Thư Kiếm Giang Hồ - Cô Sơn Gặp Người Yêu Thề Nguyền Suốt Đời- Đêm Lạnh Ngộ Ma Đầu, Hẹn Vào Một Sớm
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
101


Thư Kiếm Giang Hồ


Cô Sơn Gặp Người Yêu Thề Nguyền Suốt Đời- Đêm Lạnh Ngộ Ma Đầu, Hẹn Vào Một Sớm



Tự nhiên đó là hảo ý hy sinh thân mình cho tương lai của chàng, nhưng Yến Lăng Vân lại động nỗi sinh tình của một thư sinh ngốc nghếch lắc đầu cười gượng: – Kết bạn quý ở tri âm, tiểu đệ tự xét chẳng có gì đắc tội, họ đã bỏ tiểu đệ đi như thế, tiểu đệ còn mặt mũi nào tìm đến? Huống chi chuyện gặp gỡ trên đời vốn là đều do tiền định, cưỡng cầu nào có ích lợi gì đâu? Cát Phi Quỳnh cố giả quát mắng: – Công Tôn lão đại ca dặn tiểu đệ đệ những gì, chẳng lẽ đệ đệ quên sao? Lời tỷ tỷ quyết không sai, nói cho đệ đệ biết, vị Lâm cô nương ấy đâu có ý tuyệt giao thật, nếu không sao hành lý của đệ đệ vẫn giữ trên thuyền? Đệ đệ ngốc ơi, có hiểu hay không? Rồi đó lệ nàng như muốn trào ra, cúi đầu u oán: – Bây giờ trước mặt gia sư, tỷ tỷ nói một câu không sợ thẹn, chỉ cần đệ đệ nghĩ đến tỷ tỷ một phần nhỏ thôi, tỷ tỷ mãn nguyện lắm rồi. Chẳng lẽ cứ để uổng kiếp dư sinh khư khư bên nhau mà lấy làm hay không? Đệ đệ ơi, tuyệt thế kỳ nhân ấy, thiên hạ cầu còn không được. Hành hiệp trượng nghĩa vì Kỷ tiền bối báo thù, không làm thế không được đâu. Giọng nàng càng nói càng nghẹn ngào lộ kết thâm tình đối với chàng, khiến chàng bất giác cảm động khôn xiết vội vàng tiếp lời: – Mong ân Quỳnh tỷ tỷ đừng bỏ đệ, đệ hạnh phúc lắm rồi. Liền đó chàng hướng về Thiết Lão Lão vái một cái rồi chỉ về mặt trời đang rơi xuống phương tây: – Xin La lão tiền bối chứng giám, suốt đời tiểu sinh nếu như phụ bạc Quỳnh tỷ tỷ, thân sẽ như mặt trời kia. La lão bà thấy hai thiếu niên tình sâu nghĩa nặng như thế trong lòng hết sức hưng phấn, vội vàng đáp lễ mỉm cười: – Yến tướng công quân tử chí thành, lão thân rất tin. Nam nhân có năm thê bảy thiếp, đó là luật lệ cho phép của triều đình, Quỳnh nhi ta tuyệt không phải là người hay ghen ghét, sau này nếu như có ngộ hợp nào chắc không đến cố chấp chăng? Rõ ràng lão bà nói câu ấy là có hàm chứa thâm ý. Vừa dứt lời bỗng nghe dưới chân nhai có tiếng cười ha hả: – Nữ nhi hiền thục đa tình, lão phu cũng có thể chứng giám, hãy nhận tín vật của ta làm sính lễ được chăng? Một tia chớp lên từ bên cạnh bay vào trong Sơ Trang đình. Thiết Lão Lão La Cô Bà quát to: – Người nào tại đây nhìn lén sao chưa hiện thân? Lão bà vốn vì mình là người thành danh mấy chục năm, tai mắt cực linh thông thế mà có người đến gần chưa phát giác ra thực có tổn thất đến uy danh. Do đó ý muốn bức bách đối phương hiện thân ra xem là cao nhân nào? Nhưng người nọ càng mau hơn, nhất là trên đỉnh núi chu vi không quá mấy chục trượng dưới là huyền nhai sâu tới mặt nước, phi chuyển một vòng mắt vẫn chỉ thấy hoang sơn tịch mịch không có một bóng nhân ảnh. Hiển nhiên âm thanh ấy tất phải là một vị kỳ sĩ công lực tuyệt cao, nhất là khi lão bà quay vào đình liền nhìn thấy trong tay Hồng Lăng Nữ cầm một miếng trúc màu tía sáng lấp lánh, lập tức nhận ra vật này, lão bà cả mừng: – Phúc duyên của con không nhỏ, thì ra là lão quái vật đó ư? Rồi nghiêm mặt nói với nàng: – Quỳnh nhi chớ coi thường miếng trúc nhỏ ấy, vật này do Nam Hải Phật Trúc chế thành cứng như sắt, nước lửa đều không xâm phạm được có tên là Tử Trúc Lệnh của lão nhân đứng đầu trong võ lâm và là tín phù của Thiên Sơn Thần Khất Cơ đại hiệp. Cầm nó có thể đi khắp giang hồ, bất luận hắc đạo, bạch đạo đều phải nể nang, nhất là Cái Bang khắp nơi thấy nó như thấy tổ sư giáng lâm, ai cũng phải tuân lệnh, thực là mười phần hữu dụng và đáng quý, mau cất vào người đi! Cứ theo lời La Cô Bà thì cái Tử Trúc Lệnh này quả là đáng quý, không ngờ Cát Phi Quỳnh trao lại cho Yến Lăng Vân: – Vân đệ tạm giữ vật này để phòng bất trắc… Nhưng La Cô Bà đã ngắt lời mắng: – Con ngốc này, đó là vật Cơ đại hiệp thay thế Yến tướng công tặng con làm sính lễ, sư phụ không có gì quý nhưng tạm thời đưa cho Yến tướng công Thiết Mộc Lệnh để cả hai con cùng vui cả, được chăng? Lão bà đưa tay vào trong áo lấy ra một mảnh gỗ đen bóng đặt vào tay Yến Lăng Vân, từ tốn nói: – Yến tướng công hãy theo lời Quỳnh nhi dùng đường bộ đuổi theo chị em họ Lâm. Sư đồ lão thân sẽ đến Đông Hải trước, rồi sau đó ta sẽ gặp lại nhau ở Kim Lăng. Cát Phi Quỳnh nắm lấy tay chàng ân cần dặn dò: – Vân đệ lên đường nên cẩn thận. Ở Kim Lăng có Nhất Âm sư thái là bạn cũ của mẫu thân tỷ tỷ, có việc gì đệ cứ đến tìm người, chúng ta sau này sẽ gặp lại nhau, cố trân trọng giữ thân nhé! Lời nàng tha thiết tình sâu nghĩa nặng khiến chàng bồi hồi, chỉ biết gật đầu gạt lệ chia tay. Ba người lập tức hạ sơn vượt sông qua bờ bên kia phía bắc rồi chia tay. Bấy giờ mặt trời đã lặn, ráng chiều ửng đỏ nơi hướng tây bốn bề khói toả. Chỉ còn lại đơn độc một mình Yến Lăng Vân, chàng phi hành theo con đường ven sông đi xuống hạ lưu. Suốt dọc đường đa số chỉ có những nhà làm nghề đánh cá, vì là buổi tối hoang vắng nên chàng yên tâm giở khinh công tuyệt kỹ phi hành một mạch mà không bị ai chú ý. Chưa tới đầu canh một chàng đã tới Hoa Dương. Theo chàng suy luận, gió hôm nay không lấy gì làm thuận, thuyền của chị em họ Lâm rất lớn, người lại đông quyết không thể nào chạy quá trăm dặm. Do đó chàng còn đủ nhàn nhã tìm một tửu phạn quán ven sông ăn uống cho chắc bụng, chuẩn bị phi hành tiếp suốt đêm nay thế nào cũng bắt kịp. Ăn uống xong xuôi chàng lại đổi ý, hỏi thăm tìm mua một chiếc thuyền nhỏ, tự mình chèo trên sông tìm bóng con thuyền vĩ đại của chị em họ Lâm. Bấy giờ trăng sáng sao thưa, chèo chiếc thuyền con con đến hạ lưu, nhờ nhãn lực phi thường chàng đã nhìn thấy chiếc thuyền to lớn của chị em họ bỏ neo bên một bến nước. Trong thuyền đèn nến vẫn còn sáng rực, tiểu thư sinh mừng quá sở vọng, đẩy thuyền nhỏ tới. Tâm trạng chàng bấy giờ rất mâu thuẫn, vừa tự tôn trọng không muốn cầu xin người khác, vừa vẫn nhớ lời người yêu bên tai, không như thế không được. Chàng bồi hồi một thoáng rồi gọi lớn lên thuyền: – Lâm Anh hiền đệ, ngu huynh Yến Lăng Vân đến đây! Không đợi có tiếng đáp, chàng khinh thân bay lướt lên thuyền. Cứ theo chàng nghĩ, chàng và họ đã có giao tình khá sâu đậm, dù chàng có tự ý lên thuyền, đối phương cũng không thể phiền trách. Đồng thời chàng nhìn thấy một nam một nữ ra nghênh đón. Nhưng khi đến gần mới phát hiện đối phương không phải là người mà chàng muốn gặp. Nam nhân tuổi đã ba mươi, hai mắt âm trầm khoác áo hồ cừu như một công tử quý phái. Nữ nhân tóc mây thả xuống vai tuổi cũng độ chừng mười tám mười chín, áo xanh quần đỏ thể thái xinh tươi hai mắt long lanh như muốn đoạt lòng người. Yến Lăng Vân lại tưởng đâu là khách của chị em họ Lâm nên ôm quyền thi lễ: – Cảm phiền nhị vị huynh đài cho biết Anh đệ có ở trên thuyền không? Trước mặt người lạ chàng không tiện hỏi thẳng tên Lâm Yên cô nương nên phải hỏi tên người em. Ngờ đâu câu hỏi của chàng vừa dứt, liền nghe nữ lang nọ bật cười: – Cái gì là Anh đệ hay không Anh đệ? Gia phụ có lời mời, mau theo tiểu muội vào trong khoang. Tiểu muội nghe tên Yến sư huynh đã lâu, hôm nay mới hân hạnh gặp mặt đó! Yến Lăng Vân giật mình bất giác nghĩ thầm: “Ôi! Ta chẳng biết những người này là ai, bản thân ta đâu có bao giờ nhập môn phái nào mà lại có đồng môn sư muội? Thật là kỳ quái!” Nhưng rồi lại sực nhớ, biết đâu Thiên Đô Tiên Khách từ lúc truyền thụ huyền công cho chàng ở Quy Sơn đã tự coi như chàng là môn hạ rồi. Rồi đó lập tức nghiêm cẩn đáp: – Vâng, vâng. Tiểu đệ xin vào bái kiến lão nhân gia. Rồi bước theo sau hai nam nữ vào khoang thuyền. Không ngờ vừa đưa mắt nhìn dưới bóng đuốc sáng rực ngời một người không phải là gia tổ của chị em họ Lâm mà nghiễm nhiên lại là Miêu Lãnh lão ma! Chuyện tới đây quả là vượt khỏi tưởng tượng của chàng, bất giác chàng giật mình hoảng kinh. Nhưng mọi việc đã dĩ lỡ, chàng đành ôm quyền: – Không biết lão tiền bối gọi đến có gì chỉ giáo? Bấy giờ Miêu Lãnh Khuyết hình như đang có gì vui vẻ trong lòng nên sắc mặt ôn hoà, chỉ vào chiếc cẩm đôn bên cạnh: – Hiền đồ ngồi xuống đây đã, hôm nay ta có thiên duyên, sư phụ sẽ nói nhiều với con. Lão nghiễm nhiên tự coi mình đã là sư phụ và coi như Yến Lăng Vân đã là môn nhân, đương nhiên nếu lấy sự truyền thụ võ công mà luận, như thế cũng chẳng có gì sai. Chỉ vì Yến Lăng Vân vẫn coi hai người có hai con đường khác nhau, chính tà khác biệt nên không chấp nhận danh phận ấy. Chàng ngang nhiên tiếp lời: – Lão tiền bối xưng hô như thế, xin thứ tiểu sinh không dám nhận, có việc gì xin cứ chỉ giáo. Miêu Lãnh lão ma là người tự đại tự tôn đâu thể nào chịu được hậu bối kháng cự lại ý muốn của mình, nhưng không hiểu hôm nay lão có gì cao hứng khác thường nên nghe câu nói ngang ngạnh của chàng vẫn không đổi sắc, khẽ cười: – Người thường nói thư sinh hủ lậu, quả nhiên không sai! Ta thử hỏi ngươi, cổ nhân đã có thân phận sư đồ ước định, rằng hễ ai truyền thụ võ công là sư phụ và chịu sự truyền thụ ấy là đồ đệ, lão phu và ngươi thực đã có điều đó sao lại không phải là sư đồ? Huống gì theo lão phu tra xét tận tường ngươi quả chưa hề có sư phụ cũng chẳng phải là truyền nhân của Thiên Đô lão, nay ngươi đã có đủ tuyệt học của bản môn sao chưa chịu nhận lão phu là sư phụ? Nhất là ngươi là kẻ đọc sách chẳng lẽ không nhận ra lý ấy ư? Mà chẳng cần nói tới các chuyện ấy, cứ lấy việc trước mắt mà luận, ngươi tự tìm đến đây không phải là không có ý trời trong ấy sao? Tiếp một tràng dài như thế, lão lại nghiêm sắc mặt: – Đó là lão phu thực sự yêu tài, không muốn để ngươi lầm lạc, học lầm những công phu dung tục tầm thường, lão phu đã chuẩn bị truyền y bát bản môn cho ngươi, chẳng lẽ là ác ý ư? Vẫn không để chàng đáp, lão chỉ nữ nhân đứng bên cạnh: – Đây là tiểu nữ Hàn Hương tuổi vừa đôi chín, hôm nay đến cũng vì ngươi, ngươi đủ biết tâm ý thành thật của sư phụ rồi chứ? Những lời của lão thực là có để ý đến chàng nên không tiếc đến cả mang con gái ra trói buộc chàng. Phải nói thật là chuyện người khác có nằm mộng cầu cũng không được, và bản thân Miêu Lãnh lão ma xưa nay cũng là lần thứ nhất nhún nhường đến thế. Nhất là lúc thiếu nữ Khuyết Hàn Hương đứng cạnh vừa nghe lời cha nét mặt đầy xuân e thẹn đưa đôi mắt xiêu hồn lạc phách nhìn Yến Lăng Vân như thúc giục chàng: “Bằng lòng đi chứ!” Tình hình như thế kể ra cũng rất dễ xiêu lòng, nhưng Yến Lăng Vân không hổ thẹn là kẻ đã từng học thi thư, môn đồ của thánh hiền, chàng không cần một chút suy nghĩ, cương quyết đáp: – Đa tạ mỹ ý của lão tiền bối, mỗi ngươi có một chí hướng, không thể tuân lệnh được, vả chăng tiểu sinh đã có người tào khang đâu dám với cao? Rồi liền ôm quyền: – Tiểu sinh rất tiếc có việc cần, xin cáo từ! Tiếp đó chuyển thân muốn quay ra. Miêu Lãnh lão ma phát ra một tiếng cười lạnh lẽo: – Tiểu tử không biết tốt xấu là gì, định đi đâu? Còn vị ma nữ Khuyết Hàn Hương lộ liền sắc giận chận ngang cửa khoang thuyền quát to: – Họ Yến! Khuyết Hàn Hương ta vâng lệnh nghiêm đường, danh phận đã định, ngươi bỏ đi sao được? Yến Lăng Vân nhận ra tình hình đã lọt vào tay người, chưa chắc chàng đã là địch thủ của hai cha con nàng, do đó lập tức linh cơ chuyển động quay thân lại lớn tiếng: – Nếu như lão tiền bối dùng sức mạnh cố ép, tiểu sinh dù chết không phục, tương lai sẽ nói sao với công luận giang hồ? Điều ấy vốn rất đúng, y bát truyền nhân đối với một môn phái cũng như hương hoả của một gia tông, tất cần phải do sự tự nguyện mai kia mới giữ được lâu dài vĩnh viễn, do đó Miêu Lãnh Khuyết mới không tiếc mang con gái ra làm mồi nhử, chính là lý do ấy. Nhất là lão nhìn thấy Yến Lăng Vân hoàn toàn không có chút gì sợ hãi, chẳng những chàng có căn cốt tuyệt thế mà tính tình không thể dùng uy vũ khuất phục, mỹ sắc không động là phẩm chất rất hiếm trên đời, bất giác lão càng thêm ái mộ chàng. Lão do vậy cố dằn lửa giận, trầm giọng hỏi: – Thế phải làm sao ngươi mới chịu tâm phục? Yến Lăng Vân: – Nếu lão tiền bối theo ba việc yêu cầu của tiểu sinh sau đây. Thứ nhất Miêu Lãnh phái từ nay không được phạm vào các tội ác giết người, tà dâm, cải tà quy chánh… thứ hai… trong vòng ba năm nữa nếu tiểu sinh không tìm được minh sư cao nhân, thứ ba phải giải thích được ba chữ “Tiêu Diêu… Du” do nghĩa huynh Độc Hành Tẩu thốt ra lúc lâm chung, giúp tiểu sinh trả mối thù cho nghĩa huynh. Ba điều kiện ấy theo Yến Lăng Vân, Miêu Lãnh lão ma tuyệt không thể chấp nhận và chàng chỉ làm kế hoãn binh để tìm cách thoát thân mà thôi. Nhưng sau khi nghe rõ ba điều kiện ấy, không hiểu sao Miêu Lãnh lão ma có vẻ rất hứng thú, chỉ hơi trầm tư một chút, lão liền bật cười ha hả: – Cũng được! Chúng ta một lời đã định! Lão phu chấp nhận tất cả, phải chăng đây là ý trời? Lão nhìn chàng gật đầu: – Hôm nay tương phùng không dễ, không thể không ghi một kỷ niệm, hãy thuật lại cẩn thận tình hình lúc lâm chung của nghĩa huynh ngươi cho ta nghe! Rồi lệnh cho con gái: – Hương nhi hãy dặn nhà bếp sửa soạn rượu ngon nhắm tốt cho ta đãi khách quý đấy nhé! Kết quả như thế thực ra ngoài dự liệu của Yến Lăng Vân. Chẳng những người ta không dùng cường lực cưỡng ép, mà ngữ khí lại tỏ ra của một trưởng giả, khí lượng rất khoáng đạt hỏi liền nguyên nhân cái chết của Độc Hành Tẩu. Thêm nữa, ma nữ Khuyết Hàn Hương cũng rất ân cần săn sóc tới chàng vô cùng vui vẻ. Chỉ duy nhất có nam nhân áo quần hoa lệ trước sau không nói một lời, lạnh như một tảng băng đứng bên cạnh. Yến Lăng Vân không cần khiêm tốn, tức thì ngồi xuống chỗ vị trí khách nhân. Bấy giờ ước vào khoảng giữa canh hai, trên trời trăng lạnh không một chút mây mù, nước sông chảy cuồn cuộn, hai bên bờ lập lòe ánh đèn của mấy thuyền câu chấm từng điểm ngược xuống nước tạo thành một cảnh sắc cực kỳ nên thơ. Miêu Lãnh lão ma nhìn ái nữ và vị khách thiếu niên song song ngồi đối diện như hai viên ngọc quý, nam thì ôn văn nho nhã, nữ thì yểu điệu phong lưu. Lão thập phần cao hứng, bất giác bộ mặt thường ngày vẫn thường lạnh lẽo hơi có vẻ tươi cười lập tức giơ cao chén rượu nhìn Yến Lăng Vân: – Trời cao đất rộng, chúng ta gặp nhau ở đây kể cũng có cơ duyên, chẳng nên câu thúc cứ tùy ý vui chơi. Yến Lăng Vân vì là vãn bối nên cung kính đáp: – Đa tạ thịnh ý lão tiền bối, tiểu sinh nào dám trái lệnh! Rồi chàng cùng cạn chén mỹ tửu và đem chuyện đã qua của Độc Hành Tẩu cùng những gì chàng biết ra thuật lại, trong khi kể chàng vẫn lưu tâm tới sắc mặt của lão ma, hy vọng chứng minh được nỗi nghi ngờ của Thiết Lão Lão. Không ngờ lão Miêu Lãnh Khuyết nghe qua cũng lấy làm kinh ngạc, hai lông mày nhăn tít lại, trầm tư rất lâu rồi mới cao giọng: – Trước đây lão phu vẫn tưởng những chuyện chấn động giang hồ ấy đều do ngươi làm, nhưng xem ra còn có nhiều ẩn tình khác nữa. Tiếp đó lão lắc đầu nhìn ra ngoài khoang thuyền nói tiếp: – Truyền thuyết nói rằng khi xưa Đại Hoang chân nhân đích xác có lưu lại bút tích tặng bí kíp cho người hữu duyên, nhưng vị tiền bối quái kiệt ấy thần thông quảng đại kỳ bí tuyệt luân. Sáu mươi năm trước trong võ lâm đã nổi lên phong trào truy tầm bí kíp rất náo nhiệt, kết quả chẳng ai tìm được gì, nơi ở của kỳ nhân ấy rải khắp thiên hạ nên sự kỵ huý càng nhiều. Mười mấy năm nay không ai đi tìm báu vật nữa, không ngờ việc ấy đến hôm nay lại còn có người chú ý, ba tiếng “Tiêu Diêu… Du” quả nhiên rất khó hiểu. Thiên hạ chẳng có việc gì khó, chỉ sợ không có người có lòng mà thôi, lão phu quyết thử một phen… Lão ngừng một chút rồi quay sang bảo con gái: – Hôm nay gặp khách quý, có rượu nên có đàn, sao Hương nhi không tấu lên một khúc cho tất cả thưởng lãm? Hiển nhiên lão có ý giúp con gái phô diễn tài nghệ trước mặt thiếu niên mà lão chọn mà làm giai tế. Thiếu nữ được lời rất hoan hỷ, đưa mắt ưu ái nhìn Yến Lăng Vân rồi mới khẽ động hai cánh môi đào: – Hài nhi xin tuân lệnh, chỉ e tài nghệ vụng về làm bẩn tai khách quý chăng? Lúc này bỗng nhiên nàng đã biến thành người mười phần văn nhã, đồng thời tỳ nữ lập tức dâng lên một cây đàn tỳ bà đen tuyền. Khuyết Hàn Hương đưa tay ngọc ra khẽ đỡ, ngón tay nàng lướt vặn trục đàn rồi vuốt nhẹ tiếng tơ, nàng cười dịu dàng với chàng. – Xin phô chút tài mọn. Nàng ngồi thẳng người lại, hai mắt ngưng thần, đầu ngón tay búng nhẹ lập tức một loạt âm thanh như tiếng ngọc gieo xuống mâm vàng thánh thót cất lên. Thêm nữa Yến Lăng Vân cũng tinh thông âm vận, rất yêu âm nhạc bây giờ tuy ở chỗ hiểm lo lắng về hai chị em họ Lâm trong bụng: “Người ta đã có ý tốt với mình, sao mà mình nỡ làm mất nhã hứng của người? Hãy nghe xong khúc nhạc này rồi cáo từ cũng được.” Nào ngờ ý chàng vừa chuyển, bỗng nghe “đang” một tiếng, ngũ âm theo đó cất lên lanh lảnh như tiếng giáo mác đao kiếm chạm nhau rất ghê rợn, lập tức tâm hồn chàng giao động, người cơ hồ không thể tự chủ như có luồng khí lạ xông lên trong lục phủ ngũ tạng. May mà túc căn chàng thâm hậu, đột nhiên hiểu ra trong loại âm nhạc này có gì khác lạ, lập tức chính tâm thành ý hồi tưởng lại tâm pháp do lão nhân truyền âm ở Quy Sơn chấn định tâm thần mới dần dần hồi phục bình tĩnh. Qua một khắc lại nghe âm điệu đối phương đột chuyển lúc thì bỗng thấp bỗng cao như khóc than như tiếng khóc người cô phụ xa chồng, lúc thì như đứt như nối rơi từng tiếng nỉ non chẳng khác nào ve kêu vượn hót, khiến người nghe lòng rối bời bời. Cuối cùng là một loạt âm thanh gấp rút như ngựa phi, ngũ âm cùng tấu lên sắt sắt bên tai khiến người nghe thất thần lạc chí. Nói cho đúng nếu Yến Lăng Vân không kịp thời cảnh giác và vận công kháng cự lại tiếng đàn thì không biết tình hình sẽ ra sao. Vì khúc tỳ bà độc tấu của Khuyết Hàn Hương có tên là Thất Tình Ma Âm cố ý thử thách khuất phục chàng, xưa nay rất ít người chống cự được tấu khúc ấy của nàng. Một lúc sau nàng vẫn thấy tiểu thư sinh chú mục nhìn vào mấy ngón tay nàng, miệng lại cười nhạt, không động tơ hào. Bất giác nàng vừa kinh ngạc vừa vui mừng tự nghĩ thân phụ quả nhiên có nhãn lực hơn người, thiếu niên này thế gian ít có. Vừa lúc ấy phụ thân nàng cũng bật cười ha hả: – Hay lắm! Hương nhi đã thấy lời của cha không sai chứ? Rồi chuyển qua nhìn chàng: – Tài mọn của tiểu nữ có xứng đáng với nhã hứng không? Tự nhiên Yến Lăng Vân là khách đâu dám phê bình, vội vàng xưng tụng: – Khuyết cô nương thần thủ tuyệt kỹ, tiểu sinh lấy làm khâm phục! Chàng liền đứng hẳn dậy, ôm quyền: – Đa tạ lão tiền bối quá yêu, trời không còn sớm nữa, vãn bối xin cáo từ. Quả nhiên Miêu Lãnh lão ma giữ lời hứa không hề ngăn cản, mà còn mỉm cười đáp: – Được! Chúng ta quân tử nhất ngôn, sau này sẽ tái kiến. Rồi vẫy tay ra hiệu cho con gái: – Hương nhi thay cha tiễn khách. Bây giờ đang là đêm khuya yên tĩnh, trừ tiếng sóng vỗ ven sông và mặt nguyệt đang chìm xuống phía tây ra bốn bề hoang vu tịch mịch. Ma nữ Khuyết Hàn Hương tiễn Yến Lăng Vân đến tận bờ hồ rồi rút từ tay áo ra một vật, hạ thấp giọng nói: – Tướng công lên đường trân trọng, vật này là tín phù của gia phụ, xin mang theo bên mình đề phòng có lúc cần đến, chỉ mong không quên ước hẹn đêm nay. Thứ cho tiểu muội không tiễn xa hơn được nữa. Tình ý nàng rất ân cần, mười phần quan thiết. Nhưng Yến Lăng Vân bụng đã sẵn thành kiến, không muốn nhận tình ấy của nàng, lập tức ôm quyền đáp: – Đa tạ thịnh ý của Khuyết cô nương, tiểu sinh không dám nhận, xin mời cô nương quay về. Không đợi nàng đáp, chàng vẫy tay chuyển thân bắn vọt đi, không hề quay đầu đã xa hơn mười trượng mất dạng trong bóng đêm mịt mù. May mà chàng đã thoát thân, dù có chậm trễ mất nhiều rồi và người chàng cần đuổi theo tất đã đi quá xa. Chàng bâng khuâng tự nghĩ: “Ta có nghe Lâm Anh nói qua họ có việc phải đến Kim Lăng, bây giờ dù gấp cũng vô ích!” Do đó chàng cứ phi hành với tốc độ vừa phải đợi trời sáng sẽ tính sau. Con đường này là thông đạo dẫn tới phủ An Khánh chạy sát quanh co theo bờ sông nước chảy xiết và hai bên mọc đầy lau sậy. Bất ngờ đang phi hành, hốt nhiên chàng nhìn thấy có người nằm ngang trên đường, chàng đang định đến gần xem là ai bỗng chân vấp phải cái gì đó, loạng choạng chút nữa ngã, định thần nhìn kỹ lại thì là một cành cây khô ai đó vất ngang lòng đường. Khi chàng ngẩng đầu lên, cái bóng người nằm trên đường lúc nãy đã biến mất từ bao giờ. Đột nhiên sau lưng chàng lại có tiếng quát lạnh lùng: – Tiểu tử họ Yến kia! Tang Môn Thần ta có việc muốn hỏi ngươi! Chàng vội quay lại thì ra đó là nam nhân hán tử trên thuyền của Miêu Lãnh lão ma không biết theo dõi chàng từ lúc nào đang phi thân đến. Nghe gã nói một cách vô lễ, Yến Lăng Vân ngạo mạn đáp: – Tiểu sinh và quý lệnh sư đã có lời hứa, tôn giá đuổi theo là muốn chỉ giáo thêm điều gì? Khi còn ở trên thuyền, chàng đã thấy hán tử này thuỷ chung cứ đứng một bên, không hề tham dự cuộc rượu cũng chẳng nói một lời nên cứ tưởng gã là gia nhân. Đối phương lộ hung khí cười hăng hắc: – Ta hỏi ngươi, bản môn đệ tử là đệ nhất thiên hạ có chỗ nào xấu? Nhất là Khuyết sư muội ta quốc sắc thiên hương không đáng cho ngươi để mắt tới hay sao? Thì ra có lẽ gã thấy Yến Lăng Vân có vẻ khinh thường với sư môn gã, nên đuổi theo hỏi tội chàng. Chàng đáp thẳng: – Về việc ấy tại hạ không ngại gì nói thẳng: tà và chính khác nhau, kẻ sĩ tự có chí của mình. Tóm lại là như thế, các hạ hãy tự hiểu lấy. Lệnh sư đã không miễn cưỡng, các hạ còn muốn gì tại hạ? Gã tự xưng là Tang Môn Thần nổi giận trầm giọng quát: – Tiểu tử ngông cuồng, hôm nay Lam Xuân ta muốn thử xem bản lãnh ngươi tới đâu! Hai vai gã lay động lướt tới trước mặt chàng đồng thời quát to: – Tiếp chiêu! Tay vươn tới trảo công cuốn theo gió lạnh chộp thẳng vào ngực Yến Lăng Vân. Chẳng những thân hình hộ pháp của gã mau như gió cuốn mà xuất thủ cũng hết sức hiểm độc như điện quang loé lên, chứng minh gã không phải hạng tầm thường. Không dám chậm trễ, chân chàng đạp vào thế Lục Hợp Tiềm Tung Bộ, triển khai Quỷ Ảnh Thân Pháp xuất liền chiêu Quyển Địa Toàn Long tránh chiêu tấn công ấy, chưởng phong chàng quét ngang đánh trả.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN