Vành Đai Khí Độc - Chương 01 Part 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
132


Vành Đai Khí Độc


Chương 01 Part 2



 

Ông giáo sư ngồi như một con quạ già, lông trắng phau, ngồi cười lớn đến rúng động thân mình.

Một cơn giận lạnh tanh bủa chụp lấy tôi khi giáo sư Summerlee nói về bạn mình như vậy. Người bạn chung đã giúp chúng tôi có được chút tiếng tăm và đã cho chúng tôi những giây phút tuyệt vời không mấy ai đã được hưởng. Tôi đã mở miệng định lên tiếng phản đối thì đức ông John đã nhanh miệng hơn tôi. Ông nghiêm khắc nói:

– Ông đã tranh luận với trưởng lão Challenger một lần và đã thua, trắng đen đã rõ trong mười giây. Ông ấy vượt xa trình độ của ông nhiều. Cách đối phó tốt nhất với ông ấy là lỉnh xa ông ta ra, để ông ta yên, giáo sư Summerlee ạ.

Tôi cũng tiếp lời:

– Ngoài ra, ông ấy cũng là người bạn tốt với tất cả ba chúng ta. Dù lỗi lầm của ông ấy có là gì đi nữa, thì ông ấy cũng là người chính trực như một cây trúc. Tôi cũng tin là ông ấy chưa hề nói gì sau lưng bạn bè.

– Bạn nói hay lắm, ông bạn vong niên ạ. – Đức ông mỉm một nụ cười hiền rồi vỗ vai giáo sư Summerlee – Thôi, ông giáo sư, chúng ta không cãi nhau vào lúc này nữa. Chúng ta đã cùng thấy với nhau nhiều rồi mà. Nhưng xin ông đừng có thái độ như thế này nữa, trước mặt người bạn già của chúng ta mà chúng ta yếu hơn về mọi mặt.

Nhưng giáo sư Summerlee vẫn không có vẻ gì là khoan nhượng, ông bập píp và nhả ra những cuộn khói giận dữ.

– Về phần ông, đức ông John Roxton ạ, ý kiến của ông về các vấn đề khoa học, chỉ như một viên đạn súng săn nhờ văng ra nhiều mảnh mà trúng con mồi thôi. Tôi có óc suy luận và suy luận theo cách của tôi. Chỉ vì tin tưởng, tôi đã bị lầm lẫn một lần, bởi vậy, tôi không thể chấp nhận những gì ông ta nêu lên mà không phê phán. Chúng ta có cần một giáo hoàng trong khoa học với quyền năng bất khả ngộ, cứ phán ra rồi độc đoán bắt đại chúng hiền lành tin theo. Cho ông hay, tôi có cái đầu, tôi phải dùng nó, tôi không hợm hĩnh, theo đuôi người ta như một tên nô lệ. Nếu thích thì ông cứ tin vào ether và những vằn Flaunhofer trên quang phổ, nhưng đừng có bắt một người cao niên hơn, khôn ngoan hơn như tôi, chia sẻ quan điểm điên rồ đó với ông. Chẳng có bằng chứng nào là ether đã ảnh hưởng đến mức độ ông ta nói. Nếu ether có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì chính chúng ta đã phải bị bệnh rồi.

Nói đến đây, ông giáo sư phá lên cười đắc thắng vì lý luận của mình.

– Vâng, thưa ông, chúng ta đã không còn là những con người bình thường, không còn bình an mà ngồi trên toa tàu này bàn chuyện khoa học. Chúng ta phải đang bị nhiễm độc. Các dấu hiệu bị nhiễm độc vì xáo trộn ether vũ trụ đâu? Trả lời tôi đi! Không được tìm cách lẫn trốn. Tôi buộc ông trả lời!

Tôi càng ngày càng giận và thái độ của giáo sư Summerlee càng ngày càng khó chịu, hung hăng. Tôi nói:

– Tôi nghĩ rằng, nếu ông biết thêm được nhiều sự kiện thực sự chắc ông sẽ bớt quả quyết về ý kiến của mình.

Summelee lấy píp khỏi miệng và trừng trừng nhìn tôi lạnh tanh.

– Làm ơn cho biết ý của ông về những nhận xét chẳng đâu vào đâu của ông ta?

– Trước khi rời tòa soạn, Trưởng ban biên tập tin tức đã cho tôi biết có điện tín xác nhận dân địa phương ở Sumatra đều bị nhất loạt một chứng bệnh, và hải đăng ở eo Sun đang tắt ngấm.

– Đúng rồi, cái điên của con người đâu có giới hạn! – Giáo sư Summelee la lên tức giận thật sự. – Nếu chấp nhận cái giã thuyết rỗng tuếch của Challenger, thì ông cũng phải thấy ether trong vũ trụ phải là chất đồng nhất ở cả hai phía của trái đất chứ. Có bao giờ ông tin là có thứ ether ở Anh khác với ether ở Sumatra? Chắc ông cho rằng ether ở Kent tốt hơn ether ở Surrey về một vài mặt nào đó. Những người dân thường ngoài giới khoa học rất cả tin và dốt nát. Các ông có thể chấp nhận được ether ở Sumatra, đúng lúc này, độc đến nỗi làm mọi người tê liệt, còn ở đây chúng ta chẳng hề hấn gì? Cá nhân tôi, tôi còn cảm thấy thân thể khỏe mạnh, tâm hồn quân bình hơn bao giờ hết.

– Có thể như vậy. Tôi không dám nhận là một nhà khoa học, nhưng tôi có đọc và nghe ở đâu đó là khoa học ở thế hệ này, có thể bị coi là sai lầm ở thế hệ kế tiếp. Vì chúng ta chưa biết nhiều về ether, nên cứ dùng lương tri mà xét, có thể vì các điều kiện ở địa phương, ether đã gây ảnh hưởng ở vùng đó trước, ảnh hưởng đến chúng ta sau.

– Với nếu và có thể thì ông chẳng chứng minh được gì cả. Heo có thể bay nhưng chúng có bao giờ bay được đâu. – Summerlee đùng đùng nổi giận. – Nói chuyện với các ông không được nữa rồi. Challenger đã nhồi nhét cho các ông những điều vô lý, còn cả hai ông đều không có khả năng suy luận. Thà tôi tranh luận với mấy cái ghế nệm này còn hơn.

Đức ông John nghiêm sắc mặt nói:

– Giáo sư Summerlee ạ, xem ra tác phong của ông chẳng cải tiến được chút nào, từ lần gần nhất tôi hân hạnh gặp ông.

Summerlee cười chua chát trả lời:

– Các đức ngài như ông không quen nghe sự thật. Chắc ông sẽ bi sức nặng nếu như có ai bảo với ông là, ngoài cái tước vị ra, ông cũng chỉ là dốt nát, mù tịt.

Đức ông John nói hết sức nghiêm khắc và cứng:

– Hứa với ông, nếu ông còn trẻ, hẳn ông không dám nói với tôi một cách hỗn hào như thế.

Giáo sư Summerlee hất cằm lên, chòm râu dê lắc lư.

– Ngài nên nhớ là, cả đời tôi, dù già hay trẻ, tôi chẳng ngần ngại gì khi nói thẳng ý mình với những kẻ hợm mình dốt nát mà vênh váo. Vâng, thưa ngài, dốt nát mà vênh váo, dù ông có bao nhiêu tước vị mà bọn gia nô của ông phong tặng và được lũ dốt nát chấp nhận.

Mắt đức ông John tóe lửa một lúc rồi ông chế ngự được cơn giận, ngồi dựa vào ghế, tay khoanh lại, miệng cười chua chát. Với tôi, chuyện này thật khủng khiếp, không thể chấp nhận được. Rồi như một đợt sóng, ký ức quá khứ tràn về: tình bạn thắm thiết, những niềm hạnh phúc, những ngày cùng nhau du thám, những chịu đựng, những cố gắng để chiến thắng. Thế mà chúng tôi đi đến nông nỗi này – thóa mạ, lăng nhục lẫn nhau! Rồi đột nhiên tôi khóc, khóc nức nở lớn tiếng. Khóc nghẹn ngào không thể kiềm chế và che dấu được. Các bạn tôi nhìn tôi ngỡ ngàng, tôi phải lấy hai tay che mặt lại.

– Không sao mà, – tôi cố nói – chỉ vì hoàn cảnh của chúng ta thảm thương quá.

Lord John nhận xét.

– Ông bạn trẻ, ông bịnh rồi. Đó mới là trục trặc của ông. Tôi đã thấy bạn hơi lạ thường từ lúc mới gặp.

Giáo sư Summerlee lên tiếng, vừa lắc đầu:

– Chính là do tật uống rượu của ông đấy, cả ba năm nay ông vẫn chưa cải sửa được. Tôi cũng thấy cử chỉ của ông lạ lùng ngay từ lúc mới gặp. Ngài John, ngài không cần phải ái ngại cho ông ấy. Những giọt nước mắt kia chỉ do rượu thôi. Ông ấy chắc đã uống quá nhiều. Tiện thể đây, đức ông ạ, vừa rồi tôi có gọi ông là hợm mình, quả là có hơi quá. Nhưng từ ngữ ấy gợi nhớ chút tài mọn của tôi, vặt vãnh thôi nhưng thú vi lắm. Các ông đã biết tôi là một nha khoa học rất nghiêm khắc. Các ông có tin là tôi đã từng nổi tiếng trong các vườn ươm và trại giống, về bắt chước tiếng và điệu bộ muông thú. Tôi sẽ giúp cho ông giải trí cho qua thời giờ. Các ông có thích tôi bắt chước gà gáy không?

Đức ông John vẫn còn tức, nói ngay:

– Không, thưa ông, trò đó không làm vui tôi đâu.

– Tài bắt chước gà cục tác ngay sau khi đẻ trứng của tôi cũng được coi là trên trung bình đấy. Tôi làm các ông xem thử nhé?

– Không, xin can ông.

Dù có bị quyết liệt từ chối, giáo sư Summelee cũng để píp xuống và giúp vui chúng tôi – hoặc không giúp vui được hay – bằng một loạt tiếng chim hót, thú vật kêu chẳng ra sao cả, đến nỗi nước mắt của tôi đã thay thế bằng những tiếng cười ha hả rồi cười ngặt nghẽo. Vì tôi ngồi đối diện ngay với giáo sư nhìn thấy – hay đúng hơn nghe thấy – ông đang nghiêm trang thật sự đóng vai gà gáy hay con chó con ăng ẳng khi bị nhằm vào đuôi. Khi đức ông chuyền cho tôi tờ báo, tôi thấy ghi ở bên lề bằng bút chì: “Tội nghiệp! Ông ấy mát nặng rồi! “

Vâng, ông ấy có lập dị thật, nhưng những trò ông mới làm cũng có vui và thông minh.

Trong khi Summerlee tiếp tục diễn trò, đức ông John nghiêng mình về trước kể cho tôi nghe chuyện một con trâu và một ông Hoàng Ấn Độ, và tôi có cảm tưởng là không bao giờ cùng. May thay, khi giáo sư Summerlee bắt đầu giọng hót lý như một con yến, đức ông John đang kể đến những tình tiết đỉnh điểm của câu chuyện, thì tàu vào ga Jarvis Brook.

Ở đây cũng có bến xe đi Rotherfield. Và kìa giáo sư Challenger đang đợi chúng tôi. Dáng vẻ của ông ấy thật kiêu hãnh. Không có con công hay gà trống tây nào có dáng vẻ kênh kiệu sánh được cái vẻ thong dong tự tin, và nụ cười hiền lành, hạ cố đối với những người quanh ông. Chỉ có vẻ mặt của ông hơi rạng rỡ hơn, vì quan điểm của ông đang thắng thế, là nét thay đổi duy nhất. Cái đầu đã to, vầng trán lộng, với mái tóc ép sát vào da đầu như có vẻ to ra hơn. Bộ râu đen mượt chảy dài xuống, có vẻ ấn tượng hơn, trông như một dòng suối. Đôi mắt xám, trong long lanh, dưới đôi mi bướng bỉnh, ngạo đời cũng thay đổi đôi chút.

Ông ấy bắt tay tôi tạo cho tôi thích thú, kèm nụ cười khích lệ như một thầy hiệu trưởng ban ột cậu học trò. Ông bắt tay những người khác, giúp họ xách hành lý, lăn bình oxy lên xe. Tài xế vẫn là cái ông Austin nghiêm nghị, ít nói. Lần trước tôi tới, thì ông đóng vai quản gia. Chuyến hành trình bằng xe con này qua những đoạn đường bám trên sườn đồi ngoằn ngoèo, cảnh trí rất đẹp. Tôi ngồi trên với tài xế. Ba vị kia ngồi băng sau, tranh cãi sôi nổi. Tôi nghe như họ cùng nói một lượt. Đức ông John đang cố nói chuyện con trâu, đồng thời tôi nghe thấy cả tiếng oang oang của Challenger, giọng khăng khăng của Summerlee, vẫn y hệt như trước đây, khi họ tranh cãi về một vấn đề khoa học.

Thình lình, Austin nghiêng bộ mặt ngăm đen về phía tôi, mắt không rời khỏi mặt đường:

– Tôi đã được thông báo cho nghỉ việc, ông ạ.

– Trời ơi, thật sao?

Mọi sự hôm nay đều có vẻ kỳ cục. Mọi người đều nói đến các chuyện kỳ cục, bất ngờ. Giống như trong một cơn mơ.

Austin nói trong hồi tưởng:

– Đây là lần thứ bốn mươi bảy ông ấy cho tôi nghỉ việc.

– Khi nào ông đi? – Tôi hỏi để thăm dò tình hình nhà giáo sư hoặc có được giải thích rõ hơn.

– Tôi sẽ không đi.

Austin nói giọng cương quyết. Thế rồi chuyện đối thoại của chúng tôi như ngưng lại. Rồi thình lình Austin lại tiếp tục.

– Nếu tôi phải di, ai sẽ săn sóc ông ấy? (hất hất đầu về phía chủ).

– Thì một người khác.

Tôi trả lời cho có.

– Không có ai khác đâu. Không ai có thể ở đây được một tuần. Nếu tôi ra đi, nhà này sẽ đổ sụm như một đồng hồ đứt dây cót. Tôi nói chuyện với ông, vì là bạn giáo sư và cần phải biết. Nếu tôi phải nghe lời giáo sư và nghỉ việc… tôi không nỡ. Ông và bà ấy sẽ bất lực như hai đứa trẻ bị trùm trong một cái chăn. Tôi chăm lo mọi thứ cho ông ấy, thế mà ông ấy lại báo cho tôi nghỉ việc.

Tôi hỏi:

– Tại sao ông lại nói là không ai ở đây lâu được?

– Người ta sẽ không hiểu ông ấy, không thông cảm được như tôi. ông chủ rất thông minh, quá thông minh đến độ huyền hoặc. Tôi nhìn thấu tận đáy lòng ông ấy. Cứ coi chuyện sáng nay ông ấy làm thì rõ.

– Sáng nay ông ấy làm gì?

Austin nghiêng qua tôi.

– Ông ấy cắn chân cô quản gia. – ông thì thầm nho nhỏ.

– Cắn cô ấy?

– Vâng, thưa ông. Cắn cô ta vào chân, chính mắt tôi trông thấy cô ta chạy như gió, qua cái cổng cũ ra khỏi nhà.

– Đẹp mặt chưa?

– Vâng, ông có thể nói như vậy, nếu ông thấy được một chút cảnh đó. Ông ấy không làm bạn với hàng xóm. Vài người ở đây cho rằng chỉ khi nào ông ấy chán những con quái vật mà ông đã viết về chúng, thì ông ấy mới biến nơi đây thành một tổ ấm gia đinh. Mái ấm thật sự cho ông thầy, vì ông thầy không hòa hợp được thật sự vào một nhóm nào cả Nhưng tôi đã giúp việc cho ông ấy mười năm rồi, và tôi thích ông ấy, ông ấy là một vĩ nhân. Tôi lấy làm vinh dự được giúp việc cho ông ấy. Đôi khi ông ấy có làm những trò độc ác. Giờ thì xin ông hãy coi cái bảng kia kìa, ông có thể gọi đó là truyền thống hiếu khách được không? Ông cố mà đọc lấy.

Chiếc xe đang ở tốc độ chậm nhất, đang ì ạch leo một con dốc cao và ngoằn ngoèo. Ở một góc hàng rào cây xanh cắt tỉa bằng phẳng, nhô lên một cái bảng cảnh báo.

Đúng như Austin đã nói, cái bảng rất dễ đọc vì cái bảng vừa ít chữ vừa bắt mắt.

CẢNH BÁO,

Không tiếp: khách thăm, báo chí, ăn mày.

G. E. Challenger

– Không, cái câu ấy không có nhân tính. – Austin vừa nói vừa ngước mắt lên nhìn cái bảng đáng tội nghiệp. – Xin lỗi ông, hôm nay tôi nói hơi nhiều, nhưng có nói ra được tôi mới nhẹ nhõm. ông ấy có thể cho tôi nghỉ việc khi ông ấy buồn. Nhưng tôi không ra khỏi nhà. Thật rõ ràng, ông ấy là chủ, tôi là người giúp việc và tôi mong như vậy cho hết kiếp này.

Chúng tôi đã qua hai trụ cổng trắng và cái đường vòng xe vào cổng, hai bên viền những bụi hoa. Phía trong là ngôi nhà gạch, nổi bật lên giữa những công trình gỗ xung quanh.

Nhà có vẻ ấm cúng và sạch. Bà Challenger người nhỏ nhắn dong dỏng cao, luôn tươi cười, đứng trước cửa đã mở lộng chào đón chúng tôi.

Challenger ra khỏi xe, nói với bà ấy:

– Cưng à, hôm nay chúng ta có khách. Hơi bất thường phải không nào? Có mất mát gì đâu giữa chúng ta và những người hàng xóm. Nếu họ muốn bỏ thuốc chuột trong giỏ bánh.

Bà ấy la lên, vừa khóc vừa cười, nói:

– Anh nói gì mà khủng khiếp quá. Anh George hay gây lộn với hàng xóm. Chúng tôi chẳng có bạn nào ở vùng này cả.

– Không tiếp bạn để dồn hết chú ý vào chăm sóc bà xã tôi, người không ai sánh kịp.

Ông vừa nói vừa đưa cánh tay ngắn, mập quàng lấy eo vợ. Một con khỉ đột và một con linh dương. Đó là hình ảnh của hai ông bà Challenger.

– Thôi đi ông, khách đi đường đã mệt. Phải làm cơm trưa ngay. Cô Sarah đã về chưa?

Bà chủ lắc đầu buồn bã và ông giáo cười lớn, tay vuốt lâu ra vẻ kẻ cả. Ông gọi lớn:

– Austin, cất xe xong, làm ơn giúp bà ấy một tay dọn cơm. Rồi! Mời các ông sang phòng làm việc, tôi có một hai chuyện cần nói với các ông gấp.

Chú thích:

(1) Chim câu và chim hạc móm sữa cho con lắc mới nở, chưa có lông.

(2) Quaker là giáo phái kính sợ Thiên Chúa, có những qui luật sinh hoạt rất nghiêm ngặt.

(3) Trước đây các nhà khoa học cho rằng ether lấp đầy vũ trụ, các thiên thể, các dạng vật chất, bồng bềnh trôi trong môi trường ether đó. (ether đọc là ê-te)

 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN