Người Khắc Bia Mộ - Chương 05-P2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
147


Người Khắc Bia Mộ


Chương 05-P2



Minh cắn răng nén tiếng khóc đang chực bật ra. Vũ kể tiếp, mắt sáng lên như đang sống lại trong phút giây đỏ lửa:

– Trong khi đang tuyệt vọng vì bên kia quá đông, Vũ nghe tiếng trực thăng đến. Vũ mừng hơn là thấy mạ của Vũ nữa. Vũ chạy đến lay gọi Thiếu úy Đỗ. Ông nằm im lìm. Có vài anh em cũng bị thương nằm la liệt dưới đất, đưa mắt nhìn Vũ như cầu xin. Vũ muốn chết sững trước cảnh nớ. Mà ông Đỗ vẫn nằm im, lạnh giá. Vũ không biết là ông còn sống hay đã chết. Mà địch vừa bắn vừa pháo rát quá, trực thăng lại bắt đầu bay lên. Đôi mắt khẩn thiết của anh bạn nằm gần Vũ nhất như bắt Vũ phải quyết định. Vũ chỉ còn kịp kéo poncho đắp lên người Thiếu úy Đỗ rồi xóc anh bạn chạy đến leo lên trực thăng.

Minh ôm mặt:

– Trời ơi! Anh Đỗ…

Vũ lau mồ hôi lấm tấm trên trán. Kể lại đoạn đời máu lửa kia đối với Vũ là một cực hình. Trước mặt Vũ, Minh đang sụt sùi khóc, không đè nén được nữa. Vũ nghẹn lời:

– Chị Minh, Vũ rất khổ sở phải kể chị nghe như rứa. Vũ không có can đảm nói dối để kéo dài sự hy vọng nhớ nhung cho chị. Thà là… ta cứ biết sự việc đã đến đoạn cuối của nó. Chị Minh có giận Vũ không? Vũ cũng chỉ là con người, không phải Phật , Thánh nên không có phép tiên cứu vớt cả nhân loại.

Minh nói trong tiếng khóc:

– Chính Chúa Phật cũng bỏ con người….

Vũ khổ sở nói:

– Chị Minh, Vũ xin chị đừng khóc nữa…. Chị Minh ơi!

Nhưng Minh đang rũ người như một tàu lá úa. Vũ ngậm ngùi giở chiếc mũ xanh đặt xuống giường, bỗng thấy giống như Vũ vẫn làm khi chào vĩnh biệt những người bạn đã hy sinh. Vũ nhớ đến đêm kinh hoàng đó, khi Vũ vác người bạn vừa leo lên trực thăng thì cũng đúng lúc chiếc máy bay phải rời mặt đất. Đạn bay vèo vèo tứ phía. Vũ còn thấy Đỗ nằm yên bên những ụ đất cát, dưới tấm poncho. Đêm ấy, Vũ muốn nghĩ đến Chúa, đến Phật để mà cầu nguyện cho người dưới đó, nhưng cảm thấy không có sức mạnh nào giúp đỡ được con người. Đời sống hồ như đã mất hết những nhân danh.

Vũ bỗng hết muốn đi ra phố, hết muốn đến bạn bè, hết muốn tìm vào rạp xi-nê. Vũ cảm thấy cuộc đời là một vở kịch hay nhất, mà chiến tranh Việt Nam là một cuốn phim hào hùng, bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại. Vũ chợt muốn về nhà ngay. Vũ muốn ra Hải Lăng ngay bây giờ, muốn thấy mẹ, thấy em đang lang thang tìm lại nền nhà xưa trên gạch vụn. Vũ muốn thấy mẹ còn nguyên da nguyên thịt, thấy em gái bằng mắt bằng nụ cười. Vũ muốn trở về ngay.

**

Bảy giờ sáng. Minh vo xong nồi nếp, bắc lên lò rồi quay vào phòng. Mấy đứa nhỏ vẫn còn ngủ say. Nghỉ Tết rồi, chúng không bị mợ Phương đánh thức sớm như những ngày thường. Chỉ có Minh ngồi lặng yên trên ghế. Cũng không có bài để học, ngoài mấy hình vẽ thực vật còn dở dang. Minh giở tập vẽ ra rồi nhìn trâng trâng vào giấy. Cành Bã Đậu hôm nọ Liên Nga hái giùm cho Minh ép nay đã khô lại. Nhìn thứ lá quen thuộc đó, Minh se thắt nhớ đến hậu cứ tiểu đoàn của Đỗ. Mấy cây Bã Đậu nơi ấy giờ đây chắc đã lên cao. Hơn hai năm rồi còn chi! Ngày tháng vụt qua như một cái chớp mắt. Mới ngày nào Minh là một cô bé mười bảy tuổi, nay sắp đón thêm một sinh nhật nữa, sinh nhật thứ hai mươi. Tuổi hai mươi có lẽ là tuổi đẹp nhất của đời người. Đó là tuổi vừa chín những mộng mơ, và là tuổi để bắt đầu thực hiện hoài bão của tuổi trẻ.

Minh gấp tập lại, không vẽ tiếp nữa. Minh muốn mình phải ngồi yên trên ghế để chờ đợi. Không phải Minh đợi Tết. Tết sẽ đến như năm qua. Lễ đưa Ông Táo cũng đã được cúng rồi. Mợ Phương hôm nay nấu xôi chè để cúng “trong nhà trong cửa”. Rồi Tết sẽ đến. Không có gì để chờ đợi, đón mừng. Mà là Minh đang đợi, đúng tám giờ sáng nay, ở khắp nơi, mọi ngả đường, sẽ có tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ đổ vang đồng loạt. Minh chờ đợi một thời điểm lịch sử sắp đến. Minh biết ở những góc phố, ở những vùng thôn quê, trong bản làng rừng núi, mọi người cũng đang mong đợi.Vì đúng tám giờ sáng nay, tiếng súng sẽ im. Nghĩa là sắp có ngưng bắn. Vì ngày hôm qua, 27 tháng Một, 1973, Hiệp định ngưng bắn đã được ký kết giữa hai miền Nam Bắc. Từ bốn ngày trước Minh đón nhận tin ngưng bắn với trăm nghìn ý nghĩ phức tạp – vui, buồn, hoài nghi, hy vọng… Nhưng mà đó là sự thật. Hiệp định đã ký kết, và dù cho có tâm trạng gì đi nữa, mỗi một người dân đều nghĩ đến hai chữ “Hòa Bình”.

Ở nhà ngoài có tiếng radio cậu Phương vừa mở. Có tiếng mợ Phương nói gì nghe không rõ. Dường như cậu mợ đang nói với nhau về cha mẹ của Minh. Minh không còn biết cảm xúc đang hiện diện lúc này trong Minh là gì nữa. Rồi nghe có tiếng của Liên Nga chào cậu mợ trước nhà.

Minh đứng ngay dậy. Liên Nga đang đi vào. Nga nắm lấy tay Minh, hỏi:

– Minh, làm gì đó?

– Tao đang ngồi…

– Học hả?

Minh lắc đầu, rồi hỏi:

– Có việc gì mà mày qua sớm thế?

Liên Nga nắm chặt bàn tay Minh hơn nữa, đáp:

– Tao ngồi không yên, Minh ạ. Học không nổi, mà làm việc cũng không nổi, qua mày coi mày thế nào.

– Tao cũng vậy, tao đang chờ.

– Ừ, sao kỳ ghê Minh ơi. Mày có sốt ruột không?

– Sao lại không? Mày vào ngồi với tao đi.

Liên Nga đưa tay vuốt ve chiếc mùng của bọn nhỏ, thở ra:

– Tụi con nít khỏe quá Minh nhỉ! Được nghỉ là ngủ khò. Sáng nay tao thức dậy thiệt sớm, tưởng là sẽ học được, không ngờ trong lòng cứ nôn nao gì đâu. Té ra mày cũng như tao.

Hai đứa ngồi xuống ghế, nhìn ra cửa sổ. Qua những mái nhà thấp, nóc nhà thờ vươn lên cao. Liên Nga liếc thấy đôi mắt Liên Nga long lanh nhìn ra đầu gác chuông ấy.

Đột nhiên trong khoảng không gian im lặng, có tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi. Minh bấu lấy tay Liên Nga, nói run run:

– Mày nghe gì chưa, Liên Nga?

Nga đáp nhẹ như sợ làm vỡ tan âm thanh đó:

– Nghe rồi… Chuông nhà thờ đổ. Tám giờ rồi đó Minh.

Hai đứa im thin thít. Minh chợt reo lên:

– Nghe gì không? Cả chuông chùa nữa!

– Có còi tàu hụ nữa Minh à.

Minh ôm chặt cánh tay Liên Nga, nhắm mắt lại. m thanh vang đều trong xóm nhỏ, như lời reo mừng của đường phố đón người đi xa về, như tiếng khóc sung sướng của đồng lúa đón người trở lại ruộng vườn.

… Chuông đã dứt. Bên ngoài, cậu Phương mở radio to thêm. Có lời kêu gọi dành một phút để mặc niệm những người đã khuất. Có tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên bi tráng. Minh nghe nghẹn cả hơi thở. Giống như có linh hồn những người đã chết ở cõi u minh về cùng chia sớt niềm vui nơi đây.

Liên Nga nói bằng giọng xa xăm:

– Kể như chiến tranh đã chấm dứt rồi hở Minh?

– Mới ngưng bắn thôi. Chưa chắc đã hết chiến tranh. Nhưng nhiều người sẽ vui mừng vì bớt âu lo.

Minh thở dài:

– Mười tám, mười chín năm, dài thật hở Nga! Thời gian đủ để một đứa bé chào đời rồi lớn lên, cầm súng.

Liên Nga đặt tay lên vai bạn, nói:

– Mày rỉ rả như một bà cụ. Tao với mày cũng đã sống trọn vẹn trong thời gian đó. Bao nhiêu là chuyện đã xảy ra mà mình không ngờ, Minh hả!

Nói xong câu đó, Nga thấy Minh đỏ hoe đôi mắt. Nga giật mình, nhớ ra rằng mình đã quên không đem khăn tay theo. Hai đứa im lặng, cùng lắng nghe tiếng radio vọng vào những bản thông điệp.

Minh đứng lên, nói một câu như đánh trống lấp:

– Gần Tết rồi đó Nga. May áo mới chưa?

– Làm cứ như con nít. May rồi, thử rồi, còn mày?

Minh cười:

– Mợ Phương có mua cho tao một xấp vải hoa màu tím. Tao chưa muốn đi may.

Liên Nga thủ thỉ:

– Tết này ngưng bắn rồi, Minh. Vui lên đi!

– Dĩ nhiên là vui chứ! Nghe ngưng bắn rồi mà ai không vui thì kẻ đó là người mất trí.

Liên Nga mơ màng, vẽ vời:

– Tết này tao cũng về Gò Công. Nhưng ngưng bắn rồi, càng thích nữa, biết sao không? Tha hồ tao chạy Honda về quê ngoại tao.

– Quê ngoại ở đâu?

– Ở tận Đồng Nguơn, xa Gò Công lắm. Nơi đó là nhà quê mà. Trước kia ba má tao ít dám cho đi. Bây giờ không còn sợ nữa. Chắc hết đánh nhau rồi.

– Ngoại mày có trồng lúa không?

– Có chứ! Ngoại làm ruộng mà. Mày về quê với tao đi Minh.

Minh chớp mắt:

– Về quê mày hở? Tao thích lắm chứ. Nhưng… để thong thả đã, còn nhiều dịp mà!

Minh ngồi yên, vẽ trong trí cảnh đồng quê của Liên Nga.

Bỗng Liên Nga lay mạnh tay Minh, nói:

– Còn nữa, Minh! Ngưng bắn rồi, có gì nữa mày biết không?

– Gì nữa?

Liên Nga trịnh trọng nói:

– Sẽ có trao trả tù binh. Nhiều người sẽ mừng ghê lắm há!

Minh mở to mắt nghe Liên Nga thêu dệt:

– Chú tao bị bắt ở trận An Lộc. Anh con dì tao bị bắt ở trận Lộc Ninh. Thế nào họ cũng được trả về ngay tại trong này. Nhà tao tha hồ mà đón. Vui quá Minh ạ!

Liên Nga vui, Minh cũng cười, rồi bỗng ngưng bặt. Giống như một người học trò đi xem bảng, đã qua khỏi số của mình rồi mà vẫn còn đứng nghe xướng danh tiếp tên bạn bè, reo mừng với nó, chợt nhớ lại rằng mình đã thi rớt. Giống như một đứa bé mồ côi quên mất thân phận của mình, thấy trẻ hàng xóm chào thưa cha mẹ, cũng mở miệng reo “Ba về! Má về”… Minh lại thấy nỗi đau hiện lên trong giây phút hân hoan. Liên Nga hạ giọng:

– Minh nè, còn anh Đỗ của mày nữa…

– Còn gì mà đợi. Anh ấy chết rồi, Liên Nga!

Minh cúi xuống, nuốt một giọt nước mắt.

**

Minh thắp hai ngọn nến, đặt lên bàn thờ. Lửa bén vào sáp mới, kêu lắc rắc. Giọt nến chảy dài xuống chân đèn, buồn như giọt lệ. Minh thắp ba nén nhang cắm vào bình hương rồi chắp tay vái. Có đôi mắt u buồn của bác Liêu gái nhìn xuống. Có vầng trán khắc khổ của bác Liêu trai như còn in cả dấu thời gian. Có tên của anh Nguyễn Thi Đỗ dựng ấm cúng bên hình của cha mẹ. Minh thờ thẫn ngồi xuống ghế. Bụi phủ khắp các vật dụng trong nhà. Cả cây đàn của Đỗ cũng rỉ sét hết dây. Một nỗi buồn bã chụp lấy căn nhà hiu quạnh.

Thụy đứng lấp ló trước cổng rào. Nó gọi nho nhỏ:

– Chị Minh! Chị qua đây hồi nào?

Minh bước ra, đáp:

– Chị mới qua, mới thắp nhang cho bác Liêu đó. Nhà bụi quá, chị định lau.

– Lau nhà hở chị?

– Ừ.

– Mấy lâu nay chị đi đâu?

– Chị bận thi nên không sang ngõ này.

– Học ở Khoa Học chắc khó lắm chị Minh hả?

Minh xoa đầu thằng bé,đáp:

– Ừ… khó hơn… lớp Tám một tí.

Thụy cười khi nghe Minh nói đến lớp học của nó. Có cái gì vui chợt đến, như là niềm hãnh diện. Đồng thời Thụy cũng thấy tiếc rẻ khoảng thời gian nhỏ dại đã qua. Giờ đây Thụy đã học lớp Tám. Thụy bắt đầu mê Toán và Lý-Hóa, nên ít tham dự vào những trò chơi trẻ nít. Từ trò đá dế, tạt lon, đến trò bắn bi, chơi cờ cá ngựa, không có môn chơi nào hấp dẫn Thụy nữa. Những trò chơi đó “có mùa” và hầu như chỉ lôi cuốn được bọn học trò lớp bốn, lớp năm như Thụy thuở xưa. Ba năm qua rồi, Thụy có vẻ chững chạc hơn lên. Thụy đã biết diễn tả những ý nghĩ mà ngày trước Thụy không nói ra lời. Thụy tập tễnh viết văn, làm thơ. Văn, thơ của Thụy, Thụy chưa mơ gửi đăng báo, mà cất trong tập vở. Có một truyện ngắn mà Thụy thích nhất, là bài Thụy viết nó nằm mơ thấy anh Đỗ sống lại và đánh với chúng nó “ván cờ chót”. Thằng Hải đã thú nhận rằng hồi đó chính nó đã lật hột xí ngầu ra số bốn để anh Đỗ không đi được về chuồng, để Thụy được thắng. Ba đứa nó xin lỗi anh Đỗ rối rít. Anh Đỗ cười khoan dung và giơ hai cánh tay ra cho chúng nó đu lên như bao lần. Rồi truyện của Thụy chấm dứt.

Bỗng Thụy nhớ ra một điều. Nó nói với Minh:

– Chị Minh, qua nhà em đi, em cho chị xem.

Minh nghiêng đầu, hỏi:

– Xem gì?

Thụy giơ một ngón tay lên miệng:

– Bí mật, chị qua đây.

Rồi nó mở cửa rào. Hai chị em vào trong sân nhà Thụy. Thụy chỉ cho Minh thấy trên cành mận lủng lẳng một chiếc lồng chim. Minh cười:

– Thụy nuôi chim?

– Dạ, chim này ngộ lắm. Lông của nó màu nâu, giống hệt con “chim áo dà” trong tem thư đó chị Minh. Em không biết gọi nó là chim gì, bắt chước thằng Sơn kêu “chim áo dà”. Chị Minh thích không? Em mua giùm cho.

Minh buồn cười vì thằng bé, nhưng vẫn hỏi:

– Mua ở đâu?

– Ở bên cạnh Y viện Tân Định đó chị. Thằng Sơn hôm nọ bị sâu răng phải đến nhổ răng ở đó. Nó thấy bán chim rẻ nên mua, năm chục đồng một con. Nó rủ em và thằng Hải mua.

– Ngộ quá hở? Chim áo dà! Chim áo dà!

Rồi Minh ngước lên nhìn chiếc lồng chim, nói:

– Nuôi chim mà Thụy treo chi cao quá vậy?

Thụy ra vẻ nhà nghề:

– Treo cao nó mới hót. Nó hót như ra lời nữa đó chị. Giọng nó hay quá, như là mình ngâm thơ.

Minh ngạc nhiên:

– Thơ gì?

– Em nghe nó hót như vầy:

“Còn người thôi đã lỡ rồi,

Chết cho Tổ quốc thì thôi đừng buồn…”

Minh xoa đầu Thụy, trìu mến nói:

– Cái đó là… Thụy hót chứ nào phải chim hót. Thụy làm thơ phải không?

Thụy mắc cỡ cúi đầu:

– Dạ, em làm thơ cho anh Đỗ.

Minh bùi ngùi. Hình ảnh của Đỗ sao vẫn không phai trong lòng mọi người? Thịt xương của anh bây giờ có lẽ đã thành cát bụi. Mộ của anh ở một nơi nào? Sự chờ đợi lâu ngày biến ra nỗi tuyệt vọng. Bác Liêu đã chết. Kẻ chờ đợi mất bớt đồng minh. Vũ xuất hiện ở đoạn hy vọng cuối, rồi hy vọng vỡ nát. Minh trở thành con “chim áo dà” hót ngâm khúc sầu thương tự an ủi lấy mình. Minh cũng mang nỗi lòng hân hoan trong nỗi hân hoan chung, đi thăm viếng tù binh trong trận Quảng Trị, Kontum, Bình Long, Lộc Ninh, An Lộc… của mùa hè năm ngoái. Mà không nghe Hạ Lào. Không có ai từ Hạ Lào trở về. Cái tên “Hạ Lào” dần dần nghe xa lạ với những người vô sự. Không có ngưng bắn như lòng người đã mong. Không có thanh bình như Liên Nga và Minh đã tưởng. Mà súng vẫn nổ. Vẫn còn chết chóc. Và nhiều địa danh đã trở nên nổi tiếng. Và nhiều tên đồn đi vào lịch sử máu xương.

Minh bảo Thụy:

– Chị sẽ nuôi chim. Nhưng nhà cậu Phương không có chỗ. Chị muốn treo lồng chim ở nhà… bác Liêu.

Thụy reo lên:

– Thật không? Em sẽ cho chị con này, đẹp lắm!

Thụy bắc ghế leo lên dỡ chiếc lồng xuống. Nhưng nó hoảng hốt:

– Chị Minh ơi! Sao nó lừ đừ vậy nè?

Minh ngạc nhiên:

– Nó không nhảy chuyền gì cả. Chẳng lẽ nó bệnh?

Thụy nói như sắp khóc:

– Sáng nay em mới cho nó ăn mà. Em thấy nó nhảy vui lắm mà!

Minh tiu nghỉu:

– Tại Thụy nuôi chim mà nuôi có một con. Phải nuôi một đôi chúng mới vui mà sống.

Thụy lo lắng nhìn con chim đang lừ đừ mệt mỏi nằm mẹp trong lồng. Rồi Thụy nói:

– Em phải đi hỏi thằng Sơn làm cách nào để chim đừng chết. Em sợ nó chết quá.

Và Thụy chạy đi. Minh bước theo, rồi đứng dừng lại bên cây mận.

Thụy chạy qua nhà Sơn. Nhưng bỗng nhiên chân nó quíu lại. Vì nó vừa trông thấy từ đầu ngõ xuất hiện một người lính. Người ấy mặc một bộ đồ lính trận rằn ri. Thụy đứng khựng lại giữa lối đi, mắt mở tròn to. Dù người lính đã đen sạm nét da, Thụy vẫn nhận ngay đó là anh Đỗ. Đúng là anh Đỗ rồi. Anh Đỗ cũng đang nhận ra Thụy. Anh đi nhanh đến, và giơ một cánh tay ra. Nhưng Thụy đứng cứng ngắc. Nó không đủ sức chạy đến dù rất muốn đu lên cánh tay anh Đỗ như bao lần. Vì anh Đỗ chỉ còn một cánh tay – còn một cánh tay thôi! Thụy hét lên:

– Anh Đỗ!… Anh Đỗ đã về!…

Và như người tỉnh giấc mê, Thụy chạy trở lại nhà bác Liêu. Minh vẫn còn đứng ở gần cây mận. Minh đã nghe tiếng reo của Thụy vỡ nát cả không gian. Minh nghe thằng bé vừa khóc vừa gọi:

– Anh Đỗ về! Chị Minh ơi! Anh Đỗ về rồi!…

Minh chạy vụt ra ngõ. Ở đó, Đỗ đang bước tới. Minh muốn quỵ xuống. Minh đã thấy Đỗ chỉ còn một cánh tay. Cánh tay đó giang ra ôm chặt vai Minh. Nỗi cảm xúc òa vỡ trong tim. Minh khóc ngất…..

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN