Bão táp cung đinh - Chương 6
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
128


Bão táp cung đinh


Chương 6


Bão táp cung đình, chương 06
CHƯƠNG 6Để hưng thịnh triều đại mới của Lý Chiêu Hoàng, một bà vua tám tuổi, quan phụ quốc thái úy(1) Trần Thừa bèn hoạch định một số chính sách. Trước hết, lấy danh nghĩa của đấng quân vương, xuống chiếu chọn con em của quan viên trong ngoài, sung vào các sắc dịch ở nội cung. Tức là các chức như chi hậu(2), nội nhân(3), thị nội(4). Mở đầu cho công cuộc cải cách này, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ được thăng làm tri thành nội cung chư quân sự. Nghĩa là trước kia, quan ông chỉ thống lĩnh quân cấm vệ trong kinh thành, nay thâu tóm hết thảy cả quân tứ sương và quân các lộ, các đạo, các trấn trong toàn quốc. Và các người cháu gọi Trần Thủ Độ bằng chú, bác như Trần Bất Cập được bổ làm cận thị thực lục cục chi hậu(5). Trần Thiêm làm chi hậu cục(6). Trần Cảnh (con nhỏ của thái uý Trần Thừa mới tám tuổi) cũng được bổ làm chánh thủ(7).Từ ngày Trần Cảnh vào cung, nhà vua có bạn, cảm thấy đỡ buồn hơn. Trần Cảnh cũng bằng tuổi với vua. Cảnh có dáng người phổng phao. Mặt mũi khôi ngô. Đôi mắt sáng như sao. Da trắng hồng, cặp môi đỏ mọng như môi Phật. Cảnh tính nết thuần hậu, ít nói. Tư chất thông tuệ, nhân cách đàng hoàng. Thường chơi với đám trẻ con các nhà dân dã. Chơi trò gì Cảnh cũng chóng bắt chước được chúng, rồi chẳng mấy chốc lại vượt lên bọn chúng. Khi thắng, Cảnh bắt chúng vòng tay làm kiệu rước. Một hôm Chiêu Hoàng đi qua, thấy thế thích lắm, sà vào chơi. Đám trẻ có đứa biết Chiêu Hoàng là vua. Chúng hét lên: “Vua đấy! – Vua đấy!”. Lũ trẻ sợ quá, chạy tán loạn. Chỉ còn trơ lại Trần Cảnh đứng một mình. Chiêu Hoàng bèn nắm lấy chéo áo Trần Cảnh:- Tại sao thấy ta, chúng nó bỏ chạy?- Tâu, bệ hạ là vua. Chúng nó sợ.- Ta có làm gì đâu mà chúng nó sợ?- Phép nước là thế. Dân chúng không được nhìn mặt thiên tử, nói gì chơi.- Thế sao ngươi không chạy, ngươi không sợ ta chứ gì?- Tâu, thần còn chạy đi đâu được nữa. Ngày nào bệ hạ cũng bắt vào chầu. Bây giờ lại đang nắm áo.Chiêu Hoàng lại túm chặt vạt áo Trần Cảnh hơn nữa lôi xềnh xệch vào tận phía trong tiện điện(8). Nhà vua vừa buông áo Trần Cảnh, liền chạy vòng về phía sau bức bình phong lấy ra một chiếc hộp. Chiêu Hoàng mở hộp tung lên một nắm que chuyền bằng ngà, và hòn cái bọc gấm có nhồi bông, độn sỏi. Nhà vua ra hiệu cho Trần Cảnh ngồi xuống cạnh mình, mặt tươi hớn hở hỏi:- Chơi nhá. Ngươi có biết chơi không?Cảnh lắc đầu. Và nói lí nhí trong cổ họng:- Trò chơi con gái.- Sao, ngươi không biết chơi à? Ta dạy. Người xuống. Trông đây này.Chiêu Hoàng thoăn thoắt rải que, tung hòn cái, đánh một mạch từ bàn một đến bàn ba mới hỏng. Chợt dừng, thấy Trần Cảnh lơ đãng nhìn ra ngoài sân. Nữ chúa bực lắm, hỏi:- Vậy chớ ngươi biết chơi những trò gì?- Tâu bệ hạ, thần biết đánh đáo, đá cầu, đi kheo, kéo co, bơi trải, chèo thuyền, đánh cờ, chơi ô ăn quan… Nhiều trò chơi lắm. Nhưng phải ở ngoài hoàng thành mới có người biết chơi.- Vậy chớ có trò gì chơi một mình được, ngươi chơi thử, ta coi.- Dạ, tâu bệ hạ, chỉ có chèo thuyền, đi kheo thì chơi một mình được. Nhưng phải ở ngoài sông, hồ hoặc bãi cát cơ.- Còn trò gì khác nữa, ngươi chơi một mình được?Ngẫm nghĩ một lát, bỗng mặt Trần Cảnh bừng sáng lên như chợt nhớ ra. Cảnh thưa:- Tâu bệ hạ, thần có thể đá cầu một mình được.- Vậy ngươi đá cầu, ta coi.Lần trong túi có đồng tiền đồng, lại có cả mảnh giấy bản, tập viết bẩn quá. Cảnh xé đi, tiện tay đút luôn vào túi. Trần Cảnh hý hoáy gói một lát được quả cầu be bé, xinh xinh. Cảnh bèn đá với cả hai bàn chân, nom dẻo quẹo. Hai bàn chân cứ nhịp nhàng đưa lên đặt xuống. Quả cầu cứ nảy lên theo nhịp đá của chân, nom nó như mọc lên từ giữa hai bàn chân của Trần Cảnh. Chiêu Hoàng thích quá reo to:- Ôi, giỏi quá! Ngươi giỏi quá!Trần Cảnh giật mình ngoái nhìn Chiêu Hoàng, quả cầu rơi nhẹ xuống thềm nhà. Chiêu Hoàng nhặt quả cầu lên xem, rồi đá thử. Nữ chúa vừa buông quả cầu ra khỏi tay, chưa kịp giơ chân lên, nó đã rơi xuống đất. Làm lại tới cả chục lần, lần nào cũng dúi dụi suýt ngã, không sao bắt chước Trần Cảnh để chân có thể đón được cầu.Thấy nữ chúa chơi với Trần Cảnh, đám nội nhân không dám vào, chỉ đứng từ xa ngó lại. Nhờ có những trò chơi đó mà Chiêu Hoàng đâm quyến luyến Trần Cảnh. Chiêu Hoàng tính tinh nghịch, có khi Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu cho nữ chúa rửa tay. Với các nội nhân khác, nữ chúa rửa tay mà không thèm nhìn mặt. Nhưng với Trần Cảnh thì Chiêu Hoàng vừa rửa tay vừa trêu chọc. Hai tay nữ chúa cứ ngâm chìm vào chậu, có khi còn ấn xuống, làm Trần Cảnh phải đỏ mặt tía tai, gắng gượng lắm mới giữ cho chậu nước khỏi đổ vào người Chiêu Hoàng. Có khi Chiêu Hoàng còn té cả nước vào mặt quan chánh thủ. Trần Cảnh vẫn cứ ngậm tăm không dám nói năng gì. Được thể, Chiêu Hoàng càng trêu. Có lần Cảnh bê khăn trầu, Chiêu Hoàng lấy cả khăn ném cho Cảnh. Cảnh sợ quá bèn lạy: “Bệ hạ tha tội cho thần”. Chiêu Hoàng cười sằng sặc: “Tha tội cho ngươi!”.Ở mãi trong chốn cung cấm tẻ buồn, nay được Trần Cảnh chầu hầu, cũng như là chuyện có bầu có bạn. Vì thế Chiêu Hoàng cũng bớt được cái tính cáu gắt, đăm chiêu. Nhưng Cảnh chỉ hầu cận ban ngày. Tối đến không có người chơi, nữ chúa lại càng buồn. Thuận Thiên lớn tuổi hơn, lại ham mải các việc dung công ngôn hạnh, nên không còn hợp với Chiêu Hoàng nữa. Bởi vậy, có khi tối đêm còn cho gọi Trần Cảnh vào hầu. Trần Cảnh tuy gần gũi đức vua, song vẫn còn bẽn lẽn lắm, thường bị đức vua bắt nạt. Có lần đi chơi đêm, Cảnh giả vờ trốn đứng vào bóng tối, Chiêu Hoàng tìm được, nắm lấy tóc Cảnh kéo ra chỗ sáng. Trần Cảnh đứng ngoài sáng, Chiêu Hoàng lại giẫm vào bóng Cảnh. Cứ chơi mãi cái trò ấy có khi tới khuya, nội nhân phải ra mời tới hai ba lần, nữ chúa mới chịu về nghỉ.Đôi trẻ quyến luyến nhau như thế, không qua được mắt bà thái hậu Trần Thị Dung, và đức ông Trần Thủ Độ .=====1.Thái uý: Chức quan trong hàng tam công – quan lớn nhất trong triều: Thái uý – Tư Đồ – Tư Không. Trước nhà Tống thường gọi: Thái sư, thái bảo. Sau này nhà Lê gọi: Thiếu sư – Thiếu phó – Thiếu bảo. Đại khái đều rập theo nhà Tống hoặc nhà Minh.2. Chi hậu: chức quan hầu bên vua, giữ việc truyền lệnh và dẫn người vào, ra.3. Nội nhân: chức quan để sai bảo ở trong cung.4. Thị nội: chức quan chầu hầu trong cung.5. Cận thị thự lục cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của Cận thị thự là giữ việc hầu gần bên vua.6. Chi hậu cục: Cục phụ trách truyền lệnh và dẫn người ra, vào cung vua.7. Chánh thủ: chức quan hầu cận để sai bảo.8. Tiện điện: nhà riêng để nghỉ ngơi của vua.CHƯƠNG 7TỪ KHI KÝ VÀO CHIẾU CẦU HIỀN VÀ SAI Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng hội quân ở kinh sư trừ gian đảng, thượng hoàng Lý Huệ tôn không có hồi âm gì của quan thừa chỉ, ruột ngài nóng như đang ủ một lò lửa. Ngài linh cảm như có một tai hoạ gì lớn sắp xảy ra. Chiều chiều, ngài thường đi dạo trên quãng đường quen thuộc trong khuôn viên xem có thấy tên thị nữ, người của quan thừa chỉ, thường hay lui tới, báo tin. Nhưng tuyệt vô âm tín. Ngài cũng không được biết tí gì về công việc ở trong triều, mà con gái ngài được người ta đặt vào ngôi quân trưởng, đang làm cái trò trống gì. Ngài muốn gặp vợ con quá chừng, nhưng không thể nào vượt qua được khu cấm địa này. Ngay cả Trần Thủ Độ, ngài cũng mong ông ta đến. Bây giờ ngài không sợ nữa. Người ta đã tước hết thảy quyền bính của ngài rồi, còn gì nữa để mà mất. Ngài ao ước gặp Trần Thủ Độ để xỉ mắng ông ta một trận, cho bõ sự căm hờn chất chứa trong lòng ngài từ bấy lâu nay. Nhưng nghĩ lại, Huệ tôn tự nhủ: “Có lẽ mình phải cầu xin ông ta, để có cơ may còn được gặp con cái. Nếu không, chết thối rữa ra ở chốn lãnh cung này cũng không ai biết”. Ngài lại nghĩ: “Trăm điều chỉ tại con mụ vợ ta thôi. Nó thông đồng với anh em chú cháu nhà nó để hại ta. Nếu không có nó làm nội ứng, ngày đêm năn nỉ với ta, thì làm sao ta ưng thuận để cho Trần Tự Khánh rước xa giá về cung, từ mùa xuân năm Bính tí (1216) ở Cứu Liên(1). Cũng từ đấy, quyền hành ta lại trao vào tay thằng anh ruột nó. Trần Tự Khánh được ta cho làm thái uý phụ chính. Lão anh cả Trần Thừa cũng được giao làm nội thị phán thủ. Thế là công việc trong ngoài triều chính đã lọt vào tay anh em nhà nó. Vây cánh nhà nó càng ngày càng lớn, lấn át cả ta để sai khiến thiên hạ”.Lý Huệ tôn cứ dằn vặt mình tại sao bỏ đường sáng, nhảy vào đường tối. Ông tiếc, cái năm Quí Dậu (1213), rồi lại năm Giáp Tuất (1214), hai lần Trần Tự Khánh đến cửa khuyết tạ tội xin đón xa giá, ông đều chối từ. Lần thứ nhất ông đã giáng Trần Thị Dung từ nguyên phi xuống hàng ngự nữ. “Lúc ấy ta đã thấy có điều đáng ngờ: xa giá đi về nẻo nào rồi bọn Trần Tự Khánh cũng tìm ra. Vậy thời chỉ có Ngự nữ – người vợ yêu của ta vẫn lén lút thông tin cho cánh họ Trần, nên chúng mới biết”. Nhà vua chép miệng “Tiếc thay, hồi ấy nếu ta cứ nghe thái hậu, dụ cho Trần Tự Khánh đến, rồi giết đi thì đâu còn tai hoạ lớn cho ngày nay”. Càng nghĩ, máu trong người càng uất lên. Huệ tôn tự thấy mình có tội với các tiên đế. “Vậy là ta đã đem cả cơ nghiệp của tổ tông xây đắp nên, trao vào tay một lũ quyền gian. Mà kẻ môi giới lại chính là mụ vợ ta. Chao ôi, lịch sử khéo lặp lại. Sự nghiêng đổ thành trì, ai ngờ lại chính do tay một mụ đàn bà. Nhà Đinh mất nghiệp cũng chỉ một tay Dương thị tư thông với Lê Hoàn. Xa nữa, nhà Hán, nhà Đường bên Trung Quốc, suýt mất nghiệp lớn, cũng chỉ do mấy con mụ Lữ Hậu, Võ Tắc Thiên gây nên. “Bây giờ lại đến lượt ta!”.Huệ tôn cứ ngày đêm nguyền rủa mình mãi không thôi. Cuối cùng, nhà vua nghĩ, phải làm thế nào thoát ra khỏi cảnh sống dở chết dở này. Nhà vua chợt nhớ tới lời dặn của quan thừa chỉ qua con thị tì bữa trước: “ Bệ hạ nên sớm dứt bỏ chốn cung cấm thâm nghiêm. Bệ hạ hãy tỏ ra thối chí…”Nghĩ vậy, nhà vua bèn viết mấy chữ gửi cho Trần Thủ Độ. Sau vài dòng thăm hỏi chiếu lệ, Huệ tôn viết:“Ta vốn chuộng cảnh nhàn, lại không đủ sức đi đó đây. Nghĩ mãi, chỉ có gửi thân nơi cửa Phật là hợp với sở nguyện của ta. Vậy ta mong nhà ngươi nghĩ đến chút tình ưu nghĩa xưa ta đối với thái hậu Trần thị, cũng như mấy anh em khanh được cất nhắc chầu hầu. Hãy gia ân yới ngày đại cát này, cho ta vào làm lễ tế cáo trong điện chí kính(2), trong nhà thái miếu(3), rồi vĩnh biệt các con ta. Sau đó ta cũng xin trụ trì tại chùa Kim Liên, là ngôi chùa mà các tiên đế đã tạo dựng”.Viết xong, Lý Huệ tôn ôm mặy khóc hu hu.Mơ về một ngôi chùa sắp tới, nhà vua sẽ trụ trì với các đấng thiền sư mà trước đây nhà vua đã đôi lần lui tới viếng thăm.Bỗng Huệ tôn nhớ lại gần chục năm trước, thấy tình cảnh đất nước bê bối, ngổn ngang, nhà vua muốn chấn hưng, đã toan mời một vị thiền sư lỗi lạc, thông hiểu cả tam giáo(4), về triều làm quốc sư. Nghe danh Hiện Quang thiền sư, năm mười tuổi một đã xuất gia, ở chùa Lục Tổ, được ngài Thường Chiếu thu nạp làm đệ tử, nay nổi tiếng khắp nước. Huệ tôn phái người đem lễ vật tới cầu hai ba lần, nhà sư đều lánh mặt, không tiếp. Tới lần thứ năm, ngài sai thị giả trả lời:“Xin sứ giả về tâu lại với nhà vua, bần đạo hiện nay sinh trưởng ở đất nhà vua, ăn lộc của nhà vua, ở trong núi làm chùa thờ Phật trong bao năm rồi, công đức còn chưa được bao nhiêu, rất đỗi thẹn thùng. Nếu nay về hầu cận đức vua, không những chẳng được ích gì, lại sao nhãng trong việc tu hành, như thế chỉ để mọi người chê bai mà thôi. Phương chi hiện nay Phật pháp có bề hưng thịnh, các bậc Sư, Tượng đầy dẫy đang hành hoá tại nơi điện các, cớ chi đức vua lại cứ đoái đến một kẻ thô lậu, bần hàn, mặc manh áo vá đi kiếm ăn trong núi sâu này làm chi?”.Nhớ lại, Huệ tôn càng buồn. Ngài cho rằng vận số nhà Lý đã hết, nên chẳng cầu được người hiền. Âu cũng là do tiên đế để lại. Ngay thời tiên đế đã có việc bắt các nhà sư phải hoàn tục(5). Hẳn rằng các thuyền sư vẫn chưa nguôi oán giận? Nghe nói, Tăng phó Nguyễn Thường đã từng can phụ vương: “Chúa thượng chơi bời không điều độ, chính sự của triều đình thì rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong”. Tiếc thay, phụ hoàng đã chẳng nghe. Tăng phó liền bỏ đi. Còn ta, cầu mãi chẳng được người tài. Cho đến bây giờ, sự sụp đổ sờ sờ ra trước mắt. Biết đấy, mà khoanh tay thúc thủ.Nhận được thư của Lý Huệ tôn, Trần Thủ Độ mừng lắm. Chính ông cũng băn khoăn không biết phế Huệ tôn bằng cách nào. Giam lỏng mãi như thế cũng không được. Lỡ đang thiết triều, Chiêu Hoàng đòi đi thăm phụ vương thì sao? Ăn nói thế nào với các bậc đại thần. Nay Huệ tôn lại tự khơi đúng ý ta. Vậy là trời giúp ta. Ta tránh được tiếng ác. Nhưng tại sao ông ta lại cứ khăng khăng muốn ở chùa Kim Liên? Chùa nào mà chẳng do các tiên đế nhà Lý xây cất. Nói cho đúng, không có nhà Lý thì làm gì có chuyện chùa chiền, thờ tự sùng thịnh như ngày nay.Dù Huệ tôn đòi hỏi không có gì quá đáng, Trần Thủ Độ vẫn cứ còn phải cân nhắc. Ông ngờ trong việc này, còn dính dáng tới một vị đại thần nào chăng? Về phần quan thừa chỉ, ông đã dùng kế điệu hổ ly sơn, sai giữ chức an phủ sứ Nghệ An. Ông cũng ngầm gài người theo dõi các hành vi của quan thừa chỉ.Rồi cái ngày đại cát mà Lý Huệ tôn mong mỏi cũng đã đến. Ông chỉ được tới điện chí kính, chứ không được tới nhà thái miếu. Trần Thủ Độ lấy cớ rằng, nhà thái miếu chỉ mở cửa khi làm lễ Hiến phù(6), cùng các ngày lễ tế Giao(7), ngày tết Nguyên đán, ngày vua mới đăng quang(8).Ngôi chùa mà Huệ tôn tự chọn cũng không được. Thay vì chùa Kim Liên nằm mãi ven bờ hồ Dâm Đàm(9), Huệ tôn được nhận vào chùa Chân Giáo – ngôi chùa nằm ngay trong hoàng thành. Trần Thủ Độ viện rằng, sức nhà vua yếu, không nên đi xa kinh thành, ngự y khó bề săn sóc. Vả lại Chân Giáo là ngôi chùa do Thái tổ nhà Lý lập ra từ năm Giáp tí (1024) để nhà vua tiện ra vào lễ Phật. Nay Huệ tôn vào tu ở đó là hợp hơn cả. Chẳng biết Huệ tôn có kịp nghĩ ra, chứ việc Trần Thủ Độ ngăn không cho ông viếng nhà thái miếu, xét về lý, quả là như vậy. Nhưng ẩn ý Trần Thủ Độ không muốn nhân dịp này, các đại thần lại lũ lượt theo hầu vua cũ. Biết đâu chẳng có người bầy cho Huệ tôn nhân đó mà tập hợp bè đảng, chiêu nhóm những người có lòng hướng về nhà Lý. Còn như lễ tế trong điện chí kính, đó là việc riêng của hoàng gia, triều đình không can dự. Huệ tôn chẳng còn kiếm được cớ gì để gặp các đại thần. Ngay cả việc giữ nhà vua trong ngôi chùa Chân Giáo, cũng không ngoài ngụ ý quản thúc. Thủ Độ hiểu rằng từ chùa Kim Liên, có thể xuống thuyền ra sông Cái rồi đi các ngả; Huệ tôn dễ dàng rơi vào tay các thế lực khác đang kình chống với ông.Buổi lễ tế cáo ở điện chí kính diễn ra thật buồn tẻ. Mãi xế chiều mới có kiệu đến rước nhà vua. Trước đấy, người ta bàn đến nát nước, dùng lễ nghi gì đối với Huệ tôn. Cuối cùng, người ta phải chấp nhận, coi Huệ tôn như một đấng đương kim hoàng thượng. Phẩm phục của Huệ tôn vẫn không có gì thay đổi.Nom nhà vua mặt buồn thiu. Tới lúc này, ngài không còn hy vọng gặp lại các con. Bởi từ tảng sáng, ngài đã dậy chờ người ta đến rước đi. Hoặc nói cho đúng là chờ người ta mở cửa cho đi. Suốt một đêm dài thức trắng, ngài nghĩ về các con. Ngài ao ước thấy mặt Chiêu Thánh, Thuận Thiên hai nàng công chúa yêu mà gần trọn một năm ngài không được gặp. Thật tình, đôi lúc nhà vua cũng có ý muốn gặp cả “người kia” nữa. Nhưng cứ nghĩ đến cách xử bạc của bà ta, nhà vua lại nổi uất lên.Sai quan nội hầu dẫn kiệu tới rước Huệ tôn, còn Trần Thủ Độ đón xa giá của Lý Chiêu Hoàng từ phía điện Thiên An. Kiệu của Chiêu Hoàng tới trước cung Ngoạn Thiềm, thì gặp kiệu của Huệ tôn cũng vừa tới. Chiêu Hoàng xuống kiệu, lon ton chạy tới trước kiệu vua cha, vừa thét gọi lạc cả giọng, vừa phủ phục xuống lễ thượng hoàng. Kiệu của bà thái hậu Trần Thị Dung và công chúa Thuận Thiên cũng vừa tới.Nhìn nét mặt sầu khổ cùng tấm thân héo úa của vua cha, Chiêu Hoàng bật khóc nức nở. Thuận Thiên cũng níu lấy vua cha mà khóc.Bà thái hậu chợt thấy chồng, đã giọt ngắn giọt dài. Bà vội lấy chéo khăn lau nước mắt, rồi nhón một khẩu trầu bỏ vào miệng nhai cho đỡ xúc động.Huệ tôn cố ngăn, dù chỉ một lần, không để cho tình cảm lấn át, ông khuyên các con hãy bình tâm. Ông biết cái bóng lờ mờ đứng phía sau kia là ai rồi. Nhưng ông không hề ngoảnh lại phía đó. Đỡ Chiêu Thánh dậy, ông vỗ về khuyên bảo hai chị em phải gắng gỏi lên, rồi ông dẫn các con đi bộ vào điện chí kính.Thượng hoàng và nhà vua đã dẫn bộ, nên Trần Thủ Độ và bà thái hậu cùng các quan nội hầu, cũng phải xuống kiệu đi theo. Trần Thủ Độ tỏ ra bực bội trước sự mềm yếu của mẹ con bà thái hậu, và vẻ cứng cỏi chưa từng thấy ở Huệ tôn.Đèn nhang và các vật hiếu kính, đã bầy sẵn trên các mâm thờ trong điện. Mấy đỉnh trầm cũng vừa nhen đốt toả hương thơm ngào ngạt. Lý Huệ tôn tự tay thỉnh một hồi ba tiếng chuông, ông lầm rầm khấn vái. Chiêu Hoàng, Thuận Thiên bám riết hai bên tả hữu vua cha. Bà thái hậu vẫn giữ một khoảng cách ở phía sau. Nếu như lúc này Huệ tôn ngoảnh lại, nhìn thấu tâm can bà qua khuôn mặt đau đớn kia, chắc những nỗi oán giận chất chứa bấy lâu trong lòng ngài, cũng sẽ vơi nguôi ngay. Nhưng ông đã không ngoảnh lại. Huệ tôn khấn lễ khá lâu. Khi tới trước bàn thờ vua cha và mẫu hậu, Huệ tôn nấc lên. Ông nói giọng đẫm đầy nước mắt: “Trăm lạy mẫu hậu, ngàn lạy mẫu hậu hãy tha thứ cho con. Con đã không nghe mẫu hậu, để con yêu nghiệt nó dẫn cả dòng họ nhà nó vào áp chế triều đình. Cơ đồ nhà Lý hầu tan nát, tội lớn tại con. Con xin vua cha, mẫu hậu cùng tiên tổ hãy cáo cấp trước hoàng thiên hậu thổ, về tội soán đoạt của anh em chú cháu nhà nó. Hãy vì trăm họ mà tru diệt hết cả cánh họ Trần nhà chúng nó, thì dù thân con có vùi nơi chín suối cũng được hả hê lòng dạ…”.Chiêu Hoàng, Thuận Thiên ngơ ngác không hiểu vua cha nguyền rủa ai. Nhưng lọt tai thái hậu từng lời; từng lời như những mũi tên thuốc độc bắn vào trái tim tan nát của bà. Người bà như hụt hẫng. Trước mắt bà như có trăm ngàn ngọn bạch lạp lung linh, bay nhảy hỗn loạn. Mắt hoa lên, bà lịm đi rồi khuỵu xuống. Trước khi ngã, bà còn kêu được mấy lời: “Bệ hạ! Bệ hạ, oan cho thiếp!”Biết có thái hậu ở phía sau, nghe rõ cả lời kêu than của bà, Huệ tôn vẫn không thèm ngoảnh lại. Trong khi đó, Thuận Thiên, Chiêu Thánh vẫn chăm chú theo dõi vua cha, không hề biết ở phía sau, mẫu hậu vừa lịm ngất, Huệ tôn ghé tai nói nhỏ với Chiêu Hoàng: “Nếu Trời – Phật độ trì, lớn lên con khôi phục được kỷ cương sáng rõ. Con nhớ trừ hết phe đảng họ Trần”. Xong, ông trút bỏ lớp áo ngự, để lộ ra tấm áo hoà thượng và nếp mũ nhà sư. Huệ tôn giơ một bàn tay lên đặt trước ngực, tay kia ông xoa đầu vĩnh biệt các con. Rồi ông đi thẳng về chùa Chân Giáo. Từ nay ông mang pháp hiệu: Huệ quang thuyền sư.============1. Khoảng phía nam sông Thiên Đức, nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên.2. Điện chí kính: Nơi thờ phụng tổ tiên của nhà vua từ năm đời trở lại.3. Nhà thái miếu: Nơi thờ phụng từ khởi tổ họ nhà vua trở đi.4. Tam giáo gồm: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo.5. Nghe lời tâu của Thái phó Đàm Dĩ Mộng, năm Mậu ngọ (1198), Cao tôn xuống chiếu thải bớt nhà sư, bắt phải hoàn tục, hạn chế việc cấp độ tiệp cho những kẻ muốn xuất gia.6. Hiến phù: lễ thắng trận, đem tù binh về dâng trước nhà thái miếu.7. Lễ tế trời đất thường vào dịp đầu năm.8. Đăng quang: Ngày lễ vua mới lên nối ngôi.9. Dâm Đàm: tên cũ của Hồ Tây. 

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN