Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới - Chương 01
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
173


Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng Thế giới


Chương 01



Thang Máy, Im Lìm,

Mũm Mĩm

Thang máy đi lên với tốc độ chậm kinh khủng. Tôi đoán là nó đang chuyển động lên phía trên. Nhưng mà đi đâu tôi cũng không biết chắc. Nó đi chậm đến mức tôi mất cả cảm giác về phương hướng. Có thể nó đi xuống cũng nên, hoặc có khi nó chẳng nhúc nhích tí nào. Suy từ tình trạng trước đó, tôi quyết định cho là nó đi lên đi. Chỉ là đoán vậy thôi. Chẳng có cơ sở nào cả. Biết đâu nó đã lên mười hai tầng rồi tụt xuống ba tầng hay kịp làm một vòng quanh thế giới. Tôi không rõ nữa.

Cái thang máy này khác xa so với thang máy trong tòa nhà tôi đang ở, một cái máy nâng rẻ tiền với bộ dây ròng rọc cải tiến đơn sơ. Sự khác biệt lớn đến nỗi khó có ai dám tin rằng chúng là hai cỗ máy được chế ra cho cùng mục đích, có cùng cơ chế vận hành và mang cùng một tên gọi. Hai cái thang máy khác nhau đến mức tối đa mà người ta có thể tưởng tượng được.

Trước tiên là về kích thước. Cái thang máy mà tôi đang đứng trong đó lớn bằng một văn phòng xinh xinh. Nếu đặt vào đây một cái bàn giấy, két sắt và tủ tài liệu rồi kê thêm một ngăn bếp nữa thì vẫn còn khối chỗ. Tất nhiên có thêm ba con lạc đà và một cây cọ cỡ trung nữa cũng vừa. Thứ hai là sạch. Thang máy sạch như một chiếc quan tài mới đóng. Vách và trần làm bằng thép không gỉ, nhẵn lì và sáng loáng, sàn trải thảm màu xanh rêu dày dặn. Thứ ba: im ắng đến rợn người. Sau khi tôi vào trong, hai cánh cửa trượt khép lại không một tiếng động – theo đúng nghĩa đen của từ: không hề gây một âm thanh nào, và sau đó không thể nghe thấy chút gì khác nữa, khiến tôi không thể nói là thang máy giờ đây đang đứng im hay chuyển động. Sông sâu thì nước không réo.

Thêm vào đó là thiếu hẳn một phần lớn bảng điều khiển, cái thứ mà người ta vẫn cho rằng nhất định phải là trang bị cơ bản của thang máy. Trước tiên không thấy cái bảng với những nút bấm và công tắc. Không có nút bấm đề số tầng và nút đóng cửa, cả nút báo động cũng thiếu nốt. Đúng là thiếu tất. Tôi bối rối vô cùng. Và không chỉ thiếu các công tắc: các ô đèn báo số tầng, bảng hướng dẫn sử dụng và ghi số người cho phép, cả tấm biển hiệu của nhà sản xuất cũng chẳng thấy. Cũng lạ là không biết ô cửa thoát hiểm ở đâu. Một chiếc quan tài chính cống, không nghi ngờ gì nữa. Không bao giờ thanh tra xây dựng lại cấp phép ột cái thang máy như thế này. Thang máy thì phải có những đặc tính như của thang máy chứ.

Trong khi săm soi bốn bức vách inox không một chỗ bám, tôi chợt nhớ đến những tiết mục đặc sắc của Houdini[1] mà hồi nhỏ hay thấy trên ti vi. Ông sai người trói mình nhiều vòng xích và chão rồi cho vào một va li to, lại còn chằng mấy vòng xích nặng xung quanh rồi đẩy xuống thác Niagara hay chôn xuống băng tuyết Bắc Cực. Sau khi hít một hơi thật sâu, tôi lạnh lùng so sánh tình cảnh của mình với Houdini. Lợi thế của tôi là không bị trói, nhưng dở một nỗi là tôi không biết mẹo trốn thoát.

Không, nói cho đúng thì tôi không chỉ không biết tự thoát thân: thậm chí tôi còn không biết thang máy đang chuyển động hay dừng. Tôi hắng giọng. Tiếng đằng hắng nghe có vẻ rất lạ – không giống như tiếng thông thường. Mà chỉ là một tiếng bộp đùng đục đáng ngờ, như tiếng động tạo ra khi ném một nắm bùn nhão vào tường bê tông vậy. Tiếng tôi đằng hắng đó sao? Tôi hắng giọng lần nữa cho chắc, nhưng kết quả vẫn thế. Tôi chán nản bỏ cuộc.

Tôi cứ thế đứng im một hồi khá lâu. Mãi vẫn chẳng thấy cửa mở. Thang máy và tôi lặng tờ như bức tĩnh vật mang tên “Người đàn ông trong thang máy”. Dần dần tôi bắt đầu thấy lo.

Có thể phần cơ bị hỏng, có thể người điều khiển thang máy – dĩ nhiên, nếu ở đâu đó có ai đó làm nhiệm vụ này thật – đơn giản quên béng đi mất là tôi đang ở trong cái hòm này. Đôi khi cũng từng xảy ra chuyện ai đó quên mất có tôi trên cõi đời. Nhưng gì thì gì, rốt cuộc tôi vẫn đang bị nhốt trong cái xà lim inox này. Tôi cố lắng nghe, nhưng tai tôi không thể nhận ra động tĩnh nào. Tôi ép chặt tai vào vách kim loại nhưng cũng chẳng hơn gì. Chỉ đọng lại vết tai áp vào trăng trắng. Có cảm giác như thang máy này là một hòm kim loại đặc chủng được chế tạo để cách âm. Tôi thử huýt một điệu nhạc của Danny Boy, nhưng âm thanh thoát ra nghe như tiếng thở dài của một con chó mắc chứng viêm phổi.

Tôi từ bỏ, dựa lưng vào tường và giết thời gian bằng cách đếm đồng xu trong túi quần. Thực ra, đối với những người làm nghề như tôi thì đây là một bài tập khá quan trọng, giống như võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp bóp bóng cao su vậy. Lặp đi lặp lại mãi một việc có tác dụng cân bằng xu hướng bấp bênh.

Lúc nào tôi cũng để ý cất một lượng tiền xu kha khá trong túi quần. Tôi đút những đồng 100 và 500 yên vào túi phải, 50 và 10 yên vào túi trái, còn những đồng 1 và 5 yên thì cất ở túi sau nhưng tuyệt đối không sử dụng khi đếm. Tôi thọc tay vào túi quần, tính số tiền gồm những đồng 100 và 500 yên bằng tay phải, đồng thời tay trái đếm chỗ 50 và 10 yên.

Ai chưa từng tính tiền kiểu này thì khó có thể tưởng tượng được, nhưng ban đầu quả thật đây là một việc khá phức tạp. Bán cầu não phải và trái phải làm hai con tính hoàn toàn khác nhau, không khác gì chắp những mảnh vụn của một quả dưa hấu vỡ lại. Không tập thì khó mà làm được.

Liệu nửa phải và nửa trái của não bộ có thực sự hoạt động riêng rẽ, tôi cũng không rõ nữa. Các nhà thần kinh học có lẽ sẽ dùng thuật ngữ khác hẳn. Nhưng tôi không phải nhà thần kinh học, và ấn tượng thường nhật của tôi là bán cầu não bên phải và bên trái của mình thực sự độc lập với nhau mỗi khi làm tính. Cảm giác mệt mỏi sau khi đếm kiểu này cũng dường như có bản chất khác hẳn với sự mệt mỏi sau khi tính toán theo kiểu bình thường.

Tôi tự ình là một người có cách tiếp thu các hiện tượng, sự kiện và đồ vật trên thế giới này khá thực dụng. Không phải vì tôi là dạng người thực dụng – mặc dù, thú thực là tất nhiên tính cách đó cũng đóng vai trò nhất định – mà bởi vì trong nhiều trường hợp người ta phát hiện ra bản chất sự việc qua cách tiếp cận thực dụng tốt hơn là dựa vào cách giải trình chính thống.

Thử nghĩ xem, trong cuộc sống thường nhật sẽ có hại gì không nếu ví dụ ta không coi trái đất là một quả cầu, mà là một mặt bàn cà phê khổng lồ? Dĩ nhiên đây là một ví dụ tương đối cực đoan, và không phải mọi thứ trên đời này đều có thể nghĩ ngược kiểu đơn giản như vậy. Cho dù sự thật là, nếu trái đất là một cái bàn cà phê khổng lồ theo kiểu thực dụng thì có thể thản nhiên quên luôn một mớ vấn đề lãng xẹt do cách hiểu quả đất hình cầu đem lại – lực trọng trường chẳng hạn, hay đường đổi ngày quốc tế, xích đạo và mấy thứ không có ích gì lắm. Một người bình thường liệu có mấy lần trong đời dính dáng đến xích đạo cơ chứ?

Do vậy tôi cố gắng hiểu mọi chuyện một cách thực dụng như có thể. Quan điểm của tôi là thế giới được cấu thành bởi hàng nghìn, nếu không muốn nói là vô số khả năng. Và đến một chừng mực nào đó thì chuyện lựa chọn là tùy vào những cá thể cấu tạo nên thế giới này. Thế giới là do các khả năng ngưng tụ lại thành một cái bàn cà phê.

Đồng thời – ta hãy quay lại điểm xuất phát – dùng tay trái và tay phải làm hai con tính hoàn toàn khác nhau là một việc thực sự không đơn giản. Tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian để đạt tới mức thành thạo. Một khi đã làm được rồi, hay nói cách khác, một khi đã dò ra được mẹo thì khả năng này sẽ không dễ gì mất đi. Đại loại như khi đã biết đi xe đạp hay biết bơi. Song không có nghĩa là không cần tập luyện. Chỉ có miệt mài tập luyện mới đạt được tiến bộ và phong độ xuất chúng. Vì vậy tôi luôn chú ý giữ tiền xu trong túi quần, cứ rỗi rãi là tôi làm tính.

Trong túi quần tôi có ba đồng 500 và mười tám đồng 100 yên, ngoài ra còn năm đồng 50 và mười sáu đồng 10 yên. Tổng cộng là 3.810 yên. Con tính dễ như chơi. Dễ hơn cả đếm các ngón trên bàn tay. Tôi hài lòng dựa lưng lên bức vách inox và nhìn chằm chằm vào cánh cửa. Nó vẫn chưa mở.

Tại sao cửa thang máy đóng lâu như vậy, đây quả là một câu đố cho tôi. Song nghĩ một lát thì tôi kết luận rằng, cả giả thiết phần cơ bị hỏng lẫn giả thiết nhân viên điều khiển lơ là quên đi sự hiện diện của tôi đều có thể an tâm loại bỏ được. Vì chúng không thực tế. Tôi hoàn toàn không có ý nói rằng trên đời này không có máy hỏng hay nhân viên lơ là. Mà ngược lại tôi tin là những trục trặc kiểu ấy xảy ra khá thường xuyên trong thực tế. Cái tôi không muốn nói ra là, trong một thực tế đặc thù – và đương nhiên tôi ám chỉ cái thang máy khốn nạn này – thì phải loại bỏ những điểm phản đặc thù và coi chúng là điểm đặc thù nghịch lý. Làm gì có chuyện những người lơ là công tác duy tu phần cơ khí, những người đẩy khách vào thang máy rồi quên họ đi, lại có thể chế tạo nổi một chiếc thang máy lập dị điệu nghệ đến mức này?

Câu trả lời hiển nhiên là: Không.

Không thể có chuyện như thế được.

Cho đến giờ bọn họ vẫn cẩn trọng, chu đáo và chính xác kinh khủng. Họ chú ý đến từng chi tiết cỏn con, cứ như thể vừa đi vừa lấy thước đo từng bước vậy.

Ở khu vực cửa vào, hai nhân viên bảo vệ ngăn tôi lại và hỏi đến gặp ai, soi tên trong danh sách những người đang đợi khách, kiểm tra giấy phép lái xe và dữ kiện cá nhân của tôi trong máy tính trung tâm, soi tôi bằng máy dò kim loại và cuối cùng đẩy tôi vào cái thang máy này. Ngay đến ngân hàng quốc gia cũng không kiểm tra khách hàng của mình nghiêm ngặt như vậy. Sau chừng ấy thủ tục, tôi có ác ý mấy cũng không thể tưởng tượng ra họ bỗng dưng đánh mất hết cảnh giác.

Vậy, chỉ còn khả năng cuối cùng là họ cố ý để tôi trong hoàn cảnh này. Hình như họ không muốn tôi nắm bắt được chuyển động của thang máy, vì thế họ cho nó chạy với vận tốc thấp để tôi khó đoán ra chiều di chuyển. Biết đâu còn có camera lắp trong này. Trong phòng bảo vệ gần cửa ra vào họ có một dãy màn hình, và tôi chẳng có gì ngạc nhiên nếu một trong những màn hình ấy đang chiếu các hình ảnh trong thang máy.

Tôi thầm nghĩ cách tìm ống kính camera để giết thì giờ, song nói cho cùng thì có ích lợi gì đâu, ngay cả khi tôi phát hiện ra nó. Người ta sẽ chỉ sinh nghi và biết đâu còn cho thang máy chạy chậm hơn nữa. Đó là điều tôi không muốn. Chỉ tổ làm tôi thêm trễ giờ một cách không cần thiết.

Rốt cuộc thì tôi mặc cho đến đâu thì đến, không làm gì nữa. Thực tình thì tôi đến đây chỉ để hoàn thành một nghĩa vụ công tác hoàn toàn hợp pháp được người ta giao cho. Tôi chẳng việc gì mà lo ngại. Không có lý do gì để phải bồn chồn cả.

Tôi dựa vào vách, thọc tay vào túi quần và bắt đầu tính chỗ tiền lẻ lần nữa. 3.750 yên. Dễ ợt. Nháy mắt là xong.

3.750 yên?

Sai rồi.

Tôi đã phạm sai lầm ở một đoạn nào đó. Trong ba năm tôi chưa hề tính sai tiền trong túi lần nào. Không một lần nào. Rõ ràng đây là điềm gở. Trước khi nó hiện nguyên hình là một tai họa thì tôi phải chiếm lại được cứ điểm đã mất.

Tôi nhắm mắt và cọ sạch hai bán cầu não, tựa như lau kính mắt vậy. Sau đó tôi rút cánh tay khỏi túi quần và xòe ra cho ráo mồ hôi. Công việc chuẩn bị này tôi làm nhanh và thành thạo như Henry Fonda trước khi bước vào cảnh đấu súng trong phim Warlock. Không liên quan gì đến lúc này, nhưng tôi khoái phim ấy.

Sau khi chắc chắn là hai tay đã khô hẳn, tôi lại cho tay vào túi quần và bắt đầu tính lần thứ ba. Nếu kết quả lần này trùng với một trong hai kết quả ban nãy thì vấn đề đã xong. Ai cũng có khi mắc lỗi. Tôi bị bối rối trong một tình cảnh đặc biệt và thú thực là cũng vì hơi tự cao tự đại một chút. Đó là lý do cho sai phạm tài tử này. Giờ thì phải xác định con số chính xác – nó sẽ là cứu tinh của tôi. Song cứu tinh chưa xuất hiện thì cửa thang máy đã mở. Không một dấu hiệu báo trước, cánh cửa im lìm trượt qua hai bên.

Vì đang mải tập trung tinh thần vào chỗ tiền xu trong túi quần, thoạt tiên tôi không nhận thấy cửa đã mở. Nghĩa là, để diễn tả cho đúng hơn: thị giác của tôi nhận thấy cửa mở ra, nhưng một lát sau vẫn không hiểu được ý nghĩa cụ thể của chuyển động ấy. Tất nhiên điều này có nghĩa là sự tái lập tính liên tục của hai không gian bị chia cắt bởi tấm cửa cho đến thời điểm đó. Đồng thời cũng có nghĩa là chiếc thang máy chở tôi đã đến đích.

Tôi chấm dứt trò chơi với ngón tay trong túi và ngó ra ngoài. Bên ngoài là một hành lang, và ở đầu hành lang có một cô gái. Cô ta béo, trẻ, vận bộ đồ màu hồng và đi giày cao gót hồng. Bộ đồ cắt rất khéo bằng vải láng, và khuôn mặt cô cũng nhẵn nhụi như vậy. Cô nhìn tôi một lát như để chắc tin, rồi gật đầu với tôi. Rõ ràng đó là dấu hiệu: “Xin mời”. Tôi bỏ trò đếm tiền xu, rút tay khỏi túi quần và bước ra. Tôi vừa ra ngoài thì tựa như chỉ đợi dịp ấy, cửa thang máy cũng đóng lại sau lưng.

Ra đến hành lang, tôi nhìn quanh quất thật kỹ nhưng không phát hiện ra điều gì khả dĩ làm sáng tỏ hơn tình cảnh của mình. Đây là hành lang một tòa nhà, rõ rồi, nhưng điều ấy thì đến thằng bé lớp Một cũng nhận ra.

Tựu trung đây là một tòa nhà với nội thất tẻ nhạt đến mức khó hiểu. Như trong chiếc thang máy trở tôi lên đây, các vật liệu được sử dụng toàn là loại thượng hạng, nhưng không có điểm nào để dừng mắt. Nền nhà bằng cẩm thạch đánh bóng sáng choang, tường sơn vàng như màu bánh mì mà tôi vẫn hay ăn sáng. Dọc hai bên hành lang là hàng loạt cửa gỗ nặng trịch, trên mỗi cửa một tấm biển kim loại ghi số phòng; tuy nhiên số phòng được đánh thất thường đến mức ngớ ngẩn. Sau số 936 là đến 1213, tiếp theo là 26. Chẳng đâu có cách đánh dấu phòng vớ vẩn như vậy. Ở đây có gì đó không ổn.

Cô gái hầu như không hé miệng. Tuy cô có nói với tôi “Mời ông đi đường này!” nhưng đó chỉ là cặp môi cô động đậy, không có tiếng nói. Trước khi làm công việc hiện tại, tôi đã theo một lớp học đọc cử động môi, nhờ vậy tôi hiểu sơ sơ ý cô. Thoạt tiên tôi tưởng tai mình có vấn đề. Lúc nãy là thang máy lặng ngắt, rồi tiếng đằng hắng và huýt sáo không ra hơi, khiến đầu óc tôi rối tung lên vì chuyện âm thanh.

Tôi thử hắng giọng. Nghe vẫn còn đùng đục nhưng đã khá hơn hẳn so với tiếng trong thang máy. Tôi nhẹ người và lấy lại được tự tin về thính giác của mình. Tai tôi thế là ổn. Có nghĩa vấn đề là ở miệng cô gái.

Tôi đi theo sau cô. Trong hành lang trống trải, tiếng gót giày nhọn của cô vang lách cách như trong một mỏ đá ngay sau giờ nghỉ trưa. Nền cẩm thạch phản chiếu bắp chân đi tất của cô.

Cô gái béo. Trẻ và xinh, nhưng dù vậy vẫn béo. Phụ nữ béo có điều gì đó đáng chú ý, nhất là lại còn trẻ và xinh. Trong lúc theo sau lưng cô, tôi ngắm gáy, tay và chân cô. Thân hình cô mũm mĩm, tựa như đêm qua có một trận mưa tuyết đã dịu dàng phủ lên vậy.

Khi ở cạnh các cô gái trẻ, xinh và béo, lúc nào tôi cũng cực kỳ lúng túng. Chính tôi cũng không rõ tại sao. Rất có thể vì tôi bất giác buộc phải mường tượng ra thói quen ăn uống của những cô gái ấy. Nhìn thấy một cô gái béo là tự khắc đầu tôi tán loạn những hình ảnh, như cảnh cô ta say sưa chén chỗ cải xoong trang trí nằm sót lại trên đĩa hay âu yếm dùng mẩu bánh mì quẹt nốt giọt nước xốt bơ cuối cùng. Tôi không làm khác được. Như a xít gặm thủng kim loại, đầu tôi chật cứng những hình ảnh ở bàn ăn đến nỗi không nghĩ được gì khác.

Nếu họ chỉ béo thôi thì không sao. Phụ nữ béo cũng giống mây trên trời, chúng bập bềnh trên đó và chẳng đụng chạm gì tới ta. Song nếu họ béo và trẻ và đẹp thì lại khác. Những người như thế buộc tôi phải tỏ một thái độ nhất định khi đứng trước mặt họ. Nghĩa là biết đâu ta sẽ ngủ với họ. Lên giường với một cô gái trong khi đầu óc mông lung là chuyện không đơn giản.

Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tôi ghét phụ nữ béo. Lúng túng và ghét không phải là hai từ đồng nghĩa. Tôi đã ngủ với một loạt cô béo, trẻ và đẹp, và nhìn chung những trải nghiệm ấy thực sự không dở. Lái được sự lúng túng sang một hướng thích hợp thì có thể có kết quả tốt đẹp, một kết quả mà đằng thằng ra thì ta không được dây phần. Tất nhiên không phải lúc nào cũng trôi chảy. Tình dục là một công việc rất tinh tế, khác hẳn chuyện ta vào siêu thị ngày Chủ nhật để mua cái phích đựng nước. Phụ nữ có thể vừa béo, vừa trẻ đẹp, nhưng dưới cái vỏ mũm mĩm ấy họ vẫn khác nhau. Tôi có thể lái một dạng mũm mĩm nào đó vào hướng thích hợp, ngược lại thì một dạng khác lại đẩy tôi vào thế lúng túng ghê gớm.

Xét về mặt ấy thì lên giường với phụ nữ béo là một thử thách đối với tôi. Béo cũng có nhiều kiểu và các kiểu ấy khác nhau như các kiểu chết vậy.

Đại để đó là những ý nghĩ của tôi trong khi đi dọc hành lang sau lưng một cô gái trẻ đẹp và béo. Cô quấn một khăn trắng quanh chiếc cổ áo của bộ đồ màu hồng rất thời trang. Bông tai vàng hình vuông lủng lẳng dưới dái tai dày dặn dễ coi của cô chớp lên cùng mỗi bước đi như đèn xi nhan ô tô. Nhìn chung, trong vẻ mũm mĩm ấy, cô vẫn là người nhẹ nhàng và thanh thoát. Tất nhiên có thể cô dùng áo nịt hay gì đó tương tự để bó người, nhưng động tác lắc hông của cô – nếu ta lôi thêm vào để bình phẩm – mang vẻ rắn rỏi dễ chịu. Tôi thấy ưa cô. Kiểu béo của cô là đúng kiểu tôi thích.

Chẳng phải tôi định thanh minh, nhưng không phải bạ cô gái nào tôi cũng thấy thích. Thậm chí ngược lại mới đúng. Vậy nên một khi thấy thích là tôi muốn kiểm tra cảm giác đó ngay, tôi muốn thử theo cách riêng của mình, liệu cảm giác ấy có thật không và nếu thật thì tiếp theo sẽ ra sao.

Vậy là tôi tiến lên ngang hàng cô ta và xin lỗi vì đã đến chậm mất tám, chín phút so với lịch hẹn.

“Tôi không ngờ thủ tục ở cửa mất thời gian đến vậy”, tôi nói. “Mà thang máy lại chậm thế. Đúng mười phút trước giờ hẹn tôi đã có mặt trước cửa rồi.”

“Tôi biết”, cô ra hiệu, thoáng gật đầu. Gáy cô tỏa hương Eau de Cologne. Một mùi hương khiến ta tưởng như đang được đứng trên một cánh đồng dưa bở vào một sớm mùa hạ. Không rõ vì sao mùi hương làm tôi chững lại, một cảm giác hi hữu, nghịch cảnh nhưng cũng buồn bã, tựa như hai hoài niệm khác kiểu nhau được chập lại tại một nơi tôi không quen. Tôi hay sa vào những tâm trạng như thế. Và chúng hầu như luôn được gợi ra bởi một thứ mùi hương đặc biệt. Vì sao ư, chính tôi cũng không lý giải nổi.

“Hành lang này dài thế nhỉ”, tôi nói để tìm cách bắt chuyện. Cô vừa đi vừa nhìn tôi. Tôi đoán tuổi cô cỡ hai mươi, hai mốt. Nét mặt cô sắc sảo, trán cao, nước da đẹp.

Cô vẫn nhìn tôi và nói “Proust”. Nghĩa là cô không nói chính xác ra chữ “Proust”, mà tôi chỉ có cảm tưởng môi cô mấp máy theo hình ấy. Trước sau vẫn không thấy tiếng. Thậm chí không nghe cả tiếng cô thở. Hệt như cô nói với tôi khi đứng bên kia một tấm kính dày vậy.

Proust?

“Marcel Proust?”, tôi hỏi.

Cô ngạc nhiên nhìn tôi. ‘Proust’, cô lặp lại. Tôi đành bỏ cuộc, lùi về vị trí cũ của mình và vắt óc tìm những từ tương ứng với cử động môi của ‘Proust’. Tôi lẩm bẩm một loạt từ vô nghĩa cùng vần, nhưng không từ nào khớp hẳn với cử động môi của cô. Rõ ràng cô vừa nói ‘Proust’. Tuy nhiên tôi không rõ có mối liên quan nào giữa Proust và đoạn hành lang dài này.

Có thể cô dùng Marcel Proust như một ẩn dụ cho hành lang dài. Nhưng nếu đúng thế chăng nữa thì ý nghĩ ấy cũng quá đột ngột và xét về cách thể hiện thì ít nhất phải gọi là bất lịch sự. Nếu cô dùng hành lang dài làm ẩn dụ cho các tác phẩm của Proust, được thôi, tôi còn chấp nhận được. Nhưng ngược lại? Đúng là đánh đố thật.

Hành lang dài như Marcel Proust?

Vậy là tôi đi suốt dọc hành lang dài sau lưng cô. Quả là dài thật. Chúng tôi rẽ hàng nghìn góc, leo lên những cầu thang ngắn năm, sáu bậc rồi lại leo xuống. Quãng hành lang này phải dài gấp năm, sáu lần tòa nhà thông thường. Có lẽ chúng tôi đang đi đi lại lại trong một bức tranh phối cảnh ảo của Escher. Gì thì gì, chúng tôi đi mất bao lâu thì xung quanh cũng chẳng thay đổi chút nào. Nền cẩm thạch, tường vàng trứng, số phòng loạn xạ và cửa gỗ có tay nắm inox. Không có lấy một cửa sổ. Hành lang vang tiếng gót giày gõ nhịp chính xác và đều đặn như máy của cô gái, và tôi bám đuôi cô bằng đôi giày thể thao gây ra tiếng động như cao su dai đang rữa ra. Giày tôi kêu lép nhép to quá mức, khiến tôi ái ngại cho lớp đế cao su quả thực đang tan ra. Lần đầu tiên trong đời tôi đi giày thể thao trên nền cẩm thạch, vì vậy không thể đoán tiếng động như vậy là bình thường hay bất thường. Tôi bụng bảo dạ, có lẽ là nửa bình thường nửa bất thường. Vì ấn tượng của tôi là tất cả mọi thứ ở đây đều được xếp đặt theo tỷ lệ ấy.

Cô gái dừng lại đột ngột, và vì suốt cả thời gian tập trung vào tiếng lép nhép dưới đế giày nên tôi không nhìn thấy và xô ngực vào lưng cô. Cảm giác mềm mại dễ chịu như một đám mây mưa dày đặc, và từ gáy cô, hương dưa bở lại tỏa ra. Suýt nữa cô ngã chúi về phía trước vì bị xô phải, tôi vội đưa hai tay nắm vào vai cô và kéo lại.

“Xin lỗi”, tôi nói. “Tôi đang mải nghĩ.”

Cô nàng béo nhìn tôi, mặt hơi ửng đỏ. Tôi không dám chắc, nhưng có vẻ cô không bực mình. “Taszer”, cô nói và thoáng mỉm cười. Rồi cô nhún vai nói “Sela”. Tất nhiên cô không thực sự nói ra tiếng, mà – tôi nhắc lại – chỉ mấp máy cặp môi theo hình đó.

“Taszes?”, tôi phát âm như thể học thuộc. “Sela?”

“Sela”, cô xác nhận.

Nghe loáng thoáng như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề chỉ là tôi chưa bao giờ nghe tiếng Thổ cả. Vậy thì không phải tiếng Thổ. Dần dần tôi rối tung đầu óc, do đó tôi quyết định không chuyện trò với cô nữa. Nghệ thuật nhìn môi đoán chữ của tôi còn cần phải nâng cấp, không phải thứ nắm bắt được trong một khóa học buổi tối kéo dài hai tháng.

Cô rút một chìa khóa điện tử nho nhỏ hình ô van trong túi áo khoác ra và áp nó vào ổ khóa trên cửa phòng có biển số 728. Then cửa kêu lạch cạch. Hiện đại thật.

Cô mở cửa. Rồi nói với tôi đang đứng chặn trên ngưỡng cửa: “Somto, sela.”

Tất nhiên tôi gật đầu và bước vào.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN