Trùm Gangster Al Capone - phần 05
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Trùm Gangster Al Capone


phần 05



Phần 5

Được hưởng trọn “đế chế” của Torrio, Al Capone trở thành kẻ thống trị thế giới ngầm Chicago. “Lên ngôi” mới, hắn chuyển trụ sở tới khách sạn Métropole, một khu nhà sang trọng gồm 5 phần lớn với giá thuê 1.500 USD/ngày.

Mối quan hệ bạn bè với chủ bút Harry Read làm Al hiểu rằng nếu muốn thành công hơn nữa trong làm ăn, hắn phải thực sự trở thành một người quan trọng trong con mắt mọi người. Read khuyên Al tham gia các hoạt động xã hội công khai và tỏ ra thật “dễ thương” trước công luận. Kể từ đó, hắn xuất hiện thường xuyên ở các buổi biểu diễn Opera, tại những buổi tiếp tân long trọng và những dạ hội từ thiện. Vui vẻ, hào phóng, thành đạt, luôn giúp đỡ người nghèo…, tất cả giúp Al trở thành người có uy tín trong cộng đồng.

Tuy nhiên, có mặt thường xuyên trên mặt báo mới chỉ là một nửa công việc. Phần thứ hai là phải có ảnh hưởng về mặt chính trị. Vì lý do đó mà hầu như ngày nào, Capone cũng tới nơi hội đồng thành phố họp. Hắn dùng quyền lực đen của mình để làm những việc chứng tỏ mình lúc nào cũng sẵn sàng thực thi công việc mà cộng đồng giao phó.

Những việc như hắn làm kể trên không phải là điều hay xảy ra trong thế giới ngầm, nơi những tên tội phạm phải ẩn náu trốn tránh dư luận.

Tháng 12/1925, Al tới New York và gặp lại ông chủ cũ của mình, Frankie Yale, để bàn công việc. Chúng bàn thảo về việc buôn bán whisky nhập lậu từ Canada vào Mỹ. Lúc đó, Yale nhập whisky về New York dễ hơn nhiều so với việc Capone nhập rượu về Chicago. Cả hai đồng ý để Capone lo việc vận tải tới Chicago.

Yale mời Al tới dự lễ Noel tại một Câu lạc bộ khá sang trọng tại Brooklyn. Nhưng khi biết bữa tiệc đó sẽ bị một tên gangster khác tên là “Peg-Leg” Lonergan phá quấy, Yale đổi ý. Song Capone vẫn khăng khăng tới đó như đã định, vì hắn đã chuẩn bị đầy đủ. Và thực tế diễn ra đúng như vậy, Lonergan và thuộc hạ có mặt tại nhà hàng từ 3 giờ sáng, lộ rõ mặt gây sự. Nhưng chưa kịp rút súng thì đã bị Capone bắn chết ngay tại chỗ.

Vụ tàn sát chỉ là một phần của trò chơi mới. Đó là cách gangster Chicago thể hiện trước các đồng nghiệp New York, rằng Chicago là thủ đô của xã hội đen, còn New York, chỉ là vùng phụ cận nhỏ bé.

Đầu năm 1925, Capone trở lại Chicago. Lúc đó hắn đã là một ông trùm thực thụ, “ghi công” trong lịch sử tội phạm nước Mỹ bằng việc sáng tạo ra những cách nhập khẩu rượu lậu mới. Những thanh thiếu niên thích phiêu lưu, kiếm tiền đều có thể đạt được mong muốn của mình khi làm đại lý bán lẻ rượu lậu cho Al Capone.

Vòng hào quang trên đầu Capone vụt tắt vào mùa xuân năm 1926. Ngày 27/4, Billy McSwiggin, luật sư đã từng buộc tội Capone vào năm 1924 về tội giết Joe Howard, cùng trùm rượu lậu Jim Doherty đi uống rượu và đánh bạc. Xe của Doherty bị hỏng và họ phải lên xe của “Klondike” O’Donnell, một tên bán rượu lậu khác, kẻ thù của Capone. Cả bốn người quyết định tới quán rượu ở Cicero cùng anh trai của Klondike tên là Myles O’Donnell. Bar rượu này gần Hawthorne, nơi Capone đang ăn sáng.

Việc O’Donnell đi dạo quanh Cicero quả là một sự sỉ nhục với Capone vì đây là địa phận của hắn. Và hắn quyết định rửa nhục. Thuộc hạ của Al ngồi trong xe đợi bốn người ra khỏi quán. Các khẩu súng xả đạn, McSwiggin và Doherty chết tại chỗ.

Capone rất dại dột khi làm việc đó. Đúng là McSwiggin chết cùng với những tên bán rượu lậu, nhưng công chúng tỏ ra rất thông cảm với anh. Vậy là cả thành phố dấy lên một phong trào chống lại Capone.

Giới tội phạm Chicago biết rõ Al Capone là người có trách nhiệm trong vụ này, song cảnh sát không tìm được chứng cứ nào có thể kết tội hắn. Họ chỉ còn cách trả đũa Al bằng những cuộc truy quét các nhà chứa và quán rượu.

Capone biến mất. Gần 300 thám tử tham gia tìm kiếm hắn trên toàn nước Mỹ, tại Canada và cả ở Italy. Thực tế là Capone đã tìm ra chỗ ẩn nấp với một người bạn tại Chicago và sau đó ở chỗ một người bạn khác tại Michigan.

3 tháng hè trôi qua mà không có tin tức gì đáng kể về Al. Người ta bắt đầu nhìn hắn bằng con mắt khác: hắn không chỉ là một gangster đã thành công mà còn là nhà tài trợ hào phóng của cộng đồng Italy, một người chuyên làm phúc cho người khác. Những hoạt động bất hợp pháp giúp cho hàng nghìn người có việc làm, trong số đó có nhiều người Italy nhập cư. Dù phần lớn việc cứu trợ người nghèo của Al có nguồn gốc từ sự tự mãn cá nhân, song thực sự Capone đã có công phần nào đó trong việc đóng góp cho phúc lợi xã hội ở cộng đồng nơi hắn sinh sống. Thêm vào đó, thực sự hắn đã nghĩ tới chuyện “về hưu”, từ bỏ thế giới tội phạm đầy bạo lực giết chóc.

Biết rằng không thể lẩn trốn mãi, Capone lên một kế hoạch khá nguy hiểm. Hắn quyết định thảo luận việc ra đầu thú với cảnh sát Chicago. Đó là bước đầu tiên trong để quay về cuộc sống lương thiện mà hắn thèm muốn. Sau đó hắn sẽ tìm cách bác bỏ lời cáo buộc về sự dính líu trong các vụ giết người. Hắn sẽ dùng số tiền khổng lồ tích cóp được để mua chuộc, dụ dỗ những nhân viên của bộ máy pháp lý. Và cuối cùng khi trắng án, hắn sẽ trở thành người anh hùng của cộng đồng người Italia nhập cư.

Ngày 28/7/1926, Capone quyết định ra đầu thú để trả lời các câu hỏi về cái chết của McSwiggin. Đó là một quyết định khôn ngoan vì cho tới lúc đó, cảnh sát vẫn chưa có chứng cứ nào để kết tội hắn. Sau tất cả những áp lực mà cộng đồng dân cư – những người mang ơn hắn, và nỗ lực của các quan chức cảnh sát bị mua chuộc, Capone được tự do.

Trong vai mới của kẻ kiến tạo hoà bình, hắn tìm cách nối quan hệ với Hymie Weiss, dù rằng tên này đã từng có âm mưu ám sát hắn. Al đề nghị dành cho Hymie một phần thị trường béo bở để đổi lại sự yên bình và an toàn cho bản thân mình. Nhưng Weiss từ chối lời đề nghị hấp dẫn đó. Hôm sau, Weiss bị bắn hạ khi mới có 28 tuổi.

Người dân tại Chicago đã chán ngấy các vụ bạo lực giữa các băng nhóm tội phạm, và thông tin của báo chí càng làm họ rất công phẫn. Thấy trước tình huống này, Capone tổ chức một “hội nghị hoà bình” giữa những kẻ chuyên buôn bán rượu lậu. Hắn đề nghị giảm bớt căng thẳng giữa các băng nhóm và chấm dứt dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Hắn nói: “Có quá nhiều việc để chúng ta làm thay vì cứ giết lẫn nhau như những con vật. Tôi không muốn chết gục trên vỉa hè, người dính toàn đạn”. Và hắn đã thành công, cuộc họp kết thúc với việc thành lập một ban điều hành chung cho những tên tội phạm. Có hai điểm nêu ra trong “cương lĩnh” của lũ kẻ cướp: Thứ nhất, sẽ không có các vụ bắn giết nữa, và thứ hai, không được phép trả thù cho những tên gangster đã chết. Trong suốt 2 tháng sau hội nghị, những băng nhóm tại Chicago đã biết giữ lời, không có thêm xác chết nào trên đường phố.

Mọi chuyện ổn định cho tới tháng 1/1927, khi người ta tìm thấy xác của Theodore Anton, biệt danh “Tony-Hy lạp”, bạn thân nhất của Capone. Cái chết gây cho Al cảm giác bất ổn. Hắn hiểu đã đến lúc phải “rửa tay gác kiếm”. Hắn mời một nhóm nhà báo tới dùng bữa tối tại một nhà hàng để thông báo với họ quyết định của mình. Al thật sự nghiêm túc hay là đang diễn trò? Không ai biết chắc câu trả lời. Người ta đoán hắn không muốn chết với một viên đạn ghim vào đầu, nhưng sự khao khát quyền lực và phiêu lưu của hắn đã khiến cho quyết định trên bị lùi lại rất lâu trong thực tế.

Thị trưởng Chicago Denver bất lực trước nạn tội phạm. Trong lúc đó, nhờ sự hậu thuẫn của nhiều vị tai to mặt lớn trong giới tội phạm, “Big Bill” Thompson giành lại được chiếc ghế thị trưởng trong cuộc bầu cử năm 1927. Người dân lương thiện lo rằng cả thành phố sẽ mãi mãi là trong vòng kiểm tỏa của bọn gangster.

Năm 1927, Toà án Tối cao Mỹ quyết định đánh thuế và truy thu với trùm rượu lậu Manny Sullivan. Điều luật mang tên hắn được chính quyền liên bang đưa ra tạo điều kiện cho cảnh sát, cụ thể là thám tử Elmer Irey, theo dõi và điều tra mọi hoạt động kinh doanh của Al Capone.

Không hề biết, và cũng chẳng thèm quan tâm tới “đồng nghiệp” Manny Sulivan cũng như đối thủ Elmer Irey, Capone đã lấy lại được sự tự tin thường ngày. Hắn giải trí với hai sở thích là âm nhạc và đấm bốc, rồi trở thành bạn của nhà vô địch quyền anh thế giới Jack Dempsey. Nhưng mối quan hệ của họ được giữ trong vòng bí mật bởi có những cuộc đấu được dàn xếp mà cả hai dính vào. Al rất thích nhạc Jazz. Cùng lúc khai trương quán nhạc Jazz Câu lạc bộ Cotton tại Cicero, Al trở thành người sản xuất. Hắn phát hiện và tham gia đào tạo cho hàng loạt ca sĩ nhạc Jazz da đen nổi tiếng trong thời kỳ đó. Khác với những tên gangster cùng thế hệ khác, Al là người không phân biệt chủng tộc và hắn rất được các nhạc sĩ người da màu kính trọng. Capone luôn tỏ ra hào phóng với mọi người làm việc cho mình, không kể màu da.

Hắn không bao giờ áp bức, hành hạ hay đánh đập người khác, mặc dù luôn đe doạ sử dụng các hình phạt khốc liệt. Hắn chủ yếu khơi dậy niềm hứng khởi ở tay chân mình. Khi làm được điều đó, hắn có được sự trung thành của họ. Với hắn, sự trung thành của đàn em là điều quan trọng, cốt yếu nhất trong việc duy trì sự trị vì của mình. Hắn luôn thích nghe lời tuyên bố hắn là bạn của họ, vì như thế có nghĩa là người nói câu đó không coi thường những việc làm và tiếng tăm nhơ nhớp của hắn.

Al Capone từng phát biểu với giới báo chí: “Phục vụ công chúng luôn là mục tiêu của tôi. Có tới gần 90% dân Chicago suốt ngày chơi đùa và uống rượu. Tôi cố gắng cung cấp cho họ đủ số rượu chất lượng cao và những trò chơi vui vẻ. Trong khi đó, tôi lại không được coi trọng chỉ vì tôi giàu có”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN