Vành Đai Khí Độc - Chương 03 Part 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Vành Đai Khí Độc


Chương 03 Part 2



 

– Thôi được, tôi chỉ nêu vấn đề lên để bàn thôi. – Đức ông John phân bua. – Nếu các ông đồng ý chứng kiến thảm họa đến phút chót, tôi cũng sát cánh với các ông. Chắc sẽ thú vi lắm, đủ cả thương cảm, ghê sợ. Chẳng có gì sai trái cả. Tôi đã có những cuộc mạo hiểm trong đời, đã trắc nghiệm mọi cảm giác mạnh như nhiều người. Nhưng tôi phát từ giã cõi đời một cách hào hùng nhất.

Challenger tiếp ngay:

– Với điều kiện là ông được tiếp tục sống thêm.

– Các ông chỉ suy đoán hão! – Summelee bực mình nói xẵng.

Challenger nhìn ông ta nghiêm khắc phản đối, rồi nói như một nhà mô phạm:

– Trừ phi chúng ta còn tiếp tục sống, nếu đã chết rồi thì chẳng ai trong chúng ta còn có dịp quan sát những gì đã xảy ra ở ngoài. Vì lúc đó ta đă ở thượng giới tinh thần, làm sao còn hiểu được hạ giới vật chất. Thật là hiển nhiên đối với đa số không hiểu biết, (ông liếc sang Summelee) thì chỉ khi nào ta còn sống trong cái cơ thể vật chất này mới có thể quan sát và phán đoán về các hiện tượng vật chất được. Bởi vậy chúng ta cố duy trì cuộc sống thêm vài giờ, với hy vọng truyền lại cho những sinh vật tương lai, những thông tin để họ quan niệm được rõ ràng, rằng trái đất hay vũ trụ, cho đến thời điểm chúng ta sống, đã trải qua một biến cố vĩ đại kinh hoàng, từ trước chưa từng có. Theo tôi, thời gian còn sống để có được cuộc trải nghiệm tuyệt vời này, nếu bị bớt đi phút nào đều đáng tiếc cho phút đó.

Summelee lại hăm hở nói lớn:

– Hoàn toàn đồng ý.

– Thông qua tuyệt đối, không có phiếu chống. – Đức ông John tiếp lời. – Nhưng trời ơi! Ông tài xế của ông đã lái chuyến xe chót sang bên kia thế giới rồi. Ta có nên lao ra khiêng ông ta vào đây không?

– Chỉ có điên mới ra. Ra là chết. – Summelee lớn tiếng can ngăn.

– À há, bây giờ tôi cũng nghĩ như vậy. Chẳng giúp gì được ông ta, mà còn làm oxy thoát ra khỏi phòng, ngay cả khi còn sống mà trở vào phòng chăng nữa. Nghe này, coi mấy con chim nhỏ ở dưới mấy cây kia kìa!

Chúng tôi lấy bốn cái ghế xếp dọc theo cái cửa sổ rộng, thấp. Bà chủ nhà còn nhắm mắt mơ màng trên ghế. Tôi hình dung ra một cảnh quái đản, rùng rợn; cái ảo ảnh có lẽ được phóng đại lên nhiều do bầu không khí nặng nề, tù hãm chúng tôi đang hít thở. Chúng tôi là bốn khán giả ngồi trên hàng đầu đang coi màn chót của thế giới! Ngay trước mặt chúng tôi, ở dưới sân, là chiếc xe du lịch đang rửa dở dang, ông tài xế Austin nằm sóng soài cạnh bánh xe, trên trán có một cục u tím bầm, chắc là ông đã ngã, đập đầu vào bệ lên xe hay cái chắn bùn. Tay ông vẫn còn nắm chắc cái vòi nước rửa xe. Vài cây tiêu huyền che mát một góc vườn, dưới gốc vài chú chim chết xù lông ra, co quắp như những trái banh nhiều cỡ. Lưỡi hái tử thần đã lướt qua mọi sinh vật lớn nhỏ.

Qua bức tường cuối vườn, chúng tôi nhìn ra con đường uốn lượn dẫn tới ga. Nhóm thợ gặt mà chúng tôi đã thấy chạy ra khỏi đám ruộng, nằm bên vệ đường, lộn xộn, co quắp chồng lên nhau. Xa chút nữa, cô giữ trẻ nằm nghếch đầu và vai lên vạt cỏ bên vệ đường. Cô đã bồng cháu bé ra khỏi xe nôi, bây giờ là một bọc bất động trong tay cô. Ngay cạnh cô là cậu bé nằm sải chân tay bên mép đường. Gần chúng tôi hơn, con ngựa chết quì giữa hai càng xe. Người đánh xe nằm vắt qua thành trước xe, trông như một con chim già kỳ quặc, tay ông cong queo ở một thế lạ kỳ trước mặt. Qua cửa kính, chúng tôi thấy mờ mờ trong xe một thanh niên, tay còn nắm thành xe đã mở, hình như anh định nhảy xuống đường vào giây phút cuối. Xa hơn nữa là sân golf xanh nhạt hơn, rải rác xác những người chơi golf mà chúng tôi thấy hồi sáng, trong quần áo trắng viền đủ màu. Trên một vạt cỏ đậm màu hơn, một đống tám xác những tay chơi cặp bốn quyết chơi cho đến tối. Không một bóng chim trên vòm trời cao rộng, không một người, một sinh vật động đậy trong khung cảnh một miền quê trải rộng trước mặt chúng tôi. Mặt trời chiều đã dịu, dải nắng rực rỡ, êm ả lên cảnh vật. Nhưng bao trùm lên tất cả là cái không khí lạnh tanh, thê lương của tận diệt, cái chết toàn thể mà chẳng bao lâu nữa chúng tôi cũng tham dự. Tạm thời lúc này, tấm kính cửa sổ cách ly chúng tôi với số phận chung của đồng loại, nhờ có dự trữ một ít oxy để trung hòa ether độc. Nhờ tri thức và tiên kiến của một người, đã tạo được một ốc đảo sự sống, giữa một sa mạc chết mênh mông, trong vài giờ. Rồi oxy sẽ cạn, chúng tôi cũng sẽ phải chết co quắp trên cái thảm hồng đào này.

Thế là toàn bộ nhân loại và các chủng sinh vật khác bị xóa sạch trên địa cầu. Một lúc lâu, bầu không khí trong phòng nghiêm trọng đến nỗi lời nói thành vô nghĩa. Chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn ra cái thế giới thảm thương bên ngoài.

– Cháy nhà kìa! – cuối cùng tiếng Challenger vang lên. Ông chỉ vào một làn khói đang bốc cao khỏi các ngọn cây. – Tôi đoán là sẽ còn nhiều nhà cháy khác, có thể cả thành phố sẽ chìm trong biển lửa, cứ nghĩ tới có biết bao nhiêu người đang cầm lửa khi hôn mê ngã xuống. Sự kiện nhà còn cháy được, tự nó đã chứng minh cho thấy thành phần oxy trong không khí vẫn bình thường, và rõ ràng ether là thủ phạm. Chà! lại một đám cháy khác trên đỉnh đồi Crowborough Hill. Nếu tôi không lầm, đó là tòa nhà Câu lạc bộ. Chuông đồng hồ nhà thờ vẫn điểm giờ. Chắc các triết gia của chúng ta sẽ rất thích thú khi biết rộng có những máy móc con người chế ra, lại sống dai hơn toàn bộ nhân loại.

– Trời ơi! Những cuộn khói kia là cái gì? – Đức ông John hoảng hốt đứng dậy và hỏi to. — – Tầu hỏa!

Chúng tôi nghe tiếng rầm rập rồi tức thời tàu lao vào tầm mắt chúng tôi, với tốc độ rất cao. Nó khởi hành từ đâu, cánh đây bao xa. Chúng tôi không thể biết, nhưng chỉ có phép lạ, nó mới chạy được đến đây, không bị các vật, xác người ngất xỉu trên đường làm lật. Nhưng lúc này chúng tôi sắp sửa phải chứng kiến cái kết cục thảm thiết của nó. Một tàu than đang đậu sừng sững trên đường ray. Chúng tôi đứng tim khi chiếc tàu khách tốc hành rầm rầm chạy qua trên cùng một đường ray. Cú đụng thật khủng khiếp kinh hoàng. Đầu tàu và các toa dồn cục lại thành một đống gỗ và sắt cong queo. Một tia lửa lóe lên, rồi cả đống bốc cháy hừng hực. Cả nửa giờ, chúng tôi ngồi im lặng sững sờ trước một cảnh vừa hùng vĩ vừa tang thương.

Sau cùng bà Challenger thốt lên:

– Tội nghiệp Tội nghiệp nhưng người đó!

Bà bám cứng lấy cánh tay chồng.

– Bà ơi, những hành khách trên tàu đâu có còn sống. Họ đã nằm im lìm như những bánh than trên đoàn tàu mà họ đụng, và bây giờ họ cũng đang bất động biến thành than. -Challenger nói nhỏ nhẹ vừa vỗ về trấn an vợ. – Chuyến tàu chở hành khách sống từ ga Victoria rồi hành khách cùng chết dần với những người họ thấy trên đường trong hãi hùng. Đoàn tàu đã thành đoàn tàu ma từ lâu rồi, trước khi gặp định mệnh kinh hoàng.

Một ảo ảnh lạ lùng hiện ra trong óc tôi khiến tôi lên tiếng:

– Những thảm cảnh tương tự đang diễn ra trên khắp thế giới. Cứ nghĩ tới những tàu đang lênh đênh ngoài biển. Chúng sẽ còn tiếp tục chạy mãi cho đến khi lò than tắt ngấm, hoặc lao hết tốc độ vào một bờ biển. Những thuyền buồm cũng vậy, làm sao thuyền quay trở lại bờ. Một thuyền đầy xác chết, sẽ trôi dật dờ trên sóng nước, cho đến khi gỗ thuyền mục, mối nối rò rỉ và thuyền chìm dưới đáy bể. Có lẽ hàng thế kỷ sau, Đại Tây Dương vẫn còn nổi trôi những xác tàu, thuyền và các vật dụng đi biển.

Sau cái tặc lưỡi chán nản, Summelee nối lời:

– Và các công nhân trung các mỏ than… sau này nếu lại có các nhà địa chất trên trái đất, chắc họ sẽ lập các giả thuyết kỳ lạ về đời sống con người vào giai đoạn này căn cứ vào những xác đã hóa đá của phu mỏ.

Đức ông John nhận xét:

– Thú thực tôi không hình dung được những chuyện đó. Nhưng trái đất sẽ như một “căn nhà cho thuê trống người” sau vụ này. Khi nhân loại đã bị quét sạch khỏi mặt địa cầu, thì bằng cách nào con người lại có mặt trên trái đất được?

– Thì trái đất trước đây, từ thời nguyên thủy vốn trống rỗng mà. – Chalienger nghiêm túc trả lời. – Như cái lý âm dương ấy, từ tạo thiên lập địa, vốn chi phối chúng ta và chúng ta không hiểu nổi, sẽ tạo ra con người trên trái đất. Tại sao một chu trình sinh thái như vậy lại không lập lại được nhỉ?

– Trời ơi! ông bạn Challenger thân mến, chắc ông không định nói vậy?

– Giáo sư Summelee, tôi không quen nói một đàng nghĩ một đàng. Lời nhận xét của ông chẳng đâu vào đâu cả.

Nói rồi ông ngoảnh ra chỗ khác, mắt nhắm lại.

– Ôi, ông sống như một người cứ khư khư ôm mớ giáo điều đến chết cũng vẫn chưa chừa được. – Giáo sư Summelee chỉ còn chua chát nhận xét.

– Và ông luôn luôn là kẻ phá đám, ngang bướng không thể tưởng được, chẳng bao giờ ông thoát ra nổi.

– Những lời phê bình của ông cũng đâu có nghèo tưởng tượng. – Giáo sư Summelee cố gân cổ phang lại.

Đức ông John xen vào can:

– Chắc các ông định hít thở hết những bình oxy này để thóa mạ nhau, mới trở lại con người đứng đắn thật sự? Con người có trở lại trái đất hay không có quan trọng gì lúc này nữa. Dù con người có trở lại chắc chắn không vào lúc này.

Challenger nghiêm sắc mặt trả lời:

– Nói vậy là ông đã bộc lộ rõ sự nông cạn của mình. Một đầu óc khoa học chân chính không hề tự đặt ra giới hạn không gian và thời gian cho công việc của mình. Nhà khoa học phải đặt trạm quan sát là chính mình, ở mốc thời gian là hiện tại, phân cách cái quá khứ vô định với tương lai bất định, từ đây ông xuất kích những đợt nghiên cứu từ lúc sính ra các giống loài và tới lúc mọi thứ bị tận diệt. Với cái chết, nhà khoa học sẽ chết ở vị trí nhiệm sở của mình, bình thường và vẫn theo phương pháp như thường cho đến lúc chết. Ông không cần để ý tới các thân xác vật chất của ông tan rã ra sao, cũng như mọi loại vật chất khác, ý kiến tôi có đúng không, giáo sư Summelee?

Summelee bất đắc dĩ càu nhàu một câu đồng ý:

– Với vài dè dặt, tôi đồng ý.

Challenger tiếp:

– Con người khoa học, tôi xin đặt ở ngôi thứ ba, để khỏi tỏ ra là người tự mãn. Một nhà khoa học chân chính, phải có khả năng vẫn nghĩ ra được một điểm nào đó về tri thức trừu tượng, trong lúc ông ta đang rơi từ trên một khinh khí cầu xuống đất. Những người có bản lãnh vững chắc như vậy rất cần trong chinh phục tự nhiên và bảo vệ chân lý.

Đức ông John tiếp ngay, mắt vẫn nhìn chăm chăm ra ngoài:

– Thiên nhiên khiến tôi quan tâm nhất lúc này. Tôi đã đọc những bài của các học giả có uy tín nhất, nói về việc giới khoa học điều khiển thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên vẫn giữ lại nhiều điều bí mật.

Challenger nói một cách tin tưởng:

– Trong khoảng thời gian vài triệu năm, vạn vật ra sao? Như ông thấy, thế giới cây cỏ đã sống còn. Nhìn cành lá sum sê của mấy cây tiêu huyền kia đi. Chim thì chết nhưng cây xanh tươi nảy nở. Giữa dòng đời sống thực vật trong ao đầm có những loài thủy tộc vi thể, là đạo quân tiên phong của đời sống động vật. Và đến lúc này, năm chúng ta được vinh dự là đạo quân hậu vệ. Khi đã có đời sống ở hình thái thấp nhất, thì khẳng định con người sẽ xuất hiện. chắc chắn như cây sồi nảy sinh từ hạt sồi. Chu kỳ đời sống sẽ lặp lại một lần nữa.

Tôi hỏi:

– Thế còn ether độc, nó có giết đời sống từ trong trứng nước không?

– Ether độc có thể chỉ là một dòng hay một lớp trong môi trường ether lấp đầy vũ trụ, chỉ như một dòng Gulf Stream siêu hình, trong cái đại dương ether mà chúng ta đang dật dờ trôi nổi. Có thể còn có một dung sai, khả dĩ để đời sống có thể thích ứng được với điều kiện mới. Chỉ sự việc trước mắt chúng ta, là ta thêm một lượng oxy vào không khí là có thể hóa giải được ether độc. Như vậy, môi trường trái đất chỉ cần thay đổi chút ít là các động vật có thể lướt qua thảm họa này.

Cái nhà lúc nãy bốc khói qua các lùm cây, bây giờ bùng cháy. Chúng tôi thấy những lưỡi lửa chập chờn, liếm lên bầu trời.

Đức ông John thì thầm nói:

– Thật quá khủng khiếp!

Nhìn ông lần này tôi có một ấn tượng lạ hơn bao giờ hết. Tôi nêu nhận xét:

– Được, nói cho cùng thì có gì nữa đâu? Thế giới đã chết! Chết cháy hay hỏa táng là hình thức xử lý xác chết tốt nhất.

– Nếu căn nhà này bốc cháy, đời sống chúng ta sẽ bị rút ngắn nhanh hơn.

– Tôi đã thấy nguy cơ khi ở trong một phòng kín tăng cường oxy, và có nhờ bà nhà tôi coi chừng nguy cơ bốc lửa.

– Mọi thứ đều an toàn ông ơi. Nhưng đầu em lại bắt đầu nhức rồi, thái dương giật thon thót. Không khí trong phòng này ghê quá!

– Chúng ta phải thay lượng khí này. – Challenger nói rồi nghiêng mình trên bình oxy. – Bình này hầu như hết rồi. Bình đầu tiên ta dùng được trong ba giờ rưỡi, hết lúc tám giờ tối. Vậy ta sẽ qua được một đêm an lành. Đến chín giờ sáng mai chúng ta sẽ hết sống. Chúng ta còn đón được một bình minh cuối cùng chỉ dành riêng cho năm người chúng ta.

Ông mở bình oxy thứ hai, mở cửa thông gió khoảng nửa phút. Chúng tôi cảm thấy được không khí ở bên ngoài đã khá hơn, nhưng triệu chứng nhiễm độc lại đến nhanh hơn. Ông đóng ngay cửa không khí lại.

Challenger nói tiếp:

– Tiện thể, con người đâu có chỉ sống bằng oxy. Đã đến giờ ăn và hơi quá rồi. Nhưng xin các ông cứ an tâm. Mời các ông đến đây chơi, tôi đã chuẩn bị kỹ và hy vọng buổi họp mặt này ai cũng thấy thú vị. Tôi đã tính rằng nhà bếp cũng phải thay đổi thích ứng với hoàn cảnh này. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Hẳn các ông cùng đồng ý với tôi là chỉ có điên mới đốt một bếp dầu hôi trong phòng này, nó sẽ đốt hết một lượng lớn oxy. Chúng tôi đã chuẩn bị một ít thịt nguội, bánh mì và đồ chua, vài chai vang đỏ, có thể thỏa mãn được nhu cầu uống xoay vòng của chúng ta. Cám ơn bà chủ, em luôn là người phụ nữ đảm đang, nữ hoàng tề gia. “

Tháo vát, tự trọng, biết lễ nghĩa, những bà nội trợ Anh quốc thật tuyệt vời! Chỉ trong vài phút, bà chủ đã trải cái khăn trắng như tuyết lên bàn, đặt khăn ăn, dọn các món ăn đơn giản ra, thanh lịch và hài hòa. Có cả một cái đèn pin ở giữa bàn, chiếu ra một thứ ánh sáng kỳ ảo thần tiên. Tuyệt vời hơn nữa là chúng tôi ngon miệng ăn ngấu nghiến.

– Ăn ngon miệng cũng tùy theo cảm xúc của ta. – Giáo sư Challenger nói. Tôi lấy làm lạ là ông giàu tình cảm đến vậy. Một đầu óc khoa học vĩ đại lại có thể chiếu cố đến những sự thực nhỏ nhoi. – Chúng ta đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn, nhưng chỉ do nhiễu loạn cấp phân tử. Có nhiễu loạn trục trặc là cần sửa chửa. Bất cứ nỗi vui hay nỗi buồn to lớn nào cũng làm ta đói. Đừng có bỏ bữa ăn như các tiểu thuyết gia thường viết.

Tôi nêu một liên hệ:

– Hèn chi ở thôn quê người ta thường ăn cỗ đám ma linh đình.

– Đúng, ông bạn trẻ đã có một ví dụ minh họa rất thích hợp. Để tôi gắp cho ông một miếng lưỡi.

– Dân bán khai cũng vậy. – Đức ông John vừa cắt miếng thịt bò vừa nói: – Tôi đã chứng kiến họ chôn một tù trưởng ở sông Arnwimi, sau đó họ thịt một con hà mã, cân nặng bằng cả một bộ lạc. Có vài bộ lạc ở New Guinea còn sực luôn cả người thân mà họ vừa thương khóc, cứ như là cách họ dọn sạch một xác chết. Tất cả những bữa tiệc trong đám ma, tôi cho rằng bữa tiệc ta đang ăn đây là kỳ lạ nhất.

Bà Challenger góp thêm:

– Cái kỳ lạ nhất là tôi không thể cảm thấy thương xót được nhưng người đã chết. Tôi còn cha mẹ ở Bedford. Tôi biết rằng ông bà ấy đã chết hôm nay, vậy mà trước cái thảm họa to lớn, toàn cầu này, tôi lại không cảm thấy đau xót cho từng cá nhân được, ngay cả đau đớn cho cha mẹ tôi.

Tôi cũng cảm động tiếp:

– Mẹ già tôi ở Ireland, tôi có thể hình dung ra cụ, choàng khăn và mũ len, ngả người ra sau ghế, mắt nhắm lại, cạnh cửa sổ, kiếng và cuốn sách để bên cạnh. Làm sao tôi có thể thương khóc cụ được. Cụ đă chết, còn tôi chắc chắn sắp chết. Chết rồi chắc tôi sẽ được ở gần cụ không còn phải sống sinh ly, người ở Anh người ở Ái Nhĩ Lan nữa.

Challenger lên tiếng:

– Nói về thân xác, ta đâu có thương xót những miếng móng chân, móng tay cắt ra, hoặc một lọn tóc hớt đi, mặc dầu chúng là một phần thân thể ta. Cũng như chẳng người cụt chân nào còn cảm thấy thương tiếc cái chân đã cắt mất. Cái thể xác ta là nguồn gốc những đau đớn, chán nản mỏi mệt. Nó là cái chỉ số thường trực những giới hạn của ta. Vậy ta còn buồn gì nữa khi hồn lìa khỏi xác?

Ông Summelee càu nhàu:

– Dù hồn có lìa khỏi xác được, nhưng cái chết toàn thể khủng khiếp quá.

Challenger nói lại:

– Như tôi đã nói, cái chết toàn thể, toàn bộ bớt khủng khiếp hơn cái chết riêng lẻ chứ.

Đức ông John góp ý:

– Cũng giống như trong chiến tranh. Nếu các ông chỉ thấy một người lính chết ngực nát bấy hay lủng một lỗ trên mặt, có thể các ông sợ bủn rủn. Nhưng tôi đã nhìn thấy mười ngàn người chết ở Soudan, tôi không có cảm giác ghê sợ. Vì trong các cuộc chiến làm nên lịch sử, mạng sống của một cá nhân quá nhỏ ai thèm để ý. Khi một ngàn triệu người cùng chết một lúc như ngày hôm nay. Chúng ta không thể thương xót riêng một người được.

Bà chủ nhà run run, thật tình nói:

– Em mong là chúng ta đã qua khỏi. Ôi, anh George, em sợ lắm.

– Không bà chủ bé nhỏ ạ, bà cam đảm nhất trong chúng ta khi giờ phút lâm chung tới. Anh chỉ là anh chồng bẻm mép ba hoa của em thôi. Nhưng xin em nhớ cho rằng anh trước sau như nhất, bao giờ cũng hy sinh thân mình bênh đỡ em. Nói cho cùng, em đâu còn cần đến ai ngoài anh nữa.

Bà ấy nói “Em không cần nhờ ai nữa,” và choàng tay quanh cái cổ bạnh của ông ấy.

Ba chúng tôi bước ra cửa sổ và đứng chết sững trước cảnh đang diễn ra trước mặt.

Màn đêm đã xuống và cái thế giới chết đã được phủ kín trong một bức màn đen. Nhưng ở phương chính Nam, một dải đỏ thẫm sinh động. nhấp nhô như mạch đập cuộc sống, rồi thình lình vùng phụt lên tới thiên đỉnh hồng rực rỡ, lịm dần xuống thành một đường lửa huy hoàng nhưng khủng khiếp.

– Lewes cháy rồi!

– Không, đó là Brighton. – Challenger vừa băng qua phòng ra với chúng tôi vừa nói. – Các ông có thể thấy đường cong đen của những đồi cỏ nổi bật trên biển lửa. Đám cháy phải cách xa đó nhiều dặm. Chắc là cả thành phố đang bốc cháy.

Có nhiều đám lửa khác ở khắp bốn phương trời. Cái đoàn tàu hỏa chỉ còn cháy âm ỉ thôi, như một đám lửa cố định, không tung tăng nhảy rộng ra như đám đại hỏa hoạn bên kia đồi. Trời ơi, có biết bao nhiêu đề tài có thể viết cho tờ Gazette! Có ký giả nào bỏ lỡ dịp như thế này không? Một kho tin sốt dẻo, không ai thấy để khai thác sao? Hết nhiên, bản năng ghi chép bùng lên trong tôi. Nếu nhữg nhà khoa học này vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của họ đến phút chót, tại sao tôi lại không kiên trì ghi lại cảnh tượng này nhỉ. Không một ai trong loài người được chứng kiến cảnh này và ghi lại. Dẫu sao thì cũng phải trải qua cái đêm cuối cùng này. Làm sao tôi còn có thể ngủ được. Vậy thì ghi chép sê giúp tôi trải qua những giây phút lo âu và giữ cho tâm hồn thanh thản. Thế là trên đầu gối tôi một cuốn sổ với những trang ghi chép nguệch ngoạc, dưới ánh đèn pin mờ mờ. Chút khiếu văn chương của tôi xem ra đắc dụng lúc này. Với những trang này, chúng có thể truyền đến những tâm hồn khác những các xúc, những sợ hãi dai dẳng trong cái đêm kinh hoàng này.

 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN