Tên Tôi Là Đỏ - Chương 36
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
109


Tên Tôi Là Đỏ


Chương 36



TÔI ĐUỢC GỌI LÀ SIYAH

Phần 1

Shekure giam mình trong phòng với bọn trẻ, và tôi lắng nghe hồi lâu những âm thanh trong nhà, tiếng cót két không ngớt của nó. Shekure và Shevket bắt đầu thì thào với nhau và nàng bồn chồn dỗ im chúng bằng tiếng “suỵt!” bất chợt. Tôi nghe tiếng lạch cạch vang lên từ khu lát đá gần giếng nước nhưng nó không kéo dài.

Kế đến tiếng kêu quác quác của con mòng biển đậu trên mái nhà khiến tôi chú ý. Rồi nó cũng im lặng như mọi thứ khác. Sau đó tôi nghe một tiếng rên rỉ nhỏ từ bên kia hành lang: Hayriye khóc trong giấc ngủ. Tiếng rên của chị ta hòa vào tiếng ho nổi lên bất ngờ rồi kết thúc cũng bất ngờ như vậy, một lần nữa lại nhường chỗ cho nỗi im lặng sâu lắng, đáng sợ. Lát sau, tôi hình dung có một kẻ đột nhập đang lang thang quanh phòng nơi Enishte quá cố của tôi đang nằm, và tôi cứng cả người.

Trong mỗi khoảng im lặng, tôi lại xem xét những bức tranh trước mặt tôi, ngẫm nghĩ xem Zeytin nồng nhiệt, Kelebek đẹp đẽ và tay thợ mạ vàng quá cố đã quệt màu lên trang giấy như thế nào. Tôi bị thôi thúc đương đầu với từng hình ảnh bằng việc la to “Sa tan!” hoặc “Thần chết!” như Enishte của tôi từng làm một số đêm, nhưng nỗi sợ hãi kìm tôi lại. Ngoài ra, những bức minh họa này khiến tôi rất bực mình bởi tôi không viết được một câu chuyện thích hợp đi kèm với chúng bất chấp sự nài ép của Enishte của tôi. Vì tôi đang dần ngày càng chắc chắn rằng cái chết của ông có liên quan đến những hình ảnh này, nên tôi cảm thấy khó chịu và bứt rứt. Tôi đã săm soi những bức minh họa này liên tục trong khi lắng nghe những câu chuyện của Enishte, tất cả là để có cơ hội được gần Shekure. Bây giờ nàng là vợ cưới xin hợp pháp của tôi, tại sao tôi cứ phải nghĩ về chúng? Một tiếng nói nội tâm tàn nhẫn trả lời: “Bởi vì ngay cả sau khi bọn trẻ đã ngủ, Shekure vẫn không chịu rời phòng để đến với anh.” Tôi chờ hồi lâu trong khi vẫn cứ chăm chú nhìn các bức tranh dưới ánh nến, hy vọng rằng người đẹp mắt đen của tôi sẽ đến.

Đến sáng, bị đánh thức bởi tiếng rú của Hayriye, tôi chộp lấy giá nến và chạy vội ra hành lang. Tôi nghĩ Hasan đã đưa người tập kích vào nhà, và tôi nghĩ đến việc giấu các bức tranh, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng Hayriye đã bắt đầu kêu gào theo lệnh của Shekure, như một cách để thông báo cái chết của Enishte Kính mến với bọn trẻ và hàng xóm. – Khi tôi gặp Shekure ở hành lang, chúng tôi ôm nhau trìu mến. Bọn trẻ ban nãy đã nhảy khỏi giường khi nghe Hayriye kêu thét. giờ đứng bất động.

“Ông ngoại chết rồi,” Shekure nói với chúng. “Mẹ không muốn tụi con bước vào phòng đó trong bất kỳ tình huống nào.” Nàng rời khỏi vòng tay tôi, đến bên cạnh cha nàng rồi bắt đầu khóc.

Tôi xua bọn trẻ trở về phòng của chúng, “Thay đồ ngủ ra đi, các con sẽ bị nhiễm lạnh đấy” tôi nói và ngồi xuống mép giường.

“Ông ngoại không chết sáng nay, ông chết từ tối hôm qua rồi,” Shevket nói.

Một sợi tóc dài từ mái tóc tuyệt đẹp của Shekure cuộn lại thành chữ Ẳ Rập “vav” trên gối của nàng. Hơi ấm của nàng chưa tan bên dưới lớp mền. Chúng tôi có thể nghe tiếng nàng than khóc và thổn thức cùng với Hayriye. Nàng kêu khóc cứ như cha nàng đã thực sự chết đột ngột, nghe quá giả dối đến độ tôi có cảm giác mình không hề biết chút gì về Shekure, giống như nàng bị một âm hồn kỳ lạ ám.

“Con sợ”, Orhan nói với một cái nhìn vốn cũng là một yêu cầu xin được phép khóc.

“Đừng sợ.” tôi nói. “Mẹ con khóc để láng giềng biết ông ngoại chết và đến chia buồn.”

“Nếu họ đến thì có gì quan trọng?” Shevket hỏi.

“Nếu họ đến họ sẽ cùng buồn và than khóc với chúng ta vì cái chết của ông. Nhờ vậy chúng ta có thể chia bớt buồn đau.”

“Ông giết ông ngoại cháu phải không?” Shevket la to.

“Nếu con muốn chọc giận mẹ thì đừng mong ta yêu thương con!” Tôi nạt lại.

Chúng tôi không la lối nhau theo kiểu cha ghẻ với con riêng của vợ, mà như hai người đàn ông đang nói chuyện bên bờ sông nước chảy ì ầm. Shekure bước ra hành lang, mở tung hết cửa sổ để hàng xóm nghe thấy tiếng nàng kêu khóc.

Tôi rời khỏi phòng để tiếp tay cho nàng. Cả hai chúng tôi cố mở cửa sổ. Với sự cố gắng hết sức của cả hai, những cánh cửa bung ra và rớt xuống sân. Ánh sáng mặt trời và hơi lạnh phả vào mặt chúng tôi gây choáng váng giây lát. Shekure kêu gào, khóc than thảm thiết.

Cái chết của Enishte Kính mến. một khi được tiếng khóc của nàng loan báo, hóa thành một nỗi đau bi thảm và thống khổ hơn nhiều. Dù thành thật hay giả vờ, tiếng khóc của vợ tôi cũng giày vò tôi. Bất ngờ, tôi bật khóc. Tôi không rõ mình khóc thật lòng vì sầu khổ hay chỉ giả vờ vì sợ bị cho là có trách nhiệm về cái chết của Enishte.

“Cha đi rồi, đi rồi, đi rồi, cha thân yêu của tôi ra đi rồi!” Shekure kêu lên.

Tiếng thổn thức và than van của tôi bắt chước theo nàng dù tôi không biết đích xác mình đang nói gì. Tôi ưu tư không biết mình trông thế nào dưới mắt những láng giềng đang nhìn chúng tôi từ nhà họ, từ phía sau những cánh cửa nứt nẻ và giữa những tấm mành, và tự hỏi cách ứng xử của tôi phù hợp đến đâu. Trong khi tôi khóc, tôi có cảm giác được gột sạch khỏi những mối nghi ngờ liệu nỗi đau của tôi có thành thực hay không, khỏi nỗi lo bị buộc tội giết người, và khỏi nỗi sợ hãi đối với Hasan và tay chân của anh ta.

Shekure là của tôi và có vẻ như tôi đang ăn mừng bằng tiếng la hét và nước mắt. Tôi kéo cô vợ đang thổn thức của tôi sát vào mình và, không chú ý gì đến bọn trẻ đầy nước mắt đang tiến đến chỗ chúng tôi, tôi âu yếm hôn lên má nàng, hít lấy mùi cây hạnh đào của tuổi trẻ chúng tôi.

Cùng với bọn trẻ, chúng tôi trở vào nơi xác chết nằm. Tôi nói, “La illahe illallah, không có Thượng đế nào ngoài Allah” cứ như đang nói không phải với một thi hài đã hai ngày bốc mùi nồng nặc mà với một người đang hấp hối, người mà tôi muốn xác nhận lại những lời của nhân chứng. Tôi muốn Enishte của tôi lên Thiên đàng với những lời này trên môi ông. Chúng tôi giả như rằng ông đã lặp lại chúng, và thoáng mỉm cười khi chúng tôi nhìn vào khuôn mặt gần như đã bị hủy hoại và cái đầu giập nát của ông. Tôi ngửa lòng bàn tay hướng về Thiên đàng và trích đọc chương “Ya Sin” trong khi những người khác im lặng lắng nghe.

Với một cuộn băng sạch mà Shekure mang vào phòng, chúng tôi cẩn thận buộc cho miệng Enishte khép lại, nhẹ nhàng vuốt đôi mắt đã bị hủy hoại của ông và lăn ông sang bên phải, sắp xếp cho đầu ông hướng về Mecca. Shekure phủ một tấm khăn trắng sạch lên người ông.

Tôi hài lòng khi bọn trẻ theo dõi mọi chuyện một cách chăm chú và bởi sự yên tĩnh tiếp theo những tiếng than khóc. Tôi cảm thấy mình giống như một ai khác với vợ thật và con cái thật, với một tổ ấm và một mái nhà.

Tôi xếp các bức tranh, từng cái một vào một cái cặp giấy, mặc áo choàng vào và vội vã rời khỏi nhà. Tôi đi thẳng đến thánh đường trong khu vực, làm như không thấy một người hàng xóm – một bà già cùng đứa cháu ngoại mũi dãi thò lò rõ là đang vui mừng về tất cả những chuyện bất ngờ xảy ra: Họ đã nghe tiếng khóc của chúng tôi và hăm hở đến chia buồn.

Cái hốc nhỏ xíu mà vị giáo sĩ gọi là “nhà” của ông ta vô cùng nhỏ bên cạnh một kiến trúc bề thế với những mái vòm khổng lồ và khoảng sân rộng lớn, tiêu biểu cho những thánh đường được xây dựng sau này. Ông giáo sĩ, mà theo tôi quan sát thì, như một thói quen ngày càng phổ biến, đang nới rộng ranh giới cái hang chuột bé tẹo lạnh lẽo gọi là “nhà” của ông ta và đã lấn chiếm toàn bộ thánh đường mà không chút quan tâm đến mớ quần áo bẩn thỉu và cũ kỹ mà vợ ông ta treo giữa hai cây óc chó tại mé sân.

Chúng tôi tránh đòn tấn công của hai con chó hung dữ vốn đang chiếm cứ cái sân hệt như Thầy tế Kính mến và gia đình ông ta, và sau khi những đứa con của giáo sĩ này dùng gậy đuổi bọn chó đi rồi xin lỗi, giáo sĩ với tôi rút vào một góc riêng.

Sau thủ tục ly dị ngày hôm qua, và xét vì chúng tôi đã không nhờ ông ta làm nghi lễ kết hôn, điều mà tôi chắc chắn đã khiến ông ta phật lòng, tôi có thể đọc trên mặt ông ta câu hỏi “Lạy Thượng đế, cái gì đưa anh đến đây lúc này vậy?”

“Enishte Kính mến đã qua đời sáng nay.”

“Xin Thượng đế phù hộ ông ta. Cầu xin ông ta tìm được chỗ ở trên Thiên đàng!” Ông ta nói một cách nhân hậu.

Tại sao tôi vô ý chuốc rắc rối cho mình bằng việc thêm các từ “sáng nay” vào câu nói của tôi? Tôi thả một đồng vàng vào tay ông ta, y hệt những đồng tôi đã cho ông ta hôm qua. Tôi yêu cầu ông ta đọc bài kinh cầu hồn trước khi có hiệu báo cầu kinh và chỉ định em trai ông ta làm người thông tin đi khắp nơi loan báo cái chết này cho cả vùng.

“Em trai ta có một người bạn tốt gần như mù; chúng ta rất rành việc tắm rửa lần cuối cho người chết”, ông ta nói.

Còn gì thích hợp hơn để một người mù và một kẻ dở hơi tắm rửa thi thể của Enishte Kính mến? Tôi giải thích với ông ta rằng lễ cầu nguyện đám tang theo nghi thức sẽ được thực hiện vào buổi chiều, và rằng các nhà quý tộc và nhiều người từ cung điện, các phường hội và trường thần học sẽ tham dự. Tôi không tìm cách giải thích vì sao khuôn mặt và cái đầu của Enishte Kính mến lại giập nát thế kia, vì trước đó tôi đã quyết định rằng vấn đề này cần được giải quyết ở cấp thẩm quyền cao hơn.

Vì Đức vua đã giao cho Trưởng Ngân khố đảm nhiệm việc cân đối chi phí cho cuốn sách mà Ngài yêu cầu Enishte của tôi thực hiện, nên trước tiên tôi phải báo cáo cái chết này với ông ta.

Vì vậy, tôi tìm một người thợ bọc nệm vốn là bà con bên nội tôi, vốn làm việc trong những cửa hàng may mặc đối diện Cổng Sogukcesme 1 từ lúc tôi còn nhỏ xíu. Khi tìm được ông ta, tôi hôn bàn tay trổ đồi mồi của ông và thiết tha trình bày với ông rằng tôi cần gặp Trưởng Ngân khố. Ông ta bảo tôi chờ giữa đám thợ học việc hói đầu của ông vốn đang may màn, gò người trên tấm lụa sặc sỡ trải trên đùi; sau đó ông bảo tôi theo một tay thợ phụ, người này, theo tôi biết, sắp vào cung điện để lấy số đo của khách. Khi chúng tôi qua Cổng Sogukcesme để leo lên Alay Meydani 2, tôi biết mình khỏi phải đi ngang qua xưởng vẽ đối diện thánh đường Hagia Sophia, nhờ thế tôi không phải thông báo tội ác này với những nhà tiểu họa khác.

Alay Meydani hiện có vẻ náo nhiệt, trong khi nó thường có vẻ trống trải đối với tôi. Tuy hiện giờ không có một người nào ở Cổng, nơi thường có nhiều người đứng xếp hàng để đệ đơn trong những ngày Thượng Hội đồng nhóm họp, mà cũng không có ai quanh khu vực những kho lương này, song tôi như vẫn nghe được tiếng ồn ào liên tục phát ra từ những cửa sổ nhà thương, từ xưởng cưa, tiệm bánh mì, chuồng ngựa, những tay chăn ngựa cùng ngựa của họ trước Cổng Bab-us-Selam 3 (tôi nhìn lên những ngọn tháp ở cổng này với vẻ sững sờ), và từ hàng cây bách. Tôi cho rằng cảm giác hốt hoảng của tôi là do nỗi sợ hãi phải đi qua Bab-us-selam, nơi mà lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân tới.

Tại cổng này, tôi không thể tập trung chú ý vào vị trí mà theo tương truyền là nơi các đao phủ luôn túc trực, cũng không thể giấu sự bối rối của mình trước mắt những lính gác cổng đang soi mói nhìn súc vải bọc nệm tôi ôm như một thứ đồ nghề để người khác nhìn vào sẽ nghĩ tôi là kẻ phụ việc cho người thợ may kiêm dẫn đường của tôi.

Ngay khi chúng tôi bước vào Divan Meydani 4, một sự im lặng sâu lắng vây quanh chúng tôi. Tôi cảm thấy tim tôi đập thình thịch cả trong các mạch máu ở trán và cổ. Khu vực này, thường được Enishte của tôi và những người đến thăm lâu đài mô tả, nằm trước mắt tôi nhu một khu vườn thượng giới đẹp tuyệt trần.

Nhưng tôi không cảm thấy sự phấn chấn của một kẻ bước vào Thiên đàng, chỉ có sự lo lắng và tôn sùng; tôi cảm thấy mình chỉ là một kẻ tôi tớ hèn mọn của Đức vua, người mà, như bây giờ tôi hiểu rõ, thực sự là nền móng của vương quốc trần thế này. Tôi nhìn chăm chăm những chú công lang thang qua những lùm cây được chăm chút cẩn thận, những chiếc tách vàng được xích vào những vòi nước bắn tung tóe và những phái viên của Hoàng thượng mặc áo chùng lụa (họ có vẻ như di chuyển khắp nơi mà không chạm đất) và tôi cảm thấy xúc động khi được phụng sự Đức vua. Dứt khoát là tôi sẽ hoàn thành cuốn sách bí mật của Đức vua, mà những bức minh họa chưa hoàn tất của nó tôi đang ôm trong tay. Không ý thức chính xác mình đang làm gì, tôi cứ theo sau người thợ may, mắt dán chặt vào Tháp Divan, giờ bị thu hút bởi nỗi sợ hãi hơn là sững sờ khi được đến gần nó 5.

Cùng với một cậu thư đồng trong cung theo sát chúng tôi, chúng tôi đi qua dinh Thượng Hội đồng và Ngân khố, đầy sợ hãi và im lặng, như trong một giấc mơ, tôi có cảm giác mình đã thấy chốn này từ trước và biết rõ nó.

Chúng tôi đi qua một cánh cửa rộng bước vào một căn phòng được gọi là Cung Thượng Hội đồng cũ. Bên dưới mái vòm khổng lồ của nó, tôi thấy những nghệ nhân bậc thầy ôm theo vải vóc da thuộc, những bao kiếm bằng bạc và thùng khảm xà cừ.

Tôi suy ra rằng họ thuộc những phường thợ thủ công của Đức vua: những người chế tạo quyền trượng, người đóng giày, thợ bạc, thợ cả dệt nhung, thợ chạm ngà, thợ làm đàn. Tất cả đang đứng chờ ngoài cửa dinh Trưởng Ngân khố với vô số những kiến nghị liên quan đến lương bổng, việc tìm mua vật liệu và yêu cầu được vào các khu cấm địa của Đức vua để đo đạc. Tôi mừng vì không thấy có thợ trang trí nào trong số họ.

Chúng tôi đứng tránh sang một bên và cũng bắt đầu chờ. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe giọng xướng cao của thư ký Trưởng Ngân khố, nghi ngờ một lỗi nào đó trong các bản quyết toán và yêu cầu làm sáng tỏ; yêu cầu này sẽ nhận được một câu trả lời lễ phép, của một thợ khóa chẳng hạn. Những tiếng nói ở đây hiếm khi cao hơn mức thì thầm; tiếng vỗ cánh của lũ chim ngoài sân vọng vào mái vòm bên trên chúng tôi còn lớn hơn những cầu xin nhỏ nhặt của đám thợ khúm núm này.

Khi đến phiên mình, tôi bước vào phòng có mái vòm của vị Trưởng Ngân khố và thấy trong đó chỉ có một thư ký. Tôi nhanh chóng giải thích rằng có một vấn đề quan trọng cần đệ trình cho ngài Trưởng Ngân khố: Một dự án về cuốn sách mà Đức vua đã ra lệnh làm và nó vô cùng quan trọng đối với Ngài. Tò mò trước những thứ tôi đang ôm theo, viên thư ký ngước mắt lên. Tôi cho ông ta xem những bức minh họa từ cuốn sách của Enishte. Tôi nhận thấy rằng tính chất lạ thường của những bức tranh, sự quái dị rõ rệt của chúng khiến ông ta choáng váng. Tôi vội cho ông ta biết tên Enishte của tôi, biệt danh và nghề nghiệp của ông, nói thêm rằng ông đã chết vì những bức tranh này. Tôi nói nhanh, hiểu rõ rằng nếu rời lâu đài mà không gặp được Đúc vua, tôi sẽ bị buộc tội là đã đưa Enishte vào tình cảnh khủng khiếp đó.

Khi viên thư ký rời phòng để báo cho Trưởng Ngân khố, tôi đột nhiên đổ mồ hôi lạnh. Liệu Trưởng Ngân khố, người mà, như Enishte của tôi từng cho biết, không bao giờ rời xa Đức vua, có khi còn trải thảm cầu kinh cho Ngài, và thường xuyên là bạn tâm tình của Ngày có chịu rời khỏi khu Enderun cấm địa của lâu đài để gặp tôi không? Việc cử một phái viên đến khu trung tâm cung điện vì tôi là đủ khó tin rồi. Tôi tự hỏi Đức vua có thể ở đâu: Ngài đã lui về một trong những nhà thủy tạ gần bờ biển? Ngài đang ở hậu cung? Trưởng Ngân khố có đi cùng Ngài không?

Hồi lâu sau, tôi được triệu vào. Để tôi mô tả rõ thế này: tôi nhận tin quá bất ngờ đến độ không có thời gian để sợ. Tuy nhiên, tôi kinh hoàng khi thấy vẻ tôn kính và kinh ngạc trên nét mặt ông thợ cả dệt nhung đang đứng ở cửa. Tôi bước vào trong và lập tức hoảng hồn; tôi nghĩ mình không nói được thành lời. Ông ta đội một khăn thêu chỉ vàng mà chỉ có ông và Hoàng thượng mới đội; tôi đang ở trước mặt viên Trưởng Ngân khố. Ông ta đang xem những tranh minh họa nằm trên chiếc bàn đọc sách mà viên thư ký đã bày ra sau khi nhận từ tay tôi. Tôi cảm thấy như mình chính là người làm những bức tranh đó. Tôi hôn gấu áo choàng của ông ta.

“Con à,” ông ta nói. “Nếu ta không lầm thì Enishte của con đã chết rồi phải không?”

Tôi không trả lời được vì kích động, hoặc có lẽ vì mặc cảm phạm tội, mà chỉ gật đầu. Ngay lúc đó điều hoàn toàn bất ngờ đã xảy ra: ở đó, trước cái nhìn ngạc nhiên và thông cảm của Trưởng Ngân khố, một giọt nước mắt từ từ lăn xuống má tôi. Tôi đờ người ra; tôi bị tác động kỳ lạ bởi việc có mặt trong lâu đài, bởi việc Trưởng Ngân khố đã tạm rời Đức vua để tiếp kiến tôi, và bởi việc tôi đang ở quá gần Ngài. Nước mắt tôi bắt đầu tuôn trào, nhưng tôi không cảm thấy chút bối rối.

“Cứ khóc đi, con”, Trưởng Ngân khố nói.

Tôi thổn thức và rên rỉ. Dù tôi cho rằng mười hai năm trôi qua đã làm tôi chín chắn, nhưng khi ở quá gần Đức vua, quá gần đầu não của đế chế, ta nhanh chóng nhận ra mình chỉ là đứa trẻ con. Tôi không quan tâm liệu những người thợ bạc và dệt nhung ngoài kia có nghe được tiếng thổn thức của tôi không. Tôi hiểu mình thậm chí có thể xưng tội với Trưởng Ngân khố nữa.

Phải, tôi đã nói với ông tất cả, đúng như nó xảy ra với tôi.

Khi tôi một lần nữa nhìn lại Enishte quá cố, đám cưới của tôi với Shekure, sự đe dọa của Hasan, những khó khăn liên quan đến cuốn sách của Enishte của tôi và những bí mật nằm trong các bức minh họa, tôi đã lấy lại bình tĩnh. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng cách duy nhất để cứu tôi khỏi cái bẫy mà tôi đã rơi vào này là phó mặc phận mình cho sự công bằng và tình thương vô hạn của Đức vua, và bởi thế tôi chẳng che giấu điều gì. Trước khi hiểu hết những điều tôi nói và giao tôi cho những kẻ tra tấn và đao phủ, liệu Trưởng Ngân khố này có truyền đạt câu chuyện của tôi thẳng đến Đức vua không?

“Hãy lập tức thông báo cái chết của Enishte Kính mến cho cả xưởng vẽ.” Trưởng Ngân khố nói. “Ta muốn cả phường hội họa sĩ dự đám tang của ông ta.”

Ông ta nhìn tôi để xem tôi có bất kỳ phản đối gì không. Phấn khởi trước sự quan tâm của ông, tôi bày tỏ những lo âu về việc ai là hung thủ và động cơ khả dĩ đằng sau cái chết cua Enishte của tôi và nghệ nhân mạ vàng Zarif Kính mến. Tôi nói bóng gió rằng dính líu vào vụ này có thể là những môn đồ của nhà thuyết giáo xứ Erzurum và những người đang nhắm vào các viện khổ tu nơi thường có âm nhạc và khiêu vũ. Khi tôi thấy vẻ nghi ngờ của Trưởng Ngân khố, tôi hăm hở trình bày những nghi ngờ khác của mình: Tôi báo cho ông ta biết rằng vấn đề tiền bạc và danh dự đi kèm với việc được mời minh họa và trang trí cho cuốn sách của Enishte Kính mến có thể đã dẫn đến sụ ghen tỵ và ganh đua không tránh khỏi giữa những nghệ nhân. Chỉ riêng việc giữ kín dự án này có thể đã khơi dậy những căm thù, đố kỵ và mưu đồ đó. Khi những lời này thốt ra khỏi miệng tôi, tôi lo lắng cảm thấy rằng Trưởng Ngân khố đã nảy sinh mối nghi ngờ tôi – cũng như bạn vậy. Lạy Thánh Allah, hãy thực thi công lý, đó là tất cả những gì tôi yêu cầu, không có gì hơn.

Trong khoảng im lặng tiếp theo, vị Trưởng Ngân khố rời mắt khỏi tôi, như thể bối rối trước những lời nói và số phận của tôi, mà dán mắt vào những bức tranh nằm trên bàn.

“Ở đây có chín bức tranh,” ông nói. “Kế hoạch là cho một cuốn sách với mười tấm tranh. Enishte Kính mến nhận ở ta nhiều vàng lá hơn số vàng được sử dụng ở đây.”

“Tên dị giáo giết người đó hẳn đã ăn cắp bức minh họa cuối cùng, trên đó sử dụng phần lớn số vàng.” tôi nói.

“Con chưa nói với chúng ta tay thư pháp sao chép đó là ai.”

“Enishte quá cố của con chưa hoàn tất phần văn bản của cuốn sách, ông ấy nhờ con giúp hoàn tất nó.”

“Con ơi, con vừa giải thích chuyện con mới về đến Istanbul như thế nào mà.”

“Được một tuần rồi. Con về đây ba ngày sau khi Zarif Kính mến bị giết.”

“Ý con nói rằng Enishte Kính mến của con đã minh họa một bản thảo chưa được viết ra – không hề hiện hữu – trong ròng rã một năm trời à?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Vậy ông ta có để lộ cho con biết cuốn sách nói về điều gì không?”

“Đúng những gì Đức vua tuyên bố rằng Ngài muốn: Một cuốn sách mô tả năm thứ một ngàn lịch Hồi giáo, nhằm khiến pháp quan Venice phải kinh hoàng bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự và lòng tự hào của Hồi giáo, cùng với quyền lực và sự giàu có của triều đại Osman vĩ đại. Nó được dự trù trở thành một cuốn sách kể lại và minh họa những khía cạnh sống động nhất, có giá trị nhất của vương quốc chúng ta; và giống như trong cuốn “Những luận văn về nhân tướng học” 6, một bức chân dung của Đức vua sẽ được đặt ngay giữa sách. Hơn nữa, vì những tranh minh họa này được làm theo phong cách Tây vực bằng những phương pháp Tây vực, chúng sẽ khiến pháp quan Venice phải kinh sợ và mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị. Ta hiểu tất cả chuyện đó, nhưng có phải những con chó và cây cối kia là những khía cạnh sống động và giá trị nhất của triều đại Osman vinh quang không?” Ông ta nói, chỉ vào những bức tranh.

“Enishte của con, cầu cho ông được yên nghỉ, khẳng định rằng cuốn sách thể hiện không chỉ sự giàu có của Đức vua, mà còn sức mạnh đạo đức và tinh thần của Ngài cùng với những ưu phiền che dấu của Ngài.”

“Và bức chân dung Đức vua?”

“Con chưa thấy nó. Có lẽ nó ở nơi mà tên giết người vô đạo đã cất giấu. Ai mà biết được, có thể lúc này đang ở trong nhà hắn ta.”

Enishte quá cố của tôi đã bị giáng xuống vị thế một người được giao làm một mớ tranh kỳ cục mà Trưởng Ngân khố cho là vô giá trị, thay vì là một người phấn đấu hoàn tất một cuốn sách xứng đáng với số vàng ông được trả. Liệu vị Trưởng Ngân khố này có nghĩ tôi đã giết một người không đáng tin cậy và vô dụng để cưới con gái của Enishte, hay vì một số lý do nào khác – có lẽ để bán tống mớ vàng đó không? Qua cái nhìn của ông, tôi hiểu rằng vụ việc của tôi sắp được khép lại, vì vậy, bằng giọng lo lắng và thu hết can đảm, tôi cố chứng minh thanh danh của mình: Tôi nói với ông ta, Enishte của tôi đã tâm sự với tôi rằng một trong những nhà tiểu họa bậc thầy mà ông thuê có thể đã giết Zarif Kính mến tội nghiệp. Vẫn cố nói cho ngắn gọn, tôi cho ông ta biết Enishte của tôi đã nghi ngờ Zeytin, Leylek và Kelebek như thế nào. Tôi không có nhiều chứng cớ mà cũng không tự tin lắm. Về sau, tôi có cảm giác rằng Trưởng Ngân khố chẳng xem tôi là gì hơn một kẻ vu khống đê tiện và một tên buôn chuyện ngu ngốc.

Cuối cùng, tôi thấy phấn chấn khi Trưởng Ngân khố nói rằng chúng tôi phải giấu những chi tiết về cái chết kỳ lạ của Enishte không cho xưởng vẽ biết; tôi xem đây là dấu hiệu cho thấy ông ta tin câu chuyện của tôi. Những bức tranh được để lại cho vị Trưởng Ngân khố và tôi đi qua Cổng Bab-us-Selam – mà lúc đầu tôi cảm thấy giống như Cổng Thiên đàng. Sau khi ra ngoài dưới sự khám xét cẩn thận của những lính gác, tôi thấy nhẹ cả người, giống như một người lính trở về nhà sau nhiều năm chinh chiến.

— —— —— —— ——-

1Sogukcesme: Cổng Nguồn lạnh. 2Alay Meydani: Sân duyệt binh. 3Bab-us-Selam: Còn gọi là Cổng chào mừng hoặc Cổng thứ nhì. 4Divan Meydani: Sân thứ nhì. 5Trong những đoạn trên, tác giả mô tả đường vào lâu đài Topkapi, thời đó là hoàng cung của vua Thổ. Hầu hết địa danh trong lâu đài này đã được chuyển sang tiếng Anh , nhưng không hoàn toàn giống với cách dịch của các sách hướng dẫn du lịch. 6Có lẽ tác giả muốn nói tới cuốn Kitab al-Jalil fi’ilm al-firasah (Sách quan trọng về khoa nhân tướng học) của Shams al-Din al-Dimashqi (chết 1327), trong đó trích dẫn bảy tác giả cổ đại về vấn đề này, như Aristotle, Fakhr al-Razi, Ibn al-Arabi… Cuốn này được coi là tác phẩm bằng tiếng Ẳ Rập phổ biến nhất về lãnh vực này.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN