Thư Kiếm Ân Cừu Lục - Chương 25: Tiếng Đàn Thánh Thót Nghe Văng Vẳng -tình Nghĩa Sơ Giao Đượm Chứa Chan
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
154


Thư Kiếm Ân Cừu Lục


Chương 25: Tiếng Đàn Thánh Thót Nghe Văng Vẳng -tình Nghĩa Sơ Giao Đượm Chứa Chan



Đi chưa đến một ngày, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đã đến Từ-Châu. Đà-chủ phân đà Hồng Hoa Hội tại đây là Trịnh-Đễ. Bang chúng vùng Tây-Bắc này do Bát đương-gia Dương-Thanh-Hiệp thống lĩnh. Thấy Tổng-Đà-Chủ cùng các vị đương-gia đến đột ngột, ai nấy biết ngay có việc quan trọng nên mới đưa đến việc triệu tập bất thường này.

Dương-Thanh-Hiệp ra lệnh cho Trịnh-Đễ cùng tất cả bang chúng phải tuyệt đối không được để lộ bí mật ra ngoài, đồng thời cũng miễn cho họ dùng lễ long trọng bái kiến Tổng-Đà-Chủ theo nghi thức của hội.

Tất cả nghỉ một đêm tại Từ-Châu do sự sắp xếp của Trịnh-Đễ rồi lại tiếp tục cuộc hành trình về phương Nam. Dọc đường có rất nhiều phân đà lớn nhỏ của Hồng Hoa Hội do các đầu mục trông coi, nhưng Trần-Gia-Cách không muốn ghé lại bất cứ nơi nào vì muốn giữ kín hành động.

Đi thêm vài ngày nữa, tất cả đã đến Hàng-Châu, đến tạm trú tại nhà Tổng đầu-mục Hàng-Châu là Mã-Thượng-Quân.

Mã-Thượng-Quân là một đại thương-gia buôn bán tơ lụa, gấm vóc danh tiếng nhất tại Hàng-Châu, có đến ba bốn xưởng dệt lớn, thế lực rất mạnh. Ông ta tuổi chừng 50, tướng mạo phong nhã, thường mặc chiếc áo gấm đắt tiền. Nhìn vào, ai cũng tưởng ông ta chỉ là một ⬘đại phú ông⬙ nhưng không ngờ cũng là một khách giang hồ hào hiệp. Bình sinh, Mã-Thượng-Quân rất ham chuộng võ nghệ. Ông ta chơi thân với Vệ-Xuân-Hoa, và gia nhập Hồng Hoa Hội.

Chiều hôm ấy, Mã-Thượng-Quân theo đường tắt mà đón tiếp các hào kiệt Hồng Hoa Hội, đem đến một căn nhà bí mật xây trong hóc núi. Cả thành Hàng-Châu không một ai hay chuyện này.

Trần-Gia-Cách sau đó liền đem chuyện giải cứu Văn-Thái-Lai bàn. Mã-Thượng-Quân nói:

-Việc này tôi đã có kế hoạch. Để tôi cho người đi dọ thám tại các nha-môn phủ, huyện Tiền-Đường, kể cả doanh trại của tướn biên-phòng.

Sau đó, Mã-Thượng-Quân sai con trai là Mã-Đại-Đình sắp xếp mọi việc cắt đặt người đi dọ thám tình hình. Nhưng sáng hôm sau Mã-Đại-Đình trở về báo tin là không tìm thấy được một tung tích nào của Văn-Thái-Lai cả.

Trần-Gia-Cách nói:

-Có lẽ tôi phải đích thân đi một phen mới được. Nhưng xin Mã huynh cứ tiếp tục công việc dò xét thử xem có gì thay đổi hay không.

Quay qua đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, Trần-Gia-Cách phân công:

-Đêm nay, xin Vô-Trần Đạo-Trưởng, bát ca, cửu ca đến dò xét các nơi như dinh Tổng-đốc, Tuần-phủ, Bổ-chánh và Án-sát. Điều cần nhớ là ⬘đừng giậm cỏ làm rắn sợ⬙ (#1). Phải luôn luôn bình tĩnh và kiên nhẫn.

Mã-Thiện-Quân sau đó cung cấp cho mọi người bản đồ của các dinh thự trong tỉnh Hàng-Châu, có vẽ rõ ràng cả đường đi ngõ hẻm. Mã-Thiện-Quân cũng không quên giải thích tỉ mỉ từng lu từng tí cho tất cả.

Vào khoảng giờ Dậu, mọi người thay đồ dạ hành, mang theo các dụng cụ cần thiết lên đường thi hành kế hoạch.

Dinh Tuần-phủ đêm ấy được canh phòng hết sức cảnh mật. Ngay cửa vào dinh đã có đến 2000 quân với sự chỉ huy của các võ quan mang chức Tam-phẩm trở lên. Thấy không cách gì vào nổi bên trong, Vô-Trần Đạo-Nhân đành dẫn Dương-Thanh-Hiệp và Vệ-Xuân-Hoa về tìm Mã-Thượng-Quân thông báo và hỏi ý kiến.

Mã-Thượng-Quân nói:

-Tôi không ngạc nhiên chút nào cả. Hàng-Châu đã thi hành lệnh giới nghiêm từ mấy hôm nay. Triều đình đã cho người đến kiểm tra dân số. Những người từ phương khác đến đây, kể cả các thương gia đều bị tra khảo kỹ lưỡng. Tất cả dân chúng Hàng-Châu, nếu ai bị khả nghi đều bị bắt hỏi cung. Số người bị quan quân giam giữ đã lên đến 500-600! Cứ xem tình hình canh phòng nghiêm ngặt như thế cũng đủ biết chuyện này có liên quan đến Văn tứ đương-gia.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Cũng có thể là một vị Khâm-sai đại thần ở kinh đô về tuần kiểm Hàng-Châu hay một vị hoàng-thân quốc thích nào ghé thăm ngoạn cảnh Tây-Hồ nên bọn quan lại địa phương bày trò để nịnh bợ mong được tiến thân.

Mã-Thiện-Quân nói:

-Nếu là như vậy thì thế nào cũng có thông cáo cho dân chúng biết chứ không đời nào lại giấu nhẹm đi như vậy. Bọn quan lại vùng Triết-Giang này nếu gặp được cơ hội tốt như thế ắt không khi nào im hơi lặng tiếng đâu. Chỉ trừ khi có lệnh bắt chúng phải ngậm miệng thì chẳng kể. Ngoài giả thuyết Văn tứ ca ra, họa hoằn chỉ có các nhân vật như Hoàng-Hậu, Thái-Tử…

Bàn luận mãi mà vẫn không đi đến được kết luận nào. Vắng mặt Trần-Gia-Cách, họ cũng không có quyền quyết định chuyện gì nên hai người bèn rủ nhau đi nghỉ.

Ngày kế, Châu-Ỷ xin thân phụ đưa nàng đi Tây-Hồ xem phong cảnh vùng Giang-Nam. Châu-Trọng-Anh bằng lòng ngay vì chính ông ta cũng đang có ý định phải đi thăm qua một chuyến cho biết. Châu-Ỷ láy mắt với Từ-Thiện-Hoằng, ngụ ý bảo chàng cùng di chung với mình.

Từ-Thiện-Hoằng chưa được Trần-Gia-Cách phân công nên do dự, không dám vì chuyện tư mà bỏ chuyện công.

Châu-Trọng-Anh cũng đoán được ý của con gái nên nói với Từ-Thiện-Hoằng:

-Cha mẹ chưa đến Hàn-Giang bao giờ, đây mới là lần đầu. Con nên đi Tây-Hồ luôn thể mà dẫn đường để khỏi lạc.

Từ-Thiện-Hoằng nghe Châu-Trọng-Anh nói vậy thì không ngại ngùng gì nữa. Chàng dư biết trong Hồng Hoa Hội, từ Tổng-Đà-Chủ trở xuống, ai nấy đều kính trọng ⬘nhạc phụ tương lai⬙ của chàng nên chỉ một lời nói của ông ta là mọi chuyện đều xong hết. Vì vậy, chàng không còn sợ phải chịu trách nhiệm về chuyện này nữa.

Châu-Ỷ được thể nói:

-Kìa, gia gia thấy chưa? Gia gia chỉ nói một tiếng là anh ấy nghe ngay, còng con có nói đến khô nước bọt cũng chẳng thấm vào đâu!

Từ-Thiện-Hoằng cũng phải nói qua cho các anh em trong hội biết. Mọi người biết chàng mồ côi từ nhỏ, không có tình thương. Nay tìm được nơi nương tựa, ai nấy đều mừng cho chàng và thông cảm…

Trần-Gia-Cách sau một đêm đi tìm tung tích Văn-Thái-Lai cũng không có kết quả gì nên đành trở về lại tư thất của Mã-Thiện-Quân. Sau khi trao đổi tin tức rỗng không với Vô-Trần Đạo-Nhân, Trần-Gia-Cách nhận thấy việc giải cứu Văn-Thái-Lai rất phức tạp, cần phải nhẫn nại chứ không thể gấp rút được.

Trần-Gia-Cách quyết định sẽ đi Tây-Hồ chơi, may ra sẽ tìm thêm được manh mối vì chàng biết Tây-Hồ là nơi tụ tập của giới giang hồ, trao đổi nhiều tin tức cũng như giữ các mối liên lạc. Nghĩ vậy, Trần-Gia-Cách gọi Tâm-Nghiện bảo cùng đi chung với mình.

Đi dạo một lượt qua Tây-Đế và Bạch-Đế, Trần-Gia-Cách một mình đến ngồi trên chiếc cầu ván bắc ngang, mắt đăm đăm nhìn về dãy Nam-Sơn. Thấy rừng trúc xanh um, núi vần vũ khói lam…, Trần-Gia-Cách như mê mệt, ngắm mãi không biết chán.

Trần-Gia-Cách sai Tâm-Nghiện đi mướn một cỗ xe ngựa đưa hai thầy trò lên sườn non viếng chùa Linh-Ấn. Đỉnh núi cao chót vót trên 500 trượng, đứng sừng sững như vách tường. Những vách đá màu trắng bằng phẳng, nhẵn nhụi trông vô cùng đẹp mắt. Hoa cỏ mọc trên đá, bóng cây, chồi lá tạo nên nhiều màu sắc huy hoàng. Nhô ra sông, một ghềnh đá cheo leo chỉ dính phớt vào sườn núi, tựa hồ như chỉ cần xô nhẹ một cái là rớt ra ngay.

Nhìn một cù lao ngoài khơi với màu xanh mờ mờ có vẻ tao nhã, Trần-Gia-Cách nói với Tâm-Nghiện:

-Em này, lên đó xem chơi.

Không có đường lên đó, hai người phải thi triển khinh công tuyệt diệu, như hai cánh nhạn bay lên. Nhìn chùa Tam-Thiên với nhiều vẻ đẹp lạ lùng, Trần-Gia-Cách nắm tay Tâm-Nghiện phóng lên trên. Vừa lúc đó, từ trên có hai người mặc áo dài lam, mặt mũi khôn ngô, thân hình vạm vỡ đang dùng khinh công bay xuống, thân pháp cực kỳ cao diệu. Khi chạm mặt với hai thầy trò Trần-Gia-Cách, sắc mặt cả hai liền thay đổi với vẻ kinh hãi và nghi ngờ.

Trần-Gia-Cách giả vờ như chẳng nhìn thấy mặt hai người áo xám kia, vẫn nắm tay Tâm-Nghiện mà phi thân vùn vụt.

Tâm-Nghiện khẽ nói nhỏ, vừa đủ cho Trần-Gia-Cách nghe:

-Thiếu gia à! Con xem hai người ấy coi bộ có bản lãnh trác tuyệt vô cùng. Chắc họ là cao thủ của một môn phái nào đưa nhau đi thao dượt chứ không phải là vừa giao đấu xong rồi ra về.

Trần-Gia-Cách cười nói:

-Nhãn lực của em khá lắm đấy! Cứ xem khinh công của họ, ta cũng có thể đoán được đây không phải là những tay vừa.

Trần-Gia-Cách vừa nói dứt lời thì phía trên lại có hai người ăn mặc y như hai người ban nãy bay xuống với tốc độ khủng khiếp. Mặc dầu dùng khinh công bay thật lẹ, Trần-Gia-Cách cũng nghe được hai người như đang nói chuyện với nhau. Căn cứ theo những lời chàng nghe được trong cuộc đối thoại thì hình như họ là đôi bạn tri âm về cờ, nói đến toàn chuyện đi nước cờ cao thấp.

Đến khi Trần-Gia-Cách và Tâm-Nghiện lên trên đỉnh núi, hai người đếm được vào khoảng có đến 30-40 người mặc áo lam, với khinh công tuyệt diệu như vậy. Mà hầu hết người nào cũng vậy, khi nhìn thấy Trần-Gia-Cách và Tâm-Nghiện đều có một sắc diện, cử chỉ nghi ngờ như nhau, lộ vẻ kinh dị.

Trần-Gia-Cách điềm đạm suy nghĩ:

-“Hoặc giả họ là người của một bang hội giang hồ, không thì cũng là những cao thủ võ lâm thuộc về một tông phái nào đến đây hội họp chứ chẳng phải ai khác hơn.”

Nhưng lạ lùng một điều, nếu là những người thuộc môn phái nào trong giang hồ hay võ lâm ắt phải biết Hàng-Châu là địa bàn của Hồng Hoa Hội. Nếu họ định dùng cảnh trí Tây-Hồ làm nơi tụ họp thì tại sao lại không thông báo cho Hồng Hoa Hội biết trước? Đã thế, nhìn thấy mặt Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội mà họ còn tỏ ra ngạc nhiên và kinh hãi nữa!

Trần-Gia-Cách toan lên bái kiến tượng Quan-Âm trên tòa Thiên-Trước bỗng nghe có tiếng đàn văng vẳng rót vào tai. Tiếng đàn phát xuất từ bên triền núi vang dư âm lại nghe rất ngân nga đồng vọng.

Trần-Gia-Cách không những đã ⬘văn võ song toàn⬙ mà còn thông thạo tất cả về ⬘Cầm, Kỳ, Thi, Họa⬙ nữa nên vừa nghe qua đã nhận ngay ra là khúc ⬘Phổ An Chú⬙. Trong tiếng gào ấy có réo rắt tiếng chuông ngân. Trần-Gia-Cách khen thầm:

-“Người chơi đàn kia quả thật là ⬘hào hoa phong nhã⬙ đúng mức!”

Tính hiếu kỳ nổ dậy, thấy không thể bỏ qua, Trần-Gia-Cách hướng theo phía có tiếng đàn ấy bước dần tới.

Trên một phiến đá bằng phẳng là nột người chừng 40 tuổi đang ngồi ôm đàn, rung lên những đường tơ réo rắt. Hai người mặc áo lam chia ra đứng hai bên như hầu hạ. Sau lưng người ấy là một người ốm tong ốm teo, có dáng điệu của một người trưởng giả đang khoanh tay đứng sau lưng người ôm đàn.

Nhìn qua diện mạo người trung niên đang đánh đàn, Trần-Gia-Cách bất giác kinh hãi vô cùng. Một kỷ niệm xa xưa như chợt sống dậy trong trí óc chàng. Hình như chàng đã một lần nào đó gặp qua người này ở một nơi nào đó.

Người đánh đàn mặt mày tươi tỉnh, dung mạo thanh tao, khí sắc hào hoa, thái độ cao nhã, càng nhìn càng thấy quen thuộc. Trần-Gia-Cách cố moi lại ký ức nhưng vẫn không làm sao nhớ được là đã gặp người này bao giờ, tại đâu. Lòng chàng chợt như bấn loạn, hoang mang, có cảm giác như đang trảo qua một giấc mộng… Người đánh đàn ấy có lẽ không phải ai xa lạ mà chính là một người chí thân, chí cận của mình… Nhưng trong ký ức man mác thì mình lại cách biệt với người ấy thật xa…

Bấy giờ, người trưởng giả với hai người cao lớn mặc áo lam cũng đã phát giác ra được sự hiện diện của Trần-Gia-Cách tuy rằng chàng đứng nép mình vào sau một thân cây cổ thụ. Ba người liền nhảy ra đưa tay lên như ra dấu hiệu gì. Tiếng đàn sau đó bỗng ngưng lại.

Người đánh đàn đứng thẳng người lên trông về phía Trần-Gia-Cách đứng vừa cười, vừa cất tiếng như chuông đồng nói:

-Vị tri âm nào mới đến, xin mạn phép mời ra đây đàm đạo.

Trần-Gia-Cách bước tới vòng tay lễ phép nói:

-Được nghe tiếng đàn thanh nhã của nhân huynh khiến lòng trần như tiêu tan tất cả, phiền muộn cũng không còn. Thật là vô cùng hân hạnh!

Bước thêm một bước nữa đến gần, Trần-Gia-Cách lại thi lễ thêm một lần nữa rồi mới ngồi xuống.

Người đánh đàn nhìn rõ mặt Trần-Gia-Cách bất giác cũng lộ vẻ kinh ngạc, tâm thần như bất định, lộ vẻ ngơ ngẩn.

Trần-Gia-Cách nói:

-Ngu đệ từ dưới chân núi lên trên đỉnh núi này. Những du khách gặp gỡ dọc đường hễ trông thấy diện mạo của ngu đệ thì đều tỏ ra kinh dị. Đến đây gặp huynh đài cũng có sắc diện ấy. Không biết phải chăng là vì mặt mũi ngu đệ rất khó coi? Dám xin huynh đài dạy bảo cho.

Người ấy đáp:

-Huynh đài có chỗ chưa hiểu rõ. Đệ có một người thân tướng mạo giống hệt huynh đài như hai giọt nước. Tất cả những du khách mà huynh đài gặp trên đường lên chốn này đều là bạn bè của đệ cả. Do đó mà họ nhìn thấy huynh đài mà không khỏi kinh ngạc.

Trần-Gia-Cách cười nói:

-Thì ra là vậy! Vừa trông thấy tướng mạo của nhân huynh đây, tiểu đệ mường tượng như đã từng quen biết nhau thân mật lắm nhưng không làm sao nhớ ra được. Huynh đài có thể cho biết là chúng ta đã từng gặp nhau ở nơi đâu không?

Người ấy cười, vui vẻ nói:

-Như thế thật là chúng ta đã có duyên với nhau từ trước. Xin cho biết quý tánh phương danh?

Tên tuổi Trần-Gia-Cách vang dậy khắp chốn giang hồ. Vì vậy, để che dấu thân thế, Trần-Gia-Cách nói:

-Tiểu đệ họ Lục, tên Gia-Thành. Còn tôn tánh đại danh của nhân huynh cũng xin cho tiểu đệ được rõ?

Người ấy trầm ngâm giây lát rồi mới đáp:

-Tiểu đệ họ Đông Phương, tên Nhĩ, quê ở Trực-Lệ. Nghe giọn của nhân huynh, xem chừng là người ở địa phương này?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Vâng, tiểu đệ sinh tại xứ Hàng-Châu này.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Từng ngưỡng mộ phong cảnh của Giang-Nam có tiếng là ⬘độc nhất vô nhị⬙ trong thiên hạ, đệ cảm thấy không thể nào bỏ qua được nên phải đến đây để thưởng ngoạn. Non nước Hàng-Châu quả là ⬘danh bất hư truyền⬙. Nơi đây cũng là ⬘địa linh nhân kiệt⬙ nữa. Những nhân vật tiểu đệ được gặp qua đều là những người thoát tục phi phàm cả.

Trần-Gia-Cách nghe Đông-Phương-Nhĩ nói năng thanh lịch. Hai người mặc áo lam và người có dáng trưởng giả kia đứng hầu có vẻ cung kính, thủ lễ từng ly từng tí một. Trong lúc Đông-Phương-Nhĩ nói chuyện, cả ba người vòng tay cúi đầu yên lặng lắng nghe. Trần-Gia-Cách nghĩ mãi mà vẫn không tài nào đoán được Đông-Phương-Nhĩ thuộc thành phần nào trong xã hội.

Trần-Gia-Cách cố khơi chuyện để dò thử:

-Huynh đài đã yêu mến cảnh Giang-Nam như vậy sao không lập nghiệp ở đây luôn để tiểu đệ được cơ hội tới lui học hỏi?

Đông-Phương-Nhĩ cười đáp:

-Nửa ngày qua thưởng thức thắng cảnh Tây-Hồ tưởng cũng là quá đáng. Chúng đệ là những phàm phu tục tử làm sao mà có được phúc để hưởng được cái phúc thanh nhàn trong sạch này mà mong? Huynh đài đã là tri âm hẳn cầm-nghệ (#2) cũng thuộc hạng siêu đảng. Xin cho được thưởng thức vài khúc nhạc.

Đông-Phương-Nhĩ vừa dứt lời liền cầm đàn trao cho Trần-Gia-Cách đón lấy. Trần-Gia-Cách cầm đàn dạo thử mấy cái, nhận thấy âm thanh thật là réo rắt tuyệt vời. Chàng lại cầm đàn lên xem xét tỉ mỉ, thấy trên đầu có những đường chỉ nhỏ bằng vàng dệt thành hai chữ triện ⬘Phụng lai⬙. (#3)

Trong lòng Trần-Gia-Cách hết sức kinh ngạc, chàng nghĩ thầm:

-“Cây đàn này thật là một bảo vật vô giá trên đời! Không hiểu người này vì sao mà có được?”

Nghĩ vậy, chàng liền nói với Đông-Phương-Nhĩ:

-Huynh đài thật là bậc ⬘cành vàng lá ngọc⬙. Tiểu đệ đâu dám đem tài hèn mọn mà làm bẩn tai người nghe!

Tuy vậy, Trần-Gia-Cách vẫn ôm đàn lên giây, gảy khúc ⬘Bình sa lạc nhạn⬙ (#4). Đông-Phương-Nhĩ lắng tai nghe thật kỹ.

Tiếng đàn vừa dứt, Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Huynh đài vừa mới ở ngoài biên ải về đây.

Trần-Gia-Cách đáp:

-Quả thật tiểu đệ vừa ở ngoài biên giới xứ Hồi về đây. Sao huynh đài biết được?

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Tiếng đàn của huynh đài có âm điệu hùng tráng khoáng đạt của binh giả. Bao nhiêu phong quang ở vùng đại mạc đều thâu cả vào trong mấy đường tơ. Khúc ⬘Bình sa lạc nhạn⬙ này tiểu đệ đã được nghe qua không dưới vài trăm lần. Nhưng thật chưa có ngón đàn nào sánh nổi với huynh đài.

Trần-Gia-Cách nghe nói hân hoan vô cùng. Chàng cảm tưởng như mình đã gặp được người tri âm vậy.

Đông-Phương-Nhĩ lại nói:

-Tiểu đệ có một điều chưa sáng tỏ muốn hỏi huynh đài, ngặt vì chúng ta chỉ mới gặp nhau nên chưa dám mạo muội.

Trần-Gia-Cách nói:

-Huynh đài có việc chi muốn biết xin cứ hỏi tự nhiên, đừng khách sáo.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Trong tiếng đàn của huynh đài như có tiếng binh khí khua chạm mà tâm trạng của huynh như chứa chất thiên binh vạn mã. Nếu không phải là bậc võ tướng nắm binh quyền hay bậc nguyên-soái chỉ huy tướng sĩ thì không đời nào có được cái khí phách hiên ngang ấy. Nhưng tướng mạo của huynh đài thì thanh nhã như một vị công tử con nhà vương tướng, hay là một trạng nguyên khoa bảng nhiều hơn. Đó là điều tiểu đệ thắc mắc.

Trần-Gia-Cách nói:

-Tiểu đệ là một thư sinh lỡ bước giang hồ, văn không thông, võ không thạo. Những điều huynh đài khen tặng thật làm cho đệ phải hổ thẹn vô cùng.

Đông-Phương Nhĩ cho rằng Trần-Gia-Cách khiêm tốn, lại hỏi tiếp:

-Huynh đài hẳn là con nhà thế gia chứ không phải hạng tầm thường. Dám hỏi huynh đài làm quan đến tước gì, hiện đang được bổ nhiệm nơi đâu? Đã lập nên công danh gì chưa?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Gia nghiêm (#5) bất hạnh qua đời. Tiểu đệ chỉ là hạng tầm thường, không có duyên phận với nẻo công danh.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Cứ nghe khẩu khí của huynh đài cũng đủ hiểu là người tài cao học rộng. Chắc nền học chánh không người nào có mắt nên khoa trường của huynh đài mới lận đận đấy thôi.

Trần-Gia-Cách nói:

-Không phải thế đâu. Tiểu đệ không chuộng lợi danh.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Quan Tuần-phủ Triết-Giang đâu là chỗ thâm giao với tiểu đệ. Ngày mai huynh đài thử đến đó một lần không chừng có điều lợi ích cũng nên.

Trần-Gia-Cách nói:

-Hảo ý huynh đài chiếu cố, tiểu đệ xin cảm tạ. Tiếc thay, tiểu đệ không có ý định làm quan.

Đông-Phương-Nhĩ nói như tìm cách thuyết phục:

-Chẳng lẽ huynh đài nỡ để cho tài năng mai một, uổng phí đi đời người hay sao?

Trần-Gia-Cách nói như quả quyết:

-Làm quan để bóc lội sát hại dân lành thì chẳng thà cùng với dân chịu cảnh lầm than.

Vừa nghe qua câu nói, Đông-Phương-Nhĩ chợt biến sắc. Ba người hầu thấy Đông-Phương-Nhĩ xám mặt vội tiến lên một bước.

Đông-Phương-Nhĩ khẽ lắc nhẹ bả vai một cái, rồi bỗng nhiên cười nói:

-Huynh đài thật là bậc cao thượng, bọn phàm phu tục tử chúng tôi không sao sánh kịp.

Cả hai người tiếp tục cuộc đối thoại, khi đồng ý, khi đối chọi nhưng càng nói chuyện lại càng thêm vẻ thân mật.

Đông-Phương-Nhĩ lại hỏi:

-Huynh đài ở biên giới xứ Hồi về đây chắc trên đường đã nghe thấy nhiều việc lắm?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Cảnh trí Hàng-Châu muôn vạn dặm, nhãn giới không làm sao thâu thập hết thẳng tịch kỳ quan. Nhưng riêng có cảnh thiên tai trên sông Hoàng-Hà thì tiểu đệ được chính mắt trông thấy. Nghe những tiếng kêu la rên xiết của nạn nhân vô cùng thê thảm, tiểu đệ đau đớn xót xa vô vàn nên không còn lòng dạ nào mà lưu luyến những cảnh đẹp nên phải tạm dừng bước phiêu du mà vội vã trở về.

Đông-Phương-Nhĩ hỏi:

-Nghe nói nạn nhân thiên tai sông Hoàng-Hà đã nổi loạn cướp đoạt tất cả quân lương của đội Chinh Tây tại phủ Lan-Phong. Hẳn huynh đài cũng có nghe?

Trần-Gia-Cách giật mình nghĩ thầm:

-“Người này làm sao mà biết được nguồn tin ấy mau lẹ như vậy? Sau khi cướp đoạt kho lương, bọn ta về ngay lại Giang-Nam, suốt cuộc hành trình không hề nghe ai bàn tán. Thế mà người này lại biết tường tận không sai một mảy may.”

Trần-Gia-Cách gật đầu nói:

-Việc ấy quả nhiên có thật. Nạn nhân không cơm không áo, con mất cha, vợ lìa chồng. Tất cả của cải, mùa màng đều tan nát theo giòng nước cuốn. Trước cảnh điêu linh đó, kẻ làm cha mẹ dân lại chẳng chút xót thương, mạnh ai nấy lo, còn lợi dụng cơ hội để vơ vét cho đầy túi tham mặc dân chết sống. Nguyên nhân chính vì thế mà ra.

Đông-Phương-Nhĩ khẽ rùng mình một cái, bâng quơ nói chuyện như bao đồng:

-Việc không phải đơn giản như thế đâu. Chính Hồng Hoa Hội tạo ra những khó khăn cho triều đình đấy!

Trần-Gia-Cách giả tảng hỏi:

-Hồng Hoa Hội là cái chi vậy?

Đông-Phương-Nhĩ đáp:

-Đó là một bang hội quy tụ toàn những kẻ bội nghịch tạo phản. Huynh đài chưa nghe đến sao?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Tiểu đệ phung phí thì giờ, dành cả vào ⬘Cầm, Kỳ, Thi, Họa⬙ thì còn thiết chi đến việc đời nữa đâu mà hiểu biết! Một bang hội to lớn lừng danh như vậy mà mãi đến hôm nay mới được nghe, nghĩ càng thêm thẹn.

Khẽ nhún vai một cái, Trần-Gia-Cách lại nói:

-Triều đình được tin trên hẳn có biện pháp nặng nề với Hồng Hoa Hội chứ chẳng đùa!

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Tưởng cũng chẳng cần thiết lắm! Sá chi một nhóm người đó mà bận tâm.

Trần-Gia-Cách vẫn giữ nét mặt tự nhiên hỏi:

-Huynh đài căn cứ vào đâu mà kết luận như vậy?

Đông-Phương-Nhĩ đáp:

-Hiện nay minh-quân trị vì, triều chính trên dưới đều sáng suốt. Những người tài trí đều được bổ dụng vào chỗ xứng đáng. Triều đình chỉ cần đề cử một vài người tài giỏi lo việc là Hồng Hoa Hội bị tiêu diệt như trở bàn tay.

Trần-Gia-Cách nói:

-Xin đừng chê cười. Tiểu đệ không rõ triều chính nhưng nghe huynh đài nói chuyện thấy có vẻ hoang đường. Theo thiển kiến của tiểu đệ thì quan lại trong triều chỉ là bọn ⬘giá áo túi cơm⬙, chắc đâu đã gánh vác được những trách nhiệm nặng nề như huynh đài vừa nói.

Trần-Gia-Cách vừa dứt lời thì cả Đông-Phương-Nhĩ và ba người kia lại một lần nữa biến sắc. Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Huynh đài vẫn chưa thoát ra khỏi tầm kiến thức nho-sinh. Thôi, hãy khoan nói đến những lương tài của triều đình làm gì cho xa xôi. Chỉ mấy vị bằng hữu bên tiểu đệ đây cũng không phải hạng tầm thường. Tiếc vì huynh đài là văn nhân nếu không họ sẽ thi triển một vài tuyệt kỹ cho huynh đài trông thấy.

Trần-Gia-Cách hớn hở đáp:

-Tuy tiểu đệ sức trói gà không chặt nhưng bình sinh rất khâm phục những trang anh hùng. Xin huynh đài cho họ biểu diễn cho tiểu đệ xem vài đường tuyệt kỹ, may ra có thể mở rộng được tầm mắt của tiểu đệ cũng nên.

Đông-Phương-Nhĩ quay qua hai người mặc áo lam nói:

-Bọn ngươi thử diễn vài trò chơi cho vui cho vị Lục gia này tiêu khiển.

Trần-Gia-Cách mỉm cười, nghĩ thầm:

-“Chờ họ biểu diễn vài ngón là ta có thể đoán được thuộc về môn phái nào.”

Nghĩ đoạn, chàng vòng tay nói:

-Xin mời!

Một đại hán áo lam bước ra nói:

-Trên cây có con chim thướt đang cất tiếng gáy. Để tôi bắt nó xuống, khỏi làm bậi tai người nghe nhé!

Dứt lời, y khẽ vung tay áo lên một cái, một mũi phi tiêu bay tới chỗ con chim thướt đang đậu.

Ai nấy ngửa mặt lên nhìn, thấy rõ ràng phi tiêu vừa sắp sửa bắn trúng con chim thì không biết từ đâu bay lại một viên bùn nhắm vào mũi tên xẹt ngang làm mũi tên bắn trật đích. Con chim thướt giật mình, vỗ cánh bay đi mất.

Người trưởng-giả đứng sau lưng Đông-Phương-Nhĩ rất tinh mắt, thấy trên tay Tâm-Nghiện đang vò viên một vật gì thì hiểu ngay chính thằng nhỏ này đã ⬘chơi trò rắn mắt⬙ nên cất tiếng gọi:

-À, cậu bé này có công phu ghê gớm đến như thế kia! Xin mời tới gần đây… Tới gần đây!

Dứt lời, năm ngón tay của lão ta như năm vuốt nhọn của chim ưng nắm lấy cánh tay của Tâm-Nghiện kéo lại.

Trần-Gia-Cách nhìn thấy thế bỗng nhiên thầm kinh hãi vì nhận ra người này đang sử dụng đại lực Ưng-Trảo-Công của phái Cao-Dương. Tay của y trông có vẻ không lấy gì làm lanh lẹ nhưng uy lực chẳng khác gì bão táp.

Trần-Gia-Cách nghĩ thầm:

-“Người này thuộc cao thủ bậc nhất trên võ lâm chứ chẳng kém gì ai, không hiểu sao lại cam tâm làm thuộc hạ cho Đông-Phương-Nhĩ?”

Trần-Gia-Cách cầm quạt trên tay phe phẩy một cái, quạt xòe ra giữa khoảng cách Tâm-Nghiện và cao thủ kia.

Sợ làm rách cây quạt của người khách mà chủ nhân Đông-Phương-Nhĩ xem như bằng hữu nãy giờ, cao thủ kia sợ phạm vào tội bất kính nên vội vã rút tay về. Lão ta nhìn thấy điệu bộ Trần-Gia-Cách vẫn thản nhiên, không lộ vẻ gì là thi triển võ nghệ hay có ý thử sức với mình mới thấy yên tâm.

Đông-Phương-Nhĩ hết lời khen ngợi, cất tiếng hỏi:

-Tiểu huynh đệ này tuổi trẻ mà võ nghệ thật là cao cường. Huynh đài gặp gỡ ở đâu thế?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Không! Nó có biết võ nghệ chi đâu! Chẳng qua lúc bé hay đi rong chơi, tập bắn chim sẻ bằng đạn bùn nên quen tay, hễ nhắm bắn là trúng đó thôi.

Đông-Phương-Nhĩ nghe nói vậy thì không đề cập đến chuyện đó nữa. Nhìn cây quạt trong tay Trần-Gia-Cách, Đông-Phương-Nhĩ hỏi:

-Chiếc quạt trong tay huynh đài có bút tự của ai viết tặng vậy? Có thể co đệ xem thử được không?

Trần-Gia-Cách vui vẻ trao ngay cây quạt sang. Đông-Phương-Nhĩ xem qua hàng chữ, nhận ra bút tích của Nạp-Lan Tĩnh-Đức, một danh nho của triều trước, chép trên quạt khúc ⬘Kim Lũ⬙ do chính người ấy sáng tác.

Nhìn nét bút nho nhã, đọc lời văn thấy sâu sắc, Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Nạp-Lan Tĩnh-Đức là công tử của một vị Tướng-Quốc nên mới đủ sức làm được bài từ như vậy. Nghe lời thơ thì biết rõ tác giả tán tụng phong cảnh của vùng Giang-Nam lại đượcm màu sắc trong cung Hoàng-Đình. Cái quạt và bài từ này thật là hai viên ngọc bích. Tuy nhiên, nếu không phải là một bậc cao sĩ ắt không biết được giá trị của nó. Chẳng hiểu vì đâu mà huynh đài có được chiếc quạt này?

Trần-Gia-Cách nói:

-Tiểu đệ đã mua lại trong một kho tàng sách vở với giá một vạn lượng vàng.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Dầu với giá 10 vạn lượng vàng ròng cũng vẫn còn là quá rẻ. Có điều tiểu đệ không khỏi lấy làm lạ là bảo vật này chỉ có thể thuộc về các gia đình thế gia Tướng-Quốc truyền làm gia bảo, lẽ nào huynh đài lại tìm thấy được trng một kho tàng sách vở ngoài đời. Thế chẳng hóa ra là một kỳ duyên chưa bao giờ có ở thế gian.

Đông-Phương-Nhĩ vừa dứt lời bỗng phá lên cười ha hả. Trần-Gia-Cách biết Đông-Phương-Nhĩ không tin lời mình, nhưng chàng cũng không cãi, chỉ mỉm cười.

Đông-Phương-Nhĩ lại nói:

-Nạp-lan công tử văn võ toàn tài nên tự phụ là bậc anh ngạn trong nhân gian. Ta có thể thấy được trong câu: ⬘Kìa xem mày ngài nhăn nhíu. Từ xưa đến nay ai cũng ngại ngùng. Thân xác tạm bợ, đáng chi mà hỏi. Tình đời âu cũng một trò cười⬙… Xem ra tự phụ vào tài năng, khinh mạn tuổi thiếu niên không sống lâu, nội bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh cho thấy rồi!

Nói xong, cặp mắt Đông-Phương-Nhĩ như dán chặt vào mặt Trần-Gia-Cách, ý ngầm bảo rằng người trẻ tuổi nếu quá tự thị vào tài năng của mình cũng chưa chắc đã có được gì độc đáo hơn người.

Trần-Gia-Cách hiểu ý, cười đáp:

-Người có chí lớn phải phủi tay áo, xem công danh phú quý chẳng ra gì, cười mà bước ra ngoài vòng cương tỏa. Người như thế, ngoài Nạp-Lan công tử, xưa nay phỏng được có bao nhiêu người? Thà rằng thưởng thức danh họa, say mỹ tửu, chuyện thiên hạ gác bỏ ngoài tai, mặc cho bọn người ⬘giá áo túi cơm⬙ khua môi múa mỏ. Đó chính là ý nghĩa kín đáo sâu sắc trong bài phú của Nạp-Lan mà ít người thấu hiểu được.

Đông-Phương-Nhĩ thấy Trần-Gia-Cách sĩ khí đến dộ như ngông cuồng thì thầm lắc đầu, nhưng không muốn ngừng câu chuyện. Hình như có một điều nào thiêng liêng đã trói buộc cả hao người.

Đông-Phương-Nhĩ thầm nghĩ:

-Để ta cố gắng đi sâu vào nội tâm của y cho biết vì đâu mà y lại khinh thường những người phục tùng triều đại Mãn-Thanh đến như thế!

Đông-Phương-Nhĩ cầm chiếc quạt lật qua lật lại xem kỹ một hồi lâu bỗng nảy ra một ý nghĩ, bèn lên tiếng:

-Tiểu đệ ưa thích chiếc quạt này vô cùng! Huynh đài có thể tặng cho làm kỷ niệm buổi tương kiến sơ giao này được chăng?

Trần-Gia-Cách khảng khái đáp:

-Huynh đài ưa thích, tiểu đệ xin thành tâm kính biếu.

Đông-Phương-Nhĩ chỉ vào mặt trống của cây quạt nói:

-Ước gì có được một bài thơ của huynh đài đề vào đây để sau này đệ nhớ mãi đến huynh mỗi khi cầm chiếc quạt này lên! Chẳng hay huynh đài cư ngụ tại đâu xin cho biết để sáng mai đệ cho người đến lấy quạt sau cũng được.

Trần-Gia-Cách nói:

-Nếu huynh đào không chê là văn vụng về, chữ xấu thì sẵn có bút mực mang theo, đệ xin đề ngay.

Dứt lời, Trần-Gia-Cách sai Tâm-Nghiện mở hầu bao lấy bút mực ra. Chàng không cần phải nghĩ ngợi, viết ngay một bài thơ lên quạt.

Xe gấm đề huề chở kiếm thơ,

Đường Tây muôn dặm một trời mơ.

Núi mây bọt biển vui đưa đón,

Hoa quế Giang-Nam vẫn đợi chờ.

Nhìn nét chữ như rồng bay phượng múa, Đông-Phương-Nhĩ tấm tắc khen ngợi chẳng cùng. Cầm quạt lên xem, Đông-Phương-Nhĩ buông lời cảm tạ, nói:

-Tiểu đệ có một vật để tặng huynh đài.

Hai tay trịnh trọng nâng cây đàn đưa đến trước mặt Trần-Gia-Cách, Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Bảo kiếm phải được tặng cho tráng sĩ. Cây đàn này từ nay là vật sở hữu của huynh đài.

Trần-Gia-Cách biết rõ cây đàn này là báu vật có một không hai trên đời, thế mà chỉ gặp mình mới lần đầu mà Đông-Phương-Nhĩ dám khảng khái tặng ngay cho mình không tiếc. Chàng là người tính tình phóng khoáng, dầu cho lòng nghi hoặc nhưng vẫn không thèm để ý, chỉ vòng tay mà bái tạ rồi bảo tâm-Nghiện bỏ vào bao cất đi.

Đông-Phương-Nhĩ hỏi:

-Huynh đào từ biên giới Hồi về Giang-Nam chắc không ngoài mục đích thưởng thức mùa hoa quế nở trên mặt Tây-Hồ?

-Tiểu đệ có người bạn gặp nạn nên cố giúp một tay.

Đông-Phương-Nhĩ lại hỏi tiếp:

-Xem sắc mặt huynh đài có vẻ không vừa ý, hẳn việc của quý hữu huynh đài chưa giải quyết xong?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Vâng! Quả đúng như vậy!

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Tiểu đệ giao du bạn bè khá đông, không chừng việc của quý hữu huynh đài có thể nhờ cậy vào họ giúp được chăng?

Trần-Gia-Cách nói:

-Đa tạ hảo ý của huynh đài! Việc của người bạn chỉ cần vài ngày là giải quyết xong nên không dám làm phiền đến huynh đài phải nhọc công nhờ cậy đến bạn bè của huynh.

Cả hai chuyện trò với nhau cả nửa ngày không biết chán, mà cũng chẳng ai biết rõ về ai.

Đông-Phương-Nhĩ nói:

-Ngày sau, nếu huynh đài có hứng muốn gặp tiểu đệ thì cứ cầm cây đàn kia xuống Bắc-Kinh, tự nhiên tiểu đệ sẽ đón tiếp. Bây giờ hai người chúng ta cùng nhau xuống núi thôi.

Trần-Gia-Cách nói:

-Phải! Chúng ta cùng nhau đi chung đường cho vui.

Đông-Phương-Nhĩ thân mật nắm tay Trần-Gia-Cách đi song song xuốn núi. Đến chùa Linh-Ấn, thình lình gặp vài người từ đàng xa đi lại.

Người đi trước mặt sáng như ngọc, ăn mặc hết sức sang trọng, tướng mạo giống Trần-Gia-Cách như khuôn đúc, tuổi tác cũng ngang nhau. Nếu kể về nét quyền quý cao sang, oai phong lẫm liệt thì người ấy có phần hơn, nhưng nếu kể về nét anh hùng hào hiệp thì lại kém Trần-Gia-Cách rất xa. Cả hai chạm mặt nhau, không ai bảo ai đều kinh ngạc ngơ ngẩn nhìn nhau.

Đông-Phương-Nhĩ cười nói:

-Lục huynh! Đệ nói có sai đâu! Anh xem người này có phải là giống anh như hai giọt nước không? Nó là cháu của tiểu đệ đấy. Khang nhi, con mau đến bái kiến Lục thế bá đi!

Người ấy nghe nói liền bước tới thi lễ. Trần-Gia-Cách thấy thế cũng vội vàng đáp lễ. Đột nhiên có tiếng phụ nữ kêu lên thất thanh như hoảng hốt.

Trần-Gia-Cách quay đầu lại nhìn thì thấy Châu-Ỷ miệng há hốc đi với Châu-Trọng-Anh và Châu phu nhân, với Từ-Thiện-Hoằng đi tháp tùng, đang từ bên trong chùa Linh-Ấn bước ra. Có lẽ vì Châu-Ỷ trông thấy đến ⬘hai Trần-Gia-Cách⬙ nên không dằn được kêu lên.

Trần-Gia-Cách giả vờ như không để ý, quay mặt đi nơi khác. Nhưng Từ-Thiện-Hoằng đã đoán được dụng tâm của Trần-Gia-Cách nên rỉ tai Châu-Ỷ nói nhỏ:

-Cứ im lặng mà đi bình thường, đừng tỏ một cử chỉ nào khác thường.

Đông-Phương-Nhĩ xiết chặt tay Trần-Gia-Cách, ra vẻ quyến luyến nói:

-Lục huynh! Chúng ta mới gặp mà chẳng khác gì bạn cố tri. Hy vọng này sau còn được dịp tái hội. Giờ xin tạm biệt nơi đây.

Hai bên chào nhau, sau đó có đến mấy chục đại hán mặc áo lam rải rác khắp nơi cùng đi theo, như hộ tống Đông-Phương-Nhĩ…

Trần-Gia-Cách láy mắt, Từ-Thiện-Hoằng hiểu ý, quay sang nói nhỏ với Châu-Trọng-Anh:

-Nhạc-phụ! Tổng-Đà-Chủ có việc sai con. Xin nhạc-phụ, nhạc-mẫu dẫn em Châu-Ỷ đi Tây-Hồ chơi thêm một lát rồi chúng ta gặp lại nhau tại nhà Mã-Thượng-Quân.

Châu-Ỷ có vẻ không vui, nhưng Từ-Thiện-Hoằng khéo léo tìm cách đi theo những người áo lam về thành…

Chú thích:

(1-) Có thể nói một cách khác là “bứt dây để động rừng”.

(2-) Cầm nghệ: tài đánh đàn.

(3-) Phụng lai: con chim phụng đến.

(4-) Bình sa lạc nhạn: con chim nhạn rơi trên bãi cát.

(5-) Gia nghiêm: một danh từ đồng nghĩa là “gia phụ”, khi đề cập đến thân phụ của mình với người khác.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN