Câu lạc bộ Dumas
Chương 04 - Phần 1
IV. NGƯỜI MẶT SẸO
Tôi không biết hắn từ đâu đến, nhưng biết hắn sẽ đi đâu: hắn nhập địa ngục.
A. Dumas, BÁ TƯỚC MONTE CRISTO.
Corso về đến nhà thì trời đã tối đen. Bàn tay sưng phù nhét trong túi áo khoác run lên nhức nhối, gã bước về phía phòng tắm, nhặt chiếc khăn tắm và bộ quần áo ngủ nhàu nát dưới sàn nhà lên rồi giữ bàn tay dưới vòi nước lạnh trong năm phút. Rồi gã đứng nguyên trong bếp mở mấy lon đồ hộp ra ăn.
Thật là một ngày kỳ lạ và nguy hiểm. Khi nghĩ về nó, gã thấy bối rối, mặc dù tò mò nhiều hơn là lo lắng. Từng có dạo gã ứng xử với sự bất ngờ giống như một người theo thuyết định mệnh, chờ cho sự đời tung ra bước tiếp theo. Từ trước tới giờ, thói quen thờ ơ lãnh đạm khiến gã chưa bao giờ đích thân động thủ. Trước cái buổi sáng trên con phố nhỏ ở Toledo, vai trò của gã chỉ đơn thuần là thực hiện mệnh lệnh. Kẻ khác là nạn nhân. Gã bao giờ cũng khách quan khi lừa gạt hay giao dịch với người khác. Gã không xác lập quan hệ với những cá nhân hay sự thật có dính líu – chúng chỉ đơn giản là công cụ làm ăn. Gã đặt mình ra ngoài, trong vai trò người làm thuê chỉ biết đến lợi nhuận. Người thứ ba vô cảm. Có lẽ thái độ này khiến gã thường xuyên cảm thấy an toàn, giống như khi gã bỏ kính ra, người và vật trở nên lờ mờ không rõ; gã có thể lờ chúng đi bằng cách loại bỏ đường viền sắc nét của chúng. Song hiện giờ cái đau từ bàn tay bị thương, cảm giác về mối nguy hiểm gần kề, về hành vi hung bạo nhắm trực tiếp và duy nhất vào chính gã, đã dẫn tới những thay đổi đáng sợ trong thế giới của gã. Lucas Corso, đã bao lần bức hiếp người khác, không quen đóng vai nạn nhân. Nên lần này gã thấy hết sức luống cuống.
Ngoài chỗ tay đau, gã còn cảm thấy các bắp cơ căng cứng và miệng thì khô khốc. Corso mở một chai Bols rồi lần tìm aspirin trong các túi vải. Gã luôn dự trữ đầy đủ aspirin, cùng với sách, bút chì, bút mực, cuốn sổ đã ghi kín nửa, con dao quân dụng Thụy Sĩ, hộ chiếu, tiền mặt, quyển sổ địa chỉ căng phồng, sách của gã và của người khác. Bất cứ lúc nào gã cũng có thể dấu mình giống như con ốc sên co mình vào vỏ. Với cái túi đó gã có thể hoàn toàn thoải mái ở bất cứ nơi nào mà sự may rủi hay khách hàng đưa gã tới – sân bay, ga xe lửa, những thư viện bụi bặm ở châu Âu, những buồng khách sạn mà tất cả hòa vào nhau trong ký ức gã thành một căn buồng duy nhất có kích cỡ thay đổi, nơi gã thường giật mình thức dậy, khật khưỡng lần mò trong bóng tối tìm công tắc đèn, chỉ để rồi đụng phải cái điện thoại. Những khoảnh khắc trống rỗng cứ thế bị rứt ra khỏi cuộc đời và ý thức gã. Gã không khi nào quá chắc chắn về bản thân hoặc bất cứ cái gì, bởi trong ba giây đầu tiên sau khi mở mắt, thân thể gã thức tỉnh trước cả đầu óc lẫn trí nhớ.
Corso ngồi vào máy tính, đặt cuốn sổ ghi chép cùng mấy cuốn sách tham khảo lên bàn, bên trái. Bên phải là Chín cánh cửa và tập tư liệu của Varo Borja. Thế rồi gã lặng lẽ ngả người trên chiếc ghế trong năm phút, mặc cho điếu thuốc cháy hết trên tay, chỉ một hai lần đưa lên môi. Gã chỉ làm mỗi một việc là uống nốt chỗ rượu gin rồi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính trống rỗng và biểu tượng trên bìa sách. Cuối cùng gã tuồng như sực tỉnh. Gã giụi điếu thuốc vào gạt tàn, chỉnh lại kính, bắt tay vào làm việc. Tư liệu của Varo Borja khớp với Bách khoa toàn thư về các nhà in và những cuốn sách hiếm và lạ của nhà Crozet:
TORCHIA, Aristide (1620-1667). Nhà in, nhà khắc tranh và nhà đóng sách ở Venice. Dấu nhà in: một con rắn và một cái cây bị sét đánh. Học việc ở Leyden (Hà Lan) trong xưởng của hang Elzevir. Khi trở lại Venice ông đã hoàn thành một loạt tác phẩm về đề tài triết học và thần bó khổ nhỏ (12 mo, 16 mo[1]) được đánh giá cao. Đáng chú ý trong đó là Những bí mật về sự thông thái của Nicholas Tamisso (ba tập, 12 mo, Venice 1650), Chìa khóa của tư duy chuyên chú (một tập, 132×75 mm, Venice 1653), Bộ ba sách về nghệ thuật của Paolo d’Este (sáu tập, 8 vo, Venice1658), Lý giải về những điều huyền bí và những biểu tượng (một tập, 8 vo, Venice 1659), in lại từ cuốn Từ thất lạc của Bernardo Trevisano (một tập. 8 vo, Venic 1661) và Sách về chín cánh cửa của vương quốc bóng tối (một tập, folio, Venice 1666). Vì in cuốn sách sau cùng, ông rơi vào tay tòa án dị giáo. Xưởng in bị hủy cùng mọi văn bản đã in và chưa in có ở đó. Torchia bị kết tội liên quan đến ma thuật cùng phép phù thủy và kêu án tử hình. Bị thiêu sống ngày 17 tháng Hai năm 1667.
[1] Khổ sách chiều cao 17,5-20 cm; 15-17 cm.
Corso rời mắt khỏi màn hình máy tính rồi xem kỹ trang đầu cuốn sách đáng giá mạng sống của chủ nhà in Venice. Đầu đề là DE UMBRARUM REGNI NOVEM PORTIS. Bên dưới là dấu nhà in, một hình vẽ thay cho chữ ký của nhà in, có thể là bất cứ cái gì từ một chữ lồng cho tới một bức họa tỉ mỉ. Trong trường hợp Torchia, như trong cuốn sách của Crozet đã nói, dấu này là một cái cây có một cành cây bị sét đánh gãy và con rắn cuộn tròn quanh thân cây, nuốt trộng cái đuôi của chính mình. Đi kèm với bức vẽ là câu châm ngôn SIC LUCEAT LUX: Thần quang xán lạn dường này. Ở bên dưới trang sách là địa điểm, tên và ngày tháng: Venetiae, apud Aristidem Torchiam. In ở Venice, tại xưởng của Aristidem Torchiam. Dưới nữa, cách ra bởi dòng trang trí: MDCLXVI Cum superiorum privilegio veniaque. Nhờ đặc quyền và sự cho phép của các đấng bề trên.
Corso gõ vào máy tính:
Cuốn sách không dán nhãn sở hữu hay có ghi chú viết tay. Hoàn toàn giống trong catalô dùng cho buổi đấu giá bộ sưu tập Terral-Coy (Claymore, Madrid). Lỗi trong Mateu (công bố tám chứ không phải chín bức tranh khắc như trong bản này). Khổ Folio. 299×215 mm. Hai tờ trắng, một trăm sáu mươi trang và chín tranh toàn trang, đánh số I đến VIIII. Các trang: một trang nhan đề có dấu nhà in. Một trăm năm bảy trang chữ. Trang cuối trống, không lời ghi cuối sách. Bản khắc toàn trang theo khổ recto. Trang bìa sau trống.
Gã lần lượt xem từng bức họa. Theo Borja, truyền thuyết nói rằng các bức vẽ gốc là do chính tay Lucifer vẽ. Mỗi bức đều có kèm số thứ tự kiểu La Mã, các ký tự Hy Lạp và Do Thái tương đương, cùng một câu tiếng Latinh dưới dạng mã rút gọn. Gã gõ vào máy:
I. NEM. PERV.T.QUI N.N LEG. CERT.RIT: Một kỵ sĩ đi về phía một tòa thành có tường bao. Anh ta đặt một ngón tay lên môi, ra dấu thận trọng hay im lặng.
II. CLAUS. PAT.T: Một ẩn sĩ đứng trước cánh cửa khóa, tay cầm hai cái chìa khóa. Một cái đèn lồng nằm dưới đất. Một con chó đi theo ông ta. Đằng sau ông ta có một ký hiệu giống như chữ cái Teth trong tiếng Do Thái cổ.
III. VERB. D.SUM C.S.T. ARCAN: Một kẻ lang thang hoặc một người hành hương đi về phía cây cầu bắc ngang sông. Tháp canh ở hai đầu cầu đều đóng kín. Một người mang cung tên trong tay nấp trên mây nhắm vào con đường dẫn tới cây cầu.
IIII. (Chữ số La Mã viết dưới dạng này chứ không phải dạng thông thường IV.) FOR. N.N OMN. A.QUE: Một anh hề đứng trước một mê cung bằng đá. Lối nào cũng đóng kín. Ba con xúc xắc trên mặt đất lộ ra ba mặt số 1, 2 và 3.
V. FR.ST.A: Một gã keo kiệt, hay một lái buôn, đang đếm tiền vàng trong bao tải. Sau lưng gã, Thần Chết một tay cầm đồng hồ cát, một tay nắm cái chĩa ba.
VI. DIT.SCO M.R: Một người làm nghề treo cổ phạm nhân trông giống như trong con bài Ta rô, tay bị trói quặt ra sau, bị treo ngược chân lên mặt tường thành, gần một cửa hậu đóng kín. Một cánh tay mang găng sắt cầm một thanh gươm bốc cháy thò ra từ một cửa sổ hẹp.
VII. DIS.S P.TI.R MAG: Một ông vua và một tên ăn mày đang chơi cờ trên một bàn cờ chỉ có những ô trắng. Trăng chiếu qua cửa sổ. Bên cánh cửa đóng kín, dưới cửa sổ có hai con chó cắn nhau.
VIII. VIC. I.T VIR: Bên tường thành một phụ nữ quỳ gối trên mặt đất, chìa cái gáy trần cho đao phủ. Ở phía xa xa là bánh xe định mệnh trên đó có ba bóng người: một ở trên, một đang leo lên, một đang tụt xuống.
VIIII. (Ở đây cũng vậy, không phải dạng thông thường IX.) N.NC SC.O TEN.EBR. LUX: Một phụ nữ khỏa thân cưỡi một con rồng bảy đầu, một tay giữ quyển sách để mở, và một thứ gì đấy hình nửa vầng trăng che chỗ kín. Trên đồi phía sau có một pháo đài đang bốc cháy. Cửa vẫn đóng như các bức tranh kia.
Gã ngừng tay gõ, duỗi thẳng tứ chi tê dại và ngáp. Cả căn phòng tối đen trừ khoảng sáng hình nón của chiếc đèn bàn và màn hình máy tính. Ánh đèn đường nhợt nhạt xuyên qua khung cửa sổ. Gã tới bên cửa sổ, lơ đãng nhìn ra ngoài, hoàn toàn không biết mình định nhìn cái gì nữa. Một chiếc ô tô đậu bên lề đường, đèn pha tắt, hình như bên trong có một bóng đen. Nhưng không có gì hấp dẫn gã, trừ tiếng còi xe cứu thương văng vẳng, chìm dần trong đám cao ốc lô nhô đen thẫm. Đã là năm phút sau nửa đêm theo đồng hồ trên tháp nhà thờ bên cạnh.
Gã lại ngồi xuống với máy tính và cuốn sách. Kiểm tra bức minh họa đầu tiên – dấu nhà in ở trang nhan đề, con rắn ngậm đuôi mình mà Aristide Torchia chọn làm biểu tượng cho xưởng in của ông. SIC LUCEAT LUX. Loài rắn và ma quỷ, những câu thần chú và ẩn ý của chúng. Gã cười cợt nâng cốc tưởng nhớ Torchia. Con người này hẳn phải hết sức dũng cảm, hoặc rất ngu ngốc. Ngài đã trả giá cao cho thứ đó ở nước Ý vào thế kỷ mười bảy, cho dù nó được in cum superiorum privilegio veniaque.
Chợt Corso ngừng lại mà chửi thề thành tiếng, mắt nhìn vào góc tối trong căn phòng, thấy mình đã sơ xuất không nhận thấy từ đầu. “Với đặc quyền và sự cấp phép của bề trên.” Không thể như thế.
Không rời mắt khỏi trang sách, gã lại ngồi xuống ghế đốt thêm một điếu thuốc quăn queo. Những dòng chữ lay động lờ mờ đằng sau làn khói xám uốn éo dưới ánh đèn.
Cum superiorum privilegio veniaque chẳng có ý nghĩa gì hết. Hoặc là vấn đề rất tế nhị. Cái gọi là phê duyệt ở đây không thể là sự cấp phép chính thức. Năm 1666, Nhà thờ Công giáo sẽ chẳng đời nào cho phép in một cuốn sách như thế, bởi vì tiền thân của nó, Delomelanicon,đã bị đưa vào danh sách cấm từ trước đó một trăm năm mươi năm. Vậy không phải là Aristide Torchia muốn nói đến sự cho phép của bộ phận kiểm duyệt của Nhà thờ. Cũng không phải từ phía chính quyền Cộng hòa Venice. Hẳn ông ta có đấng bề trên khác.
***
Tiếng chuông điện thoại làm gián đoạn suy nghĩ của gã. Flavio La Ponte. Hắn muốn báo cho Corso là cùng với mấy cuốn sách (phải mua cả lô theo thỏa thuận), hắn kiếm được một bộ sưu tập vé xe điện châu Âu, chính xác là 5.775 cái, tất cả đều có số đọc xuôi và ngược giống nhau, được xếp theo từng quốc gia trong mấy cái hộp đựng giày. Hắn không nói đùa. Nhà sưu tầm vừa chết và gia đình muốn tống khứ chúng đi. Có thể Corso biết ai đó quan tâm. Tự nhiên thôi. La Ponte biết rằng việc sưu tập không mệt mỏi và đầy bệnh hoạn 5.775 chiếc vé có số đọc xuôi ngược như nhau là hoàn toàn vô nghĩa. Có ai mua một bộ sưu tập ngu ngốc như vậy? Có, bảo tàng Giao thông ở London là một gợi ý hay… Người Anh và những thói ngông cuồng của họ… Liệu Corso có muốn làm vụ này không?
La Ponte cũng lo lắng về bản thảo của Dumas. Hắn nhận được hai cú điện thoại từ một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai không chịu xưng tên, hỏi về Rượu vang Anjou. Lạ, bởi vì La Ponte không nói chuyện bản thảo với bất kỳ người nào và không định nói gì chừng nào chưa có được báo cáo của Corso. Corso thuật lại cuộc chuyện trò với Liana Taillefer và nói rằng gã đã cho ả biết danh tính người chủ mới của tập bản thảo.
“Ả biết cậu thường tới gặp ông chồng quá cố. À mà nhân tiện,” gã nhớ ra, “ả muốn có một bản tờ phiếu thu.”
Đầu bên kia đường dây La Ponte phì cười. Làm quái gì có phiếu thu. Taillefer bán nó cho hắn, có thế thôi. Nhưng nếu góa phụ duyên dáng muốn thảo luận về chuyện ấy, hắn nói thêm và cười dâm đãng, hắn rất sẵn lòng. Corso đề xuất khả năng trước khi chết Taillefer đã nói với ai đấy về tập bản thảo. La Ponte không nghĩ thế; Taillefer đã khăng khăng là vấn đề sẽ được giữ bí mật cho đến khi chính ông ta đưa ra một ám hiệu. Cuối cùng ông ta chẳng làm gì hết, trừ phi tự treo cổ dưới cái giá đèn là một ám hiệu.
“Đó là thứ ám hiệu rõ ràng nhất,” Corso nói.
La Ponte cười khành khạch đầy hằn học. Rồi hắn hỏi về chuyến viếng thăm Liana Taillefer của Corso. Sau khi đưa ra mấy nhận xét lếu láo, La Ponte nói từ biệt. Corso không kể gì về chuyện bất ngờ ở Toledo. Họ thỏa thuận hôm sau sẽ gặp nhau.
Sau khi gác máy, Corso trở lại với Chín cánh cửa. Nhưng đầu óc gã lại hướng tới thứ khác. Bản thảo của Dumas lôi cuốn sự chú ý của gã. Sau cùng gã để ý tới tập tài liệu có những tập giấy xanh và trắng. Khẽ xoa xoa cánh tay đau, gã tìm trên máy thư mục Dumas. Màn hình bắt đầu nhấp nháy. Gã dừng lại ở một file có tên Bio:
Dumas Davy de la Pailleterie, Alexandre. Sinh 24/7/1802. Mất 5/12/1870. Con của Thomas Alexandre Dumas, tướng lĩnh cộng hòa. Tác giả 257 tập tiểu thuyết, hồi ký và truyện các loại. 25 vở kịch. Là người da trắng lai đen theo bên cha. Dòng máu đen khiến ông có những nét ngoại lai. Ngoại hình: cao, cổ to, tóc xoăn, môi dày, chân dài, cường tráng. Tính cách: đầy sức sống, hay thay đổi, độc đoán, dối trá, không đáng tin cậy, bình dân. Có 27 người tình, 2 con chính thức và 4 con ngoài giá thú. Làm ra rất nhiều tiền nhưng phung phí vào tiệc tùng, du lịch, rượu quý và hoa. Toàn bộ tiền bạc kiếm được nhờ viết văn đều hết sạch do tiêu pha vô độ cho tình nhân, bạn hữu và những kẻ theo đóm ăn tàn tụ tập quanh lâu đài của ông ở Montecristo. Lánh khỏi Paris để tránh chủ nợ chứ không vì lý do chính trị, như Victor Hugo bạn ông. Bạn bè: Hugo, Lamartine, Michelet, Gérard de Nerval, Nodier, George Sand, Berlioz, Theosphile Gautier, Alfred de Vigny, vân vân. Kẻ thù: Balzac, Badère, vân vân.
Mấy cái này chẳng có ích gì cho gã. Gã cảm thấy như mình đang lần mò trong bóng tối mịt mù, xung quanh là vô số manh mối sai lạc hay vô dụng. Nhưng hắn phải có một mối liên kết đâu đó. Bằng bàn tay lành, gã gõ Dumas.nov:
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!