanh, một đoàn báo lông đen như nhung gầm gừ đi hộ vệ. Hai lá cờ, một lá phất phới với hàng chữ Anh linh thần Nam-nhạc hộ quốc, một lá có hàng chữ Tru Tống tặc Nam xâm.

Hai toán kế tiếp, mỗi toán mười thớt voi, trên toàn nữ tướng xinh đẹp, tay cầm cờ xanh, đỏ, trắng, tím vàng đủ mầu phất liên tiếp. Xung quanh, một đoàn hổ lông vằn vàng, đen, gầm gừ tiến theo. Một lá cờ có hàng chữ Thần-võ Trưng hoàng đế truy hồn Bắc quân. Lá thứ nhì trên đề Bình Ngô đại tướng quân, công chúa Thánh-Thiên, thảo Tống tặc .

Toán thứ ba gồm năm đội voi, mỗi đội mười thớt, trên có những binh quỷ đầu sừng dài, danh nhọn hoắt, mặt đen như nhọ chảo, hoặc trắng như vôi, miệng ú ớ những âm thanh quái dị. Xung quanh một đoàn chó sói hộ tống. Cứ mỗi hồi thanh la đánh lên, đoàn sói lại tru những hồi dài thê lương, não nùng. Một lá cờ có hàng chữ Âm binh Nam-thiên hộ quốc .

Đạo âm binh đi một vòng quanh doanh trại. Địch Thanh biết rõ đây là do Đại-Việt bầy ra để cướp tinh thần quân Tống. Y muốn sai kị binh ra đánh, nhưng người, ngựa đều vô lực, lại khiếp sợ không ai dám xuất trại. Khi đạo âm binh biến mất thì trời vừa sáng.

Qua một đêm không ngủ, người ngựa trúng độc, bị ma trêu, quỷ ám, không ai còn tính thần tiến binh.

Giữa lúc đó, thì đạo Thiên-tử binh Đằng-hải, Ngự-long, Bổng-nhật thiện chiến bậc nhất Đại-Việt, do Dương Bình tổng chỉ huy Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu, Quách Thịnh, tiến lên phản công. Quân của Tống là quân thời bình không quen chiến trận, bệnh hoạn, sợ ma, sợ chết, ngồi trong trại run lật bật, không ai đủ tinh thần chiến đấu . Còn sáu đạo Ngự-long, Đằng-hải, Bổng-nhật từng đánh dẹp quanh năm, rồi mới đây bình Chiêm về, kinh nghiệm có thừa.

Sau mấy giờ đụng nhau, quân Tống bị cắt làm đôi, Đông, Tây không cứu ứng được nhau. Tuy nhiên hai tướng Đại-Việt là Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu bị trúng Chu-sa độc chưởng của Đặng Đại-Bằng và Hải-Thanh. Giữa lúc đó hạm đội Âu-Cơ do đô đốc Phạm Tuy đổ lên đánh từ biển dọc biên giới vào, cắt quân y làm bốn. Rồi tin tức cho biết Dư Tĩnh, Vương Hãn bị thua ở Chương-giang, lui về Bắc. Đại-Việt đổ quân đánh úp, chiếm lương thảo. Trong khi ấy Liêm, Kỳ châu thất thủ. Phía Quảng-châu, Trương Ngọc bị đánh ép hai mặt phải lui lại.

Địch Thanh kinh hãi, vội ra lệnh thu quân, rút khỏi Đại-Việt. Y sai Thạch Ngọc cùng Chu Chiếu-Anh, Du Minh đi tiên phong. Còn y thì bảo vệ mặt hậu.

Thạch Ngọc dẫn đạo quân mề mệt vì trúng độc, kinh hãi vì bị đánh tứ phía, vừa về tới gần địa phận Khâm-châu, thì quân báo phía trước có một cỗ xe bốn ngựa. Y vọt ngựa lên quan sát: trên xe, hai thiếu nữ trang phục quý phái . Một mầu vàng, một mầu trắng, cùng bốn tỳ nữ mặc một loại y phục, nhưng bốn mầu khác nhau: xanh, hồng, trắng, đen. Thiếu nữ áo đen đánh ngựa. Còn ba thiếu nữ kia ngồi tấu nhạc. Chiếc xe đi ngược chiều với y. Người đánh xe dường như không biết có đạo quân phía trước, bốn ngựa gõ móng lốc cốc trên đường. Thạch Ngọc quát:

– Đứng lại.

Nhưng chiếc xe vẫn cứ từ từ tiến tới. Thạch Ngọc biết có sự lạ, y vẫy tay, sáu võ sĩ nhảy ra. Bốn người tung dây quấn cổ bốn con ngựa ghì lại. Hai người giữ cứng bánh xe. Thiếu nữ đánh xe vung roi véo, véo mấy cái, bốn sợi dây chụp cổ ngựa bị đứt. Bốn võ sĩ bị điểm trúng huyệt Đại-trùy, tê liệt như tượng gỗ. Hai người ghì bánh xe bị điểm trúng huyệt Khúc-trì, khiến chân tay cứng đơ, trong vị thế hai tay dưa ra trước, người khum khum, chân xoạc đinh tấn.

Chiếc xe vẫn thủng thẳng lăn bánh, âm nhạc không bị rối loạn, để lại sáu người đứng trơ trơ.

Diễn biến xẩy ra, làm Thạch Ngọc ngơ ngác. Bây giờ y mới biết thiếu nữ đánh xe có bản lĩnh không tầm thường. Y quay lại sau hất hàm. Một người trang phục thường dân vọt ngựa ra. Y phi thân lên cao, rồi phóng xuống đầu thiếu nữ một chưởng. Chưởng chưa ra hết, mà đã thấy mùi tanh hôi nồng nặc. Thiếu nữ đánh xe vung roi ngựa lên cao, véo một cái, roi ngựa trúng vào huyệt Khúc-trì người kia, kình lực chưởng bị mất. Tiếp theo nàng hất roi ngựa một cái, chiếc roi quấn lấy người kia. Nàng rung tay, người kia bay trở lại, rơi trên ngựa của y, như y nhảy lên cỡi vậy. Tay y vẫn dơ ra trước như trong tư thế phát chưởng, nhưng cứng đơ. Con ngựa của y cũng bị điểm trúng huyệt Túc-tam-lý, thành ra cả người, ngựa như một pho tượng bất động bên đường.

Bấy giờ thiếu nữ mới gò cương cho xe dừng lại, tiếng âm nhạc im bặt. Thạch Ngọc thấy thiếu nữ đánh xe, mà đã có bản lĩnh như vậy, thì chủ nhân của cô phải là nhân vật có bản lĩnh. Y hỏi gã mặc y phục dân dã:

– Tiền thiếu hiệp, cái gì vậy?

– Con bà nó, dường như ta bị trúng tà thuật, chân tay không cử động được.

Thạch Ngọc hỏi sáu võ sĩ:

– Các người có đau đớn gì không?

– Thưa tướng quân chân tay cứng đơ, chứ không đau đớn gì cả.

Một đạo sĩ từ sau phi ngựa ra trước. Y chỉ mặt thiếu nữ áo đen:

– Cô nương là phù thủy hẳn? Cái trò tà thuật này không qua mặt bần đạo được đâu.

Nói rồi y tiến lên hướng vào thiếu nữ áo đen, tay bắt quyết, miệng đọc thần chú, sau cùng quát lớn:

– Mau!

Nhưng bẩy người vẫn bất động. Đạo sĩ lấy trong túi ra đạo bùa đốt lên rồi đọc chú, miệng khấn:

– Kính thỉnh Thái-thượng lão quân, Cửu-thiền huyền nữ, chư vị thiên tiên… um ba la… ba la… biến.

Bốn thiếu nữ cười khúc khích.

Thạch Ngọc thấy pháp thuật đạo sĩ vô hiệu, y tiến lên cung tay:

– Hổ-uy đại tướng quân nhà Đại-Tống xin tham kiến cô nương. Tiểu tướng không dám thỉnh phương danh quý tính cô nương.

Cô gái đánh xe đáp lễ, rồi nói:

– Thì ra Thạch tướng quân, nổi tiếng là một trong ngũ hổ tướng đấy. Tiểu nữ Thân Trúc xin tham kiến tướng quân.

Rồi nàng chỉ ba thiếu nữ còn lại giới thiệu:

— Đây là ba người bạn tôi tên Thân Mai, Thân Lan, Thân Cúc.

Nàng chỉ hai thiếu nữ ngồi giữa:

– Sư phụ , sư thúc của chúng tôi.

– Vừa rồi cô nương vung roi ra bốn chiêu hơi giống chiêu Hoa mãn thiên môn trong Tản-viên kiếm pháp. Còn chiêu hai chiêu đánh Tiền đại hiệp rõ ràng là lấy từ chiêu Tứ ngưu phân thi trong Phục-ngưu thần chưởng. Vậy cô nương thuộc phái Tản-viên chăng?

Đến đây y rùng mình tỉnh ngộ tự chửi thầm:

– Mình đáng chết thực, bọn này xưng là họ Thân, mà xử dụng võ công Tản-viên, thì có lẽ con nhỏ sư phụ nó là Thân Bảo-Hòa rồi. Còn con nhỏ đẹp như Quán-thế-âm bồ tát kia chắc là vua bà Bình-Dương.

Y chắp tay:

– Thì ra Thân tiên cô, cùng vua Bà. Tiểu tướng hàng nghe đại danh tiên cô cùng vua Bà như sấm động bên tai, nay mới được tương kiến.

Bảo-Hòa đáp lễ:

– Thạch tướng quân đi đâu thế? Tôi muốn được tương kiến với Địch nguyên soái.

– Địch nguyên soái không hiện diện tại đây. Tiểu tướng xin tiên cô cho mượn đường, để trẩy quân. Tiểu tướng muôn vàn cảm tạ.

Nhìn đạo sĩ, Bảo-Hòa nhận ra y là Du Minh, một trong Hoa-sơn thất hùng, hồi theo sứ đoàn sang Tống, bà biết y, nhưng y không biết bà. Bà dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Thân Trúc. Thân Trúc hướng Du Minh:

– Du đạo trưởng. Hồi đạo trưởng cùng Hoa-sơn tứ lão, thất hùng viếng Tản-viên, sư phụ tiểu nữ vắng nhà, nên không tiếp đạo trưởng được. Không ngờ duyên may run rủi, hôm nay đạo sư lại có mặt nơi đây. Này đạo sư, võ công nước Đại-Việt có khoa điểm huyệt mới chế ra gần đây, chắc đạo sư có nghe nói. Nay tiểu nữ dùng nó, mà đạo sư lại cho rằng tà thuật, có thể dùng dùng phép tắc phá ư?

Nói rồi nàng vung roi, đầu roi hướng đỉnh đầu Du Minh. Du Minh vung tay bắt roi, thì viên chì ở đầu sợi dây trúng huyệt Dương-trì trên bàn tay y. Bàn tay y bị tê liệt tức thì.

Thạch Ngọc thấy Du Minh bị liệt cánh tay, thì biết sự không ổn. Y xuống nước:

– Xin tiên cô cho đệ tử mượn đường. Thực muôn vàn cảm tạ.

Thân Trúc mỉm cười, với Thạch Ngọc:

– Được. Tướng quân mau cho quân về Khâm-châu mà nghỉ đi thôi. Tôi độ chừng chư quân bị thần linh Đại-Việt phạt, khiến bệnh nặng sắp nguy hết đến nơi rồi, nếu đi trễ, e họ chết mòn ở dọc đường mất.

Tiếng nói của Thân Trúc rất thanh thoát, nhưng nàng dùng nội công âm nhu nên gần như toàn quân nghe rất rõ. Họ vốn bị trúng độc, chân tay vô lực, nay nghe Thân Trúc nói, họ càng thêm hoang mang, mắt như dí lại, người người đều muốn nằm dài ra ngủ một giấc.

Thân Trúc đánh xe lui vào bên đường. Thạch Ngọc chỉ vào sáu võ sĩ bị điểm huyệt cùng gã họ Tiền, đạo sĩ Du Minh, nói với Bảo-Hòa:

– Vừa rồi sáu anh em bên tiểu tướng cùng Tiền đại hiệp, Du đạo sư hơi có chỗ mạo phạm, bị Trúc cô nương trừng phạt, mong tiên cô đại xá cho.

– Đối với sáu vị đây thuộc quan quân, chỉ thừa hành lệnh trên thì ân xá được.

Thân Trúc đánh xe lui vào bên đường, tay nàng rung roi ngựa, sáu võ sĩ được giải huyệt. Chúng lí nhí trong miệng mấy câu rồi lên ngựa. Còn gã họ Tiền vẫn trơ trơ như gỗ, bàn tay đạo sĩ Du Minh vẫn tê liệt. Nàng Trúc nói:

– Gã xử dụng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, thì là kẻ thù của Tống, Việt, tôi không thể tha cho gã được. Còn Du đạo sư cho rằng tà thuật, thì ắt người có phép phá. Tôi khỏi giải huyệt.

Thạch Ngọc ra lệnh cho binh sĩ cứu thương, đỡ gã họ Tiền xuống ngựa, rồi vẫy tay cho quân lên đường. Đoàn quân rầm rập vượt qua xe của Thân Trúc tiến về Bắc. Nhưng hai binh sĩ đỡ gã họ Tiền bỗng kêu ối một tiếng, rồi nhảy lên choi choi, phút chốc ngã lăn ra, miệng xùi bọt, mắt trợn ngược. Bốn đồng đội thấy vậy chạy lại đỡ chúng lên vai, vừa bước đi vài bước, thì đến lượt chúng hét lên, rồi ngã lăn ra.

Thạch Ngọc kinh hãi hướng Thân Trúc:

– Thân cô nương, phải chăng mấy người này bị cô nương phóng độc? Mong cô nương ban cho thuốc giải, tiểu tướng muôn vàn cảm tạ.

Thân Trúc mỉm cười lắc đầu:

– Thạch tướng quân đã nghĩ kỹ chưa, mà lại hỏi như vậy? Tướng quân nên biết rằng phái Tản-viên nhà tôi là phái võ ra đời đầu tiên của võ thuật Hoa-Việt, do một vị thánh sáng lập, đời đời lấy võ đạo thánh là tru diệt ma quỷ làm đầu, tuyệt đối cấm đùng chất độc, dù bôi lên ám khí, dù dùng tên. Có đâu tôi lại dùng độc tố hại người trước sư phụ tiên cô? Hai nữa tướng quân là người kinh lịch hẳn biết gã họ Tiền kia là cao thủ dư đảng bang Nhật-hồ, vừa rồi y dùng độc chưởng đánh tôi, tôi điểm huyệt y chứ đâu có đụng đến người y? Vì người y đầy chất độc, y lại bị tê liệt nên không kiềm chế được, để chất độc tràn ra ngoài da. Hai đồng đội vô tình đến đỡ y, mà bị độc tố truyền sang đến chết. Bốn người khác không biết, chạy lại đỡ đồng đội, lại cũng bị chất độc truyền sang đến bỏ mạng.

Đến đó nàng ngừng lại, vì sáu con ngựa của sáu người chết thấy chủ nằm dưới đất, chúng đến liến mồ hôi, cũng hí lên những tiếng thê thảm, rồi ngã vật ra, miệng xùi bọt.

Đám khinh kị tiền phong kinh hãi, người người đưa mắt nhìn nhau. Thạch Ngọc biết còn chần chờ thì những biến cố quái đản sẽ diển ra. Y cho quân vượt qua mấy xác chết để lên đường. Khi đoàn quân qua được ba phần tư, thì Thân Trúc cầm một chiếc pháo thăng thiên châm lửa, rồi tung lên cao. Chiếc pháo nổ đánh đùng một tiếng, toả ra ánh sáng mầu đỏ. Phút chốc có hàng nghìn tiếng gầm gừ, rồi bên trái một đội hổ, bên phải một đội báo từ trong rừng phóng ra xung vào hàng ngũ quân Tống. Đội quân đang mệt mỏi, kinh sợ, nay thấy hổ thì bỏ chạy, thế là đạo quân Thạch Ngọc bị cắt làm đôi.

Thạch Ngọc thấy hậu quân náo loạn chạy ngược về trước, y hỏi nguyên do, chúng chỉ kêu lên hổ, báo rồi xô đẩy nhau. Y quát tháo thế nào cũng không được. Y cùng đội võ sĩ chạy ngược về sau, để biết rõ tình hình, thì phía trước trống thúc nhịp nhàng, một đội quân dàn ra theo hình thước thợ. Đi đầu là một nữ tướng, ngồi trên bành voi, cạnh có lá cờ:

Côi-sơn công chúa Thanh-Nguyên.

Cạnh đó là một tướng trẻ hùng vĩ, với lá cờ:

Trấn-Bắc đại tướng quân, Tản-viên hầu, Tôn.

Một tham tướng hướng đạo nói nhỏ cho Thạch Ngọc:

– Đứa con gái xinh đẹp kia là con gái út Trần Tự-An chưởng môn phái Đông-a, tức em gái Kinh-Nam vương Tự-Mai. Y thị cũng là em vợ của Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ. Võ công y thị không cao như anh chị, nhưng mưu mẹo khó biết đâu mà lường. Còn gã con trai kia là chồng thị tên Tôn Mạnh, võ công bình thường, nhưng tài dụng binh thực không thua Tôn Ngô.

Thạch Ngọc tiến lên cung tay:

– Khải công chúa. Nhị huynh trưởng của công chúa hiện là phò mã Thiên-triều, tước tới Kinh-Nam vương, quan tới Thái-phó. Nay tiểu tướng thất lợi, mong công chúa cho mượn đường.

Thanh-Nguyên ngừng voi hỏi Thạch Ngọc:

– Thạch tướng quân đi đâu đây? Theo mật chỉ của Tống đế thì Ngũ-hổ tướng phái xuống lưỡng Quảng dẹp Nùng Trí-Cao, tại sao lại vào Đại-Việt cướp phá? Nể tình ca ca Tự-Mai với tỷ tỷ Huệ-Nhu, ta không làm khó dễ tướng quân, nhưng tướng quân phải theo ta đến ra mắt người, để người dùng luật Ưng-sơn mà phân xử vụ này.

Thạch-Ngọc hỏi:

– Khải công chúa, vương gia hiện ở đâu?

Thanh-Nguyên chỉ vào thành Khâm-châu:

– Hiện ca ca ta đang ở trỏng.

Đến đó hậu quân bị hổ, báo rượt ùn lại phía sau, lòng Thạch Ngọc rối như tơ vò. Y nhìn đoàn quân của Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh, dàn ra uy nghiêm, hùng khí ngút trời. Y than thầm:

– Không ngờ Đại-Việt mà cũng có loại quân hùng tráng thế này, ta mà thoát chết hôm nay, thì cũng là may mắn lắm.

Y cung tay:

– Vậy tiểu tướng xin vào thành Khâm yết kiến vương gia.

– Được, mời tướng quân.

Nàng cầm cờ phất, đoàn quân Việt mở ra hai bên đường. Thạch Ngọc vẫy quân tiến lên. Nhưng quân y vừa qua được một nửa, thì đội hổ, báo phía sau đã đuổi kịp. Một hồi tù và vang lên, đoàn quân của Tôn Mạnh xung vào cắt đứt đôi quân của Thạch Ngọc. Y quay lại tìm Thanh-Nguyên, thì voi đã mang bà đi khá xa. Biết mình bị trúng kế, nhưng vẫn không chịu khuất phục, y hỏi Tôn Mạnh:

– Quân hầu ! Công chúa đã hứa cho chúng tôi đi, sao nay lại nuốt lời?

Tôn Mạnh quát lên:

– Côi-sơn công chúa hứa với người, chứ ta là trấn Bắc đại tướng quân, ta phải bắt giết bọn xâm phạm lãnh thổ Đại-Việt.

Ông đánh ba tiếng trống, quân Việt tràn vào bao vây, tiếng loa vang vọng:

– Hàng thì sống. Chống thì hổ báo ăn thịt.

Từ lúc rời Tiên-yên, quân Tống mệt mỏi, đói khát, sợ ma, sợ quỷ, thì bị Bảo-Hòa dùng hư hư, thực thực làm cho tinh thần càng thêm căng thẳng. Rồi bị hổ báo cắt làm đôi. Bây giờ lại bị đánh ép hai mặt, chúng quẳng vũ khí hướng thành Khâm mà chạy.

Thạch Ngọc nhìn Tôn Mạnh chỉ huy quân tiến thoái, bao vây, chia cắt thì trong lòng nảy ra mối căm phẫn:

– Tên Giao-chỉ kia văn đã không bằng mình, võ lại càng thua xa, mà nay y làm khó dễ mình thế này, chẳng qua là binh của nó khỏe, lại luyện tập lâu ngày mà thành thiện chiến. Đã vậy ta giết nó, để cho bọn Giao-chỉ kinh hồn.

Y tung người lên cao, tay rút kiếm, tà tà đâm vào ngực Tôn Mạnh. Tôn-Mạnh đang chỉ huy quân, không phòng bị, khi thấy kiếm Thạch Ngọc tới sát người, ông mới giật mình, lộn xuống chân ngựa tránh. Thạch Ngọc đổi chiều kiếm hướng ngực ông. Ông lăn mình đi ba vòng tránh, tay rút kiếm chênh chếch đưa lên. Hai kiếm chạm nhau đến choảng một tiếng. Tôn Mạnh tung người dậy. Hai người quấn lấy nhau trong hai quả cầu bạc.

Trong khi đó quân Việt đã bắt gần hết quân Tống. Hai người đấu với nhau đến hơn trăm hiệp, thình lình một người thò tay ra bắt kiếm của Tôn Mạnh. Tôn Mạnh kinh hoảng nghĩ:

– Ai mà gan đến độ dám đưa tay bắt kiếm mình?

Ông lách kiếm định chặt tay người kia, thì tay người kia như con cá trạch đã đoạt mất kiếm của ông. Tay ông như bị tê dại, người ấy túm cổ áo tung ông lên cao, cho binh sĩ bắt. Bỗng bóng xanh thấp thoáng, ông cảm thấy một kình lực nhu hòa đẩy vào lưng, rồi người ông rơi xuống lưng ngựa mình như phi thân lên cỡi vậy. Ông nhìn lại, kẻ bắt kiếm mình là một mụ già, nhưng mặt hồng hào, tóc trắng như cước. Còn người mặc áo nho sĩ mầu xanh cứu mình, mặt dăn deo, lạnh lùng, đang đứng tần ngần nhìn ra biển như suy nghĩ gì.

Sau khi đối chưởng với nho sinh, mụ già tỏ ra khách khí:

– Các hạ là ai, mà lại xen vào chuyện của quan quân ? Chu Chiếu-Anh phái Hoa-sơn muốn được biết cao danh quý tính của các hạ.

Vừa lúc đó cánh quân của Thường-Kiệt đánh từ trước tới, bắt tay được với cánh quân Tôn Mạnh. Thường-Kiệt cho quân vây đám tướng sĩ Tống lại. Chàng thấy nho sinh, vội cung tay:

– Đệ tử Thường-Kiệt, xin tham kiến sư thúc. Vì giáp trụ trên người, đệ tử không thể hành đại lễ, mong sư thúc đại xá.

Nho sinh chỉ mặt mụ Chu Chiếu-Anh cười nhạt:

– Hoa-sơn nổi danh hiệp nghĩa nhất Trung-nguyên, nhờ danh tiếng của Hoa-sơn tứ lão, Hoa-sơn thất hùng. Mụ là người cầm đầu thất hùng, mà lại đánh trộm bậc tiểu bối ư? Đẹp mặt nhỉ!

Đạo-sĩ Du Minh bị Thân Trúc điểm huyệt, tay bị tê, nhưng sau hai giờ, huyệt tự giải. Y nói với Chu Chiếu-Anh:

– Đại sư tỷ, gã này không biết tung tích ra sao, nhưng gã rất nổi tiếng. Gã đã giết cả anh trai hoàng hậu Giao-chỉ, cháu tể tướng Giao-chỉ ở bến đò Bắc-ngạn. Cũng chính gã đánh nhau với Nam-Sơn lão nhân cứu mụ Thuần-Anh. Gần đây gã mới sát hại Tả hộ pháp bang Hoàng-Đế tại Quảng-châu.

Bang Hoàng-Đế nguyên là bang Nhật-hồ mới cải danh. Suốt bao năm bang chúng dùng Chu-sa độc chưởng, võ lâm Trung-nguyên dù chính, dù tà, mỗi khi nghe tên đều táng đởm kinh hồn. Hiện trong bang, võ công cao nhất là bang trưởng Đặng Đại-Bằng, rồi đến Tả, Hữu hộ pháp Phong Hoa, Hải-Thanh. Thế mà nho sinh này giết Phong Hoa, thì ắt võ công phải cao minh lắm.

Mụ Chu Chiếu-Anh nghe Du Minh nói, cũng muốn rút lui, nhưng sự thể không đừng, mụ nói cứng:

– Mụ già này mong tiên sinh hãy lui lại, chẳng nên can thiệp vào việc quan quân, e tai vạ khó tránh.

– Ta cũng muốn lui, nhưng mi đe dọa, thì ta lại không lui. Vậy nếu mi đối với ta được ba chưởng, thì ta lui ngay. Còn như…

Thình lình ông tung mình về sau, tay phát chưởng đánh lên đầu Du Minh. Du Minh kinh hãi vung tay lên đỡ, thì tay nho sinh như con cá trạch, đã điểm vào huyệt Đản-trung của y, rồi túm cổ áo y nhắc lên.

Chu Chiếu-Anh tuyệt không ngờ thầy đồ đang nói chuyện, rồi ra tay như sét nổ. Mụ vội phát chưởng tấn công vào ngực thầy đồ. Mụ hy vọng thầy phải thu tay về đỡ chưởng của mụ, Du Minh sẽ thoát nạn. Không ngờ thầy đồ chuyển tay một cái, đã đưa Du Minh ra đỡ thế tấn công của mụ, trong khi mụ đã nhả chưởng. Kinh hoàng mụ vội thu nội lực trở về. Thầy đồ phất tay một cái, kình lực của thầy, hợp với kình lực của mụ, thành ra mụ bị chính mình đánh mình. Mụ ọe một tiếng, miệng phun máu có vòi, rồi lùi lại, lảo đảo muốn ngã.

Thầy đồ cười nhạt, nói thực lớn:

– Ta tha cho mụ. Còn gã Du Minh này, gã mạ lỵ nước ta là Nam-man, ta phải giết gã.

Nói rồi ông tung Du Minh lên cao, tay phóng lên một chiêu chưởng. Bình một tiếng, Du Minh bị vỡ làm năm sáu mảnh, máu me, ruột gan tung toé trên mặt đất.

Xa xa, Thanh-Nguyên cùng đội voi đang trở lại. Thầy đồ nói với Thường-Kiệt:

– Ta không muốn gặp con nhỏ láu cá kia.

Thấp thoáng một cái, thầy đã phóng vào rừng mất.

Tôn Trọng cho thu nhặt vũ khí, bắt hơn vạn tù binh, hợp với hơn vạn tù binh do đạo quân của Hoàng Tích với bốn chị em Mai, Lan, Cúc, Trúc, thành hơn hai vạn.

Tất cả mặt trận: dùng xe Bảo-Hòa khủng bố tinh thần quân Tống, rồi cho Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh phục binh, cuối cùng lệnh cho Thường-Kiệt chặn đầu Thạch Ngọc hoàn toàn do Hoàng Tích chỉ huy. Ông luôn đi ẩn vào đội binh thú để điều khiển. Bây giờ ông mới xuất hiện, tiến ra tương kiến với các tướng.

Thanh-Nguyên cười khúc khích:

– Anh Hoàng Tích này, em tưởng anh chỉ là tướng chỉ huy chim ưng thôi, nào ngờ mưu kế thần diệu thực.

– Từ hôm Bắc-tiến, đây là lần đầu tiên cô cho anh xuất trận, nên phải

đánh sao coi được chứ?

Công chúa Bảo-Hòa mời Trần Trung-Đạo cùng chư tướng về tổng hành doanh. Bà xoa hai tay vào nhau:

– Bây giờ rút lại ta có ba mặt trận. Mặt Bắc của Lê Văn đối phó với Trương Trung, ta yên tâm, vì Trương Trung chỉ là tay sai của Kinh-Nam vương Tự-Mai. Ví dù Tự-Mai có tiến quân xuống, cũng không mặt mũi nào đánh nhau với Lê Văn. Tôi đã có cách liên lạc với sư bá Tự-An, nhờ người lên trấn ở núi Đại-dữu cùng đại sư huynh Phụ-Quốc phòng Tự-Mai.

Công chúa chỉ lên vùng Thường-sơn:

– Khó khăn là mặt này. Dư Tĩnh, Vương Hãn trấn ở đây. Tuy y bị Tôn Đản, Cẩm-Thi đánh hai trận nghiêng ngả, bị Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên cướp lương, mà chủ lực vẫn chưa tan. Nhưng dù sao ta cũng không đáng lo, vì cặp Cẩm-Thi, Tôn Đản võ công cao, dùng binh giỏi, lại cực kỳ cẩn trọng. Quá lắm thì hòa, chứ không thể thua.

Chư tướng đều đồng ý với công chúa. Công chúa tiếp:

– Bây giờ điểm lại mặt Nam chúng còn ba nơi. Một là Trương Ngọc, Tô Giàm, Tiêu Chú chỉ huy năm vạn quân đang đánh nhau với Thiệu-Cực, Kim-Thành, Thuận-Tông, Trí-Cao, Thuần-Anh, Thuần-Khanh ở Quảng-châu. Ta liệu với tài sư huynh Bảo-Dân, với anh Thiệu-Cực đủ sức đối phó với chúng. Ta không lo.

Bà chỉ tay vào thành Khâm-châu:

– Hai là thành Khâm-châu, trong có Tôn Tiết, Lý Nghĩa, Thạch Ngọc, quân số tới hai vạn bộ, một vạn kị. Tinh lực tuy còn, dù bị bao vây, lương thiếu, tinh thần tan rã, nhưng không phải dễ phá. Ba là đạo quân của Địch Thanh, với ba vạn quân nữa. Nhưng quân của Địch bị trúng độc, ta càng không lo.

Bà truyền lệnh cho Thường-Kiệt, Đình-Huy:

– Hai con mau trao quân cho Tôn-Mạnh, rút về bờ biển, xuống thuyền của bang Đông-hải, Hồng-hà, Đường-lang, rồi kéo buồm ra khơi. Như vậy đạo quân của Địch Thanh với Tôn Tiết mới bắt tay với nhau. Ta sẽ phá một lúc cho tiện.

Thân Mai hỏi:

– Sư phụ, con nghe dù binh pháp công chúa Thánh-Thiên, Tôn Võ, Ngô Khởi thì đại phàm giặc đông ta phải chia cắt ra mới dễ diệt. Nay sao sư phụ lại cho hai đạo binh hợp với nhau, như vậy chẳng hóa ra ta chắp cánh cho hổ ư?

– Con biết một mà không biết hai. Quân của Tiết đang thiếu lương. Quân của Thanh lại mang theo nhiều lương có thuốc độc. Nay cho quân Thanh với Tiết hợp nhau, ắt Thanh đem lương độc cho quân Tiết. Quân Tiết đang bị vây mất tinh thần, lòng kinh hoảng. Quân Thanh trúng độc đang bải hoải cho rằng bị thần linh Đại-Việt phạt. Hai quân hợp nhau, cái kinh hoảng của quân Tiết lan sang quân Thanh. Ngược lại lương độc quân Thanh cho quân Tiết. Quân hoảng loạn, bệnh tật; càng đông, càng dễ phá.

Công chúa cầm bút viết lệnh cho thái phó Dương Bình:

” Cho quân nghỉ ban ngày, đêm nay Địch-Thanh về tới Như-hồng thì chia nhau làm cho chúng mệt mỏi. Tuyệt đối không vượt biên sang Quảng-Tây”.

Lại trao binh phù cho Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh:

– Hai em rút tất cả binh sĩ thuộc quyền xuống chiến thuyền của bang Hồng-hà, Đông-hải, Đường-lang rồi dàn ra đóng ngoài khơi biển Khâm-châu, ngày đêm đánh trống reo hò, làm mất tinh thần quân Tống. Sẵn sàng đổ bộ khi có lệnh.

Thanh-Nguyên hỏi:

– Nếu như có thủy quân Tống đến thì em sẽ phản ứng ra sao?

– Rút chạy về Đồn-sơn. Nếu chúng đuổi theo, Đoàn Thông sẽ dùng hạm đội Động-đình phá chúng trên biển Đại-Việt. Ta sẽ có cớ nói chuyện với Tống.

Bà trao binh phù cho Trần Trung-Đạo:

– Sư huynh với Thân Mai đem bản bộ quân mã, cùng với đội hổ, báo, sói, voi phục tại biên giới Như-hồng. Khi thấy Địch Thanh rút quân ra một nửa, thì cho hai đội kỵ binh cầm cờ ngũ hành phi xa xa, đánh trống reo hò. Nếu chúng tấn công thì bỏ chạy ra xa như rẻ quạt. Nếu chúng bỏ chạy thì đánh cắt phía sau chúng.

Bà trao binh phù cho Phạm Đình-Huy:

– Con với Thân Lan mang ba nghìn quân với đội hổ, báo, sói, voi phục ở Hoa-thạch. Địch Thanh bị sư bá Trần Trung-Đạo đánh, khi về tới Hoa-thạch, chúng sẽ ngừng lại nấu ăn. Con đợi cho chúng nấu ăn xong, thì đánh trống, dùng xe bắn đá với đội thú tấn công. Khi thấy chúng bỏ chạy, thì đừng đuổi theo.

Đình-Huy cung tay:

— Khải tiên cô, võ công của con rất bình thường, xin tiên cô viện cho một cao thủ.

– Con yên tâm, ta nhờ vua bà Bình-Dương. Vua Bà sẽ ở cạnh con.

Bà đứng dậy cung tay nói với đại sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử:

– Xin Quốc-sư với sư thúc theo giúp Thường-Kiệt, Thân Cúc, Thân Trúc đem quân phục ở Tây thành Khâm-châu. Đợi khi Địch Thanh, Tôn Tiết bắt tay được với nhau một ngày, lúc Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh cùng ba bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải đổ bộ giao chiến với giặc, thì tung quân đánh phía sau.

Công chúa cầm bút viết thư cho Trí-Cao:

” Sư phụ có lệnh. Con đem tất cả xe bắn đá, thú rừng phục ở Võ-lợi. Đợi khi Địch Thanh rút về đó thì đổ ra đánh. Dù chúng bỏ chạy cũng phải đuổi đến cùng. Con cho một đội binh phục ở Côn-luân-phố. Địch Thanh chạy tới đây, phải đánh tan quân của chúng. Nhớ lúc nào cũng phải đem sư bá Bảo-Dân theo”.

Bà bảo Hoàng Tích:

– Em với chị sẽ tham gia mọi mặt trận. Em đem theo ba đội hổ, báo, sói để chị dùng vào việc riêng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN