Câu lạc bộ Dumas
Chương 05 - Phần 2
Đám sinh viên bị kích động bởi cuộc đột kích của bọn tôi vào chủ đề truyện nhiều kỳ, vội lấy bút ghi chép hoặc há mồm lắng nghe. Nhưng cô bé mắt xanh vẫn bình thản ngồi hơi tách ra, như thể cô chỉ tình cờ có mặt ở đó.
“Với Dumas,” tôi tiếp tục, “ít nhất trong phần đầu của loạt truyện Lính ngự lâm, Richelieu giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ những vụ phiêu lưu tình ái và những chuyện bí ẩn: kẻ thù đầy quyền năng ẩn núp trong bóng tối, hiện thân của cái ác. Đối với nước Pháp, Richelieu là một con người vĩ đại. Nhưng trong Lính ngự lâm, ông ta chỉ được phục hồi danh dự sau hai mươi năm. Ông Dumas gian xảo đã khôn khéo sắp xếp cho phù hợp với sự thực nhưng vẫn không làm giảm tính hấp dẫn của tiểu thuyết. Ông đã kiếm được một nhân vật phản diện khác: Mazarin. Sự điều chỉnh này, ngay cả khi tác giả để cho d’Artagnan và các bạn nói ra lời bằng cách ca ngợi lòng cao thượng của kẻ thù cũ, cũng là đáng ngờ về mặt đạo đức. Với Dumas đó là một hành vi phù hợp với sự ăn năn. Tuy nhiên trong tập đầu của bộ truyện, khi lập mưu giết Buckingham và hạ bệ nữ hoàng Anne nước Áo, hoặc khi trao toàn quyền hành động cho nàng Milady nguy hiểm, hồng y giáo chủ Richelieu luôn là hiện thân của kẻ ác hoàn hảo. Đức hồng y với d’Artagnan cũng như hoàng thân Gonzaga đối với Lagardère hay Giáo sư Moriarty với Sherlock Holmes. Là một thực thể ma quỷ và bí ẩn.”
Corso coi bộ muốn ngắt lời tôi, thật kỳ cục. Tôi đang dần dần hiểu gã hơn, gã có đặc điểm là không bao giờ ngắt lời người đối thoại chừng nào thông tin chưa được chuyển giao trọn vẹn, chừng nào chi tiết cuối cùng chưa được phun ra.
“Ông đã hai lần dùng từ ma quỷ,” gã nói và xem lại phần ghi chép. “Và cả hai lần đều là với Richelieu. Có phải ông ta là người say mê các trò huyền bí không?”
Câu hỏi của gã gây hiệu quả kỳ lạ. Cô gái trẻ quay lại tò mò nhìn Corso. Gã nhìn tôi, tôi lại nhìn cô gái. Gã chờ câu trả lời của tôi, không biết gì về cái tam giác khác thường này.
“Richelieu hứng thú với khá nhiều thứ,” tôi giải thích. “Ngoài việc biến nước Pháp thành một siêu cường, ông ta còn dành thời gian sưu tập tranh, tượng, thảm và đồ sứ. Ông ta cũng là một nhà sưu tầm sách lớn. Ông ta đóng sách thành tập bằng da dê và da Marốc màu đỏ…”
“Và còn có những thứ vũ khí bằng bạc và ba góc đỏ trên gia huy,” Corso ra hiệu tỏ vẻ sốt ruột. Những thông tin này rất vụn vặt, gã không cần tôi phải nói. “Có một catalô rất nổi tiếng của Richelieu.”
“Cuốn catalô đó không toàn vẹn, bởi vì bộ sưu tập đã tan nát. Hiện giờ chúng nằm rải rác ở thư viện Quốc gia Pháp, thư viện Mazazin và trường Sorbonne, những cuốn sách khác thì thuộc sở hữu tư nhân. Ông ta có những bản thảo viết tay bằng tiếng Do Thái cổ và tiếng Syria, những tác phẩm quý trong lĩnh vực toán học, y học, thần học, luật và lịch sử… Và ông nói đúng. Nhiều học giả đã rất ngạc nhiên khi phát hiện những văn bản cổ về huyền học, từ phép cabbala của dân Do Thái cho tới ma thuật.”
Corso lặng lẽ chịu đựng ánh mắt tôi. Gã có vẻ thật căng thẳng, giống như sợi dây cung sắp bật.
“Không có cuốn sách nào đặc biệt ư?”
Tôi lắc đầu trước khi trả lời. Thái độ cố chấp của gã khiến tôi tò mò. Cô gái chăm chú lắng nghe, nhưng rõ ràng là cô không còn tập trung chú ý vào tôi nữa. Tôi nói, “Thông tin tôi có về Richelieu trong vai trò của một nhân vật của một bộ truyện nhiều tập không đi xa đến thế.”
“Thế còn Dumas? Ông ta cũng hứng thú với những trò huyền bí à?”
Đến đây, tôi nhấn mạnh:
“Không, Dumas là một người đàng hoàng, làm mọi việc giữa thanh thiên bạch nhật, gây niềm thích thú lớn lao và gây sốc cho tất cả mọi người xung quanh. Ông cũng có đôi chút mê tín. Ông tin vào ác nhãn[6], gắn một tấm bùa hộ mệnh trên dây đeo đồng hồ và tin theo lời đoán mệnh của Madame Desbarolles. Nhưng tôi không nghĩ là ông thực hành ma thuật trong phòng kín. Thậm chí ông còn không phải là hội viên hội Tam Điểm, như ông từng thú nhận trong Thế kỷ của Louis XV. Ông mắc nợ và bị các nhà xuất bản cũng như chủ nợ săn lùng – những chuyện như vậy đủ khiến ông quá bận bịu rồi. Có lẽ khi tìm cách sáng tạo nhân vật, ông đã nghiên cứu chủ đề này, nhưng chưa bao giờ đi quá sâu. Tôi tin rằng tất cả những hoạt động của hội Tam Điểm mô tả trong Joseph Balsam và Người Mohican ở Paris được ông lấy ra trực tiếp từ cuốn Lịch sử huy hoàng của hội Tam Điểm của Clavel.”
[6] Evil eye: ác nhãn, ma thuật ở phương Tây, người ta tin là có thể gây tổn thương hay bất hạnh cho người.
“Còn Adah Menken thì sao?”
Tôi nhìn Corso kính nể. Đúng là câu hỏi của một bậc thầy.
“Đó là chuyện khác. Adah-Isaacs Menken, người tình cuối cùng của ông, là một nữ diễn viên Mỹ. trong Hội chợ triển lãm 1867[7], khi xem vở Những tên cướp biển ở Savannah, Dumas để ý một thiếu phụ trẻ đẹp bám theo con ngựa đang phi nhanh trên sân khấu. Cô gái này túm chặt lấy nhà văn khi ông rời rạp hát rồi nói huỵch toẹt rằng cô đã đọc tất cả sách của ông và sẵn sàng lên giường ngay lập tức với ông. Ông già Dumas không cần nhiều đến thế để say đắm một người đàn bà, vậy nên ông chấp nhận ngay sự dâng hiến của cô. Cô ta khẳng định từng là vợ của một triệu phú, người tình của quốc vương, phu nhân một vị tướng… Trên thực tế cô ta là người Do Thái Bồ Đào Nha sinh ở Mỹ và là người tình của một người đàn ông kỳ dị vừa là kẻ dẫn gái vừa là võ sĩ quyền Anh. Quan hệ của cô ta với Dumas gây nên một vụ tai tiếng lớn, vì Menken thích được chụp ảnh trong những bộ quần áo bó chẽn và thường xuyên qua lại số nhà 107 phố Malesherbes, ngôi nhà cuối cùng của Dumas ở Paris. Cô ta chết vì chứng viêm màng bụng sau một cú ngã ngựa ở tuổi ba mươi mốt.”
[7] Hội chợ triển lãm tổ chức do ý nguyện của Napoléon III ở Paris năm 1867. Là hội chợ lớn nhất trên thế giới tính từ thời điểm đó trở về trước.
“Cô ta có hứng thú với ma pháp không?”
“Thấy nói vậy. Cô ta thích có mặt ở những buổi lễ nơi cô ta mặc áo khoác hở tay lưng chẽn, đốt hương dâng lễ cho chúa tể của bóng đêm… Đôi khi cô ta cầu được Satan chiếm hữu, bằng những cử chỉ điệu bộ mà ngày nay ta phải dùng từ khiêu dâm để miêu tả. Tôi tin rằng ông già Dumas chẳng tin một chút nào chuyện đó, nhưng ông hứng thú với toàn bộ trò diễn này. Có vẻ như khi Menken bị ác ma chiếm hữu, cô ta trở nên hết sức nồng nhiệt ở trên giường.”
Có tiếng cười quanh bàn. Thậm chí tôi tự cho phép khẽ mỉm cười, nhưng cô gái và Corso vẫn nghiêm trang. Cô gái có vẻ suy tư, đôi mắt nhạt màu chăm chú nhìn Corso khi gã chậm rãi gật đầu, mặc dù lúc này có vẻ như gã đang lơ đãng và xa xăm. Gã nhìn ra phố xá ngoài cửa sổ như đang tìm kiếm trong bóng đêm, giữa dòng đèn pha ô tô lặng lẽ phản chiếu trên đôi mắt kính gã đeo, tìm cái từ thất lạc, chìa khóa để hợp nhất toàn bộ những sự kiện khác biệt đang bềnh bồng trôi nổi như những chiếc lá chết trong đại dương thời gian tối sẫm.
***
Lúc này một lần nữa tôi lại lùi vào hậu cảnh, giống như người tường thuật gần như gì cũng biết về những câu chuyện phiêu lưu của Corso. Bằng cách này, với thông tin sau đó Corso tiết lộ với tôi, những sự kiện bi thảm tiếp theo có thể được sắp xếp theo một trình tự nào đó. Vì vậy chúng ta tới với thời điểm mà, khi trở về nhà, gã gặp người gác cổng vừa quét dọn xong hành lang và sắp sửa ra về. Gã đi ngang qua khi người này mang mấy thùng rác từ tầng hầm lên.
“Chiều nay người ta có tới sửa ti vi cho ông, ông Corso.”
Corso đã đọc đủ số sách và xem đủ phim để hiểu điều đó có nghĩa gì. Vì vậy gã không khỏi phì cười, khiến người gác cổng ngạc nhiên.
“Đã từ lâu rồi tôi không có ti vi.”
Người gác cổng tuôn ra một chuỗi lời lúng búng xin lỗi nhưng Corso hầu như không để ý. Đúng là khởi đầu của lời dự báo đáng ngạc nhiên. Bởi vì đây là chuyện những cuốn sách, gã phải tiếp cận vấn đề như một người đọc sáng suốt, biết phê phán, không giống như người hùng trong tiểu thuyết ba xu, mặc dù có kẻ đang cố sao cho gã trở thành người hùng trong tiểu thuyết ba xu. Cũng không phải là gã không được quyền lựa chọn: bản chất gã là lãnh đạm và hoài nghi. Không phải là hạng người yếu đuối chỉ biết hoảng hốt kêu than, “Ồ không!”
“Tôi hy vọng tôi không làm cái gì sai, thưa ông Corso.”
“Không hề gì. Người thợ sửa chữa có nước da đen, đúng không? Anh ta có ria và vết sẹo trên mặt?”
“Đúng vậy.”
“Đừng lo. Anh ta là bạn tôi. Anh ta thích đùa.”
Người gác cổng thở phào nhẹ nhõm. “Tôi thật nhẹ cả người, ông Corso.”
Corso không lo gì về Chín cánh cửa hay bản thảo của Dumas. Khi gã không mang chúng theo trong cái túi vải buồm, gã để chúng trong két an toàn ở quán bar Makarova. Đấy là nơi an toàn nhất để cất đồ. Thành thử gã điềm nhiên leo lên cầu thang, cố gắng hình dung cảnh tượng mình sắp thấy. Bây giờ gã đã thành cái thứ mà một số người gọi là độc giả cấp hai, gã sẽ thất vọng nếu như gặp phải một màn kịch được dàn dựng theo khuôn sáo cũ rích. Gã nhẹ người khi mở cửa ra. Không thấy giấy tờ vương vãi trên sàn, không thấy những ngăn kéo mở tung, thậm chí không thấy những vết rạch trên mấy ghế tựa. Tất cả vẫn ngăn nắp như khi gã ra khỏi nhà chiều hôm trước.
Gã bước tới bàn làm việc. Mấy hộp đĩa mềm vẫn ở chỗ cũ, giấy tờ tài liệu vẫn ở trên khay đúng như gã còn nhớ. Người đàn ông mặt sẹo, Rochefort hay bất kỳ thằng khốn nào dứt khoát là đã thành công. Nhưng mọi cái đều có giới hạn. Khi bật máy tính lên, Corso mỉm cười đắc thắng.
DAGMAR PC 555K (S1) ELECTRONIC PLC
LAST USED AT 19:35/THU/3/21
A> ECHO OFF
A>
Sử dụng lúc 19:35, màn hình báo. Nhưng Corso không mó vào máy tính suốt hai mươi tư giờ qua. Lúc 19:35 gã ngồi với bọn tôi ở quán cà phê, trong khi cha mặt sẹo đàng hoàng có mặt trong căn hộ của gã.
Corso thấy một thứ mà lúc đầu gã không nhận ra, nằm bên máy điện thoại. Nó hẳn không tình cờ được đặt ở đấy, trừ phi do sự thiếu thận trọng của vị khách bí ẩn. Trong gạt tàn, giữa đám đầu mẩu do chính Corso để lại, gã tìm được một đầu mẩu thuốc còn mới không phải của chính mình. Đó là một điếu xì gà Havana đã cháy gần hết, nhưng dải băng vẫn còn nguyên vẹn. Gã nhấc nó lên. Không tin được. Rồi, từ từ, khi hiểu ra, gã cười to, răng cửa nhe ra như một con sói đói tức giận và hiểm ác.
Nhãn hiệu Montecristo. Đương nhiên.
***
Flavio La Ponte cũng có khách tới thăm. Một tay thợ ống nước.
“Chẳng có gì đáng cười, mẹ kiếp,” hắn nói thay cho lời chào. Hắn đợi Makarova rót gin rồi trút hết mọi thứ trong cái gói giấy bóng kính nhỏ lên mặt quầy. Cái đầu mẩu điếu xì gà giống hệt, và dải băng cũng y nguyên.
“Edmond Dantès lại tấn công.” Corso nói.
La Ponte không làm sao nắm được tinh thần của câu chuyện. “Ui cha, hắn hút xì gà đắt tiền, đồ con hoang.” Tay hắn run rẩy, làm đổ cả rượu gin ra bộ ria xoắn màu vàng. “Tôi thấy nó trên cái bàn đầu giường.”
Corso chọc hắn. “Cậu phải cầm các thứ cho chắc, Flavio. Cứng rắn lên.” Gã vỗ nhẹ lên vai hắn. “Hãy nhớ đến câu lạc bộ Những người phóng lao Nantucket.”
La Ponte nhăn mặt xua tay. “Hồi xưa tôi cứng rắn, cho đến lúc tám tuổi. Sau đấy tôi hiểu sống sót vẫn tốt hơn, tôi liền mềm đi.”
Corso dẫn Shakespeare giữa những ngụm rượu gin. Một thằng hèn chết một ngàn lần và gì gì đấy. Nhưng La Ponte không định bảo đảm mạng sống của mình với một đoạn trích. Ít nhất cũng không theo kiểu đó.
“Tôi không sợ, thật đấy,” hắn trầm ngâm nói, mắt cụp xuống. “Tôi chỉ lo mất gì đấy… ví dụ như tiền. Hoặc sức mạnh nam tính kỳ diệu của tôi. Hoặc là mạng sống.”
Đó là những lý lẽ rất nặng cân, và Corso phải thừa nhận rằng sự việc có thể sẽ tiến triển không hay ho gì. La Ponte thêm vào những manh mối khác: khách hàng kỳ lạ muốn mua bản thảo của Dumas với bất cứ giá nào, những cú điện thoại bí ẩn trong đêm…
Corso quan tâm hỏi, “Cậu nhận được những cuộc gọi lúc nửa đêm ư?”
“Phải, nhưng họ không nói gì. Vài giây im lặng, rồi họ gác máy.”
Trong khi La Ponte thuật lại những rủi ro của mình, Corso sờ soạng cái túi vải buồm gã vừa lấy lại ban nãy. Makarova để nó dưới quầy hàng suốt ngày, giữa những hộp chai và thùng đựng bia.
“Tôi không biết phải làm gì nữa,” La Ponte kết luận đầy bi quan.
“Sao cậu không bán quách bản thảo đi cho rồi? Sự việc đã ra ngoài tầm tay.”
La Ponte lắc đầu rồi kêu thêm rượu gin. Một suất đúp.
“Tôi đã hứa với Enrique Taillefer là sẽ bán công khai bản thảo.”
“Taillefer chết rồi. Với lại, cậu có bao giờ giữ lời hứa đâu.”
La Ponte ủ rũ gật đầu, như thể hắn không nguyện ý nhắc lại nữa. Chợt hắn tươi tỉnh hẳn, một chút ngỡ ngàng thoáng hiện trên bộ ra. Miễn cưỡng có thể coi đó là một nụ cười.
“Tiện thể anh đoán coi xem ai gọi?”
“Milady.”
“Gần đúng. Liana Taillefer.”
Corso chán nản nhìn tên bạn. Rồi gã làm một hơi dài cạn ly. “Cậu biết không, Flavio?” Gã hỏi và lấy mu bàn tay quệt miệng. “Đôi khi tôi tưởng như mình đã đọc cuốn sách từ trước rồi.”
La Ponte lại cau mặt.
“Ả muốn lấy lại Rượu vang Anjou,” hắn giải thích. “Cứ như thế, chả cần chứng thực gì hết…” Hắn uống một ngụm, rồi ngập ngừng nhìn Corso cười. “Chẳng lạ lắm sao, bỗng dưng lại quan tâm thế?”
“Cậu nói gì với cô ta?”
La Ponte nhướng mày. “Rằng nó không ở trong tay tôi. Rằng anh giữ bản thảo và tôi đã ký hợp đồng với anh.”
“Thế là dối trá. Chúng ta chẳng ký cái gì hết.”
“Đương nhiên là dối trá. Nhưng như vậy mọi chuyện sẽ trút hết lên đầu anh nếu sự việc xấu đi. Và thế không có nghĩa là tôi không thể cân nhắc những mời chào. Rồi một chiều nào đấy tôi sẽ đi ăn tối với bà góa xinh đẹp. Để bàn công việc. Tôi là một thợ săn cá voi táo bạo mà.”
“Cậu chẳng phải là thợ săn cái cóc gì hết. Một thằng con hoang bẩn thỉu dối trá mà thôi.”
“Phải. Nước Anh sinh ra tôi, lão bợm già Graham Greene đã nói thế. Ở trường tôi có biệt danh là Không phải tôi… Tôi đã kể với anh bằng cách nào tôi qua được môn toán chưa nhỉ?” Hắn nhướng mày lần nữa, âu yếm nhớ lại những kỷ niệm xưa. “Tôi sinh ra đã là kẻ dối trá mà.”
“Được rồi, cẩn thận với Liana Taillefer đấy.”
“Tại sao?” La Ponte say sưa ngắm mình trong cái gương ở quầy bar. Miệng cười dâm đãng. “Tôi đã chuẩn bị những trò rất hot cho người đàn bà này kể từ lúc bắt đầu mang những cuốn truyện nhiều kỳ tới cho lão chồng. Ả chơi với đủ hạng người.”
“Phải rồi. Đủ mọi hạng xoàng xoàng.”
“Anh ác cảm với cô ta à?”
“Sẽ còn có trò lạ xảy ra.”
“Với tôi thế lại hay, nếu trò đó dính dáng tới một nàng tóc vàng xinh đẹp.”
Corso lấy ngón tay gõ gõ lên cái nút thắt cà vạt của La Ponte. “Nghe đây đồ ngốc. Trong truyện trinh thám, bạn của nhân vật chính thường mất mạng. Cậu không thấy sao? Đây là một truyện trinh thám, và cậu là bạn tôi.” Gã nháy mắt với hắn để nhấn mạnh. “Và như vậy cậu sẽ toi đời.”
Khăng khăng bám chặt vào giấc mơ về người đàn bà góa, La Ponte chẳng hề phát hoảng. “Ồ, cứ thử coi. Tôi còn chưa bao giờ trúng mánh nào cho ra hồn. Dù gì tôi cũng từng bảo anh là tôi dự định sẽ nhận một viên đạn vào vai.”
“Nghiêm túc đấy. Taillefer đã chết.”
“Lão tự sát.”
“Ai biết được? Sẽ còn có thêm người chết.”
“Đồ chết tiệt, anh làm tôi mất cả hứng.”
Từ đó cho đến hết buổi tối câu chuyện vẫn xoay quanh chủ để ấy. Họ ra về sau năm hay sáu chầu rượu và thỏa thuận sẽ nói chuyện qua điện thoại khi Corso tới Bồ Đào Nha. La Ponte loạng choạng bỏ đi quên trả tiền, nhưng vẫn nhớ đưa đầu mẩu xì gà cho Corso. “Giờ thì anh có cả cặp rồi nhé,” hắn nói với Corso.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!