Những chiếc đồng hồ treo tường - Chương 06
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
138


Những chiếc đồng hồ treo tường


Chương 06



LỜI KỂ CỬA COLIN

Hôm ấy tôi và Hardcastle ngồi ăn món thịt bò rán tái, uống với bia, anh ta thở một hơi dài khoan khoái, nói rằng anh ta thấy trong người hết sức dễ chịu.

– Quẳng những lão nhân viên bảo hiểm đi, những chiếc đồng hồ treo tương quái quỷ, và cả mấy cô gái nửa điên nửa khùng ấy đi! Colin này, mình cứ nghĩ cậu làm nghề sinh học biển, lẽ ra lúc này cậu được lang thang trên những bờ biển xa lắc, vậy mà bây giờ cậu chúi mũi ở cái thị trấn Crowdean bụi bậm này. Theo mình hiểu thì nơi này chẳng có gì hay ho ột nhà nghiên cứu sinh học biển như cậu.

– Thôi đi, anh bạn! Cậu đừng trêu chọc mình nữa. Sinh học biển là một nghề hết sức có ích. Làm cái nghề ấy không bao giờ phải tìm lời giải đáp cho những kẻ lắm chuyện. Cậu hiểu chưa?

– Vậy tại sao cậu lại dính vào những chuyện này?

Tôi bực mình đáp:

– Cậu quên rằng mình đã giật được tấm bằng của trường Đại học Cambridge, tuy không phải hạng ưu, nhưng cũng vấn là một tấm bằng tốt nghiệp. Môn sinh học biển. Cậu yên tâm, nhất định sẽ có ngày mình quay lại cái nghề ấy.

– Mình tin chứ. Có điều hiện giờ cậu lại bỏ rơi nó. Mình có theo dõi công việc của cậu đấy chứ. Xin tỏ lời khen cậu về vụ thằng cha Larkin. Hình như tháng tới sẽ xử phải không nhỉ?

– Đúng thế.

– Phải công nhận thằng cha ranh ma. Cái cách hắn chuyển tài liệu thật tài tình. Bao nhiêu lâu mà không bị phát hiện. Không một lần nào, đúng thế không nhỉ?

– Đúng thế, Một lần người ta tóm một thằng, nhưng lại tóm sai. Cuối cùng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm chính thức.

– Phải công nhận hắn rất ranh ma, ranh ma đến mức quái đản. – Hardcastle nói.

– Không đến nỗi như thế đâu. Chỉ đơn giản là hắn thi hành mệnh lệnh của người khác. Hắn có điều kiện được tự do tiếp cận với những tài liệu tối mật, thế là hắn lén lút đem ra ngoài, thuê người chụp lại, rồi đem bản gốc đặt vào chỗ cũ. Hắn làm rất khéo. Mỗi hôm hắn đi ăn trưa ở một nhà hàng khác nhau. Lúc gửi áo ngoài, hắn treo bên cạnh một cái áo giống hệt như áo hắn, nhưng của người khác. Lúc ăn xong, đi ra, hắn chỉ cần lấy chiếc áo bên cạnh, để áo của hắn cho tên đồng bọn mặc. Hai đứa không cần nói với nhau một câu, vậy mà chuyển xong được tài liệu cho nhau. Cách chuyển tài liệu đó nghe tưởng đơn giản, nhưng phải chính xác đến từng giây đồng hồ. Muốn dùng cái trò đó phải có một khối óc cực kỳ thông minh. Mình đang tìm hiểu mạng lưới tổ chức của bọn chúng.

– Hẳn nào mình thấy cậu vẫn lang thang ngoài cảng Portlebury.

– Đúng thế. Cậu thừa biết tại khu vực này có hai điểm mấu chốt: Cảng Portlebury và thủ đô London. Bọn mình đã biết nơi thằng cha Larkin nhận tiền thù lao rồi. Đó là một vị trí nằm giữa hai điểm ấy. Nhưng hiện nay vẫn còn một đầu mối bọn mình chưa tìm ra. Mà đây mới là khâu chính yếu. Mọi mệnh lệnh là từ khâu đó phát ra. Nói cách khác, còn một điểm X, mọi mưu mô đánh lạc hướng đều từ đó mà ra. Không phải chỉ một lần, mà chúng sử dụng ít ra cũng bảy tám lần rồi.

– Nhưng tại sao thằng cha Larkin nhận làm cái trò ấy? – Hardcastle tò mò hỏi. – Hắn có lý tưởng nào không? Hay hắn thích mạo hiểm? Hay vì tiền?

– Thằng cha ấy làm gì có lý tưởng, – tôi đáp. – Hắn chỉ vì tiền, có vậy thôi.

– Thế thì tại sao các cậu không phát hiện ra được nó sớm hơn? Có tiền, tất hắn phải tiêu sài chứ? Hay hắn kiếm tiền để dành?

– Không đâu. Hắn tiêu như phá. Vì thế bọn mình đã chú ý đến hắn từ lâu rồi, nhưng vẫn tiếp tục theo dõi, không để hắn biết.

Hardcastle gật đầu:

– Mình hiểu. Cậu tìm ra được hắn, nhưng vẫn để hắn tiếp tục một thời gian, đúng thế không?

– Đúng một phần. Hắn đã chuyển được một số tài liệu tối mật, nhưng từ khi mình khám phá ra, bọn mình vẫn để hắn tiếp tục, hắn đinh ninh những tài liệu sau này là quý, thật ra chỉ là tài liệu vớ vẩn. Bên chỗ mình rất hay dùng phương pháp đó: để cho thủ phạm yên tâm là chưa bị phát hiện… tiếp tục hoạt động. Khi đó ta mới theo dõi, tìm ra mạng lưới tổ chức của chúng.

Hardcastle trầm ngâm nói:

– Loại công việc như của cậu, mình không thú tí nào, Colin!

– Tất nhiên là không hấp dẫn như nhiều người tưởng, – tôi nói. – Thậm chí nhiều lúc rất đơn điệu ấy chứ.

Hardcastle chăm chú nhìn tôi.

– Cậu lảng vảng ỏ Cảng Portlebury thì mình hiểu được. Nhưng tại sao cậu lại lảng vảng ở đây, tại cái thị trấn Crowdean này? Cách xa đó đến chục dặm ấy chứ.

– Để tìm những cái lưỡi liềm.

– Lưỡi liềm?

– Đúng thế. Nói chính xác hơn, thì là những vầng trăng lưỡi liềm. Thoạt đầu mình tìm ở cảng Portlebury. Tại đấy có một nhà hàng tên là Trăng Lưỡi Liềm! Mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức, vậy mà công cốc. Rồi mình mò đến các nhà hàng, quán rượu nào có tên dính đến trăng lưõi liềm, thí dụ các nhà hàng Trăng và Sao, Trăng tròn, v.v. vẫn chẳng thấy gì. Mất bao nhiêu công, bởi ngoài Cảng rất nhiều nơi có tên dính líu đến mặt trăng.

Thấy bộ mặt ngơ ngác của Hardcastle, tôi phá lên cười. Anh ta chưa hiểu tại sao tôi lại nói đến” Lưỡi Liềm”, đến “Mặt Trăng” ở đây.

Tôi bèn mở cặp, lấy ra một tờ giấy viết thư có tiêu đề của một khách sạn, chìa cho anh ta xem. Trên tờ giấy vẽ một hình rất to như sau:

Khách sạn

BARRINGTON

LONDON – Quận Tây

– Mình thấy mảnh giấy này trong chiếc cặp của Hangury, một cậu trinh sát loại cực kỳ thông minh và năng nổ. Cậu ta bị một xe ô tô húc, nhưng không kịp nhìn rõ biển số của nó. Thú thật, hình vẽ kia làm mình rất băn khoăn, không hiểu thế nghĩa là sao. Hình này do cậu Hangury vẽ ra hay chép lại được ở đâu, và có nghĩa gì? Rõ ràng là một chi tiết cậu ta nghe được hay nhìn thấy. Dù sao thì mình cũng lò mò nhận ra: đó là hình một mặt trăng lưỡi liềm với chữ “W” và một con số “61”. Bây giờ cậu ta đã chết, mình thay chân cậu ta, đảm nhiệm một khu phố của cảng Portleburyế

“Tuy chưa biết phải tìm ở đâu, nhưng mình cứ dò dẫm. Tại đây chỉ có một Trăng Lưỡi Liềm, đó là phố Crescent, cũng tức là phốTrăng Lưỡi Liềm. Phố này lại là Wilbraham Crescent, rất ứng với chữ “W” và hình mặt trăng lưỡi liềm. Còn “61” mình đoán là số nhà. Nhưng cậu thấy đấy, trưa nay mình đi tìm số nhà 61, nhưng chưa thấy, đã bị cô gái xinh đẹp kia đâm bổ vào, và phải gọi điện cho cậu.

– Mình đã nói với cậu rồi, số nhà 61 là nhà của một tay thầu khoán xây dựng.

– Mình chẳng quan tâm đến giới thầu khoán. Nhưng lão có cô giúp việc người nước ngoài nào không?

– Rất có thể có. Thời nay, thuê ngưòi giúp việc nước ngoài là chuyện bình thường. Dù sao, chắc cô ta phải đăng ký chỗ mình. Để sáng mai mình xem lại sổ đăng ký cư trú rồi báo cho cậu.

– Tốt quá.

– Mặt khác, theo đúng trình tự làm việc, bọn mình sẽ phải thẩm vấn tất cả những ngưòi cư trú trong các nhà bên cạnh nhà Số 19. Mình sẽ phải thẩm vấn những người trong ngôi nhà liền phía sau nhà 19, mà hình như đấy lại đúng là nhà số 61 cậu đang cần tìm. Nếu thích, cậu có thể đi cùng với mình.

Tất nhiên là tôi thích rồi. Hai chúng tôi hẹn gặp nhau vào chín giờ sáng mai, tại đồn cảnh sát.

Đúng giờ, tôi đến, thấy anh bạn Hardcastle đang giận dữ quát tháo với một nhân viên dưới quyền. Sau khi anh ta tống cổ cậu kia ra rồi, tôi bèn dè dặt hỏi xem đã có chuyện gì vậy.

Lúc đầu Hardcastle im lặng, rồi như không ghìm được nữa, hét lên:

– Mấy cái đồng hồ khôn kiếp!

– Lại vẫn chuyện đồng hồ? Nhưng chúng làm sao?

– Mất một chiếc.

– Chiếc nào?

– Chiếc đồng hồ báo thức nhỏ bọc da, có chữ “Rosemary”.

– Lạ đấy! Nhưng đầu đuôi thế nào?

– Bọn ngu xuẩn! Mà cả mình cũng ngu nữa! – Hardcastle nói thêm một cách khách quan. Lẽ ra mình phải kiểm tra kỹ lưỡng. Hôm qua, bốn chiếc đồng hồ ấy vẫn trong phòng khách. Thậm chí mình đã yêu cầu bà Pebmarsh kiểm tra kỹ càng từng chiếc. Sau đấy, xe đến lấy thi thể nạn nhân đi.

– Sau đó?

– Sau đó, mình bảo cậu Edward đóng gói cẩn thận, rồi cho đưa về đây. Tất cả bốn chiếc, chỉ chừa ra hai chiếc của bà chủ là chiếc to tướng treo trên tưòng ở góc phòng và chiếc có con chim họa mi treo ngoài gần cửa. Thằng cha Edward cam đoan với mình là mệnh lệnh đã được thi hành chu đáo. Vậy mà bây giờ kiểm tra lại, chỉ thấy có ba chiếc.

– Mình e hôm qua họ làm vội vã quá, – tôi nói. – Rất có thể…

– Là bà Pebmarsh đã kịp làm cái trò giấu biến vào bếp chiếc đồng hồ kia chứ gì, lúc mình chạy ra ngoài.

– Có thể. Nhưng bà ta giấu để làm gì?

– Hiện chúng ta chưa thể biết. Nhưng cậu xem, ngoài bà ta, còn ai có thể đã giấu biến chiếc đồng hồ đó đi?… Hay cô thư ký đánh máy kia?

– Mình không nghĩ là cô ấy, – sau một chút suy nghĩ, tôi nói.

Rồi đột nhiên tôi sực nghĩ ra một điều, vội im bặt.

– Vậy thì đúng là cô ta, – Hardcastle nói. – Cậu nói tiếp đi. Nếu cô ta lấy thì lấy vào lúc nào?

– Lúc chúng ta ra xe cảnh sát, – tôi rầu rĩ nói. – Cô ấy bảo quên găng tay, bèn chạy vào nhà lấy. Cậu nhớ không? Mình bảo để mình vào lấy cho, cô ta không chịu, tự vào, lấy cớ cô ta biết đôi găng tay ấy để ở chỗ nào. Cô ta chỉ vào có một giây đồng hồ,

Tôi đưa ra nhận xét.

– Lúc cô ta ra, cậu có nhìn thấy đôi găng tay không? – Hardcastle hỏi.

– Có… hình như thế, – tôi đáp ngập ngừng.

– Cậu không nhìn thấy cô ta cầm găng tay đâu.

– Hardcastle nói giọng khẳng định. – Bởi chính cậu trả lời cũng không quả quyết kia mà.

– Thế lỡ cô ấy nhét găng tay vào xắc thì sao? – tôi cãi.

– Thôi đi! – Hardcastle cau mặt nói. – Vậy là cậu mê cô ta rồi, cho nên cố cãi cho cô ta.

– Đừng nói bậy! – tôi nói. – Mình mới gặp cô ta ngày hôm qua, đã mê thế nào được?

– Được quá đi ấy chứ! Đâu phải chuyện giống như mọi ngày, khi một cô gái xinh đẹp đâm bổ vào một gã trai trẻ rồi kêu ầm lên, cứu em với. Chỉ cần như thế là cậu trai kia bỗng thấy mình là một người hùng, giơ bàn tay hào hiệp ra che chở một cô gái yếu đuối. Nhưng mình khuyên cậu đừng dính với cô ta. Biết đâu, lỡ cô ta là hung thủ trong vụ án mạng này thì sao?

– Cậu cho là cô gái đó đã đâm dao vào người đàn ông kia? Cô ta giấu con dao kín đến nỗi ngần ấy trinh sát tài ba của cậu không tìm ra được? -Rồi cô ta đóng màn kịch lao ra đường, đâm bổ vào mình chăng?

– Cậu không biết, loại nghề nghiệp của mình đòi hỏi mình phải đa nghi đến mức nào đâu. – Hardcastle rầu rĩ nói.

Tôi nổi cáu:

– Vậy cậu không biết mình làm nghề gì hay sao? Mình suốt ngày lăn lộn giữa những tên gián điệp lão luyện, trong đó không thiếu gì những nữ điệp viên đẹp như mộng! Những đứa con gái lịch duyệt, khôn ngoan đến mức không từ một thủ đoạn nào. Chúng đóng mọi màn kịch với trình độ của các nghệ sĩ trứ danh! Hardcastle, cậu hãy tin rằng mình đã được tiêm vắc xin phòng chông mọi thứ phụ nữ trên đời, bất kể xinh đẹp, kiều diễm đến đâu.

– Vấn đề chưa phải chuyện đẹp hay xấu, mà là có hợp gu hay không. Theo mình nhận xét thì cô Sheila Webb này đúng gu của cậu đấy, Colin ạ.

– Mình chưa hiểu tại sao cậu cứ cố ghép cô ta vào với mình đấy!

– Không phải mình cố ghép. – Hardcastle buồn bã nói. – Nhưng mình đang cần tìm một điểm để xuất phát. Này nhé! Xác chết được tìm thấy trong nhà bà Pebmarsh, vậy bà ta là đối tượng nghi vấn số Một. Ai là ngưòi phát hiện đầu tiên? Sheila Webb, vậy cô ta là đốì tượng nghi vấn số Hai. Hẳn không cần nhắc với cậu là không thiếu gì trường hợp người đầu tiên phát hiện xác chết lại chính là kẻ nhìn thấy nạn nhân lần cuối cùng trong khi y còn sống. Trong khi chưa thấy có kẻ khả nghi nào khác, ta hãy tập trung vào hai đối tượng này đã.

– Lúc mình bước vào phòng, nạn nhân đã chết ít ra cũng nửa giờ đồng hồ rồi. Cậu trả lời ra sao về chi tiết đó?

– Xin trả lời ngay. Sheila Webb vắng mặt ở Trung tâm, lấy cớ đi ăn trưa, từ 13 giờ rưỡi đến 14 giờ rưỡi. Trong thời gian đó cô ta có ăn trưa thật không, hay làm gì khác?

Tôi giận dữ nhìn Hardcastle:

– Thế còn Curry? Cậu đã biết được những gì về lão ta nào?

Hardcastle mệt mỏi đáp:

– Chưa biết được gì hết.

– Cậu nói thế nghĩa là sao?

– Mình chưa biết được gì về lão, có nghĩa tạm thời đối với mình lão không tồn tại.

– Thế cậu nghĩ gì về Công ty Bảo hiểm Metropolis?

– Không nghĩ gì hết vì không hề có cái Công ty Bảo hiểm nào tên như thế. Về lão Curry trú tại phố Denver, thì không làm gì có ai ở phố ấy tên là Curry, và thậm chí không có phố nào tên là Denver, và tất nhiên không thể có số nhà 7 nào hết.

– Hay đấy. Vậy cậu cho rằng tấm danh thiếp ấy là giả?

– Vậy theo cậu thì mưu mẹo ấy để làm gì?

Hardcastle nhún vai:

– Đến lúc này, chúng ta vẫn còn lạc trong một loạt giả thuyết. Rất có thể lão ta giả danh nhân viên Công ty Bảo hiểm để nhận tiền mua bảo hiểm của mọi người rồi đút túi. Tấm danh thiếp đó giúp lão vào được mọi nhà và được người ta tin, đưa tiền cho. Đây là một kiểu lừa đảo đặc trưng của Hoa Kỳ. Rất có thể lão ta là một tên lừa đảo, một gã tống tiền, một thám tử của hãng thám tử tư nào đó. Thậm chí lão chỉ là một thằng cha chơi đồ mỹ nghệ, đến đây để lấy cắp đồ mỹ nghệ của bà giáo già Pebmarsh. Hiện chúng ta chưa biết được tí gì hết.

– Nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ biết chứ?

– Tất nhiên rồi, nhất định rồi sẽ biết. Bọn mình đang cho soát lại các dấu vân tay, công việc này khá mất công đấy. Nhưng phải làm thôi, nếu không, còn chậm nữa.

– Một thám tử tư… – Tôi lẩm bẩm suy nghĩ. Khả năng này gợi lên nhiều triển vọng lý thú đấy… – Bao giờ các cậu khởi tố vụ án này?

– Ngày kia. Nhưng chỉ là hình thức thôi. Phiên tòa sẽ bị trì hoãn cho đến lúc nào chúng mình tìm ra được hung thủ.

– Kết quả mổ tử thi thế nào?

– Nạn nhân bị giết bằng dao phay, kiểu dao thái thịt ở nhà bếp.

– Nếu vậy ta có thể loại bà Pebmarsh ra được rồi. Đâm bằng dao phay là việc người mù không thể làm được. Mà có đúng bà ta mù không?

– Đúng. Điều này thì không phải nghi hoặc gì nữa. Chúng mình đã kiểm tra rất kỹ và dò hỏi đầy đủ. Bà ta bị hỏng mắt cách đây đã mười sáu năm, trong khi đang làm giáo viên dạy toán tại một trường trung học trên miền Bắc. Sau khi bị mù, bà ta cần cù học chữ nổi, và cuối cùng xin được một chân dạy học tại Viện Trẻ em mù Aeronberg.

– Tâm thần bà ta ổn định đấy chứ? Có bị rối loạn gì không?

– Cậu hỏi thế vì nghĩ bà ta bị một ám ảnh là mê các loại đồng hồ và các nhân viên hãng bảo hiếm chứ gì? – Hardcastle giễu cợt hỏi lại.

– Vụ án này đúng là kỳ quái. – tôi nói, kèm theo một chút thích thú. – Hệt như trong cuốn truyện viết tồi nhất của Ariane Olivier hoặc cuốn truyện hay nhất của Garry Gregson đã quá cố.

– Cậu đừng giễu mình nữa. Cậu đâu phải chịu trách nhiệm với cấp trên về vụ án này!

– Mình xin lỗi. Chúc cậu phát hiện ra được tình tiết nào đó bổ ích ở các hàng xóm của số nhà 19.

– Mình thấy ít hy vọng lắm. – Hardcastle buồn rầu nói. – Cho dù nạn nhân bị giết ngay giữa vườn, và hai thằng cha đeo mặt nạ khiêng đi, nhà bên cạnh nhìn thấy rõ ràng, họ cũng mặc kệ. Láng giềng ở đây có quan tâm gì đến nhau đâu? Nói chung, dân cái phố Crescent này, hay cậu gọi là phố “Trăng Lưõi Liềm” này sống theo kiểu rất trưởng giả, ai biết nhà nấy, cháy nhà hàng xóm bình chân còn hơn vại. Các người giúp việc thì sau một giờ trưa kéo đi hết. Xe cộ chẳng vào đến đây. Trẻ con không có nữa chứ. Đúng là một cái phố chết.

– Cũng không có một hành khất tàn tật nào ngồi trước cửa nhà hay sao?

– Nếu có được thì còn gì bằng. Nhưng không hề có.

– Cả nhà số 18? Số nhà 20?

– Bên số nhà 20, chúng mình gặp một ông tên là Waterhouse sống cùng với cô em gái. Theo nhận xét của hai thẩm phán Gainsford và Swettenham thì ông ta là con người “chủ yếu”, và cô em gái kia chăm sóc “chủ yếu” ông ta. Còn số nhà 20, thì theo mình biết, chỉ có một bà già không chồng, nuôi ít nhất cũng hai chục con mèo. Mà mình thì, giống mèo…

Tôi rất thông cảm với cách sống quá khô cằn của anh bạn thanh tra cảnh sát này. Câu chuyện đến đây thì hai chúng tôi lên ô tô.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN