Người Khắc Bia Mộ - Chương 06-Hêt
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
155


Người Khắc Bia Mộ


Chương 06-Hêt



Đỗ mở rộng tất cả những cánh cửa. Ánh nắng ùa vào làm rạng rỡ căn nhà. Đỗ bàng hoàng khi nhìn thấy lại những vật dụng trong nhà, và quay sang nhìn ảnh của cha mẹ. Bác Liêu đã mất rồi. Bấy lâu nay cửa nhà hoang vắng. Đỗ nhận ra nét chữ của Thúy Minh viết tên Đỗ đặt trên bàn thờ. Đỗ vò nát mảnh giấy đó. Đỗ đã về đây, từ cõi chết trở về đây. Người dân trong xóm nghèo nghe tin Đỗ trở về, đã chạy ùa ra mừng rỡ. Những lời hỏi han ân cần đã làm cho anh vô cùng cảm động. Anh muốn quên hết những ngày tháng ròng rã sống gian nan lẩn lút trong rừng núi. Anh muốn quên hết, vì đã về đến đây rồi. Muốn nhắm mắt lại nằm dài trên đi-văng mà nhớ đến những kỷ niệm xa xưa, ngày bác Liêu còn sống, ngày Đỗ còn lành lặn và ngập tràn tin yêu.

Bây giờ đầu óc Đỗ trống rỗng, không biết mình đang vui hay buồn. Niềm vui là thoát khỏi vùng biên giới đầy đe dọa, là trở về quê hương, nghe lại những tiếng nói Việt Nam, là được nhìn thấy xóm nghèo. Nỗi buồn là sự mất mát thân thể, là nhìn thấy ảnh bác Liêu đã ở trên bàn thờ. Đỗ ngồi xuống, mắt mở trao tráo và tưởng như đời sống của mình đã đến đoạn cay nghiệt nhất.

Đỗ bỗng nhớ nhớ một động tác quen thuộc. Đỗ cúi xuống như mọi khi vẫn cúi xuống để mở dây giày, cũng để tìm đôi giép của anh. Đôi giép vẫn được sắp ngay ngắn ở chỗ cũ như vẫn còn bàn tay của bác Liêu hằng ngày sờ đến. Đỗ mang vào, nghe rõ hơi ấm từ bàn chân truyền vào nền giép lạnh. Đỗ tưởng như mình đang sống trong thời gian đi hành quân Cam-Bốt mới về, tai vẫn nghe tiếng bác Liêu cằn nhằn giận dỗi, rồi bác đổi giọng vui vẻ đòi cưới cho Đỗ một “mụ vợ” để dắt đi theo. Và nghe rất rõ ràng tiếng reo vui của thằng Thụy:

– A! Anh Đỗ về!

Đỗ mơ màng cảm thấy như mình đang giơ tay ra cho Thụy đu lên. Thằng bé thích chí cười ha hả… Đỗ thấy trước mắt anh hồ như đang có Minh tay cầm một ngọn nến. Mắt Minh sáng và long lanh buồn như hai vì sao. Đỗ nghe như chính anh đang êm đềm gọi:

– Thúy Minh!

Đỗ bàng hoàng. Thế mà đã có một thời gian Đỗ sống như một con hổ cô đơn trong rừng núi. Đã có lúc anh nghĩ rằng trên đời hầu như không còn ai. Đời sống chỉ là dành cho Đỗ. Bao nhiêu nguồn vui đã xa vắng. Đỗ sống trong nỗi chết. Đỗ không mong gì trở về. Từ lúc tỉnh lại thấy mình nằm dưới tấm poncho như một xác chết, Đỗ thấy rõ sự cô đơn của anh. Từ lúc biết rằng cánh tay anh đã dập nát, máu chảy thành vũng dưới đất và loang lem luốc khắp người và làm mình ngất đi không biết bao lâu, Đỗ thấy rõ thế nào là sự mất mát. Dưới chân dồi có tiếng hò hét xung phong, có bóng chiến xa lừ lừ tiến lên. Đỗ đối diện với tử thần rồi! Bằng tàn lực Đỗ đã cố gắng lê vào một bụi rậm và bò qua những cành gai góc để đừng rơi vào tay địch.

Đỗ đã sống trong rừng sâu. Đỗ sống như một con hổ cô độc, ăn lá cây và trái rừng để sống. Mất hết ký ức, mất hết hoài vọng, mất hết tin tưởng. Đỗ còn phải lẩn lút tránh né bên kia và đi tìm dấu vết của đơn vị bạn. Nhưng có còn ai ở Hạ Lào? Có còn ai tìm kiếm một người lính bơ vơ trong rừng núi mà ai cũng cho rằng không thể còn sống? Đỗ trở thành một cái bóng lây lất trong vùng hiểm trở mà chưa có một ai đặt chân đến, chưa có một ai cất công tìm hiểu trên bản đồ.

Rồi có một lúc Đỗ đã tìm thấy sự sống – sống với loài người. Nhưng lại là sống trong buồn nản, trong câm lặng. Vì Đỗ đã lần đến một làng thiểu số Lào. Họ sống như người thượng cổ. Họ ít nói chuyện với nhau, nên Đỗ cũng không tiếp xúc được với họ nhiều. Họ sống thờ ơ không tình cảm. Một hôm có cả gia đình đi vào sâu trong rừng để săn thú, không biết đạp phải mìn hay gặp bên kia đi hành quân, chết gần hết. Còn lại hai người trở về, mặt trơ như đá. Họ diễn tả với nhau và Đỗ đoán ý được. Sau đó họ thản nhiên đi ngủ. Họ không biết buồn là gì- hay nói đúng hơn là không biết diễn tả cái buồn. Cũng chính họ, lúc Đỗ tìm đến làng, đã dùng những dụng cụ thô sơ nhất để giải phẫu cho Đỗ, thản nhiên như khi làm thịt một con mễn, một con nai. Và Đỗ đã sống ở đó, bên cạnh những bóng ma lạnh lùng.

Rồi đến những ngày vượt biên giới mới thật là gian nan cho Đỗ. Đỗ đã rách hết áo quần. Đỗ đã phải lẩn trốn cả bạn và thù. Đỗ tránh né những cuộc chạm súng. Một hôm Đỗ ra đến một vùng quang đãng. Cây cỏ hiền lành, trời đất dịu êm như không có bóng hận thù. Đỗ nghe đầu tiên một câu nói bằng tiếng Việt Nam:

– Chú mạ ơi! Ra ôm lúa về!

Nỗi xúc động to lớn làm Đỗ ngã quỵ. Người ta thấy Đỗ, dìu Đỗ dậy. Đỗ được uống chén trà đường ngon nhất trong đời.

Đỗ ra trình diện. Đỗ được đưa về lại tiểu đoàn. Ông Thượng sĩ Tâm nhận ra Đỗ trước nhất. Ba băm qua, ông đã già hẳn đi. Ông khóc khi gặp Đỗ. Ông bảo ông tưởng Đỗ chết rồi, mọi người tưởng Đỗ chết rồi. Ông kể lại phút giây bác Liêu và Minh lên hỏi tin Đỗ. Ông chỉ bụi trúc nơi hai người ngồi. Và Đỗ đã thấy hàng cây Bã Đậu bây giờ đã cao lên, đủ che bóng mát.

Đỗ thở dài. Đỗ đã thoát khỏi những ngày nguy khổ. Đỗ đã trở về trong tiếng reo vui của thằng Thụy. Đỗ sắp sống một khúc đời mới mẻ. Dù ở trong ngôi nhà quen thuộc này, nhưng đã mất mát tất cả. Cuộc sống của Đỗ từ nay chắc sẽ thu gọn lại. Đỗ sẽ làm một chiếc bóng đơn độc sống cho hết cuộc đời mình.

Bỗng Đỗ đứng dậy. Đỗ đi lấy cây chổi. Anh sẽ quét dọn lại căn nhà của mình. Bấy lâu nay căn nhà tối tăm, buồn thảm lắm. Nay có Đỗ trở lại. Chỉ còn Đỗ là người duy nhất sẽ sống ở đây. Đỗ sẽ thu xếp cho căn nhà tươi sáng hơn. Đỗ quét sạch bụi bặm, lau chùi bàn ghế bằng cánh tay còn lại. Đỗ vứt bỏ hết những vật thừa thải trong các góc nhà. Và Đỗ sững sờ khi lôi dưới gầm bàn ra một tấm đá. Đỗ giật mình. Một tấm bia mộ. Đúng là nét khắc thân yêu của bác Liêu. Nét khắc còn sắc sảo, nhưng dòng chữ trên bia mộ vẫn dở dang cho đến ngày bác chết:

“Mộ chí của Nguyễn…”

Lần đầu tiên trong đời, Đỗ khóc nức nở, khóc ngon lành như một đứa bé. Trên bàn thờ, bác Liêu đưa đôi mắt buồn bã nhìn con trai. Bác như muốn nói một điều gì. Bác muốn bày tỏ niềm đau xót của tre già. Bác đã khắc cho con trai một tấm bia mộ. Người đi bỏ xác ở nơi nào. Mộ không có, bia biết dựng ở đâu? Nhưng người già vẫn ngồi lặng lẽ, đục đẽo đá cứng để làm thành dòng chữ dở dang mà không biết nắng quái đổ khắp mái tóc bạc….

Thằng Thụy lấp ló trước cửa. Nó nao lòng khi thấy anh Đỗ của nó đang khóc. Cạnh bên chân anh, Thụy thấy tấm bia mộ. Thụy bước vào, lên tiếng gọi:

– Anh ! Anh Đỗ!

– Thụy đó à? Vô đi em.

Đỗ kéo thằng bé lại gần, ôm siết nó bằng cánh tay còn lại:

– Ba anh khắc tấm bia ni khi mô?

Thụy đáp:

– Bác khắc sau cái ngày bác với chị Minh đi hỏi thăm tin anh mà nghe anh mất tích không về. Khi bác mất, bác vẫn chưa khắc xong tên anh.

Đỗ lau nước mắt. Anh xoa đầu Thụy, nghẹn ngào:

– Anh sẽ khắc tiếp dòng chữ này. Thụy đi múc nước cho anh hỉ!

Thụy “dạ” và đi tìm cái lon sữa bò. Nó ra lu nước để trong sân nhà, toan múc nước thì một bàn tay dịu mềm đang ngăn nó lại. Thụy ngước lên. Minh đang đứng cạnh nó. Minh lấy chiếc lon từ tay Thụy. Và cúi xuống múc nước, sau đó Minh lôi chiếc búa, chiếc đục và mẩu đá mài trong góc sân và bước vào nhà. Đỗ đang đứng lặng nhìn Minh. Minh đặt lon nước xuống, hỏi:

– Anh khắc tiếp tấm bia mộ này?

Đỗ gật đầu, buồn bã nói:

– Vâng, cho… ba anh. Thuở ba anh còn sống anh chưa thực hiện được ước nguyện của ông. Chỉ còn lúc này là dịp anh làm công việc giống như ba anh đã làm. Chắc ba anh không buồn giận anh nữa.

Minh nói:

– Không ai buồn giận người đã hy sinh quá nhiều như anh cả, anh Đỗ ạ. Vì chịu chung nạn nước mà gánh riêng nỗi thiệt thòi, anh chưa được đền bù gì cả.

Giọng của Minh dịu dàng quá, giống hệt như trong đêm trăng mười hai cách đây ba năm, Minh đã hỏi: “ Dạ thưa, đây là nhà của ông Đỗ phải không ạ?”. Đỗ nghe lòng dịu lại. Đỗ nói:

– Đã có nhiều thứ đền bù cho anh rồi. Về lại quê hương, nghe lại tiếng mẹ đẻ, thấy người nước ta, trở lại xóm nghèo thấy mọi thứ tình thân còn trọn vẹn.

Minh bâng khuâng:

– Anh Đỗ sẽ mở lại “Lớp học huynh đệ” nhé!

Đỗ giật mình. Lại một câu gợi nhớ nữa rồi! Đỗ nhìn Minh, gặp một đôi mắt sáng. Minh vẫn nhỏ nhắn hiền lành như ngày nào, vẫn là hiện thân của sự khoan hòa, thuần hậu và nhân ái. Tự nhiên Đỗ thấy thương Minh vô hạn. Ba năm trôi qua như một giấc mơ khủng khiếp, một giấc mơ có thật trong đời sống của một con người.

Đỗ gật đầu:

– Có lẽ anh sẽ mở lại lớp học đó. Anh sẽ nhận luôn căn nhà này, xóm nghèo này làm quê hương.

Minh nghĩ đến quê hương mịt mờ của mình- Nam Định. Minh nghĩ đến quê hương của Đỗ – Huế. Và nhiều chốn quê hương nữa – Gò Công của Liên Nga, Quảng Trị của Vũ, Sài Gòn của Thụy… Quê hương không phải chỉ là mảnh đất, mà còn chứa cả tình người. Xóm nghèo này sẽ đến lúc rộn ràng tiếng cười nói, sẽ có những mùa thu trẻ nhỏ rước đèn nhộn nhịp. Sẽ có “Lớp học huynh đệ” mở ra đầy thân ái. Đó cũng là một thứ quê hương.

Không ai biết thằng Thụy đã đi đâu, nhưng sau một lúc nó trở lại, trên tay cầm chiếc lồng chim. Nó nói giọng tở mở:

– Chị Minh ơi! Thằng Sơn vừa mới cho em thêm một con “chim áo dà”, em bỏ vào lồng, đủ một đôi.

Thụy đặt lồng chim xuống, trầm trồ:

– Con chim hôm trước đã hết bệnh, vui lại rồi. Em cho anh Đỗ nè, để treo trước sân nhà.

Không đợi ai phản ứng, Thụy bắc ghế, treo chiếc lồng chim lên cành mận. Rồi nó đứng đó ngắm mãi.

… Minh rưng rưng cúi đầu. Minh muốn nói với Đỗ một điều gì, nhưng cảm thấy khó nói. Không gian yên lặng như đang truyền đi những mối cảm thông. Đỗ ngồi xuống bên tấm bia mộ. Bàn tay Đỗ run run sờ lên những nét khắc. Minh xúc động nhớ đến cánh tay này đã có lần băng bột treo ngang ngực, đã có lần ưu ái trao cho Minh phong giấy đỏ đựng tiền mừng tuổi, bây giờ cũng chính cánh tay còn lại này sẽ tiếp tục khắc nốt dòng chữ dang dở trên bia mộ. Minh lặng yên ngồi xuống bên Đỗ. Đỗ cầm chiếc đục lên. Sắt đã mòn và rỉ sét vì lâu ngày bỏ trong góc sân không ai chạm đến. Đỗ ngắm nghía chiếc đục rồi nói:

– Anh sẽ khắc tiếp “Mộ chí của Nguyễn Văn Liêu” để dựng nơi mộ của ba anh, được không Minh?

Minh gật đầu, và cảm thấy mình có thể nói được điều muốn nói:

– Minh sẽ mài đục cho anh.

– Rồi răng nữa?

– Minh sẽ đập búa lên đục giùm anh.

– Rồi răng nữa?

Minh đáp, giọng êm như ru:

– Rồi mộ bia sẽ hoàn thành.

Nói xong câu đó, Minh ứa nước mắt. Dưới nắng êm của mùa đông, Đỗ thấy hai vì sao đẹp tuyệt vời ở đôi mắt của Minh. Đỗ êm đềm gọi:

– Thúy Minh!

Minh bắt đầu đổ nước lên mẩu đá mài.

Từ đó, đôi “chim áo dà” của Thụy treo trước sân cũng bắt đầu hót những khúc thật vui…

Đầu mùa đông 1973

Tân Định- Sài Gòn

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

— Hết —

 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN