Những mảnh trời nhỏ bé. - Truyện ngắn 1: Ước mơ của nó.
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
103


Những mảnh trời nhỏ bé.


Truyện ngắn 1: Ước mơ của nó.


Tôi và nó tình cờ gặp nhau, nó mỉm cười chào tôi rồi nói:

– Chị Chi, bao giờ đến trường vậy chị?

– Chị cũng không biết nữa, chắc tầm tháng Tám. Để chị hỏi bạn chị xem bao giờ đi.

– Vâng ạ. – Nó vẫn cười, nụ cười tươi hồn nhiên mà trong sáng.

– Năm nay trường lấy 30, 5 điểm nhỉ? Thế em thi được bao điểm?

– Em được có 36 ạ. Vừa đủ vào. Với lại đề năm nay dễ lắm, không như năm trước.

– Đề năm trước cũng bình thường mà. Ngoài mấy bài toán nâng cao thì còn lại đều dễ.

– Nhưng vẫn khó hơn năm nay nhiều rồi, vậy mà chị còn được 53 điểm… Aizzzzz, sao trời bất công quá vậy.

– Sao mà bất công? – Tôi khẽ cười nhìn nó.

– Thì điểm của chị đủ vào tất cả các trường ở Thái Nguyên, cả trường chuyên. Trong khi em đỗ được có hai trường.

– Ha, có gì đâu mà đỗ mới chả không đỗ. Dù sao chị cũng không có ý định học chuyên.

-…

Mọi người biết đó, khi hai người con gái nói chuyện với nhau thì sẽ không bao giờ có điểm dừng. Bởi vậy cha ông ta mới có câu: Ba người phụ nữ làm nên cái chợ.

Hai đứa chúng tôi nói chuyện vui vẻ từ chuyện thi cử tới idol rồi lan luôn sang việc ký dự luận đặc khu.

Nó là Dương, Ánh Dương, kém tôi một tuổi, nhà cũng gần nên từ nhỏ đã thân thiết. Tên của nó là sự khát khao, niềm tin của mẹ nó. Mẹ nó, một người đàn bà không chồng, một mình làm lụng nuôi con, cứ vậy mà sống không đi thêm bước nữa. Cha của Dương, người đàn ông bà yêu cuối cùng lại đi theo người con gái trên thành phố, bỏ lại cô gái thôn quê nơi quê nhà. Không vì bị phản bội mà chuốc giận lên người nó, bà yêu thương nó vô cùng. Nó như ánh dương soi sáng cho bà, nó là niềm tin vào cuộc sống, giúp bà có thêm động lực để cố gắng. Sau đó, bà theo mấy người bạn đi vào nam làm đồn điền cà phê, gửi nó ở với nhà ngoại, mỗi tháng đều gửi tiền về… Nhưng từ đó bà ít gặp mặt nó hơn, mấy năm nay số lần nhìn thấy mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Là một gia đình thuần nông, rất để ý thể diện, nhất là trinh tiết người phụ nữ. Vì vậy nhà ngoại chẳng yêu thương gì nó. Nhưng nó không nói gì, chỉ hồn nhiên, vô tư, ngoan ngoãn mà chăm chỉ học hành. Vì nó biết mẹ đang chịu khổ để kiếm đồng tiền nuôi nó ăn học.

Sau đó mấy hôm, tôi tình cờ nghe nội và mẹ nói chuyện:

– Con bé nhà cái Hạnh ấy, tên gì ý nhỉ? – Nội vừa móm mém nhai trầu vừa hỏi.

– Tên Dương ạ. – Tôi ngạc nhiên hỏi nội – Sao vậy nội?

– Dì nó nhốt nó trong phòng không cho ra ngoài. Hình như cấm nó không được đi học hay sao ý. – Nội nhìn tôi, rồi lại thở dài. – Nhà đã nghèo, có đứa cháu học được lại bắt nó nghỉ.

– Nhà đã như vậy thì phải cho con cho cháu đi học chứ. Nó học được mà bắt nó nghỉ, đến bao giờ mới đổi đời được. – Mẹ tôi chép miệng than.

– Thì thế, đến tai cả trưởng thôn rồi. Trưởng thôn còn tới tận nhà nhưng vẫn không ăn thua.

– Thật hả bà?

– Bà lừa mày làm cái gì?

– Thế mẹ nó có biết không? – Tôi hỏi bà.

– Mẹ nó làm mãi trong Gia – lai, cả năm chả về lấy một lần, làm sao biết được.

Tôi cũng chẳng biết câu chuyện kết thúc như thế nào nữa. Tôi ngồi vào bàn học, lật quyển sách Toán 11 ra mà chẳng vào tẹo nào. Tôi nhớ tới cô bé 9 tuổi người bé loắt choắt, mặc quần áo rộng thùng thình tay cầm mẩu gạch vỡ viết phép tính lên tấm bìa, đòi làm cô giáo. Cô bé 11 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi Vở sạch chữ đẹp dành cho học sinh cấp 1 của tỉnh. Cô bé 12 tuổi đi bộ 5 km tới trường học. Cô bé 15 tuổi mà phải làm hết thảy công việc trong nhà, rồi cả đồng áng…

Cuộc đời là vậy, chẳng bao giờ dễ dàng.

Tháng Tám, trời dịu mát, tôi lại gặp nó, ánh mắt nó đượm buồn đâu còn vẻ tươi cười ngày trước nữa. Nó hỏi tôi đi học có vui không, có nhiều bạn bè không. Tôi thấy cả ánh mắt khát khao của nó nữa. Nó từng nói với tôi: “Ước gì sau này em làm cô giáo, em sẽ dạy học cho các em nhỏ nghèo như em vậy.” Nhưng giờ, ước mơ nhỏ nhoi ấy của nó đã bị chặt đứt, cũng bởi một chữ nghèo. Tôi chẳng nói gì, chỉ im lặng nhìn nó, lúc lâu mới thốt ra vài từ:

– Ở trường vui lắm, nhưng bây giờ vẫn chưa học chính nên về sớm… Này, Dương, sao thế? Muốn khóc thì cứ khóc đi, khóc xong rồi thì cố gắng lên, có một ngày em sẽ thực hiện ước mơ của mình thôi mà.

Nó khóc, đó là lần đầu tiên tôi thấy nó như vậy. Nước mắt thi nhau rơi xuống, ướt đẫm cổ áo lẫn đôi tay gầy bé đang để trên đùi. Tôi không giỏi ăn nói nên chỉ khẽ đặt tay lên vai nó, nước mắt cũng rớt theo.

Lúc đó tôi ước có ông bụt hay bà tiên hiện lên và hỏi nó:

– Làm sao con khóc?

Và rồi giúp nó được tới trường.

Nhưng mong ước viển vông ấy tất nhiên không thể thực hiện, nó vẫn ở nhà trong khi tôi ngày ngày làm bạn với sách vở và những bài thuyết trình trên lớp.

Tháng chín, nắng bắt đầu nhạt dần.

Tôi thấy nó ở trường, nó khoác chiếc cặp cũ kỹ, nở nụ cười tươi chào tôi. Nó lại là cô bé hồn nhiên ngày nào. Tuần trước, mẹ nó về. Mẹ nó và nhà ngoại đã cãi nhau một trận. Bà vừa khóc vừa nói với gia đình mình:

– Con biết bố mẹ ghét con bé, nhưng con bé vô tội. Con biết gia đình mình nghèo, nhưng con không thể để nó trở thành người không học thức như con.

Sau đó bà thu dọn quần áo, cùng nó trở về ngôi nhà nhỏ gần triền đê ngày xưa. Mẹ nó về luôn, không đi nữa. Bà nói, bà ân hận vì tiền mà bỏ con gái lại một mình. Bà dù có chết cũng phải để nó ăn học lên người.

Tôi mỉm cười với nó rồi đèo nó về nhà, nó cười trong veo:

– Mẹ bảo bao giờ đủ tiền, mẹ mua xe cho em. Em đèo trả lại nha.

– Ừ, chị chờ.

Chúng tôi đi trên con đường làng quanh co, nụ cười nở trên môi. Sau bóng tối mờ mịt sẽ là ánh dương soi sáng, phải không???

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN