Trâm Iii: Tình Lang Hờ
Chương 17: Chương 7.2
“Giờ… tôi rối lắm, chẳng biết phải làm sao nữa…” Nói rồi, cô rút cây trâm trên đầu, chầm chậm vạch lên bàn.
Thoạt tiên, tay còn run, đường vạch cũng ngập ngừng chậm chạp, nhưng càng về sau, cô vạch càng nhanh, lấy trẩm độc làm cầu nối, suy đoán ra bao nhiêu giả thiết. Vừa vạch, cô vừa lẩm bẩm từng điểm nghi vấn:
“Thứ nhất, trẩm độc từ đâu mà ra, kẻ ra tay có liên quan gì với cung đình không? Có phải cùng một người ra tay không?”
“Thứ hai,đều dùng một loại chất độc, vụ án gia đình tôi và vụ Phó Tân Nguyễn có liên quan gì? Manh mối giao nhau ở đâu?”
“Thứ ba, hung thủ làm cách nào bỏ trẩm độc vào bát canh móng dê tôi chính tay bưng lên?”
“Thứ tư, trẩm độc trong vụ Phó Tân Nguyễn và Ôn Dương từ đâu mà ra? Sao họ phải dùng thứ thuốc độc đó để tự vẫn?”
Lý Thư Bạch xem những nghi vấn cô vạch ra, trầm ngâm nói: “Trong số này, dễ tra nhất là điểm thứ ba và thứ tư. Giờ còn sớm, chúng ta hẵng nghỉ ngơi đã. Ta đã sai Tử Tần điều tra tất cả những kẻ trong phủ quận thú có khả năng động đến bát canh móng dê ấy rồi, chiều chúng ta tới chắc sẽ có kết quả.”
Phủ quận thú Xuyên Thục nằm giữa Thành Đô, tường bao cao ngất, choán hơn nửa con phố.
Từ cổng lớn đi vào, chính giữa là công đường nha môn, bên trái là nhà kho lớn nhất quận Thục, bên phải là chỗ ở của tam ban nha dịch, phía sau là khi nhà của quận thú, cạnh đó có một khu vườn nhỏ.
Hoàng Tử Hà nhắm mắt cũng có thể đi lại thoăn thoắt ở đây. Cả thời thiếu nữ tươi đẹp của cô đã bị chôn vùi vĩnh viễn tại nơi này cùng vụ thảm án ngày hôm ấy.
Cô cùng Lý Thư Bạch theo cửa ngách đi thẳng vào phòng của bổ khoái. Chu Tử Tần đang ngồi vắt chân ăn thông ngào đường, thấy họ đến bèn chia cho mỗi người một ít, rồi rút trong ngực áo ra một cuộn giấy: “Nào nào, chúng ta nghiên cứu cái này đi.”
Mới cuối giờ Ngọ đầu giờ Mùi, trong phòng bổ khoái ngoài họ ra chẳng có một ai.
“Đêm qua ta và vương gia cắt lấy ít tóc, đắp lại phần mộ rồi tức tốc quay về chỗ ta kiểm nghiệm, xác định đúng là trẩm độc.” Chu Tử Tần dương dương tự đắc khoe, “Vương gia lập tức sai ta điều tra tất cả người trong phủ, hì hì, chuyện này giao cho địa bổ đầu vừa thân ái dễ gần vừa có danh có phận như ta đây, há chẳng dễ như trở bàn tay ư?”
Nói đoạn, gã trải cuộn giấy ra, bên trên ghi chép rõ ràng đâu ra đấy, chữ Chu Tử Tần tuy cũng bình thường, nhưng được cái ngay ngắn, rất dễ đọc.
Đầu bếp thứ nhất, Lỗ Tùng Nương, cai quản đồ ăn thức uống trong bếp. Trong đêm xảy ra án mạng, đã đem canh nóng dê cùng các món ăn thừa cất vào chạn khóa lại. Hiện trạng: Mấy hôm trước con trai bị ốm, phải vay hai quan tiền của A Bát canh cổng.
Đầu bếp thứ hai. Lưu Tứ Nương, cai quản việc bếp núc, bên dưới còn có hai a đầu chuyên nhóm bếp. Vào ngày xảy ra án mạng, chỉ huy a đầu nhóm bếp làm cơm. Hiện trạng: Về cơ bản vẫn như xưa, mới có thêm một chiếc nhẫn bạc, đi khoe khắp nơi.
Đầu bếp thứ ba, Tiền Đại Nương…
Tạp dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba…
A hoàn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư…
Hoàng Tử Hà đọc mà phục Chu Tử Tần sát đất. Trên dưới phủ quận thú phải đến bốn mươi mấy người, vậy mà chỉ một buổi sáng gã đã hỏi han khắp nơi, hơn nữa còn hỏi rất kỹ càng, đúng là có thiên bẩm dò la, lợi hại hơn cả mấy bà tám ngoài đường.
“Mấy chuyện này… hằng ngày ta vẫn thường để ý nghe ngóng, cũng là rèn luyện khả năng điều tra, đúng không nào?” Chu Tử Tần nghiêm trang nói: “Ta tin rằng Hoàng Tử Hà cũng sẽ để ý kỹ những chuyện này.”
“Tôi nghĩ là không đâu.” Khóe miệng Hoàng Tử Hà hơi rần rật.
Lý Thư Bạch liếc nhìn cô, như cười mà không phải cười, đọc lướt qua bản ghi chép rồi ném xuống bàn, hỏi: “Ngươi điều tra cả một buổi sáng, không thấy ai khả nghi hả?”
Chu Tử Tần bấy giờ mới hơi lúng túng: “Đúng… đúng thế. Trẩm độc là thuốc độc chỉ lưu truyền trong cung, nếu có kẻ nào tuồn ra cho người trong phủ hạ độc thì hung thủ hoặc là đã bị giết, hoặc đã thăng tiến vùn vụt, được kẻ chủ mưu xem là tâm phúc rồi. Song xem ra mọi người trong phủ không có gì thay đổi đáng kể, chứng tỏ không ai mượn việc này để lôi kéo quan hệ với quan trên cả.”
Hoàng Tử Hà gật đầu tán đồng: “Tử Tần phân tích rất đúng.”
Chu Tử Tần nghe vậy thì đắc ý hẳn: “Đã bảo ra có thiên bẩm rất cao mà lại, nếu ngày sau ta phối hợp với Hoàng Tử Hà thì cánh danh thần thám đệ nhất kinh thành Sùng Cổ e là khó giữ lắm đấy ha ha ha…”
Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch ngán ngẩm nhìn nhau, nhất trí lờ Chu thiếu bổ đầu đi.
“Thế nên, tiếp đây chúng ta phải bắt tay từ vụ Phó Tân Nguyễn và Ôn Dương thôi.”
Nhà Ôn Dương nằm ở ngõ Thạch Lưu phía Tây phủ Thành Đô, trong ngõ trồng rất nhiều thạch lựu. Giờ đương cuối hạ, hoa lựu đã tàn quá nửa, trên cành lúc lỉu những trái lựu to bằng nắm tay, đung đưa nhè nhẹ, nhìn rất thích mắt.
Nhà họ Ôn cũng khá giả, xây theo kiểu tứ hợp viện với ba dãy nhà bao quanh một mảnh sân, giữa sảnh chính treo một bức tranh vẽ cảnh nghe đàn bên suối, hai bên đặt đôi liễn: “Trúc vũ tùng phong cầm vận, trà yên ngô nguyệt thư thanh” *
(*Tạm dịch nghĩa: Mưa qua bụi trúc, gió lùa rặng thông, gảy cung đàn vi vút; khói trà bảng lảng trăng treo ngô đồng, cao giọng đọc vang vàng. Mọi chú thích trong truyện đều do người dịch chú thích)
Quản gia nhà họ Ôn, một ông già râu tóc bạc phơ, mặt mày rầu rĩ ra đón bọn họ, khom lưng hành lễ: “Tham kiến Chu bổ đầu.”
Chu Tử Tần vội đỡ ông ta dậy: “Lão nhân gia không cần đa lễ.”
Lão quản gia mời họ vào phòng khách ngồi, sai tiểu đồng pha trà rồi gọi tất cả đầu bếp và người hầu trông nhà ra gặp họ.
“Tổ tiên lão gia tôi từng làm thứ sử Trịnh Châu, về sau mới từ quan về quê. Lão gia năm nay ba mươi bảy tuổi, hơn mười năm trước còn tha thiết công danh, tiếc rằng cứ thi trượt mãi, nên cũng nguội lòng. Sau khi lão thái gia, lão phu nhân và phu nhân qua đời, lão gia càng ít ra ngoài, chỉ đóng cửa ở trong nhà đọc sách Lão Trang, trồng hoa trong vườn, ít tiếp xúc với người ngoài.”
Chu Tử Tần gật đầu hỏi: “Vậy làm sao ông ấy quen được Phó Tân Nguyễn, chính là tình nhân cùng nhau tự vẫn ấy?”
“Tổ tiên họ Ôn để lại sản nghiệp ở trong rừng, thu hoạch hằng năm cũng khá, sau khi phu nhân qua đời, lão gia không tục huyền, cũng không buồn nạp thiếp. Xưa nay ông ấy thích nhất thơ Vương hữu thừa*, nói rằng Vương hữu thừa cũng không tục huyền, sau này chọn trong hàng cháu chắt một đứa thông mình nhận làm con thừa tự là được.” Nói đến đây, quản gia hoang mang hỏi: “Bổ đầu có biết Vương hữu thừa là ai không?”
(*Vương hữu thừa: ý chỉ Vương Duy, nhà thơ nổi tiếng thời Đường. Ông từng làm quan đến chức thượng thư hữu thừa, nên còn được gọi là Vương hữu thừa.)
Chu Tử Tần đáp: “Chính là Vương Duy Vương Ma Cật đó mà.”
“Ồ ta thế.” Quản gia đáp, rõ ràng cũng chẳng biết Vương Duy là ai, song vẫn kể tiếp, “Lão gia không có người nâng khăn sửa túi nên thỉnh thoảng cũng đến giáo phường tìm vài cô nương, có điều xưa nay chưa từng đưa những cô gái phong trần đó về nhà, nên tôi chẳng biết ai vào ai cả.”
Chu Tử Tần hạ giọng thì thào: “Đã thích Vương Duy sao không học ông ấy đóng cửa ở ẩn cho rồi, còn qua lại những chỗ đường hoa ngõ liễu?”
Hoàng Tử Hà chẳng buồn đếm xỉa đến gã, mà quay sang hỏi lão quản gia: “Xin hỏi lão nhân gia, hôm ấy trước khi lão gia nhà các vị ra ngoài có căn dặn gì không?”
“Hôm ấy… hình như lão gia có hẹn, nói rằng phải đến phố Tùng Hoa, tôi cũng không nhớ rõ lắm… Ôi, lão gia tuy có chút sản nghiệp nhưng độ hai năm nay thu nhập hơi kém, vốn dĩ bên cạnh vẫn có một thư đồng theo hầu, song mấy năm trước cũng cho nghỉ rồi. Giờ trong nhà chỉ có bốn người là tôi, một đầu bếp, một người hầu, và thằng cháu tôi thỉnh thoảng theo ra ngoài.” Đoạn lão trỏ tiểu đồng đang pha trà, thở dài kể: “Các vị bảo trong nhà không có bàn tay đàn bà sắp xếp, làm sao hưng vượng nổi? Mấy hôm trước có vài vị trong thi xã của lão gia tới viếng, một đại quan, hình như họ Tề thì phải, còn nấn ná trong thư phòng lão gia tôi hồi lâu rồi than vãn, lão gia nhà các ngươi phải tìm một người phụ nữ lo liệu việc nhà từ lâu rồi mới phải.”
“Nói vậy là các vị không biết gì về chuyện của lão gia ở bên ngoài?”
“Lão gia xưa nay không nhắc đến, cũng không dẫn chúng tôi theo… quả thật không ai biết gì cả.”
Thấy lão quản gia hoàn toàn mù tịt, đầu bếp, người hầu và tiểu đồng cũng lắc đầu quầy quậy, Chu Tử Tần đành dẫn Lý Thư Bạch và Hoàng Tử Hà ra phía sau xem xét.
Phía sau nhà là thư phòng, cả khoảng sân chỉ thấy bóng trúc hiu hiu, ngô đồng biêng biếc, tùng bách xanh um, non bộ lởm chởm, toát lên vẻ thanh cao cô ngạo.
Chu Tử Tần buột miệng: “Trông cảnh này tôi lại thấy quen quen, giống nơi nào ấy nhỉ…”
Gã còn đang gãi đầu gãi tai nghĩ ngợi thì Lý Thư Bạch đứng cạnh nói ngay: “Ngạc vương phủ.”
“Đúng đúng, chính là ngôi đình Ngạc vương gia hay ngồi uống trà! Ý cảnh cố tình bày đặt này, đúng là sởn da gà!” Chu Tử Tần sờ sờ lớp gai ốc mới nổi trên tay rồi xăm xăm đi thẳng vào thư phòng xem xét.
Vừa bước qua cửa đã thấy đập vào mặt một giá đồ cổ, phải đi vòng qua mới thấy hai hàng giá sách và một án thư. Sau án thư đặt một bức bình phong, chép bài Sơn cư thu mình của Vương Duy, nét chữ như rồng bay phượng múa, lạc khoản đề: Tịnh Tế cư sĩ.
Mặt tường bên phải bình phong treo bức tranh vẽ một cánh bướm đậu trên đóa hồng tú cầu. Màu mực đã phai, hẳn là đồ cũ. Cả phòng chỉ có bức tranh này là diễm lệ, níu được ánh mắt Hoàng Tử Hà thêm một thoáng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!