Tiếng Cười Trong Bóng Tối
Chương 3
Cô tên là Margot Peters. Cha cô làm nghề gác cổng và từng bị sang chấn mạnh trong Thế chiến: mái đầu muối tiêu của ông gật gật liên hồi như để không ngừng khẳng định nỗi oan ức và thống khổ, và mọi khiêu khích dù nhỏ nhất cũng làm ông rơi vào trạng thái khích động dữ dội. Mẹ cô còn khá trẻ nhưng cũng đã bị đời làm cho bầm giập – đó là một phụ nữ thô thiển và nhẫn tâm, lòng bàn tay đỏ của bà là nguồn dồi dào vô hạn những cú đòn. Đầu bà thường được cuốn trong chiếc khăn vuông, để tóc không dính bụi khi làm việc, nhưng sau mỗi buổi tổng vệ sinh ngày thứ Bảy, thực hiện chủ yếu nhờ chiếc máy hút bụi khôn khéo cắm vào thang máy, bà diện quần áo đẹp rồi dạo quanh thăm hỏi. Bà không được những người thuê nhà thích vì thái độ xấc xược và cung cách ác ý khi bà yêu cầu mọi người chùi chân vào thảm. Cái Cầu thang là thần tượng chính của đời bà – không phải như biểu tượng của sự thăng hoa vẻ vang, mà như một vật để lau chùi đẹp đẽ bóng loáng, khiến cho cơn ác mộng kinh hoàng nhất của bà (sau suất ăn chất quá tay khoai tây và dưa bắp cải) là một đợt cầu thang những bậc trắng muốt hằn rõ vết giày đen bẩn, trước hết bên phải rồi bên trái, rồi lại bên phải và cứ tiếp thế cho đến tận chiếu nghỉ tầng cuối. Một người đàn bà tội nghiệp, không phải là thần tượng để nhạo báng.
Otto, anh trai Margot, hơn cô ba tuổi. Anh ta làm việc ở một nhà máy sản xuất xe đạp, căm ghét thứ chủ nghĩa cộng hòa nhượng bộ của cha mình, thích bàn chuyện chính trị trong quán bia cạnh nhà và đấm tay xuống bàn mà tuyên bố: “Điều đầu tiên con người cần có là cái dạ dày lèn chặt.” Đó là nguyên tắc kim chỉ nam của anh ta – một nguyên tắc cũng khá hợp lý.
Khi nhỏ Margot có đi học, và ở trường cô ít bị véo tai hơn ở nhà. Động tác hay gặp nhất của một chú mèo con là cú nhảy nhẹ êm ái, đến bất chợt thành chuỗi; động tác của cô là thình lình giơ nhanh khuỷu tay trái lên che mặt. Dù vậy, cô vẫn lớn lên thành một cô gái thông minh và đầy nhiệt huyết. Khi mới tám tuổi, cô hăng hái tham dự các trận đá bóng đầy trò la hét và cào xé nhau mà bọn học trò nam chơi ngay giữa lòng đường với quả bóng cao su to bằng quả cam. Khi mười tuổi cô tập lái chiếc xe đạp của anh trai mình. Hai tay để trần, bím tóc đen bay bay, cô mở hết tốc lực xe đạp lên xuống vỉa hè; rồi chống một chân đăm chiêu dừng lại bên lề đường. Tới tuổi mười hai cô ít huyên náo hơn. Khi này cô không thích gì hơn việc dừng ở cửa thì thầm tán chuyện với con gái ông bán than củi, hai cô nhận xét về những người đàn bà hay ghé thăm một trong những người thuê nhà và bàn luận về kiểu mũ của khách qua đường. Một lần cô tìm thấy trên cầu thang một chiếc túi cũ sờn bên trong có một bánh xà phòng hạnh nhân nhỏ còn dính sợi lông con mảnh, và cả nửa tá ảnh kỳ quặc. Một lần khác, cậu bé tóc đỏ vốn hay ngáng chân cô trong giờ chơi hôn vào gáy cô. Rồi một đêm nọ cô lên cơn kích động và bị giội nước lạnh lên người, sau đó bị bồi thêm một trận đòn nhừ tử.
Một năm sau cô trở nên xinh xắn khác thường, cô mặc chiếc váy ngắn màu đỏ và mê điện ảnh điên cuồng. Sau này cô nhớ về đoạn đời đó của mình với một cảm giác ngột ngạt kỳ lạ: những buổi chiều sáng sủa, ấm áp, êm ả; tiếng các cửa hiệu cài then khi trời tối; cha cô giạng chân ngồi trên ghế ngoài cửa hút tẩu, đầu giật giật; mẹ cô đứng chống nạnh; bụi tử đinh hương ngả qua hàng rào, bà von Brock đi chợ về với những món đồ đựng trong chiếc túi lưới màu xanh lá cây; cô hầu Martha đứng chờ để qua đường với một chú chó săn và hai chú chó phốc lông cứng… Trời dần tối. Anh trai cô về nhà với một vài gã bạn lực lưỡng, họ vây tròn quanh cô, xô vào người cô và véo cánh tay trần của cô. Một gã trong số họ có đôi mắt giống diễn viên điện ảnh Veidt. Con phố, với tầng trên của các tòa nhà vẫn còn ngập trong ánh sáng màu vàng, đã dần trở nên khá yên ắng. Duy có bên kia đường hai người đàn ông hói đầu đang chơi bài trên ban công, và mỗi tiếng cười ha hả với tiếng họ quật quân bài đều nghe rõ rệt.
Khi sắp mười sáu tuổi, cô chơi thân với một cô bán hàng ở cửa hiệu tạp phẩm nhỏ góc phố. Em gái cô này đã kiếm sống khá dư dả bằng nghề làm người mẫu cho một họa sĩ. Bởi vậy Margot mơ ước trở thành người mẫu và sau đó thành ngôi sao màn bạc. Dường như sự chuyển tiếp đó đối với cô là vấn đề khá đơn giản: bầu trời đang ở đó, sẵn sàng chào đón ngôi sao của cô. Cũng vào khoảng thời gian đó, cô học khiêu vũ và thỉnh thoảng cùng cô bán hàng đi đến vũ trường “Thiên đường”; ở đó cô được đám đàn ông đứng tuổi mời mọc cực kỳ trắng trợn ngay giữa những tiếng loảng xoảng và rên rỉ của một ban nhạc jazz.
Một ngày nọ khi cô đứng ở góc phố, một gã thanh niên cưỡi xe mô tô màu đỏ bất ngờ đến gần mời cô lên xe đi một vòng, trước đó cô đã từng thấy hắn một hay hai lần. Mái tóc màu nâu vàng của hắn chải ngược về phía sau và chiếc sơ mi vẫn còn no gió căng phồng sau lưng hắn. Cô mỉm cười, leo lên ngồi phía sau hắn, chỉnh lại váy, và một giây tiếp đó, cô đã du hành trong tốc độ kinh hoàng với chiếc cà vạt của hắn bay tạt vào mặt. Hắn chở cô ra ngoài thành phố rồi dừng xe lại. Đó là một buổi chiều nắng, một đám muỗi nhỏ vằn đang không ngừng mạng vá không trung tại cùng một chỗ. Không gian rất yên tĩnh, sự yên tĩnh của những cây thông và cây thạch nam. Hắn xuống xe, và lúc ngồi cạnh cô bên bờ mương hắn nói với cô rằng năm ngoái hắn đi xuống đến tận Tây Ban Nha, cũng chỉ như thế này. Rồi hắn choàng tay quanh người cô, bắt đầu siết chặt và sờ soạng, hôn cô dữ dội đến độ chóng mặt. Cô quẫy người vùng ra và bật khóc. “Anh có thể hôn em,” cô nức nở, “nhưng không phải như thế này. Em xin anh đấy.” Gã trai trẻ nhún vai, lên xe nổ máy, chạy xe, rồ máy chồm lên, lái chệch sang lối khác rồi biến mất, để cô ngồi lại trên một cột mốc cây số. Cô đi bộ về nhà, Otto trước đó đã nhìn thấy cô đi, anh ta tương cho cô một cú đấm vào cổ và một cú đá điêu luyện đến độ làm cô ngã xuống chiếc máy khâu đến thâm cả người.
Mùa đông năm sau, em gái cô bán hàng giới thiệu Margot với bà Levandovsky, một phụ nữ đáng tuổi với dáng người cân đối và lối cư xử nhã nhặn, tuy có tì vết là cách nói chuyện ngọt như mía lùi và một vết bớt tím trên má to bằng cả bàn tay: bà ta thường giải thích vết đó là do mẹ bà bị khiếp đảm trong một vụ cháy khi mang thai bà. Margot dọn vào sống trong một căn phòng nhỏ dành cho người hầu ở căn hộ của bà, và cha mẹ cô mừng rỡ vì đã tống khứ được cô đi, thêm nữa họ cho rằng mọi nghề nghiệp đều được minh biện bằng số tiền nhờ nó mà kiếm được. May mắn là anh trai cô, người vẫn thích phát biểu với luận điệu dọa dẫm về việc bọn tư bản mua con gái nhà nghèo, lại vắng nhà một thời gian để đi làm ở Breslau.
Ban đầu Margot làm người mẫu trong lớp ở một trường nữ sinh, rồi sau đó trong một phòng vẽ đích thực nơi người vẽ không chỉ có phụ nữ mà cả đàn ông, hầu hết đều khá trẻ. Với mái tóc đen mượt cắt đẹp đẽ, cô ngồi trên một tấm thảm nhỏ, hoàn toàn khỏa thân, chân gập dưới thân mình, cô tì người lên cánh tay nổi gân xanh; tấm lưng mảnh dẻ (óng ánh lớp lông tơ giữa hai bờ vai xinh đẹp, một bên so lên đến gò má đỏ bừng) hơi cúi xuống phía trước làm ra vẻ mệt mỏi đăm chiêu; cô liếc xéo các sinh viên đang nhìn lên rồi nhìn xuống và nghe thấy tiếng rì rầm cùng tiếng bút chì sột soạt đang đánh bóng đường cong này đường cong kia. Trong nỗi buồn chán tột độ, cô thường chọn cậu sinh viên đẹp trai nhất và liếc anh chàng bằng đôi mắt đen ướt mỗi khi anh ta ngẩng lên, môi hé ra và trán chau lại. Cô chưa hề thành công trong việc khuấy động sự tập trung của anh ta, và điều này làm cô phật ý. Trước đó cô cứ hình dung một mình ngồi giữa không gian ngập ánh sáng, phơi mình trong bao cặp mắt; cô mơ tưởng việc đó chắc chắn rất vui thú. Nhưng hóa ra nó chỉ làm người cô mỏi nhừ, vậy thôi. Để tự giải khuây, cô trang điểm trước khi ngồi làm người mẫu, cô tô đôi môi khô nóng, vẽ đen hai hàng mi dù thực ra chúng đã khá đủ sẫm màu, thậm chí có lần cô còn bôi son lên núm vú của mình. Vì việc này mà cô bị cái bà Levandovsky mắng cho một trận.
Ngày tháng cứ thế trôi đi và Margot chỉ có một ý niệm rất mơ hồ về việc mình đang thật sự theo đuổi cái gì; tuy vậy cô vẫn luôn giữ viễn ảnh về bản thân trong lốt một minh tinh màn bạc mặc bộ áo lông thú tuyệt mỹ, được một người gác cổng khách sạn tuyệt mỹ dưới tán ô khổng lồ nâng tay đỡ xuống chiếc ô tô tuyệt mỹ. Cô vẫn còn đang băn khoăn tìm cách nhảy xuống từ tấm thảm phai màu trong phòng vẽ sang thế giới rực rỡ nạm kim cương dó, khi bà Levandovsky lần đầu nói đến một anh chàng tỉnh lẻ trẻ tuổi si tình.
“Không có bạn trai thì cháu không làm được việc gì đâu,” bà tuyên bố với giọng đầy mãn nguyện trong lúc uống cà phê. “Cháu là một cô gái trẻ quá sôi nổi nên không thể không cần người bầu bạn, còn anh chàng trẻ tuổi khiêm nhường đó lại đang đi tìm một tâm hồn trong sáng giữa cái thành phố đồi bại này.”
Bấy giờ Margot đang ôm trong lòng chú chó lạp xưởng lông vàng béo tròn của bà Levandovsky. Cô kéo hai cái tai mềm như lụa của con vật, gí sát hai chóp tai vào nhau trên cái đầu êm mượt của nó (nhìn từ phía trong hai cái tai đó trông như tờ giấy thấm màu hồng sẫm đã bị dùng nhiều), rồi cô trả lời mà không nhìn lên:
“Ồ, chưa cần đến chuyện đó đâu. Cháu mới mười sáu tuổi thôi mà, phải không ạ? Và làm thế để làm gì nào? Có đi đến đâu không? Cháu biết tỏng mấy anh chàng đó.”
“Cháu thật là ngốc nghếch,” bà Levandovsky từ tốn nói. “Cô không nói đến mấy tên đểu cáng mà cô nói đến một người hào hoa phóng khoáng, anh ta đang mơ về cháu đấy, kể từ lần nhìn thấy cháu ngoài phố.”
“Một lão già tàn tật nào đó chứ gì, cháu đoán thế,” Margot nói và hôn vào cái mụn cơm trên má chú chó.
“Thật là ngốc nghếch quá đi thôi,” bà Levandovsky nhắc lại. “Anh ta ba mươi tuổi, mày râu nhẵn nhụi, xuất chúng, đeo cà vạt lụa và mang hộp đựng thuốc lá bằng vàng.”
“Nào, đi dạo nhé,” Margot nói với chú chó, thế là nó trượt từ lòng cô xuống sàn phịch một cái rồi lon ton chạy dọc hành lang.
Và cái người hào hoa mà bà Levandovsky nói đến nào có phải là một chàng trẻ trai bẽn lẽn từ tỉnh lên. Hắn tiếp cận bà nhờ hai người khách buôn niềm nở từng chơi poker với hắn trên chuyến tàu hỏa chuyển tiếp tới bến cảng, suốt từ Bremen đến Berlin. Ban đầu, chuyện giá cả không hề được bàn đến: bà mối chỉ đơn thuần cho hắn xem bức ảnh một cô gái tươi cười với đôi mắt lấp lánh ánh nắng và một chú chó bế trên tay, và Miller (đó là tên hắn dùng) chỉ đơn thuần gật đầu. Vào ngày hẹn, bà ta mua vài chiếc bánh ngọt và pha thật nhiều cà phê. Rất sáng suốt, bà khuyên Margot mặc chiếc váy đỏ quen thuộc. Gần sáu giờ, chuông cửa reo.
“Mình sẽ chẳng làm gì mạo hiểm cả, chẳng có gì mạo hiểm,” Margot nghĩ. “Nếu mình ghét anh ta thì mình sẽ nói ngay cho bà ta biết, còn nếu không thì mình sẽ suy tính cẩn thận từ từ.”
Thật không may, quyết định phải nghĩ gì về Miller lại không phải vấn đề đơn giản. Trước hết, khuôn mặt hắn gây ấn tượng mạnh. Mái tóc đen xỉn của hắn được vô tâm chải lật về phía sau, hơi dài và có vẻ khô khô lạ lùng; chắc chắn đó không phải là tóc giả, cho dù giống tóc giả đến khác thường. Hai gò má hắn cao đến độ làm má trông hõm vào, và màu da trên má trắng đục như được trát một lớp phấn mỏng. Đôi mắt sắc lấp lánh của hắn và hai lỗ mũi hình tam giác ngộ nghĩnh (làm ta nghĩ đến một chú linh miêu) luôn cử động liên hồi, trái lại, nửa dưới khuôn mặt hắn nặng nề với hai nếp nhăn bất động nơi khóe miệng. Trang phục của hắn có vẻ khá xa lạ: chiếc sơ mi đúng màu xanh da trời ấy cùng cái cà vạt màu xanh da trời sáng, bộ com lê xanh da trời thẫm ấy cùng chiếc quần rộng thùng thình. Người hắn cao gầy và khi hắn dò lối cẩn trọng di chuyển giữa những đồ đạc sang trọng nhà bà Levandovsky, đôi vai vuông vắn của hắn cử động uyển chuyển. Margot đã hình dung về hắn rất khác, và giờ đây cô khoanh chặt hai tay ngồi đó, cảm thấy khá sốc và khổ sở, trong khi ánh mắt Miller đang thẳng thừng nuốt chửng cô. Bằng một giọng kèn kẹt, hắn hỏi tên cô. Và cô trả lời hắn.
“Còn tôi là Axel[1] nhỏ bé,” hắn nói và cười một tiếng, rồi đột ngột quay sang nói chuyện tiếp với bà Levandovsky: họ bình thản nói về những điểm du lịch ở Berlin và hắn tỏ ra lịch sử theo kiểu giễu cợt với bà chủ nhà.
[1. Nhân vật trong vở kịch cùng tên của Villiers de I’lsle-Adam về chuyện tình giữa chàng Axel và một công nương người Đức. Tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng của Richard Wagner.]
Rồi bỗng nhiên hắn rơi vào im lặng, châm một điếu thuốc và gỡ mẩu giấy thuốc lá dính trên đôi môi dầy dặn, rất đỏ của mình (cái hộp thuốc lá bằng vàng ở đâu nhỉ?), rồi nói:
“Tôi có một ý thế này, thưa bà kính mến. Đây là vé lô sát sân khấu cho vở opera của Wagner[2], chắc chắn bà sẽ thích đấy. Nên bà hãy đội mũ và chuồn nhanh. Đi bằng taxi đi, cả tiền taxi tôi cũng sẽ trả cho.”
[2. Wihelm Richard Wagner (1813-1883) là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc người Đức nổi tiếng với các tác phẩm opera.]
Bà Levandovsky cảm ơn hắn, nhưng đáp lại với một vẻ tự trọng rằng bà thích ở nhà hơn.
“Tôi có thể nói riêng với bà vài câu được không?” Miller hỏi, khó chịu ra mặt và đứng lên khỏi ghế.
“Uống thêm chút cà phê nào,” bà kia bình tĩnh đề xuất.
Miller liếm mép rồi ngồi xuống. Sau đó hắn mỉm cười, và với kiểu cách hiền lành mới có đó hắn lao vào kể câu chuyện tức cười về một người bạn của hắn, một ca sĩ opera được giao đóng vai Lehengrin, nhưng do say rượu mà không kịp lên thuyền thiên nga kéo để ra sân khấu nên đành lạc quan chờ chuyến thiên nga tiếp theo[3]. Margot cắn môi và đột nhiên gập người ra phía trước cười phá lên như trẻ con. Bà Levandovsky cũng cười, bộ ngực đồ sộ rung nhè nhẹ.
[3. Trong vở opera của Wagner, Lehengrin phải bắt kịp chuyến thiên nga mới cứu được nàng công chúa Đức. Câu chuyện này dựa trên sự việc có thật xảy ra với ca sĩ opera nổi tiếng Leo Slezak.]
“Được thôi,” Miller nghĩ, “nếu mụ già này muốn mình đóng vai một gã ngốc đang tương tư thì mình sẽ làm thôi… và sẽ hăm hở quyết làm. Mình sẽ nhập vai đến cùng và còn hoàn hảo hơn mụ ta tưởng.”
Rồi ngày hôm sau hắn đến, rồi lại đến, và lại đến. Bà Levandovsky mới chỉ nhận một ít tiền ứng trước và muốn có toàn bộ, nên bà không rời hai người một giây. Nhưng thỉnh thoảng vào những buổi chiều muộn khi Margot dắt chó đi dạo, Miller bỗng bất ngờ hiện ra từ trong bóng tối và tản bộ bên cạnh cô. Điều này làm cô xốn xang đến độ chân cô vô tình bước vội hơn, quên bẵng chó chú đang phải lóc cóc theo cô, thân người lơ lửng thành một góc với mặt đường nơi những bước chân nó đang chấp chới. Bà Levandovsky nghe được những lời đồn thổi về các cuộc gặp này, thế là bà liền tự mình dắt chó đi dạo.
Hơn một tuần trôi qua như vậy. Rồi Miller quyết định hành động. Thật ngu xuẩn nếu phải trả món tiền khổng lồ mụ ta đòi trong khi hắn đã bắt đầu đạt được mục tiêu mà không cần sự giúp đỡ của mụ. Một tối nọ, hắn kể thêm cho mụ và Margot ba câu chuyện tiếu lâm, đó là những chuyện buồn cười nhất họ từng nghe; hắn uống ba tách cà phê, rồi trong khi tiến đến gần bà Levandovsky, hắn kéo bà lại ôm lấy mà đẩy vào phòng tắm, đoạn nhanh tay rút chìa khóa ra và khóa trái cửa từ bên ngoài. Ban đầu người đàn bà tội nghiệp sửng sốt mất năm giây không thốt ra nổi một lời, sau đó thì – Ôi, lạy Chúa!…
“Xếp đồ đạc nhanh lên rồi đi theo anh,” hắn nói, quay người về phía Margot đang đứng giữa phòng, cả hai tay bịt chặt lấy đầu.
Hắn đưa cô đến một căn hộ nhỏ hắn thuê cho cô từ hôm trước, và Margot thì vừa mới vượt qua ngưỡng cửa đã lập tức hoan hỉ đầu hàng và buông mình theo định mệnh, cái định mệnh vẫn nằm đó đợi cô từ khá lâu rồi.
Và cô thích Miller vô cùng. Có cái gì đó thỏa mãn biết bao trong cách nắm chặt của tay hắn, trong cách đụng chạm vào đôi môi đầy đặn. Hắn không nói chuyện nhiều, nhưng hắn thường bế cô ngồi trên đầu gối mình và cười lặng lẽ khi nghĩ ngợi về điều bí ẩn nào đó. Cô không đoán được hắn làm gì ở Berlin và hắn thật sự là ai. Cô cũng không tìm ra được khách sạn của hắn, và một lần, khi cố lục túi áo hắn, cô bị hắn giũa một trận ra trò, vì thế cô quyết định lần sau phải làm khéo hơn, nhưng hắn thận trọng quá. Mỗi khi hắn đi ra ngoài, cô lại sợ hắn không quay về; nhưng mọi lúc khác cô thấy mình hạnh phúc khác thường và hy vọng họ sẽ ở bên nhau mãi mãi. Thỉnh thoảng hắn tặng cô thứ gì đó, như đôi tất chân bằng lụa, nùi bông thoa phấn – không có gì đắt tiền cả. Nhưng hắn lại dẫn cô đi ăn ở các quán ngon, đi xem phim và sau đó uống cà phê, và một lần khi cô thở gấp bởi nhìn thấy một nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng đến ngồi cách chỗ họ vài bàn, hắn ngước nhìn anh chàng diễn viên và họ chào nhau, điều này làm hơi thở gấp của cô lại càng ngọt ngào hơn.
Còn về phần hắn, hắn ngày càng yêu thích cô hơn, đến mức thường thì mỗi khi sắp sửa đi, hắn bỗng đột nhiên nhét mũ vào một góc (trước đó tình cờ cô phát hiện ra nhờ mặt trong chiếc mũ đó là hắn đã từng đến New York) và quyết định ở lại. Mọi chuyện kéo dài đúng một tháng. Rồi vào buổi sáng nọ hắn dậy sớm hơn bình thường và nói rằng hắn phải đi. Cô hỏi hắn đi bao lâu. Hắn nhìn cô đăm đăm rồi đi đi lại lại quanh phòng trong bộ đồ ngủ màu tím, xoa hai tay như là đang rửa vậy.
“Đi hẳn, chắc vậy,” hắn bất ngờ trả lời, rồi bắt đầu mặc quần áo mà không hề nhìn cô. Cô nghĩ chắc chắn hắn đùa, liền đạp khăn trải giường ra, vì căn phòng rất nóng, đoạn cô quay mặt vào tường.
“Tiếc là anh chưa có bức ảnh nào của em,” hắn nói trong khi thọc chân vào giày.
Rồi cô nghe tiếng hắn xếp đồ và khóa chiếc va li hắn dùng để mang các thứ lặt vặt đến căn hộ. Vài phút sau, hắn lên tiếng: “Nằm yên và đừng ngó nghiêng.”
Cô không nhúc nhích. Hắn đang làm gì vậy? Cô so đôi vai trần. “Nằm yên,” hắn nhắc lại.
Trong vài phút mọi thứ yên lặng như tờ, chỉ nghe một âm thanh gai người khe khẽ quen thuộc.
“Bây giờ em quay lại được rồi,” hắn nói.
Nhưng Margot vẫn nằm bất động. Hắn đến gần cô, hôn tai cô rồi bước nhanh ra ngoài. Nụ hôn đó còn văng vẳng trong tai cô khá lâu.
Cô nằm trên giường cả ngày hôm đó. Hắn không quay lại nữa.
Sáng hôm sau, cô nhận được một bức điện từ Bremen: “Tiền phòng đã trả đến tháng Bảy, vĩnh biệt nàng yêu nữ dịu dàng.”
“Trời ơi, thiếu anh ta mình sẽ ra sao đây?” cô thốt lên thành lời. Cô nhào đến bên cửa sổ, mở tung ra và chuẩn bị lao người xuống. Nhưng chính lúc đó, một chiếc xe cứu hỏa màu đỏ xen vàng hụ còi inh ỏi tới rồi dừng lại trước tòa nhà đối diện. Một đám đông xúm lại, khói cuồn cuộn tuôn ra từ cửa sổ tầng thượng và những mảnh tro giấy đen sì bay bồng bềnh trong gió. Cô quan tâm đến đám cháy đến độ quên mất cả mình đang định làm gì.
Cô còn rất ít tiền. Trong cơn khủng hoảng, cô đến vũ trường như các thiếu nữ bị bỏ rơi vẫn làm trong phim. Hai người đàn ông Nhật lịch thiệp đến gạ gẫm cô, và do đã uống nhiều cocktail hơn tửu lượng cho phép nên cô đồng ý qua đêm với họ. Sáng hôm sau, cô đòi họ trả hai trăm mác. Hai gã người Nhật đưa cho cô ba mác năm mươi xu tiền lẻ và bắt cô cuốn xéo. Cô quyết định phải thận trọng hơn trong những lần sau.
Rồi đêm nọ trong quán bar, một lão to béo với cái mũi như quả lê chín nhũn đặt bàn tay dăn dúm lên đầu gối mượt như lụa của cô và nói bằng giọng nhung nhớ:
“Anh rất vui được gặp lại em, Dora à. Em còn nhớ hè năm ngoái chúng mình vui chơi cùng nhau thế nào chứ?”
Cô cười phá lên và trả lời rằng lão nhầm rồi. Lão già thở dài và hỏi cô muốn uống gì. Rồi lão lái xe đưa cô về, và trong bóng tối của chiếc xe lão cư xử thú vật đến nỗi cô phải nhảy xuống. Lão đi theo, van xin gần như khóc để cô cho gặp lại. Cô đưa lão số điện thoại của mình. Sau khi thanh toán xong tiền phòng cho cô đến tháng Mười một và còn đưa đủ tiền để cô mua một chiếc áo choàng lông, lão được cô cho phép ở lại qua đêm. Lão là một người bạn tình dễ chịu, ngay khi thôi rên rỉ là lập tức ngủ vùi. Rồi có một lần lão lỡ hẹn, và khi cô rốt cuộc cũng gọi điện đến văn phòng của lão thì được cho hay rằng lão đã chết.
Cô đem bán chiếc áo choàng lông và số tiền đó giúp cô sống đến mùa xuân. Hai ngày trước khi bán, cô bỗng cháy bỏng khao khát được trình diễn cho bố mẹ xem vẻ hào nhoáng của mình, thế là cô đi taxi ngang qua nhà. Hôm ấy là thứ Bảy và mẹ cô đang lau bóng quả đấm cửa trước. Bà chết đứng khi nhìn thấy cô con gái. “Trời, tao không thể nào tin nổi!” bà thảng thốt kêu lên đầy cảm xúc. Margot mỉm cười lặng lẽ rồi quay vào xe taxi và qua cửa kính sau cô thấy ông anh trai đang từ trong nhà chạy ra. Anh ta vung nắm đấm lên mà chửi bới cô gì đó.
Cô thuê một căn phòng rẻ hơn. Nửa kín nửa hở, hai bàn chân nhỏ để trần, cô ngồi trên mép giường trong bóng tối đang đặc dần, hút thuốc hết điếu này sang điếu khác. Bà chủ nhà của cô, một người dễ xúc động và vẫn thỉnh thoảng ghé qua phòng cô để tán chuyện thân tình, một hôm nói cho cô hay anh họ của bà là chủ một rạp chiếu phim khá ăn khách. Mùa đông này có vẻ lạnh hơn các mùa đông trước; Margot tìm quanh mình thứ gì đó để đem cầm: cái ánh hoàng hôn này chăng?
“Mình sẽ làm gì tiếp đây?” cô ngẫm nghĩ.
Vào một buổi sáng lạnh giá ảm đạm, tự thấy mình đủ can đảm, cô liền trang điểm thật ấn tượng, tìm một hãng phim với cái tên đầy hứa hẹn và xin được cái hẹn với giám đốc tại văn phòng của ông ta. Hóa ra đó là một người đàn ông đứng tuổi, mắt phải bịt băng đen còn mắt trái lập lòe tia nhìn soi mói. Để mở đầu, Margot khẳng định cô đã từng đóng phim – và rất thành công.
“Phim nào vậy?” ông giám đốc hỏi, trong khi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt hào hứng của cô một cách nhân từ.
Cô liều lĩnh nói bừa tên một hãng phim, một bộ phim. Người đàn ông không nói gì. Rồi ông nhắm mắt trái lại (nếu mắt kia còn sáng thì làm vậy trông ông như đang nháy mắt) và nói:
“Thật may cho cô là đã gặp tôi đấy. Ở địa vị của tôi, những người khác sẽ bị cám dỗ bởi… ờ… vẻ tươi trẻ của cô mà hứa hươu hứa vượn, và, hừm, và cô sẽ phải trả giá bằng thân xác của mình mà chẳng thành được cái bóng mờ ánh bạc nào trong phim tình cảm, ít ra là trong loại phim tình cảm mà hãng chúng tôi sản xuất. Tôi thì, như cô thấy đấy, không còn trẻ nữa và những gì ở đời tôi chưa từng thấy thì cũng chẳng đáng xem. Tôi nghĩ con gái tôi chắc nhiều tuổi hơn cô. Và chính vì thế tôi muốn nói với cô điều này, cô bé thân mến ạ. Cô chưa bao giờ là diễn viên đâu. Về nhà đi, nghĩ cho kỹ, nói chuyện với bố mẹ nếu cô vẫn còn quan hệ tốt với họ, mà tôi đoán là không..”
Margot đập găng tay vào mép bàn, đứng dậy kiêu hãnh bước ra, khuôn mặt nhăn nhúm vì tức giận.
Một hãng phim khác có văn phòng trong cùng tòa nhà ấy, nhưng cô thậm chí không được tiếp. Lòng đầy phẫn nộ cô bỏ về nhà. Bà chủ nhà luộc cho cô hai quả trứng và vỗ vỗ vai cô trong khi cô ăn ngấu nghiến, giận dữ. Rồi người phụ nữ tốt bụng đó đi kiếm ít rượu brandy và hai cái cốc nhỏ, rót rượu bằng bàn tay run run, cẩn thận đóng nút chai và đem cất đi.
“Hãy uống chúc cô may mắn,” bà nói và ngồi xuống cạnh chiếc bàn lung lay. “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi, cô bé thân mến ạ. Mai tôi sẽ đi gặp ông anh họ và chúng tôi sẽ bàn về chuyện của cô.”
Cuộc nói chuyện ấy khá thành công và mới đầu Margot thích công việc mới của mình, cho dù, dĩ nhiên, cũng hơi bẽ bàng khi phải khởi đầu sự nghiệp điện ảnh theo cách ấy. Ba hôm sau cô cảm thấy như chưa hề làm gì cả trong đời ngoài việc dẫn khách xem phim dò dẫm đến ghế của họ. Tuy nhiên, sang thứ Sáu thì có một sự thay đổi chương trình làm cô phấn chấn hơn. Cô đứng tựa vào trong bóng tối xem Greta Garbo. Nhưng chỉ ít lâu sau thì cô ngán hẳn. Thêm một tuần nữa trôi qua. Có một người đàn ông lúc đi ra khỏi rạp vẫn lần chần cạnh cửa mà liếc nhìn cô với vẻ mặt ngượng ngùng bất lực. Khoảng hai ba hôm sau ông ta quay lại. Ông đóng bộ chỉnh chu và đôi mắt xanh của ông nhìn cô chăm chăm đầy thèm khát.
“Một lão trông khá tử tế, tuy có phần tẻ nhạt,” Margot suy tưởng.
Rồi khi ông ta xuất hiện lần thứ tư hay thứ năm – mà chắc chắn không phải để xem phim bởi vì cũng vẫn là một bộ phim đó – cô thoáng thấy phấn khích trong lòng, một cảm giác hồi hộp dễ chịu.
Nhưng ông ta nhút nhát quá chừng, cái ông này! Một lần trên đường về nhà, ông đi bên kia đường. Cô bước chậm lại mà không nhìn quanh, nhưng hai khóe mắt cô lại quặt ra sau như tai thỏ, mong chờ ông ta sẽ theo. Nhưng không, ông ta lại tan biến đi đâu mất. Sau đó khi ông lại đến rạp Argus, bộ dạng của ông trông xanh xao, ốm yếu rất đáng chú ý. Hết giờ làm việc, Margot lẹ làng bước ra ngoài phố, cô dừng lại, mở ô. Ông ta vẫn đang dừng ở lề đường bên kia ,thế là cô từ tốn băng qua đường về phía ông. Nhưng vừa thấy cô đến gần là ông liền rảo bước đi.
Ông thấy mình thật ngu ngốc và nôn nao nữa. Ông biết cô đang đi đằng sau và vì thế ông sợ mình bước quá nhanh thì sẽ để tuột mất cô, nhưng rồi ông lại sợ mình bước quá chậm thì sẽ làm cô đi vượt. Ở ngã tư đường tiếp đó, ông buộc phải đợi trong lúc hết chiếc xe này lại đến chiếc xe khác đi qua. Chính từ chỗ này cô vượt ông, suýt trượt chân trước chiếc xe tải chở đầy xe đạp, cô nhảy lùi lại, xô vào ông. Ông nắm lấy khuỷu tay mảnh mai của cô và họ cùng nhau qua đường.
“Giờ thì chuyện bắt đầu rồi,” Albinus nghĩ và vụng về chỉnh nhịp bước của mình theo cô; ông chưa bao giờ đi bên cạnh một người phụ nữ nào nhỏ nhắn như vậy.
“Ông bị ướt hết rồi,” cô mỉm cười nói. Ông cầm lấy chiếc ô từ tay cô; cô ép sát người vào ông hơn. Trong khoảnh khắc ông sợ tim mình sẽ nổ tung, nhưng rồi bỗng nhiên có gì đó trong ông được mở trói thật sung sướng như thể ông đã bắt được giai điệu của niềm đê mê, cái niềm đê mê ẩm ướt đang gõ nhịp, gõ nhịp vào lớp lụa mỏng mượt căng trên đỉnh đầu ông. Giờ thì mọi lời nói của ông tuôn ra thật dễ dàng và ông thưởng ngoạn sự trôi chảy mới nảy sinh này.
Mưa ngừng rơi, nhưng họ vẫn bước dưới ô. Khi hai người dừng lại trước cửa nhà cô, ông đóng cái vật đẹp đẽ, bóng loáng, ướt nhèm đó lại rồi đưa trả cô.
“Đừng đi vội,” ông van nài (cùng lúc đó ông để nguyên tay trong túi áo và cố đẩy chiếc nhẫn cưới ra bằng ngón cái). “Đừng đi,” ông nhắc lại (chiếc nhẫn đã rời ra).
“Muộn rồi,” cô nói, “dì tôi sẽ bực mình.”
Ông nắm lấy cổ tay cô và bằng vũ lực của sự nhút nhát cố hôn cô, nhưng cô nhanh nhảu cúi đầu xuống nên môi ông chỉ chạm được vào chiếc mũ nhung của cô.
“Buông tôi ra,” cô thầm thì, cúi đầu xuống. “Ông biết là không nên làm thế.”
“Nhưng em đừng đi,” ông kêu lên. “Tôi không có ai trên đời này ngoài em.”
“Tôi không thể, tôi không thể,” cô đáp, đoạn vừa xoay chìa khóa vừa tì bờ vai nhỏ nhắn đẩy cánh cửa đồ sộ.
“Ngày mai tôi sẽ lại đợi em đấy,” Albinus nói.
Cô mỉm cười với ông qua khung cửa kính rồi chạy dọc hành lang tối mờ về phía vườn sau.
Ông hít một hơi sâu, dò dẫm tìm khăn mùi soa, xì mũi, cẩn thận cài khuy áo choàng rồi lại mở ra; ông nhận thấy bàn tay mình nhẹ bẵng và trơ trụi biết bao, rồi ông vội vã luồn ngón tay vào chiếc nhẫn còn ấm nóng.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!