Hoàng Trân Công Chúa - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
129


Hoàng Trân Công Chúa


Chương 19


Hoàng Trân Công Chúa – Chương 19
Chương 19Thoắt đã gần hai năm kể từ ngày Huyền Trân học tiếng Chàm. Tới nay công chúa với đoàn tùy tùng đã thông thạo cách nói và cách viết của người Chàm. Không những thế công chúa còn am hiểu được cả nghệ thuật âm nhạc và hát, múa của người Chàm. Những phong tục tập quán Chàm có điều gì cần ghi nhớ, bà Trà Hoa Tuyết đều chỉ dẫn cặn kẽ. Những ngày lễ tết hoặc kiêng kỵ công chúa đã thuộc nằm lòng. Không những thế, tới các ngày lễ hội công chúa còn đích thân đến làng Chàm cùng dự lễ với chúng dân và xem họ tổ chức các trò chơi, trò diễn và nấu các món ăn cổ truyền.Trở lại với cội nguồn dân tộc mình, Huyền Trân trước hết đã học được cách làm các loai bánh, vào những dịp lễ tết khác nhau.Ví như bánh chưng, bánh dầy làm vào mùa nào. Bánh trôi, bánh chay, bánh cốm, bánh chè lam, làm vào những tháng nào trong năm. Rồi các ngày lễ như lễ Thường tân (lễ cúng cơm mới vào 10 tháng 10 âm lịch) thì sửa soạn hương hoa cỗ bàn, bày biện cúng dâng ra sao. Lễ Thanh minh làm gì. Tết Đoan ngọ , tết Nguyên tiêu bày biện cúng vái trước sau, lớp lang đều phải thuộc biết cả. Dạy cho công chúa biết các ngày lễ tết và làm các loại bánh trái, cỗ bàn để cúng dâng, không ai khác, ngoài nhũ mẫu. Phải nói nhũ mẫu là người mẹ thứ hai của công chúa.Có lúc nhũ mẫu rên lên vì thương xót. Bà chưa nghĩ được những điều cao xa như các bậc thượng tri, các bậc túc nho, suy nghĩ về dân tộc, về đất nước. Bà chỉ nghĩ một cách đơn giản như các cụ ta thường răn dạy:\”Hoài con mà gả chồng xaTrước là mất giỗ sau là mất con\”.Hồi bà còn con gái ở quê, bà thấy người ta ít lấy chồng khác làng. Dù làng đó ở sát cạnh làng mình, cô gái vẫn mang tiếng là \lấy chồng thiên hạ\”. Vì thế người xưa mới khuyên:\”Có con mà gả chồng gầnCó bát canh cần nó cũng đem cho\”.Vậy nên trong tâm tưởng, bà ý thức rằng công chúa đi lấy chồng lần này, coi như là mất hẳn. Người thiệt thòi mất mát nhiều nhất lại chính là bà. Vì bà không còn một chỗ dựa tinh thần, tình cảm nào khác, ngoài công chúa, mà đã từ lâu nay không có quyền, nhưng bà vẫn mang máng coi như con bà. Nhũ mẫu không hình dung được, dù người ta nói bằng lời hay vẽ ra giấy, cái xứ sở mà công chúa sẽ phải đem tấm thân ngàn vàng tới nương nhờ họ. Không dám nói ra miệng, nhưng trong lòng bà hận lắm. Cắn răng, thắt ruột bà mới giữ được miệng, được môi để khỏi bật ra những lời khinh bỉ một lũ một lĩ cái bọn đàn ông, chân mang hia, đầu đội mũ, đi đâu cũng tán vàng tán tía, quân hầu đầy tớ oai phong lẫm liệt, ấy thế mà lại phải nhờ vào sức một đứa con gái mới lớn, để cầu hòa với một nước nhỏ yếu hơn. Muốn nói gì thì nói, bà không thể tin ở nhân cách của cái bọn người, mà trọng trách quốc gia dân tộc lại đổ lên đầu một đứa con gái. Đứa con gái bà nuôi nấng, ẵm bế nó từ lúc mới oe oe tiếng khóc chào đời. Nó cũng ốm đau, cũng quấy khóc, cũng hờn dỗi như tất cả những đứa trẻ khác bà thường thấy chứ chẳng có nét gì khác biệt, thần thánh. Ấy thế mà giờ đây người ta gán cho nó đủ thứ đức hạnh, tài năng siêu phàm, cứ như nó là người nhà trời sai phái xuống không bằng. Nên chi bà nghĩ về các vị đại thần này, giá trị không hơn gì những khúc gỗ đã được đẽo gọt thành hình nhân, rồi người ta bôi son trát nhũ vào, và đặt cho mỗi khúc gỗ ấy một cái tên thật là sang quý, thiêng liêng để cho mọi người cúi đầu vái lạy. Mũ mãng cân đai, hia hốt mà làm gì cho phí chỉ uổng vàng, tốn công nhọc sức của đám thợ thêu? Nhũ mẫu không dám đi đến cùng cái ý nghĩ phạm thượng, mà thỉnh thoảng nó cứ như một con rắn trườn rất êm trong suy tưởng thường ngáy của bà, về các đấng bậc bề trên.Cái cảm giác sẽ mất công chúa vào bất cứ lúc nào người ta đến đón đi, càng làm cho nhũ mẫu trở nên cay đắng. Bà cảm nhận như chết nửa cõi lòng. Bà trở nên lầm lì khó tính. Có lúc bà chăm bẵm, săn sóc công chúa thật là chu đáo, tinh tế. Bà xót thương cho số phận công chúa như sự bất hạnh của đời bà. Bà sẵn sàng bảo vệ công chúa như một con chó sói giữ gìn con nó. Có lúc bà lại thờ ơ, dường như bà còn có ý trách công chúa tại sao nàng không cưỡng lại, không hợp lực với bà, mà nàng lại sẵn sàng chấp thuận như là một sự về hùa với họ. Vì vậy, bà càng thấy trống trải, cô đơn. Và bà muốn nàng đi cho khuất mắt. Cũng có lúc đầu óc sáng tỏ, bà ý thức được thân phận bà trước sau cũng chỉ là một kẻ hầu hạ. Hầu hạ đến trọn đời. Vậy có ai còn đoái tưởng gì đến một kẻ tôi đòi mà phách lối cho lố lăng. Ngay đến lão Dương, công lao dường ấy mà thân nô bộc vẫn hoàn nô bộc. Nghĩ tới lão Dương, nhũ mẫu thấy lòng dịu lại, bà tự nhủ: kệ cha đời!Người đứng ra coi sóc đám nhạc công và vũ nữ không ai khác, ngoài hòa thượng Minh Thái.Không ai nghĩ, một chân tu như hòa thượng Minh Thái lại am hiểu nhiều lĩnh vực đến thế. Được thái sư ủy quyền cho ông chọn lựa nhạc công và vũ nữ cung đình. Nhưng ông từ chối, lấy cớ rằng những người ấy đã quen diễn cho quan gia xem, nay không vì một việc nhỏ để ảnh hưởng đến niềm vui thường ngày của nhà vua. Kỳ thực, ông cho bọn này chỉ là những hình nộm, đã được huấn luyện rất kỹ trong một vài tiết mục diễn đi diễn lại tới nhàm chán, cũng khô. Vì vậy ông rời kinh thành đi về các làng xóm. Cứ nghe ở đâu có trống hội làng, ông bèn dừng ngựa ghé xem. Ông đưa về Thăng Long những cô hát soan, hát ghẹo mà ông chọn lọc ra từ các đám hát rước trong vùng đất Phong Châu. Những cô hát đúm vùng Kinh Bắc, hát Phường vải vùng châu Hoan, Những tay đàn phách nổi tiếng trong các hội làng cũng được ông tha về. Họ là những bông hoa nghệ thuật hồn nhiên trong dân dã. Nhưng ghép họ với nhau để thành một ban hát, thì chưa mấy ai đã dám chắc sự thành công.Hòa thượng tự mình dàn dựng sắp xếp lấy các tiết mục để gắn bó nhau thành một chương trình. Ông hứa sẽ có một đêm ra mắt trước nhà vua và triều đình. Và sau đó, nhất định ông sẽ kéo cả đoàn đi diễn khắp các phố phường trong kinh kỳ và lưu diễn tại các vùng thôn ấp xa xôi. Nhưng ngày đó còn chưa biết được. Theo ông, mỗi người trong đoàn đều có tài riêng, tới mức chỉ hai đến ba người hợp lại cũng thành một đêm diễn. Nhưng trước hết, phải tuân theo một chương trình chặt chẽ, và mọi người phải tự khép mình vào khuôn khổ mới thành công. Ông dựng một điệu múa đèn chỉ có bảy người, hình thù dựa theo chòm sao Thần nông. Công chúa tham gia điệu múa này và đóng vai chính. Tức là đóng ngôi sao sáng nhất trong chòm sao. Nghĩa là nàng phải đội cây tọa đăng trên đầu. Còn các vai khác chỉ đội các đĩa dầu thắp bấc.Khá khen công chúa là một người kiên nhẫn, suốt trong ba ngày liền, hòa thượng chỉ luyện cho nàng sao cho đội được cây đèn không chao đảo. Chỉ riêng đội đựoc cây tọa đăng ở dáng đứng hoặc ngồi cũng là việc cực khó. Đến ngày thứ tư thì cổ công chúa đau nhừ, tới mức khó cử động. Nhưng nàng không hề tỏ ý thoái lui. Chính công chúa đã nêu gương tốt cho cả đoàn.Sau hai mươi mốt ngày tập luyện, chiếc đèn như dính chặt trên đầu công chúa bằng một chất keo. Nàng có thể đội đèn đi vung tay, nhún nhảy. Có thể vừa múa vừa quay, vừa chuyển đội hình, thậm chí nằm ra sàn diễn mà cây đèn vẫn đứng chong chong tỏa sáng ở trên đầu.Ban hát của hòa thượng đang ráo riết tập luyện thì có tin nhà vua cho mở khoa thi đình. Nghe nói khoa này đích thân vua chấm để chọn tam khôi .Mới cuối tháng hai mà kinh thành đã nườm nượp sĩ tử. Các phường Bích Câu, Bạch Mai, Tràng An, Bảo Khánh… nhà nào nhà nấy chật ních khách trọ. Đúng là gần ba chục năm, kể từ khoa Ất hợi (1275) tới nay triều đình mới lại mở khoa thi kén người tài đức trong thiên hạ. Từ sau khoa Ất hợi, Thăng Long trải hai lần quân Nguyên vào tàn phá, nay mới được tu bổ kiến thiết lại. Diện mạo kinh thành xem đã có phần tráng lệ. Mấy năm liền được mùa. Nạn đói đã bớt, trộm cắp cũng ít hẳn. Sắc mặt người dân đã có phần tươi nhuận. Bốn phương sĩ tử đua sức đua tài. Cuộc thi hương mấy năm trước, các trấn, các lộ báo về, có tới hàng chục vạn thí sinh. Thi hội năm ngoái cũng đông chưa từng thấy. Tiếp đến cuộc thi đình năm nay, sĩ tử muôn phần hào hứng. Người từ các lộ, các trấn vẫn ùn ùn kéo về kinh thành. Một người đi thi phải ba, bốn người đi theo phục dịch. Nào người gánh quần áo, sách vở, bút mực, nào người gánh gạo, người gánh lều, chõng. Thành thử kinh thành vốn đã đông, nay càng đông gấp bội. Đêm đêm khắp các ngả đường, đèn lồng giăng mắc, lính tuần tra nườm nượp. Các cửa Đông môn, Nam môn, Long môn, các điện Vạn Thọ, điện Chí Kính, điện Phụng Tiên và nhà Quốc tử giám đèn giăng mắc lung linh, cứ như cả kinh thành vào hội hoa đăng. Các nhà dân, nhà nào có máu mặt một tí cũng chăng đèn kết hoa, đón khách.Vào những ngày đầu của thượng tuần tháng ba, cả kinh thành Thăng Long im ắng như nín thở để theo dõi cuộc đua tài của hơn năm ngàn sĩ tử, nhằm chiếm một chỗ đề tên trên bảng vàng.Trong khi sĩ tử đang giam mình căng thẳng trong cảnh lều chõng ở trường thi, thì đám gia nhân ở ngoài lại nhởn nhơ dạo khắp phố phường, họ kết bạn hoặc vui đùa chọc ghẹo lẫn nhau. Cả kinh thành, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát, tiếng cười. Nhiều gánh hát từ các lộ các trấn cũng kéo nhau về trình diễn. Không biết có ngụ ý gì trong dự liệu Huyền Trân về Chàm, mà có ban hát diễn cả vở “Chiêu quân cống Hồ”.Tới ngày kéo bảng đề danh, thì cả Thăng Long như chìm đắm trong các đại dương người chen lấn, xô đẩy, Ai cũng chỉ mong xem hồng phũc nhà mình đạt tới mức nào, âm đức thịnh suy, tài năng xuất chúng tới đâu để có cơ hội báo đáp ơn vua, đền công cha mẹ. Rủi lại trượt thì không biết đến bao giờ mới lại có được một khoa thi. Công chúa Huyền Trân là người theo dõi sát sao mọi diễn biến của kỳ thi đình. Bởi lẽ ngoài tính hiếu kỳ của tâm lý thiếu nữ ra, công chúa còn muốn biết những người nàng đã từng gặp trong các buổi bình văn ở Quốc tử giám, nay vào cuộc đọ tài, số phận sẽ định đoạt ra sao. Từ mấy ngày trước, công chúa đã xin với thượng phụ thái sư Trần Nhật Duật, cho theo vào dự dạ yến trong vườn thượng uyển. Đó là bữa tiệc nhà vua ban cho các bậc đại khoa. Công chúa muốn nhìn tận mắt các tài năng của đất nước. Nhưng công chúa cũng biết vương huynh là người nghiêm khắc, nếu đi một mình e không được tham dự, nên nàng muốn nấp bóng thái sư. Thái sư tuy là bậc thượng phụ của nhà vua, nhưng không bao giờ ông tự tiện làm trái lễ. Vì chiều lòng cháu gái sắp phải xa nước xa nhà, nên ông đã xin với nhà vua gia ân. Trước khi vào dạ yến, công chúa muốn biết kỳ thi này những ai đã chiếm tam khôi. Nàng dùng kiệu xăm xăm hướng nẻo Tràng Thi. Kiệu nàng vừa tới nơi thì nghe vang vang tiếng quan đề điệu xướng danh qua tiếng loa truyền:- Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên!- Bùi Mộ, bảng nhãn!- Trương Phóng, thám hoa lang!- Nguyễn Trung Ngạn, hoàng giáp!Nghe qua tên bốn người đó rồi, tai công chúa như ù đặc vì tiếng tim đập gấp. Nàng hết đỗi vui mừng vì những anh tàinổi tiếng đều đứng đầu bảng. Hầuhết những đám người này, nàng đã từng quen biết, có đôi lần xướng họa thi thư. Như Mạc Đĩnh Chi, vốn người Bàng Hà, Nguyễn Trung Ngạn, người Thiên Thi năm nay mới mười sáu tuổi, cả hai người ấy đều thuộc lộ Hải Đông, một vùng đất có truyền thống khoa bảng. Bảng nhãn Bùi Mộ, người Tả Thanh Oai, ngay kề Thăng Long, công chúa cũng có giao du. Nhưng còn Trương Phóng, vị thám hoa lang này quê quán ở đâu, nàng chưa được tường lắm. Nghĩ đến tân khoa thám hoa lang, nàng mỉm cười. Vì nàng chưa thể hình dung thấy con người mặt ngọc đó ra sao? Bởi lẽ theo quy ước, người muốn được trúng tuyển thám hoa lang, ngoài các điểm thi xứng đáng đứng hàng thứ ba trong bảng tam khôi, còn phải là người điển trai. Cũng vì thế mà có những khoa thi không có thám hoa lang, là do không chọn được người đẹp xứng đáng. Nên chi công chúa cũng tò mò muốn biết xem mặt các chàng tân khoa. Nàng hy vọng trong dạ yến đêm nay sẽ được biết tất cả. Vườn ngự uyển như có hàng ngàn sao từ trên thiên hà sa xuống làm đèn soi sáng, để chào đón các vị tân khoa của kinh thành Đại Việt. Chao ôi, những bàn tay hoa man cực kỳ khéo đã trổ, cắt hàng trăm chiếc đèn lồng, đèn xếp, đèn cá, đèn sao đủ các kiểu loại, đủ các sắc màu, giăng mắc khắp các nẻo của ngự viên. Các loài hoa thơm quả quí ngào ngạt, hoa nhài thi thoảng, hoa hồng ngan ngát. Rồi hoa ngọc bút, ngọc trâm trắng phau như tuyết, hương thơm nhè nhẹ. Các loài hoa nở sớm đã kết trái sum suê như đào, mai, quất. Và nữa các loài tùng, bách, trắc, quế tỏa hương ngào ngạt. Công chúa vào vườn ngự đêm nay là một biệt lệ. Nàng chỉ được đem theo một tì nữ, ấy là Bích Huệ. Bữa nay công chúa ăn vận thật là giản dị. Đầu cài trâm ngọc, có sức nước trầm. Áo thụng màu thiên thanh. Chân giận hài cườm. Lưng thắt đai ngọc. Những trang phục giản dị ấy như tôn thêm dáng người và khuôn mặt thiên thần của công chúa, khiến không ai không cảm mến nàng. Công chúa cùng với Bích Huệ, hai thầy trò đi tha thẩn trong vườn ngự, như không để ý đến ai. Thực tình nàng để ý tìm một người, nhưng chưa thấy, đó là thám hoa lang Trương Phóng. Vui chân hai thầy trò ngó lại một đám đông, thấy mọi người vây quanh quan Quốc tử giám tư nghiệp, là phó chủ khảo kỳ thi này. Nhìn kỹ, thấy có cả quan tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài, Văn túc vương Trần Đạo Tái. Tá thánh thái sư Trần Nhật Duật ngồi hơi khuất. Bỗng có người hỏi:- Bẩm quan phó chủ khảo, chúng tôi nghe nói đầu đề văn sách kỳ này chính đức vua ra, chẳng biết có phải không ạ?.- Dạ, thưa các đồng liệt, đúng như thế đấy. Quan gia tự ra đề văn sách.Qua phó chủ khảo xác nhận. Ông còn nói thêm:- Cái đề cực khó. Đây là chuyện xuất và xử của kẻ sĩ trong thiên hạ.Đạo Nho ta lấy chữ trung, tức trung quân – trung với vua làm đầu. Thứ đến là chữ hiếu. Thế mà quan gia ra đề về chuyện Văn Vương – Võ Vương hai cha con, người thờ Trụ, người diệt Trụ để dựng nghiệp nhà Chu. Nhiều người không lý giải được. Nhưng cũng nhiều người lý giải rất hay. Riêng Mạc Đĩnh Chi tài năng xuất chúng, tôi đã thầm nghĩ phải có thần trợ giúp mới kiến giải được như vậy. Sau đem bài văn trình quan gia. Người phê “Thần bút”.Mọi người đang lắng nghe chuyện về Mạc Đĩnh Chi thì có tiếng quân thét. Thì ra đã đến giờ nhà vua vào thiết yến cho các đại khoa. Theo điển lệ, trước khi vào dạ yến, quan chủ khảo phải dẫn các người đậu tam khôi vào lạy vua.Đi đầu là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, tiếp đến bảng nhãn Bùi Mộ, sau rốt là thám hoa lang Trương Phóng.Vua Anh tôn chợt nhìn thấy tân khoa trạng nguyên bèn chau mày lại. Vì Mạc Đĩnh Chi người hơi di dạng: thấp, nhỏ, mặt choắt như mặt hầu, chân tay ngắn, da ngâm đen. Bỗng nhà vua hất tay cho cả ba vị tam khôi lui. Công chúa thất kinh, nàng cho rằng có lẽ vương huynh nàng không chấp nhận cho một quan trạng – người đứng đầu kẻ sĩ trong nước lại có hình thù xấu xí thế kia. Mặt nhà vua đăm chiêu. Trong tình thế khó xử này, công chúa ao ước có phụ hoàng ở đây,nàng sẽ nói hộ cho chàng, ắt xong. Nhưng với vương huynh, việc này cực khó. Nàng đã toan tìm thái sư. Giữa lúc mọi sự đang rối bời, công chúa chưa biết xử trí thế nào, nhưng vẫn thấy Mạc Đĩnh Chi bình thản đi lui ra phía vòm cây. Chàng thong thả rút ống quyển ra lấy giấy bút viết. Huyền Trân bèn đi về phía chàng. Dưới tán cây, bóng sáng lờ mờ, nhưng từ đôi mắt chàng, hai luồng ánh sáng chiếu rọi trên mặt giấy cho chàng viết. Công chúa thốt lên khe khẽ: “Thần nhãn!”. Viết xong, chàng chạy lại trước đức vua, quì xuống, hai tay dâng sớ.Vua Anh tôn miễn cưỡng cầm lấy tờ giấy đọc. đọc đến đâu, gương mặt nhà vua tươi tỉnh dần lên tới đó. Và khi đọc hết, nhà vua bèn vời Mạc Đĩnh Chi tới gần và tự tay rót một chén rượu bồ đào ban cho.Dạ yến bắt đầu. Huyền Trân thở phào, như chính nàng vừa leo qua một chiếc cầu vồng bằng khói.Về sau, người ta được biết bài biểu Mạc Đĩnh Chi dâng Trần Anh tôn đó, chính là bài “Ngọc tỉnh liên phú”. Tức bài phú “Sen giếng ngọc”. Bài đó nói lên khí chất cao diệu của loài sen, cũng chính là khí chất của quan trạng. Quả nhiên Mạc Đĩnh Chi sau này trở nên một tay kiệt liệt trong đời.Suýt nữa Anh tôn đánh mất một viên ngọc quí. Mới hay: Vua chúa còn có khi nhầm… 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN