Câu lạc bộ Dumas - Chương 04 - Phần 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
95


Câu lạc bộ Dumas


Chương 04 - Phần 2



Các tiểu thuyết của Alexander Dumas xuất hiện trên báo theo kỳ:

1831: Cảnh lịch sử (Revue des Deux Mondes). 1834: Jacque I và Jacque II (Journal des Enfants). 1835: Elizabeth xứ Bavaria (Dumont). 1836: Murat (La Presse). 1837: Pascal Bruno (La Presse), Chuyện một ca sĩ giọng tenor (Gazette Musicale). 1838: Bá tước Horatio (La Presse), Đêm của Nero (La Presse), The Arms Hall (Dumont), Đại úy Paul (Le Siècle).1839: Jaques Ortis (Dumont), Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của John Davys (Revue de Paris), Đại úy Panphile (Dumont). 1840: Kiếm sư (Revue de Paris). 1841: Kỵ sĩ d’Harmental (Le Siècle). 1843: Sylvandire (La Presse), Bộ quần áo cưới (La Mode), Albine (Revue de Paris), Ascanio (Le Siècle), Fernande (Revue de Paris), Amaury (La Presse). 1844: Ba người lính ngự lâm (Le Siècle), Gabriel Lambert (La Chronique), Con gái quan nhiếp chính (Le Commerce), Anh em xứ Corso (Démocratie Pacifique), Bá tước Monte Cristo (Journal des Débats). Nữ bá tước Bertha (Hetzel), Chuyện cái kẹp hạt dẻ (Hetzel), Hoàng hậu Margot (La Presse). 1845: Nanon (La Patrie), Hai mươi năm sau (Le Siècle), Hồng lâu kỵ sĩ (Démocratie Pacifique), Bà Monsoreau (Le Constitutionel), Madame de Conde (Le Patrie). 1846: Nữ tử tước de Cambes (La Patrie), Anh em cùng cha khác mẹ (Le Commerce), Joseph Balsam (La Presse), Tu viện Pessac (La Patrie). 1847: Bốn mươi lăm (Le Constitutionel), Tử tước Bragelonne (Journal pour Tous 1848: Chuỗi hạt của hoàng hậu (La Presse). 1849: Hôn lễ của cha Olifus (Le Constitutionel). 1850: Ý muốn của thượng đế (Evènement), Hoa tuy líp đen (Le Siècle), Sứ giả hòa bình (Le Siècle), Thiên thần Pitou (La Presse). 1851: Olympe de Clèves (Le Siècle). 1852: Thượng đế và ác quỷ (Le Pays), Nữ bá tước de Charny (Cadot), Isaac Laquedem (Le Constitutionel). 1853: Người chăn cừu ở Ashbourn (Le Pays), Catherine Blum (Le Pays). 1854: Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của Catherine-Charlotte (Le Mousquetaire), Tên kẻ cướp (Le Mousquetaire), Người Mohica ở Paris (Le Mousquetaire), Đại úy Richard (Le Siècle), Trang sách của công tước Savoy (Le Constitutionel). 1856: Các bạn đồng hành của Jehu (Journal pour Tous). 1857: Vị vua Saxon cuối cùng (Le Monte-Cristo), Sói chúa (Le Siècle), Người bắn vịt trời (Cadot), Đen (Le Constitutionel). 1858: Bầy sói cái ở Machecoul (Journal pour Tous), Hồi ký một cảnh sát (Le Siècle), Cung điện băng (Le Monte-Cristo). 1859: Con tàu (Le Monte-Cristo), Ammalat-Beg (Moniteur Universel), Chuyện một hầm ngục và một căn nhà nhỏ (Revue Européenne), Một chuyện tình (Le Monte-Cristo). 1860: Ký ức của Horatio (Le Siècle), Cha La Ruine (Le Siècle), Hầu tước phu nhân Escoman (Le Constitutionel), Vị bác sĩ ở Java (Le Siècle), Jane (Le Siècle). 1861: Một đêm ở Florence (Levy-Hetzel). 1862: Người tình nguyện năm 92 (Le Monte-Cristo). 1863: Thánh Felice (La Presse). 1864: Hồi ký một người yêu mến (Avenir National), Bá tước Moret (Les Nouvelles). 1866: Một trường hợp về lương tâm(Le Soleil), Dân Paris và dân tỉnh lẻ (La Presse), Bá tước Mazarra (Le Mousquetaire). 1867: Trắng và xanh dương (Le Mousquetaire), Nỗi kinh hoàng Phổ (La Situation). 1869: Hector de Sainte-Hermine (Moniteuv Universel), Người thầy thuốc bí ẩn (Le Siècle), Con gái người hầu tước (Le Siècle).

Gã mỉm cười tự hỏi không biết ngài Enrique Taillefer quá cố phải tốn bao nhiêu tiền để có được cả đống sách này. Mắt kính mờ tịt, gã liền gỡ kính ra cẩn thận lau. Những dòng chữ trên máy tính bây giờ nhòe đi, cũng như những hình ảnh kỳ lạ khác gã không thể nhìn ra được. Gã đeo kính vào, chữ nghĩa trên màn hình lại rõ nét, song những hình ảnh thì vẫn trôi loanh quanh mơ hồ trong đầu gã, và chẳng có mấu chốt nào hầu mang lại cho chúng bất cứ ý nghĩa gì. Tuy nhiên Corso cảm giác mình đã đi đúng hướng. Màn hình lại bắt đầu nhấp nháy:

Baudry, biên tập viên của Le Siècle, xuất bản Ba người lính ngự lâm trong khoảng từ 14 tháng Ba đến 11 tháng Bảy năm 1844.

Gã xem các file khác. Thông tin của gã về Dumas cho biết ông có hai mươi hai người cộng sự ở từng thời kỳ khác nhau trong đời viết văn của mình. Quan hệ với nhiều người trong số này kết thúc đầy sóng gió. Nhưng Corso chỉ quan tâm đến một cái tên:

Maquet, Auguste-Jules. 1813-1886. Hợp tác với Alexandre Dumas làm vài vở kịch và 19 tiểu thuyết, trong đó có những cuốn nổi tiếng nhất (Bá tước Monte Cristo, Hồng lâu kỵ sĩ, Hoa tuy líp đen, Chuỗi hạt của hoàng hậu) và đặc biệt là loạt truyện Lính ngự lâm. Sự cộng tác này mang lại cho ông danh tiếng và giàu có. Trong khi Dumas qua đời không xu dính túi thì Maquet chết trên đống tiền trong lâu đài của mình ở Saint-Mesme. Không có tác phẩm nào do tự ông viết mà không có sự đóng góp của Dumas còn tồn tại được đến ngày nay.

Gã xem bản ghi chú tiểu sử, có mấy dòng trích từ Hồi ký của Dumas:

Chúng tôi, Hugo, Balzac, Soulie, De Musset và tôi, những người sáng tác văn chương bình dân. Chúng tôi có được tiếng tăm, dù nhiều dù ít, chính là bằng cách viết như vậy, dù rằng nó bình dân…

Trí tưởng tượng của tôi phải đương đầu với thực tế, giống như một người tới thăm lại một tòa nhà cổ điêu tàn, phải bước qua đám phế thải ngổn ngang, lần theo các hành lang, cúi mình chui qua những ô cửa, để rồi dựng lại một bức tranh gần giống tòa nhà ban đầu khi nó còn tràn trề sức sống, với tiếng hát câu cười rộn rã, hoặc tiếng nức nở sầu đau vang vọng khắp nơi nơi.

Corso bực bội rời mắt khỏi màn hình. Gã đã đánh mất cảm giác, nó trốn vào đâu đó trong những ngóc ngách ký ức trước khi gã nhận diện được nó. Corso đứng lên đi đi lại lại trong căn phòng tối. Rồi gã cầm nghiêng cái đèn soi lên chồng sách trên sàn ở sát tường. Gã nhặt lên hai tập sách dày: một bản in hiện đại cuốn Hồi ký của Alexandre Dumas bố. Trở lại bàn làm việc, gã giở nhanh quyển sách cho tới khi bắt gặp ba tấm ảnh. Trong tấm ảnh đầu tiên, Dumas ngồi bên Isabelle Constant, người tình của nhà văn từ khi nàng mới mười lăm tuổi, điều này được chú thích rõ trong mục lục. Mái tóc xoăn và nước da ngăm đen để lộ dòng máu châu Phi của Dumas. Trong tấm ảnh thứ hai Dumas già hơn, chụp cùng con gái Marie. Lúc này, đang ở đỉnh cao danh vọng, cha đẻ của loạt tiểu thuyết phiêu lưu ngồi hiền lành và yên lặng trước ống kính. Tấm ảnh thứ ba vui tươi và nhiều ý nghĩa nhất, Corso thầm nghĩ. Dumas ở tuổi sáu mươi lăm, tóc đã ngả màu xám nhưng thân thể vẫn to lớn và mạnh mẽ, tấm áo choàng dài hé mở để lộ cái bụng phệ, đang ôm Adah Menken, một trong những người tình cuối cùng của ông. Trong sách có chú thích: “Sau những buổi gọi hồn bằng ma thuật mà nàng vốn rất say mê, nàng thích được chụp ảnh trong bộ quần áo chẽn, cùng với người đàn ông vĩ đại của đời nàng.” Trong ảnh, chân, tay và cổ của nàng Menken để trần, đương thời đó là chuyện gây tai tiếng. Thiếu phụ ngả đầu lên bờ vai cường tráng của Dumas, nhưng lại chú ý nhiều đến ống kính hơn là thứ nàng ôm trong tay. Nét mặt Dumas hằn lên dấu ấn của cả một cuộc đời dài đầy đam mê khoái lạc, với những cuộc chơi trác táng và tiệc tùng liên miên. Hai má phù nề, dấu hiệu một đời phóng túng, ông mỉm cười thỏa mãn và giễu cợt. Ánh mắt ranh mãnh và khiêu khích như muốn tìm kiếm sự đồng lõa từ người thợ ảnh. Ông già to béo cùng người con gái trẻ mất nết và say đắm muốn trưng ông ta như một thứ chiến lợi phẩm hiếm hoi: đây, con người mà danh tiếng và tài kể chuyện đã đi vào giấc mơ của bao người đàn bà. Như thể ông già Dumas cần được đồng cảm, khi nhượng bộ ý thích đồng bóng muốn chụp ảnh của người tình. Nói cho cùng thì nàng trẻ và xinh, da nàng mịn và đôi môi nồng nàn, người con gái mà đời dành cho ông trong ba năm cuối đời ông. Lão quỷ già.

Corso gấp cuốn sách lại và ngáp. Đồng hồ của gã, loại đồng hồ bấm giờ gã thường quên không lên giây, đã dừng lại ở không giờ mười lăm phút. Gã đi tới mở cửa sổ, hít thở làn khí đêm lạnh lẽo. Đường phố vẫn vắng ngắt.

Tất cả đều rất kỳ lạ, gã nghĩ khi quay lại bàn làm việc tắt máy tính. Mắt gã dừng lại ở cái cặp chứa tập bản thảo viết tay. Một cách máy móc gã giở nó ra xem, mười lăm trang viết đầy hai thứ chữ khác nhau, mười một trang giấy màu xanh, bốn trang giấy trắng. Après de nouvelles Presque désespérées du roi… Sau những tin tức hầu như tuyệt vọng từ phía nhà vua… Trong đống sách trên sàn gã tìm được một tập sách to tướng màu đỏ, một bản facsimile[2] năm 1988 của J. C. Lattes chứa toàn tập Lính ngự lâm và Bá tước Monte Cristo dựa theo bản của Le Vasseur có tranh khắc ấn hành sau khi Dumas chết không lâu. Gã tìm chương Rượu vang Anjoy ở trang 144 rồi bắt đầu đọc, so sánh nó với bản thảo gốc. Ngoài mấy sai sót nhỏ đây đó, còn thì lời văn giống hệt nhau. Trong sách, ở chương này có hai trang minh họa do Maurice Leloir vẽ và Huyot làm bản khắc. Vua Louis XIII dẫn mười ngàn quân tham gia trận bao vây La Rochelle, bốn kỵ sĩ dẫn đầu đội ngự lâm quân của nhà vua, mang súng hỏa mai, đội mũ rộng vành và mặc áo choàng của đại đội de Treville. Ba người trong đó hẳn phải là Athos, Porthos và Aramis. Ngay sau đó họ sẽ gặp bạn hữu d’Artagnan lúc đó mới chỉ là một học viên sĩ quan quèn trong đại đội vệ binh của ngài Essarts. Chàng trai xứ Gascon còn chưa biết rằng những chai rượu vang Anjou, quà tặng từ kẻ tử thù Milady của chàng, mật vụ của Richelieu, đã bị bỏ thuốc độc. Ả muốn rửa nỗi nhục do d’Artagnan gây ra cho mình. Chàng đã mạo nhận là công tước Wardes lẻn vào giường ả để vui vẻ một đêm với người tình lẽ ra thuộc về công tước. Tệ hơn nữa là d’Artagnan còn phát hiện bí mật khủng khiếp của Milady, hình hoa huệ trên vai, dấu hiệu nhục nhã mà đao phủ đã dùng sắt nung đỏ đóng dấu lên người ả. Với bấy nhiêu ân oán và tính khí của Milady, nội dung bức minh họa thứ hai thật dễ đoán: d’Artagnan và những người bạn trung thành của chàng kinh hãi chứng kiến tên hầu Furreau thở hắt ra trong đau đớn cùng cực khi uống thứ rượu vang lẽ ra dành cho chủ hắn. Bị kích động bởi ma lực của lời văn hai mươi năm không đọc tới, Corso tìm tới đoạn mấy chàng ngự lâm và d’Artagnan trò chuyện về Milady:

[2] facsimile: bản sao hoặc bản tái chế sách, bản đồ, tranh, bản thảo viết tay cổ có giá trị với độ chính xác cao nhất có thể kể cả về màu sắc, kích cỡ, hay chất liệu…

“Là vậy đấy,” d’Artagnan bảo Athos. “Như anh thấy, đây là một cuộc đấu sống còn, bạn thân mến ạ.”

Athos gật đầu. “Phải. Phải,” chàng nói. “Tôi thấy rõ lắm. Nhưng cậu tin đúng là ả không?”

“Tôi tin chắc.”

“Thế mà thú thực với cậu tôi còn ngờ đấy.”

“Còn bông huệ trên vai ả thì sao?”

“Đó chắc là một ả người Anh mắc tội ở Pháp, và người ta đánh dấu tội phạm đó bằng dấu sắt nung.”

“Athos, quả thật đấy là vợ anh,” d’Artagnan nhắc lại. “Anh không nhớ hai cái dấu ấy giống nhau đến thế nào ư?”

“Thế nhưng tôi vẫn tin ả chết rồi, tôi đã treo cổ ả rất cẩn thận mà.”

Đến lượt d’Artagnan lắc đầu.

“Thế tóm lại phải làm gì?” chàng trai trẻ hỏi.

“Nhất định chúng ta không thể để một thanh gươm treo mãi trên đầu như thế,” Athos nói. “Phải thoát khỏi tình cảnh này.”

“Nhưng thoát thế nào?”

“Nghe đây, tìm cách gặp lại mà giải thích mọi chuyện. Nói với ả: ‘Hòa hay là chiến! Ta lấy danh dự một quý tộc thề rằng sẽ không bao giờ nói hay làm gì chống lại nàng. Về phía nàng, hãy trịnh trọng thề sẽ tránh xa ta. Nếu không ta sẽ tìm quan chưởng ấn, tìm đến tận đức vua, ta sẽ tìm đao phủ, sẽ kích động triều đình chống lại nàng, ta sẽ tố cáo nàng đã bị đóng dấu sắt nung, sẽ đưa nàng ra tòa, và nếu người ta tha tội cho nàng, thì ta thề với danh dự của một nhà quý tộc rằng ra sẽ giết nàng, giết nàng ở bất kỳ xó xỉnh nào như giết một con chó dại.’”

“Tôi cũng khoái cách ấy,” d’Artagnan nói.

Ký ức từng đoạn theo nhau tuôn ra. Corso gắng sức nắm bắt hình ảnh quen thuộc lướt qua trong đầu, tìm cách chộp lấy trước khi nó biến mất, và một lần nữa thấy hiện lên hình dáng người đàn ông mặc com lê đen, người lái chiếc Jaguar đậu bên ngoài nhà Liana Taillefer, lái chiếc Mercedes ở Toledo… Người mặt sẹo. Và chính Milady là người khuấy động mẩu ký ức đó.

Gã nghĩ về điều đó, cảm thấy bối rối. Bỗng nhiên bức tranh trở nên rõ nét. Milady, tất nhiên rồi. Milady de Winter, khi d’Artagnan trông thấy ả lần đầu tiên trong cửa sổ xe ngựa qua chương đầu cuốn tiểu thuyết, bên ngoài quán rượu ở Meung. Milady trò chuyện với một người lạ. Corso giở nhanh các trang sách tìm đoạn đó. Gã dễ dàng tìm ra nó:

Một người đàn ông tuổi chừng bốn mươi tới bốn lăm, mắt đen sắc sảo, da trắng nhợt, cái mũi rất cao và bộ ria đen xén tỉa hoàn hảo…

Rochefort. Tên mật vụ nham hiểm của hồng y giáo chủ và kẻ thù của d’Artagnan, người đã khiến chàng ăn đòn oan trong chương đầu, kẻ trộm bức thư tiến cử của ông de Treville và gián tiếp chịu trách nhiệm về trận quyết đấu suýt xảy ra giữa chàng trai xứ Gascon với Athos, Porthos và Aramis… Bị cuốn theo những hồi ức lộn xộn của mình, Corso gãi đầu, bối rối trước mối quan hệ bất thường giữa các ý tưởng và nhân vật. Liên hệ giữa đồng đảng của Milady với cha tài xế định cho xe cán bẹp mình ở Toledo là thế nào? Rồi còn cái sẹo? Đoạn văn đó không nhắc gì đến cái sẹo, nhưng gã nhớ rõ Rochefort vẫn có một vết gì đấy trên mặt. Gã nhớ tiếp một số trang và tìm thấy nơi khẳng định điều này ở chương 3, đoạn d’Artagnan thuật lại chuyến phiêu lưu của mình cho ông de Treville nghe:

“Hãy cho ta biết,” ông lặp lại, “cái ông quý tộc ấy có vết sẹo mờ trên thái dương, đúng không?”

“Đúng vậy, cái vết đó hẳn là do một viên đạn sượt qua…”

Một vết sẹo mờ trên thái dương. De Treville đã khẳng định như thế, nhưng Corso vẫn nhớ, vết sẹo của Rochefort lớn hơn, không ở bên thái dương mà trên má, giống như gã lái xe mặc đồ đen. Corso soát lại tỉ mỉ tất cả, cuối cùng gã phá lên cười. Giờ thì cả bức tranh đã hoàn chỉnh với đủ mọi sắc màu: Lana Turner, bên cửa sổ xe ngựa trong phim Ba người lính ngự lâm, cạnh đó thằng cha Rochefort xảo quyệt rất chi hợp cách, da đen chứ không nhợt nhạt như trong truyện của Dumas, đội mũ cắm lông chim, và có vết sẹo dài – lần này thì rõ ràng – cắt từ trên xuống dưới má phải. Gã đã nhớ chi tiết ở trong phim chứ không phải trong tiểu thuyết, điều này khiến gã vừa bực vừa buồn cười. Hollywood chết tiệt.

Dẹp những cảnh phim qua một bên, cuối cùng gã thấy được một trật tự nào đó. Có một sợi chỉ chung dù ẩn mật xuyên suốt toàn bộ, thứ gì đấy giống như một giai điệu với những nốt nhạc thăng trầm huyền bí. Sau khi chịu đựng bấy nhiêu lo lắng mơ hồ từ lần thăm bà góa Taillefer, bây giờ gã đã lờ mờ nhìn ra những nét đại khái, những khuôn mặt, bầu không khí và các nhân vật, nằm chơi vơi giữa thực tại và hư cấu, tất cả liên kết với nhau bằng một cách thức lạ lùng, đến giờ vẫn còn chưa sáng tỏ. Dumas và cuốn sách thế kỷ mười bảy. Con quỷ và Ba người lính ngự lâm. Milady và giàn hỏa thiêu của tòa án dị giáo… Dù rằng tất cả những thứ đó vô lý hơn là rõ ràng, giống như trong tiểu thuyết hơn là ngoài đời.

Gã tắt đèn rồi lên giường nằm. Nhưng mãi mới ngủ được, có một hình ảnh cứ lờn vờn trong đầu, cứ lửng lơ trong bóng tối cho đến khi gã mở mắt. Một cảnh xa xăm, cảnh gã đọc sách khi còn bé, đầy những hình bóng lại hiện về sau hai mươi năm, hóa hình thành những hồn ma ở gần sát đến nỗi gã hầu như có thể sờ được chúng. Vết sẹo. Rochefort. Người đàn ông ở Meung. Tay sai của giáo chủ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN