Ông Cố Vấn - Tháng Tám Đức Mẹ Lên Trời
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Ông Cố Vấn


Tháng Tám Đức Mẹ Lên Trời



1.

Tám tháng trôi qua kể từ ngày Hai Long bị bắt.

Cuộc sống giam cầm ở trại Tòa Khâm vẫn tiếp tục như ngày anh mới tới. Những buổi học tập. Những ngày phản tỉnh. Những cuộc truy bức. Người mới đến. Người ra đi. Ở mặt trận có thề nhận ngay ra người dũng cám, kẻ khiếp nhược. Trong cuộc đấu tranh ở đây, người xấu, người tốt; cái giả, cái thật rất khó phân biệt. Người tự bộc lộ là kiên định vững vàng có thể lại là một tên khiêu khích, tay sai của địch. Người tỏ ra cam chịu, quy phục có thể lại dang nung nấu một tinh thần bất khuất, một ý chí phục thù. Ở mỗi con người là sự biến động hàng ngày, hàng giờ. Hôm trước còn trung thành, hôm sau trở thành phản bội. Hôm trước sa ngã, hôm sau đã hối hận, muốn chuộc lại lỗi lầm. Bề ngoài, mọi người đều lặng lẽ. Nhưng bên trong đầy sóng gió. Không ai tin ai. Giá của sự tin người nhiều khi quá đắt. Mỗi người tự tạo cho mình một cái vỏ bọc. Càng kín càng hay. Không ai biết ngày mai ra sao. Và tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ.

Đối với Hai Long, nhiều người tỏ ra dè dặt. Từ khi vào trại, anh vẫn dọc kinh mỗi ngày ba lần, kiêng ăn thịt ngày thứ sáu. Anh dã đề nghị với trại trưởng Lê Văn Dư, và được hắn chấp thuận, hàng tuần đi lễ ở nhà thờ một lần. Mỗi sáng chủ nhật, tên nhân viên an ninh dẫn anh tới nhà thờ Françisco cách trại giam khoảng 1 km. Anh cắm đầu đi không nhìn ngang nhìn ngửa. Vào đến nhà thờ, đôi mắt ít khi rời tượng Chúa, anh lầm rầm cầu nguyện, có lúc đọc kinh khá to.

Những việc làm kiên trì này dần dần tạo cho anh một cái thế mới: nhiều người không chú ý tới anh nữa, coi anh là kẻ đã phó thác tâm hồn nơi Chúa, không màng tới việc đời. Cả những tên nhân viên an ninh cũng lơ là với anh. Người ta nói với nhau mọi chuyện, không bận tâm đến sự có mặt của anh. Bọn an ninh trả lời những câu hỏi ngây thơ của anh, phần lớn dính đến việc đạo một cách không dè dặt. Hai Long đã tìm hiểu được một số điều cần thiết. Linh mục Hồng ở nhà thờ Françisco hiện nay, vốn trước đây là đệ tử của cha Lê. Ông Cậu là người ngoan đạo, nhưng không mấy khi đến nhà thờ, vì có nhà nguyện riêng. Linh mục Hồng thường tới làm lễ một tuần ba lần, tại nhà nguyện của gia đình họ Ngô. Linh mục là cha đỡ đầu của ông Cậu. Giáo dân ở Huế kính trọng cha Hồng, ca ngợi cha là người chân tu. Ông Cậu tuy nổi tiếng tham lam, tàn ác, nhưng lại là một đứa con hiếu thảo, chú ý chăm nom mẹ già, khi vào vấn an mẹ bao giờ cũng mặc áo dài. Bà cụ cố đã ngoài 80, mặc dù không thiếu thuốc thang gì, vẫn nằm ốm liệt giường nhiều năm nay.

Mỗi lần tới nhà thờ, Hai Long cố tìm cách giáp mặt cha Hồng, cúi đầu chào cung kính rồi đi. Cha Hồng bắt đầu chú ý đến anh khi nhận thấy người con chiên lạ mặt có một nhân viên an ninh đi kèm. Như vậy, hắn là người có tội. Mà chắc không phải gì khác, ngoài tội làm cộng sản, làm cách mạng. Được giáo dân kính trọng là điều khiến cha vui lòng. Giờ lại được một giáo dân có liên quan đến cộng sản, đến cách mạng tỏ ra rất mực kính trọng mình, cha càng vui hơn. Giờ đây, cha đã có thể nhận ra người giáo dân nhỏ bé đó giữa đám đông, và bắt đầu nhìn anh với dôi mắt mang đầy tình thương của Chúa.

Sau buổi lễ chủ nhật đầu tiên của tháng 8, Hai Long tìm cha trợ tế, rụt rè nhờ cha chuyển lời đề nghị xin gặp linh mực Hồng. Anh nói thêm trước đây mình là giáo dân Phát Diệm.

Khi được đưa tới gặp cha Hồng, anh chắp tay chào cha rồi nói:

– Con là một con chiên có trọng tội. Con muốn làm một việc để chuộc lại lỗi lầm. Ngày trinh nữ Ma-ri-a[1] hồn và xác lên trời sắp tới, Giáo hoàng đã dạy các tín đồ mỗi người phải làm một việc thiện, con xin cha gia ơn cho con gặp cha trước tòa giải tội, để được cha là người thay mặt Chúa biết tới điều con nghĩ và việc con làm.

Vẻ mặt đau khổ của Hai Long khiến cha Hồng mủi lòng. Cha cũng nghĩ người con chiên cộng sản này sẽ nói với mình điều gì dó rất quan trọng. Cha chấp thuận lời thỉnh cầu và hẹn Hai Long ngày đến xưng tội.

2.

Trước tòa giải tội, Hai Long gục đầu khóc lóc, vật vã hồi lâu. Cha Hồng phái an ủi:

– Mọi việc đều do ý Chúa, con hãy bình tâm, có điều gì hãy nói cho cha nghe.

Hai Long lấy khăn tay quệt nước mắt, rồi sụt sùi trình với cha:

– Con là một giáo dân nguyện suốt đời dốc lòng thờ Chúa, hiến mình cho giáo hội mà Chúa chẳng xét công, Chúa chẳng cứu giúp, khiến con bị hàm oan. Vì quá đau khổ, con đã oán Chúa; con đã quên cả bổn phận. Con biết oán Chúa là một trọng tội nên rất ăn năn, càng ăn nàn con càng đau khổ…

Cha Hồng nghiêm khắc nói:

– Con đã quên là phải dốc lòng thờ Chúa trên hết mọi sự!

– Trình cha, con đã quên. Xin cha hết lòng giải tội cho con.

Cha Hồng lầm rầm đọc một hồi kinh xin Chúa tha tội cho dứa con chiên của Chúa đã phạm sai lầm. Rồi cha nói:

– Oán Chúa là tội rất trọng. Cha dã xin Chúa cho con, nhưng con phải đọc kinh ăn năn tội lỗi mỗi ngày một lần trong một tuần thì mới được giải tội. Giờ con nói cho cha biết vì sao con bị hàm oan?

– Trình cha, con là con chiên gốc đạo. Con đã tham gia lực lượng Tổng bộ tự vệ Phát Diệm để hiến thân bảo vệ giáo hội. Từ đó tới nay, con vẫn dốc lòng phò trợ Đức cha Lê, chăm lo cho lực lượng của tự vệ Công giáo Phát Diệm. Theo sắc lệnh của đương kim tổng thống Ngô Đình Diệm, thể theo ý kiến cầu hòa của tổng thống, tự vệ Công giáo đã tìm về với Đức cha Lê đông tới hàng vạn để tăng cường thêm lực lượng giáo dân chống Cộng, tăng cường thêm sức mạnh quốc gia. Bỗng dưng, con bị ông cố vấn Ngô Đình Cẩn cho người vào Sài Gòn bắt về đây, giam cầm ở trại Tòa Khâm, vu cho con là phần tử bị Cộng sản xúi giục. Con đã khai rõ tình đầu, nhưng người của ông cố vấn vẫn tiếp tục giam cầm, quản thúc con! Tại sao con cũng như gia đình Ngô tổng thống đều là con cái của Chúa, mà con lại phải chịu sự bất công này? Có khác chi thực dân Pháp quản thúc ông Phan Bội Châu thời Pháp thuộc…?

Cha Hồng lắng nghe lộ vẻ phân vân. Cha biết có sự bất hòa giữa gia đình họ Ngô với cha Lê, trong khi đôi bên tranh chấp, việc bắt bớ như thế này dễ xảy ra. Cha vốn là đệ tử của cha Lê, nhưng ngày nay đang làm việc với nhà họ Ngô, và dược ông Cậu rất tin yêu. Có nên vì bênh vực cho người con chiên này mà khiến ông Út phải khó chịu? Và cũng chưa biết rõ người đang ở trước mặt mình có đúng là giáo dân Phát Diệm hay không? Cộng sản thiếu gì mưu kế…

Biết cha Hồng vẫn còn nghi hoặc, Hai Long rút trong người ra cuốn Kinh thánh, dâng lên cha:

– Con có chút kỷ vật quý này không tiện giữ tại nơi giam cầm, con nhờ cha giữ giúp con, ngày nào được tự do, con sẽ lại đây xin cha.

Cha Hồng đỡ lấy cuốn kinh. Thấy tấm hình kẹp trong đó, cha rút ra xem. Mặt cha tươi lên. Trong tấm hình có người giáo dân dang ngồi trước mặt, đứng bên cha Lê, giám mục địa phận Phát Diệm, và ông giám mục Pháp Cassaigne mà cha rất quen biết, ngoài ra còn bốn sĩ quan Pháp chắc thuộc loại cao cấp. Cha ngó người giáo dân, anh ta có già hơn trong ảnh, nhưng vầng trán cao, đôi mắt có đuôi, mũi nở, cái miệng rộng và vóc người bé nhỏ này, không thề là ai ngoài người trong ảnh. Cha thong thả lật tờ bìa cuốn Kinh thánh, và lại mở to mắt. Cuốn Kinh thánh này do chính giám mục Cassaigne ký tặng anh ta. Như vậy anh ta không phải là một anh tự vệ tầm thường trong Tổng bộ tự vệ Phát Diệm…

– Trước ngày bị bắt, con có thường gặp Đức cha Lê không?

– Con là phụ tá của Đức cha.

– Đức cha đã hay tin con bị bắt chưa?

– Con bị các ông bắt trên đường đi làm việc. Không ai biết hiện giờ con ở đâu! Con không được phép gửi thư từ cho bất cứ ai.

– Con có cần cha tin cho Đức cha hay không? – Cha Hồng hỏi với vẻ băn khoăn.

– Xin cha chớ làm, con e chưa có lợi… Thực tình, con chỉ mong có sự hòa hợp trong tất cả giáo dân, như vậy mới có lợi cho chính nghĩa quốc gia. Con chỉ xin cha giúp con cầu nguyện Chúa phán xét công bằng.

Những đường dây thần kinh giần giật trên má cha Hồng, cha vừa cảm động vừa thương hại người con chiên ngoan đạo. Cha biết rõ việc đời không thề chỉ giải quyết bằng những lời cầu nguyện. Lương tri của cha bị kích thích:

– Cha không e ngại làm việc này.

– Con rất biết ơn tấm lòng nhân hậu quên mình của cha. Nhưng con thấy chưa nên. Con chi mong cha thăm dò thái độ ông Út đối với Đức cha Lê thế nào? Nếu tình thân giữa hai nhà khi xưa chưa hết, thì là phúc lớn cho giáo hội… Khi nào thuận tiện có việc cần đến, con sẽ xin cha giúp con.

Hai Long xin phép lại viếng bàn thờ Chúa rồi ra về.

Cha Hồng tiễn Hai Long ra đến tận cửa nhà Dòng Chúa cứu thế, và an ủi anh trước khi chia tay:

– Chúa thử thách đấy! Con cứ cầu nguyện, chịu nhẫn nhục, chớ hờn giận Chúa, Chúa trông lại và thưởng công cho gấp ngàn lần khi xưa…

3.

Trại trưởng Lê Văn Dư năng đi lễ nhà thờ. Chính y đã tán đồng cho những trại viên có đạo hàng tuần tới nhà thờ đề làm bổn phận của con chiên đối với Chúa.

Y kém hiểu biết về chính trị và càng không hiểu tâm lý những người kháng chiến, cộng sản nên mọi việc cải huấn đều trao cho Vượng. Đã nhiều lần Vượng được lên gặp ông Cậu để trình bày những kế hoạch của hắn. Mặc dù Vượng rất khéo léo, luôn luôn báo cáo, xin ý kiến, coi Dư là cấp trên, là người có quyền quyết định, nhưng Dư vẫn không vui. Dư lo cứ đà này, một ngày kia Vượng sẽ vượt qua đầu mình.

Y không hiểu có chuyện gì mà Hai Long lại cứ xin gặp mình, không chịu trình bày với Vượng. Hắn cảm thấy mình trở nên quan trọng. Hắn đón tiếp Hai Long ở phòng khách với trà ngon và thuốc lá thơm.

– Thưa ông trại trưởng – Hai Long mở đầu – tôi thiết tha xin được gặp ông, vì lời thỉnh cầu của tôi bữa nay chỉ có thể nói với ông mà không thể nói với người khác.

Mặt Dư đỏ lên.

– Các ông ấy là người không có dạo, mà việc tôi sắp nói thì chỉ những người con chiên của Chúa mới biết.

– Tôi đã rõ anh là người ngoan đạo.

– Nhân ngày Trinh nữ Ma-ri-a hồn và xác lên Trời, tôi muốn làm một việc thiện cho giáo hội, cho quốc gia, tôi đã xin ý kiến cha Hồng, cha nói rất nên, nhưng việc này muốn làm được, phải có sự giúp đỡ trực tiếp của ông.

– Rứa là tốt… Anh cần tôi giúp chi?

– Tôi có những điều tâm huyết chưa hề nói với ai, vì có quan hệ tới vận mệnh quốc gia, chỉ có thề trình với ông và nhờ ông chuyển tới ông Cậu. Chỉ với người tâm phúc, người trong gia dình của ông Cậu như ông, tôi mới dám nhờ cậy.

– Không khó khăn chi? Tôi ra vô nhà ông Út thường mà!

Mắt Dư sáng lên, chờ đợi. Y đã đánh hơi thấy việc này có thể nâng cao uy tín của mình trước ông Cậu.

Hai Long ngồi xoắn những ngón tay vào nhau, vẻ phân vân.

– Với tinh thần “tử vì đạo” tôi mới dám làm việc này. Tôi muốn trình với ông Cậu những điều hiện đang gây bất lợi cho chế độ cộng hòa, những kẻ dang phá hoại chế độ cộng hòa…

– Tốt lắm chớ! – Dư khuyến khích – Đừng lo chi. Ông Út đã có chính sách. Ông cầu người hiền như người khát nước mà!

Dư có vẻ khoái chí vì vừa nói được một câu hay.

Hai Long vẫn tiếp tục xoắn những ngón tay.

– Tôi đã nung nấu suốt mấy ngày nay mới trình bày với ông… Chúa vì nói sự thật mà bị bọn vua quan He-rô-đê[2] bắt bớ, tra tấn cực hình, đóng đinh lên cây Thánh giá cùng với bọn cướp của giết người!

– Ông Cậu rất biết điều hay điều dở. Và còn có tôi, anh chớ lo… Nhân ngày Đức Bà lên Trời, mình mần điều thiện thì tốt chớ? Mình là con chiên của Chúa mà!…

Dư như người ăn phải bả, xoắn xít dùng những lời lẽ nghèo nàn và vụng về tiếp tục động viên, khuyến khích Hai Long. Anh ngập ngừng rồi nói:

– Nghe lời ông, tôi đã yên lòng. Trọn ngày mai, tôi sẽ ăn chay, đọc kinh, lần hạt rồi vào nhà thờ, về sẽ bắt đầu viết đưa ông để chuyển lên ông Cậu…

– Tôi sẽ trình lên ngay. Cầu Chúa phù hộ cho anh.

Dư cực kỳ vui vẻ, siết chặt tay Hai Long như chỉ sợ cơ may tuột khỏi tay mình.

4.

Tờ trình cửa Hai Long gồm một phần mở đầu vẽ lên tình hình tươi sáng của Việt Nam cộng hòa từ sau ngày Ngô chí sĩ lên cầm quyền, và những viễn cảnh còn bội phần tốt đẹp hơn, nếu như loại trừ dược những trở ngại trên con đường tiến lên của chế độ.

Phần sau, và là phần chủ yếu, bắt đầu bằng câu: “Đáng tiếc thay là có những nguy cơ ở ngay trong lòng chế độ, đe dọa những nhà lãnh đạo Việt Nam cộng hòa, cũng là đe dọa chế độ mà Ngô tổng thống đã dày công vun đắp…”

Những nguy cơ đó được trình bày thành 4 điểm chủ yếu:

Nguy cơ thứ nhất, là những lực lượng thân Pháp còn nằm ngay trong quân đội quốc gia, trong guồng máy hành chính, và nhất là trong các tôn giáo, đảng phái quốc gia.

Nguy cơ thứ hai, do chính Mỹ tạo nên, gây áp lực với chính quyền bằng những con bài của Mỹ, như bọn Phan Quang Đán và nhóm đối lập.

Nguy cơ thứ ba, là những phần tử trong quân đội, trong quốc hội bất mãn với gia dình của Ngô tổng thống, như bọn Trần Văn Lắm, Đỗ Mậu, Lê Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Châu.

Nguy cơ thứ tư, là thái độ lãnh đạm của Vatican, thái độ lạnh nhạt bất hợp tác của giám mục địa phận Sài Gòn và giáo dân gốc Nam cũng như của Khâm sứ Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn đối với cá nhân Ngô tổng thống.

Tiếp theo là một đoạn phân tích bốn nguy cơ này ngày càng lớn, đe dọa trực tiếp chế độ trong khi nguy cơ thứ năm (sẽ trình bày kỹ khi có dịp) là Cộng sản hãy còn xa.

Tờ trình được kết thúc với đoạn sau đây: “Những điều trình bày trên dựa vào những ý kiến mà tác giả đã lĩnh hội được ở Đức cha Lê, và những cuộc tiếp xúc riêng của cá nhân tác giả với khối Công giáo và một số phần tử đối lập bất mãn. Tình hình này nếư cứ để phát triển chắc chắn sẽ dẫn tới nguy cơ của một cuộc chính biến vô cùng nguy hại cho vận mệnh Quốc gia. Nhân ngày Trinh nữ Ma-ri-a hồn và xác lên Trời, với ý nguyện của một con chiên của Chúa mong làm điều thiện, xin mạo muội trình lên Ngài cố vấn chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn. Kính bút”.

Sáng ngày 15-8, Hai Long lên nhà lầu đưa cho Lê Văn Dư tờ trình. Buổi chiều, anh thấy Lê Văn Dư tóc chải bóng mượt, lái chiếc xe du lịch Peugeot ra khỏi trại Tòa Khâm.

5.

Hai Long biết tình trạng giam cầm kéo dài sẽ chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành.

Kẻ địch chưa đụng tới anh, nhưng anh vẫn ở vào một tình thế rất chênh vênh. Những sự đối phó của anh cho tới nay vẫn chỉ có tác dụng kéo dài thời gian. Địch sẽ không buông tha anh chừng nào chúng chưa xác minh được toàn bộ những lời khai của anh.

Hệ thống ngụy trang của anh được chuẩn bị khá chu đáo nhưng với sự xuất hiện của tên Tá đen phản bội, đã tạo ra nhiều sự đe dọa. Anh có những giấy tờ hợp pháp là người ở Hà Nội từ năm 1952. Tấm ảnh ố vàng có hình anh chụp chung với giám mục Lê và giám mục Cassaigne, là một chứng minh hùng hồn mối quan hệ lâu ngày của anh với cha Lê, nhưng thực ra tấm ảnh được chụp vào cuối năm 1954, khi anh cùng một đơn vị lê dương[3] Pháp làm nhiệm vụ giúp đỡ giáo dân di cư ở Hải Phòng. Thời điểm này dễ bị địch nghi, vì ta đã đưa nhiều cán bộ vào Nam công tác trong dịp đó. Cha Lê cùng chụp ảnh với anh, nhưng chưa phải đã quen biết anh. Anh có giấy chứng nhận là cựu chiến sĩ tự vệ Phát Diệm, nhưng anh chỉ mới về làm việc tại Tổng bộ từ 2 năm nay. Cha Hoàng hoàn toàn không biết anh đã ở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã tham gia Đảng Cộng sản. Bọn mật vụ của Ngô Đình Càn còn dùng dằng chưa trực tiếp kiểm tra những vấn đề này vì mối quan hệ bất hòa giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với cha Lê, và nhất là cha Hoàng. Nhưng không phải chúng không thể làm việc này. Chính quyền Diệm và khối Công giáo Phát Diệm có những mâu thuẫn sâu sắc, nhưng lại rất thống nhất với nhau trong chủ trương triệt để chống Cộng. Nếu chúng tới nhà thờ Bình An, mọi chuyện sẽ vỡ lở và đối với anh, sẽ là một kết thúc bi thảm.

Dương Văn Hiếu vẫn ở Sài Gòn, đặc biệt là Tá đen rất cay cú vì vụ này, chúng sẽ cố tìm ra sự thật.

Riêng tại đây, điều Cầu đã nói với anh, nếu chúng không coi anh là Cộng sản, thì việc anh từ Pháp về, lại quan hệ chặt chẽ với các linh mục Phát Diệm, cũng đủ trở thành một đối tượng nguy hiểm buộc chúng phải trừng trị hoặc đề phòng. Không thiếu gì cha cố di cư đã bị chính quyền Diệm bắt giam hoặc đầy đi những vùng hẻo lánh. Anh không dễ dàng gì được chúng thả về. Riêng với Cầu, anh đã phạm một sai lầm không thể tha thứ, anh đã hỏi Cầu về khả năng liên lạc với anh Mười. Sau khi buột miệng nói câu này, anh hết sức hối hận. Đến lúc Cầu bị bắt thì điều này thực sự trở thành một mối lo. Nếu Cầu không chịu được tra tấn, mối quan hệ giữa anh với anh Mười sẽ bại lộ. Lại còn những người bạn của Cầu? Những người đã nghi anh tố giác kế hoạch bỏ trốn của họ, và quyết định thủ tiêu anh để trừ “hậu họa”! Anh đã khéo léo giải quyết vụ này. Họ đã hiểu và tỏ ra có cảm tình với anh. Nhưng như vậy cũng thêm phức tạp khi anh đang cần phải giấu thật kín tung tích…

Điều cần làm bây giờ là phải ngăn không để cho bọn chúng tới nhà thờ Bình An.

Nếu cha Lê lên tiếng, anh là con cái của cha, thì sẽ giải tỏa được sự nghi ngờ của chúng, và chúng sẽ thôi không làm việc đó. Nhưng khi tới làm việc với Tổng bộ Phát Diệm, anh thường tiếp xúc với cha Hoàng ở Bình An, cha Lê còn chưa biết anh. Cha Hoàng rất yêu anh. Nếu cho cha hay tin anh bị người của Cẩn bắt, chắc chắn sẽ đề nghị cha Lê can thiệp. Anh em nhà họ Ngô rất e ngại nhưng vẫn phải trọng nể cha Lê. Nếu cha Lê đứng ra xin, anh sẽ có nhiều khả năng được Cẩn thả. Nhưng cha Lê là người rất cao ngạo, không chịu xin xỏ, quỵ lụy người khác, nhất là lại với anh em nhà họ Ngô! Trước lời đề nghị khẩn thiết của cha Hoàng, cha Lê có thể sẽ viết vài lời phản kháng người của Cẩn đã vô cớ bắt người của Phát Diệm. Vào trường hợp này, bọn Hiếu, Vượng sẽ buộc phải trình bày lý do vì sao chúng đã bắt anh. Như vậy khác gì “lạy ông tôi ở bụi này!”. Bọn Hiếu, Vượng sẽ nhanh chóng tìm ra sự thật, không những lập công với Cẩn mà còn lập công cả với Phát Diệm!

Những lời dặn dò của anh Mười bữa trước qua người đưa cơm đã vạch cho anh phương hướng đối phó trong tình hình hiện nay Anh Mười đã nhắc anh, phải cố bảo vệ thế hợp pháp đã có (Quần áo cũ còn tốt, cố giữ mà mặc). Anh Mười còn nói: phải cố tìm cách khai thác những mâu thuẫn của kẻ địch mà tiến lên (Chú ý thời tiết nóng, lạnh thì khỏe thôi!). Anh Mười thường bàn bạc với Hai Long về vấn đề thứ hai này, vì Hai Long được trao nhiệm vụ “chui sâu, leo cao”. Nhưng thời gian qua, nhiệm vụ của anh vẫn còn là ẩn nhẫn đợi thời. Trung tâm đã tiên liệu sẽ có ngày Mỹ phải sử dụng tới những con bài chống Cộng triệt để này trong lực lượng Công giáo. Nhưng ngày đó còn chưa tới. Bây giờ anh Mười lại nhắc vấn đề này. Với Hai Long, nó đã trở thành một chỉ thị mới. Anh hiểu là mình không còn ở thời kỳ ẩn náu nữa, vì trong thực tế anh đã rơi vào tay kẻ địch. Chỉ có tiến hành một cuộc dấu tranh hết sức khôn khéo, anh mới có thể thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Anh sẽ không dừng lại ở chỗ thoát hiềm, mà phải từ đó để đi lên.

Hai Long đã nghĩ đến một lối thoát, theo anh là duy nhất trong tình hình này: phải lợi dụng sự bất hòa giữa cha Lê với gia đình họ Ngô, tận dụng điều anh đã biết: họ Ngô đang rất muốn cầu hòa với cha Lê. Chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng cô lập, đang cần có sự ủng hộ của khối giáo dân di cư. Những người vốn trước đây chống đối chế độ quyết liệt bây giờ quay lại, đổi với gia đình họ Ngô sẽ quý hơn vàng, vì họ sẽ làm gương cho những kẻ khác. Ngược lại, phía Phát Diệm như anh hiểu, cũng không phải không cần sự trọng nể của những người đang cầm quyền, đề phục hồi uy tín đã sứt mẻ và thực hiện những mưu đồ riêng tư của họ. Cả đôi bên đang rất cần một cây cầu để vượt qua con sông ngăn cách đã lâu ngày… Họ sẽ không bỏ qua mình nếu thấy mình có khả năng đáp ứng sự mong đợi đó. Mình sẽ là người bắc cây cầu trên con sông ngăn cách, và cũng sẽ giữ hai lực lượng đó ở hai đầu cầu. Nếu làm được việc này, mình không chỉ thoát cảnh giam cầm mà còn hy vọng đi xa hơn nữa…

Sau nhiều đêm trăn trở, Hai Long đã tính đến một nước cờ mạo hiềm. Nước cờ này sẽ phức tạp. Nó phải bắt đầu từ Ngô Đình Cần, kẻ đang cầm giữ anh. Nhưng làm cách nào để tiếp cận được Cẩn, trong lúc anh đang là một kẻ bị cầm tù? Những ngày ở trại Tòa Khâm đã giúp anh hiểu thêm về cậu Út trong gia dình họ Ngô. Cẩn không chỉ là một tên thất học, tàn bạo, tham lam. Hắn còn là một kẻ hiểm độc và nhiều tham vọng. Cẩn đã biết xây hàng loạt những căn hầm bí mật chôn sống những người cách mạng trung kiên. Nhưng hắn cũng biết dùng Dương Văn Hiếu, Lê Vượng…, biết bày trò “cải huấn” dụ dỗ những người bị bắt thành những tên tay sai chống phá cách mạng rất nguy hiẩm. Cần ắt cần phải biết đến những điều quan trọng có liên quan đến vận mệnh chế độ gia đình trị của anh em hắn. Anh đã nhân ngày Đức Mẹ lên Trời, mượn tục lệ của giáo dân, viết một tờ trình nhờ Lê Văn Dư chuyển cho Cẩn. Trong tờ trình này có hai miếng mồi. Miếng mồi lớn, công khai được bày ra từ trang đầu đến trang cuối, anh là một người rất am hiểu mọi mưu mô, ý đồ của những phe nhóm chống đối đang de dọa lật chìm chế độ. Anh dã có một thời gian dài hoạt động trong các đoàn thể tôn giáo và những phe nhóm đối lập, nên tin rằng không cứ gì Cẩn ở xa, mà ngay đến Nhu ở Sài Gòn, với tác phong quan liêu và cách làm việc đơn độc của y, cũng không nắm được những điều mà anh đã biết. Miếng mồi thứ hai, nhỏ hơn, được cài thấp thoáng qua các kẽ dòng, đủ để Cẩn nhìn thấy, anh là một người thân tín của cha Lê. Miếng mồi thứ hai này thực ra không kém phần quan trọng, và chính anh lại đặt vào nó nhiều hy vọng.

Anh cũng thấy cần lợi dụng cha Hồng, người có chút ân tình với cha Lê, đồng thời lại là người gần gũi, đang có ảnh hưởng trực tiếp với Cẩn. Nhưng anh muốn cha Hồng sẽ xuất hiện đúng lúc. Trước mắt, chỉ cần nhờ cha thăm dò thái độ của Cẩn đối với cha Lê. Ngay cả với cha Lê, người anh đang mượn thế đề thu hút sự chú ý của Cẩn, anh thấy mình cũng chưa nên vội vàng. Anh chỉ xúc tiến những liên lạc với cha Lê khi đã bám được Cẩn, đã có một vị trí mới trong gia đình họ Ngô.

Những ngày đầu sau khi gửi tờ trình, Hai Long khá thanh thản. Anh cho rằng Cẩn phải có thời gian nghiên cứu những điều anh đã trình bày, hắn cũng phải tìm hiểu thêm về cá nhân anh. Nhưng qua một tuần, anh bắt đầu phân vân. Cẩn không cần mất nhiều thời gian đến thế cho những việc mà anh đã nghĩ. Hay là mình đã tính lầm..? Anh bớt hào hứng và trở nên nghi ngại…

6.

Lê Vượng cho người xuống mời Hai Long lên gặp.

Hai Long không ngán hắn, nhưng anh những muốn giáp mặt hắn chút nào, khi anh đã gây được một chút thiện cảm với Dư. Anh vừa đi vừa phân vân. Có chuyện gì mà Vượng lại cần gặp mình. Nếu hắn biết Hai Long đã qua mặt hắn, đưa cho Dư tờ trình để chuyển lên Cẩn, chắc chắn hắn sẽ khó chịu.

Lê Vượng đón Hai Long với sự vồn vã và vui vẻ giả tạo.

Hắn nói:

– Vừa qua anh học tập rứa là tốt. (Hắn lờ chuyện đưa anh vào biệt giam hơn hai tuần). Tui đã trao đổi với ông Dư để anh được hưởng chế độ đi lại tự do. Ngoài giờ học tập, anh muốn đi mô thì đi, chỉ cần báo qua tui, qua ông Dư hoặc trực phòng, không phải an ninh đi kèm.

Hai Long hơi ngạc nhiên, không hiểu vì sao lại có sự thay đổi này.

Thấy anh ngồi im, Vượng hỏi:

– Anh có bà con ở Thuận Hóa không?

– Tôi không quen biết ai ở đây.

– Tưởng nếu có bà con thì buổi tối, đôi khi anh có thể về nghỉ ở gia đình cho ấm cúng.

– Cảm ơn ông. Như vậy thì phải chờ đến lúc tôi được trở lại Sài Gòn.

– Chuyện nớ phải chờ thêm ý kiến của ông Hiếu và ông Duyệt. Bầy tui không muốn làm khó dễ với anh mô?

Hắn nở một nụ cười xuê xoa.

– Rứa thôi. Mời anh về nghỉ.

Hai Long quyết không dùng cái quyền ưu tiên Vượng đã dành cho mình, trừ những buổi sáng chủ nhật phải tới nhà thờ.

Cha Hồng đã tự coi mình là người chăm sóc phần hồn của Hai Long. Thỉnh thoảng cha lại an ủi, nhắc nhở anh giữ vững lòng tin nơi Chúa. Cha cho anh mượn một số kinh bổn mà anh đang cần đọc. Quan trọng hơn cả, ông đã thăm dò được thái độ của ông Cậu với cha Lê. Cẩn đã nói với cha Hồng: gia đình họ Ngô chịu ơn giáo dân Phát Diệm và cha Lê rất nhiều, chưa có dịp đền đáp, vẫn mong trả ơn. Nhưng cha Lê thường bất đồng với tổng thống, Cẩn rất mong có sự hòa giải giữa Ngô tổng thống và cha, như vậy rất lợi cho chính nghĩa quốc gia…

Hai Long tạm yên tâm về điều này.

Từ bữa nhận đưa giúp tờ trình, Lê Văn Dư hễ nhìn thấy anh đâu là gật đầu chào, đôi khi còn nhoẻn miệng cười.

Một bữa, Hai Long vừa ra khỏi nhà thờ thì một chú bé bán báo chạy tới hỏi:

– Thầy là thầy Hai Long phải hôn?

Hai Long gật đầu.

Chú bé giúi vào tay anh một tờ giấy:

– Có một ổng ở đàng tê, biểu con đưa cho thầy.

Không để cho Hai Long kịp hỏi lại, chú bé quay đầu chạy biến.

Hai Long mở tờ giấy ra, chỉ thấy có hai câu thơ viết bằng bút chì:

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh…

Hai Long gập tờ giấy bỏ vào túi áo.

Về tới Tòa Khâm, anh đi thẳng lên nhà lầu.

Vượng đang ngồi vê thuốc lá nhìn ra, hỏi:

– Anh Hai đi lễ về rồi hử? Đi mô đó?

– Tôi xin được gặp ông hay ông Dư.

– Ông Dư bữa ni ở nhà, còn gặp miềng thì vô đây.

Hai Long bước vào, kéo ghế ngồi.

– Sáng nay, tôi vừa ra khỏi nhà thờ, có một thằng nhỏ tới, giúi vào tay tôi mảnh giấy này rồi bỏ chạy. Tôi có nhiệm vụ phải trình các ông.

Vượng cầm tờ giấy, đeo kính lên đọc, rồi nói:

– Thơ thẩn chi rứa! Lại có o nào muốn rủ cậu Hai xuống thuyền…

– Tôi nghĩ đây là chuyện quan trọng.

– Anh cho là chuyện chi?

– Tôi đã hoạt động mấy năm cho Việt Minh ở hậu địch. Theo tôi hiểu thì đây là một hình thức bắt liên lạc. Ông thử cho nhúng tờ giấy này vào nước hoặc hơ lên muội đèn xem! Có thể có kẻ nào đó hẹn gặp tôi.

– Được, được… Để mình sẽ cùng ông Dư nghiên cứu coi.

– Đề nghị ông bảo nhân viên chuyên môn xử lý, có khi phải dùng chất hóa học. Rồi xin các ông cho tôi biết kết quả.

– Tất nhiên rồi! Nếu đúng là có Việt Cộng tới co kéo anh, thì bọn miềng phải bàn nhau sập bẫy…

Bọn chúng chưa biết bao nhiêu về mình, Hai Long tự bảo. Chúng làm cái trò này ngu quá.

Hai ngày sau, Vượng mời anh lên, làm ra vui vẻ:

– Anh báo cáo rứa là rất tốt. Anh em thử mọi cách rồi, chẳng thấy chữ chi mô? Thằng nhỏ hắn rỡn ông đạo thôi. Xứ Huế ni, dân theo đạo Phật nhiều. Thấy anh siêng vô nhà thờ, chắc là lũ nhỏ rủ nhau rỡn chơi…

7.

Chuỗi ngày chờ đợi đã sang tuần thứ tư.

Mới sáng sớm, Lê Văn Dư đã phóng xe vào trại. Chỉ dăm phút sau, có người xuống mời Hai Long lên gặp trại trưởng.

Vừa nhìn thấy anh, Dư vội vàng nói:

– Ông Cậu chỉ thị anh Duyệt, giám đốc Nha Công an, mời anh bữa ni lên tiếp kiến. Anh sẽ là khách quý. Tôi đã nói với anh, Chúa sẽ không quên mà! Khi lên đó, ông Cậu có hỏi về tình hình ăn ở và cách đối xử của tôi, anh lựa lời thưa dùm. Tôi thông cảm với anh ra răng, anh đã rõ… Anh về phòng thay đồ mới, cạo râu, chải đầu thật nhanh, tôi sẽ rước anh đi một đoạn…

Hai Long chưa bao giờ tiếp xúc với một người nào trong bảy anh chị em họ Ngô đang chia nhau thống trị miền Nam. Anh đã mất nhiều năm ở Sài Gòn để chuẩn bị cuộc gặp gỡ này. Anh đã tìm nhiều con đường khác nhau, nhưng chỉ đến nửa chừng lại tắc nghẽn. Ngờ đâu con đường đó lại bắt đầu từ trại giam Vân Đồn, nơi Dương Văn Hiếu chộp bắt anh về. Lòng anh lâng lâng… Nhưng đây mới chỉ là vào hang cọp. Chặng đường đến dinh Độc Lập hãy còn xa… Mình sẽ gặp tên hung thần này với tư thế người trợ tá của cha Lê… Nước cờ nếu thành công có thể đưa mình đi xa hơn nhiều. Mình tin là đã tính đúng. Trong trò chơi với lửa, nếu muốn đi tới thành công, không có phương án tuyệt đối an toàn. Nếu gặp rủi ro thì phải sẵn sàng chấp nhận. Lần này mình không hề có sự khinh suất. Đức Mẹ đồng trinh ơi, nếu Người có linh thiêng thì hãy phù hộ cho con…

Lê Văn Dư nhìn Hai Long từ phía nhà trệt quay lên tròn mắt hỏi:

– Răng anh chưa cạo râu? Bữa ni anh là thượng khách mà.

– Tôi không còn lưỡi dao bào nào.

Hai Long nói dối. Anh không thể vừa thay quần áo sạch sẽ, lại còn cả cạo râu, chải đầu trước mặt anh em khi sắp lên xe riêng của Dư do chính hắn cầm lái. Chỉ riêng việc lên xe đi cùng hắn sáng nay, anh đã biết trước những đắng cay ghê gớm mình sẽ phải chịu đựng trong những ngày sắp tới.

– Chừ phải đưa anh qua tiệm hớt tóc, không thể để anh râu ria như ri.

Hắn vừa nhìn đồng hồ vừa phóng xe rất nhanh đến một cửa hiệu cắt tóc, yêu cầu phải cạo râu, sửa tóc cho Hai Long trong vòng mười phút. Rồi hắn kéo tay anh chạy ra xe, lao như bay tới trước cửa tòa nhà của Nha công an Trung phần.

Lê Khắc Duyệt, giám đốc Nha, mặc com-lê và đeo cravat đen, đã đứng chờ với bộ mặt sốt ruột bên một chiếc xe du lịch đen bóng.

Hắn trịnh trọng cúi đầu chào và bắt tay Hai Long.

– Mời ông lên gặp ngài cố vấn chỉ đạo. Ngài đang chờ ông.

Hắn tự tay mở cửa xe mời Hai Long bước vào. Đóng cửa xong, hắn mới quay vội lại phía Lê Văn Dư nói lầm bầm:

– Ông nội ơi! Chậm quá trời!

Duyệt ngồi vào tay lái.

Hai Long quay về phía sau vẫn thấy Dư đứng trông theo. —

[1] Maria

[2] Hérodes

[3] Légion: đơn vị lính người nước ngoài mang quốc tịch Pháp.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN