Những mảnh trời nhỏ bé. - Truyện ngắn 3: Ngoại tôi và những con cá
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Những mảnh trời nhỏ bé.


Truyện ngắn 3: Ngoại tôi và những con cá


Author: Thùy Chi (LoBe)

Ở canteen trường học.

– Sao mày lúc nào cũng ăn cá hoài vậy? Không ngán à?

Nhỏ bạn cau có tỏ vẻ quan tâm, nhưng đa phần là trách móc tôi. Đương nhiên tôi chả lấy gì làm khó chịu mà tưng hửng trả lời:

– Vì tao thích…

Nhỏ hiểu tính tôi, khi tôi nói thích, tức là tôi có lý do riêng, nên nhỏ chỉ im lặng. Tôi cũng im lặng… Trong khoảng không đó, dù trong canteen mỗi lúc một đông, tiếng người, tiếng xì xào, tiếng bát đũa, tiếng mưa,… trộn lẫn vào nhau tạo nên thứ âm thanh kì dị, tôi miên man lạc vào miền kí ức của riêng mình… Những mảng ký ức đa sắc màu, chẳng vẹn nguyên…

Ngày sinh tôi ra, mẹ khóc nấc lên. Nhưng đó không phải giọt nước mắt hạnh phúc hay vui mừng. Đó là nước mắt của sự đau đớn đầy tủi hờn nơi người đàn bà không chồng. Khi tôi vừa tròn 6 tháng tuổi, mẹ tôi ẵm tôi mang cho bà bác ở xa. Ông tôi bấy giờ hơn 60 đã ôm lấy tôi mà rằng:

– Tao sẽ nuôi nó.

Mẹ bỏ đi sau đó ít lâu, một mình ông bươn chải nuôi tôi. Khi trời đông, khi trời hạ, khi là những cơn sốt trái gió trở trời, có lúc là bản tính ương ngạnh của đứa cháu, ông đã trải qua bao vất vả, mà vẫn yêu thương tôi. Nhiều lần tôi cũng thắc mắc, không biết ông lấy đâu ra sức khỏe nuôi tôi lớn từng này…

Nhưng chuyện tôi nhớ nhất là về những con cá…

Ngày bé ông đèo tôi đi học trên con đường mòn nhỏ và hẹp, quãng đường ấy phải đi qua một con sông. Mùa mưa, con sông gầm lên thật dữ dằn, nhả ra dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn dâng. Tôi co rúm người lại ghì chặt vào tà áo ông. Trái lại sự sợ hãi của tôi, ông chỉ cười khà một cái:

– Nước cao thế kia là được mùa lắm con ạ.

Bấy giờ, tôi không hiểu câu nói của ông, vì tôi còn bận nhìn chằm chằm cây cầu bắc qua sông kia. Liệu lúc đi qua, nước bỗng ầm ầm dâng lên thì phải làm sao giờ? Phải đến mãi sau này khi lớn hơn rất nhiều tôi mới hiểu câu nói và cái cười khà phấn khích của ông lúc ấy.

Khi những cơn mưa trút xuống chạm tới mặt đất tạo tiếng kêu lộp cộp, trời mưa càng to thì ông tôi sẽ chuẩn bị đồ nghề cho công cuộc bắt những chú cá của mình càng nhanh. Ông ra khỏi nhà lúc mưa nặng hạt, trời đen kịt, và trở về lúc nhá nhem sáng. Chỉ khi trời sáng hẳn tôi mới biết chắc chắn rằng cả đêm qua ông lại đi đánh cá. Dù cả đêm thức trắng, vật lộn với cơn mưa, làm bạn với dòng sông dữ dằn ông luôn mỉm cười thật tươi khi trông thấy tôi vào sáng sớm khi ông về. Mỗi khi cười, hai má ông bạnh ra, nếp nhăn chằng chịt khắp khuôn mặt. Đôi mắt quầng thâm vì một đêm dài không ngủ nhưng với tôi ông lúc ấy thật đẹp. Rồi ông nhẹ nhàng nâng niu gỡ những con cá ra khỏi tấm lưới.

Những bữa cơm chỉ toàn cá là cá. Cá sông nhiều xương lắm, tôi luôn nhăn mặt khi ăn cơm. Món ăn thường trực của hai ông cháu là: sáng cá, chiều cá, tối lại cá. Chỉ có điều là chúng được ông chế biến khác đi cho mỗi món.

Những ngày ốm, ông nấu bát cháo cá cho tôi ăn. Tôi lắc đầu từ chối. Tôi hờn dỗi:

– Ngày nào cũng ăn cá, con chán lắm rồi.

Ông không nói gì, ẩn sâu trong đôi mắt ấy là những cảm xúc trực trào lên. Lúc ấy, ông đi đánh cá nhiều lắm rồi cố gắng bán chúng đi thật mau hoặc đổi những con cá lấy mớ rau miếng thịt. Tôi đã không biết, sau những đêm dài, để đổi lấy miếng thịt cho tôi, ông ngày một già yếu đi. Tôi chưa bao giờ thấy ông than phiền hay phải chăng tôi đã quá vô tâm?

Càng lớn, tôi càng kêu ca về những con cá, về ông… Nhưng ông vẫn lẳng lặng vậy, không nói, không trách móc nhưng tôi biết sâu trong tâm khảm* ông là những nhọc nhằn khó khắc. Lúc ấy tôi cũng không hay biết tóc ông đã bạc trắng cả đầu, tuy không cười nhưng nếp nhăn cứ hiện rõ trên khuôn mặt kèm những nốt chân chim của sương của gió. Tôi cứ mặc nhiên** lớn lên và tỉ lệ nghịch với với sức khỏe của ông. Ông thì vẫn vậy, không thôi đánh cá, không thôi đi đêm về hôm…

Nghĩ lại cả một tuổi thơ, tôi đã lớn lên nhờ cơn mưa, nhờ dòng sông, nhờ những con cá và hơn tất cả là nhờ có ông.

Ông giờ đã có tuổi nhưng vẫn không ngừng đánh cá, như một thói quen, hoặc theo một nghĩa vụ nào đó. Mỗi khi tôi gọi về, ông hay hỏi:

– Con ăn cá không ông gửi cho?

Lúc ấy khóe mắt tôi cay xè, chẳng thể nói thêm gì nữa chỉ im lặng nghe ông nói một hồi.

Lùa miếng cá vào miệng, cũng kèm theo bao nhiêu ký ức ùa về. Tôi bỗng thấy nhớ bữa cơm cá của ông, nhớ những bữa trưa hè hay những ngày giông bão… Mong sao ông đừng đi đánh cá nữa và mong sao trời đừng mưa nhiều nữa…

– Ăn nhanh đi mày. Chiều còn tiết học nữa.

Câu nói của nhỏ bạn phá vỡ sự im lặng, làm tôi sực tỉnh khỏi ký ức của tuổi thơ. Canteen đã vắng lặng, xa xa văng vẳng tiếng bát đũa đang được rửa. Tôi đứng dậy, trở lại lớp học với những kỷ niệm đắng mặn giọt mồ hôi bên lưới đánh cá của ông, nhưng đong đầy tình yêu ngọt ngào. Những hình ảnh về ông, về những con cá, về cơn mưa của tuổi thơ mãi chẳng thể phai mờ…
______________________________________________________________________________
Giải nghĩa từ: Tâm khả*: nơi chứa đựng những tình cảm thầm kín nhất.
Mặc nhiên**: điềm nhiên, thản nhiên

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN